User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Tap Ket
 
Năm 1975, tôi mới chỉ là cô bé mười một tuổi, đang học lớp 5. Hầu hết những tác phẩm thiếu nhi tôi được đọc trước năm 75 là do bố tôi mua cho tôi như các loại sách Tuổi Hoa (Hoa Đỏ: trinh thám, mạo hiểm; Hoa Xanh: tình cảm gia đình). Bố tôi không cho tôi đọc Hoa Tím (tình cảm nhẹ nhàng) vì nghĩ tôi còn nhỏ quá, chưa thích hợp để đọc truyện loại này. Bố tôi cũng đặt mua dài hạn cho tôi tuần báo Thiếu Nhi và Tuổi Hoa.
 
Đôi lúc, hết truyện đọc, tôi cũng lén đọc trộm các bộ truyện kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung, dịch giả Hàn Giang Nhạn, mà bố tôi có. À, tôi cũng rất thích đọc những truyện dã sử như Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Khái Hưng, đặc biệt tôi rất thích bộ truyện Mười Hai Sứ Quân của tác giả Vũ Ngọc Đĩnh. Tôi đã xem đi xem lại bộ truyện này rất nhiều lần.
 
Ông Vũ Tài Lục, một chiêm tinh gia và nhà tướng số khá nổi tiếng. Ông là bạn thân của bố tôi. Ông có rất ít bạn, có lẽ ông coi tướng số người khác trước khi “chọn bạn mà chơi” chăng? Không hiểu sao bố tôi lại lọt vào mắt xanh để trở thành một người bạn lâu đời của ông.
 
Bác Lục viết rất nhiều sách khi trước năm 75. Mỗi lần xuất bản sách, bác đều đề tặng bố tôi. Nhà tôi ngập đầy sách của bác: Tướng Mệnh Khảo Luận, Thủ Đoạn Chính Trị, Thân Phận Trí Thức, Người Đàn Bà Trong Tướng Mệnh Học, Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư v.v…
 
Khi ấy tôi mới chừng 9 tuổi. Mỗi lần thèm đọc sách quá mà hết sách, tôi cũng lén lấy các sách của bác Lục viết ra đọc. Hai trong những cuốn sách mà tôi thích nhất là cuốn “Tướng Mệnh Khảo Luận” “Người Đàn Bà Trong Tướng Mệnh Học.”
 
Sách tướng mệnh của bác viết khá dễ hiểu. Bác lại lồng vào rất nhiều truyện đời xưa từ Tây sang Đông để minh họa cho những mục trong sách. Do đó một đứa bé nhỏ tuổi như tôi đã bị cuốn hút mà đọc ngấu nghiến cuốn sách đó không phải một mà nhiều lần, đến nỗi tôi bị nhập tâm và đi đâu cũng trổ nghề “thầy bói” ra mà phán y như thật.
 
Có lần tôi sang nhà ông bà ngoại chơi, một người bạn hàng xóm đến nhà ngồi nói chuyện với bà ngoại. Tôi đang ngồi gần đó tình cờ nghe được hai bà nói chuyện. Tôi không nhớ hai bà nói chuyện gì, nhưng chỉ nhớ là tôi mon men lại gần rồi phán một câu xanh rờn với bà hàng xóm, “Bà ơi, giọng nói của bà rất buồn. Tiếng bà nói nghe như tiếng khóc. Số của bà sẽ khắc phu, ở gần chồng thì cãi vã, bằng không thì xa chồng mới sống yên được.”
 
Bà hàng xóm đưa tay ký lên đầu tôi một cái cốc như trời giáng. Tôi sững sờ rồi òa lên khóc. Bà ngoại tôi vờ nạt nộ tôi: “Hỗn nào, đi vào trong nhà” để làm vui lòng bà hàng xóm. Nhưng sau đó bà ngoại đi vào trong ôm tôi, xoa đầu tôi xuýt xoa rồi cho tôi tiền đi mua kem ăn để dỗ dành. Nhưng sau đó, tôi tình cờ nghe bà tôi nói với ông ngoại: “Con Châu nó nói cũng đúng nhỉ. Nó đâu có ở xóm này đâu mà biết hai vợ chồng nhà bà D. cãi nhau hàng ngày vì ông chồng có máu ghen, có khi còn cắt cả đống áo dài của bà này.”
 
Sau năm 75, bà hàng xóm của bà ngoại và mấy người con đi di tản được, còn ông chồng kẹt lại, sau này ông lấy vợ khác… Đúng là bà vợ có số khắc phu thật!
 
Một lần khác, mẹ tôi dắt tôi sang nhà một người hàng xóm chơi. Bà hàng xóm này chỉ có mỗi một cô con gái rất xinh đẹp và học giỏi, là giáo sư dạy Pháp văn ở một trường tư thục. Nhìn thấy đôi bàn tay cô, tôi buột miệng, “Lòng bàn tay đầy, đỏ hồng. Tướng phú quý, vượng phu ích tử.” Cô tròn mắt hỏi tôi tại sao biết mấy cái đó. Tôi trả lời một cách kiêu hãnh, “Con đã đọc hết cuốn sách Tướng Mệnh Khảo luận của ông Vũ Tài Lục.”
 
Cô thích lắm, ôm tôi vào lòng và khen tôi thông minh quá (Sau này lớn lên tôi mới hiểu chẳng phải vì tôi thông minh gì, nhưng vì ai nghe khen mà không thích). Cô thưởng tôi bằng cách dẫn tôi đi ăn kem rồi ghé vào thăm trường mà cô đang dạy học, giới thiệu tôi với các bạn đồng nghiệp và còn phóng đại lên là tôi học giỏi, thông minh cực kỳ, lại còn biết xem tướng. Thế là ai cũng hỏi tôi về tướng số của mình. Tôi tha hồ phán, “Cô có đôi mắt đẹp như mắt phượng (thật tình là tôi phóng đại, vì có thấy mắt phượng bao giờ), sau này sẽ lấy chồng danh vọng, quý nhân quân tử.” “Chú có mặt vuông chữ điền, là người ngay thẳng, nghĩ gì nói đó…” v.v và v.v… Thế là ai cũng thích, tôi được cho biết bao là kẹo bánh. Tôi cũng biết khôn rồi, cái gì tốt tôi mới nói, xấu thì tôi không nói, để tránh bị ăn 1 cái ký đầu đau thấu trời xanh như lần trước.
 
Sau năm 75, tủ sách của gia đình tôi bị tịch thu và bị đốt ngay trước mắt chúng tôi. Mỗi khi nhắc lại điều này, tôi còn cảm thấy nỗi đau khi nhìn từng chồng sách của bố tôi và của chúng tôi bị quăng vào đống lửa. Đau và hận!
 
Nhưng tôi cũng liều lĩnh giấu lại được một ít truyện Tuổi Hoa và truyện “chưởng”. Trong những năm Trung Học, tôi thường lén trao đổi truyện với các bạn trong lớp. Có lần tôi bị bạn “tố” với cô giáo chủ nhiệm (năm đang học lớp 7). Nhưng cô thương tôi lắm nên chỉ cảnh cáo qua loa trong lớp, tịch thu truyện rồi sau đó cuối giờ học, cô gọi tôi đến trả lại hết, còn dặn tôi giấu kỹ, đừng đem vào lớp đổi truyện nữa, kẻo bị bắt không những sẽ làm hại tôi mà còn liên luỵ đến bố mẹ tôi. Từ đó, tôi không còn đem truyện vào lớp đổi nữa mà chỉ đổi ở nhà. Nhiều buổi trưa trời nắng, tôi thường hay cuốc bộ đến nhà bạn để đổi truyện và ngồi nói chuyện, bàn bạc về tình tiết và những nhân vật trong truyện. Tôi có một nhóm bạn 5 đứa, rất thân, thường hay đổi truyện với nhau.
 
Tôi rất thích đọc những truyện dài của nhà văn Duyên Anh như Bồn Lừa, Dũng Đa Kao, Mơ Thành Người Quang Trung; của nhà văn Nhật Tiến như Chim Hót Trong Lồng, Thuở Mơ Làm Văn Sĩ. Nhưng những truyện ngắn lại gây cho tôi ấn tượng sâu đậm và lâu dài nhất như Con Sáo Của Em Tôi (Duyên Anh), Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều (Doãn Quốc Sỹ)… Khi lớn lên, tôi đọc lại những truyện ngắn này rất nhiều lần, lần sau lại thấy hay hơn lần trước…
 
Tôi rất thích viết văn và cũng có thời mơ mình trở thành nhà văn. Từ lúc nhỏ (dưới 10 tuổi), tôi đã viết nhiều truyện ngắn và nhờ bố tôi gửi cho các báo Thiếu Nhi, Chính Luận (mục Mai Bê Bi). Theo tôi, truyện của tôi cũng ly kỳ hấp dẫn lắm nhưng không hiểu sao chưa từng được báo nào đăng cả. Những nhân vật của tôi thường là những đứa trẻ nghèo, đi bán báo, đánh giầy để lấy tiền nuôi cha mẹ già, sau đó bị bệnh hay bị xe tông chết trong cơn giông bão. Bố tôi nói truyện của tôi éo le, cường điệu và nhiều kịch tính quá, không thích hợp với lứa tuổi trẻ em nên bị vất vào thùng rác cả là đúng rồi!!!
 
Nhưng bố tôi rất khuyến khích tôi viết. Cho dù không được thành nhà văn đi nữa, viết cũng là một cách để giải toả lòng mình, cho mình cái quyền được làm chủ số phận của một người nào đó, có quyền ban cho họ sống, chết, vui, buồn, sướng khổ. Thú vị lắm chứ!
 
Cuối cùng, theo ý kiến riêng của tôi, một tác phẩm viết cho thiếu nhi/thiếu niên phải có tình tiết hấp dẫn, nhiều đối thoại, tránh lê thê dài dòng hay triết lý khó hiểu. Trẻ em rất cần những truyện nâng cao trí tò mò và óc tưởng tượng của các em, thúc đẩy tình yêu thương gia đình, nhân loại, yêu thú vật, cho các em sự chọn lựa giữa đúng và sai, tốt và xấu. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Nhà văn cứ thuận theo tự nhiên. Có những kết thúc cần có hậu, nhưng không phải kết thúc nào cũng có thể có hậu.
 
Phạm Hạ Mỵ Châu
 

Tìm các bài LỜI HAY Ý ĐẸP khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com