Thú thật với bạn ta, chữ nghĩa thời nay, tôi đọc thấy nó làm sao ấy, không giống như cách nói của mình hồi trước. Đi dạy học cũng 30 năm, tôi luôn cố update hàng ngày để phòng thân lỡ có người hỏi. Khi nghe câu nói: - Món này hơi “bị” ngon à nhe! - Áo này hơi "bị" đẹp đó.- tôi giật bắn người vì trái ngược với những gì mình đã nói, đã học và đã dạy. Theo chỗ tôi hiểu thì “Bị” là từ chỉ đứng trước tĩnh từ hay động từ mang tính “tiêu cực”. “Tôi bị nó lừa”, “Tôi bị cảm”, ngược với chữ “được” mang đầy tính “tích cực”: “Tôi được công ty nhận vào làm”. “Em nó vào được trường tốt”, “Cháu nó lấy được người chồng hiền lành, chăm chỉ” chẳng hạn.
Tôi có hỏi ngay người nói tại sao lại là “bị”, họ “vô tư” trả lời: nói riết rồi quen, có nghĩa là “ngon” hay “ngon quá”.
Cũng may là chưa bị học trò người Nhật nào hỏi những câu như thế.
Thêm một cách nói quá hà tiện đầy rẫy của "quân ta" hiện tại như “thăm thú”, (đi thăm viếng nhiều nơi cho biết đó biết đây) “thăm thân” = (thăm người nhà, thân nhân), “tuyển Việt Nam” = (đội tuyển Việt Nam), “suy tim mãn (hay mạn)” = (suy tim mãn tính), Có thể đoán ra và cũng có thể ú ớ không hiểu nổi.
Có thêm vài từ mà bấy lâu nay tôi cứ hiểu lầm, ngược hẳn với ý nghĩa. 2 từ ngữ “giãn cách ly”, “giãn cách xã hội”. “Giãn cách ly” tôi vẫn hiểu là đã “gỡ bỏ tình trạng khẩn trương, lockdown”, còn “giãn cách xã hội” thì nghĩ là mình phải giữ một khoảng cách với người phía trước khi phải xếp hàng, ở Nhật là 2m, nhưng hoàn toàn trật lất, nghĩa của 2 từ ngữ này chỉ là một: “tình trạng khẩn trương” hay lockdown.
Thời của tụi tôi không bao giờ tôi được nghe những cách nói mà tôi đặt là "中途半端-chutohanpa nửa vời”, chẳng hạn:
- Anh ấy “cá tính” lắm = Anh ấy có cá tính mạnh lắm!
- Hôm nay coi bộ “tâm tư” = Có chuyện gì mà hôm nay buồn vậy?
- Máy đang bị “sự cố” = Máy đang bị trục trặc!
- Vân vân và vân vân
Những từ như “vô tư”, “động viên”, thì không chỉ mang 1 ý nghĩa mà có nhiều ý nghĩa khác hẳn so với thời tụi tôi
- Thằng đó đến tuổi “động viên” rồi, (đến tuổi phải thi hành quân dịch).
- Cám ơn những lời “động viên” của bạn thì bạn ta đã hiểu khỏi cần giải thích. Nếu tôi thì tôi sẽ nói: “Cám ơn những lời khuyến khích của bạn”.
- Cháu nó còn "vô tư" lắm (là còn thơ ngây, trẻ con lắm, không suy nghĩ)
- Bánh cuốn đã được "tăng cường" thêm chả quế cứ "vô tư" mà ăn nhé các bác! (Có thêm chả quế nữa, ăn thoải mái nghe bà con cô bác!)
Còn nhiều lắm quân ta ơi.
Nói như vậy tôi không có ý chê bai hay kỳ thị vùng miền, mà chỉ thấy ngạc nhiên, biết được thêm cách nói “lạ”, nghe riết cũng phải quen tai "thôi", nhưng không dám dùng vì không tự tín, thấy nó sao sao ấy.
Chữ "thôi" tôi để trong ngoặc kép là vì được nghe lần đầu tiên vào năm 1977.
- Thế cũng tốt "thôi"!
- Phải ăn "thôi"!
Nếu như lúc trước thì tôi sẽ nói:
- Thôi được rồi, (còn đòi hỏi gì nữa).
- Đành phải ăn vậy, (chứ không đói sao)
Chữ nghĩa biến đổi khôn lường, chạy theo không kịp.
Sáng nay được một ông bạn gửi cho link của một trang có tên “Rong chơi chữ với nghĩa”. Tôi sẽ đọc từ từ để hiểu thêm nhiều từ lạ tai nhưng quân ta cứ dùng một cách quá “vô tư”. Có ai biết gì thêm thì xin chỉ bảo.
Ngàn vạn lần cám ơn!
Sayonara