Tôi những tưởng mình từng trải qua bốn năm tù thì việc ngồi yên ở nhà trong thời gian Sài Gòn bị “giãn cách xã hội” chỉ là chuyện nhỏ. Tức là nó sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến tâm lý hay tâm tính, nhất là đối với một người ít có nhu cầu đi đây đi đó và thích sự yên tĩnh như tôi.
Thậm chí tôi không tự nhận ra sự thay đổi của mình cho đến khi chồng tôi bảo “dạo này anh thấy em hay cáu kỉnh, tức giận vô cớ lắm”. Đấy là sau khi anh ấy thấy tôi tuôn ra một tá những lời cằn nhằn chỉ vì một người bạn thân chậm trả lời email liên quan đến công việc. Và có lúc dù rất kiềm chế, tôi vẫn lớn tiếng với cô con gái nhỏ ba tuổi rưỡi chỉ vì nó không thu dọn đồ chơi, khiến con bé ngơ ngác nhìn mẹ với đôi mắt đỏ hoe trước khi bật khóc. Tôi mất ngủ triền miên, thỉnh thoảng phải dùng thuốc nhưng những đêm thức trắng vẫn tiếp diễn. Công việc trễ nải do đầu óc tôi không thể tập trung được. Tệ hơn, có lúc tôi buột miệng văng tục một cách vô thức chỉ vì đọc được một bài báo, hay một tin tức đáng phẫn nộ nào đó. Lúc nhận ra, câu chửi thề đã văng ra khỏi miệng, và rồi tôi lại tự trách bản thân, khổ sở với đủ nỗi dằn vặt.
Đấy là câu chuyện của tôi, một kẻ dù gì cũng vẫn may mắn hơn ngàn vạn người khác vì còn có cơm để ăn, có nhà để ở (dù là nhà thuê) trong thời gian Sài Gòn bị cách ly vì đại dịch. Tôi tự hỏi, những người nghèo khổ, buôn thúng bán mẹt sẽ sống bằng gì khi phải chôn chân trong nhà? Rồi những người láng giềng cũ của tôi, hàng trăm cảnh đời mang tên “Vườn rau Lộc Hưng” sống lay lắt hơn hai năm nay sau khị bị mất nhà mất cửa, đã và sẽ cầm cự cách nào trong mùa dịch? Những chị Hà, anh Điệp, anh Sơn, anh Thái, anh Vân, anh Hiếu…., các bạn tù của chồng tôi có còn sức lực để xoay xở trước cơn khó khăn quá lớn này? Năm ngoái, khi còn khả năng, vợ chồng tôi vẫn giúp đỡ hoặc nhờ bạn bè quyên góp, chia sẻ thêm với họ. Năm nay thậm chí tôi không dám gọi điện hỏi thăm. Song có lẽ không cần hỏi cũng biết là tình trạng bi đát, thê thảm lắm. Hỏi thăm xong không giúp gì được, day dứt thêm.
Cơn bão Covid-19 và lệnh “giãn cách xã hội” chắc chắn sẽ còn đẩy nhiều gia đình, nhiều con người vào cảnh khốn cùng. Nhưng, có những mảnh đời không cần chờ cơn đại địch ập đến, vốn dĩ đã khốn cùng suốt mấy chục năm nay. Đấy là các ông TPB VNCH mà số phận của họ đã được “bên thắng cuộc” định đoạt từ 46 năm trước, sau cái ngày 30/4/1975 nghiệt ngã. Họ là những con người bị bỏ rơi, bị loại trừ ngay trên mảnh đất quê hương ruột thịt, nơi họ đang tồn tại. Số phận bi đát của các TPB, có lẽ không cần mô tả thêm trong bài viết này. Song cần nhắc lại một điều, đa số các ông đều kiếm sống bằng nghề bán vé số, đấy là đối với những ông còn khả năng lết được ra ngoài đường. Số khác, hoặc sống phụ thuộc vào người thân hay sự giúp đỡ có hạn của những tấm lòng bác ái. Lệnh “giãn cách xã hội” (do vậy) như thêm một nhát dao cứa vào những vết thương trên thân thể tật nguyền, chặt đứt phương tiện kiếm sống cuối cùng của những con người già nua và khốn khổ ấy.
Ông Huỳnh Thanh Long và cháu ngoại bị bại não.
Chiều nay, khi tôi đang nằm gặm nhấm nỗi buồn thì nhận được tin nhắn của một TNV cho biết, nơi ở của chú Huỳnh Thanh Long đã được sửa sang lại. Tôi phải dùng từ “nơi ở” vì không thể gọi đó là “ngôi nhà”. Với vỏn vẹn 20 triệu đồng, Cha Vinh Sơn và nhóm TNV chỉ có thể sửa lại cái mái, dựng lại cái cột, láng lại cái nền cho chắc chắn để gia đình chú có chỗ che nắng, che mưa. Chú Long có một người con gái mắc bệnh tâm thần và một đứa cháu ngoại bị bại não, nằm một chỗ. Hàng ngày chú đi bán vé số, vợ chú đi rửa chén thuê, cộng thêm phần hỗ trợ về lương thực, dầu mỡ, mắm muối từ Cha Vinh Sơn cũng đủ để cả nhà chú rau cháo nuôi nhau. Từ khi Sài Gòn bị cách ly, vợ chồng chú không đi làm được, cả bốn người sống nhờ vào sự cưu mang của Cha.
Nơi ở của ông Huỳnh Thanh Long ven sông khi chưa sửa.
Dù gì thì việc sửa được chỗ ở cho chú Long cũng là một tin vui nhỏ nhoi trong cái biển cả thăm thẳm nỗi buồn mang tên số phận TPB VNCH. Có lần, tôi đặt câu hỏi với một TNV rằng: “Nếu đơn cử về một ông có hoàn cảnh đáng thương nhất trong số 150 ông TPB mà Cha Thành đang cưu mang, thì chị chọn ai?” Chị ấy trả lời: “Hoàn cảnh ông nào cũng đáng thương, cũng thê thảm cả. Nhưng mình thấy tội nhất là ông Nguyễn Văn Cừ bị mù cả hai mắt, cụt cả hai tay. Hiện ông đang thuê một căn gác gỗ bé xíu ở quận 8 ở tạm. Mọi sinh hoạt, ăn uống nhờ vào sự chăm sóc của cô em dâu. Căn gác ấy nóng lắm. Hôm bữa mình lên trao quà, ngồi mấy phút mà chịu không nổi”. Rồi chị chuyển cho tôi tấm hình chú Cừ. Nhìn hình ảnh người TPB già cụt cả hai tay, mù cả hai mắt, cởi trần để lộ thân hình gầy gò, tiều tuỵ, tôi rơm rớm nước mắt.
Nơi ở của ông Huỳnh Thanh Long sau khi được Cha Vinh Sơn sửa lại
Từ khi Văn phòng Công Lý- Hòa Bình bị đóng cửa, Chương trình Tri ân TPB VNCH bị khai tử hai năm trước, Cha Vinh Sơn và một số Cha DCCT vẫn âm thầm giúp đỡ, hỗ trợ các TPB trong điều kiện bị bó hẹp và với khả năng có hạn. Công việc tri ân, giúp đỡ các TPB không chỉ cần sự đóng góp, sẻ chia từ các tấm lòng tự nguyện, mà còn đòi hỏi sự hy sinh âm thầm, chịu khó, chịu khổ, thậm chí chấp nhận hiểm nguy của các TNV. Hiện Sài Gòn có 150 ông TPB đang sống gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự cưu mang của Cha Vinh Sơn. Và ông Long, ông Cừ chỉ là hai trong số 150 ông TPB có hoàn cảnh vô cùng éo le, bi đát trong thời gian bị giãn cách. Điều lo lắng nhất của anh chị em TNV lúc này là sức khỏe của cha. Cha Vinh Sơn không chỉ là người cưu mang các ông TPB, mà còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho mỗi anh chị em TNV, kể cả người có Đạo lẫn không có Đạo. Mỗi khi Cha lên cơn đau hay phải nhập viện, chúng tôi đều lo lắng, thậm chí hoảng sợ. Sự khiêm nhường, uyên bác, tấm lòng quảng đại, tinh thần dấn thân tuyệt đối của Cha chính là chất keo gắn kết anh chị em chúng tôi lại với nhau. Để có tiền mua gạo, rau mắm hàng tháng cho 150 ông, Cha Vinh Sơn phải nhặt nhạnh, gom góp mọi thứ và chỉ nhận sự sẻ chia của người thân, anh em con cháu trong nhà, từ chối mọi sự quyên góp, giúp đỡ ồn ào.
Ông Nguyễn Văn Cừ, TPB cụt cả hai mắt, mù cả hai tay.
Có lần tôi hỏi, vì sao Cha phải gồng hết sức để lo cho các chú TPB trong khi Cha còn quá nhiều công việc, mà thời gian và sức khỏe của Cha có hạn. Cha trả lời tôi, như là đang nói với chính lòng mình: “Cha mắc nợ các ông ấy. Cả cuộc đời Cha từ trẻ thơ, thanh xuân cho đến bạc đầu, Cha đều mắc nợ những con người đã hy sinh cho Cha có ngày hôm nay, nhất là những con người nghèo khổ bị bỏ rơi hơn cả”.
Đáng buồn thay, trên đất nước này có quá nhiều người bị bỏ rơi, nhưng các ông TPB VNCH chính là những con người “bị- bỏ- rơi- hơn- cả”. Có mấy ai sẵn sàng chìa bàn tay, mở tấm lòng ra với những con người bị bách hại, bị loại trừ như các ông?
Đã hai tuần, rồi hai tuần kế tiếp Sài Gòn bị giãn cách và vẫn chưa có điều gì bảo đảm sau 4 tuần, thành phố sẽ được nới lỏng, cho những con người khổ sở, những thân người tàn tạ kia lết ra khỏi nhà để bán vé số kiếm ăn. Các ca nhiễm mỗi ngày một nhiều thêm và nếu tình trạng “giãn cách xã hội” kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng thì liệu những người dân nghèo, những người tàn tật như các ông TPB có còn cầm cự nổi?
Một số hình ảnh trao quà cho các ông TPB.
Sài Gòn 19/6/2021
Phạm Thanh Nghiên