Một trong những bước quan trọng để hướng tới giáo dục thành công, là khi khoảng cách giữa cha mẹ và con cái không quá xa.
“Mới tí tuổi đầu, bày đặt ý kiến này ý kiến nọ. Mình dạy cho thì lại cãi, rồi giận hờn, bỏ ăn, bỏ uống. Tui mệt với ‘cô chiêu’ nhà tôi quá!,” cô Trish Nguyễn than thở với người bạn hàng xóm cùng ở trong khu chung cư thuộc thành phố Garden Grove.
Cha mẹ hãy lắng nghe những nhu cầu hợp lý của con, đáp ứng các con khi có thể. (Hình minh họa: Beth Macdonald/Unsplash)
Hỏi ra, mới biết từ đó đến giờ, cô Trish một mực cưng chiều cô con gái 12 tuổi. Con muốn gì được nấy, nên đến lúc suy nghĩ của con “trái” với suy nghĩ của mình thì bà mẹ dễ… nổi khùng. Ví dụ, trong khi cô bé thích đá banh (trong đội banh nữ của trường) thì bà mẹ bắt con học đàn; con muốn rủ bạn đến nhà chơi thì bà mẹ ngăn cấm… Nhiều lần như thế, cô bé dần dần ít tâm sự, thủ thỉ với mẹ như trước, khiến bà càng nổi đóa. Khoảng cách giữa hai mẹ con xa dần.
Cũng chỉ vì mơ ước trở thành đầu bếp, thay vì là một “bác sĩ tương lai” theo ý của cha mẹ, “cậu ấm” Minh Khoa, con trai một gia đình khá giả ở thành phố Huntington Beach bị cả nhà… tẩy chay. Mới đây, nước mắt lưng tròng, mẹ em tâm sự: “Dòng họ nhà tôi toàn giáo sư, bác sĩ. Có được thằng cháu đích tôn thì nó lại đòi làm đầu bếp, có khổ không cơ chứ! Giờ nó nhất quyết theo đuổi nghề ấy, nói không nhe, rồi tự xa lánh mọi người.”
Không phải “tự xa lánh” mà chính thái độ của “cả dòng họ toàn giáo sư, bác sĩ” đã khiến cậu bé không muốn chia sẻ, tâm sự về ước muốn của mình. Và chính thái độ ấy tạo nên khoảng cách ngay trong gia đình.
Độ tuổi giữa cha mẹ và con cái thường đủ khoảng cách để trải qua những cảm nhận khác nhau khi lớn lên ở những hoàn cảnh văn hóa xã hội khác nhau. Tuổi mới lớn lại là thời điểm mà con trẻ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ xã hội xung quanh, trong khi thế giới thì không ngừng phát triển và đổi thay. Nếu phụ huynh vẫn khư khư theo nhận thức chủ quan và cực đoan của mình khi xử sự các tình huống với con thì chắc chắn sẽ tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái.
Nếu giao tiếp không đúng cách, mối quan hệ này sẽ ngày càng trở nên xa cách, lạnh nhạt. Cha mẹ nên làm gì để cải thiện tình hình. Các chuyên gia tâm lý giáo dục đưa ra vài lời khuyên trên Parenting, giúp các bậc phụ huynh giải quyết vấn đề này:
Tạo điều kiện cho trẻ tự lập
Trẻ cần được dạy tính tự lập. Nếu cha mẹ kiểm soát chặt chẽ quá có thể gây tác dụng ngược, nhất là khi trẻ đang trong giai đoạn đang phát triển. Cha mẹ càng kỷ luật trẻ nghiêm khắc, trẻ càng phản kháng. Điều này khiến đứa trẻ không khá lên được và mối quan hệ với cha mẹ cũng trở nên tồi tệ hơn. Bởi lẽ khi càng lớn, trẻ càng hình thành ý thức tự lập và khả năng nhận thức của riêng mình. Nếu cha mẹ áp đặt ý kiến chủ quan với con, chỉ khiến trẻ ngày càng ngại giao tiếp với cha mẹ.
Bảo vệ lòng tự trọng của trẻ
Nhiều phụ huynh còn đưa ra hình phạt nặng khi trẻ phạm sai lầm, khiến các em cảm thấy mình bị tổn thương. Khi trẻ làm điều gì sai trái, cách giải quyết của cha mẹ rất quan trọng, không chỉ để trẻ biết lỗi của mình mà còn bảo vệ lòng tự trọng của trẻ. Hãy cho con cơ hội để thử sức và thậm chí mắc sai lầm cũng không sao. Nhà giáo dục học Lunacarski từng nói: Sai lầm là học phí phải trả cho sự tiến bộ.
Dù không phải cha mẹ cố ý làm tổn thương con bằng lời nói nhưng trong nhiều trường hợp, hành vi mắng mỏ hay quan niệm “thương cho roi cho vọt” của phụ huynh đều ảnh hưởng xấu đến lòng tự trọng của trẻ.
Trẻ cần được dạy tính tự lập. Nếu cha mẹ kiểm soát chặt chẽ quá có thể gây tác dụng ngược. (Hình minh họa: Joë Gayah Jonker/Unsplash)
Lắng nghe “tiếng lòng” con trẻ
Một cuộc khảo sát về trò chuyện giữa trẻ em và phụ huynh cho ra kết quả, trong số tất cả những người được khảo sát, chỉ có 7% học sinh và phụ huynh có hơn một giờ trò chuyện mỗi ngày. Nhưng nội dung trò chuyện của họ chỉ giới hạn ở việc học và làm bài tập về nhà. Chỉ 1.6% học sinh nói chuyện với cha mẹ về ước mơ của mình.
Lời khuyên của các nhà tâm lý học, cha mẹ hãy gần gũi và lắng nghe con nhiều hơn. Giao tiếp giữa cha mẹ và con cái là một quá trình hai chiều. Trước tiên cha mẹ phải hiểu con và bước vào thế giới nội tâm của con, nghe được “tiếng lòng” con; và tiếp nữa là để cho con hiểu mình.
Các phụ huynh hãy lắng nghe những nhu cầu hợp lý của đứa trẻ, đáp ứng các con khi có thể. Như vậy, tình cảm cha mẹ-con cái mới được cải thiện, khăng khít hơn. Khi cha mẹ có thể thu hẹp khoảng cách trong tương tác với con cái, họ đã thực hiện một bước quan trọng để hướng tới việc giáo dục thành công. (B.Khôi)
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/