User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

vethuxeplai

Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc vốn dĩ là tác giả của nhiều tác phẩm viết về đạo Phật và anh còn là nhà thuyết giảng trong các lớp“Đạo Phật và Đời Sống” vào các ngày cuối tuần ở chùa Xá Lợi (Sài Gòn), nên ghi nhận trước tiên của tôi sau khi đọc tác phẩm Về Thu Xếp Lại là tư tưởng Phật Giáo gần như bàng bạc trong suốt các trang sách của tác giả.

Thật thế, ngay như ở Lời ngỏ, phần giới thiệu cuốn sách, tác giả viết:

“Người ta nói đúng. Mình đang ở tuổi nào thì đó là cái tuổi đẹp nhất, không thể có tuổi nào đẹp hơn! Một người 40 mà cứ tiếc mãi tuổi 20 của mình, một người 60 mà tiếc mãi tuổi 40 thì đến 75 họ sẽ tiếc mãi tuổi 60… thật là đáng thương!

Tôi nay ở tuổi 80. Thực lòng… đang tiếc mãi tuổi 75! Thấy những bạn trẻ… trên dưới bảy mươi mà “gato”! Mới vài năm thôi mà mọi thứ đảo ngược cả rồi. Bây giờ có vẻ như tôi đang lùi dần về lại tuổi ấu thơ, tuổi chập chững, tuổi nằm nôi…

Vòng đời rất công bằng. Chỉ còn cách tủm tỉm cười một mình mà thôi!“

Không ai có thể ở hoài một tuổi nào mà mình thích. Thời gian cứ trôi, trôi hoài và không ai có hai lần ở cái tuổi 20 hoặc tuổi 30, tuổi 40… chẳng hạn!

Vâng, người ta thường ví dòng đời như một dòng sông và có một câu ngạn ngữ rất quen thuộc của một triết gia Hy Lạp, Héraclite, mà ai ai cũng biết: ”Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông”.

Cách nay hơn nửa thế kỷ (ngày 21-11-1965), Thượng Tọa Thích Thiên Ân, trong một lần thuyết trình về đề tài “Giá Trị Triết Học Tôn Giáo Trong Truyện Kiều” nhân kỷ niệm Đệ nhị bách chu niên cụ Tiên Điền Nguyễn Du, tại thính đường Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn, Ngài đã nói:

”Vâng, không ai có thể tắm được một dòng sông trong hai lần, vì nước sông luôn luôn lưu động di chuyển, vì các tế bào trong con người luôn luôn sinh diệt diệt sinh. Con người ngày hôm qua không phải là con người ngày hôm nay, dòng sông của giờ phút trước không đồng với dòng sông của giờ phút sau, thay đổi khác nhau từng tích tắc sát na, như thế thì làm sao mà tắm được một dòng sông trong hai lần?”(1)

Qua “Lời ngỏ” như vừa nhắc, nhất là câu: “Vòng đời rất công bằng. Chỉ còn cách tủm tỉm cười một mình mà thôi!”, là người đọc nhà quê già, tôi cảm thấy nụ cười “tủm tỉm” của tác giả  phảng phất chút gì rất hợp với tư tưởng Phật Giáo, vì: “… Thân thể trăm năm của cá nhân con người mình cũng theo định luật chung mà trôi qua như dòng nước. Đã không bám víu được vào sự vật bên ngoài, quay vào trong phản tỉnh, lòng tự hỏi lòng có chi tồn tại, không biến đổi, ngoài thời gian và không gian?” (Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử Tư tưởng Việt Nam).

Đó là phần mở đầu của cuốn sách. Bây giờ xin mời bạn thử lần tìm chút nắng, chút gió và cả chút mưa trong “Về Thu Xếp Lại” có gì vui, có gì thú vị ở đây chăng?

Vâng, thưa bạn, ngay phần một, tác giả ghi tựa “Cát Bụi Tuyệt Vời…”. Và sao lại gọi là “Cát Bụi Tuyện Vời…”?

“Cái hình ảnh lấy cát bụi vo thành một cục rồi thổi vào đó một hơi dài để vươn vai lớn dậy làm người thì thật là thú vị. Thú vị ở chỗ nghĩ cho cùng, cái thân xác cát bụi kia một hôm trở về làm cát bụi thì đã là chuyện dĩ nhiên, đương nhiên, tự nhiên, sao còn sanh sự tào lao chi cho mệt. Có điều để cái “cát bụi tuyệt vời…” này trở thành “cát bụi mệt nhoài” thì lỗi tại ta. Ta có thể làm cho cát bụi trở nên “thú vị” được lắm chứ!…“

Vâng, là một người đọc nhà quê già, đôi lúc tôi cũng nghĩ như tác giả là thân phận con người chẳng khác nào là “cát bụi”, có đó rồi theo thời gian đến lúc trăm năm lại trở về với cát bụi thôi! Dù đời xưa hay đời nay, dù thời nào và ở đâu cũng vậy, hổng cách gì con người có thể vượt ra ngòai cái định luật tự nhiên của trời đất mà chối cãi được! Nhưng cái điều đáng nói ở đây là tác giả đã biết cách làm cho “cát bụi” phàm trần ấy trở thành “cát bụi tuyệt vời” ngay trong đời sống hiện tiền!

Bạn sẽ hỏi tôi, tác giả làm bằng cách nào chứ gì? Thì đây lá bí quyết mà Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc chẳng hề giấu giếm dù anh  đã viết: “Nói không được. Bất khả thuyết. Không từ đâu đến/ chẳng đi về đâu. Nó Như Lai…”. Nhưng chính tác giả đã gợi mở ra cánh cửa giải thoát ngay trong phần này cho chính mình và cho người đọc: vì con người sở dĩ bị “mệt nhoài” là do những thứ như “thất tình lục dục, hỉ nộ ái ố…” đó thôi! Vậy thì theo tôi, chỉ còn cách mình phải dứt khoát buông bỏ ba cái lăng nhăng ấy thôi! Phải vậy hông?

Sau khi nhận ra được “Cát Bụi Tuyệt Vời..“ như vậy, tác giả giới thiệu phần kế tiếp về tiến trình của tuổi già: “Tôi Chợt Nhìn Ra Tôi”:

“Chợt” là vì bất ngờ. Nhưng không phải bất ngờ vì tôi thấy tôi. Mà bất ngờ vì tôi chợt “nhìn ra” tôi. “Nhìn ra” khác với thấy. Nhìn ra là “quán”.  Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã chiếu kiến ngũ uẩn giai không… . Quán là thấy rõ (chiếu kiến). Tôi bấy giờ không còn là tôi bây giờ. Tôi bấy giờ là tứ đại, là ngũ uẩn. Và nếu quán một cách sâu sắc hơn, có thể thảng thốt kêu lên: “Bổn lai vô nhất vật”! (Lục tổ Huệ Năng). 

Cái thú vị ở đây là tác giả “chợt nhìn ra tôi” tức là nhận diện được chính mình một cách bất chợt, không có chuẩn bị gì ráo trọi! Xưa nay người ta thường nhận ra cái xấu, cái khuyết điểm, cái lỗi lầm, cái già của người khác nhưng ít khi nào có ai thấy được cái xấu, cái lỗi, cái già của chính mình! Do vậy theo tôi, tác giả bảo: “Tôi chợt nhìn ra tôi”, rồi: “Tôi thường tủm tỉm cười”, có nhiều hàm ý trong mấy từ ngắn ngủi ấy. Nó vừa là một tiếng lòng, vừa là tiếng than, vừa là một lời trách là sao tự bấy lâu nay ta không thấy ta già dần theo thời gian, mà phải đợi mãi đến hôm nay mới “chợt nhìn ra mình”? Có trễ lắm không hay vẫn còn là một may mắn là mình còn biết mình nay đã phong sương nhiều rồi để còn kịp “về thu xếp lại” nữa chứ! Phải vậy hông? Trong đời tôi chỉ sợ nhứt là mình không biết mình là ai đó thôi! Vì không biết mình lam sao biết người được! Có đúng vậy hông?

Hoặc một chỗ khác, tác giả cũng lại “cười” mình: “Nhiều khi, sáng dậy, nhìn vào gương soi tôi lại thấy tức cười. Tôi đó sao? Nhăn dần từng nét ngộ nghĩnh trên mắt trên da (…). Tôi tức cười nhìn mình. Nó nhìn tôi cũng cười. Ngộ nghĩnh. Cười mà ráng. Không ráng thì nó trĩu nặng.”

Với tuổi già đến nhanh và không trừ bất cứ ai, với tôi, một người bình thường, tôi biết vậy nhưng nhiều lúc lại sợ nó, sợ cái già tới mau quá nhưng với tác giả thì khác, anh lúc nào cũng bình thản nhận ra nó bằng nụ cười dù đôi lúc nụ cười ấy có chút gì xót xa, có chút gì ngậm ngùi…; nhưng phải công bằng nhận ra rằng tác giả là một mẫu mực của sự can đảm, của nhận thức về màu thời gian hằn lên da thịt con người qua những nếp nhăn một cách bình tĩnh và đặc biệt là anh cócách để làm cho cái chút bụi, cái chút gió ấy trở nên thú vị!

Phần tiếp theo là “Về thu xếp lại… ngày trong nếp ngày”. Phần này cảm động là lúc tác giả kể lại những trường hợp chính anh bị bệnh và nhờ vậy mà tác giả lại mới nhớ lại mình:

“Nhưng bệnh cũng có cái hay của nó chứ. Nó làm cho ta nhớ lại mình…”

Và có lẽ phần dưới đây, cảm động cũng không kém:

“Cái thiếu lớn nhất của người già là thiếu bạn. “Trời cao đất rộng, một mình tôi đi/ đời như vô tận, một mình tôi về… với tôi!” (TCS). Từ ngày về hưu, bạn bè rơi rụng dần. Rơi rụng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Lâu lâu, dòm lại cái cuốn sổ danh mục ghi điện thoại đã thấy có nhiều địa chỉ chẳng biết làm sao liên lạc được nữa. Muốn xóa mà ngâp ngừng rồi không nỡ.”

Dường như ai ai mỗi khi trải qua bảy tám chục năm tuổi đời rồi vì hoàn cảnh này hoặc hoàn cảnh khác, lâu dần bạn bè “rơi rụng” nhiều, giống như tác giả tâm sự, muốn xóa đi một địa chỉ cũ, lâu rồi không còn liên lạc được nhưng trong lòng cứ “ngập ngừng rồi không nỡ.” Riêng tôi, cũng gặp nhiều trường hợp khó xử như vậy! Dù tôi chẳng làm nên công lên chuyện xuống gì nhưng cũng có cuốn sổ điện thoại, rồi cũng ghi địa chỉ nữa; nhưng lâu quá tôi không còn liên lạc được với vài ba anh em trong cuốn sổ ghi chép ấy và đặc biệt có nhiều anh em nay các anh ấy dời chỗ nào rồi không biết hoặc có anh tôi biết chắc là nay ảnh không còn trên đời này, nhưng mỗi lần muốn lấy viết gạch bỏ số điện thoại ấy đi, tôi cũng không đành! Nghe sao cứ nao nao trong lòng!

Đến chương: “Con Tinh Yêu Thương Vô Tình Chợt Gọi…”, tác giả kể về nỗi niềm trắc ẩn của chính mình mỗi khi nghe hoặc  nhìn thấy cảnh đời nhiều lúc rất quen nhưng không cầm được nước mắt cứ chực trào ra, không kềm giữ nổi:

“Tôi thấy mình càng già càng dễ xúc động. Cảm xúc rất mạnh. Mít ướt. Cảm xúc không bị bào mòn đi hay cùn nhụt đi, chai lì đi như vẫn tưởng…”

Vâng, tôi nay già cũng hơi bộn bộn rồi và tôi cũng “mít ướt” từ rất sớm, ở những năm vào tuổi 50, 60, hoặc 70 chứ đâu có già gì cho lắm như bây giờ mới mít ướt đâu! Về điều này, tôi rất đồng cảm với tác giả vì chính tôi nay chưa già bằng anh nhưng cũng đã bảy mươi mấy rồi và nhiều lúc đọc một câu chuyện kể về những đứa trẻ mồ côi rồi có người xin về nuôi, ba bốn chục năm sau, khi lớn khôn và thành nhân, thành tài rồi, đứa bé mồ côi ngày xưa ấy bỏ ra bao nhiêu năm lặn lội tìm lại được mẹ mình, cảnh sum hiệp, trùng phùng mẹ con mừng mừng tủi tủi ấy cũng làm tôi rơi nước mắt.

Hoặc nhiều năm gần đây cứ mỗi lần nghe lại một bài nhạc hợp với tâm cảnh của mình tôi cũng khóc được; khóc một cách tự nhiên không gì kềm giữ được! Chẳng hạn như khi nghe lại bản “Tám Điệp Khúc” của Anh Việt Thu tôi nhớ hồi mới quen bà xã tôi, ngày nào trước căn nhà ở đường NCC (Quận Nhì, Sài Gòn), phía trước nhà có một nhà hàng xóm lúc nào cũng mở máy thu băng bản nhạc ấy, nghe riết rồi như ghiền, rồi sau này cử mỗi lần ở đâu chăng nữa hễ nghe bản nhạc ấy là nhớ những ngày yêu dấu tuyệt vời của mình; vậy mà rồi tôi cũng không cầm được nước mắt! Nhiều lắm những nhạc phẩm như thế, cảm động lắm! Nói gì nguyên bản nhạc thì vậy, đằng này chĩ vài chữ dùng thôi như chữ “tà dương” trong nhạc phẩm “Chuyến Tàu Hoàng Hôn”, hổng biết sao cứ nghe đến hai chữ “tà dương” thôi là tôi bị như ma hút hồn mình, tôi trầm ngâm một mình và rưng rưng nước mắt!

Thêm nữa, tôi hoàn toàn đồng ý và cảm ơn tác giả về nhận định này:

“Tình yêu lãng mạn có ý nghĩa rất lớn ở người có tuổi. Như “nuôi sống” họ bằng tình yêu (…)  Thứ “romantic relationships” này là những “hỗ trợ xã hội” tuyệt vời nhất, xúc chạm, thân mật, gần gũi càng già càng thấy cần hơn, nhất là khi người ta cảm thấy cô đơn hay đau khổ vì một lý do nào đó cần chia sẻ. Người phối ngẫu lúc đó cũng đã trở thành một người bạn thiết. Tuổi trẻ, tình yêu gần gũi với tình dục, nhưng tuổi già, tình yêu trở nên đằm thắm, tình yêu của từ bi hỷ xả, của bè bạn, cùng sến già nam và sến già nữ cho nhau!”

Dù nhỏ hơn tác giả vài ba tuổi, nhưng thực sự tôi cũng biết được giá trị của lời nhận định vừa rồi của tác giả bởi một lẽ giản dị là vì “…tuổi già, tình yêu trở nên đằm thắm, tình yêu của từ bi hỷ xả, của bè bạn, cùng sến già nam và sến già nữ cho nhau!”

Đến chương: “Người Đã Đến Và Người Sẽ Về Bên Kia Núi”, tác giả giúp người đọc nhận ra đâu là thật, đâu là giả trong cõi trăm năm này của một đời người.

“Đời sống sinh vật thay đổi từng sát na, không bao giờ đứng yên một chỗ, lẽ nào tái sinh lại y chang như cũ? Có điều những nguyên liệu cứ hủy, tan rã rồi lắp ráp lại nên một hình tướng mới. Cho nên mới bảo nó chỉ là “giả tướng” tạm bợ vậy thôi. Thấy “như thật” là thấy cái thực tướng vô tướng đó. Thỉnh thoảng ta gặp một ai đó thấy như đã quen từ lâu, như đã có hẹn hò từ muôn kiếp trước… thì cũng đừng có ngạc nhiên!“

Vâng, những suy tư vừa rồi của tác giả về một chu trình khép kín ấy rất hợp với tư tưởng Phật Giáo mà Thượng Tọa Thích Thiên Ân cũng có nhắc:

“Theo Phật giáo thì vũ trụ nhân sinh đều là do nhân duyên hòa hợp với nhau mà sanh, không có một vật nào thật có cả. Nhân duyên hòa hợp ở đây là chỉ trạng thái hòa đồng tương hợp giữa hai phần thể chất và tinh thần (con người), vật thể và hình thể (sự vật), hay nói đúng theo danh từ của Phật giáo là Tứ đại và Ngũ uẩn hòa hợp lại mà thành, nên tất cả đều là vô thường, giả huyễn, hữu hạn và đau khổ.“(2)

Ở chương: “Chìm Dưới Sương Thu Là Một Đóa Thơm Tho…”, tác giả đã đặt ra nhiều câu hỏi thú vị về sự hiện diện của con người trong trời đất này, và dĩ nhiên, phải là người dày dạn kinh nghiệm và lịch lãm mới có những ý tưởng thâm trầm như vậy được.

Chẳng hạn, tác giả viết: “Tôi ngờ rằng có một phần thưởng quý giá nào đó cho kiếp nhân sinh, mà thiên nhiên đã mất công tạo ra, không thể nào có một mục đích duy nhất là làm cho nó phải khổ đau từ lúc sanh đến lúc bệnh, lão và tử. Điều này hoàn toàn vô lý. Bởi nếu vậy thì thiên nhiên đã không tạo ra vạn vật, nhất là sinh vật.”

Vâng, với ý tưởng mà tác giả vừa nêu trong phần này quả đúng là chẳng lẽ hóa công tạo ra con người, ra vạn vật để rồi hành hạ nó, bắt nó khổ đau chơi cho vui hay sao? Có cha mẹ nào sanh con cái ra mà không muốn con cái khỏe mạnh, mau lớn, mau khôn, thông minh và sáng dạ đâu? Chắc chắc là muốn con cái mình mau lớn, ngoan hiền và thông minh rồi! Có cha mẹ nào đành đoạn bắt con cái đói khát, ngu dốt, lang thang đầu đường xó chợ không? Chắc chắn là không rồi! Điều này nếu có, quả là rất vô lý! Bởi lẽ tạo hóa, trong đó có các đấng trời cao sở dĩ được người ta tôn thờ là vì người ta tin tưởng các đấng ấy yêu thương mọi sinh vật kể cả con người!

Để giải thích thêm cái ý hóa công có phần thưởng nào cho mọi sinh vật trong trời đất không, tác giả đặt ra nhiều câu hỏi có ý tìm hiểu mà cũng đượm chút gì trách móc hóa công:

“Thử nhìn xem, vạn vật luôn đẹp đẽ, sinh vật luôn đẹp đẽ muôn màu muôn sắc, hai con bọ ngựa yêu nhau, ve vãn nhau, giao hợp, xong con đực chết ngay và trở thành thức ăn cho con cái. Con cái mang cái trứng đã thụ tinh, nuôi nấng và sinh sản, xong cũng chết. Nếu chỉ làm cái việc giao hợp rồi chết như con bọ ngựa hay những con ong đực, thì nhiệm vụ duy nhất của nó chỉ là làm vật trung gian, truyền giống, khi hoàn thành nhiệm vụ thì không có lý do gì để tiếp tục tồn tại. Vậy thì ít ra phải có chút tưởng thưởng gì cho cái vất vả của nó chứ? Có lẽ vì thế mà thiên nhiên đã tặng cho nó chút khoái lạc trong lúc giao hợp. Nhưng sự giao hợp là sự truyền trao chủng tử, còn chuyện “bố thí thân mạng” kia có ý nghĩa gì không? Có được tưởng thưởng gì không?”

Còn nhiều câu hỏi khác mang tính triết học liên quan tới việc ăn, việc ngủ, về khoái lạc, về nguồn gốc con người, về cái sống, và cả về cái chết nữa. Nhưng thôi, tôi xin dành lại cho bạn để bạn tìm đọc cho vui!

Ở tiêu đề “Trên Hai Vai Ta Đôi Vầng Nhật Nguyệt”, tác giả dẫn người đọc về một chương với tính tương sanh tương hợp giữa thiên nhiên và con người qua cái nhìn của Phật Giáo. Có thể nói đây là một chương đượm màu sắc triết học Phật giáo rõ nhất trong tác phẩm “Về Thu Xếp Lại” qua kiến giải của một “hành giả” đã thấm nhuần  tư tưởng Phật giáo như tác giả, quả là một bài học rất quý báu cho những ai muốn tìm hiểu về các giá trị đích thực của đời sống hiện hữu này vậy! Chẳng hạn, tác giả bàn qua về “Minh và vô minh”, về “Những gì là hạt giống Như Lai?”, về phiền não, về bịnh, về thực tướng vô tướng, về chân không diệu hữu, về ma, về kiến tánh, về luân hồi sanh tử, về nghiệp báo oan gia, về Phật và Như Lai…

Tới chương “Trời Cao Đất Rộng Một Mình Tôi Đi…”, tác giả lại khai triễn thêm về hơi thở và  thiền, … Quả thật đây là cả một quá trình tu tập khá lâu dài và tôi khoái nhất câu này:“Chẳng ai có thể thở giùm ai được đâu. Chẳng ai có thể “thiền” giùm ai được. Cho nên phải quay về nương tựa chính mình “một mình tôi đi, một mình tôi về… với tôi” mà thôi.“

Ở phần cuối: “Để Lại Trong Cõi Thiên Thu Hình Dáng Nụ Cười…“, tác giả đã tìm ra phương pháp, tự nhận và biết mình rõ hơn qua nền tảng kiến thức y học mà tác giả đã học và kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề bác sĩ: “Cái nền tảng kiến thức y học cũng giúp soi sáng nhiều điều, và ngược lại học Phật đã giúp tăng cường hiệu quả cho y học nhờ tiếp cận toàn diện, thân tâm, khổ đau, bệnh hoạn…”.

Và trước khi kết thúc, tác giả đã viết:

“Khi chưa hiểu thì tất cả những điều này có vẻ bất thường, kỳ cục, vô lý, khi hiểu được rồi thì thấy nó quá rõ ràng, chính xác, hoàn toàn hợp lý. Nhờ đó, có thể thấy xuyên suốt những pháp này pháp nọ, tông này tông kia chẳng qua cũng chỉ là một.

Không phải là lý thuyết suông, mà là sự thực nghiệm, thể nghiệm ngay trên bản thân mình.  Hãy đến và nếm thử. Mô tả không được! Nếm trải mới biết.“

Tóm lại, nếu quả đúng “văn là người”, thì  qua tác phẩm “Về Thu Xếp Lại” với một bút pháp đặc biệt rất đặc thù của Đỗ Hồng Ngọc: nó giản dị mà hàm súc, chất liệu thì trữ tình, thành thật, cảm động, và đôi khi pha chút dí dỏm trong cách dùng chữ mà ý nhị, thâm trầm đã có thể cho chúng ta thấy được một Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc dày dạn kinh nghiệm trong tu tập và lịch lãm trên đường đời; mặt khác, ở đây nó còn thể hiện rõ đức tính và phong cách một Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc luôn thương mình, luôn yêu người, và nhất là yêu cuộc sống này với tất cả sự đam mê, lạc quan và tha thiết! Có lẽ nhờ vậy mà ở tuổi tám mươi tác giả vẫn yêu đời và tôi chưa thấy anh già chút nào!


Hai Trầu, Lương Thư Trung

Houston, ngày 31 tháng 03 năm 2019
……………………………………………………………..

1&2/ Trích trong quyển “Giá Trị Triết Học Tôn Giáo Trong Truyện Kiều” của Thương Tọa Thích Thiên Ân, Giáo sư Tiến Sĩ Đại Học Văn Khoa và Vạn Hạnh (Sài Gòn), nhà xuất bản Đông Phương (Sài Gòn), năm 1966, các trang 32-33.

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com