User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
ngo thuy mien Copy
 
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô Quang Bình, sinh 26/9/1948 tại Hải Phòng, là con thứ nhì trong một gia đình có bảy người con. Ông lớn lên với sách vở, thơ văn, vì gia đình có mở một nhà sách tên Thanh Bình ở thành phố Cảng, và sau này trên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), Sài Gòn, trước trường Tiểu Học Pháp Aurore. Tại Sài Gòn, ông học trường Trung Học Nguyễn Trãi. và sau đó là trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn (Nay là Đại học KHTN). Trong thập niên 1960, Ngô Thụy Miên có theo học vĩ cầm với Giáo Sư Đỗ Thế Phiệt, và nhạc Pháp với Giáo Sư Hùng Lân tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn.
 
Tình khúc đầu tiên của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên là “Chiều Nay Không Có Em” được viết từ năm 1963 và ra mắt công chúng năm 1965, được giới sinh viên học sinh thời gian đó hưởng ứng rất nồng nhiệt. Vài năm sau, ông cho xuất bản một tập nhạc đầu tay lấy tựa “Tình Khúc Đông Quân” in ronéo phát hành tại Sài Gòn (1969). Đông Quân chính là bút hiệu đầu đời của ông trước khi đổi qua bút hiệu Ngô Thụy Miên bây giờ.

https://www.youtube.com/watch?v=Pb6N5dR3Iu8

Trong tuyển tập “Tình Khúc Đông Quân”, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã ghi lời tâm bút thay cho lời ngỏ trên trang đầu, là những tình khúc viết cho bạn bè và tình yêu, trong đó gồm 12 bản tình ca gồm Giáng Ngọc, Mùa Thu Này Cho Em (sau đổi là Mùa Thu Cho Em), Gọi Nắng (sau đổi là Giọt Nắng Hồng), Dấu Vết Tình Yêu (sau đổi là Dấu Tình Sầu), Cho Những Mùa Thu (sau đổi là Thu Trong Mắt Em), Tình Khúc Tháng 6 (thơ Nguyên Sa), Nhạt Tình (sau đổi là Dấu Vết Tình Yêu), Mây Hồng (sau đổi là Tuổi Mây Hồng), Gọi Tên Em, Ái Xuân, Mùa Thu Về Trong Mắt Em (sau đổi là Mắt Thu) và Ngày Mai Em Đi. Sau ca khúc đầu tay Chiều Nay Không Có Em, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên có một loạt nhạc phẩm nổi tiếng được phổ từ thơ của thi sĩ Nguyên Sa như Áo Lụa Hà Đông, Paris Có Gì Lạ Không Em, Tuổi 13…
 
Trong thời gian theo học Đại Học, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã nhiều lần trình diễn và phổ biến những sáng tác của mình tại các Hội Quán Văn Nghệ, các Trung Tâm Văn Hóa và Giảng Đường Đại Học. Năm 1974, Ngô Thụy Miên thực hiện băng nhạc đầu tay “Tình Ca Ngô Thụy Miên” gồm 17 tình khúc đã được viết trong khoảng thời gian 1965 – 1972. Với sự góp mặt của các ca sĩ và nhạc sĩ như Khánh Ly, Duy Trác, Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Lan, Duy Quang…

https://www.youtube.com/watch?v=-yl8h5rHWYM

Nghe băng nhạc Ngô Thụy Miên 1974 – được nhiều người nhận xét là băng nhạc tình ca hay nhất.

Ngô Thụy Miên có một chuyện tình ly kỳ, gặp nhiều trắc trở vì hoàn cảnh đất nước. Trong thời gian học tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Ngô Thụy Miên quen biết với Đoàn Thanh Vân (con gái của diễn viên Đoàn Châu Mậu), và hai người đã có một mối tình. Những tình khúc bất hủ của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phần nhiều là được viết cho cuộc tình này. Mối tình của họ bắt đầu khi quen biết nhau tại trường, sau đó bị ngắt quãng một thời gian, rồi lại tái hợp vào năm 1973 và đi đến quyết định kết hôn. Nhưng do sự kiện tháng 4 năm 1975, khiến dự định kết hôn của hai người đã không thành, vì Đoàn Thanh Vân theo gia đình di tản trong những ngày đầu tiên, trong khi Ngô Thụy Miên ở lại Sài Gòn. Chính niềm thương nhớ đó đã tạo thành cảm xúc cho ông sáng tác thành ca khúc “Em Còn Nhớ Mùa Xuân”, nhắc nhớ đến những kỷ niệm đẹp của hai người trong khung cảnh của Sài Gòn một thời thơ mộng, đồng thời khẳng định với người yêu rằng:

Anh ở nơi này vẫn luôn chờ mong…
Em có bao giờ còn nhớ mùa xuân
Nhớ tháng năm xưa của tuổi dại khờ
Nhớ tiếng dương cầm giọng hát trẻ thơ
Có thấy bơ vơ ngày tháng đợi chờ
Nơi ấy bây giờ còn có mùa xuân
Có dáng nghiêng nghiêng nụ cười thật gần
Có mắt nai vàng ngời sáng tình xanh
Em có bao giờ thấu cho lòng anh
Trời Sài Gòn chiều hôm nay còn nhiều mây bay
Nhiều niềm đau thương bi hận tràn đầy
Gượng nụ cười giọt lệ trên môi
Nhìn đất nước tơi bời một thời em có hay
Những thành phố em sẽ đi qua
Đây Ba Lê, đây Luân Đôn, đây Vienne
Nhưng có đâu bằng Sài Gòn hôm qua
Nhưng có đâu bằng Sài Gòn mai sau
Em có mơ ngày hát câu hồi hương
Em nhé khi nào chợt nhớ mùa xuân
Nhớ lá thư xanh và chuyện tình hồng
Nhớ nắng hanh vàng nhuộm áo Hà Đông
Anh ở nơi này vẫn luôn chờ mong…

https://www.youtube.com/watch?v=gPlRrWFX05k

Dưới đây là những lời của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên khi tình tự gửi cho người yêu Đoàn Thanh Vân, đó là ký ức một thời Sài Gòn của ông: “Rồi đến là những mùa Xuân của tuổi trẻ, của những háo hức, đợi chờ, của những môi hôn vội vã, vòng tay quấn quít trao nhau trên đường phố thân thương, quán hàng quen thuộc. Em nhớ không, La Pagode, Givral của những sáng hẹn hò, Hoàng Gia, Pôle Nord của những chiều đưa đón, dạo phố Tết Nguyễn Huệ, Lê Lợi tấp nập người qua, và những tối ghé quán Bà Cả Đọi, rồi Đêm Mầu Hồng. Cái không khí ấm áp tràn đầy tình thương của quê hương đó, làm sao có thể ngờ được chỉ trong vài tháng đã chỉ còn để lại một mùa Xuân, một mùa Xuân cuối cùng của những đổi thay…” Năm 1978, Ngô Thụy Miên sang được đến Pulau Bidong – Mã Lai, ở đây 6 tháng trước khi được nước thứ ba bảo lãnh cho sang Montréal (Canada) vào tháng 4 năm 1979. Khi đó, Đoàn Thanh Vân từ San Diego – Mỹ, được tin người yêu đã đến được Canada, đã bay sang gặp người yêu. Họ nối lại cuộc tình dang dở hơn 10 năm vì thời cuộc và kết hôn với nhau. Cùng năm 1979, cả hai qua sống tại San Diego rồi dời lên Orange County. Qua năm 1980, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên bắt đầu đi làm về ngành điện toán cho trường UCLA (Los Angeles) và định cư tại Seattle (Washington). Tại đây ông cho ra đời sáng tác đầu tiên tại hải ngoại của mình là “Bản Tình Ca Cho Em”, được thính giả đón nhận ngay sau chuỗi ngày dài thiếu những giai điệu tình ca vì phải lo ổn định cuộc sống trên xứ người. Những ca khúc quen thuộc khác cũng được Ngô Thụy Miên sáng tác là: Nắng Paris Nắng Sài Gòn, Giấc Mơ, Mùa Thu Xa Em, Tháng Giêng và Anh, Dốc Mơ… Sau đó, vợ chồng Ngô Thụy Miên – Đoàn Thanh Vân chuyển đến định cư ở Olympia, tiểu bang Washington, là một thành phố hiền hòa, bình yên. Họ đã đi du lịch rất nhiều nơi trên thế giới. Có một lần Ngô Thụy Miên dừng chân đến một nước Đông Nam Á, chỉ còn một bước nữa thôi là về đến quê nhà, nhưng bước chân phiêu linh sao vẫn nặng nề và quê xưa vẫn xa vời vợi.
 
Tổng cộng đến nay, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã sáng tác được trên 70 ca khúc, với khoảng 20 bài được sáng tác khi còn ở trong nước. Có những nhận xét từ mọi người khi nói rằng nhạc Ngô Thụy Miên chứa đựng đầy chất lãng mạn, chịu nhiều ảnh hưởng từ thơ Nguyên Sa. Có người biện giải, những suy nghĩ đó chỉ đúng phần nào đó khi ông phổ thơ Nguyên Sa.. Còn những nhạc phẩm khác, nhạc của Ngô Thụy Miên vẫn mang đậm chất tình ca riêng biệt như những nhạc phẩm đầu tay trong tập nhạc “Tình Khúc Đông Quân”. Vì nhạc của Ngô Thụy Miên nếu đứng riêng biệt cũng không kém chất lãng mạn, trữ tình, vẫn có sắc thái độc đáo. Tuy nhiên không ai có thể phủ nhận, khi Ngô Thụy Miên phổ thơ Nguyên Sa thì sự giao duyên này là một cuộc giao hưởng trường cửu, như “Paris Có Gì Lạ Không Em”, “Tuổi 13”, “Áo Lụa Hà Đông”, “Nắng Paris Nắng Sài Gòn”, “Tình Khúc Tháng 6”… Sự giao hưởng này làm thăng hoa sự tuyệt tác từ thơ qua nhạc và ngược lại. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên từng tâm sự về mối giao cảm giữa nhạc của ông với thơ Nguyên Sa: “…Trong thời gian đi học, mình đọc thơ của Nguyên Sa nhiều nhất, ngâm nhiều nhất thành ra nó đã thấm vào hồn mình… Trong bốn thập niên viết nhạc của tôi thì thơ của ông ấy lúc nào cũng bàng bạc ở trong dòng nhạc của tôi. Ngay cả như bên này như tôi viết “Nắng Paris, Nắng Sài Gòn” cũng mang một âm hưởng của Áo Lụa Hà Đông hay Paris Có Gì Lạ Không Em?”.
 
Ngô Thụy Miên từng nói rằng: “Tôi không viết nhạc để sống, nhưng sống để viết nhạc”, cho thấy ông là người sống vì nghệ thuật hơn là nô lệ cho đồng tiền bằng những sáng tác tác phẩm của mình, do ông còn có một nghề khác là chuyên viên của ngành điện toán. Vì thế cho đến nay Ngô Thụy Miên chỉ đến với âm nhạc bằng những cảm xúc riêng tư, không hề có mục đích thương mại, như ông đã tuyên bố, do đó những tình khúc của ông đã thoát ra sự gò bó khi dùng âm nhạc và lời ca làm sinh kế như nhiều nhạc sĩ cùng thời. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên muốn viết cho chính ông, bằng những cảm xúc thật của mình, “tôi không viết cho mọi người”. Tuy chủ trương không viết cho mọi người, nhưng dòng nhạc của ông đã nói lên được tâm sự của những ai từng có những rung động trong tình yêu. Trả lời câu hỏi tại sao nhạc sĩ Ngô Thụy Miên không viết về những đề tài khác ngoài tình ca, ông thú nhận là có nhiều khi cũng muốn viết đề tài khác, nhưng không viết được. “Hơn nữa tôi không cảm thấy mình muốn viết về những đề tài đó, cho nên tôi chỉ viết về tình ca không mà thôi”. Nhưng có lẽ lý do đúng hơn hết là do bản tính lãng mạn của một nghệ sĩ vì “nếu bây giờ tôi khô khan, mực thước, đâu vào đó cả thì tôi đâu có làm văn nghệ được”.
 
Ngô Thụy Miên cũng tự bạch về một quãng đời xa xưa của mình:

“Tôi sinh ra tại Hải Phòng, một thành phố ở miền Bắc, cũng là nơi sinh trưởng của 2 người nhạc sĩ tôi yêu quy nhất, Văn Cao và Đoàn Chuẩn. Nếu Văn Cao là người nhạc sĩ tôi quy trọng nhất, không phải chỉ về những đóng góp của ông vào vườn hoa âm nhạc, mà còn về tác phong, đời sống cá nhân ông, còn với Đoàn Chuẩn là người tôi yêu thích nhất với những tình khúc bất hủ, và những đóng góp lớn lao của ông vào việc tạo dựng một dòng nhạc tình tự, lãng mạn nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Qua Đoàn Chuẩn, tôi đã yêu mùa Thu, đã sáng tác nhiều nhạc phẩm về mùa Thu, và vẫn mơ một ngày nào đó sẽ có dịp trở về thăm mùa Thu của ông…
 
Rời Hải Phòng vào miền Nam, bố mẹ tôi đã chọn thành phố Sài Gòn, đường Phan Đình Phùng để xây dựng lại tiệm sách Thanh Bình làm nơi sinh sống. Tại đây tôi lại có dịp nhìn thấy những chiếc tầu sắt khổng lồ với những ống khói cao ngất, phun ra những tàn khí bụi than mù mịt bầu trời (đoạn đường sắt này chạy trên đường Phạm Viết Chánh về đến Mỹ Tho thời Pháp, qua đến thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm vẫn còn hoạt động). Nhà tôi ở gần góc đường Cao Thắng (nay là Cao Thắng – Nguyễn Đình Chiều), trước cửa trường mẫu giáo Aurore. Tôi còn nhớ trên đường Cao Thắng, thật là một sự tình cờ trùng hợp, cũng có một lò bánh mì, là nơi cuối tuần tôi hay ra mua bánh về cho cả nhà ăn sáng với thịt nguội. Ngoài ra còn có 2 rạp chớp bóng Việt Long (sau là Văn Hoa Sài Gòn) và Đại Đồng. Ngôi chợ rất gần nhà là chợ Vườn Chuối mà thỉnh thoảng mẹ tôi cho đi theo để xách giỏ thức ăn về hộ mẹ…”.

nhacxua.vn biên soạn và tổng hợp
Nguồn: Trường Kỳ, Nguyễn Việt, wiki, thoibao

*********************

"Mùa Thu Cho Em" - lời tỏ tình mùa thu của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên

001 Muathuchoem
 
Đất trời chuyển mình vào thu, tạm biệt những cơn giông và cái nắng hạ vàng như mật. Mùa thu tới nhịp sống như khoan thai, để con người tận hưởng khoảnh khắc chuyển giao tuyệt vời của tạo hóa. Lắng nghe một bản nhạc nhẹ nhàng như ánh nắng mùa thu, cảm xúc của ta như chậm lại sau những bước chân và nhịp đời vồn vã.
 
Ngô Thụy Miên là một nhạc sĩ tình ca với những bản tình ca bất hủ. Nhạc của ông là những cảm nhận đẹp đẽ tinh tế ông gửi theo làn gió thu heo may dịu dàng, những con đường ngập lá vàng rơi hay cả khúc yêu thương của những trái tim còn đang ngây ngất bởi sắc thu lời nhắn nhủ đánh thức cảm xúc của người nghe.
 
Đó chính là những giai điệu âm thanh tuyệt vời mà ca khúc “Mùa Thu Cho Em” gửi gắm. Lời ca bay bổng, hình ảnh lãng mạn, giai điệu ngọt ngào mang âm hưởng của những năm 70 là lời nhắc tới người nghe thu đã sang rồi.
 
Vẻ đẹp nồng nàn của mùa thu trong con mắt của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên
 
Khi nhắc tới mùa thu, người ta thường liên tưởng tới bầu trời với những đám mây màu xám lũ lượt kéo nhau về vây kín cả không gian. Cây cối như đứng im buồn bã, những chiếc lá như chẳng lưu luyến cành.
 
Lá vàng ngập trời, gió thu hiu hiu khẽ thổi cũng đủ làm lá rụng rơi. Mùa thu thường mang sắc màu của sự ảm đạm, của những nỗi buồn.
 
Ấy thế mà với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên mùa thu trải ra lại đẹp đẽ dịu dàng. Ông như đang lắng nghe tiếng gọi của mùa thu. Âm thanh của chiếc lá rụng, của con nai vàng ngơ ngác đạp xào xạc trên lá vàng khô cũng được ông lắng nghe một cách tinh tế.
 
Mưa mùa thu nhẹ nhàng tí tách, làn gió nhẹ hiu hiu thổi nhưng lại làm cho tâm hồn của nhạc sĩ ngây ngất mà chẳng thấy vẻ của cô liêu.
 
Vạn vật đang thay cho mình chiếc áo mới và con người cũng chậm bước lại để cảm nhận điều tuyệt diệu của cuộc sống. Cảm xúc ấy được nhạc sĩ ví von như ‘‘trái tim vương màu xanh mới’’. Đó như lời nhắc nhở rằng, thu sang rồi tâm hồn ta cũng cần phải khoác lên nó một chiếc áo mới, một sức sống mới, tình yêu và niềm hi vọng.
 
Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Và em có nghe khi mùa thu tới
mang ái ân mang tình yêu tới
em có nghe nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé
 
Em có hay mùa thu mưa bay gió nhẹ
em có hay thu về hết dấu cô liêu
Và em có hay khi mùa thu tới
bao trái tim vương màu xanh mới
em có hay hay mùa thu tới hồn anh ngất ngây
 
Có thể thấy rằng, tình cảm dành cho mùa thu được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên thể hiện vừa lãng mạn, vừa kín đáo nhưng vẫn có sự nồng nàn say đắm theo nhịp của yêu thương vốn sẵn có trong con tim yêu được thể hiện qua từng bản tình ca của ông.
 
Cái đặc biệt của ca khúc Mùa thu cho em có lẽ chính là con mắt nhìn đầy lạc quan về cuộc sống của nhạc sĩ. Người ta có thể dệt lên những ca từ mang sắc vẻ buồn bã, của sự ảm đạm, hay vẻ cô liêu, nhưng với Ngô Thụy Miên, ngay cả trong cái buồn cũng vẫn đẹp. Nắng úa nhưng lại đẹp như hàng mi của em, nắng thu nhè nhẹ lại đủ làm cho đôi má em hồng, đôi môi nhạt nhưng lại thơm nồng. Dẫu mùa thu có làm người ta bồi hồi như người đang đợi chờ thì nó cũng đẹp thơ mộng như thể anh đang chờ em, chờ người yêu thương.
 
Giấc mơ tình yêu:
 
“Và em có mơ khi mùa thu tới, hai chúng ta sẽ cùng chung lối….”

Bức tranh mùa thu bằng âm nhạc của Ngô Thụy Miên hiện lên đẹp thơ mộng. “Mùa Thu Cho Em” cũng là một góc nhìn đầy hy vọng, niềm tin và tình yêu cuộc sống của nhạc sĩ.
 
Tình yêu luôn gắn liền với những giây phút đợi chờ. Cảm xúc ấy là khác nhau. Có người đợi chờ trong nôn nóng bồn chồn, có người đợi chờ trong lo âu, có người đợi chờ trong hồi họp, khắc khoải. Còn với Ngô Thụy Miên, giây phút đợi chờ trong cơn mưa mùa thu khiến nàng thu trong ông nức nở. Ông như cảm nhận được sâu hơn hương vị của cuộc sống, lắng nghe được những âm thanh rất nhỏ báo hiệu cho mùa thu tới.
 
Ông như mơ, mơ về hạnh phúc lứa đôi. Giấc mơ đầy hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp nên ông khe khẽ hỏi:
 
Nắng úa dệt mi em
và mây xanh thay tóc rối
nhạt môi môi em thơm nồng
tình yêu vương vương má hồng
 
sẽ hát bài cho em
và ru em yên giấc tối
ngày mai khi mưa ngang lưng đồi
chờ em anh nghe mùa thu tới
 
Em có mơ mùa thu cho ai nức nở
em có mơ mơ mùa mắt ướt hoen mi
Và em có mơ khi mùa thu tới
hai chúng ta sẽ cùng chung lối
em với anh mơ mùa thu ấy tình ta ngát hương…
Bởi vậy mà người ta nói rằng Mùa Thu Cho Em là bản tình ca đầy ắp yêu thương và hy vọng. Là cái nhìn đầy lạc quan về cuộc sống của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Nếu có ai đó nói rằng cuộc sống là buồn tẻ thì hãy yêu đi, bởi khi yêu trái tim kia sẽ vui trở lại, và tình yêu là hương vị đầy thanh khiết xoa dịu tâm hồn của con người. Đó là món quà mà thiên thần tình yêu muốn trao tặng cho con người, để gieo lên đó hạt giống của yêu thương.
 
Mùa Thu Cho Em được thể hiện rất thành công bởi hai danh ca: Lệ Thu và Ngọc Lan, họ đã truyền tải tới người nghe những gì đẹp nhất, dịu dàng nhất, thơ mộng nhất và trong sáng nhất từ cái hồn của ca khúc này.
 
Trở lại với những ca khúc nhạc Việt của một trong bốn cây cổ thụ của nhạc tình ca Việt Nam để được đắm mình vào hương sắc của đất trời vào thu. Để lắng nghe nhịp điệu của cuộc sống và thêm yêu hơn cuộc đời này.
 
Chuyên mục Nghệ thuật của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả bản nhạc mùa thu tuyệt đẹp mang theo lời nhắn gửi: Thu đã sang, lòng ta thêm rộn ràng, thêm nâng niu và yêu thương cuộc sống này.
 
Trí Lực
Mùa Thu Cho Em (Ngô Thụy Miên)

Cúc no nắng cúc mới vàng sắc nắng
Gió còn thưa lá chưa vội vàng đưa
Lắng tai nghe Thu bước nhẹ vào mùa
Phơn phớt thấy mùa Thu đang gợi cảm

Chỉ lắng nghe âm thanh dịu dàng một lời thơ, để những ngón tay miết nhẹ lên giai điệu và lòng thì thầm nhắc khẽ: “Thu rồi…”

Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Và em có nghe khi mùa thu tới
mang ái ân mang tình yêu tới
em có nghe nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé...

Mỗi tình khúc của Ngô Thụy Miên giống như một nỗi nhớ đánh rơi bên hồ, có màu sắc, hương vị và thanh âm riêng biệt. Để rồi một ngày đầu Thu, nỗi nhớ mang trên mình đôi cánh xanh trong suốt, bay lên từ vòm sóng và hát ríu ran bản tình ca giữa đất trời.

Em có hay mùa thu mưa bay gió nhẹ
em có hay thu về hết dấu cô liêu
Và em có hay khi mùa thu tới
bao trái tim vương màu xanh mới
em có hay hay mùa thu tới hồn anh ngất ngây...

Đó là Mùa Thu Cho Em, một bài hát hài hòa giữa ca từ bay bổng trong sáng đặt trên nền nhạc cổ điển của thập niên 70. Mùa về trong phố, dắt theo dịu dàng một cơn mưa. Người ta thường nói ở xứ này vào ngày mưa buồn lắm. Những con đường nhỏ thưa thớt bóng người, chỉ còn vòm cây xanh thẫm đổ xuống như một chiếc dù ngăn cách mặt đất với bầu trời.

Đi qua nơi nào cũng bắt gặp nét cổ kính phong rêu: mái ngói đỏ sậm, bức tường phai màu, hoa Chăm Pa trên cây. Và tất cả quán café ở đây đều dìu dặt những bản nhạc trữ tình êm ái. Tâm hồn thành phố nhỏ từ mấy trăm năm đã là một hòa tấu thật hiền và xúc cảm. Người lạ ghé thăm, ngỡ ngàng bởi sự trầm lắng, dễ thương và xíu xiu nơi này.

Buổi sáng, ngồi bên hiên quán café nhìn xuống mặt hồ xanh rộng, tay xoay xoay ly trà và ngắm những con bồ câu sà xuống kiếm hạt dưa. Mưa bụi khẽ khàng đậu trên tóc, trên má, rồi rớt xuống tay mát dịu. Ngày mưa, nhưng không buồn…

Không gian tĩnh tại, hợp quá với một tình khúc của Ngô Thụy Miên. Nhạc sĩ không sinh ra trên đất này, nhạc phẩm không nhắc tới đất này, mà sao “tạng” của ông lại như thể bắt nguồn từ chất điềm đạm, mộng mơ vốn là bản sắc nơi đây vậy.
 
Mùa thu, một ngày mưa, xứ sở mang tên nỗi buồn. Sao tất cả điều này bước vào âm nhạc của Ngô Thụy Miên lại nồng ấm, giàu tình cảm đến thế. Màu vàng của nắng, màu xanh cây cối, bụi mưa trong, cùng môi thơm thiếu nữ… đã dệt nên mối tình đẹp, se sợi dây yêu thương vấn vít và khiến lòng người mẫn cảm, tinh tế hơn trước những thanh âm mùa: “Anh có nghe, nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé.”

Một lời tỏ tình ý nhị và nữ tính. Cô gái đã nhờ mùa thu nói hộ lòng yêu, hay cô chính là mùa thu đấy, tóc mây môi hồng, hát tình ca và mơ về đường yêu thơm ngát.

Ngoại ô mùa thu. Lối mòn quanh co chạy lên dốc, thấp thoáng màu hoa giấy trắng hồng xập xòe như cánh bướm nhỏ. Xung quanh là đồi thông trùng điệp. Màu thông xanh kì ảo, mượt mà, đôi khi có thể khiến tâm hồn bật khóc vì những phiến lá nhỏ thon như nỗi buồn quỳ gối.
 
Cỏ dưới chân mịn ướt, mùi rêu ẩm trên thân cây lẫn với hương dẻ vàng thơm mềm. Không gian mùa thu chìm trong màu xanh ngát. Mát lạnh thẳm sâu. Muốn làm một chiếc lá mỏng, dũng cảm treo nơi đầu cơn gió lạ, qua ngày bão ngày mưa, lá vẫn bền bỉ ở lại với đời hát ca. Muốn làm một mặt trời bên lưng đồi vùi ngủ, không mang sắc đỏ, không lấp lánh vàng, một mặt trời đi vắng cho ngày mưa êm thật êm.
 
Ngày mai khi mưa ngang lưng đồi
Chờ anh, em nghe mùa thu trôi.

Ở lưng đồi mùa thu, có những cơn mưa về đậu lại, ngọn thông cao rì rào và một người con gái mắt trong đứng đợi tình yêu. Câu nhắn nhủ hẹn hò đã trở thành điểm nhấn của ca khúc, buông chậm rãi xao xuyến như đám mây vắt ngang bầu trời. Mùa thu chỉ vừa tới như lòng người mới lần đầu chớm yêu.
 
Với Mùa thu cho em, Ngô Thụy Miên đã vẽ một mùa rất riêng, tươi sáng và ấm áp. Nó khác hẳn màu phôi pha, úa tàn ta thường gặp trong các tình khúc thu của những nhạc sĩ cùng thời.

Có mưa đấy nhưng đem lá rắc lưng đồi, màu nắng nhẹ để điểm trang hàng mi thiếu nữ, và nỗi cô liêu không còn ám ảnh trái tim người trẻ tuổi. Trái tim đó đã biết gõ nhịp yêu thương và mang đôi cánh xanh trong suốt bay trên đồi để hát ríu ran về tình yêu cùng nỗi nhớ.
 
Những ngày mưa, mùa này, có thể nhặt trong thành phố biết bao nhiêu là nỗi nhớ, có màu sắc, hương vị và âm thanh riêng biệt. Riêng tôi, tôi vẫn muốn được lần nữa ngồi bên hiên quán café ven hồ, tay xoay xoay ly trà và thảnh thơi ngắm những con bồ câu sà đậu kiếm hạt dưa.

Tôi biết có thể từ dưới mặt hồ trong veo này, hay ở lưng đồi mùa thu phía xa kia, sẽ đổ về một dòng nhạc phảng phất hơi sương ẩm trộn lẫn mùi thơm của ban mai tinh khiết.

Và tôi lại ước mình được trở thành một mảnh lá treo nơi đầu cơn gió, một mặt trời ngủ quên bên lưng đồi, cho ngày mưa cứ thế trôi êm, êm mãi…

Ở lưng đồi mùa thu, Người biết không - tôi - vẫn đợi!

Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Và em có nghe khi mùa thu tới
mang ái ân mang tình yêu tới
em có nghe nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé

Em có hay mùa thu mưa bay gió nhẹ
em có hay thu về hết dấu cô liêu
Và em có hay khi mùa thu tới
bao trái tim vương màu xanh mới
em có hay hay mùa thu tới hồn anh ngất ngây

Nắng úa dệt mi em
và mây xanh thay tóc rối
nhạt môi môi em thơm nồng
tình yêu vương vương má hồng

sẽ hát bài cho em
và ru em yên giấc tối
ngày mai khi mưa ngang lưng đồi
chờ em anh nghe mùa thu tới

Em có mơ mùa thu cho ai nức nở
em có mơ mơ mùa mắt ướt hoen mi
Và em có mơ khi mùa thu tới
hai chúng ta sẽ cùng chung lối
em với anh mơ mùa thu ấy tình ta ngát hương...

Tình Khúc Bất Tử
 
Cảm nhận âm nhạc: “Mùa Thu Cho Em” (Ngô Thụy Miên) Lời tỏ tình của mùa thu
 
Trong làng nhạc miền Nam trước 1975, nhắc đến dòng nhạc tình ca, người ta sẽ nghĩ đến nhạc sĩ Ngô Thụy Miên trước tiên. Mỗi bài hát của nhạc sĩ họ Ngô là một màu sắc, hương vị và thanh âm riêng biệt và tất cả đều là ca tụng tình yêu. Tình yêu trong nhạc của ông có thể không trọn vẹn, nhưng tuyệt nhiên không có sự bi lụy hay đau thương nào, thay vào đó là những lời dịu ngọt, êm đềm, vỗ về tình nhân. Vì vậy dòng nhạc Ngô Thụy Miên luôn nhận được sự yêu thích đặc biệt của nhiều thế hệ khán giả.
 
Hai bài hát đầu tiên mà Ngô Thụy Miên ra mắt công chúng yêu nhạc ở miền Nam thập niên 1960 là bài Chiều Nay Không Có Em (năm ông 17 tuổi) và Mùa Thu Cho Em (khi ông vừa tròn 20 tuổi). Nếu như bài hát đầu tiên được công chúng đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt là ở lớp thanh niên, sinh viên thời đó, thì bài hát thứ 2 – Mùa Thu Cho Em – luôn có trong danh sách những ca khúc trữ tình hay nhất về mùa Thu.
 
muathuvanglevitan
Mùa Thu Vàng Levitan
 
Vẻ đẹp cô liêu, trầm lắng và lãng mạn muôn đời của mùa thu đã trở thành nguồn cảm hứng trong hội họa từ thế kỷ 19 qua nét vẽ của Levitan trong bức tranh nổi tiếng Mùa Thu Vàng. Vài mươi năm sau đó, các nhạc sĩ thời kỳ tiền chiến của Việt Nam đã khai phá nền tân nhạc bằng những khúc thu ca bất hủ của Đặng Thế Phong, Văn Cao và sau đó là Đoàn Chuẩn. Thập niên 1960, thế hệ nhạc sĩ miền Nam lại đóng góp thêm rất nhiều bài thu được yêu mến cho đến tận ngày nay, như Cung Tiến với Thu Vàng, Phạm Mạnh Cương với Thu Ca, và Ngô Thụy Miên với Mùa Thu Cho Em.
 
Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Và em có nghe khi mùa thu tới
mang ái ân mang tình yêu tới
em có nghe, nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé
 
Em có hay mùa thu mưa bay gió nhẹ
em có hay thu về hết dấu cô liêu
Và em có hay khi mùa thu tới
bao trái tim vương màu xanh mới
em có hay, hay mùa thu tới hồn anh ngất ngây
 
Nắng úa dệt mi em
và mây xanh thay tóc rối
nhạt môi môi em thơm nồng
tình yêu vương vương má hồng
 
sẽ hát bài cho em
và ru em yên giấc tối
ngày mai khi mưa ngang lưng đồi
chờ em anh nghe mùa thu tới
 
Em có mơ mùa thu cho ai nức nở
em có mơ, mơ mùa mắt ướt hoen mi
Và em có mơ khi mùa thu tới
hai chúng ta sẽ cùng chung lối
em với anh mơ mùa thu ấy tình ta ngát hương…
 
Mùa thu của Văn Cao là nỗi buồn trong Buồn Tàn Thu, nỗi cô liêu trong Thu Cô Liêu. Mùa thu của Đặng Thế Phong càng sầu thảm hơn với Vạn Cổ Sầu, còn mùa thu của Đoàn Chuẩn là những nỗi niềm tự sự: “Có những đêm về sáng, đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi”… Với Ngô Thụy Miên, mùa thu lúc nào cũng đẹp, dịu dàng, êm ái và ngát hương như những lời thủ thỉ, tình tự với người yêu:
 
“Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương…”
 
Cái tinh tế trong nhạc cảm của Ngô Thuỵ Miên là đã nghe được cả tiếng nai vàng hát trong “mưa giăng lá đổ”. Trong tiếng mưa rả rích của mùa thu, tiếng gió thổi, tiếng lá bay lạo xạo, tâm hồn trinh nguyên của người nghệ sĩ còn nghe được cả tiếng nai vàng hát, rồi còn là hát khúc yêu đương nữa. Đó là tài năng thiên bẩm của người nghệ sĩ, dễ dàng rung cảm trước thiên nhiên, hay là chính chàng trai đang hát khúc yêu đương tỏ tình rồi đổ tội cho con nai vàng ngơ ngác?
 
Không những vậy, người nhạc sĩ còn mượn cái hồn thu lãng đãng để rót mật vào tai người yêu:
 
em có nghe nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé…
 
Mùa thu với màu vàng của nắng, màu úa của lá, màu xanh của cỏ cây còn trơn ướt những giọt sương mai, một bức tranh tuyệt đẹp. Có phải vì vậy mà các nhạc sĩ hay tỏ lời yêu thương vào cái mùa của lãng mạn này.
 
Em có hay mùa thu mưa bay gió nhẹ
em có hay thu về hết dấu cô liêu
Và em có hay khi mùa thu tới
bao trái tim vương màu xanh mới
em có hay, hay mùa thu tới hồn anh ngất ngây
 
Mùa thu được trải ra đẹp đẽ và dịu dàng để dìu gót giai nhân. Tình cảm mà chàng trai mang đến thật ân cần, nhẹ nhàng và đầy sức sống, đó là “trái tim vương màu xanh mới”. Mùa mới đã sang, nên tình yêu cũng cần sang một trang mới, khi hồn người đang say đắm và ngất ngây rồi.
 
Trong cơn say đó, có lẽ chàng trai đã không còn phân biệt được đâu là mùa thu, đâu là người tình nữa, vì dường như cả hai đã hòa thành một:
 
Nắng úa dệt mi em
và mây xanh thay tóc rối
nhạt môi môi em thơm nồng
tình yêu vương vương má hồng…
 
Tiếp theo đó là lời “hứa hẹn”. Không biết là cô gái đã nhận lời yêu chưa, mà chàng trai đã mơ mộng về một ngày có thể vỗ về nhau yên giấc tối, rồi nhắn nhủ những câu chờ nhau:
 
sẽ hát bài cho em
và ru em yên giấc tối
ngày mai khi mưa ngang lưng đồi
chờ em anh nghe mùa thu tới…
 
Em có mơ mùa thu cho ai nức nở
em có mơ mơ mùa mắt ướt hoen mi
Và em có mơ khi mùa thu tới
hai chúng ta sẽ cùng chung lối
em với anh mơ mùa thu ấy tình ta ngát hương…
 
Chàng trai rón rén hỏi người yêu rằng trong giấc thu nhẹ nhàng chiều nay, người có đang mơ về những mùa xưa nức nở và mắt ướt hoen mi, hay là sẽ mơ về một tương lai cùng nhau chung lối? Người ta vẫn bảo rằng nếu cuộc sống này buồn tẻ quá thì hãy mở lòng đón nhận tình yêu. Vì khi yêu, trái tim sẽ bừng dậy cùng những hương vị thanh khiết nhất của cuộc đời: em với anh mơ mùa thu ấy tình ta ngát hương…
 
Nhưng nếu không thể, thì người cũng hãy nhớ rằng ở lưng đồi kia ta vẫn đợi, và nghe những mùa thu đang tới. Hãy nhớ:
 
ngày mai khi mưa ngang lưng đồi
chờ em anh nghe mùa thu tới
 
Trọn vẹn cả bài hát này là một lời tỏ tình rất ý nhị. Năm mươi năm qua, không biết có bao nhiêu người đã mượn bài hát này để tỏ tình, chỉ biết rằng chính nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã nhận định rằng đây là bài hát đã mang tên tuổi của ông đến với công chúng yêu nhạc hồi thập niên 1960-1970, và là một trong những bài tình ca được yêu cầu nhiều nhất trên đài phát thanh thời đó.
 
Đông Kha (nguồn nhacxua.vn)

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com