Trong bài “Văn Học Miền Nam: Ai Trở Lại Với Ai?” (1) trước đây, tôi có đề cập đến sự kiện đài Truyền Hình Tiền Giang trong nước đọc liên tục một số truyện ngắn của nhà văn Phạm Văn Nhàn, trong số đó có “Vùng Đồi,” một trong 11 truyện ngắn trong tập truyện đầu tay của anh, mà cũng là tựa đề cho toàn tập truyện, do Thư Ấn Quán xuất bản ở hải ngoại và đã tái bản đến lần thứ ba (năm 2014).
Nhà văn Phạm Văn Nhàn (hình chụp năm 2019) và tập truyện “Vùng Đồi.” (Hình: Trần Doãn Nho/Người Việt)
Trong “Lời Mở,” nhà văn Phạm Văn Nhàn khiêm tốn khẳng định, anh viết không phải để trở thành nhà văn. “Vì nhà văn có thể ‘hư cấu’ tạo ra một câu chuyện để trở thành một truyện,” nhưng riêng anh thì không.
Từ trước năm 1975 cho đến bây giờ, anh chỉ “viết những gì mà tôi đã thấy, đã nghe, để ghi lại như một câu chuyện kể, bạn bè đọc cho vui.” Chính vì thế, hầu như trong tất cả 11 truyện, nhân vật chính bao giờ cũng là “tôi.”
Như một tự truyện, anh kể chuyện cuộc đời mình từ khi chỉ là một chú bé con ở một làng quê nhỏ cho đến khi trưởng thành, chứng kiến và tham dự gần như trọn vẹn hàng chục năm đất nước sống trong cảnh nhiễu nhương và đầy nghịch lý: chiến tranh-hòa bình, địch-ta, Cộng Sản-Quốc Gia, tự do-độc tài, người lính-người tù, người ở lại-kẻ lưu vong.
“Vì tất cả 11 chuyện kể là một câu chuyện dài thật buồn… Không phải một, mà hai, mà ba cuộc chiến. Cuộc chiến 10 năm chống thực dân. Cuộc chiến 20 năm gọi là ý thức hệ, và cuộc chiến đang còn tiếp diễn giữa hàng triệu triệu người quốc gia yêu chuộng tự do trong và ngoài nước với một số người Cộng Sản cầm quyền,” theo Trần Bang Thạch (2), một bạn văn của anh.
Chả thế mà “Vùng Đồi” tuy riêng mà lại rất chung. Đó là hình ảnh điển hình của một “trai thời loạn” trong xã hội miền Nam đồng thời cũng là hình ảnh của một cuộc chiến tranh, lúc đầu là để giành độc lập dân tộc, nhưng rốt cuộc, biến thành chiến tranh ý thức hệ, trong đó, anh em trong cùng gia đình hay bạn bè trong cùng xóm cùng làng quay ra đánh giết lẫn nhau.
“Cái làng quê nhỏ bé của tôi ngày nào, nhỏ xíu như nằm trong lòng bàn tay, mà thuở nhỏ, đám trẻ chúng tôi ngày nào cũng chia làm hai phe đánh giặc giả. Bây giờ không còn trò chơi đó nữa, mà đánh nhau bằng súng đạn thật, chứ không phải bằng những ống thụt làm bằng tre, bắn bằng những trái cò ke, chạy la rân khắp xóm, khắp làng,” theo Phạm Văn Nhàn, trong truyện ngắn “Chuyện Hôm Nay Mới Nói.”
Quả là nghịch lý; và nghịch lý đó không những chỉ nằm trong làng xóm, mà lắm khi lại nằm trong một gia đình và nằm ngay trong bản thân mỗi người.
Truyện ngắn này kể chuyện một người bạn cùng làng, có cha đi theo kháng chiến bị tử trận trong một trận công đồn Tây; lớn lên, anh đi lính quốc gia đánh Cộng Sản, nhưng lại bị nghi ngờ làm nội tuyến cho Cộng Sản; trong một cuộc hành quân, anh bị thương, trở thành thương binh; sau 1975, anh phải đi học tập cải tạo, nhưng sau cùng, lại được truy phong là con liệt sĩ, vì có cha hy sinh trong khi là bộ đội.
Người bạn tóm tắt những khúc mắt của cuộc đời mình một cách chua chát: “Cũng cơm nhà áo vợ chống nạng lên xã tập trung một tháng. Họ chửi nhiều quá ông ơi. Tôi nghĩ tới cha tôi. Một nông dân hiền lành chất phác, chưa biết chửi ai một câu. Mới chân ướt chân ráo lên đường kháng chiến chống Tây thì đã chết. Mỉa mai thay tôi đạp phải mìn của họ trong lần mở đường mà bây giờ tôi lại mang danh con liệt sĩ.”
Quả là một cuộc-đời-lai, chẳng biết thực sự thuộc về bên nào! Nghịch lý này kéo theo nghịch lý khác: hòa bình mà vẫn chiến tranh. Sau khi chiến thắng năm 1975, nhà cầm quyền Cộng Sản vẫn tiếp tục cuộc chiến của họ: chống những người thất trận và chống những định chế xã hội vốn đã tiếp tay cho họ chiến thắng, đó là xã hội tự do, đa nguyên, cởi mở của miền Nam.
Giữa cái hiện thực đầy nghịch lý trải dài qua nhiều truyện ngắn khác nhau đó, truyện ngắn “Vùng Đồi” đưa ra một hình ảnh khác và qua đó, một thông điệp khác.
Trước hết, nhân vật trong truyện không còn là “tôi” mà là “anh,” cũng là một người lính. Truyện xây dựng chung quanh một thực thể thiên nhiên: ngọn đồi, nơi người lính đã từng đóng quân trong thời chiến tranh, cách làng cũ của anh không xa lắm, chỉ “khoảng nửa ngày đạp xe đạp.”
Ngọn đồi này vốn là một điểm chiến lược, nằm trên con đường di chuyển của bộ đội từ núi về đồng bằng, cho nên, Mỹ đưa quân đến đóng ở đó, làm nút chặn bộ đội xâm nhập. Đến năm 1972, lính Mỹ rút, một đơn vị quân đội Việt Nam Cộng Hòa ít ỏi, trong đó có anh, được điều đến thay thế.
Ngọn đồi chứa đầy những kỷ niệm hằn sâu trong ký ức anh. Chính vì thế, sau khi ở tù về, người lính độc thân này quyết định trở về sống ở vùng có ngọn đồi đó. Không những muốn sống gần mà thậm chí muốn lên sống hẳn ở trên ngọn đồi luôn. “Vùng đồi như một mãnh lực thôi thúc anh hàng ngày phải lên trên đó,” mặc dầu người bác anh ngăn cản vì cho rằng trên đồi đó rất nhiều ma.
Lên đứng trên ngọn đồi, anh nhìn quanh và nhớ lại từng khuôn mặt của những đồng đội cùng đơn vị. “Chỗ này là hầm chiến đấu của Chuẩn Úy Ngọ. Chỗ kia là hầm của thằng Hòa, thằng Ất và còn nhiều đứa nữa. Còn chỗ này ông Ngọ cho đặt khẩu đại liên đây mà. Nhưng hôm nay dấu vết chiến tranh đã bị thời gian xóa nhòa.”
Và anh ao ước biến vùng đất trên ngọn đồi thành màu xanh để cho “những người bạn của anh trở về.” Không những thế, phải dựng lên một ngôi nhà ngay bên cạnh con đường, nơi những người đồng đội ngày xưa thường dùng để đi kích đêm. “Những đứa con đi ăn đêm, sáng hôm sau trở về vùng đồi trong cái ướt sũng của sương rừng, với những hơi thuốc lá, và tiếng nói cười râm ran trên con đường mòn dẫn lên đồi.”
Nói là làm. Sau những tháng ngày đổ mồ hôi canh tác, ước mơ của anh sớm thành hiện thực. Chỉ một thời gian sau, vùng đồi bắt đầu có sự sống. Cây trồng vươn lên cao, và chung quanh đó đã nghe vang tiếng gà, tiếng chó. Những đêm trăng sáng, anh ngồi im lặng nhìn lên đỉnh đồi, và trong tiếng gió, anh luôn nghe “có tiếng gọi của đồng đội anh.” Sau hai năm, vùng đồi đã xanh tươi để cho những “người bạn của anh trở về trong mỗi đêm, để họ không còn nhìn thấy cảnh hãi hùng của những trái pháo đã đưa họ vào giấc ngủ miên trường.”
Có lần, anh đau, lên cơn sốt cao. “Trong cơn mê anh thấy những người bạn của anh đang ôm súng nằm phủ kín vùng đồi. Và anh, anh đi hết chỗ của người này đến chỗ của người khác.” Rồi “Anh gọi tên từng người. Không thấy ai trả lời.” Anh nằm liệt giường cả mấy ngày. Mấy người đi làm rừng tạt ngang, thấy anh đau, về báo cho bác của anh biết. Ông bác vội vàng cùng một cô bạn gái của anh lên chăm sóc, nên anh mới qua khỏi.
Thay vì đưa ra lý do để giải thích sự gắn bó của anh với ngọn đồi, anh đưa hai người đi một vòng quanh đồi, kể cho họ nghe trận pháo kích đẫm máu đêm đó. “Anh chỉ cho hai người thấy nơi nào là hố phòng thủ của đồng đội anh. Những hố phòng thủ không đủ để che cơn mưa lửa điên cuồng của những người bên kia khu rừng đổ ập xuống trên một diện tích nhỏ hẹp.” Vì là điểm xung yếu, nên bộ đội bằng mọi giá, phải dứt điểm đơn vị trú đóng ở đó. Họ đã liên tục “đổ lửa xuống ngọn đồi với một đám lính ít ỏi.” Anh bị thương, ngất đi, được cứu sống, nhưng tất cả đồng đội của anh đều chết hết.
Bây giờ cả vùng đồi là “một vườn đào đang tỏa một màu xanh bao trùm.” Giữa khung cảnh tươi vui đó, người bác vốn đã cùng chia sẻ với anh những nhọc nhằn khi giúp anh trồng tỉa ở đây, nhìn bao quát trên vùng đồi như tìm một vị trí, rồi nói: “Mai, tao đánh xe trâu chở vật liệu lên đây: Cất cái miếu để thờ.”
Và “Cái miếu thờ,” rốt cuộc, trở thành biểu tượng nối kết giữa người sống và người chết: tình chiến hữu, tình đồng đội! Mà cũng là tình đời và tình người. Với tấm lòng nhân hậu của một con người, dù là kẻ thua cuộc, người lính trận năm nào đã biến vùng đồi chết thành vùng đồi phục sinh. Đó là thông điệp đơn giản nhưng đầy nhân bản của Phạm Văn Nhàn gửi đến độc giả qua truyện ngắn “Vùng Đồi.”
Phạm Văn Nhàn sinh năm 1942 tại Phú Trinh, Phan Thiết. Tốt nghiệp Khóa 19 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Trước 1975, anh viết cho tạp chí Khởi Hành và các tập san văn nghệ khác. Anh hiện sống tại Houston, Texas, Hoa Kỳ, là cánh tay mặt của nhà văn Trần Hoài Thư trong nhóm chủ trương tạp chí Thư Quán Bản Thảo.
Tác phẩm đã xuất bản: “Vùng Đồi” (tập truyện), “Màu Thời Gian” (tập truyện), “21 Khuôn Mặt Văn Nghệ Miền Nam,” “Truyện và Ký.”
Trần Doãn Nho
Chú thích:
(2) Trần Bang Thạch, “Phận Người, Trong Chữ Nghĩa Phạm Văn Nhàn,” phần “Phụ Lục,” tập truyện “Vùng Đồi.”
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/