User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
nhathongonnguvataptho
Nhà thơ Phan Thị Ngôn Ngữ và những tác phẩm. Photo courtesy of www.nhatrangvn.net.
 
Với bốn tác phẩm thơ đã được in ra Phan Thị Ngôn Ngữ hình như vẫn chưa hài lòng, vì với bà, làm thơ là một cách viết nhật ký, ghi nhận những thời khắc mà con tim mở thật rộng ra để giao thoa với niềm vui, nỗi buồn mà một người xa xứ như bà sống cùng hàng ngày.
 
“Tôi tên thật là Phan Thị Ngôn, bút hiệu Phan Thị Ngôn Ngữ, sinh năm 1955 tại Diên Khánh, Khánh Hòa. Hồi nhỏ tôi học trường Nữ Trung Học Nha Trang. Ra hải ngoại năm 1993, sinh hoạt ở vùng Virginia này từ đó đến giờ. Tập thơ đầu tiên là “Vọng Khúc”, rồi sau đó là “Tạ Tình Khúc”, vừa rồi là “Lỗi Một Vần Gieo” và “Dùng Dằng” tất cả là 4 tập.”
 
Nhà thơ Phan Thị Ngôn Ngữ vừa cho chúng ta biết một ít chi tiết về bà. Qua Mỹ từ năm 1993 thời gian khá lâu đủ để mờ nhạt khá nhiều ký ức của người làm thơ về những kinh nghiệm, hay kỷ niệm nay đã mù khơi như chúng chưa từng hiện hữu trong thế gian này.
 
Chất xúc tác làm cho thơ Phan Thị Ngôn Ngữ trở nên mờ ảo chính là kỷ niệm quê nhà. Đối với nhiều nhà thơ, khi định cư ở nước ngoài trên hai mươi năm thì việc tiếp cận kỷ niệm làm cho thơ họ lung linh hơn, bởi lẽ khi ngồi trước những vật thể quen thuộc, người ta khó lòng nảy sinh cảm hứng như ngồi trước một ký ức có vẻ nhạt nhòa sắp mất:
 
“Tôi làm thơ giống như viết nhật ký bằng văn vần. Đối với tôi, tôi thích nhất chủ đề quê hương, tại vì trong quê hương nó bao gồm hết tất cả, không phải nói về cha mẹ mà tất cả giống như trong bài thơ “Dùng Dằng”. Nhiều người cứ tưởng đó là tình yêu thân phận nhưng thật ra cái bài đó viết tâm trạng riêng của mình giống như một người xa quê hương và đó là tâm trạng chung của người Việt mình khi ra đi.”

Mời quý vị nghe bài thơ Dùng Dằng của Phan Thị Ngôn Ngữ do nghệ sĩ Đức Tâm trình bày sau đây:
 
Dùng dằng như chuyến tàu ngang
muốn quên ga cũ lại mang mang lòng
dùng dằng như nắng nhớ sông
như triều nhớ biển như đồng nhớ mưa
 
dùng dằng như buổi tiễn đưa
không vơi lòng nhớ chưa vừa dạ thưa
dùng dằng như thể tơ vương
mối buông sợ đứt mối nương sợ tình
 
dùng dằng như kẻ tình chung
nửa lao ngọn sóng nửa cùng đáy sông
thương đau đã bạc mái đầu
âm ấm lửa trấu nát nhòa than tro
 
dùng dằng một chỗ nằm co
khi trăn trở chiếu khi vò chăn đơn

Đối với tôi, tôi thích nhất chủ đề quê hương, tại vì trong quê hương nó bao gồm hết tất cả, không phải nói về cha mẹ mà tất cả giống như trong bài thơ “Dùng Dằng”.

Nhà thơ Phan Thị Ngôn Ngữ
 
Thi sĩ đã giải thích và chúng ta cũng vừa nghe qua những vần thơ trau chuốt của bà với bài thơ “Dùng Đằng”. Quả thật bài thơ rất dễ làm người ta liên tưởng tới tình yêu đôi lứa trước một cuộc chia ly mà chúng ta thường thấy, nhưng trong đó thấp thoáng nỗi niềm của người xa xứ khi bị trì kéo bởi việc đi hay ở…
 
Chủ đề tình yêu tuy chiếm khá ít chỗ trong bốn tập thơ của bà nhưng cũng giống với các thi sĩ khác, Phan Thị Ngôn Ngữ chăm chút thơ tình khá công phu. Đây có thể là đặc tính của thi sĩ bởi đối với họ thơ tình tuy dễ làm nhưng khó hay.
 
Dễ làm vì xúc động trong thơ tình luôn cao hơn những chủ đề khác. Nó là sự rung động mãnh liệt, nồng nàn và luôn đòi hỏi cách tân chữ nghĩa. Bài thơ mang tên “Biết Có Còn Em?” mà chúng tôi tình cờ bắt gặp trong tập thơ “Tạ Tình Khúc” của Phan Thị Ngôn Ngữ có thể chưa phải là bài thơ tự do xuất sắc lắm, nhưng bài thơ này giúp người đọc hiểu thêm một khía cạnh khác trong thơ tình của bà khi thể hiện ý tưởng qua thơ tự do.

Biết Có Còn Em

Em đến từ đâu
Em sẽ về đâu
Trong tiếng chim hót đầu ngày
Em gọi tôi buổi sáng
Có phải trên đường quá vãng
chợt thương tôi
côi cút giữa đời
em ghé thăm một chút
rồi thôi
bỏ tôi lại với góc trời lặng lẽ
biền biệt em đi
từng giây khắc nhớ
ánh điện vàng con phố mù khơi
bỗng em lại về
trong tiếng mưa rơi
trên chiếc lá cuối mùa rụng khẽ
dẫm nát hồn tôi
dù em đi. Rất nhẹ
Em,
Là bóng tuyết rơi trắng xóa bên thềm
Em, là tiếng thập lục huyền cầm
nức nở đêm đêm
treo tình tôi trên từng sợi tóc
chợt gọi em
sao bỗng dưng buồn muốn khóc
biết, tôi có còn em
giữa hoang phế cuộc đời
 
Đối với thơ tự do, Phan Thị Ngôn Ngữ thú nhận bà không mặn mà lắm vì theo bà làm thơ với thứ ngôn ngữ trong sáng dễ hiểu sẽ là món quà cho nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam sinh ra trên đất Mỹ. Cái tâm trạng nuối tiếc và muốn giữ lại văn hóa và truyền thống Việt Nam khiến bà vững tin vào công việc mình làm. Vượt qua chuyện làm thơ để tìm sự giải tỏa nội tâm nhưng còn giúp người khác chia sẻ thứ ngôn ngữ tuyệt vời của quê mẹ.
 
“Thơ tự do nói chung tôi lại không thích, hình như đầu óc tôi hơi già rồi nên cái gì đâu phải vào đó. Thơ lục bát phải ra lục bát, ngũ ngôn phải đúng ngũ ngôn. Đối với nhiều người thì thơ tự do rất dễ viết nhưng đối với tôi thì rất khó không hiểu vì sao.
 
Mỗi người ai cũng có một cái ý thức riêng và có một con đường họ chọn để đi riêng. Tôi chỉ nói cho riêng tôi thôi tại vì cái thế hệ mình qua đã lớn. Tôi viết thứ nhất để giải tỏa cho mình và thứ hai cho những thế hệ sau. Nếu mình viết những ngôn từ bóng bẩy khó hiểu quá thì những thế hệ sau các cháu nó đọc sẽ rất khó hiểu. Không phải ngôn từ khó hiểu, nhưng nói chung mục đích mình viết làm sao giữ lại cái ngôn ngữ của đất nước mình, vì thế mọi người làm thơ phá cách, làm thơ tự do, hay những đề tài mới lạ, nhưng tôi thì lúc nào cũng muốn gìn giữ những cái gì thuộc về Việt Nam mình. Anh cũng thấy khi tôi chọn bút hiệu thì tôi chọn là Ngôn Ngữ.”
 
Cái tâm rất lành ấy đã giúp cho thơ bà trong veo nguồn năng lực mới của ngôn ngữ. Bà khá thành công khi khai thác nguồn năng lực này để tạo sự lôi cuốn trong thơ. Nhiều bài thơ của Phan Thị Ngôn Ngữ đi vào lòng người đọc dễ dàng và ở lại rất lâu.
 
Thơ tình của Phan Thị Ngôn Ngữ có cái duyên dáng khá dễ nhận ra không những trong cách sử dụng từ ngữ mà không khí của câu chuyện bà kể khiến người đọc cảm nhận trọn vẹn với những điều ẩn giấu phía sau. Những dòng thơ trong trẻo, chân tình khiến cả bà lẫn thơ gần hơn với người đọc và đây có phải là nét thành công lớn nhất của nhà thơ hay không?
 
Trong bài “Rồi Cũng Nhận Ra Nhau” bà kể lại câu chuyện mà rất nhiều người đã kể: hai người tình cũ gặp nhau khi tuổi đã xế chiều nơi đất khách. Lặp lại vết xe người khác đã đi qua là một thử thách lớn, nhưng với chất liệu mà Phan Thị Ngôn Ngữ bày ra trong bài thơ đã khiến chúng ta ngạc nhiên, vì bà đã tránh được vết mòn trong cùng một câu chuyện:

Cuối cùng - rồi ta cũng nhận ra nhau
Trên đường phone - giọng ai buồn như khóc
Trên đường phone - ta đau từng cọng tóc
Ba mươi năm…. ôi cũng quá ngậm ngùi
 
Hơn nửa đời người đi ngược về xuôi
biền biệt dấu chân một thời mộng mị
bàn tay vẫy người đi từ vô thủy
Tưởng buông xuôi theo nước chảy qua cầu
 
Cuối cùng rồi ta cũng nhận ra nhau
Để hốt hoảng đứng bên đời lưu lạc
Hốt hoảng nhìn nhau, hai mái đầu sương bạc
Một gánh sầu trĩu nặng gánh tình đau
 
Cuối cùng rồi ta cũng nhận ra nhau
 
Câu cuối cùng của bài thơ mở ra một khoảng trống lạnh người khi hai mái đầu đã bạc mà không thể cúi vào nhau. Cái cuối cùng ấy sẽ là cái bắt đầu của cuộc hành trình đơn độc. Buồn và u ám.
 
Xa quê, tâm trạng của bà như của tất cả mọi người, cũng buồn khi nhớ lại kỷ niệm nơi quê nhà. Có điều, nỗi buồn của Phan Thị Ngôn Ngữ sâu như giếng nước khiến mỗi lần cúi xuống là một lần thăm thẳm nhớ nhung.

Khóc Giữa Hư Không

Sáng hôm nay hồn ta như gỗ mục
Nhìn quanh đời ẩm mốc những đợi trông
Nhìn lại ta héo úa dấu môi hồng
Đã hóa thạch từ nụ cười thơ trẻ
 
Sáng hôm nay - hồn ta sao quạnh quẽ
Đôi mắt nào vừa khép lại đêm qua
Trên cánh quỳnh hương nở vội hiên nhà
Con dế nhỏ khóc vùi trong kẽ lá
 
Câu thơ cũ bỗng trở thành xa lạ
Ta một mình-bơi ngược nhánh sông xưa
Một đời - ta đi tìm nắng tìm mưa
Ta tìm nhau - chỉ thấy hoàng hôn đọng
Ta tìm nhau - đuổi hoài như chiếc bóng
Ngã bên đường đứng khóc giữa hư không
 
Không mạnh mẽ như Du Tử Lê khi viết “Con dế mèn tự tử giữa đêm sương” nhưng Phan Thị Ngôn Ngữ dùng hình ảnh “Con dế nhỏ khóc vùi trong kẽ lá” để tả nỗi quạnh hiu của kiếp người đã làm bài thơ dịu bớt đi cái sức mạnh bao la của vũ trụ.

Đi xa thì cái nhớ đầu tiên thì nhớ về mẹ nhiều.

Nhà thơ Phan Thị Ngôn Ngữ
 
Phan Thị Ngôn Ngữ có cái đằm thắm của một người đàn bà khi nói về mẹ mình. Những bài thơ viết về mẹ của bà có thể chưa đạt được tới cái bao la của tình mẫu tử, nhưng hơn ai hết bà tỏ ra là người hiểu mẹ một cách cặn kẽ.
 
“Bài đầu tiên tôi viết về mẹ. Đi xa thì cái nhớ đầu tiên thì nhớ về mẹ nhiều. Bố mẹ còn ở Việt Nam và tình trạng cũng neo đơn không có ai bên cạnh. Nói chung nhớ về mẹ nhiều hơn nhớ những cái khác.”

Một Chốn Con Về
 
Mai mốt con về vá mảnh áo cũ
Bên mẹ tuổi già bóng rũ chân xiêu
suốt một đời con phiêu bạt cũng nhiều
vẫn chưa bằng mẹ vạn điều cay đắng


Quý vị vừa theo dõi thơ của Phan Thị Ngôn Ngữ, thi sĩ của những bài thơ hồn nhiên và trong veo hình ảnh quê nhà trong đó có mẹ, có người tình và những thơ ngây không còn tìm thấy. Hy vọng rằng trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nhiều người trong chúng ta sẽ cảm nhận chung với thi sĩ để cùng tìm về một hình ảnh nay đã quá xa đối với nhiều người.
 
Mặc Lâm
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com