Hạnh Phúc Không Xa
hạnh phúc thật gần
hạnh phúc thật gần
Lê Hữu
“Người già thường quay về với kỷ niệm vàng son của mình dẫu biết rằng những kỷ niệm đẹp thường không đẹp vào lúc nó vừa xảy ra.”
Tôi nhớ đọc được câu ấy trong tập truyện ký Hạnh Phúc Không Xa của anh Yên Sơn và không thể nào đồng ý hơn được. Đúng là kỷ niệm chỉ đẹp khi nó trở thành… kỷ niệm. Nhà văn cũng viết thêm, “Kỷ niệm được thăng hoa ở mỗi lần người ta nhớ về.”
Những lần “thăng hoa” ấy hẳn cũng mang đến cho người ta những thoáng hạnh phúc.
“Truyện ký” là cách gọi của anh Yên Sơn cho thể loại tác phẩm này của anh, kết hợp những câu chuyện thật và những ký sự, những ghi chép mà anh gọi là “tạp ghi”, “tản mạn”…, tất cả đều sống động và lôi cuốn người đọc qua giọng văn khi dí dỏm, khi nhẹ nhàng gợi nhiều cảm xúc. Giọng văn ấy cũng thể hiện tính cách con người anh, có lúc thật sôi nổi, có lúc lại lắng đọng trong suy tưởng, trong bày tỏ những tâm sự, bộc lộ những nỗi niềm.
Trong những trang sách ấy, người ta đọc được những tâm tình gửi về người mẹ hiền yêu dấu gần trăm tuổi, về người bạn đời sánh đôi bên anh suốt con đường dài thật dài, về những người thân yêu nhất, những cô em, cậu con trai, đứa cháu ngoại… trong một gia đình ấm êm.
Trong những trang sách ấy, người ta cũng đọc được những mảng ký ức về một quê hương kỷ niệm, một vầng trăng thơ ấu, một dòng sông tuổi nhỏ, những vui buồn thuở cắp sách đến trường và cả những mối tình rất thơ ngây học trò của chàng trai vừa chớm biết yêu.
Thỉnh thoảng đi học về, hắn vẫn bắt gặp đôi mắt thơ ngây của nàng nhìn sang từ sau khung cửa bếp được che chắn bởi hàng rào dâm bụt, rồi biến mất. Có lẽ nàng mắc cỡ nên tránh mặt không cho hắn có cơ hội nói với nàng rằng, vị Sầu Riêng của nàng “rất ngon, rất ngọt”. Và cứ thế cho đến cuối mùa học… để rồi, dòng đời đưa đẩy hắn về phía trước, còn đôi mắt thơ ngây đó càng lúc thụt lùi lại đàng sau nhưng hương vị ngọt bùi của miếng Sầu Riêng ngày nọ vẫn còn phảng phất trong hắn… (Một Thời Cắp Sách)
Cũng trong những trang sách ấy, người ta đọc được những ghi chép vụn vặt mà lý thú cho thấy quả là hạnh phúc không xa, đến từ những sinh hoạt đời thường, từ “một ngày như mọi ngày”. Hạnh phúc đến từ một buổi chiều xuống phố, một buổi sáng nhàn rỗi nhấm nháp tách café, nhìn mưa rơi ngoài trời hay cụm phù dung nở đỏ một góc vườn. Hạnh phúc đến từ cuộc chuyện trò tương đắc với bạn hữu, một bữa cơm sum họp gia đình, một buổi tiệc Sinh Nhật, một buổi Ra Mắt Sách của một bạn văn anh. Hoặc, đến từ những con người tử tế ở quanh ta, như câu chuyện về ông hàng xóm người Mỹ vui vẻ, tốt bụng, sẵn lòng cho vợ chồng anh “mượn dài hạn” hai chiếc xe đạp và nhất định chỉ cho mượn thôi chứ không chịu bán, không chịu lấy của anh đồng nào cả.
Trên hết, trong những trang sách ấy, người ta đọc thấy những chuyến đi kỳ thú. Yên Sơn, gần như cuộc đời anh là những chuyến đi, từ những chuyến bay, những phi vụ hành quân của chàng phi công trẻ tuổi trên bầu trời “tổ quốc không gian” cho đến những chuyến đi xa gần, trong nước ngoài nước kể từ ngày đặt chân lên quê hương thứ hai này. Những chuyến đi đến một điểm hẹn nào đó để có cuộc hội ngộ với những bè bạn tương giao tri kỷ, hay với những đồng đội, những chiến hữu từng có với nhau một bề dày kỷ niệm của đời quân ngũ, hay với những văn hữu từng có mối giao tình thắm thiết. Trong đó, không thiếu những mẩu chuyện lý thú, những mẫu người đặc biệt.
Khi nói chuyện với ông nhà văn thiên tài Đào Trường Phúc tôi lại khám phá ra thêm ông ta cũng là võ sư Thiếu Lâm Bắc Phái, đang là Huấn luyện viên võ thuật tại hội trường này và một chi nhánh khác trong vùng. Không phải tôi nói anh thiên tài vì văn võ song toàn mà là một thông dịch viên tiếng Anh xuất sắc. Anh đã đảm nhiệm vai trò dịch thuật trực tiếp trong hai ngày Đại Hội Tái Lập Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại trước phái đoàn Văn Bút Quốc Tế vào năm 2001 ở Virginia và đã chu toàn nhiệm vụ một cách tốt đẹp. Sự ngưỡng phục đó không chỉ riêng tôi mà là tất cả đại biểu hiện diện, kể cả phái đoàn Văn Bút Quốc Tế… (Tạp Ghi Tháng 5)
Những chuyến đi miệt mài, những buổi họp mặt đông vui. Nhà văn ngồi giữa những tình bạn ấm áp, gặp gỡ những con người thú vị.
Phía Tây của thành phố New Orleans cũng có một cặp rất ư là đặc biệt, Thu Ba-Quan Dương. Đó là ông nhà thơ có câu nói bất hủ, “Làm một bài thơ hay đã là khó, làm một bài thơ dở càng khó hơn.” Chàng là cựu SVSQ võ khoa Thủ Đức, cũng là một “Hỡi Ơi” sau nhiều năm nằm ấp trong lò sát sinh gọi tên “trại cải tạo”. Không biết tài đánh giặc của chàng ra sao nhưng tài viết văn, làm thơ công nhận đặc sắc. Chữ nghĩa, ý tưởng, câu cú của chàng có những nét rất riêng, rất lạ, rất bắt mắt… Ví dụ như tập truyện ngắn có tựa đề “Đợi Đêm Tàn Bắt Sống Một Chiêm Bao” chẳng hạn. Chàng được rất đông độc giả trên văn đàn ái mộ, nhất là độc giả nữ không tiếc lời khen. Nàng là một người đẹp, có nụ cười làm sáng cả chỗ đứng nào nàng chọn đứng. Chàng sẽ không thể viết văn, làm thơ hay nếu không có một nội tướng như nàng… (Bè Bạn Thâm Giao)
Yên Sơn, anh yêu gia đình, anh quý những tình bạn. Anh ghi lên trang sách, “Xin cảm tạ ơn đời đã cho tôi được sinh ra và sống gần bên những tấm lòng đàn bà nhân ái, tuyệt vời.” Hai người phụ nữ “nhân ái, tuyệt vời” được anh nhắc đến nhiều nhất vẫn là người mẹ hiền đã trao tặng anh cuộc sống quý giá trên thế gian này và người vợ hiền đã chia sẻ cùng anh những ngọt ngào, đắng cay trong cuộc đời này. Anh yêu những tình bạn và cũng giàu những tình bạn. Anh là mẫu người quảng giao và phóng khoáng của “tứ hải giai huynh đệ”, vốn là phong cách của chàng phi công hào hoa một thuở nào.
Đến một tuổi nào đó người ta khó mà có thêm được những người bạn mới trong lúc những người bạn cũ thì cứ mất đi lần lần. Anh Yên Sơn biết rõ hơn ai hết nên anh cố giữ lấy và yêu lấy những tình bạn cũ kỹ, hiếm hoi còn sót lại. Như câu lục bát anh viết…
Nhìn nhau tóc đã pha sương
Còn đây nỗi nhớ niềm thương một thời
* * *
Anh Yên Sơn không chỉ viết văn mà còn làm thơ, viết nhạc. Không chỉ cầm kỳ thi tửu, con người tài hoa ấy lại còn “văn võ song toàn”. Đọc anh, mới biết anh từng là Huấn Luyện Viên võ thuật môn phái Thần Phong trong binh chủng Không Quân và mãi đến nay vẫn miệt mài truyền thụ môn võ công này cho thế hệ sau chiến tranh.
Đọc Hạnh Phúc Không Xa, người ta bắt gặp không ít những câu văn, đoạn văn thật là đẹp.
Chúng tôi an lòng, thẩn thơ nhìn ngắm cảnh vật chung quanh. Ánh trăng Rằm đã nhô lên từ chân núi phía Đông mờ xa. Đứng trên đỉnh đồi nhìn trăng lên, nhìn phía bên kia là đại dương bao la, có chút sương pha bàng bạc làm lòng bồi bồi hồi xúc động trước cảnh đẹp thiên nhiên, núi non hùng vĩ… Tôi rất mê phong cảnh và không gian ở đây. Mỗi chiều tà đi bộ trên đồi, mắt dõi nhìn đại dương bao la, tai nghe chim muông ríu rít để thấy lòng thanh tịnh, lâng lâng thoát tục… (Viễn Tây Du Ký)
Cảnh Tu Viện Kim Sơn trên đỉnh núi Madonna hùng vĩ ấy và cảnh trí thiên nhiên lồng lộng núi đồi trong những chuyến du hành nào nữa. Thử đọc thêm đoạn khác:
Có phải không, khi nhìn bóng chiều rơi người ta thường nhớ về những bình minh có muôn sắc muôn màu, tiếc những giọt sương long lanh trên đầu cánh lá?! Câu thơ tiếng Pháp trong bài Triết học hồi còn lớp 11 làm cho hắn nhớ hoài, “Chúng ta không bao giờ có được tâm hồn của buổi chiều hôm nay”, nhưng sao mỗi khi chạnh nhớ về những ngày thơ ấu lòng hắn cũng bâng khuâng rung động, cũng xao xuyến bồi hồi. Tai vẫn như nghe tiếng kẽo kẹt của bờ xe nước, mắt vẫn mơ màng thấy lũ con nít đứng trên bờ cao nhảy tùm xuống dòng sông tuổi nhỏ, mũi vẫn thoang thoảng mùi hương thơm của lúa chín, mùi rạ nặc nồng cuối mùa gặt… (Những Nhánh Rong Xanh)
Và thêm một đoạn khác:
Gió vẫn từng cơn thổi buốt lạnh khi đi bộ về khách sạn. Dọc hai bên đường, đời sống vẫn sôi nổi với âm nhạc, tiếng nói, tiếng cười vang vọng một góc phố dù bụi phấn hoa vẫn trộn lẫn trong sương đêm rơi mênh mang… (Úc Du Ký Sự)
Những câu văn êm ả ấy dễ đi vào lòng người, dễ làm cho lòng người dịu lại và cũng cho thấy nơi nhà văn một trái tim giàu cảm xúc, một tâm hồn yêu cái đẹp.
Những chuyến đi đầy hứng thú của anh Yên Sơn sau cùng chỉ còn lại những tấm ảnh màu, như những kỷ niệm được tô màu cho đẹp thêm lên, tựa cách anh vẫn nói.
Yên Sơn, anh nâng niu từng kỷ niệm và anh cũng biết tận hưởng từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc sống chứ không đợi đến lúc ngày vui qua mất rồi mới biết quý và tiếc nuối.
Yên Sơn, khi anh đón nhận hạnh phúc từ thiên nhiên, từ cuộc sống trao tặng thì anh cũng mang tiếng cười sảng khoái, mang niềm vui tràn đầy đến cho bao người ở quanh mình.
Nếu hạnh phúc là cho đi, là chia sẻ thì khi gập lại tập truyện ký này, người đọc hẳn cũng đồng tình với nhà văn là Hạnh Phúc Không Xa, hạnh phúc thật gần trong tầm tay.
Lê Hữu
(4/2020)
(4/2020)

Đọc Hạnh Phúc Không Xa
Phạm Tín An Ninh
Phạm Tín An Ninh
Tôi được đọc văn Yên Sơn sau nhiều năm biết anh là một nhà thơ tiếng tăm và mê thơ, nhạc của anh. Một nhà thơ viết văn, trong văn thường phảng phất chất thơ, dễ làm xúc cảm người đọc. Hạnh Phúc Không Xa, dù – theo tác giả – là một “tự truyện”, cũng mang nét đặc thù như thế. Ở đó là những mảnh đời của chính tác giả được ghép lại một cách tài tình, sống động, đẹp đẽ như những bức tranh đủ sắc màu. Đó cũng là những nốt nhạc được tác giả gom góp trong cả một đời để tạo thành những bản tình ca tuyệt vời với nhiều cung bậc khác nhau, có cả nụ cười và nước mắt. Nước mắt đau khổ lẫn hạnh phúc. Điều đáng ngợi ca, là dù với màu sắc nào, cung bậc nào tác giả cũng làm say mê người thưởng ngoạn, tạo cho họ nhiều cảm xúc.
Tình yêu anh đã dành cho quê hương của anh, nơi có dòng sông Trà, sông Vệ, những con sông quê của một thời tuổi thơ, giờ cũng đã muôn trùng cách xa, nhưng dường như vẫn còn chảy mãi trong từng mạch máu của tác giả, cho dù anh đã rời khỏi nơi sinh quán này từ lúc mới lên mười, để rồi lưu lạc khắp muôn phương, làm người lính “bảo quốc trấn không,” năm tháng sống với mây trời và lửa đạn, nhưng… lưng trời gãy cánh, lưu lạc xứ người, nổi trôi theo cùng mệnh nước. Đến nay, như cây trúc già sắp sửa trổ bông mà vẫn còn sống cách xa quê hương đến nghìn trùng. Tình yêu anh cũng đã chia đều cho vùng quê Tánh Linh (Bình Tuy) nơi gia đình đến định cư ở cuối thập niên 1950, theo kế hoạch “Khẩn Hoang Lập Ấp” từ thời nền Đệ Nhất Cộng Hòa mới được thành lập, những kỷ niệm của thời bắt đầu cắp sách ở vùng đất mới, rồi với ngôi trường Trung Học Võ Đắc, nơi anh theo học những năm đầu Trung Học. Sau đó chuyển sang học Đệ Nhị Cấp ở Long Khánh, và cũng ở nơi đây, anh có những mẩu chuyện dễ thương như cô hàng xóm với nửa quả sầu riêng – nửa kia đã bị mấy con sâu thử trước mất rồi – với chiếc khăn thêu và mấy câu thơ tình yêu ngây thơ của một cô em của bạn học.
Bù lại cuộc đời trôi nổi, ông Trời đã cho anh rất nhiều nghị lực và hạnh phúc. Mọi thứ hạnh phúc luôn ở thật gần trong vòng tay anh, như tên của tập tự truyện này – “Hạnh Phúc Không Xa”.
Hạnh phúc với bà “mẹ già thế kỷ” (vì đã Cụ đã gần trăm tuổi.) Ở tuổi gần “cổ lai hy” mà bà cũng đành phải bỏ quê, bỏ nước, bỏ mồ mả ông cha đi theo bước chân lưu lạc của con cháu mình, chấp nhận cuộc sống trên xứ lạ quê người với mọi điều khó khăn, lạ lẫm… như một gốc cây già bật rễ, bị bứng sang một vùng đất mới. Thế nhưng, mọi thứ rồi cũng được an bài, để lúc nào bà cũng giữ được nụ cười với con, với cháu dù không thiếu những phong ba bất trắc trong đời.
Hạnh phúc với người bạn đời hiền hậu, hiếu đễ với mẹ chồng, hòa thuận với các em, đảm đang chăm lo con cái, để cho anh có thời gian vác ngà voi đi lo đủ thứ chuyện bao đồng, và sống chí tình cùng với thơ ca, bè bạn.
Hạnh phúc với tình anh em ruột thịt, đặc biệt với cô em thứ năm đã thay các anh em trai lo lắng cho cha mẹ khi Ba còn sống, Mẹ còn ở quê nhà, và lòng biết ơn đối với vợ chồng cô em út đã hết lòng chăm lo cho mẹ già khi bà sang Mỹ cùng bao buồn bã, lạ lẫm, khó khăn.
Hạnh phúc với các con ngoan, chăm chỉ học hành, thành đạt, với cậu con trai nối nghiệp lính của cha mình, tình nguyện sang chiến đấu tại chiến trường Iraq. Hạnh phúc với cô cháu ngoại đầu lòng được anh đặt tên Hạ Vy, vì cháu ra đời giữa cơn bão Harvey gây nhiều khốn khó.
Hạnh phúc với những người bạn lính, bạn phi hành trong suốt một thời quân trường, trên những vòm trời lửa đạn. Hạnh phúc với những người bạn học, bạn võ, và nhất là những bạn văn, đã cùng anh vui với bút nghiên trên các thi văn đàn, thỉnh thoảng cùng nhau lãng du thơ túi rượu bầu.
Tác giả Yên Sơn là một người tài hoa, văn võ song toàn. Từng một thời trai trẻ là phi công vận tải rồi tác chiến ở quê nhà, sang Mỹ anh trở thành kỹ sư điện toán, rồi nhà giáo, rồi võ sư, và tất nhiên cũng là nhà thơ, nhà văn, nhà viết nhạc. Không biết nghề nào là nghiệp dư, là nghề tay trái.
Đọc Hạnh Phúc Không Xa để hiểu thêm về anh, về cuộc đời của một người trai trẻ, sinh ra và lớn lên trong một quê hương triền miên chiến tranh khói lửa và phải gãy cánh nửa đường theo cùng vận nước điêu linh. Cùng với biết bao đồng đội, đồng bào, không muốn bị đày đọa dưới bàn tay man rợ của kẻ thù, đã đành lòng bỏ nước ra đi. Và có lẽ chẳng còn gì cay đắng hơn, khi việc bỏ quê hương ruột thịt của mình ra đi lại là một niềm ước vọng của muôn ngàn người khác. Anh đã thành công khi làm lại cuộc đời trên vùng đất mới, sống trong vòng tay hạnh phúc của tất cả mọi người, từ bà mẹ già gần trăm tuổi, người vợ hiền tài giỏi, đảm đang, các em hiếu đễ cùng đàn con thành đạt, nên người. Đặc biệt hơn, anh luôn được ôm chặt bởi những vòng tay yêu thương của anh em, bè bạn, những người anh đã quen, đã gặp.
Những dòng thô thiển này được viết vội trong tinh thần “tằm trả nghĩa dâu”, mong ghi lại chút thanh khí, chút niềm đồng cảm từ một độc giả xa xôi, chưa một lần được gặp mặt anh, và cũng xin thay bó hoa hồng chúc mừng hạnh phúc (không xa) của nhà thơ/ nhà văn Yên Sơn, một tác giả mà tôi hằng mến mộ.
Cali, tháng 4.2020, trong mùa dịch Corona,
Phạm Tín An Ninh
Phạm Tín An Ninh