User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
demnguyenthikhanhminhnxt
 
Xin thưa: Bài văn sau đây không phải là phê bình hay tiểu luận gì cả mà chỉ là tản mạn văn học. Người viết như con bướm bay đậu trên bông hoa này tới bông hoa khác.
 
Trước hết xin nói tới cái tựa đề của tập thơ. ĐÊM. Đã có ai suốt một tập thơ chỉ viết về Đêm không nhỉ. Hình như chưa có ai. Chỉ một hai bài viết về Đêm trong một tập thơ là chuyện thường. Còn dùng Đêm làm chủ đề xuyên suốt cho cả tập thơ thì chưa thấy. Chỉ có Nguyễn Thị Khánh Minh của chúng ta thôi. Và có Saint-John Perse nhà thơ Pháp Nobel Văn Chương 1960 với Vents (Gió) là chủ đề xuyên suốt. Ngoài Vents, còn có Oiseaux (Chim), Pluies (Mưa)… cũng của Saint-John Perse.

Nhưng tại sao lại chọn Đêm cho thơ. Tại sao không là Ngày hay Trưa, Chiều, Nắng, Mưa… Đọc thơ ta sẽ thấy: Đêm có trăng, sao tự tình, có cái bóng của mình. Đó là thời khắc của cô đơn và mơ mộng, mở lối cho kỷ niệm tìm về. Tôi đi trên đường khúc khuỷu của mộng… Khánh Minh đã bày tỏ như thế. Cận kề và sinh động nhất là trăng.

Vâng.
Khởi từ cô đơn
với một cành cây đập gió
nguyễn thị khánh minh
nằm xuống với cỏ thơm
cùng với nửa vầng trăng
thức ngủ
 
Hãy nghe:
 
Trăng trên kia
Một đường cong sáng
Nếu xóa đi không gian
Sẽ có được một vòng tròn đâu lại
Tôi và trăng
Hai nửa điệu cong
Mềm mại
 
Ôi, hình ảnh đẹp và lạ chưa từng có.
 
Đến với Đêm để được thiền sư Muju tặng cho vầng trăng. Đêm cũng là thời khắc để Khánh Minh gần với Nguyễn Du, Tagore và Gibran. Với Nguyễn Du thì có ‘Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh, Tỉnh thủy vô ba đào’. Trăng sáng lòng giếng xưa / Nước giếng không xao động. Ôi, thật là tĩnh lặng như lòng ai tới với thơ trong đêm trăng chiếu.
 
Đêm đưa Khánh Minh về gặp vầng trăng xưa để thấy: Trăng ngõ nhà ta xưa / Gần hơn trăng nơi này / Mộng hơn trăng nơi này /… Nên trăng vàng khắp ngõ / Xe về ấm lối quen / Ai chờ bên thềm gió… Hình ảnh cuối cùng trong mấy câu thơ trích dẫn trên là cô bé Khánh Minh chờ cha về trước thềm nhà xưa.
 
Và rồi đêm cho Khánh Minh gặp một nửa của mình. Sao mà đẹp mà tình thế
 
Bên tay trái em là anh
Bên tay phải em là khoảng trống
Bên tay phải anh là em
Bên tay trái anh là vầng trăng
Anh vẽ em phía ấy, nốt trắng
Em vẽ anh phía này, nốt lặng
Sao chúng ta không cùng vẽ nửa đường tròn?
 
Đêm bỗng có người khách lạ đến thăm, vẽ một nét chấm phá lên bức tranh tuyệt vời. Nguyệt dạ:
 
Mèo tháng Tư làm ồn. Đêm thức giấc
Lạc chiêm bao. Mở cửa. Ngó hiên ngoài
Có bóng trăng lạc trời. Rơi xuống
Thềm nhà im
Thấy lạ
Hỏi
Ai?
 
Đêm cũng sẽ đưa đường cho người thơ gặp mẹ và cha. Mẹ và cha là hình ảnh thân quý của mỗi đời người. Nhà thơ nào cũng có bài viết về mẹ và cha. Với Khánh Minh mẹ và cha không chỉ là là hiện thân của tình yêu thương và sự trìu mến mà còn là hiện thân của thơ. Cả hai đều là nhà thơ đã tạo nên hồn thơ Nguyễn Thị Khánh Minh.
 
Mẹ trong thơ Khánh Minh thật đẹp và thân yêu
 
Mẹ bây giờ. Mẹ ở đây
Đàn con ấm lạnh sum vầy sân Hiên
Ơn ngày. Bước hạc reo thềm
Ơn đêm. Ru giấc mẹ Hiền nở hoa
Mẹ ở đâu. Đó quê nhà…

10.2020
(Hiền là tên của mẹ. Như Hiên là bút danh)
 
Và đây, hình bóng cha trong trí tưởng lúc đêm về
 
Đêm. Con nhìn lên trời
Những vì sao rất nhỏ…
Những vì sao rất xa…
Xin một vì sao tỏ
Thắp mừng sinh nhật cha
 
Bóng mẹ theo với bóng cha thấp thoáng trong từng phút giây cuộc sống nhà thơ. Mẹ với chiếc áo dài cũ đem phơi trong nắng, chiếc áo đầm may cho con hồi nhỏ để mặc đi dự khai giảng ở trường của cha, ánh nắng trên thềm nhà với bước chân của mẹ, ánh đèn nơi phòng khuya…
 
Bóng mẹ rồi bóng cha hiện về đầy những trang thơ. Thấy cha về trong chiều nắng, mây trắng bay trên mái nhà xưa. Đêm thấy cha in bóng gầy lên vách ở trại Gia Trung…
 
Ôi bóng cha chập chờn bên những hình bóng khác: nải chuối xanh, chiếc gậy và tiếng mõ, những bông sứ rụng trên sân, con búp bê trên bàn học, chiếc đũa rau muống và những bong bóng xà phòng bay, cây hoa gạo bông đỏ đón cha về…
 
Cảm động nhất là hình ảnh cô bé ngồi nhớ cha trong đêm mùa đông gió về đập cửa:
 
Ơi giấc mơ cô gái nhỏ. Tan rồi những mảnh ngũ sắc. Cô bật những ngọn đèn. Mang rất nhiều ánh sáng đi vào giấc ngủ. Mang âm thanh trầm trầm của cha đi vào giấc ngủ. Trong túi áo ngày ấy cha đã để vào ba hạt dẻ khô cho mơ ước theo về…

Những bước chân xao buồn hàng cây phong trụi lá. Tiếng bài hát Mùa Giáng Sinh Xưa bay từ khung cửa ngỏ nhà ai. Giấc mơ ấu thời thì thầm trong căn phòng tối. Không thắp một ánh đèn. Không một ánh sao trên trời. Không một lời kể chuyện. Cô ngồi trong đêm. Nhớ cha. Nghe gió mùa đông đập cửa.
 
Và còn bao nhiêu hình ảnh về cha hiện về trong bóng đêm. Tất cả làm nên những câu thơ thật đẹp, thật xúc động…
 
Đêm đưa Khánh Minh về gặp tuổi thơ của mình để thấy mình bước hụt. Đêm tuổi thơ ấy có giàn hoa giấy, có ngôi nhà trắng và bếp lửa bập bùng. Có cô bé ngồi đánh thẻ một mình và những đốm nắng trên sân và rồi cô bé mặc áo hoa đi dự dạ hội quên về. Ôi, ước mơ mình có mặt trong giấc mơ của cô bé.
 
Và đây hãy xem Khánh Minh vẽ bóng đêm. Với Khánh Minh, bức tranh đêm sẽ có đôi cánh chiêm bao, trái tim trong suốt, vầng trăng trên gối bài thơ, ngọn đèn, trang bản thảo, và hạt lệ, tiếng cười. Bức tranh siêu thực? Hỏi các họa sĩ xem đúng thế không. Riêng chúng ta xin hãy nghe:
 
Nếu bảo tôi vẽ bóng tối. Tôi sẽ vẽ

Những đôi cánh của chiêm bao mọc ra từ trái tim trong suốt. Vầng trăng trên gối ngủ bài thơ. Ngọn đèn cô đơn bên trang bản thảo. Những bóng đôi trong cuộc khiêu vũ diệu kỳ của hạnh phúc lung linh hạt sương hoan lạc. Những hạt lệ đang lau khô nỗi buồn trả lại tiếng cười ban sơ. Những hạt máu đang hoài thai cội nguồn nhiệm mầu hơi thở.

Những giấc mơ êm đềm trôi vào thực tại.

Tôi sẽ vẽ cả tôi đang vượt qua đêm dài. Tôi sẽ vẽ làm sao để người xem tranh thấy được. Bóng tối chỉ là ảo ảnh…
 
Phải chăng, như ta nghe Nocturnes của Chopin.
 
Khánh Minh không chỉ vẽ bóng tối mà còn vẽ bóng sáng nữa. Dựa vào cái bóng sáng ấy cô đi vào giấc mộng. Đây xin hãy xem những nét vẽ của nhà thơ:
 
Bóng trôi ra ngoài cửa sổ
Như với theo
Một cái gì đó vụt bay
Gió bay đi
Đêm bay đi
Giấc mơ bay đi
Chiếc cửa sổ bay đi
Nỗi chờ đợi cũng bay đi
Không còn gì
Không còn ai còn tôi
Rưng rưng
Bóng sáng
Người để lại
 
Còn nữa, còn nữa. Khánh Minh còn vẽ giấc mơ của hai em nhỏ Châu Phi: Đôi mắt em buồn / Nơi đó mỗi đêm ngủ / Cồn cào một giấc mơ / Châu Phi xanh đồng lúa chín… Hai thiếu niên Phi Châu này chết vì giá lạnh ở khoang bánh đáp máy bay, trên đường trốn sang Châu Âu. Trước khi đi hai em nói với bạn bè về ước mơ đi tìm một tương lai không còn đói nghèo cho quê nhà. Trong lễ tưởng niệm, mọi người nơi ấy đã gọi hai em là “Kẻ tuẫn đạo”.
 
Rồi tới em bé Việt Nam bơi qua sông để tới trường học lấy chữ. Nước sông chảy xiết có thể cuốn phăng em đi. Nhiều em đã chết trên sông Mã, bến Chôm Lôm… Và rồi đây dòng đời nghiệt ngã sẽ cuốn em về trăm lối. Giấc mơ em nhỏ Việt Nam. Ôi sao mà buồn mà thương thế.
 
Và cũng buồn như thơ Khánh Minh viết về Larung Gar
 
Đêm nay. Có giấc mơ ra đi không về nữa
Ôi giấc mơ Larung Gar lung linh từng đêm tuyết trắng
Ôi giấc mơ Larung Gar bi hùng trầm mặc

Từng lóng gỗ xương khô thiêm thiếp
Nhớ sớm hôm tắm lời kinh kệ
Nhớ áo vàng bay
Đêm nay. Ôi giấc mơ Larung Gar. Nhẫn nhịn rách
Đỉnh núi lời kinh mắt ngước
 
Đêm nay. Tro tàn sẽ cất cao tiếng hát
Đêm nay. Người đi người đi
Trái tim Larung Gar trên tay nhỏ máu
Nối dài đường sáng
Giấc mơ Larung Gar tỏa thơm
Từng hạt tràng rơi là từng hạt gieo mầm
Đồng cải hoa vàng thức dậy
Lời kinh bay
 
Thơ về Larung Gar là thơ đẹp nhất. Ta thấy những hình ảnh siêu thực trộn lẫn với thực tại, tạo nên cõi giới tâm linh với những đổ vỡ đầy đau đớn: lóng gỗ xương khô, lời kinh kệ, áo vàng bay, tro tàn tiếng hát, đồng cải hoa vàng… Một bài thơ hay ít thấy trong văn học Việt Nam thời hiện đại. Ôi, Larung Gar tu viện Phật Giáo lớn nhất, vẻ đẹp huyền bí của Tây Tạng đang sụp đổ dưới bóng đêm do bàn tay của CS Trung Quốc.
 
Chờ đợi gì đây cho một ngày mai. Từ Tây Tạng đổ nát, cũng trong bóng đêm ta gặp bầy quỷ nhỏ có tên Cô Vy:
 
Chúng nhảy nhót trong thinh không
Bầy quỷ nhỏ với mình mẩy đầy gai đỏ
 
Trong cuồng phong bầy quỷ đỏ. Cái tựa đề nghe gợi hình và kích thích trí tưởng tượng của người đọc. Những hình ảnh nửa hư nửa thực nhảy múa trước mắt ta: những cửa sổ trên các tầng lầu mở ra và những cái chuông hình đầu người xuất hiện như trong phim hoạt hình. Rồi bóng người bác sĩ mang khẩu trang và đồ bảo hộ về thăm nhà đứng bên ngoài cửa sổ ra dấu chuyện trò âu yếm với đứa con nhỏ, bóng người nữ bác sĩ nằm ngủ bên góc tường bệnh viện mơ thấy đoàn tụ với gia đình chồng con. Còn đây, bóng người đàn ông đứng kéo vỹ cầm dưới một tàn cây một chung cư, những cái đầu thò ra từ những ô cửa sổ lắng nghe, lệ rơi…  Rồi những đoàn xe chở quan tài rời thành phố khiến nhà thơ liên tưởng tới đám tang Mozart chỉ có mưa và con chó nhỏ tiễn đưa. Còn nữa, xin hãy nghe lời của nhà thơ:
 
Tôi thấy ấm áp và tràn đầy xúc cảm khi thấy Đức Giáo Hoàng làm lễ ban phước trước quảng trường không một bóng tín đồ, Andrea Bocelli hát thánh ca trước sân nhà thờ không một khán giả, khoảng trống mênh mông ấy phập phồng muôn triệu nhịp đập con tim nói cho chúng ta biết không khoảng cách nào có thể chia lìa và niềm thương yêu biết tìm nơi sẻ chia trú ngụ.
 
Và mình cùng nghe bài hát của Roby Facchinetti, Khi mọi thứ kết thúc chúng ta sẽ cùng lại ngắm sao trời…, nơi chúng ta đứng dậy làm lại từ đầu từ những mất mát, từ những kinh ngạc đớn đau… bàn tay Người đưa chúng ta vào tình thương mênh mông tuyệt vời, như Andrea hát Amazing Grace trong ngày Phục Sinh, trong tay nhiệm mầu Người, chúng ta tái sinh…
 
Phải rồi. Rinascerò. Rinascerai… Và đây chúng ta hãy đắm mình trong lời thơ đầy nhân ái của tác giả:
 
Cháu bé ơi, khi nào bầy quỷ kia không còn đất sống, khi nào những cánh cổng tù của sợ hãi được mở, chúng ta lại được gặp, được ôm nhau chào thân thiết, bà sẽ kể cho cháu nghe chuyện của những thiên thần có thật, không bay trên trời cao, họ tất tả những bước chân nơi phòng bệnh mái đầu họ cúi bên bệnh nhân đôi tay họ là đôi cánh trái tim, những thiên thần cháu sẽ được gặp tận mặt nói lên lời cảm ơn họ đã chiến đấu suốt mùa cuồng phong của bầy quỷ nhỏ mang những gai hình vương miện sa tăng, bầy quỷ mà chúng ta biết được gốc gác tuổi tên.
 
Còn nhiều, còn nhiều nữa… Trang thơ của Khánh Minh đầy thi ảnh và cảm xúc, vừa siêu thực vừa hiện thực, khiến nước mắt rơi… Đúng vậy. Đọc ĐÊM của Nguyễn Thị Khánh Minh ta gặp những ánh mắt nhìn trong sáng đầy ý thơ, với những cảm xúc nhân bản. Ở đó, nắng và hương cỏ và đêm tan vào mộng mị chiêm bao, tạo thành một thực tại huyền ảo. Đọc Đêm của Nguyễn Thị Khánh Minh để cảm nhận ngôn ngữ thơ tinh tuyền của tác giả và những hình ảnh sáng tạo như dưới cái nhìn của tuổi thơ. Ôi, xin cất giữ làm của cải cho đời sau.
 
 
Thành phố Garland, tháng 7. 2021
Nguyễn Xuân Thiệp
oOo
Tập thơ ĐÊM của Nguyễn Thị Khánh Minh đã có bán trên BARNES & NOBLE
Ấn phí: US$20.00
Xin bấm vào đường dẫn sau:
https://www.barnesandnoble.com/w/dem-nguyen-thi-khanh-minh/1140209036?ean=9781668553664
 
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com