
Nhà văn Trần Doãn Nho (Cà phê Sài Gòn Phố, Houston, ngày 02 tháng 3 năm 2023)

Bìa sách “Chữ Nghĩa Văn Chương Cuộc Đời”, tạp bút, của Trần Doãn Nho. (Nhà xuất bản Văn Học Press, 2020)

Bìa cuốn “Cõi Chữ Cõi Người” (tập 1 và tập 2), tiểu luận, của Trần Doãn Nho, nhà xuất bản Nhân Ảnh, 2022.
Nhà văn Trần Doãn Nho thuộc vào hàng nhà văn thứ thiệt; không chỉ vì ông viết văn với các sáng tác truyện ngắn, truyện dài, tùy bút, thơ…, mà dường như trong hồn ông lúc nào cũng trăn trở về chữ nghĩa, về văn chương và về cuộc đời trong niềm đam mê say đắm!
Nhưng có điều trong hai tác phẩm mới ấy, trong đó tác giả viết về những gì và nói về những gì? Nếu bạn muốn biết chi tiết, xin vui lòng tìm sách của Trần Doãn Nho để đọc thử! Riêng tôi thì chữ nghĩa không đầy lá mít, tôi chỉ có thể ghi nhận chút chút cảm tưởng qua vài nét tiêu biểu này, như một chút mua vui cùng bạn chơi chứ không dám lạm bàn gì gì trong thế giới chữ nghĩa nghìn trùng của tác giả Dặm Trường mà có một thời sống ở Boston, tôi có biết ông chút chút…
Bạn có thấy không, nội cái tựa sách thôi, Trần Doãn Nho đã gợi cho chúng ta biết bao điều về “chữ nghĩa”, về “văn chương” và về “cuộc đời” rồi! Nếu bạn là người mê đọc sách thì với chừng ấy nội dung chắc bạn sẽ mau mau chạy ra nhà sách tìm mua thử cuốn sách ấy về coi xem tác giả viết gì và muốn nói gì?
Thì đây, trước hết ông giới thiệu về “Chữ”:
“Viết là vẽ trên giấy những con chữ.”
(…)
“Hàng ngày, chúng ta sống với chữ. Mọi chuyện trên đời đến với ta đều phải băng qua ngưỡng chữ. Chữ vây hãm chúng ta. Tới trường, học chữ. Tới sở, đọc chữ. Ra phố, nhìn chữ. Vặn máy thu thanh, nghe chữ. Gặp bạn, nói chữ. Tỏ tình, chữ. Chia tay, chữ. Xin việc, chữ. Suy gẫm chuyện đời, chữ. Sáng tác, tìm chữ. Viết tiểu luận, nghĩ chữ. Lên mạng, chạm ngay từng rừng chữ. Trùng trùng điệp điệp chữ, mênh mông chữ!”
(…)
“Trong cuộc đời thường, chữ làm vui nhau mà cũng làm đau nhau.
Giận, lấy chữ mà giận. Thù, lấy chữ mà thù. Yêu, cần chữ để yêu. Nhớ nhung cũng phải có chữ mà nhớ. Lắm lúc, thêm một chữ thì chia lìa, bớt một chữ mà đoàn tụ. (…)
Chữ quấn quýt quanh ta không rời. Như hình với bóng. Như mặt trái mặt phải của một đồng tiền.
Quay phía nào cũng đụng bức tường chữ. Bên kia bờ chữ là gì, ai mà biết.
Có cách gì chúng ta có thể bước ra ngoài ngôn ngữ để tiếp cận một thế giới thực sự?
Câu trả lời là: Dường như không!”
(…)
“Không có đời sống thì không có chữ. Không có chữ thì không có nghĩa. Không có chữ nghĩa thì không có văn chương. Chữ như một tấm kính chắn gió không trong suốt, qua đó, ta nhìn dung nhan cuộc đời. Nó là tấm lưới: lưới chữ. Lưới chữ tuy thưa nhưng xem ra khó thoát! Nó cũng là chiếc xe chở hàng… chế biến. Hiện thực cuộc đời, qua chữ, được chế biến thành thế giới hư ảo mông lung của văn chương. Giống thì có giống nhưng cũng khác biệt vô cùng.”
(Chữ Nghĩa Văn Chương Cuộc Đời, trang 10-11)
Qua một đoạn trích ngắn vừa rồi thôi, với những âm lặp đi lặp lại của chữ bạn có nghe ra hơi chữ giống như một điệp khúc của một bản nhạc về chữ; bạn có thấy tác giả dắt tay người đọc nhìn qua 36 trạng thái khác nhau của chữ, mà mỗi trạng thái ấy chúng ta có khi đã từng nhận ra trong đời sống thường ngày rất cần tới chữ của mình mà chúng ta có khi nào nghĩ rằng chữ cần thiết đến đời sống của mỗi người trong đời sống đến như vậy không? Chắc ít có ai nghĩ đến chữ nhiều như vậy giống như không khí trong trời đất rất cần cho đời sống của con người và mọi sinh vật biết bao, nếu không có không khí thì mọi sinh vật phải hít thở không khí đều phải chịu chết ngay tức khắc nhưng có khi nào bạn nghĩ là mình sẽ cảm ơn không khí, cảm ơn Trời Đất, cảm ơn chữ không? Có lẽ vì hai vật thể này mình không phải mua nó bằng tiền nên nhiều lúc mình cũng quên giá trị thiết thực của nó trong đời sống!
Thêm nữa, vì như tác giả đã viết, chữ là đời sống, cho nên không thể thiếu chữ trong đời sống. Do vậy mà Trần Doãn Nho lúc nào cũng trăn trở về chữ như mấy ý dưới đây viết về “hơi chữ”:
“Chữ chỉ là một ký hiệu, giống như bao ký hiệu khác bên ngoài. Mũi tên thì chỉ đường đi, đèn đỏ thì xe ngừng lại, trái tim thì chỉ tình yêu… Mỗi một chữ tự nó không có nghĩa gì hết. Nó ám chỉ một cái gì khác hơn chính nó. Nhưng khi chúng kết hợp với nhau bằng một cách nào đó, thì tính cách ký hiệu của chúng dường như thay đổi. Hành vi đọc, không còn là đọc những ký hiệu, mà là đắm mình vào trong một thế giới khác cái thế giới mà ta đang hiện diện. Nhìn một bức tranh, ta còn thấy những chi tiết của nó: màu đỏ, màu xanh, màu đen, đường cong, đường tròn, chỗ đậm, chỗ lạt. Đọc – thì cũng là nhìn – nhưng dường như ta chẳng hề thấy chữ “a”, chữ “b”, chữ “ư”, chữ “ơ”, hay chữ “chàng”, chữ “em”, hay câu ngắn câu dài, hay chữ đẹp, chữ xấu, mà thấy từng chuỗi chữ kết nối nhau. Mà dường như ta không hề thấy. Ngược lại, ta nghe, ta cảm, ta ngửi. Y như những con chữ có thể bốc lên, tỏa ra. Nghe có hơi. Tôi gọi là hơi văn, hơi thơ. Nói chung là hơi chữ. Với tôi, đọc là một lặng lẽ tỏa đầy hơi!”
(Hơi chữ, Chữ Nghĩa Văn Chương Cuộc Đời, trang 253)
“Hơi chữ”, theo tôi dường như là tiếng vọng lại của chữ từ cách hành văn, từ cách chọn chữ, từ cách dùng chữ và giọng văn ấy lúc bấy giờ có hơi thở rất riêng của mỗi “hơi văn”, và từ “hơi văn”, “hơi chữ” ấy người đọc sách hơi tinh ý một chút là nhận biết ngay những trang văn ấy của tác giả nào! Giống như nghe nhạc, người sành điệu nghe nhạc là nhận ra ngay giọng hát của ca sĩ ấy dù không thấy mặt. Lệ Thu, Khánh Ly, Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Chế Linh, Duy Khánh, Tuấn Ngọc, Phương Dung, Chế Linh, v.v..., mỗi mỗi đều có hơi ca riêng, hơi nhạc riêng của từng người, không lẫn lộn giữa người này và người khác được!
Đó là một nét rất riêng, rất đặc thù! Và qua “hơi chữ”, Trần Doãn Nho giới thiệu cho người đọc 10 khuôn mặt văn chương dường như dưới cái nhìn của ông đó là 10 khuôn mặt văn chương có “hơi chữ” khá rõ nét của từng người một: Thanh Tịnh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Mai Thảo, Y Uyên, Nguyễn Ngọc Tư, Đặng Thơ Thơ, Cung Tích Biền, Trần Mộng Tú, Phan Nhiên Hạo.
Và ông kết luận về “hơi chữ”:
“Đã tạm dài. Đành ngưng nơi đây. Thế giới văn chương mênh mông, người viết tiếc là không thể đưa thêm nhiều trích đoạn nữa!
Cũng là những con chữ đó – những ký hiệu vô tội vạ – ai cũng có thể viết, có thể sắp xuôi, sắp ngược theo ý mình (miễn làm sao cho chúng có nghĩa), ấy thế mà, mỗi cách hành văn lại có một lối sắp xếp khác nhau, đưa đến những cấu trúc khác nhau và toát ra hơi chữ khác nhau. Nhiều cách sắp xếp mới mẻ, bất ngờ khiến cho khi đọc tưởng mình lạc vào một vùng đất nguyên sinh. Và bỗng nhiên chạm đến một cái gì tinh khôi, tươi mới y như chưa từng biết đến bao giờ.
Văn chương, lạ thật!
(Chữ Nghĩa Văn Chương Cuộc Đời, (Hơi chữ), trang 272)
Bạn sẽ hỏi tôi trong sách ấy, hai chữ “cuộc đời” là gì?
Dà, xin thưa, trước nhứt cuộc đời ở đây là cuộc đời của chính tác giả qua những gởi gắm những suy tư, những nghĩ ngợi của mình trong chữ bởi Buffon đã nói: “Bút pháp tức là tác giả” [(Le style c’est l’homme). Ta thường dịch “Văn tức là người”. “Một Quan Niệm Về Sống Đẹp” của Lâm Ngữ Đường” – Nguyễn Hiến Lê dịch, trang 274]
Tiếp đến là cuộc đời của cuốn sách; và sau hết là cuộc đời của những cảnh đời chung quanh mình qua tài diễn tả của tác giả. Điều này không phải tôi muốn nói qua mặt tác giả, qua mặt các bạn mà chính Trần Doãn Nho nói thế:
“Một câu hỏi nghe ra có hơi thừa, sách là gì?
Trước hết, đó là một thực thể vật chất: một số lượng các tờ giấy có in chữ (hay hình ảnh) cắt xén đều đặn được buộc lại với nhau và bảo vệ bằng một cái bìa, có thể cầm gọn trong tay; nhưng mặt khác, nó là một sản phẩm tinh thần: chứa đựng tâm tình và ý tưởng của người viết về cuộc đời.”
Ở đây tôi muốn bạn để ý thêm cuộc đời của một cuốn sách, của một tác phẩm! Rồi bạn lại hỏi tôi sách có cuộc đời của nó nữa sao?
Dà, thưa có! Trong một bài viết “Xuất bản một cuốn sách, niềm vui để chữ nghĩa có nơi cư trú”, trên báo Người Việt, tác giả Trần Doãn Nho đã thố lộ:
“Xuất bản những gì mình viết ra là điều ao ước của những người cầm bút. Nói xuất bản, nghe quan trọng. Thực ra, đó chỉ là một công việc đơn giản: in thành sách. Nói là “một”, thực ra, phải là “nhiều”: nhiều cuốn sách. Nói “nhiều”, thực ra, vẫn chỉ là “một”: một tác phẩm.”
(…)
“Sách là văn bản” (a book is a text). Do đó, mục đích của sách là để đọc: đọc sách. Nói đọc sách, nhưng là “đọc chữ” ở trong sách. Không đọc, sách chỉ là một vật vô hồn, dù được đặt một cách trân trọng lên kệ sách. Đọc, sách lập tức trở thành sinh thể.
Chả thế mà, khi nghe tin tôi có tác phẩm mới, bạn bè tôi kẻ trước người sau, gửi điện thư chúc mừng. Một anh bạn văn thân quen, Lương Thư Trung, vốn đã từng in ra nhiều tác phẩm, viết: “Không biết ai sẽ đọc, chỉ cần nhìn sách có mặt đã là một niềm vui rồi.” Đó cũng là cảm giác của tôi khi cầm ấn bản đầu tiên của cuốn sách mà nhà in vừa gửi tới. Một cuốn sách do mình viết ra, tự nó đã là một niềm vui, huống hồ đây là sách mới, còn thơm mùi giấy, mùi mực!”
(…)
“Xuất bản một cuốn sách, với người viết, chính là biến những gì mình viết thành “tác phẩm.” Khi thành sách, cái thế giới chữ nghĩa mà anh/chị ta tạo ra vốn nổi trôi, gần như vô chủ trên mạng, mới có một nơi cư trú. Nó có một hình thể mà tác giả có thể nhìn ngắm, cầm nắm, nâng niu và cất giữ như một tài sản vừa tinh thần vừa vật chất hiếm quý của chính mình.
Không biết ai sẽ đọc, chỉ cần nhìn sách có mặt đã là một niềm vui rồi!
Đây là niềm vui rất riêng của những tác giả xuất bản được tác phẩm của mình.”
(Xuất Bản Một Cuốn Sách, Niềm Vui Để Chữ Nghĩa Có Nơi Cư Trú. Người Việt online)
Ở đây, tôi xin nói thêm một chút về cuộc đời của cuốn sách. Dù sách chỉ là một vật thể vô tri nhưng nó có “hơi văn” trong đó, nên cách nào đó nó có sức sống, có cuộc đời riêng, không cuốn sách nào giống cuốn sách nào dù chúng đôi lúc có cùng một cái Tựa, của cùng một Tác giả và dù chúng được in từ một nhà in; và bên ngoài nếu chúng ta không để ý thì chúng giống rặt như nhau vì nó thành hình từ một cái máy in duy nhứt thôi mà! Nhớ có lần quyển sách tâm sự:
“Đó là đời của một quyển sách, đời của một đứa con, mà các bậc phụ mẫu khi sanh ra chúng tôi, cứ nghĩ rằng chúng tôi sẽ đủ lông đủ cánh để bay cao và xa trong bầu trời lộng gió trăng ngàn; đâu có ai tưởng tượng một ngày, chúng tôi tự nài nỉ một bàn tay của người khách già nhà quê chỉ cầm lấy mình và phủi bụi thôi đã là một hạnh phúc như chưa từng có niềm vui nào bằng trong dòng đời phiêu bạt này.
Giữa chợ đời hiu quạnh, thật may thay, cho những ai gặp lại được chính mình qua lớp bụi bám đầy với nhiều lãng quên và hiu hắt... “
(Hai Trầu, Boston, ngày 24-03-2004, © 2004 talawas)
Thường thường, một quyển sách trở thành sách thiệt đều do các nhà in in ra, nhưng trong tác phẩm “Chữ Nghĩa Văn Chương Cuộc Đời” có đề cập đến nhà xuất bản Thư Ấn Quán do nhà văn Trần Hoài Thư sáng lập thì chính nhà văn Trần Hoài Thư là người vừa viết sách, vừa in sách bằng chính cái máy ở ngay tầng hầm trong nhà của ông, cái này mới là khó và bạn nên tìm đọc để biết tại sao Thư Ấn Quán in sách bằng cách thủ công này mà trong suốt 23 năm qua đã có nhiều tác phẩm giá trị được ấn hành cùng với trên 100 số báo Thư Quán Bản Thảo qua cuộc trao đổi giữa tác giả Trần Doãn Nho với nhà văn Trần Hoài Thư với tiêu đề: “Trần Hoài Thư, Thư Ấn Quán & Thư Quán Bản Thảo” (Chữ Nghĩa Văn Chương Cuộc Đời, trang 114-140)
Dà, thưa bạn, quả thật cuộc đời của mỗi cuốn sách mà bạn thấy trên các kệ sách hoặc bạn mua nó và cầm nó trên tay, sách quả thật không chỉ là sách mà là cuộc đời của sách. Cuộc đời của sách là một cuộc đời nhiều gian truân và trắc trở dữ lắm, chứ không dễ dàng như đôi lúc mình cứ nghĩ khi mình có tiền là có sách!
Niềm đam mê của tác giả Trần Doãn Nho về chữ và về người dường như ông mê chữ đến mức triền miên bất tận… Chính vì vậy mà mới đây ông cho ra đời tiếp tác phẩm mới là tập tiểu luận “Cõi Chữ Cõi Người”, tức cũng là sự khắng khít không rời giữa chữ và con người ấy! Cái chủ đề đó nó theo với Trần Doãn Nho như một người tình: tình chữ; như một thứ ghiền: ghiền chữ; nó thôi thúc ông phải suy nghĩ về nó, phải viết nó ra và viết hoài, viết mãi từ thuở đôi mươi tới nay hơn nửa thế kỷ rồi mà ông không bao giờ thấy chán…
Nhận định về tác phẩm mới nhứt này, nhà báo & nhà văn Đinh Từ Bích Thúy trong Ban chủ trương tạp chí văn học nghệ thuật Da Màu nhận xét:
“Ngay ở tựa đề, tuyển tập Cõi Chữ Cõi Người của nhà văn Trần Doãn Nho đã thể hiện quan hệ cộng sinh giữa văn chương và đời sống. Vì liên hệ mật thiết với đời sống nên trong một khuôn khổ, văn chương đã sẵn “ươm mầm mống cho sự ‘vượt thời’” và vượt biên giới. Ta có thể đọc bảy bài viết trong tuyển tập như những ngụ ngôn về Tự Do, được minh họa qua hiệp ước uyển chuyển nhưng bền bỉ giữa tinh thần sáng tạo của tác giả, đặc tính bất ổn của ngôn ngữ, và cách tiếp nhận đa tầng về văn bản từ mọi tầng lớp độc giả.
Cho dù khái niệm tác giả đã có dạo bị giới phê bình khai tử, và nhân vật cũng tan biến trong cơn lốc hậu hiện đại, thì người nghệ sĩ vẫn không ngừng sáng tác, không ngừng tranh đấu với hoàn cảnh để đạt được những nhận thức “vô thời”, luôn luôn mới, luôn luôn bất ngờ và bất diệt, trong văn chương. Men theo hương đôi hài thêu của Hàn Ốc, phiêu lưu trong lý thuyết thăng trầm về tác giả và nhân vật, đối chiếu khái niệm tiểu thuyết Trung Hoa với quan điểm fiction của văn học Tây Phương, phục hưng văn phong Tự Lực Văn Đoàn và Văn Học Miền Nam cùng cảm nhận những khoảng trống ý nhị trong thơ văn Việt Nam, độc giả thật may mắn được chung bước với Trần Doãn Nho trong chuyến hành hương đến Cõi Chữ Cõi Người.”
(Đinh Từ Bích Thúy, bìa sau của Cõi Chữ Cõi Người)
Dà, đây là nhận định của một nhà văn đầy uy tín nhận xét về một tác giả già giặn văn chương và trường đời về mọi phương diện; tôi thấy mình không thể thêm bớt hay ý kiến ý cò gì được qua nhận xét vừa rồi.
Ở đây tôi chỉ có vài ghi nhận này:
Trước nhứt, tác phẩm Cõi Chữ Cõi Người của Trần Doãn Nho có cái đặc biệt là tác giả đã chia hai tập sách tách biệt rất rõ ràng, giúp người đọc thích tìm hiểu về chủ đề nào thì có thể vào ngay chủ đề ấy để đọc:
Tập I: Văn Chương – Văn Học
Tập II: Chính Trị - Văn Hóa - Xã Hội - Ngôn Ngữ
Thứ đến là mỗi chủ đề vừa kể tác giả trình bày rất chi tiết qua các sách vở nghiên cứu và sưu tầm giúp người đọc có thêm kho tài liệu phong phú, cũng là một pho/kho kiến thức bổ ích mà có lúc bạn đọc rất cần nhưng không biết tìm ở đâu. Chẳng hạn như ở Tập I, khi nhắc về Xuân Tình Trong Đường Thi, trang 11, tác giả đã dẫn người đọc đi về một thời văn học Trung Hoa thời thịnh Đường và đây là lãnh vực mà nhà thơ Tô Thẩm Huy rất nhiều kinh nghiệm trong “Đùa Với Đường Thi” trên tạp chí Văn Học ở California (Hoa Kỳ) của cái thủa ông Cao Xuân Huy lúc còn sinh tiền làm Chủ biên một thời! Riêng ở đây, Trần Doãn Nho đã khéo léo giải oan cho Hàn Ốc qua tài làm thơ rất ngắn nhưng diễn ý rất tài tình mà cũng là một cách tác giả khen Hàn Ốc rất khéo:
“Hãy tưởng tượng sự ức chế vừa về tình yêu vừa về tình dục của người phụ nữ trong cung cấm được Hàn Ốc diễn tả bằng hình ảnh tổng hợp của một tiếng kêu (than dài), một cử chỉ (cởi dải thắt lưng) và một cái nhìn (thấy cái giường trống) gói gọn trong chỉ hai câu thơ mười chữ trong “Xuân khuê”:
“Trường hu giải la đới
Khiếp kiến thượng không sàng.”
Tạm dịch:
Than dài cởi dải thắt lưng
Rùng mình chỉ thấy chiếu giường trống không.
Hết chỗ chê!
(1994)
(Cõi Chữ Cõi Người, trang 25)
Ở tập II, đặc biệt tác giả đề cập nhiều đến các vấn đề xã hội thời trước và ngay cả thời bây giờ; cách nào đó được hiểu như trong tập sách này nó chứa phần lớn về “cõi người” ; ở đó rất thời sự mà cũng rất văn chương.
Tóm lại, qua hai tác phẩm vừa rồi, mặc dù tác giả bàn về chuyện “chữ nghĩa văn chương cuộc đời” hay “cõi chữ cõi người” là chính, nhưng những trang sách đó chỉ là bề mặt của những trang sách viết về chữ nghĩa, viết về cuộc đời, viết cho đời, viết cho người nhưng qua cái hơi chữ ở ông, qua cái hơi văn của ông, tôi nghe được tận trong sâu thẳm của nỗi niềm riêng của ông chính là nỗi băn khoăn về một chốn để đi, để ở và để về: “Về/đi/đi/về”:
“Về nhà!
Chạm vào đâu cũng thấy mình ngày cũ. Sờ vào cây khế già trước sân, một bầy keo sà xuống, kêu inh ỏi. Gõ vào cột nhà, thấy đèn khuya, bút mực và những đêm học bài. Gõ vào cửa sổ, thấy mẹ ngồi đăm chiêu đắm đuối nỗi nhọc nhằn nuôi nấng. Ra vườn, nghe tiếng vạt sành, tiếng dế, sợ hãi những con ễnh ương hót vào cổ. Đêm về, nhớ những con ma: ma rà, ma le, ma trơi, ma trứng lộn, ma Mậu Thân.”
Bạn không nghe hồn mình xúc động và bồi hồi về những nhớ nhung, những hồi tưởng của tác giả về những kỷ niệm cũ, về những ngày tháng cũ khi “chạm vào đâu cũng thấy mình ngày cũ” sao?
Dà, còn nữa, đây mới chính là nỗi băn khoăn của tác giả mà có khi là nỗi băn khoăn của chính mình!
(…)
“tôi về, tôi, chốn cũ
quê hương, ơi, quê hương
trăng bạc lòng không tỏ
tôi bạc lòng nín thinh”(…) quê hương là vết cắn
bầm tím lớp da đời
quê hương là dấu hỏi
ném vào mỗi cuộc chơiquê hương là ẩn ngữ
đánh đố nỗi hoài mong
về! đất trời xao xác
lạ lẫm như chưa từngchiều lên nghe gió chướng
thổi buốt trái tim câm
nội thành tôi, ai gọi
hơi hụt giữa trời không
(có một khoảng cách ở đây)
trở về, tôi, đứng sững
một vết mòn phân vân”(Về/đi/đi/về, “Chữ nghĩa Văn chương Cuộc đời”, trang 293)
quê hương, ơi, quê hương
trăng bạc lòng không tỏ
tôi bạc lòng nín thinh”(…) quê hương là vết cắn
bầm tím lớp da đời
quê hương là dấu hỏi
ném vào mỗi cuộc chơiquê hương là ẩn ngữ
đánh đố nỗi hoài mong
về! đất trời xao xác
lạ lẫm như chưa từngchiều lên nghe gió chướng
thổi buốt trái tim câm
nội thành tôi, ai gọi
hơi hụt giữa trời không
(có một khoảng cách ở đây)
trở về, tôi, đứng sững
một vết mòn phân vân”(Về/đi/đi/về, “Chữ nghĩa Văn chương Cuộc đời”, trang 293)
Ôi, thật cảm động biết bao về nỗi người và nỗi mình qua cái đọc, cái hiểu và cái nhìn của một người nhà quê già thứ thiệt miệt Lấp Vò như tôi vậy! Trúng cùng trật gì gì qua cảm tưởng vừa rồi, tôi nghĩ, không lấy gì làm quan trọng; với tôi, một người xa quê như ông, tôi chỉ nghĩ đến việc khi phải quyết định chuyện “Về/đi/đi/về” cho chính mình như Trần Doãn Nho đã nghĩ và viết, thì quả thật là tôi cảm thấy thất kinh hồn vía rồi! Nhiều lúc tôi cũng không biết rồi đây mình đang ở đâu, sẽ đi đâu và rồi sẽ về đâu nữa… khi tuổi đời càng lúc càng chồng chất này vậy!
Hai Trầu
(Một người đọc nhà quê già miệt Lấp Vò)
Houston (Lấp Vò), ngày 15 tháng 7 năm 2023
Các tác phẩm của nhà văn Trần Doãn Nho:
-
Vết Xước Đầu Đời, truyện ngắn, Thanh Văn, California, 1995.
-
Căn Phòng Thao Thức, Thanh Văn, California, 1997.
-
Viết và Đọc, tiểu luận văn học, Văn Học, California, 1999.
-
Loanh Quanh Những Nẻo Đường, ký & tùy bút, Văn Mới, California, 2000. Thư Ấn Quán tái bản, 2014.
-
Dặm Trường, truyện dài, Văn Mới, California, 2001. Thư Ấn Quán, New Jersey tái bản năm 2018.
-
Tác Giả, Tác Phẩm Và Sự Kiện, biên khảo văn học, Văn Mới, California, 2005.
-
Từ Ảo Đến Thực, tạp bút, Văn Mới, California, 2006.
-
Ẩn Dụ, Cuộc Phiêu Lưu Của Chữ, biên khảo, Người Việt, California, 2015.
-
Thơ Trần Doãn Nho, thơ, Thư Ấn Quán, New Jersey, 2018.
-
Chữ Nghĩa Văn Chương Cuộc Đời”, tạp bút, Văn Học Press, California, 2020.
-
Đi. Trong Một Buổi Sáng, tập truyện ngắn, Văn Học Press, California, 2021.
-
Cõi Chữ Cõi Người, tiểu luận, 2 tập, Nhân Ảnh, California, 2022.