– Từ bài Thương Tiếc Một Bác Sĩ Quân Y của Phạm Phú Đức

Bác Sĩ Trần Xuân Dũng
Bộ Văn Học Quân Đội là một công trình biên tập có giá trị cho chúng ta một cái nhìn toàn diện cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam Cộng Hòa của Cộng Sản Bắc Việt từ trận tổng công kích Mậu Thân (1968) đến những trận chiến kết thúc chiến tranh 30/4/1975. Từ đó, chúng tôi viết bài này giới thiệu cái nhìn của bộ sách qua mấy phần sau:
I. Về nội dung
Văn Học Quân Đội gồm 43 tác giả thuộc một số quân binh chủng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Trong đó, Không Quân và Nhảy Dù, soạn giả đã giới thiệu 2 chiến sĩ văn nhân tiêu biểu là Lý Tống và Phan Nhật Nam.
- Lý Tống
Lý Tống sinh năm 1945 tại Thừa Thiên, mất ngày 5/4/2019 tại Hoa Kỳ. Ông là phi công A37 của Không Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 5/4/1975, ông nhận nhiệm vụ phá hủy 3 cây cầu trên quốc lộ 1 thuộc Cam Ranh để ngăn đà tiến của Cộng quân. Máy bay của ông bị trúng hỏa tiễn SA 7. Ông nhảy dù, nhưng bị bắt ở Cam Ranh. Tháng 10/1975, Lý Tống trốn khỏi trại tù, nhưng sau vài ngày bị bắt lại và bị nhốt vào conex 6 tháng. Ông vượt thoát khỏi trại tù A.30, ra được Tuy Hòa, rồi tìm đường về Sài Gòn. Ông thoát khỏi Việt Nam bằng đường bộ, nhưng bị bắt ở Miên và bị nhốt trong trại tù 7708. Lần này ông đã vượt ngục bằng cách bẻ chấn song sắt. Vượt sang được Thái Lan, ông bị bắt nữa. Sau 10 tháng, ông vượt ngục Thái, rồi băng rừng vượt núi thoát sang Mã Lai. Đến trạm biên giới gần Singapore, ông bơi vượt eo biển Johor Strait, đầy cá mập, vào ban đêm. Cuối cùng ông tới được Singapore, vào trình diện tòa Đại Sứ Mỹ và được Mỹ nhận. Kể từ ngày vượt thoát khỏi trại tù ở Việt Nam, ông đã mất 17 tháng để đến được Singapore.
Tới Mỹ năm 1984, ông ghi tên theo học khoa chính trị học, lấy bằng cao học, đang làm luận án tiến sĩ thì bỏ ngang, dấn thân vào những hoạt động chống Cộng. Hai lần bay về Việt Nam thả truyền đơn:
– Năm 1990, bay về Việt Nam bằng máy bay hàng không dân sự của Việt Cộng, thả 50.000 tờ truyền đơn, kêu gọi dân nổi dậy chống chế độ Cộng Sản, nhảy dù xuống, bị bắt và bị tù 6 năm. Mỹ can thiệp, ông được thả trở về Mỹ.
Ngày 17/11/2000, ông thuê máy bay nhỏ từ Thái Lan bay về Việt Nam thả truyền đơn lần thứ hai, bay trở lại Thái, bị bắt tù 7 năm.
Ở Mỹ, Lý Tống đã viết hồi ký Ó Đen, kể lại đời tù, vượt ngục qua Miên, qua Thái, qua Mã Lai để tìm đường qua Mỹ. Hồi ký Ó Đen đã ghi lại sự can đảm, kiên nhẫn và ý chí chống Cộng vì hạnh phúc và tự do của đồng bào.
- Phan Nhật Nam
Xin ghi lại một số điều từ bài viết của giáo sư Nguyễn Xuân Khoan viết về Phan Nhật Nam.
Phan Nhật Nam sinh ngày 28/12/1942, tại Phù Cát, Hương Trà, Thừa Thiên.
– Mười bốn năm lính (1961-1975), khóa 18 Võ Bị Đà Lạt, qua các đơn vị: Tiểu đoàn 7, 9, 2 và lữ đoàn 2 Nhảy Dù, tiểu khu Bà Rịa, Long An, Biệt Động Quân, Ban Liên Hợp Quân Sự Trung Ương 4 bên và 2 bên.
– Mười bốn năm tù (1975-1989), với 2 đợt kiên giam (2/1979 đến 8/1980) và (9/1981 đến 5/1988).
– Luôn Học – Đọc – Viết từ tuổi 20, 30… hoặc nay 60, 70 dù bất cứ ở hoàn cảnh, điều kiện nào để nói đến tận cùng về khổ nghiệp của mỗi con người đã sống cùng, gặp mặt, chứng kiến, nghe được trên vùng đất Bán Đảo Đông Dương, nước Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua. Thế nên, bởi Bất Bình Tắc Minh mà cầm viết, dụng văn chứ không do tài hoa, văn vẻ thuộc giới trí thức khoa bảng.
– Viết bốn mươi lăm năm (1968-2013), được lòng tin từ người đọc do chữ viết, lời nói trung thực với:
– Dấu Binh Lửa, 1969: Tường trình về người và chiến tranh ở Miền Nam (1960-1968).
– Dọc Đường Số 1, 1970: Trên quê hương, dọc con lộ, địa ngục có thật hằng ngày mở ra.
– Ải Trần Gian, 1970: Tự sự hóa biến cố chính trị, quân sự ở Huế, Đà Nẵng, miền Trung 1966.
– Dựa Lưng Nỗi Chết, 1972: Thảm họa mùa xuân Mậu Thân (1968) ở Huế, được dựng lại với khung cảnh tiểu thuyết.
– Mùa Hè Đỏ Lửa, 1972: Thiên hùng ca Mùa Hè của miền Nam trong trận chiến giữ đất, bảo vệ dân.
– Tù Binh và Hòa Bình, 1974: Lời báo động khẩn thiết sau Hòa Bình ngụy danh từ hiệp định biển lận, ký kết tại Paris 27-1-1973.
Đến Mỹ cuối năm 1993.
Tiếp tục công việc buộc phải gián đoạn từ 1975. Tự thân đưa đến bạn đọc toàn thế giới, qua 40.000 dặm đông tây, nam bắc bán cầu, vòng quanh trái đất, nơi nào có người Việt: Dựng lại chân dung đích thực về dân – lính của quốc gia tên gọi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với:
– Những Chuyện Cần Được Kể Lại, 1995: Về khổ nạn Việt Nam không dấu hiệu chấm dứt từ 1975.
– Đường Trường Xa Xăm, 1995: Tâm bút của người luôn trên đường đi.
– Đêm Tận Thất Thanh, 1997: Thơ viết giữa vũng tối không cùng của hơn mười tám năm (1975-1993), nơi Long Giao, Long Khánh, Hoàng Liên Sơn, Thanh Hóa, và ở Lái Thiêu, Bình Dương miền Nam.
– Mùa Đông Giữ Lửa, 1997: Bút ký sau 3 năm ở Mỹ để nhắc nhở bản thân, bằng hữu, những thế hệ nối tiếp hằng giữ lửa Mùa Hè 1972 – Ngày vững tay súng Bảo Quốc, An Dân và một số tác phẩm khác.
Sau khi ghi lại những tác phẩm của Phan Nhật Nam, giáo sư Khoan đã giới thiệu tập Mùa Hè Đỏ Lửa, gồm 4 phần với 4 tựa đề:
1. Charlie, tên quá lạ.
2. An Lộc, miền Đông không bình yên.
3. Trị Thiên, Đất vinh danh cho người.
4. Dựng một ngọn cờ.
Và mỗi tựa đề, giáo sư Khoan đã trích những đoạn tiêu biểu.
Trong phần kết, giáo sư Khoan đã ghi lại mấy nhận định:
– Và ở đây người lính Việt Nam Cộng Hòa Phan Nhật Nam không chỉ viết văn đơn thuần mà đã đem tâm tình của mình vào trang viết. Một tâm tình chan chứa tình người để mô tả tình người lính chiến VNCH yêu dân yêu nước, vô cùng cao đẹp, qua những nội dung vừa hào hùng, vừa bi hùng của một cuộc chiến oái oăm – khi chính nghĩa thua bất chính bạo tàn, để lại không biết bao nhiêu hậu quả tan nát bi thương.
– Qua những tác phẩm viết trong và sau cuộc chiến, Phan Nhật Nam đã đóng góp đáng kể trong việc nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng của quân dân Miền Nam trong chiến tranh, vạch trần tội ác của bọn Cộng Sản Việt Nam sau chiến tranh. Nhưng điều đáng tôn trọng hơn cả là những trang viết của ông có sức mạnh không chỉ khiến lòng người xúc cảm mà còn dấy lên những cảm khái – Phải làm một điều gì đó cho non sông đất nước trước họa diệt vong.
Ngoài hai chiến sĩ văn nhân Lý Tống và Phan Nhật Nam được Bác sĩ Dũng và giáo sư Khoan giới thiệu, còn 41 văn nhân khác đã đóng góp ít nhất mỗi người một bài để tạo thành bộ Văn Học Quân Đội. Theo nội dung của bộ sách, chúng tôi có thể xếp thành 4 chủ đề và giới thiệu một số bài theo mấy chủ đề đó.
Trận chiến Mậu Thân 1968
- Đại tá Tôn Thất Soạn viết Chiến Đoàn B Thủy Quân Lục Chiến Giải Cứu Sài Gòn Trong Tết Mậu Thân.
Đại tá Soạn cho biết sáng ngày Mồng Một Tết, Chiến Đoàn B gồm 2 tiểu đoàn 1 và 2 từ Cai Lậy đang mở những cuộc hành quân bảo vệ an ninh cho quốc lộ 4, thuộc các quận Giáo Đức, Cái Bè và Cai Lậy, được trực thăng Chinook của Hoa Kỳ không vận về giải cứu Sài Gòn. Thứ tự đổ quân là Tiểu đoàn 2, rồi Bộ chỉ huy Chiến đoàn và Tiểu đoàn 1.
Đại đội 1 do Trung úy Tô văn Cấp chỉ huy đã xuống đầu tiên tại sân cờ của Bộ Tổng Tham Mưu. Các đại đội 1, 2, 3 của tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến đã nhanh chóng thanh toán những mục tiêu được chỉ định. Chỉ trong một thời gian ngắn những biệt đội 6 và 9 thuộc trung đoàn F100 Việt Cộng bị ta tiêu diệt. Bộ Tổng Tham Mưu được giải tỏa.
Sáng hôm sau tiểu đoàn được lệnh tăng phái cho Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Đô Thành. Và sau một tuần đã giải tỏa những chốt của Việt Cộng ở quận 6, quận 8, quận 10 và khu Hàng Xanh thuộc Gia Định.
Tiểu đoàn 1 được di chuyển tới chi khu Bình Hòa và Gò Vấp, tiêu diệt Cộng quân ở trại Phù Đổng (Bộ chỉ huy thiết giáp), trại Hoa Lư, thành Quân Cụ, thành Cổ Loa (căn cứ pháo binh), giải tỏa áp lực địch ở khu Quân Lao và kho đạn Gò Vấp. Tiểu đoàn 1 đã lần lượt thanh toán các mục tiêu nhanh và gọn.
- Trung tá Nguyễn Văn Phán viết Huế Tôi và Mậu Thân.
Bài viết đã ghi lại trận chiến của tiểu đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến. Mục tiêu là chiếm Kỳ Đài mà Cộng quân đã chiếm đêm giao thừa và kéo cờ Mặt Trận Giải Phóng – xanh đỏ với ngôi sao vàng.
Trận chiến dữ dội giữa ta và địch trong 24 ngày: Tranh chiếm từng ngôi nhà, từng đoạn đường với sự tổn thất lớn. Ngày cuối cùng sau khi đến được xóm nhà sát cửa Sập, tôi ra lệnh: “Lộc và Sự mỗi ông cho một toán 10 người băng thật nhanh đến áp sát mặt thành, xong ngồi xuống. Toán kế tiếp leo lên vai toán thứ nhất để toán này dồn lên thành. Khi bám được mặt thành thì tác xạ tối đa và bằng mọi cách giữ vị trí để làm đầu cầu”. Con cái tôi hành động đẹp còn hơn tài tử xi nê. Tiếng đạn lớn nhỏ nổ rền. Hai toán lên thành chiếm xong vị trí. Tôi cho tất cả con cái đem bàn ghế ra chất sát tường và leo lên ngay. Tiếng đạn và pháo địch vẫn mãnh liệt trên nóc thành, phải khóa lại. Một chặng đường xương máu đã vượt qua. Bây giờ mục tiêu chính, mục tiêu của niềm hãnh diện, mục tiêu của ơn sâu nghĩa nặng: Kỳ Đài Huế. Đây là nơi tượng trưng cho hồn thiêng của dân tộc nói chung và cho Huế nói riêng. Duật và 20 người tiến chiếm 6 cây súng thần công to lớn, từ đó Duật dùng hỏa lực kềm địch ở Cửa Ngọ Môn, yểm trợ Nghênh và Mã Khện chiếm Kỳ Đài. Địch bắn trả. Con cái tôi dùng hỏa lực tối đa và thần tốc tiến vào Kỳ Đài. Phản ứng của địch bắt đầu yếu. 5 giờ 20 phút chiều, màu áo rằn ri Thủy Quân Lục Chiến đã làm chủ Kỳ Đài. Lá cờ xanh đỏ, sao vàng đầy hận thù còn ở trên không. Một người lính rút đâu trong người ra một lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ thật lớn. Tôi gọi về tiểu đoàn: “Tất cả đã sạch sẽ, xin thiếu tá cho tôi treo cờ”. Tôi nhớ rõ lệnh của Trung tướng Lê Nguyên Khang: “Một người lính Thủy Quân Lục Chiến duy nhất còn sống cũng phải dựng lại cho được ngọn cờ vàng tại Phú Văn Lâu”.
Tiểu đoàn trưởng bảo Phu Nhân (tên của trung tá Phán trong hệ thống truyền tin) giữ đầu máy chờ. Sau này tôi được nghe: “Khi báo cáo về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1, chuẩn tướng Ngô Quang Trưởng xin Thủy Quân Lục Chiến dành vinh dự treo cờ cho Sư Đoàn 1.
Sau 24 ngày và sau bao nhiều lần bổ sung quân số, chỉ có 3 mục tiêu: Con đường tới trường Trần Cao Vân, Cửa Sập và Kỳ Đài, khi đại đội ra đi quân số hơn 170 người mà khi dựng lại ngọn cờ Vàng chỉ còn 67 người.
Trận Chiến Hạ Lào – Hành Quân Lam Sơn 719 đầu năm 1971
- Thiếu tá Trần Vệ viết Đêm Hạ Lào! Đêm sao dài quá.
Thiếu tá Vệ ghi lại trận Hạ Lào với một số điểm như sau:
– Mục đích của ta là chiếm Tchepone, tiêu diệt địch rồi rút lui. Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến được trực thăng vận đáp xuống đồi 555 của Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 147 TQLC, nhiệm vụ làm lực lượng trừ bị cho Sư Đoàn 1 Bộ Binh tiến chiếm Tchepone.
– Sư Đoàn 1 Bộ Binh và Thiết Kỵ rút lui theo đường số 9 Khe Sanh bị Cộng quân truy kích nặng nề. Trong khi đó Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn Dù của Đại tá Thọ bị địch tràn ngập, đồng thời Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân cũng bị tấn công dữ dội. Tư Lệnh Tiền Phương phải xin B.52 trải thảm để ngăn các đợt tiến quân của Cộng quân.
– Trận chiến bằng pháo của Thủy Quân Lục Chiến và Cộng quân. Địch có ưu thế vì pháo đặt trong núi và hốc đá, còn đại bác của ta đặt trên đồi trống trải, lại ở trên cao dễ phát hiện và không di chuyển được nên đã làm mồi cho pháo địch.
– Thủy Quân Lục Chiến và nhiều đơn vị khác đã phải rút lui hỗn loạn về núi Koroc cách biên giới mấy cây số.
Kết quả: Lực lượng sư đoàn 1 Bộ Binh, Nhảy Dù, Biệt Động Quân, Thủy Quân Lục Chiến đã bị tổn thất nặng. Vì quân ta đã nhảy vào một khu trận địa sắp sẵn của địch, như ổ kiến lửa thì sao không bị thiệt hại. Tuy nhiên ta cũng đã phá vỡ nhiều kho tàng của địch làm cho chúng mất khả năng tấn công miền Nam một thời gian.
- Trung tá Trần Thiện Hiệu viết Tiểu Đoàn 3 Pháo binh tại căn cứ hỏa lực Hồng Hà.
Bài ghi lại mấy điểm:
– Tiểu đoàn 3 pháo binh yểm trợ Lữ đoàn 258 TQLC đóng tại căn cứ Hồng Hà trên đỉnh núi Koroc cách Khe Sanh 6 – 7 cây số, và tiểu đoàn 2 pháo binh của thiếu tá Đạt đóng ở căn cứ Đống Đa với Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến.
– Tuần lễ thứ nhất căn cứ Hồng Hà hầu như yên tĩnh, chưa một trái pháo nào của địch gây thiệt hại. Qua tuần thứ hai chiến sự trở nên nặng nề. Cộng quân đã bôn tập bao vây cả hai căn cứ Hồng Hà và Đống Đa. Từ trên núi có thể nhìn rõ địch thổi cơm dưới chân núi. Khi gọi pháo rót xuống thì chúng chạy vào lỗ, vào hang. Phi cơ oanh kích vừa rời khỏi vùng là chúng lại xuất hiện. Khi chiến xa Mỹ mở đường tiếp tế thì Cộng quân dùng đại bác không giật, hỏa tiễn cầm tay bắn cháy xe tăng Mỹ, buộc xe tăng Mỹ phải lùi lại phía sau. Phi cơ lại đến oanh tạc. Suốt cả buổi chiều đoàn xe chiến xa Mỹ không đến được vị trí pháo binh để tiếp tế.
– Tại căn cứ Đống Đa, tình thế tuyệt vọng, đã 3 ngày không tải thương tiếp tế gì được. Cả không quân và B.52 chỉ có thể làm chậm phần nào sự tấn công vào căn cứ chớ không thể đẩy lui địch và làm tê liệt pháo binh của chúng đã được giấu sâu vào khe núi.
– Đạn pháo đã cạn, các bánh xe hầu hết bị xẹp, hơn nữa pháo địch trút xuống không ngớt. Pháo thủ của ta chỉ còn nước chui vào hầm chịu trận.
– Lữ đoàn 147 và tiểu đoàn 2 Pháo binh rút lui chiến thuật trong đêm và đã thoát vòng vây của địch. 7 giờ sáng Lữ đoàn 147 và tiểu đoàn 2 pháo về tới địa điểm tập trung và được tiểu đoàn 2 Trâu Điên bảo vệ bãi đáp để trực thăng bốc toàn thể quân sĩ của Lữ đoàn 147 về Khe Sanh.
Trung tá Trần Thiện Hiệu nhận định: Trận đánh sang Hạ Lào không thể coi là thành công.
- Thiếu tá Phạm Văn Tiền viết về thắng bại trong trận Hạ Lào
– Đại đội 5 Tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến do tôi chỉ huy đã bị cô lập tại chỗ trong mấy ngày liền, không tải thương và tiếp tế. Tất cả những điểm có nước dưới chân đồi đều bị bao vây chế ngự. Trời tháng Ba với những cơn gió nắng rát miền Hạ Lào cùng những đợt tấn công pháo kích liên tiếp của địch đã không làm nản đi ý chí quyết sống của chúng tôi, vì chẳng ai còn cách nào chọn lựa khác hơn là phải sống để được trở về bằng chính sức lực của mình. Đó là vào những ngày cuối của cuộc hành quân 21, 23/3/1971. Chúng tôi được lệnh lui binh về gần Bộ Chỉ Huy hơn để tránh bị thiệt hại. Thiếu úy Kim, trung đội trưởng vũ khí nặng cùng hạ sĩ Ngạch đã bị tử thương sau một loạt pháo kích bằng súng cối 82 ly của địch vào vị trí. Trong khi có tiếng chiến xa địch mon men vào tuyến. Đó là lúc 5 giờ chiều ngày 22/3/1971 và Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn đã rút lui trước sớm hơn dự định. Đại đội tôi được lệnh di tản sau đó một tiếng đồng hồ khi chiếc T54 đầu tiên của Cộng Sản bị hạ bằng khẩu SKZ 57 ly từ tay Trung sĩ I Nguyễn Tế. Giọng Thiếu tá Phúc vang lên trong máy ra lệnh cho tôi: Anh phải cho con cái move down south gấp.
Bật chạy ra khỏi hầm trú ẩn, tôi hô to: Đại úy Tiền, Đại đội trưởng Đại đội 5 đây, các anh hãy theo tôi… Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn trống vắng, mùi thúi rữa của tử thi nơi những chiếc poncho bọc kín không được tải thương trong nhiều ngày, vài chục người trong toán lính bị thương còn lại đang hờn trách cấp chỉ huy. Tôi vẫn hô to: Đại úy Tiền đây, các anh hãy theo tôi. Giọng Hạ sĩ Báu, người lính gan dạ của Đại đội tôi bị thương vào chân khóc to nhất: Chân em bị gãy làm sao chạy được ông thầy? Nước mắt tôi tuôn chảy, miệng lẩm bẩm: Đành chịu vậy thôi, chứ biết làm sao bây giờ. Trong khi đèn chiến xa địch bắt đầu soi sáng và bắn nã theo lên đồi căn cứ…
Thiếu tá Tiền nhận định về trận Hạ Lào, trong cuộc hành quân Lam Sơn 719: Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chiến thắng tại các chiến trường Cam Bốt, An Lộc, Quảng Trị, nhưng rõ ràng chúng ta không thắng tại Hạ Lào. Trong số 16.000 quân tham chiến, 9.000 đã hy sinh, bị thương hay bị bắt. Bảo là thắng sao được khi mà chẳng có đơn vị nào còn nguyên vẹn trong cuộc lui binh hỗn độn, hấp tấp, vô cùng mất trật tự, chưa từng xảy ra trong quân sử của bất cứ quân đội thiện chiến nào.
Trong bài viết về trận Hạ Lào, ông đã ghi lại câu nói “để đời” của Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, người chịu trách nhiệm chỉ huy tổng quát của cuộc hành quân này, với Đại tá Hoàng Tích Thông, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến: Sao Thủy Quân Lục Chiến, nó về được nhiều thế nhỉ?
Trận Chiến Mùa Hè Đỏ Lửa đầu năm 1972
- Trung tá Lê Bá Bình viết Tiểu Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Trên Phòng Tuyến Đông Hà.
Bài viết đã ghi lại giai đoạn đầu của Mùa Hè Đỏ Lửa, gồm những điểm sau:
– 30/3/1972, Cộng quân mở màn tấn công Tiểu đoàn 8 và tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến, rồi đến các Trung đoàn 2, Trung đoàn 56, Trung đoàn 57 của Sư Đoàn 3 Bộ Binh trong khu đa giác Đông Hà, Gio Linh, Cồn Tiên, Khe Gió và Mai Lộc.
– Thủy Quân Lục chiến dùng M72 hạ xe tăng địch. Đại úy Ripley gọi phản lực Phantom từ hàng không mẫu hạm ở biển Đông khi xác định được chỗ ẩn nấp của địch. Hải pháo của Mỹ, pháo binh của ta dập bãi. Xe tăng của Cộng quân tan nát.
– Ngày 1/4/1972, 7 căn cứ hỏa lực của Sư Đoàn 3 BB ở khu vực Gio Linh và Cam Lộ đã rơi vào tay địch. Vùng trách nhiệm của Trung Đoàn 57 Sư đoàn 3 BB cũng bị địch chiếm.
– 4 giờ sáng ngày 3/4/1972 địch tấn công vào những vị trí phòng thủ của ta. Trên cầu chiến xa địch ào qua. Dưới sông địch sử dụng chiến xa lội nước PT76 và bộ binh vượt sông. Ta đẩy lui những cuộc tấn công và địch phải lộn trở về bên kia sông. Ta được lệnh phá 2 cây cầu trên sông Đông Hà. Đại úy Ripley và Thiếu tá Smock đã thi hành công tác nguy hiểm này.
– Đêm 7/4/1972 địch tấn công đồng loạt trên mọi tuyến. Bộ binh địch vượt sông từ chập tối rồi phối hợp với cánh quân phía Tây, vừa đánh ngang hông vừa bọc hậu, đè nặng áp lực từ mọi phía. Với sự yểm trợ thật hữu hiệu và mạnh mẽ của các đơn vị Thiết giáp, Pháo binh của ta cũng như những phi tuần Phantom và hải pháo của Hoa Kỳ, Tiểu đoàn 3 TQLC đã giữ vững phòng tuyến để sáng hôm sau, nhờ ánh sáng ban mai, thắng thế xông lên từ thế thủ qua thế công, rượt chúng chạy tán loạn.
Sáng ngày 8/4/1972, Tiểu đoàn nhận được lệnh bàn giao phòng tuyến lại cho Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân để trở về với Lữ Đoàn 258 TQLC tại căn cứ Ái Tử.
- Đại tá Ngô Văn Định viết: Chiến thắng của Lữ Đoàn 258 Thủy Quân Lục chiến ở Quảng Trị tháng 4 năm 1972.
Bài viết gồm mấy điểm:
– Trận cầu Đông Hà (bài của Trung tá Lê Bá Bình đã viết về việc giữ cầu Đông Hà).
– Trận chiến ở căn cứ Phượng Hoàng, phía tây nam Ái Tử 9 cây số và ở căn cứ Pedro giữa ta và địch bằng pháo, xe tăng, bãi mìn và sự yểm trợ của không quân Việt Nam.
– Ngày nào các đơn vị cũng bị pháo. Tình hình lúc nào cũng sôi động, chạm địch thường xuyên, nhưng các tiểu đoàn TQLC vẫn làm chủ tình hình. Lúc này (13/4/1972) Thủy Quân Lục Chiến, Liên Đoàn 5 Biệt Động Quân và Lữ Đoàn I Kỵ Binh là 3 đơn vị duy nhất còn lại ở vùng giới tuyến.
- Đại tá Phạm Văn Chung viết: Lữ Đoàn 369 trên sông Mỹ Chánh
Bài này Đại tá Chung ghi lại việc Lữ Đoàn 369 chặn đà tiến quân của Cộng quân ở sông Mỹ Chánh với một số điểm:
– Tình hình chiến sự vùng giới tuyến (3/4/1972): Về phía tây, các căn cứ hỏa lực Holcomb, Sarge, núi Bá Hổ, có căn cứ bị tràn ngập, có căn cứ phải rút lui vì áp lực địch quá mạnh. Về phía bắc, Sư đoàn 3 Bộ Binh trấn giữ các căn cứ A1, A2, A3, A4, C1, Fulter, Khe Gió đã lọt vào tay địch. Căn cứ Caroll, C2 bị pháo kích nặng nề và bộ binh địch đang tiến lên uy hiếp. Lữ Đoàn 258 đang phải tiến lên ngăn cản xe tăng cùng bộ binh địch tràn qua căn cứ C1 theo quốc lộ 1 xuống Cùa đã gần đến Cam Lộ, Đông Hà.
– Vùng trách nhiệm của Lữ Đoàn 369 là vùng Tây Nam Quảng Trị thuộc quận Hải Lăng. Nhiệm vụ của Lữ Đoàn là ngăn chặn địch tấn công sườn trái của Sư Đoàn 3 Bộ Binh, không cho địch tràn xuống quốc lộ 1, trục tiếp vận chính từ Huế đến các đơn vị đang hành quân phía Bắc sông Thạch Hãn.
– Không tràn ra được quốc lộ 1, địch điên cuồng đã dùng pháo nặng bắn vào trục lộ đầy nghẹt dân chúng, xe cộ thường dân bỏ vùng chiến tranh Quảng Trị để vào Thừa Thiên lánh nạn, gây nên bao chết chóc thê thảm cho dân chúng và đã tạo nên Đại Lộ Kinh Hoàng.
– Ngày 1/5/1972, tình hình ở thị xã Quảng Trị trở nên xấu hơn, nên Lữ Đoàn quyết định lấy chiến tuyến thiên nhiên là sông Mỹ Chánh ngăn chặn địch.
– Trưa ngày 2/5/1972, khi Sư Đoàn 3 BB cùng lực lượng tăng phái tháo lui hỗn độn ra khỏi thị xã Quảng Trị và địch đã tiến hành truy kích. Ngày 3/5/1972 các tiểu đoàn 2 và 9 bắt đầu bị các đơn vị tiền phong của lực lượng truy kích Cộng sản tấn công. Các tiểu đoàn 2, 9 và Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn bị pháo kích vùi dập khủng khiếp.
– Hai bên quần thảo nhau trên trận tuyến dài hàng chục cây số. Súng địch, pháo địch, tiếng la hét xung phong. Súng bạn, bom bạn, tiếng gào thét vào máy truyền tin. Tiếng dây xích xiết, tiếng gầm của xe tăng địch. Tiếng rít của phi cơ bạn nhào lộn xả súng, thả bom. Hỏa châu đầy trời chập chờn tắt sáng trong đêm tối mịt mùng. Một bên cố tiến lên. Một bên cố chận lại. Không lùi được nữa. Nửa thước cũng không lùi, đã nói lên cái độ tàn khốc, đến như núi phải đông, sông phải sôi của trận chiến.
– Sáng 4/5/1972, Tiểu đoàn 5 báo cáo xe tăng địch cùng xe lội nước PT 76 xuất hiện trên dải cát phía Đông quận Hải Lăng ra gần sát bờ biển. Ngay tức khắc các phi tuần không quân chiến thuật được gửi đến. Bom hạng nặng được trút xuống đoàn xe tăng này. Khoảng 8 giờ sáng trong lúc địch ngớt pháo kích, Thiếu tá Bob Sheridan, cố vấn Lữ đoàn, vẻ mặt nghiêm trang tiến đến sát vị Lữ đoàn trưởng:
– Sir, mọi người đều bỏ lùi về phía Nam cả, Lữ đoàn mình thì sao?
Trả lời: Lữ đoàn 369 là một Lữ đoàn giỏi, chúng ta không đi đâu hết, với sự yểm trợ hỏa lực của các anh, chúng tôi sẽ ngăn chận địch ngay tại đây, không một tên Việt cộng nào có thể qua sông này được.
– 5 giờ chiều 3/5/1972, Lữ đoàn ra lệnh cho Đại úy Nguyễn Văn Hổ, Đại đội trưởng Đại đội A Công Binh phá sập cầu Mỹ Chánh. Ranh giới đánh phá tự do của không quân chiến thuật được ấn định lại từ 1 cây số Bắc sông Mỹ Chánh thay vì từ sông Thạch Hãn về phía Bắc.
Đà tấn công của Cộng quân đã bị chận đứng, Lữ đoàn 369 TQLC đã đứng vững sau hơn 30 ngày thịt nát xương tan của Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 tại Quảng Trị.
- Trung tá Nguyễn Đăng Hòa viết: Cuộc đổ bộ trong lòng địch
Bài này Trung tá Hòa ghi lại cuộc đổ bộ của Tiểu đoàn 1 TQLC vào giữa lòng địch tại quận Triệu Phong, gồm một số điểm sau:
– Cửa ngõ quận Triệu Phong là huyết lộ dẫn ra Cửa Việt bằng đường bộ và đường thủy theo sông Thạch Hãn. Từ huyết lộ này mà Cộng quân có thể tiếp tế, tải thương và thay quân. Vì thế, trong kế hoạch tái chiếm Quảng Trị, quân ta phải chiếm Triệu Phong để cắt đứt đường tiếp vận của địch.
– Ngày 11/7/1972, Tiểu đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến, biệt danh Quái Điểu, được trực thăng vận đổ thẳng vào giữa lòng địch tại quận Triệu Phong bằng trực thăng CH46 và CH53, hai loại trực thăng tối tân, vận tốc nhanh, có sức chứa 60 người (CH53) và 20 người (CH46). Đây là cuộc đổ quân quy mô lớn, chỉ trong một chuyến đã đưa đến bãi đáp hơn 700 quân của Tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến với 10.000 lbs tiếp liệu. Tuy bãi đáp đã được B52 “dọn cỏ” suốt 2 tiếng đồng hồ với 33 phi vụ cày nát từ Đông Hà đến Quảng Trị, nhưng gia đình Quái Điểu vẫn được dàn chào long trọng với súng phòng không 23 và 37 bắn lên như pháo bông.
– Ngay phút đầu, sau khi hoàn tất cuộc đổ quân, Tiểu đoàn bị thiệt hại hơn 200 người vừa chết vừa bị thương. Trong số 32 trực thăng đổ quân, 29 chiếc bị trúng đạn phòng không, 1 nổ ở bãi đáp, 2 rớt trên đường về.
– Thiệt hại lớn cho Tiểu đoàn là chiếc trực thăng bị rớt và nổ tung sau 2 phút lại chở nguyên trung đội Quân Y, 60 người chỉ sống sót 12 người trong đó có Bác sĩ Hoàn. Ông lao được ra cửa cấp cứu, nhưng phải 2 ngày sau mới bò về được Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn với thân thể bị phỏng nặng.
– Cánh đồng Triệu Phong đã trở thành bãi chiến trường khốc liệt. Xe tăng Việt Cộng phối hợp với bộ binh rời vị trí phòng thủ để rượt chúng tôi và những chiếc trực thăng vũ tranh Cobra của ta đã săn đuổi chúng. Tiểu đoàn Quái Điểu lúc bấy giờ như bầy gà lạc mẹ, mạnh ai nấy đánh, dùng chiến thuật cá nhân phối hợp từng tổ, cố bám lấy bờ sông Vĩnh Định là chi nhánh của sông Thạch Hãn để làm điểm tựa. Nhờ vào súng M.72 chống chiến xa, ta đã bắn hạ được một số xe tăng địch, có những chiếc bốc cháy cách xa ta chỉ 50 thước, giúp cho anh em an tâm hơn và tin tưởng vào loại vũ khí tối tân này. Những hố bom trở thành vị trí chiến đấu lý tưởng cho binh sĩ TQLC.
– Song song với Đại đội 1 và 4, sự chiến đấu gan dạ của Đại đội 2 và 3 đã tạo được sức mạnh vô song cho gia đình Quái Điểu. Sư đoàn 312 của Việt Cộng với quân số gấp 10 lần đã không nuốt được Tiểu đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến.
– Qua 2 ngày song đấu, địch đã được tăng viện, nhưng vẫn không áp đảo được quân ta. Tiểu đoàn Quái Điểu đã tổ chức được vị trí phòng thủ bằng máu xương và sức mạnh tinh thần của mình cộng với sự yểm trợ hùng hậu mà chưa bao giờ Quân lực Hoa Kỳ sử dụng trên chiến trường Việt Nam.
– Cuộc đổ bộ này được báo chí xem như cuộc đổ bộ Inchon tại Đại Hàn năm xưa. Tướng Bùi Thế Lân được triệu về dinh Độc Lập để thuyết trình về cuộc đổ quân trước Hội Đồng An Ninh Quốc Gia.
- Trung úy Văn Tấn Thạch viết: Tái Chiếm Cổ Thành
Trung úy Thạch đã ghi lại trận tái chiếm Cổ Thành đêm rạng ngày 15/9/1972 của Đại đội 3 Tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến. Xin tóm tắt sự diễn tiến:
– Trung đội của Trung úy Văn Tấn Thạch (Thạch Thảo) nhận nhiệm vụ đi đầu đội quân tiền đạo.
– 8 giờ tối, một đơn vị thiết giáp M48 được điều động đến tuyến của Trung đội Thạch Thảo. Trung úy Thạch yêu cầu M48 bắn vào những chỗ nghi ngờ Cộng quân trú ẩn.
– Cả trung đội bò sát đất, từ từ tiến lên. Gần 3 tiếng vừa bò, lách, di chuyển bằng mọi tư thế, trung đội tới được chân thành, cách bờ thành chừng 100 mét. Trung đội ẩn núp, nằm sát đất, nấp vào các vách tường đổ nát.
– Thạch Thảo yêu cầu pháo binh bắn vào thành nhiều hơn, những tràng đạn 105 ly vút qua đầu binh sĩ, rớt vào thành. Mặc cho pháo binh bắn thế nào, Cộng quân vẫn không rời vị trí canh gác. Thạch Thảo quyết định dùng pháo binh để thi hành kế hoạch nên yêu cầu pháo binh bắn gần hơn 50 mét. Những tràng 105 ly vẫn rớt vào trong bờ thành. Yêu cầu bắn gần lại 25 mét nữa. Những quả đạn rơi đúng bờ thành. Mảnh đạn bay tứ phía rớt rào rào trên đầu chúng tôi. Với ánh sáng hỏa châu, Thạch Thảo có thể thấy Cộng quân chui vào hầm trú ẩn.
– Đúng 5 giờ 15 phút, trời bắt đầu mờ sáng. Một quyết định là nhân lúc Cộng quân chui vào hầm tránh pháo, Thạch Thảo ra lệnh cho Trung sĩ Xuân, tiểu đội trưởng gan dạ: Anh dẫn tiểu đội lên trước, tôi sẽ bám theo sau. Tiểu đội của Xuân nhanh như cắt rời vị trí trú ẩn, trèo lên bờ thành. Xuân đã đến nơi, anh em trong tiểu đội đã ném những quả lựu đạn đầu tiên vào các công sự của địch.
– Thạch Thảo cho trung đội ào lên và cả trung đội tiếp tục ném lựu đạn vào các hầm hố của địch. Trong khoảnh khắc, trung đội đã chiếm được một khu vực khoảng 150 mét.
– Địch bỏ chạy. Trung đội thừa thắng xông lên. Mười phút sau Thạch Sanh (Đại đội trưởng) dẫn cả đại đội lên tiếp ứng. Địch hoảng loạn. Chúng không bao giờ ngờ rằng vào giờ phút này mà Thủy Quân Lục Chiến lại dám tấn công vào thành. Chúng đại bại. Hàng trăm tên phải bỏ xác tại chỗ. Hàng ngàn tên vứt súng bỏ chạy.
– Khoảng 30 phút sau, một Đại đội của Tiểu đoàn 6 TQLC cũng bắt đầu khai hỏa xung phong ở hướng Tây Nam Cổ Thành. Chỉ trong thời gian ngắn, các chiến sĩ Thần Ưng cũng làm chủ được phần đất của thành.
– Đến đây coi như Thủy Quân Lục Chiến đã làm chủ hoàn toàn Cổ Thành. Những cụm khói pháo 130 ly của Cộng quân bắn vào thành để chận đường truy kích của Thủy Quân Lục Chiến làm Thạch Thảo chợt nhớ ra một điều: Anh em tôi vẫn còn đầy đủ – Tự nhiên nước mắt tôi trào ra.
- Bác sĩ Nguyễn Trung Tín viết Sống Với Xác Chết Dưới Huyệt Đạo Của Chiến Trường Đức Dục.
Bác sĩ Biệt Động Quân Nguyễn Trung Tín đã ghi lại trận chiến ở Đức Dục của Biệt Động Quân. Xin tóm tắt một số điểm:
– Trong Mùa Hè Đỏ Lửa, sau khi chiếm Quảng Trị, Cộng quân tiến đánh bọc ngang sườn Đà Nẵng và xua quân vào quận Đức Dục, chiếm mỏ than Nông Sơn. Bác sĩ Tín và Đại đội Quân Y hơn 100 y tá phải nhảy từ trực thăng vào giữa trận tuyến.
– Địa thế Đức Dục là một thung lũng được bao quanh bởi núi non trùng điệp. Khi chúng tôi đến Đức Dục thì đêm trước 3 Tiểu đoàn Biệt Động Quân đã được đưa đến bằng trực thăng vận và họ đã đang tiến chiếm các cao điểm.
– Xưởng lọc than xây cất dở dang được dùng làm Bộ Chỉ Huy tạm. Gần đó là bệnh viện nhỏ do Tây Đức xây cất. Nhận thấy xưởng lọc than và bệnh viện là những tấm bia khổng lồ ngon lành cho Việt Cộng trực xạ hay pháo kích, chúng tôi quyết định đào một rãnh dài để làm bệnh viện dã chiến theo dọc một phi đạo dã chiến.
– Vừa cứu thương vừa phải tự vệ, chúng tôi không còn đủ thì giờ để đào hầm cấp cứu và hầm giải phẫu, nên tất cả thương binh nặng nhẹ, sống, chết đều nằm chung dưới rãnh. Thương binh được võng đến vị trí của Quân Y, những công tác cấp cứu, lựa thương được thực hiện một cách vô cùng dã chiến, trong tình trạng vô cùng khó khăn với đạn réo trên đầu. Có những y tá đang làm công tác cứu người thì trúng đạn ngã ra chết.
– Dưới sức nóng gay gắt của miền Trung trong mùa hè, thêm vào đó, đạn pháo kích cày xới đất cát bay mù trời. Tôi và y tá phải bò trên mặt đất, dưới tầm đạn của hai bên để băng bó, truyền dung dịch, chích thuốc giảm đau, khai thông huyết quản thương binh.
– Những chiếc trực thăng hình như không sợ chết, cứ chao đi đảo lại trên trời bất kể đạn pháo, rồi đáp. Nhờ đó mà một số thương binh đã được đưa về bệnh viện Duy Tân Đà Nẵng. Chúng tôi thầm cảm ơn những chàng trực thăng tài hoa này, vì chúng tôi ở dưới đất còn có chỗ nấp, nhưng còn họ cứ bồng bềnh lơ lửng giữa màn lưới đạn như thế… bởi cũng vì công tác bốc thương binh mà họ đã rụng mấy chiếc ở cái thung lũng tử thần này rồi. Họ không rụng lúc đáp mà rụng trong lúc đang bồng bềnh tìm chỗ đáp. Và một trong những chiếc đáp được lúc bấy giờ có tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I cũng đội mưa pháo đến tận chiến trường thăm hỏi anh em binh sĩ. Tại đây tôi cũng chứng kiến tận mắt những chiếc trực thăng chở đầy thương binh vừa bốc lên khỏi mặt đất đã nổ tung trên trời. Địch đã ngăn cản trực thăng tải thương. Đạn nổ 24/24 vào bãi đáp dã chiến duy nhất. Sau một tuần lễ không bốc được thương binh, hơn 100 xác chết nằm la liệt ngổn ngang trong huyệt đạo đã bắt đầu sình thối.
– Việc cấp cứu và tải thương ở chiến trường khi giao tranh về đêm lại càng khó khăn gấp bội, vì không có ánh sáng. Có lúc phải dùng đèn, nhưng phải che kín lại, chỉ chừa một lỗ sáng nhỏ để rọi thẳng vào vết thương hay đọc tên thuốc. Con số hơn 500 thương binh nằm trong huyệt đạo, vừa người chết lẫn người sống. Vì chờ đợi quá lâu, vì thiếu thuốc, vì mất máu, vì nhiễm trùng, nên số người chết lại gia tăng.
– Số thương binh qua đời quá nhiều vì không có phương tiện giải phẫu. Từng bọc poncho phình to dưới ánh nắng gay gắt chói chang. Mùi hôi thối dưới sức nóng thiêu đốt lại càng thêm nồng nặc tanh hôi khiến người đang khỏe cũng bệnh. Và tất nhiên trong suốt thời gian trực thăng không đáp được, tất cả chúng tôi, người sống, người bệnh đều phải ăn nằm chung với xác chết dưới huyệt đạo của thung lũng chiến trường Đức Dục.
– Cuối cùng phải tải xác bằng Chinook, vì loại trực thăng này mạnh hơn. Nhưng phải thật chớp nhoáng và bất ngờ. Chúng tôi dùng một tấm lưới lớn trải giữa bãi vào ban đêm, rồi để xác chết vào lưới và túm lại. Đợi khi Chinook tới, chỉ việc móc vào là cất cánh. Chẳng biết trong quân sử của thế giới có cuộc chiến nào phải dùng đến loại trực thăng vận tải chuyên câu xe tăng, đại bác để câu những bọc lưới với hàng trăm xác người hay không?
– Chiến trường Đức Dục càng lúc càng gia tăng cường độ. Việt Cộng đã dùng chiến thuật biển người với quân số đông gấp 5 lần, ngày càng tiến sát vào Bộ Chỉ Huy. Một chọi năm, nhưng cuối cùng các chiến sĩ mũ nâu đã giải tỏa được áp lực của địch.
– Cuộc chiến nào cũng phải bị tiêu hao. Trong trận này, ngoài số thương binh và tử sĩ được trực thăng UH tải đi, còn hơn 150 xác phải dùng đến thiết vận xa.
Trận chiến An Lộc – Bình Long
- Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt, thuộc Thủy Quân Lục Chiến, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Long (1970-1972). Ông đã xuất bản cuốn hồi ký “Cuộc Chiến Dang Dở”, gồm 8 chương. Chương 5 nói về An Lộc: 94 Ngày Đêm Trong Hỏa Ngục Bom Đạn. Xin trích ít đoạn nói về 2 trận tấn công này của Việt Cộng.
Cộng quân tấn công đợt một:
– Tiền pháo hậu xung vẫn là chiến thuật cổ điển muôn đời của Cộng quân – trước khi xua quân bộ với chiến xa tiến chiếm An Lộc. Cộng quân liên tục ngày đêm pháo đủ loại vào thị xã An Lộc. Không một thước đất nào của An Lộc mà không có dấu vết của đạn súng cối 82 ly, của hỏa tiễn 122 ly, của đạn pháo 130 ly và kể cả đạn 105 ly, 155 ly của ta bị lọt vào tay địch tại Chi khu Lộc Ninh.
– Cao điểm của đợt pháo kích là vào đêm 12/4/1972. Cả chục ngàn đạn pháo cày nát đất đai An Lộc. Cộng quân dọn đường cho quân bộ và chiến xa tràn vào Tiểu Khu. Từ nửa đêm các cánh quân của Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt có chiến xa dẫn đầu tiến vào chiếm phía Bắc An Lộc.
– Tôi ra lệnh cho các chiến sĩ thủ dưới hầm, dưới giao thông hào hay trong các công sự trong lúc Cộng quân pháo kích. Lợi dụng thời gian đó nghỉ ngơi, chờ phản công. Một khi địch ngừng pháo là phải đứng thẳng lên và bắn tiêu diệt bất cứ vật gì di động trước mặt trong bóng tối.
– Nhờ các tiền đồn Nghĩa quân báo cáo các hướng di chuyển của chiến xa địch, Bộ chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long, qua hệ thống cố vấn Hoa Kỳ, đã điều động các phi tuần Specter, A37 và trực thăng võ trang Cobra tiêu diệt chiến xa và bộ binh địch. Vì thế toán tùng thiết của Cộng quân rối loạn hàng ngũ phải bỏ chạy về phía sau.
Cộng quân tấn công đợt hai:
– Đêm 25/4/1972, địch mở một cuộc pháo kích kinh thiên động địa. Vào lúc rạng sáng, Cộng quân rót trên 1.000 quả pháo đủ loại vào An Lộc. Hai vị trí Cộng quân chọn để tiêu diệt bằng pháo là Bộ Tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh của tướng Hưng và Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Bình Long.
– Vào lúc 6 giờ sáng, Cộng quân nổ súng đồng loạt mở màn cuộc tấn công thị xã lần thứ hai. Lần này Công Trường 9 Cộng Sản Bắc Việt chia Trung đoàn 272 ra làm hai cánh quân có chiến xa và pháo binh yểm trợ tấn công phía Bắc và phía Tây An Lộc.
– Sau khi chiếm được phía Bắc của thị xã, chúng bố trí các ổ súng phòng không trên các cao ốc để uy hiếp không lực của ta. Tuy nhiên các phi công kiên cường của không quân Việt Nam và không quân Hoa Kỳ không chịu khuất phục. Hàng loạt các cuộc oanh kích gan dạ và chính xác đã làm câm họng pháo địch và chiến xa phải nằm ụ, bốc cháy.
– Công Trường 9 tung toàn bộ Trung đoàn 211 vào mặt trận phía Tây An Lộc. Không lực Hoa Kỳ gởi các pháo đài bay B52 đến đổ hàng ngàn tấn bom lên đầu chúng tại đồn điền Xa Cát cách An Lộc 4 cây số. Vì bị thiệt hại nặng, Công Trường 9 CSBV tháo chạy, hủy bỏ cuộc tấn công.
– Mặc dù bị hỏa lực của không quân ta chặn đánh khắp nơi, trong lần tấn công đợt hai, Cộng quân cũng chiếm được 1/3 thị xã.
– Con số thương vong không di tản được, chồng chất lại mỗi ngày một tăng. Thuốc men thiếu thốn, khiến Đại úy Bác sĩ Nguyễn Văn Quý phải dùng dây ni lông của bao cát, nấu thật sôi để sát trùng rồi khâu vết thương. Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu dành 2 căn hầm lớn làm bệnh viện để giải phẫu và điều trị thương binh.
– Tại bệnh viện tỉnh còn tồi tệ hơn. Dân chết quá nhiều, tỉnh phải dùng xe ủi đất của Ty Công Chánh đào hố để chôn tập thể.
- Bác sĩ Nguyễn Văn Quý viết Địa Ngục Trần Gian
Bác sĩ Quý viết Địa Ngục Trần Gian, ghi lại việc làm của Bác sĩ và Y tá bệnh viện Bình Long trong tình trạng Bình Long bị Việt Cộng bao vây và pháo suốt ngày đêm. Xin ghi lại một số điểm:
– Phòng mổ bây giờ thật xơ xác hoang tàn, nền nhà dơ bẩn vì đã lâu không có nước lau. Dưới chân bàn mổ từng vùng máu đông đen hôi hám. Bệnh viện đã bị cô lập.
– Khoảng 5 giờ chiều, bác sĩ Nam Hùng ở phòng cấp cứu, xuống cho tôi hay có 5 người bị thương bụng, cần mổ gấp. Tôi nghe vậy mệt xỉu luôn. Dù trong thời bình với đầy đủ phương tiện, tôi có làm suốt đêm chưa chắc một mình tôi có thể giải quyết xong số thương binh đó.
– Đạn pháo nổ bên trường Trung học trước bệnh viện, bên trong Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 5, Bên Ty Công Chánh sau bệnh viện, rồi rơi ngay cả vào bệnh viện khiến chúng tôi đứng mổ không yên. Tôi thấy không tài nào làm hết những vết thương bụng đó được. Tôi chọn người nào nhẹ nhất tôi làm trước.
– Tôi mệt lả người. Trong lúc Thiện, Xòm đẩy bệnh nhân ra phòng hậu giải phẫu, tôi bước ra ngoài cho dễ chịu một chút. Tôi không dám hít mạnh, vì không khí bệnh viện hiện giờ chẳng trong lành gì. Cho tới nay gần 300 xác chết nằm xếp lớp dưới nhà xe và sân sau của bệnh viện… Những xác chết đó có từ những ngày đầu cuộc chiến, đến nay đã 10 ngày mà chưa được đem đi chôn.
– Dần dần người chết quá nhiều, bất cứ nơi nào có xác chết là họ thu về, đem thẩy vào nhà xác bệnh viện… Xác trương phình, bụng căng cứng, chảy nước vàng rữa nát. Xác người lớn, trẻ con, xác của quan, của lính, của dân nằm lẫn lộn xông lên mùi hôi thối. Ruồi nhặng bu đầy lên mặt, trên những vũng nước rỉ ra từ những thây sắp rữa nát.
– Để ngăn ngừa ruồi muỗi sinh sản, có người đem bột DDT rắc lên những xác chết. Ruồi nhặng bị xua đuổi khỏi chỗ của nó, liền quay vào tấn công bệnh viện. Khắp nơi đâu cũng có ruồi nhặng… Lại nữa mùi DDT trộn với mùi của xác chết sình thối hợp thành một mùi khủng khiếp.
– Cuối cùng chúng tôi trình sự việc lên Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5. Một vị Đại tá được chỉ thị lo việc này. Đó là Đại tá Điềm, nguyên tỉnh trưởng Long Khánh. Đích thân ông dẫn một tốp lính cùng 10 lao công đào binh để hốt xác lên xe cam nhông đưa đi chôn. Xe ủi đất của Ty Công Chánh đã đào những hố thiệt lớn để làm hố chôn tập thể. Xe de đuôi vào đám xác, mấy lao công đào binh hì hục khiêng xác vất lên xe. Khi xe đầy, tài xế đem ra hố chôn tập thể. Phải làm liên tục trong 2 ngày mới thanh toán xong số xác trong bệnh viện.
Trận Chiến Kết Thúc Chiến Tranh
Ngày 10/3/1975, Cộng quân tấn công và chiếm Ban Mê Thuột. Ba ngày sau, Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho tướng Nguyễn Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II bỏ cao nguyên, rút xuống phòng thủ duyên hải theo liên tỉnh lộ 7B, con đường dài trên 200 cây số đã bỏ hoang từ lâu, qua Cheo Reo, Phú Bổn xuống Tuy Hòa. Cuộc rút lui không tổ chức, quân chạy kéo dân theo và Cộng quân truy kích đã biến đường 7B thành đường máu. Tiếp đó, Tướng Ngô Quang Trưởng Tư Lệnh Quân Đoàn I cũng nhận được lệnh rút bỏ vùng 1. Dân Quảng Trị chạy vào Huế cùng dân Huế chạy ra Đà Nẵng. Đường bộ bị cắt, dân chạy trở lại theo quân ra Cửa Thuận An. Quân được lệnh rút lui về Thuận An rồi Tư Hiền. Cộng quân pháo kích, tàu Hải Quân không vào được. Cửa Thuận An và Tư Hiền trở thành đất chết. Và Đà Nẵng cũng trở thành đất chết khi quân và dân khắp nơi chạy về, ra biển với pháo kích.
Phần này có nhiều bài, nhưng chúng tôi chỉ giới thiệu một số bài tiêu biểu.
- Thiếu tá Phạm Văn Tiền viết Lữ Đoàn 147 – Từ Một Cuộc Di Tản Chiến Thuật.
Thiếu tá Phạm Văn Tiền là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến, đã ghi lại cuộc di tản bi thảm của Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến và những đơn vị khác đã tan hàng ở cửa Thuận An: Hỗn loạn, địch pháo kích và chết. Xin trích một số đoạn:
– Tôi kể lại những gì mắt thấy tai nghe về những đau thương mất mát, cay đắng, nghiệt ngã của cuộc lui binh lịch sử ngoài khả năng hiểu biết của một người lính.
– Ngày 22/3/1975, đoàn xe tiếp tế cuối cùng của đơn vị rời hậu trạm Mang Cá Huế vào vùng hành quân. Chúng tôi được biết hầu hết dân chúng đã di tản vào Đà Nẵng và hậu trạm cũng được Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn mang tất cả trang bị ra Cửa Thuận An chờ lệnh.
– Ngày 23/3/1975, vào lúc 3 giờ chiều, sau khi đồng loạt pháo kích dữ dội vào tất cả các vị trí, địch từ thượng lưu sông Bồ xung phong tấn công vào các tuyến của Đại đội 2 Tiểu đoàn 5. Vì thiếu cảnh giác nên 2 trung đội tận cùng cánh trái của đại đội này bung tuyến. Cũng trong thời gian này, hầu hết tất cả các đơn vị Biệt Động Quân, Địa Phương Quân tự động rã ngũ bỏ tuyến phòng thủ Bắc Quảng Trị kéo về Huế thật hỗn độn. Thị xã Quảng Trị bị bỏ ngõ hoàn toàn.
– Trong cuộc họp khẩn cấp tại Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn, Đại tá Lương Lữ Đoàn Trưởng cho chúng tôi rõ tình hình tổng quát và nhiệm vụ phải thi hành đêm nay là thực hiện cuộc di tản chiến thuật tất cả lực lượng về Cửa Thuận An. Vùng đất từ Bắc đèo Hải Vân trở ra sẽ lọt vào tay địch, cũng như thành phố Quảng Trị bị vất bỏ một cách vô tội vạ vào sáng nay khi mới chỉ có một vài loạt pháo kích lẻ tẻ đâu đó.
– Việc cần thiết là phải bảo đảm được đơn vị rút lui một cách trọn vẹn, an toàn hầu đủ sức chịu đựng một cuộc dạ hành trên đoạn đường dài gần 30 cây số. Chúng tôi, Tiểu đoàn 5 TQLC, phải thực hiện cuộc lui binh trong bí mật, bất ngờ. Tất cả vũ khí nặng, cồng kềnh như đại bác 90 ly, súng cối 81 ly, hỏa tiễn TOW chống chiến xa, đạn dược và những trang bị nặng được lệnh phá hủy tại chỗ hay ném xuống sông.
– Chúng tôi đi theo con đường sắt xuôi nam, rồi sau đó đổi hướng về quốc lộ 1, khi các đại đội đã bám sát được với nhau. Đến trường trung học Hương Trà, nằm sát lề Đông quốc lộ, Tiểu đoàn dừng lại để kiểm quân số. Ở đây một Trung đội Nghĩa Quân quận Hương Trà bị bỏ quên đã xin tháp tùng chúng tôi. Nhiều toán dân chúng hòa lẫn hoặc nối đuôi phía sau. Họ ra đi từ chợ Cạn, Hội Yên, Vân Trình, Hải Lăng, Mỹ Chánh… từ ngày hôm qua, vì không còn gì để hy vọng vào sự bảo vệ của người lính chúng tôi.
– Rời ngã ba An Hòa rẽ phải tiến về Huế, thành phố bỏ ngỏ tối tăm, rải rác còn lại vài bóng bên đường. Có lệnh cho tôi tiến về phía trước để gặp Đại Bàng Long Mỹ (Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng), ông giao cho một xấp bản đồ và thay đổi lộ trình về phía phà Tân Mỹ. Đoạn đường từ đầu thôn Vỹ Dạ về cửa biển Thuận An không thể nào nhúc nhích nổi, nhiều dòng người di tản cùng những đơn vị tan hàng đổ về đây với không biết bao xe cộ.
– Đến tờ mờ sáng thì cả đơn vị đã có mặt bên này phá Tam Giang. Phải mất thêm 3 tiếng nữa mới đến được bờ bên kia sát biển bằng một số ghe của dân còn lại ở xóm chài. Cả Lữ đoàn tập họp trên bãi cát trắng theo thứ tự sẵn sàng như cuộc hành quân ngày nào. Đâu phải chỉ việc sắp hàng chờ lệnh lên tàu là xong. Địch đã rượt theo ta đêm hôm qua, địch đã có mặt bên kia bờ phá.
– Theo lệnh của mặt trời Papazulu nào đó, chiếc HQ-801 dành riêng cho TQLC đã chực sẵn cách bờ khoảng 50 mét. Nhưng đâu phải chỉ có chúng tôi cần sống, còn dân chúng, những người lính mất đơn vị hỗn độn kia, họ cũng cần cứu vớt như chúng tôi. Như sức bật của cái lò xo, tất cả ùa nhau ra tàu, người không biết lội ôm người biết lội, ngụp lặn với tử thần trong sóng nước, vài chiếc M-113 lội nước ủi tới đè lên, tiếng rên la gào thét… Địch đã vượt phá Tân Mỹ… Địch đã bắt sống một số lính trễ nải phía sau. Địch bắt đầu pháo rải rác khắp nơi trên mặt biển.
– Bãi bốc đã không còn an ninh mà trật tự cũng chẳng có. Con tàu đành bất lực chạy ra khơi.
– Ở đây rơi vào tình thế vô cùng tuyệt vọng. Cả nguyên Lữ Đoàn có hơn 3.000 quân, tiến thoái lưỡng nan trong cái túi càn khôn chỉ vọn vẹn 4 km2, đang giơ lưng chịu trận… Tàu chiến Hải Quân vẫn trương cờ lảng vảng ngoài khơi. Niềm hy vọng mong manh còn nhen nhúm là sẽ được tàu vào đón. Qua ánh trăng mờ, dòng người bị bỏ lại ban chiều đang ồ ạt kéo về tuyến phòng thủ… Súng vẫn nổ đều khắp nơi và chẳng có con tàu nào cập bến.
– Các đại đội lại thêm một số bị thương, lại thêm vài người chết. Đạn dược, lương thực cạn dần. Cảm giác bị vất bỏ lại nhen nhúm trong ý nghĩ, nhưng tôi vẫn chưa dám tin rằng điều này có thật. Mò mẫm vào cuốn đặc lệnh truyền tin, tôi vặn máy qua tần số Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn đang ở đâu đó trên đèo Hải Vân. Người tiếp tôi là Đại úy Đan, tùy viên Tư Lệnh.
– Đại Dương, cho tôi gặp Lạng Sơn (biệt danh của tướng Bùi Thế Lân, Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến)
– Lạng Sơn đang bận lắm. Có gì ông anh nói, tôi sẽ chuyển.
– Nhờ Đại Dương trình với Lạng Sơn cho chúng tôi lệnh kế tiếp.
– Ở đây cũng lu bu lắm, không ai có thể giúp gì được cho ông anh. Tốt hơn hết là Self-Service. Good luck ông anh.
Mặt mày tối tăm, xây xẩm, thất vọng, tôi ném ống liên hợp xuống cát. Self-Service có nghĩa là tự lực cánh sinh, mạnh ai nấy lo, có thể là tan hàng.
– Khoảng xế trưa, mặt trời Papazulu lại xuất hiện. Ông ra lệnh cho một chiếc HQ khác, bằng bất cứ giá nào cũng phải bốc chúng tôi. Con tàu lại tách sóng hướng thẳng vào bờ phía Bắc tuyến phòng thủ chừng 200 mét…. Bất kể là đơn vị nào, bất cứ là ưu tiên cho ai…, thật nhiều đám đông từ mọi hướng đổ ập về đây, tràn xuống như thác lũ. Con tàu quá tải tròng trành trên mặt nước, chân vịt ngưng quay nằm bất động, vì máy đã hỏng rồi.
Tôi liên lạc máy với Thiếu tá Cang (TDT/TD7), cùng Thiếu tá Sử (TDT/TD3), chúng tôi đồng ý với nhau là chẳng còn cách nào hơn, mở đường máu xuôi Nam, về hướng Cửa biển Tư Hiền. Nói là mở đường máu, chứ thực ra chỉ là cách thối thác cho sự tan hàng. Nhiều tiếng súng nổ chát chúa phía sau, của địch thì ít mà của ta thì nhiều. Nhiều người lính bị thương, không còn khả năng theo kịp đoàn quân, bò lết lại với nhau, bung chốt lựu đạn nổ để chết vinh còn hơn sống nhục. Đứa con đầu của TD3 Sói Biển đang bị một đại đội du kích chận lại. Phía trước ùa lại, ở sau đun tới, vô vọng , tuyệt vọng…
– Nhóm chúng tôi gồm 5 người tấp vào xóm dân chài, hy vọng sẽ được giúp đỡ, nhưng mặc dầu đã cố gắng nài nỉ, kể cả tiền bạc thuê mướn, họ đã từ chối thẳng thừng.
– Giã từ vũ khí, ném súng xuống dòng sông định mệnh, ngồi chờ địch đến… Chúng tôi bị trói lùa lên bờ. Chúng tôi bị “giải phóng” tất cả quần áo, đồng hồ, dây chuyền… Một vài người bị dẫn đi xử bắn dã man. Cuộc đời tù đày của vài ngàn quân cũng bắt đầu từ cái ngày đáng nhớ ấy 27/3/75, tại một địa danh nhỏ, hẻo lánh thôn Vĩnh Lộc, Thừa Thiên.
- Đại úy Đoàn Văn Tịnh viết Trận Chiến Sau Cùng Của Tiểu Đoàn 9 Thủy Quân Lục Chiến
Đại úy Tịnh (Trưởng ban 3 tiểu đoàn 9) ghi lại sự tan rã của quân đội ở Đà Nẵng và thảm kịch của Tiểu đoàn 9, Lữ đoàn 369 TQLC trên đường di chuyển từ Đại Lộc đến sông Hàn. Gọi là thảm kịch vì trên đường rút lui Tiểu đoàn nhận nhiều lệnh của Lữ đoàn đến những cái đích để gặp Lữ đoàn, nhưng đến đó thì Lữ đoàn đã di chuyển đi chỗ khác. Đích cuối cùng là bờ sông Hàn, tọa độ X. Nhưng đến bờ sông Hàn không gặp ai. Khi liên lạc lại nhận lệnh: Ghi tần số và liên lạc với Hà Nội để Hà Nội thu xếp đón Tiểu đoàn lên tàu.
Tôi liên lạc với Hà Nội (Thiếu tá Trần Văn Hợp, TDT/TD2 TQLC), Hà Nội cho biết là đang trên đại hạm 810 của Hải Quân và cho biết chừng 9 giờ tối, clear bãi và pick up. Đó là cái hẹn vô cùng quan trọng, nhưng tiếc thay cái hẹn đó đã không đến. Và chúng tôi đã mất hẳn liên lạc với Hà Nội từ trưa ngày 29/3/75.
– Thiếu tá Thạnh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, và tôi hội ý: Kể từ giờ phút này không còn trông chờ vào một sự tiếp ứng nào khác. Vì thế phải tìm một vị trí tốt phòng ngự. Sau khi định hướng và xác định điểm đứng, chúng tôi đồng ý kéo quân lên phía Bắc của phi trường Non Nước. Ở đó có nhiều khu nhà đồ sộ cạnh bờ biển. Khi tới nơi, chúng tôi mới biết đây là khu Chủng Viện Thiên Chúa Giáo và những nhà nuôi trẻ em rộng lớn.
Chủng Viện Sơn Trà là một khu kiến trúc đồ sộ, có 4, 5 dãy nhà lầu liên tục, nằm thành hình chữ nhật, chung quanh có hàng rào, cột đúc kiên cố, căng lưới chống đạn B40. Trong thế trận cấp bách như hiện tại, không thể nào tìm được một vị trí tốt hơn. Toàn bộ khu vực là đất pha cát, việc đào hầm hố tương đối dễ dàng mau lẹ với xạ trường rất lý tưởng.
Tại Chủng Viện Sơn Trà, các đại đội đã thiết lập xong hệ thống phòng thủ. Chúng tôi đã chọn sẵn cho mình một trận địa để sửa soạn cho một cuộc chiến đấu cuối cùng. Chúng tôi sẽ phải chiến đấu cho đến khi bị tiêu diệt. Có một điều chắc chắn rằng địch cũng phải trả một giá rất đắt.
Anh Thạnh bàn với tôi là phải nói cho mọi binh sĩ Tiểu đoàn biết sự thật và để họ chọn lựa – Ở lại hay đi tùy ý.
Sau khi tập họp các cấp của Tiểu đoàn, Thiếu tá Thạnh xúc động không nói được, nên tôi đã nói thay anh:
– Tất cả anh em sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ nghe đây. Chúng tôi không còn giấu giếm bất cứ một điều gì nữa. Từ Đà Nẵng đến Quảng Trị, tất cả mọi đơn vị đã tan hàng. Tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến chúng ta là đơn vị duy nhất còn lại, và trận đánh sắp tới đây là trận tử chiến, chẳng thể lùi bước về đâu được nữa. Do đó, nhờ các bạn về thông báo lại cho tất cả anh em binh sĩ, ai muốn tình nguyện chiến đấu hãy ở lại, còn ai muốn về với gia đình, cứ yên tâm rời khỏi nơi này. Riêng bản thân chúng tôi quyết ở lại chiến đấu, sống chết với tiểu đoàn 9 Thủy Quân Lục Chiến đến phút cuối cùng.
Tôi quay mặt đi, nhưng Phán mập đã tiến tới trước tôi, đưa tay gỡ chiếc kính cận thị, cũng như tôi, nước mắt anh đã đong đầy trên mắt kiếng, anh chỉ nói được vài tiếng: Anh Ba, anh Ba. Và anh quay lại hàng quân đưa cao tay hô lớn: Tiểu đoàn 9 quyết tử thủ! Và tất cả anh em la lớn: Chúng tôi quyết tâm ở lại chiến đấu.
– 3 giờ ngày 29/3/75, xe tăng địch đã xuất hiện cùng với cờ Mặt Trận Giải Phóng.
Những loạt đạn nổ đầu tiên khai mào trận đánh, những loạt đạn địch bay qua lưới sắt đục lỗ trên tường. Những quả đại bác phóng đi từ thiết giáp nổ ầm ầm chung quanh. Tuyến phòng thủ bắt đầu chống trả.
– Từ lúc đó, đạn pháo đổ xuống sân Chủng Viện dày đặc hơn. Sau những tiếng nổ là tiếng la hét và khóc thét của đàn bà và trẻ con trong Chủng Viện.
– Những đợt tấn công của bộ binh địch bị đẩy lui dễ dàng, trên bãi cát mênh mông, những xác gục ngã, vài chiếc chiến xa đã bốc cháy, bốc khói đen mù mịt vì đạn M72 của ta.
– Trận đánh đang tiếp tục thì người truyền tin đưa máy cho tôi báo: Anh Ba, trung úy Phán muốn gặp.
– Phương Dung, Tân An nghe.
– Trình anh Ba, có 2 chiếc tàu lớn xuất hiện ngoài khơi.
Sau khi quan sát bằng ống nhòm, thấy 2 tàu đang di chuyển về hướng chúng tôi, tôi gọi Phán: Phương Dung, đây Tân An. Đúng là hai chiếc tàu lớn. Tôi cầm ống liên hợp gọi trên tần số mà Hợp đã cho:
– Nam Hổ, Nam Hổ, đây Tân An.
– Hà Nội, đây Tân An.
Chẳng có ai trên tần số này nữa. Họ đã đi đâu? Trên mặt biển xanh, hai chiếc tàu lớn dần, cho đến lúc chúng tôi có thể nhìn thấy buồng lái và cột cờ. Liên tiếp mấy tiếng đồng hồ súng nổ, pháo dập, chiến xa địch tấn công, không làm cho chúng tôi lúng túng. Nhưng bây giờ nhìn thấy hai chiếc tàu xuất hiện một cách lạ lùng mà mình không bắt liên lạc được trên máy truyền tin đã khiến đầu óc chúng tôi rối tung.
Anh Thạnh và tôi bàn tính: Không lẽ hai chiếc tàu đã bị địch chiếm, chạy vào đây dẫn dụ mình? Còn nếu sự thực tàu vào đón, tại sao không liên lạc được… Mà lỡ tàu vào đón thiệt mà chúng tôi bỏ qua cơ hội này thì tai hại biết chừng nào.
Anh Thạnh hỏi tôi: Tân An coi được chưa, ra lệnh cho Phán.
Tôi nhìn ra hành lang, hai chiếc tàu chỉ còn cách bờ nước chừng gần cây số, tôi nghiến răng, gật đầu đồng ý với anh Thạnh và gọi cho Phán: Cho con cái chuẩn bị, khi có lệnh thì rời Chủng Viện, phóng nhanh ra tàu. Và khi chiếc tàu chỉ còn cách bờ khoảng vài trăm mét, tôi gọi Phương Dung: Cho con cái hạ hàng rào và phóng ra tàu.
Khi hàng rào của Chủng Viện bị đại đội 2 đạp sập thì sự điều động của Phán không còn hiệu quả, binh sĩ thi nhau chạy xuống bãi nước.
– Tôi gọi cho Cộng và Quan (dd1 và dd4): Cho giữ vững phòng tuyến, chờ đại đội 2 lên tàu xong các anh sẽ có lệnh.
Cùng lúc đó 3, 4 quả đạn lớn bay qua khoảng trống, nổ ngay giữa Chủng Viện, anh Thạnh la lớn: Tân An ra lệnh cho các đại đội rời phòng tuyến và chúng ta đi ngay.
Tôi ra lệnh: đại đội 1, 4 và đại đội Chỉ Huy bỏ phòng tuyến, phóng nhanh ra tàu.
Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi chiếc tàu chỉ còn cách bờ chừng hơn 100 mét, tự dưng nó dừng lại và bỏ số de, trong khi trên bờ binh sĩ đang chuẩn bị xuống tàu. Trời chiều đang xuống thấp, giữa cảnh hỗn loạn đó, tôi thấy những người lính vứt bỏ ba lô, súng đạn, lội ra biển mà càng lội càng xa tàu, vì nó đang rời xa bờ biển. Tôi la lớn: Đừng lội theo tàu nữa, chúng ta đã bị lừa.
Cuối cùng, Tiểu đoàn 9 tan rã và Đại úy Tịnh bị bắt.
- Đại tá Nguyễn Thành Trí viết Ngày Tháng Không Quên
Đại tá Nguyễn Thành Trí là Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Ông viết Ngày Tháng Không Quên để ghi lại toàn cảnh Vừa Chiến Đấu Vừa Tan Rã của Quân Lực Vùng I trong mấy tháng đầu năm 1975. Xin trích một số đoạn:
– Những ngày cuối năm 1974 và đầu năm 1975, tin tức tình báo kỹ thuật Quân Đoàn I cho biết có nhiều đơn vị cấp Sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt di chuyển xuống gần phía Bắc Bến Hải. Trong khi đó, tại vùng 3 chiến thuật, Cộng quân với hai sư đoàn 3 và 7 được chiến xa yểm trợ, đã tấn công vào Phước Long sau khi tỉnh này đã bị cô lập nhiều tháng. Trước địch quân đông gấp bội, ngày 6/1/1975 lực lượng phòng thủ Phước Long phải phân tán rút lui.
– Việc bỏ rơi Phước Long đã cho Cộng Sản thấy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không còn khả năng tổ chức các cuộc phản công quy mô. Mặt khác chúng cũng đã thăm dò được mức độ phản ứng của Mỹ như thế nào trước hành động xâm lăng của chúng. Chiến thắng Phước Long đã làm tăng thêm sự quyết tâm của Cộng Sản trong nỗ lực chuẩn bị tấn công cao nguyên.
– Lúc 2 giờ ngày 10/3/1975, địch bắt đầu pháo kích dữ dội vào thị xã Ban Mê Thuột. Sau đó vào lúc 4 giờ, nhiều cánh quân cấp Trung Đoàn có chiến xa yểm trợ đã tấn công vào thị xã. Trước áp lực địch quá mạnh, lực lượng phòng thủ phải phân tán rút lui. Thị xã Ban Mê Thuột đã lọt vào tay cộng quân kể từ 11 giờ ngày 11/3/1975.
Quảng Trị sau lưng
– Việc thất thủ Ban Mê Thuột đã đưa đến những ảnh hưởng trầm trọng đối với tình hình chiến sự nơi tuyến đầu Quảng Trị nói riêng và vùng I chiến thuật nói chung.
– Ngày 13/3/1975, sau khi được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho mời về Sài Gòn để trình bày về tình hình Quân Đoàn I, Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Đoàn I, trở lại Đà Nẵng triệu tập một buổi họp các Tư Lệnh Sư đoàn, các Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng để thông báo về việc Quân Đoàn I sẽ tái phối trí quân hầu có thể rút Sư đoàn Nhảy Dù về Sài Gòn làm tổng trừ bị. Tướng Trưởng ra lệnh cho Sư đoàn Dù và Thủy Quân Lục Chiến phối hợp thay quân càng nhanh càng tốt, không quá 3 ngày.
– Ngày 15/3/1975, tôi được lệnh của Tướng Bùi Thế Lân cho thành lập một Bộ Chỉ Huy Nhẹ Sư Đoàn ở lại Hương Điền, nơi Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn đang đặt bản doanh.
– Nhìn chung, khu vực Quảng Trị mất 2 Lữ đoàn TQLC, phải rút đi với quân số hơn 5.000 mà chỉ được thay thế bằng Liên đoàn 14 Biệt Động Quân với quân số không quá 1.400. Trong khi đó lực lượng Cộng Sản Bắc Việt có chiến xa và đại pháo yểm trợ đối diện với Liên đoàn 14 BĐQ và Tiểu Khu Quảng Trị. Tôi cũng đã chuẩn bị tư tưởng, trường hợp áp lực địch quá mạnh, các đơn vị sẽ trì hoãn về tuyến đỏ, tức tuyến Mỹ Chánh.
– Lữ đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến đã rút khỏi Quảng Trị ngày 18/3/1975, theo kế hoạch đã dự trù. Tiểu khu Quảng Trị chịu trách nhiệm phòng thủ khu vực do Lữ Đoàn 258 TQLC giao lại.
– Dân chúng Mỹ Chánh, các thôn Vân Trình, Thanh Hương, Kế Môn… cũng đã rời bỏ xóm làng, theo quốc lộ 1, hương lộ 555 hoặc dùng thuyền dọc phá Tam Giang, di tản về phương Nam.
Ngày 23/3/1975, trước áp lực của địch, quân ta lui dần về tuyến Đỏ, tức tuyến Mỹ Chánh, rồi lui tiếp về tuyến An Lỗ. Trong lúc này tình hình bên Sư Đoàn 1 Bộ Binh cũng không kém bi đát. Vài vị trí đã bị chọc thủng và địch đã xâm nhập vào Phú Lộc và Phú Thứ. Pháo binh địch đã pháo vào Huế.
– Tướng Lâm Quang Thi ra lệnh cho tôi di chuyển Bộ Chỉ Huy Nhẹ Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến về căn cứ Thuận An và đúng 14 giờ 30 thì đến họp tại Bộ Chỉ Huy Hải Quân, gần căn cứ này. Hiện diện trong buổi họp gồm có trung tướng Lâm Quang Thi, Chuẩn tướng Nguyến Văn Điềm, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Đại tá Lê Ngọc Hy, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn I tiền phương, Đại tá Nguyễn Hữu Duệ, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Thừa Thiên, Trung tá Chỉ Huy Trưởng căn cứ Hải Quân Thuận An và tôi. Sau khi các Tư Lệnh Mặt trận và Tỉnh trưởng trình bày về tình hình trong khu vực và địa phương trách nhiệm, nhận định chung được đúc kết như sau:
. Ta không còn lực lượng trừ bị nào để phản công chiếm lại các vị trí đã bị lọt vào tay địch, trong khi đó tuyến phòng thủ phải thu hẹp dần khiến tinh thần binh sĩ dao động.
. Địch đang chuẩn bị các cuộc tấn công mới có tính cách quyết định hơn, theo tin tức tình báo kỹ thuật.
. Mức độ pháo kích gia tăng vào thị xã Huế khiến dân chúng hoảng sợ bỏ nhà di tản, gây tác động dây chuyền.
. Nhận định chung cho thấy khó có thể bảo vệ được Huế. Tướng Lâm Quang Thi quyết định đề nghị kế hoạch rút quân khỏi Huế lên Tướng Ngô Quang Trưởng.
– Khoảng 17 giờ 30, Đại tá Hy đáp trực thăng đến, trao cho tôi công điện mang tay. Công điện xác nhận việc thi hành kế hoạch rút quân như đã bàn thảo khi trưa. Tôi ra lệnh cho các đơn vị thi hành kế hoạch như đã được thông báo.
– Suốt đêm theo dõi từng cánh quân rút về mà lòng se lại. Quảng Trị giờ đây đã thật xa phía sau lưng. Và nhiều sư đoàn CSBV vây ép, mất Huế là điều đương nhiên.
– Sáng 25/3/1975, Bộ Chỉ Huy Nhẹ Sư Đoàn TQLC xuống chiếc Quân vận đỉnh LCM8 để ra biển, tiếp tục theo dõi và chỉ huy các cánh quân trên bờ.
– Sáng hôm sau, qua đài trung gian của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến đặt trên đèo Hải Vân, tôi được tin sẽ có hai chiếc Giang vận hạm LCU đến bốc quân. Tôi thông báo cho Lữ Đoàn 147 TQLC để sẵn sàng cho con cái lên tàu, ưu tiên 1 là thương binh và tử sĩ.
– Khoảng 8 giờ, một chiếc LCU bắt đầu ủi bãi và bốc được Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 147 TQLC cùng với khoảng 800 quân nhân trong đó có khoảng 100 thương binh và tử sĩ. Địch bắt đầu tấn công và sử dụng hỏa tiễn AT3 nhằm vào chiếc LCU đang còn tại bãi. Chiếc LCU bị trúng hỏa tiễn và Đại tá Lương bị thương ở bàn chân. Chiếc LCU vội rút ra khỏi bờ và di chuyển về Đà Nẵng. Tôi liền chỉ định Thiếu tá Cang, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 7 TQLC chịu trách nhiệm chỉ huy toàn thể lực lượng trên bờ.
– Khoảng 3 giờ ngày 27/3, viên thuyền trưởng báo sẽ có một chiến hạm đến đón tôi và Bộ Chỉ Huy Nhẹ TQLC về Đà Nẵng.
Đà Nẵng, thị xã cuối cùng
– Sư Đoàn 324, 325 từ Bắc Hải Vân cùng với Sư Đoàn 304 và Lữ đoàn 52BL của Cộng quân được chiến xa và đại pháo yểm trợ, từ hướng Tây Nam, Nam và Đông Nam Đà Nẵng đang siết chặt vòng vây. Các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến và Sư Đoàn 3 BB đang phải dựa lưng vào biển để chiến đấu. Họ không còn lối nào để rút lui và ý thức rằng đây là phòng tuyến cuối cùng mà họ phải chiếm giữ hoặc phải hy sinh.
– Bên kia nửa vòng trái đất, Quốc Hội Hoa Kỳ cuối cùng chỉ chấp thuận 300 triệu viện trợ, nhưng chỉ dành vào mục đích nhân đạo (thay vì 722 triệu viện trợ khẩn cấp về quân sự theo đề nghị của Tổng Thống Ford). Trong khi đó Nga và Trung Cộng vẫn tiếp tục viện trợ dồi dào cho Cộng Sản Bắc Việt.
– Ngày 28/3/1975, tình trạng hỗn loạn ở Đà Nẵng gia tăng. Người ta ước tính đã có hàng trăm ngàn người từ các nơi chạy nạn về đây và nếu tính cả dân cư ngụ trong và ngoại ô thị xã thì con số này lên đến trên 1 triệu.
– Lúc 21 giờ, địch bắt đầu pháo kích dữ dội vào các mục tiêu. Phi trường Đà Nẵng, căn cứ Hải Quân Tiên Sa là hai nơi bị pháo nặng nhất. Trực thăng của tướng Bùi Thế Lân bị trúng đạn pháo không còn sử dụng được nữa. Tướng Lân, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại và đoàn tùy tùng phải đi bộ quanh núi Sơn Trà và may mắn được một tàu nhỏ cập vào đón mọi người ra một chiến hạm đậu ngoài khơi.
– Khoảng 23 giờ, Tướng Ngô Quang Trưởng đến Trung Tâm Hành Quân Thủy Quân Lục Chiến, và ở lại Trung Tâm Hành Quân với Thủy Quân Lục Chiến.
– 6 giờ ngày 29/3/1975, Tiểu đoàn Tổng Hành Dinh báo cho Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn là có hai chiếc LSM chớp đèn từ ngoài khơi, chừng như hai tàu này đang di chuyển vào gần bờ để bốc quân. Tôi yêu cầu Tiểu Đoàn Tổng Hành Dinh sử dụng hai chiếc xe jeep chớp đèn để cho tàu hiểu là trên bờ có quân bạn, đồng thời cũng để cho tàu nhận rõ hai bãi bốc. Sau đó tôi chỉ thị cho Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn thiêu hủy tất cả tài liệu quan trọng, đồng thời thông báo cho các đơn vị tại Non Nước tập họp ra bờ biển để chuẩn bị lên tàu.
– Tướng Trưởng cũng đã được Đại úy Hòa trình cho ông về việc có tàu đến bốc quân, nên ông đứng dậy mang súng. Tôi mời Tướng Trưởng lên xe để ra bờ biển. Chần chừ một lúc ông nói: Coi như đây là một cuộc tự thoát.
– Khoảng 10 giờ, chiếc LSM đang chở chúng tôi di chuyển đến gần và song song với chiếc LSM HQ 404. Hạm trưởng yêu cầu tất cả quân nhân trên tàu di chuyển sang chiếc HQ 404 bằng cách leo ngang hông tàu.
– Khoảng 3 giờ ngày 30/3/1975, tàu đến Cam Ranh. Phía Hải Quân nhận được lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu là chỉ có Thủy Quân Lục Chiến đổ bộ lên Cam Ranh, riêng Tướng Ngô Quang Trưởng thì ở lại trên tàu HQ 404 để cùng chiến hạm này về Sài Gòn.
– Ngày 31/3/1975, sau khi Tướng Lê Nguyên Khang bay ra họp với tướng Bùi Thế Lân và các đơn vị trưởng Hải Quân, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến được lệnh lên chiếc Cơ Xưởng Hạm 802 về Vũng Tàu để chỉnh trang. Tàu chở khoảng 4.000 binh sĩ TQLC. Cần nói thêm, quân số tham chiến của Sư Đoàn TQLC tại vùng I là khoảng 11.000.
Tháng Tư Đen
– Ngày 1/4/1975, Sư Đoàn TQLC về đến Vũng Tàu và được lệnh di chuyển về đóng quân tại trại Úc Đại Lợi ở Bãi Sau. Theo lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu, việc chỉnh trang phải được hoàn tất trong thời gian tối thiểu và Sư đoàn phải sẵn sàng đặt trong tình trạng ứng chiến.
– Ngày 2/4 rồi 3/4/1975, Nha Trang và Cam Ranh đã tuần tự bỏ ngõ. Quân đoàn II không còn khả năng thực hiện được một cuộc trì hoãn chiến nào để làm chậm bước tiến của Cộng quân trên quốc lộ 1.
– Mặt trận Phan Rang thất thủ vào ngày 16/4/1975, sau khi Cộng quân tung thêm sư đoàn 325 tấn công dứt điểm. Lực lượng phòng thủ Phan Rang gồm các đơn vị rút về từ Quân Khu II hoặc Quân khu I với quân số yếu kém, thiếu phương tiện yểm trợ hỏa lực và nhất là tinh thần binh sĩ khá mệt mỏi. Tại mặt trận này, Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư Lệnh tiền phương Quân đoàn III, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 Không Quân, Đại tá Nguyễn Thu Lương, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 2 Nhảy Dù đã bị địch bắt. Ngày 19/4/1975, ta mất thêm Bình Thuận.
– Thời gian này mặt trận Xuân Lộc trở nên khốc liệt. Ngày 9/4/1975, Quân đoàn 4 CSBV tung ra 3 Sư đoàn tấn công Xuân Lộc. Tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn 18 BB, chỉ huy lực lượng phòng thủ đã cương quyết chống trả.
– Ngày 21/4, Lữ đoàn 258 TQLC được tăng phái cho Quân đoàn III. Trước đó, Lữ đoàn 468 cũng đã được tăng phái cho Quân Đoàn. Tôi vào trình diện Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn III. Ông hài lòng khi biết quân số tham chiến của hai Lữ đoàn ở mức cao trên 5.000. Ông cho biết tình hình tại Xuân Lộc rất nghiêm trọng. Ông ra lệnh cho tôi chịu trách nhiệm tổ chức phòng thủ phía Đông Biên Hòa với hai Lữ đoàn.
– Buổi tối ngày 21/4/1975, Đài Truyền Hình phát đi lần ra mắt cuối cùng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, sau 9 năm lãnh đạo quốc gia. Ông tuyên bố từ chức sau khi đọc một thông điệp dài hơn 1 tiếng. Theo Hiến Pháp, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương sẽ lên thay thế.
– Ngày 26/4/1975, tiếng súng đầu tiên bắt đầu cho chiến dịch Hồ Chí Minh, tức chiến dịch tổng tấn công vào thủ đô Sài Gòn, đã nổ ra từ hướng đông Biên Hòa vào lúc 17 giờ.
– Buổi chiều ngày 27/4/1975, quân đoàn 2 CSBV tung thêm sư đoàn 3 tấn công ồ ạt chiếm chi khu Đức Thạnh và sau đó chiếm thị xã Bà Rịa do Lữ đoàn 1 Nhảy Dù trấn giữ. Trước lực lượng đông đảo của địch có chiến xa yểm trợ, Lữ đoàn Dù phải rút về hướng Vũng Tàu. Cầu Cỏ May trên đường Bà Rịa – Vũng Tàu bị ta giật sập.
– Buổi tối 28/4/1975 nghe tin Tổng Thống Trần Văn Hương bàn giao chức vụ cho Đại tướng Dương Văn Minh do biểu quyết của Lưỡng Viện Quốc Hội thể theo văn thư yêu cầu của Tổng Thống Hương. Tôi thầm nghĩ tình hình rồi cũng không có gì sáng sủa hơn, mặc dù Đại tướng Minh tuyên bố rằng ông muốn hòa giải, tôn trọng Hiệp định ngừng bắn 1973 và đề nghị ngưng bắn để thương thuyết… Làm sao Cộng Sản chịu ngồi xuống thương thuyết khi chúng đang ở thế mạnh.
– Ngày 29/4/1975, tôi được lệnh đến họp tại Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 18 BB vào lúc 12 giờ. Hiện diện có Tướng Toàn, Tư lệnh Quân Đoàn III, Tướng Đảo, Tư lệnh sư đoàn 18, Tướng Khôi, Tư lệnh Lữ đoàn 3 Kỵ binh. Sau khi nghe phần trình bày của các vị Tư lệnh và tôi, Tướng Toàn chỉ thị cho các đơn vị rút về gần Biên Hòa và Long Bình để tuyến phòng thủ được bảo vệ chặt chẽ hơn.
– Khoảng 18 giờ ngày 29/4/1975, hai đại đội Dù đã phải rút lui trước lực lượng đông đảo của đơn vị thuộc đoàn 116 đặc công của địch. Như thế đường về Sài Gòn trên xa lộ qua cầu Đồng Nai đã bị cắt. Giờ chỉ còn chiếc cầu Đại Hàn duy nhất bắc qua sông Đồng Nai trên quốc lộ 1 còn sử dụng được để vào Sài Gòn do hai đại đội Dù khác đang bảo vệ.
– Khi cầu xa lộ Đồng Nai bị chiếm, lực lượng Địa Phương Quân có nhiệm vụ canh gác các cổng ra vào, kho tiếp liệu, kho đạn trong căn cứ Long Bình đã tự động rời bỏ vị trí khi bị địch pháo kích.
– Tôi gọi điện thoại cho Đại tá chỉ huy trưởng căn cứ Long Bình, nhưng không ai trả lời. Tôi gọi qua Trung Tâm Hành Quân Quân Đoàn III tại Biên Hòa để thông báo về tình trạng an ninh trong căn cứ Long Bình không còn kiểm soát được nữa và yêu cầu trình thượng cấp để có biện pháp. Một sĩ quan tại Trung tâm Hành Quân, Quân đoàn III, cho biết không còn ai có thẩm quyền tại đây. Anh nói thêm: Trung tướng Nguyễn Văn Toàn đã lên trực thăng lúc 15 giờ và Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III ở Gò Vấp cũng không ai biết ông hiện đang ở đâu.
– Trong khi tôi băn khoăn chờ đợi xem có lệnh gì kế tiếp thì Trung tá Huỳnh Văn Lượm, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 258 TQLC, đến gặp tôi trên quốc lộ 1 gần cầu Đại Hàn và cho tôi biết Bộ Tổng Tham Mưu nhờ Lữ đoàn 3 Kỵ Binh Làm trung gian chuyển lệnh cho các đơn vị như sau: Thủy Quân Lục Chiến về căn cứ Sóng Thần, Lữ đoàn 3 Kỵ Binh về Gò Vấp chờ lệnh tiếp. (Lúc bấy giờ Trung tướng Vĩnh Lộc là Tổng Tham Mưu trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông vừa nhận chức vụ chiều hôm qua.)
– Tôi cảm thấy có điều gì không ổn, bởi lẽ trong khi chiến trường đang sôi động, khoảng hơn 16 sư đoàn địch đang siết chặt vòng vây quanh Sài Gòn từ nhiều hướng, sao lại có lệnh cho sư đoàn TQLC về căn cứ Sóng Thần, hậu cứ của sư đoàn?
– Nếu Cộng quân chiếm Bến Cát, tỉnh Bình Dương, quận Lái Thiêu thì căn cứ Sóng Thần sẽ trở thành một mục tiêu hoàn toàn bị cô lập. Do đó, tôi ra lệnh cho Lữ đoàn 258 TQLC đưa một thành phần về thẳng trại Lê Thánh Tôn, bản doanh của Sư Đoàn TQLC tại Sài Gòn như là thành phần tiên phong để chuẩn bị nơi đóng quân cho các đơn vị. Sở dĩ tôi có sự lựa chọn này là vì mấy lý do sau:
– Thứ nhất là để tránh trở thành mục tiêu bị cô lập tại căn cứ Sóng Thần. Tại Sài Gòn vẫn có các trại sau đây mà các đơn vị TQLC có thể về tạm đóng quân: Trại Lê Thánh Tôn, trại Nguyễn Văn Nho và trại Cửu Long.
– Thứ hai là các thương binh đang điều trị tại bệnh viện Lê Hữu Sanh, bệnh viện của Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến tại căn cứ Sóng Thần cũng cần được di tản về Sài Gòn để họ được an toàn hơn.
– Thứ ba là nếu Sài Gòn thất thủ, Thủy Quân Lục Chiến có thể rút về vùng 4 chiến thuật tương đối dễ dàng để cùng với các lực lượng Quân Đoàn IV tiếp tục chiến đấu.
Trong khi không thể liên lạc được với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III và Bộ Tổng Tham Mưu, Bộ chỉ Huy Nhẹ sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến tạm có cách giải quyết riêng hầu tránh được những hiểm nguy cho các đơn vị. Do quân xa tập trung được có hạn, nên các đơn vị hai Lữ đoàn chỉ sử dụng được những phương tiện hiện có trong tay, tiếp tục chuyển quân về căn cứ Sóng Thần theo phương cách con thoi. Sau đó sẽ có kế hoạch di chuyển về Sài Gòn.
– Tại Bộ Chỉ Huy căn cứ Sóng Thần, tôi gặp Trung tá Hoàng Ngọc Bảo, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn truyền tin TQLC, Thiếu tá Tô Văn Cấp, chỉ huy phó căn cứ Sóng Thần.
– Khoảng 10 giờ, Trung tá Hoàng Ngọc Bảo từ ngoài cửa văn phòng bước nhanh vào và bằng một giọng trầm hẳn xuống, buồn bã, đầy xúc động, báo cho tôi:
– Trình Đại tá, mình đầu hàng rồi!
Tôi sửng sốt hỏi lại: – Hả! Anh nói sao?
Trung tá Bảo nói tiếp: Tổng thống Dương Văn Minh đã đọc tuyên cáo yêu cầu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hãy ở tại chỗ, tránh nổ súng và chờ lực lượng Giải Phóng đến bàn giao.
Như sét đánh ngang tai, tôi bàng hoàng không biết phải nói gì với mọi người đang có mặt, dù chỉ một câu ngắn ngủi, bởi tôi chưa hề chuẩn bị một chút tâm tư hay suy nghĩ nào cho những phản ứng trước một sự thật phũ phàng đến như thế, bởi mới hôm qua đây bao nhiêu anh em vừa mới nằm xuống nơi chiến trường phía Đông không xa lắm, cũng chỉ vì hai chữ Danh Dự và Tổ Quốc.
II. Về đặc điểm
Gọi là Văn Học Quân Đội, nhưng ở đây chúng ta không đọc được những bài viết của những chiến sĩ văn nhân thuộc những quân binh chủng khác như Bộ binh, Nhảy Dù, Biệt Động Quân… có lẽ Bác sĩ Dũng đã không tìm được, nên hầu hết bài viết trong Văn Học Quân Đội là của những chiến sĩ văn nhân Thủy Quân Lục Chiến. Vì thế nội dung của Văn Học Quân Đội đã cho chúng ta thấy những bước đi của Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến từ trận chiến Mậu Thân tới Hành Quân Lam Sơn, Mùa Hè Đỏ Lửa tới trận chiến Kết Thúc Chiến Tranh. Đi suốt qua những trận chiến đối phó với sự xâm lăng Miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt, Văn Học Quân Đội đã ghi lại nhiều đặc điểm. Xin kể mấy đặc điểm tiêu biểu như sau:
1. Cho người đọc tham dự vào những chi tiết của những trận đánh:
Những chiến sĩ văn nhân ghi lại được những chi tiết, những hành động của những chiến sĩ đối diện với địch, vì quý vị ấy là người chỉ huy hay tham dự trận đánh đó.
. Trong bài Huế Tôi và Mậu Thân, Trung tá Nguyễn Văn Phán đã cho người đọc tham dự vào Đại Đội của ông tiến chiếm hai mục tiêu là trường Tiểu học Trần Cao Vân, Cửa Sập để đi tới Kỳ Đài với những chi tiết:
– Tiểu Đoàn Trưởng ra lệnh: “Phu Nhân (tên của Phán trong hệ thống truyền tin) rành địa thế dẫn đầu, 8 giờ sáng mai xuất phát. Kế tiếp là Tôn, Đại Đội 1, Lượm, Đại Đội 2. Tiếp theo là Bộ chỉ Huy Tiểu Đoàn cùng Đại Đội Chỉ Huy, sau cùng là Tòng, Đại Đội 4. Mục tiêu Phu Nhân phải chiếm là trường tiểu học Trần Cao Vân. Trước trường là thành Quân Cụ có khoảng một Đại Đội ta đóng ở đó. Phán hỏi: Còn phi trường Thành Nội thì sao? Tình hình trong Đại Nội, Thiếu tá có nắm vững không? Ông đáp: Không rõ, tụi nó chiếm hết, chốt rất kỹ. Tất cả các cửa Thành Nội tụi nó đều kiền và chốt rất chặt. Cửa Hữu, Cửa Chánh Tây, Cửa Sập, Cửa An Hòa, Cửa Đông Ba, Kỳ Đài Phú Văn Lâu tụi nó đều chiếm hết…
– Tôi chỉ con đường và hướng dẫn Duật: Băng qua khỏi con đường này đến một xóm nhà, qua một cái cổng thì bên trái là thành Quân Cụ. Nghênh và Mã Khện yểm trợ hông mặt cho Duật, và sau đó băng qua đường theo tôi. Con đường chỉ có 5 thước mà hơn một giờ mới vượt qua với 6 thằng em rớt rụng trên mặt đất. Lần mò theo mép đường tới sát ống cống, tôi cho dừng lại. Phi trường vắng tanh. Tôi bảo Duật: “Mày cho một thằng con nhỏ qua trước làm đầu cầu bên kia cống, sau đó cho tất cả con cái mày qua rờ vào thành Quân Cụ, chờ tau lên”. Thành Quân Cụ cao khỏi đầu người, không liên lạc được với bên trong. Tất cả con cái nằm sát thành để tôi và đám cận vệ bò tới cổng chính. Loáng thoáng thấy nón sắt, Field jacket, dây ba chạc… không phải tụi nó đâu, chắc chắn là bạn rồi. Thằng đệ tử tôi gọi lớn: Ê! Thủy Quân Lục Chiến đây. Một loạt đạn bay qua đầu một cách rùng rợn. Bò lết vào tới trong đồn. Ông trưởng đồn là Trung úy Cát, thủ môn nổi tiếng của Huế: “Đại úy ơi, 7 ngày không ra vào nổi. Trường Trần Cao Vân, Đại Nội, xóm nhà trước mặt và bao quanh đồn tui, nó chốt hết. Nhà Bảo Sanh sau lưng trường, cách một cái hồ, tụi nó cũng chiếm luôn. Tụi nó pháo liên miên, không ngóc đầu lên được, đủ loại: 61, 82, hỏa tiễn 107, 122…”.
Tôi trở ra báo cáo về Tiểu Đoàn. Lệnh của Tiểu Đoàn Trưởng: “Phu Nhân chiếm cho bằng được trường Trần Cao Vân, dọn sạch chung quanh. Tiểu Đoàn Trưởng và Bộ Chỉ Huy sẽ lên ở trại Quân Cụ”. Tôi quan sát thêm một lần nữa, trước mặt trường là cái am lên đồng. Sát đó là ngã ba đường, một đường chạy lên Cửa Sập, một chạy về trường Đào Duy Từ và một chạy đến trường Trần Cao Vân…
– Duật phải chiếm cái am trước. Trong trường bắn ra mãnh liệt có cả B40. Tôi ra lệnh Nghênh và Mã Khện cầm chân hỏa lực trong trường học. Duật chiếm xong am không tổn thất. Tôi gọi Thượng sĩ Hải đem 2 đại liên và một 57 ly không giật lên tăng cường cho Duật để Duật yểm trợ Mã Khện vào trường. Sau 45 phút dùng mưu kế cùng với hỏa lực và sự gan dạ, Mã Khện đã chiếm được một lớp của trường. Nghênh tràn vào cùng với Mã Khện lục soát và làm sạch sẽ. Hỏa lực từ góc Thành Nội đổ dồn về phía trường học. Không sao, có thành của các lớp học che chở…. Duật bảo con cái đào hầm hố thật kỹ. Tôi dặn: Mày cố thủ tại đây cho Tiểu Đoàn lên.
– Tối đó Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn đến trại Quân Cụ. Sáng hôm sau Tiểu Đoàn Trưởng cho Đại Đội 2 của Tôn và Đại Đội 1 của Lượm dưới sự chỉ huy của đại ca Đã, Tiểu Đoàn phó, chiếm nhà Bảo Sanh… Đoạn đường có 30 thước, cách một cái hồ nhỏ mà phải trả bằng 50 đứa con thân yêu. Sau 8 tiếng đồng hồ mới chiếm được nhà Bảo Sanh. Tôn bị thương ngay từ phút đầu, Lộc Đại Đội phó lên thay.
– Mười ngày tiếp theo, nhìn nhau qua một con đường rộng vừa đủ cho xe chạy mà hai bên đều khựng lại. Có những trận tấn công chớp nhoáng của địch vào Đại Đội của Lượm đều bị đánh bật lui. Ngược lại ta cũng nhiều lần cố tràn qua bên kia nhưng không chiếm thêm được một tấc đất. Hai bên tải thương đều thấy nhau rất rõ. Lượm bị hao hụt nặng. Phu Nhân lên thay. Tôi và con cái bò lên từng toán một. Địch và ta ở sát nhau, ngóc đầu lên là đạn bắn xuyên mũ sắt ngay. Hơn nửa ngày mới trám hết vị trí của Lượm… Xác chết của anh em nằm trên mặt đường, sình lớn mà không lấy được. Phía bên kia bốn, năm xác vẫn để yên, tụi nó cũng không dám ra lấy về.
– Hai mươi ngày nằm chịu pháo và bị bắn sẻ. Tối nào hai bên cũng rà máy chửi nhau. Theo dõi máy, đột nhiên tôi bắt được một câu báo cáo của tụi nó: Bồ câu hết thóc – Và nghĩ ngay tụi nó đang thiếu đạn. Nếu cứ nằm như thế này, một lúc nào đó tụi nó chỉ cần ho một tiếng thật to mình cũng mất vị trí ngay, vì áp lực quá nặng nề, tổn thất nhiều, tinh thần anh em quá mệt mỏi. Tôi đi đến kết luận riêng: Nếu mình không đánh nó, chắc chắn nó sẽ tấn công mình. Tôi trình với Tiểu Đoàn Trưởng: Thiếu tá cho tôi luôn thằng 2 để tôi tấn công tụi nó. Tôi thấy tinh thần anh em xuống quá. Tiểu Đoàn Trưởng không cho, bắt ráng giữ vị trí. Phu Nhân năn nỉ: Nếu không thì cho tôi đột kích. Tôi cùng vài toán nhỏ tràn qua đường đột kích rồi rút về. Tiểu Đoàn Trưởng nói: Làm kế hoạch xong cho tôi hay.
– Chiều hôm đó, lúc 4 giờ, các toán trưởng lên gặp tôi. Tôi đưa ba toán trưởng bò đến hầm trú ẩn của nhóm tiền đồn ở sát ngã tư đường. Tôi chỉ từng căn nhà bên kia đường: Cái thứ nhất gần ngã tư là mục tiêu của tau. Cái thứ hai kế tiếp có hàng rào là của Nghênh. Cái thứ ba cũng có hàng rào và cây nhãn cao là của Mã Khện. Căn thứ tư có mấy bụi chuối là của Duật. Tất cả hãy quan sát kỹ và chọn một con đường tiến quân thích hợp…. Tôi tiếp tục quan sát mục tiêu của tôi, rồi quay lại nói: Lần chót tôi hỏi các ông có ý kiến gì không? Đúng 4 giờ mai tôi sẽ chiếm trước, sau đó tùy các ông bằng mọi cách phải hốt cho bằng được các mục tiêu. Sau đó tôi đi gặp Tiểu Đoàn Trưởng để trình bày kế hoạch. Ông nói: “Nguy hiểm quá, không được, chết cả lũ”. Tôi nói: Nếu Thiếu tá không làm bây giờ, một vài ngày nữa tụi nó chỉ cần ho là lính mình chạy hết. Cuối cùng ông chấp thuận.
– Bốn giờ kém mười sáng, toán tôi có mặt tại tiền đồn. Trời tối không thấy gì. Tôi ngại bắn lầm nhau. Năm giờ rưỡi, cái giếng đã nhìn thấy được. Chuẩn bị! Tôi cảm thấy hồi hộp. Chỉ cần bốn cái nhảy vọt là qua bên kia đường, nhưng khó như đi lên trời, vì con đường này là con đường tử thần, làm ranh giới bên ta và địch, là hai mươi ngày trời không nuốt nổi 5 thước đất. Rách nát bao nhiêu cũng vẫn không qua được. Bây giờ mình phải làm để cứu đơn vị, phải hy sinh để cứu đồng đội. Vừa suy nghĩ xong, tôi phóng vụt qua ôm bờ giếng. Kế tiếp là Điểu, Việt, Can băng theo. Tất cả ngồi ôm thành giếng, mồ hôi ra như tắm mặc dù trời lạnh như cắt. Điểu và Can chiếm cầu tiêu. Bỗng một loạt đạn thật giòn và thật gần, tôi quay nhìn ra đường, Phúc và cái máy nát mình nằm trên mặt đường nhựa, dưới làn đạn mịt mù của địch. Tôi hét lớn: Dư, Việt chiếm nhà bếp. Tôi ra lệnh Điểu và Dư chiếm nhà trên, lục soát thật kỹ. Để Việt ở lại, tôi và Can cũng lên nhà trên. Điểu và Can giữ cửa chính nhìn ra sân. Tôi và Dư giữ cửa sổ nhìn ra vườn có nhiều luống khoai lang.
Trời sáng hẳn, tôi bò trở ra bờ giếng, thấy Duật, Nghênh và Mã Khện vẫn còn ở bên kia đường. Tôi toát mồ hôi. Tôi nhìn thẳng vào mấy ổng và lấy tay ngoắc. Mấy ông gật đầu. Tôi bò trở lên nhà trên…. Lựu đạn, súng nhỏ, súng lớn nổ khắp nơi. Tôi biết rằng tụi tôi đã băng được qua đường. Tôi hỏi khẽ: thấy gì không Dư? Dư lắc đầu… Bỗng Dư chỉ tay về phía các luống khoai. Tôi đếm đủ 11 người đang bò qua, kaki Nam Định, súng AK và B40, cách vách tường khoảng 20 thước, 15 thước rồi 10 thước. Tôi dựng cây súng xuống thật nhẹ, hai tay rút 2 trái lựu đạn, miệng cắn chốt. Dư cũng thế, bốn lựu đạn ném ra cùng một lúc, tiếng nổ xé trời, rồi 4 trái tiếp theo…. Nhìn ra cửa, 5 xác nằm vắt trên luống khoai. Một loạt đạn nổ và tôi nghe: Chết em, Đại Úy. Tôi sững sờ nhìn Dư, tay trái ôm ngón tay út của bàn tay mặt đầy máu, ruột của Dư đổ ra lòng thòng. Dư ngã vật ra chết tại chỗ. Nơi Dư đứng có một lỗ hổng nhỏ ở vách tường. Vì mải nhìn qua cửa sổ mà không để ý ở phía dưới, nguyên một họng AK thọc qua lỗ tường để sát bụng Dư mà nhả đạn. Tôi bắn một loạt M16 ra cửa sổ, và cứ thế hết quả này đến quả khác, tôi ném tất cả lựu đạn của tôi ra ngoài bờ tường. Hai thằng em đã hy sinh, còn bốn thầy trò phải giữ vững vị trí. Phía bên phải của tôi, súng vẫn nổ dữ dội. Đến 10 giờ 30, tôi cho Điểu đi liên lạc với Nghênh, Duật và Mã Khện. Bốn căn nhà cách nhau mười phút đi bộ mà hơn 1 tiếng sau Điểu mới về báo cáo là tất cả đã chiếm được mục tiêu. Toán Duật, 1 chết, 1 bị thương. Toán Mã Khện, hai chết. Toán Nghênh một chết, một bị thương. Tất cả là 6 chết, 2 bị thương. Chúng tôi còn lại 11 người tại tuyến.
– Điểu bò ra giếng cố đem qua cho tôi một cái máy. Cột máy vào một đầu dây và quăng đầu dây kia qua cho Can kéo. Can mở máy liên lạc với Tiểu Đoàn: “Trình Đại Bàng, tôi sẽ cho tràn ngập vị trí với thằng 2 của Lộc và thằng 3 của tôi”. Đại Bàng hỏi: “Tại sao từ sáng đến giờ không liên lạc với tôi? Tôi ra lệnh rút về ngay”. Phán nài nỉ: “Đây là dịp may, tinh thần anh em đang lên, tôi xin Đại Bàng cho làm luôn”. Đại Bàng Thanh Hóa nói: “Nếu anh không rút về, tôi sẽ đưa anh ra tòa án quân sự”. Tôi tắt máy. Suy nghĩ thật kỹ. Hơn mấy giờ để đánh mục tiêu, bốn căn nhà và một con đường ngập máu. Cuối cùng tôi bảo Điểu chuyển lệnh cho các toán: “Rút về ngay. Mang thương binh theo, xác chết bỏ lại”. Năm thước đường đi đã khó, về còn khó hơn. Mỗi bóng người nhúc nhích là đạn nổ hàng loạt… Con cái bên kia đường đưa mắt theo dõi…
– Toán tôi bò ra bờ giếng, bỗng mấy bóng đen vụt qua như sao xẹt, nhào vào bờ lề và được anh em kéo ra sau. Đây là mấy đứa bị thương, tưởng là di chuyển không nổi, nhưng khi nghe lệnh rút, chúng thu hết tàn lực vùng chạy về… Hỏa lực 3 phía nổ vùi vào vị trí chúng tôi. Địch kiểm soát con đường bằng mấy cây thượng liên và trung liên. Bên kia đường Sự và Lộc đáp lễ bằng hỏa lực cơ hữu của Khăn Tím và của 2… Tôi lấy chân đạp vào thành giếng, phóng người băng qua đường, lăn mình, chạy và nhào vào bờ lề. Anh em kéo tôi ra sau. Tôi bảo Lộc và Sự bắn từng loạt một để tụi nó dọt về…
– Sáu giờ chiều, xuống trình diện Tiểu Đoàn Trưởng, ông nói ngay: “Ông làm những chuyện nguy hiểm quá, lỡ kẹt bên đó thì nói làm sao với Lữ Đoàn?” Tôi đề nghị: “Thưa Thiếu tá, ngày mai cho tôi tấn công, tôi tin chắc sẽ tràn ngập vị trí tụi nó. Cho tôi thêm thằng 2 của Lộc, để thằng 1 của Lượm đi sau thu dọn chiến lợi phẩm. Chỉ xin Thiếu tá cho tôi hai chiếc tank kèm hai bên hông của tôi. Ông hỏi: “Có chắc ăn không Phán?”. Tôi cương quyết: “Chắc, nếu tràn được vị trí, Thiếu tá cho phép tôi đánh thẳng lên Kỳ Đài”. Tôi theo Tiểu Đoàn Trưởng lên trình ông Già Hự – Đại tá Yên, Tư Lệnh phó. Ông già chấp thuận.
2. Ghi lại sự tàn bạo của Cộng quân:
Chúng ta đã biết Cộng quân chôn sống người dân Huế trong trận Tết Mậu Thân. Trong Mùa Hè Đỏ Lửa, Cộng quân đã dùng đại pháo 130 ly bắn vào đoàn người chạy giặc tạo nên Đại Lộ Kinh Kinh Hoàng. Trong Văn Học Quân Đội, Y sĩ Thiếu tá Thủy Quân Lục Chiến Trần Xuân Dũng, trong bài Một Trận Đánh Khốc Liệt Không Có Thương Binh, đã cho người đọc thấy một tính chất tàn bạo khác của Cộng quân là tàn sát thương binh. Xin trích một số đoạn:
– Trời sáng rõ khi Tiểu đoàn tôi hoàn tất việc đổ quân xuống vùng Kinh Sáng và kinh Bà Tà. Sau khi dàn quân xong, Thiếu tá Trí gọi tôi rồi chỉ về hướng ruộng lúa trước mặt: Bác sĩ cùng anh em y tá tiến lên tìm và cứu chữa thương binh Biệt Động Quân.
– Tôi cùng 6 người y tá tiến lên theo hướng tay ông, men theo bờ ruộng. Chúng tôi vừa đi vừa đảo mắt tìm. Trận đánh khốc liệt suốt từ chiều đến nửa đêm mà sao bây giờ chỉ có ruộng lúa. Chợt có tiếng kêu: Đây rồi Bác sĩ ơi. Tôi chạy đến, phụ kéo xác một Biệt Động Quân ra khỏi ruộng nước. Chúng tôi đặt anh trên một khoảng đất gần đó, rồi tiếp tục dàn hàng ngang đi xen vào giữa các hàng lúa. Sau 10 phút, chúng tôi tìm được chục xác nữa. Vừa lúc đó bỗng có người nhô lên từ ruộng lúa, chạy về phía tôi. Anh ta không còn áo, không còn vũ khí, chỉ mặc một cái quần màu hoa rừng. Anh giơ tay chào và nói:
Chào Bác sĩ. Em là thiếu úy X, thuộc Tiểu đoàn Biệt Động Quân này.
Tôi vội hỏi: Thương binh đâu Thiếu úy?
Thiếu úy X đưa tay chỉ nguyên cánh đồng lúa rồi đáp: Trên khắp ruộng này, nhưng chắc không còn ai.
Tôi hỏi: Thế đêm qua ta đã tải thương được hết rồi hay sao?
Thiếu úy X đáp: Dạ không. Tiểu đoàn em đụng trận từ lúc 6 giờ chiều hôm qua, trong lúc tiến vào làng phía trước mặt để đóng quân. Quanh cánh đồng này, Việt Cộng từ tứ phía đổ ra như kiến. Anh em Biệt Động Quân chống trả kịch liệt. Sau đó phi cơ chiến đấu đến trợ giúp. Nhưng chỉ được khoảng nửa giờ thì trời tối, nên tác xạ và oanh kích không còn hữu hiệu. Hơn nữa ta và địch quá gần nhau. Cả Trung đoàn địch vây đánh tụi em, một chọi ba. Đến 11 giờ đêm thì Tiểu đoàn núng thế lắm rồi. Đạn hết, đánh nhau như trộn trấu, xáp lá cà, dùng bất cứ thứ gì còn trong tay. Lựu đạn, lưỡi lê, báng súng… Nhờ trời tối thẫm nên mặc dầu chỗ nào cũng có địch, nhưng anh em Biệt Động Quân nào còn sống và chưa bị thương có thể thoát được. Em là Trung đội trưởng, Đại đội 3, phía em gay go nhất, thương binh rất nhiều.
– Chỉ có một mình Thiếu úy ở đây bây giờ hay sao?
– Dạ, khi đơn vị rút hết, em phải giả chết. Bọn Việt Cộng chia nhau đi lượm vũ khí và khiêng đồng đội bị thương của chúng đi. Em nằm bên bờ nước, nghe một tên Việt Cộng, có lẽ là chính ủy, quát lên với giọng Bắc: “Dàn hàng ngang, đi chen vào giữa những hàng lúa tìm bọn thương binh xử trí hết, không để sót”. Lần đầu em nghe chữ xử trí, em chẳng hiểu là gì, cho đến khi thấy bọn Việt Cộng dàn đều soi đèn pin loang loáng khắp cánh đồng và xả súng bắn thương binh ta.
– Sao Thiếu úy lại thoát được?
– Cũng nhờ số cả. Em nằm sát bờ ruộng, trong tư thế giả chết. Tên Việt Cộng vừa bắn xong người nằm cách em chừng hai thước, lại quay mình bước lên bờ bỏ đi, có lẽ nó không thấy.
Người Thiếu úy đó nhập với toán Quân y đi tìm xác anh em thương binh đã bị Việt Cộng tàn sát đêm qua. Chẳng bao lâu chúng tôi đã tìm được hơn năm chục xác, toàn dưới mặt nước ruộng, thi thể có quá nhiều vết đạn bắn ở tầm gần.
Hai chiếc trực thăng H.34 lần lượt đáp xuống quãng đường đất. Ban Quân Y chúng tôi cùng người Thiếu Úy nhanh chóng chuyển xác anh em BĐQ lên trực thăng. Khi xác cuối cùng được chất vào chiếc trực thăng thứ nhì thì tổng số xác là 89 và phải chất lên đến tận nóc.
Cộng quân thì tàn sát thương binh như thế, còn chúng ta Việt Nam Cộng Hòa, thì có chính sách nhân đạo với thương binh Việt Cộng. Chúng tôi (người viết) cũng là sĩ quan tham dự những trận chiến ở chiến trường Thừa Thiên, Quảng Trị từ 1968 đến 30/4/1975, đã gặp nhiều thương binh Việt Cộng và chúng tôi đã coi thương binh VC như thương binh của đơn vị chúng tôi: Săn sóc và gọi trực thăng tải thương. Về chuyện nhân đạo đối với thương binh Việt Cộng, chúng tôi xin trích một đoạn trong bài viết về chuyện này của Y sĩ Trung tá Phạm Việt Tú, Chỉ huy Trưởng Tổng Y viện Duy Tân Đà Nẵng: “Một vấn đề khác làm nhức nhối tim óc là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung và ngành Quân Y nói riêng, theo truyền thống nhân đạo đã cứu chữa thương binh Cộng Sản tại mặt trận và sau đó di chuyển họ về các Quân Y Viện để điều trị. Tổng Y viện Duy Tân dù chật hẹp, không đủ chỗ cho thương binh của Quân Lực VNCH, nhưng cũng phải dành một trại riêng biệt để điều trị thương binh Cộng Sản.
Ngành Quân Y cũng phụ trách cấp cứu và điều trị tù binh Cộng Sản. Riêng tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, trại bệnh của tù binh chiếm tới 100 giường.
Tại bốn trại giam tù binh Cộng Sản ở bốn Quân Khu có một Ban Quân Y gồm một bác sĩ và nhiều Y tá để săn sóc tù binh Cộng Sản. Đặc biệt tại Phú Quốc, Quân Y đặt một bệnh viện 100 giường gồm có 5 Bác sĩ, một nha sĩ và trợ y, y tá để yểm trợ y vụ cho hơn 30.000 tù binh Cộng Sản bị giam giữ tại đó” (Trích Quân Y Quân Lực VNCH – 2000)
3. Ghi lại sự tan rã của Quân Đoàn I:
Những ngày cuối tháng 3/1975, chúng tôi (người viết) cũng là nạn nhân của việc di tản để tan rã. Đơn vị chúng tôi đang bố phòng ở Quận Hương Điền, Thừa Thiên thì được lệnh di tản về cửa Thuận An để có tàu Hải Quân đón vào Đà Nẵng. Chúng tôi ra sát biển, chỗ cát ướt để dễ đi. Tới gần Thuận An thì đó không còn là biển và cát mà là một rừng người, quân lính và dân hỗn loạn. Nhìn cảnh tượng đó tôi biết không cách nào lên tàu, nếu có tàu vào đón. Tôi nói với Đại Đội: Một rừng người thế kia thì khi tàu vào, người ta sẽ đè lên nhau mà chết. Tới đây chúng ta không còn lãnh đạo. Lệnh đã đưa chúng ta tới chỗ cùng. Vì thế, mỗi chúng ta tự tìm lấy đường đi của mình và đơn vị tôi tan rã. Đọc những bài “Những ngày cuối tháng 3/1975 tại chiến trường Huế” của Thiếu tá Phạm Cang và một số bài khác nói về lệnh di tản của lực lượng Thủy Quân Lục Chiến ở Thừa Thiên và Đà Nẵng, tôi thấy tình cảnh giống chúng tôi. Và đó cũng là tình cảnh chung của cả Quân Đoàn I. Ở đây sách đã ghi lại được chỗ cùng của thảm kịch tan rã với tình cảnh hết quân của những cấp chỉ huy lớn:
– Trong bài Những Ngày Tháng Sau Cùng Của Tiểu Đoàn 9 TQLC ghi lại việc Tướng Nguyễn Văn Điềm hết quân: Ngày 25-3-1975, Tướng Nguyễn Văn Điềm, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh, họp các Sĩ Quan lần cuối tại Căn cứ Giạ Lê, ông cho biết đã nhận được lệnh bỏ Huế và bản thân ông cũng không biết phải làm những gì?
– Trong bài Những Ngày Tháng Không Quên ghi lại việc Tướng Ngô Quang Trưởng phải đi theo Thủy Quân Lục Chiến. Khoảng 23 giờ (28/3/1975), tướng Ngô Quang Trưởng tới Trung Tâm Hành Quân của Thủy Quân Lục Chiến, cùng đi với tướng Trưởng có Chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh, Tư lệnh Sư đoàn 1 Không Quân, Đại tá Phước, Không đoàn trưởng Không đoàn 51 trực thăng, Đại tá Nguyễn Hữu Duệ, Tỉnh trưởng Thừa Thiên và Đại úy Hòa, tùy viên của tướng Trưởng. Tôi chào tất cả các vị và mời vào xa lông của Trung Tâm Hành Quân. Tướng Ngô Quang Trưởng mở lời nói với tôi: “Họ đã đi hết cả rồi, bây giờ anh em Thủy Quân Lục Chiến ở đâu thì tôi theo đó”. Sau một hồi yên lặng, ông quay qua nói với Chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh và hai vị Đại tá: ”Riêng các anh không còn nhiệm vụ gì ở đây thì có thể đi đâu tùy ý”.
– Bài ghi lại việc tướng Trưởng lội ra tàu: Tôi và Trung tá Đặng Bá Đạt, Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Sư đoàn, giúp Tướng Trưởng mang phao đổ bộ Thủy Quân Lục Chiến và sau đó đề nghị ông tiến ra biển. Tôi một bên, Trung tá Đạt một bên, phòng khi ông bị sóng đánh ngã, vì lúc đó sức khỏe của ông suy giảm nhiều. Chúng tôi hướng ra chiếc tàu gần nhất.
Khoảng 10 giờ, một chiếc trực thăng từ hướng Nam bay tới và đáp xuống bờ biển đối diện với chiếc HQ 404. Tướng Khánh, Đại tá Phước và Đại tá Duệ bước xuống, cùng hòa nhập với các quân nhân TQLC lội ra tàu.
III. Kết luận
Ngày 10/3/1975, quân Cộng Sản Bắc Việt tấn công và chiếm Ban Mê Thuột. Trong thời gian 50 ngày, Quân đoàn II và Quân Đoàn I tan rã và Tổng Thống 2 ngày Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng ngày 30/4/1975. Đã có nhiều bài phân tích và trả lời về nguyên nhân sụp đổ quá nhanh của Việt Nam Cộng Hòa. Ở đây, chúng tôi chỉ ghi lại hai nguyên nhân chính:
Thứ nhất là Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa.
Trong bài Tại Sao Quân Nhân Cầm Bút Viết của Bác sĩ Trần Xuân Dũng có đoạn: “Thượng Viện và Hạ Viện Mỹ cắt đi 700 triệu đô la từ ngân quỹ dự định viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa là 1 tỷ trong năm tài chính 1974 (tức là kể từ 1/7/1974). Ngay trước đó điều khoản ấn định cho Mỹ trong hiệp định Paris 1973, được thay thế những vũ khí đã mất đi trong các trận đánh, cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng đã không bao giờ thực hiện đầy đủ.
Ngược lại vào tháng 12-1974, tướng Viktor Kulikov, Chỉ Huy Quân Lực Liên Bang Xô Viết, từ Moscow bay tới Hà Nội, cam kết viện trợ vũ khí sẽ tăng lên gấp 4 lần và sẽ được chuyển tới Bắc Việt vào tháng 1, tháng 2 năm 1975.
Như vậy, sự yểm trợ về không quân và pháo binh cho Việt Nam Cộng Hòa giảm mất đi 60 phần trăm do sự thiếu bom cho máy bay và đại bác cho pháo binh. Khả năng cơ động, di chuyển của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị giảm xuống 50 phần trăm vì thiếu phi cơ, xe vận tải và nhiên liệu. Đại tá L.G., Giám Đốc cơ quan DAO tại Sài Gòn đã viết: “Trong lịch sử chiến tranh Việt Nam chưa bao giờ quân đội Bắc Việt được ở trong tình trạng tiếp viện về vũ khí thuận lợi như vậy”. Kết quả là Bắc Việt tăng thêm 70.000 lính nữa cho số bộ đội tác chiến đã có sẵn từ trước là 200.000 cộng với 100.000 lính yểm trợ tiếp vận. Bắc Việt có 600 – 700 xe tăng (gấp đôi số lượng xe tăng của QLVNCH), 400 đại pháo, 200 súng phòng không cỡ lớn và rất nhiều hỏa tiễn SA-7.
Việt Nam Cộng Hòa đã bị trói tay, bức tử.
Thứ nhì là sự quyết định sai lầm và khủng hoảng lãnh đạo.
Sau khi mất Ban Mê Thuột, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu quyết định tái phối trí lực lượng, rút gọn, bỏ bớt lãnh thổ để tăng cường phòng thủ. Từ ý định này ông đã ra lệnh cho Tướng Nguyễn Văn Phú bỏ cao nguyên, rút quân đoàn II về phòng thủ duyên hải và ra lệnh cho tướng Ngô Quang Trưởng bỏ vùng I chiến thuật. Khi ra lệnh như thế ông Thiệu và Bộ Tổng tham Mưu đã nhìn vấn đề quá đơn giản như chuyển quân trong lúc bình yên mà quên mất là trận chiến đang xảy ra với yếu tố Dân và Địch: Dân đã chạy loạn theo lính và địch đã đuổi truy kích. Vì thế hai cái lệnh Rút Bỏ Cao Nguyên và Bỏ Vùng I đã tạo thành thảm kịch Chết và Tan Rã. Ở cao nguyên thì con đường 7B bỏ hoang chạy từ Pleiku qua Cheo Reo, Phú Bổn xuống Tuy Hòa đã thành đường máu. Còn ở Vùng I thì Cửa Thuận An, Tư Hiền và bờ biển Đà Nẵng, Non Nước cũng thành bãi biển máu với đạn pháo của địch.
Trong bài “Tại Sao Tôi Bỏ Quân Đoàn I”, Tướng Ngô Quang Trưởng đã ghi lại một số điều cho chúng ta thấy sự hoảng loạn bất định của Tổng Thống Thiệu: “Ngày 13 tháng 3 năm 1975, được lệnh vào Sài Gòn họp. Tôi vào đến Sài Gòn nhưng với sự ngạc nhiên là chỉ có mình tôi vào gặp Tổng Thống và Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm mà thôi. Nhưng khi Tổng Thống Thiệu cho biết ý định của ông ta là phải rút bỏ Quân Đoàn I ngay hôm nay thì tôi mới vỡ lẽ, cay đắng và uất ức vì lệnh ra quá đột ngột ngoài sức tưởng tượng và ngoài ước muốn của tôi. Thật ra, lúc đó tình hình tại Huế, Quảng Ngãi và Đà Nẵng tuy có hơi nặng nề vì địch tấn công liên tiếp, tuy nhiên tôi đủ sức chống giữ và sẽ tăng cường Sư Đoàn Dù cùng với Thủy Quân Lục chiến ra những vùng đó để lấy lại ưu thế. Tôi trình bày cặn kẽ những ý kiến cũng như dự định của tôi lên Tổng Thống và Thủ Tướng, nhưng không được chấp thuận. Lệnh bất di dịch là phải rút Quân Đoàn I càng sớm càng tốt. Lệnh của Tổng Thống Thiệu yêu cầu tôi rút Quân Đoàn I vào ngày 13 tháng 3, và rút Quân Đoàn II vào ngày 14 tháng 3. Ông Thiệu cho biết là rút hết về Phú Yên, lấy quốc lộ 22 làm ranh giới. Việt Nam thu gọn sẽ chạy dài từ Phú Yên đến Hà Tiên.
Sau đó tôi suy nghĩ kỹ hơn và quyết định gọi Đại Tướng Cao Văn Viên nhờ xin Tổng Thống cho tôi dùng mọi cách để giữ Huế và vùng I. Tổng Thống Thiệu rung động, chấp thuận cho tôi giữ Huế. Sáng 18 tháng 3, tôi ra Huế gặp Tướng Lâm Quang Thi (Tư Lệnh phó Quân Đoàn I) đang chỉ huy tại Huế. Tôi ra lệnh: Giữ Huế cho thật vững. Chiều hôm đó về đến Đà Nẵng, tôi nhận được một lệnh do Đại Tướng Cao Văn Viên, thừa lệnh Tổng Thống yêu cầu tôi “bỏ Huế”. Thật làm cho tôi chết lặng người. Vì mới buổi sáng nay ở Huế, tôi ra lệnh cho Tướng Thi giữ Huế. Bây giờ đột nhiên được lệnh bỏ thì tôi biết nói làm sao với Tướng Thi và anh em binh sĩ…. Kết quả là Tướng Thi thi hành lệnh, bỏ Huế và dồn quân đến cửa Thuận An để được tàu Hải Quân rút về Đà Nẵng.
Đúng ngày 22 tháng 3 năm 1975, tôi được lệnh trả Sư Đoàn Dù và Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến về giữ Nha Trang. Ngày 29 tháng 3, Cộng quân tràn vào Đà Nẵng với những trận giao tranh nhỏ. Tôi được chiến hạm HQ404 đưa về Sài Gòn. Trên tàu cũng có một Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Khi tàu chạy ngoài khơi, Tổng Thống Thiệu liên lạc yêu cầu tôi ra tái chiếm lại Đà Nẵng. Tôi trả lời ngay là bây giờ tôi lấy ai để theo chân tôi tái chiếm Đà Nẵng? Lính tráng đã phân tán mỗi người một nơi. Cấp chỉ huy thì mạnh ai nấy thoát. Làm sao tôi có thể làm chuyện đó được.”
Vì thế hai cái lệnh hoảng loạn sai lầm của ông Thiệu đã làm rúng động toàn quốc, tan vỡ lòng quân. Những tỉnh ven biển đã lần lượt bị bỏ ngỏ, như Cam Ranh, Nha Trang, quân bỏ chạy mấy ngày Cộng quân mới tới. Trong khi mặt trận Xuân Lộc tan vỡ, mười mấy sư đoàn Cộng quân bao vây Sài gòn thì Tổng Thống Thiệu từ chức, rồi đến lượt Tổng Thống Trần Văn Hương nhường chức Tổng Thống cho Đại Tướng Dương Văn Minh. Đến lúc quân đội tan vỡ ông Thiệu mới từ chức để chạy, còn tướng Dương Văn Minh đại diện cho Lực Lượng Thứ Ba nài nỉ cụ Hương nhường chức để đàm phán với Cộng Sản Bắc Việt ngưng bắn theo Hiệp định Paris: Một giấc mơ ngây dại. Quân đội đã tan rã, ông lấy cái gì để nói chuyện với Cộng Sản? Vì thế Từ chức và Nhường chức đã trở thành tấn bi hài kịch kết thúc chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Chúng ta hiểu Cộng Sản Bắc Việt đã nhận súng đạn của Nga, Tàu để tiến hành chiến tranh xâm lược Miền Nam theo chiến lược bành trướng chủ nghĩa Cộng sản. Và Việt Nam Cộng Hòa đã được Hoa Kỳ viện trợ để chống lại sự bành trướng đó. Nay Hoa Kỳ thay đổi chiến lược, chấm dứt viện trợ quân sự thì Việt Nam Cộng Hòa phải sụp đổ. Nhưng nếu lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa cương quyết chống lại cuộc tấn công của Cộng Sản Bắc Việt – Ở đâu tử thủ ở đó – như những chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến trong những trận đánh cuối cùng ở Vùng I thì Cộng Sản Bắc Việt có thắng được Miền Nam cũng phải trả một giá rất đắt. Nhưng lãnh đạo của chúng ta đã chạy, đã không làm sáng lên được chính nghĩa của cuộc chiến đấu vì Tự Do của quân dân Miền Nam.
Việt Dương