User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Nguyệt Mai đã nhận được:
 
Trần Vấn Lệ - Thơ Và Cuộc Đời
 tranvanlethocuocdoi
 
Sách dày 308 trang, bìa cứng in màu rất đẹp. Nhân Ảnh xuất bản tháng 2/2024
 
Chân thành cảm ơn Nhà thơ Trần Vấn Lệ và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc khắp nơi.
 
Sách đã có bán trên Amazon.
 
oOo
 
Thay Lời Tựa
 
Thơ Tôi, Cuộc Đời Tôi
 
Tôi sinh ra ở Phan Thiết, vào một ngày cuối tháng 5 năm 1942.
 
Phan Thiết quê tôi là xứ Thơ.
 
Tôi từng ngồi ở Mũi Né. Địa danh một vùng biển của tỉnh Bình Thuận. Từ Phan Thiết đi Mũi Né có một con đường độc đạo dài 22 cây số, qua Thanh Hải, Ngọc Lâm, Rạng rồi tới Mũi Né, hết đường. Phú Hài là một làng chài lưới, cá đổ về đây để vài nhà Hàm Hộ mua đem về Thùng Lều làm nước mắm. Ngọc Lâm có một Tháp Chàm, Tháp cuối cùng của người Chàm, thường chỉ thấy người Chàm ở Ma Lâm Chàm về đây cúng bái, không thấy người Chàm ở Phan Rí vào. Người Chàm trước 4/1975 được gọi là người Hời, người Chiêm Thành. Sau 4/1975 gọi theo tên người Pháp gọi, là người Chăm. Ngọc Lâm xưa có một ngôi lầu của người Pháp (có sách nói là một vị Hoàng Tử người Tây Ban Nha) nên dân địa phương gọi là Lầu Ông Hoàng. Nhà thơ Hàn Mạc Tử và nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có tác phẩm nặng tình ở đây. Lầu Ông Hoàng ra sao, ít người biết vì “được” chủ nhân của nó phá, dẹp và dọn sạch trước năm 1940. Khu lầu này đầy đủ cơ ngơi của một cung điện chắc cũng huy hoàng lắm. Hồi còn đi học Trung Học, tôi có cắm trại tại đây, chỉ thấy dấu tích là một sân Tennis. Tôi không biết gì về lai lịch của nơi này, chỉ thấy núi lúp xúp ngó ra biển khơi không một bóng dáng ghe thuyền đánh cá… Xung quanh nó và gần đó không có làng mạc nào của người mình. Cảnh trí đẹp, rất đẹp… mà hoang vu! Một chuyện tình lưu lại vài bài báo mang tính chất tiểu thuyết hơn là lịch sử.
 
Qua Ngọc Lâm là tới Rạng. Cái tên hay, gọn gàng, không hiểu ý nghĩa gì. Bạn tôi, con ông Lý Mỹ, Huỳnh Ngọc Mỹ, lập nghiệp bằng cách trồng dừa. Chắc thuộc hàng địa chủ nên ông Huỳnh Ngọc Mỹ từng là Lý Trưởng nên mới có danh là Ông Lý Mỹ. Tôi có ghé đây, dạo chơi, nghỉ ngơi trong các vườn dừa. Thời xưa chiến tranh nhưng khu này không sao có lẽ vì ít người mà họ sống bằng nghề chài lưới qua ngày nên khó có tiếp tế.
 
Tôi rời Rạng để bắt xe đò vào Mũi Né. Chú Tám tôi cưới vợ người ở đây. Vợ chú tôi là Chị ruột của nhà thơ Vũ Anh Khanh. Vũ Anh Khanh tôi chưa hề biết mặt vì ông đi theo Việt Minh lùc tôi mới 5 tuổi. Ổng đưa Cậu Mười (em của má tôi) và anh Hai của tôi theo Việt Minh chống Pháp. Tôi rất thích đọc Thơ và Truyện Vũ Anh Khanh. Thơ văn Vũ Anh Khanh nhẹ nhàng, sắc sảo, kêu gọi kháng Pháp.
 
Tôi ra Mũi Né thăm gia đình Chú tôi. Lúc đó, khoảng năm 1957-1958 tôi vừa xong Trung Học Đệ Nhất Cấp. Tôi vẫn là đứa con nít. Tôi ở nhà Chú tôi, ra biển ngắm trăng… ngắm biển. Tôi không quan tâm gì về nhà thơ Vũ Anh Khanh. Biết Vũ Anh Khanh là em ruột của Thím tôi, tôi có phần tự hào. Tôi biết rõ hơn chút về giòng họ gia tộc của Thím tôi, Thím tôi là con gái của ông bà Trợ Đãi (Trợ là Thầy giáo, ông tên là Võ Văn Đãi, dạy ở Quảng Ngãi, đưa cả gia đình vào Bình Thuận khoảng sau 1930, lập nghiệp Hàm Hộ tại Mũi Né, hãng nước mắm nổi tiếng tên là Quảng Thuận (Quảng Ngãi + Bình Thuận).
 
Tôi nhìn vầng trăng ở bãi biển Mũi Né, đêm trăng khuyết, tôi thấy ánh trăng tan trên biển như máu loang… Các con ông Phan Lý Ngư, có người học trước tôi, có hai người cùng lớp với tôi. Hai người bạn cùng lớp với tôi là Phan Nguyên Lý và Phan Đổng Lý. Phan Đổng Lý hiện ở Australia, vượt biển tới bến. Phan Nguyên Lý có vợ người Đà Lạt, cả hai vợ chồng đều dạy học… không biết họ sống chết ra sao. Các anh của Đổng Lý, Nguyên Lý mà tôi biết có tên là Kinh Lý, Thiên Lý. Cả nhà con trai đông, đều một tên chung là Lý. Trần Thiện Thanh ở gần nhà Phan Đổng Lý, học sau Phan Đổng Lý một năm…
 
Đêm ngắm trăng không tròn đầy thời tôi thơ dại, nhớ lại không rõ ràng, mênh mang trong lòng tôi nỗi niềm gì đâu xa xăm một quá khứ tỏ mờ… Mờ hơn là tỏ.
 
*
Tôi nhìn trăng ở tuổi tôi biết buồn. Biết cả cõi đời hoang vu tịch mịch. Chẳng có gì ngoài mấy chút đọng lại trong đầu.
 
Rồi tôi khôn lớn hơn. Tôi đi dạy học. Dạy học là chuyện bình thường vì tôi đã là người “chuyên nghiệp”. Từ đầu năm 1962 trở đi, tôi để hơn nửa lòng mình chờ ngóng cái giấy gọi tôi nhập ngũ. Tôi ở cái tuổi lính mà. Chiến tranh bừng bừng. Con trai đi lính. Tôi chờ hoài rồi nó tới. Tôi đi trình diện Tiểu Khu Tuyên Đức. Tôi và bốn chàng nữa có mặt, mỗi người một vé xe lửa hạng ba từ ga Đà Lạt xuống ga Tháp Chàm, vào trình diện Trại Nhập Ngũ số 2 Phan Rang. Mọi thủ tục xong: bốn anh chàng kia ở lại để được chuyển vào Trung Tâm Huấn Luyện, tôi được phát một tờ giấy hoãn dịch lý do Thặng Dư Tài Nguyên. Tôi về Đà Lạt… bằng vé xe lửa tự bỏ tiền ra. Vui được về, hao tốn kệ nó! Tôi chào bốn anh em. Tôi chào những con rệp, trời ơi là rệp hút máu người trong cái trại này.
 
Tôi kịp chuyến tàu về Đà Lạt. Chạy băng băng từ Tháp Chàm lên K’rongpha, chui qua đèo Ngoạn Mục. Tôi ngó ga Eo Gió, Cà Beu, Trạm Hành, Cầu Đất… Những đồi trà bát ngát. Những đồi sương đẹp làm sao… Đêm bắt đầu hiện ra. Đêm Rằm, trăng tròn. Xe lửa chạy dưới trăng… về ga Đà Lạt.
 
Tôi nhớ bốn người đồng hành với tôi còn ở lại Phan Rang. Tôi có bốn đêm ngủ ở đó ngắm trăng trong hàng rào kẽm gai. Tôi về lẻ loi. Trăng tròn trịa, chỉ dành cho tôi ngày mai trở lại trường trở lại với học trò. Trong bốn anh em cùng chuyến đi hôm nào, chừ nhớ lại chẳng đứa nào còn. Tôi còn, người thứ năm, một người lính cô đơn?
 
Tôi lại chờ đợi cái giấy gọi nhập ngũ tiếp. Trong khi bao nhiêu người trai đã “bị”. xởn cái đầu, mặc đồ xúng xính, ắc ê với súng với lưỡi lê. Tôi biết tôi sẽ như vậy.
 
Ngày đó đã tới, đó là một ngày vào tháng Mười Một năm 1966.
 
Lần này tôi phải trình diện ở Nha Trang, trại Nhập Ngũ Số 2 chuyển ra Thành, Khánh Hòa… Lần này, chúng tôi có ba người, đi bằng máy bay 123 xuống Nha Trang, đi tiếp bằng xe Dodge lên Diên Khánh. Làm thủ tục. Rồi về phòng ăn, phòng ngủ… Đẹp và sạch hơn hồi Phan Rang. Chúng tôi, nhiều lắm, những người ở Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang, Phú Yên, Quy Nhơn… chờ đợi chuyến tàu thủy vào Sài Gòn. Tàu đi 26 tiếng đồng hồ tới bến Bạch Đằng. Ai về Hóc Môn lên xe này! Ai về Đồng Đế lên xe này! Ai về Thủ Đức lên xe này! Tôi trong tốp người đi về Thủ Đức, lên xe GMC. Xe ngừng ở Câu lạc Bộ Vãng Lai đường Trình Minh Thế. Xuống và nghe lệnh: Đêm nay anh em ngủ tạm ở đây, sáng mai 6 giờ sáng có xe Thủ Đức ra đón.
 
Nghe lệnh xong, tan hàng, vào phòng được chỉ, mỗi người một cái giường, xong đi kiếm đồ ăn bữa chiều. Trời tối rồi. Trăng lên. Đời Lính mới nghe đêm có cái mùi mới của đường trường xa…
 
Đêm đó, tôi nhìn trăng ở đường Trình Minh Thế, nghe sóng ở bến Nhà Rồng bập bềnh… Trăng lên, không có gì ấn tượng!
 
*
Những đêm trăng sau đó, bao nhiêu đêm, tôi không còn nhớ được nữa.
 
Từ khi em là Trăng, từ khi Trăng là Nguyệt, tôi cứ trôi theo dòng đời.
 
Tôi dạy học, các em nữ sinh khuôn mặt sáng đẹp như trăng rằm.
 
Tôi đi lính, pháo sáng nhập nhòe những họng súng. Trăng mờ mờ, loang loang màu máu.
 
Tôi đi cải tạo sau 1975. Tôi ra tù. Tôi đi làm thuê trước khi sang Mỹ. Trăng nhạt nhòa, trăng một màu buồn và thơ tôi cũng buồn một màu.
 
Không lâu nữa, tôi sẽ đón thêm tuổi mới. Đứng gần cuối con dốc cuộc đời, tôi bâng khuâng hoài, nhớ thương hoài về một thời đã qua. Đây Phan Thiết, có cha mẹ tôi, có gia đình tôi bảng lảng khói sương. Đây Đà Lạt, tuổi trẻ – tình yêu – khát vọng, một thời đẹp nhất của tôi; chừ chút mưa bụi cũng đủ làm cay mắt nhớ. Những giọt lệ đã chảy ngược vào trong, làm tôi đớn đau, làm tôi day dứt. Thơ tôi cũng vậy thôi. Đó là những niềm riêng. Có người thấu hiểu, có người không. Có người thương thơ, vì thơ là tiếng lòng. Có người hờ hững…
 
Đời và Thơ.
 
Tôi cám ơn cô bạn nhỏ Thiên Nga – một người thân trong gia đình đồng nghiệp của tôi trước đây: Giáo sư Khổng Vĩnh Thành, cám ơn rất nhiều. Cô bạn nhỏ đã dày công lưu giữ hàng ngàn bài thơ của tôi (trong đó có bài đã được chọn in trong “Tuyển Tập Thơ Tình Việt Nam Thế Kỷ 20” đang được lưu trữ tại Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc hay những bài in trong Nội san trường PTTH Bùi Thị Xuân, Đà Lạt); sưu tập hàng trăm bài viết của mọi người về thơ tôi cũng như những nhạc phẩm được phổ từ thơ Trần Vấn Lệ.
 
Để bạn bè yêu thơ có dịp hiểu hơn cuộc đời cùng các cung bậc cảm xúc tôi đã trải qua, Thiên Nga đã biên tập lại phần nội dung và cháu Lê Nguyễn Minh Quân đã sắp xếp thời gian để dàn trang và thiết kế bìa.
 
Tôi gửi lời cám ơn các anh Luân Hoán và Lê Hân, những người chủ trương Nhà Xuất Bản Nhân Ảnh, một lần nữa, đã giúp đỡ tôi.
 
Cuốn sách này được xuất bản trong đầu năm 2024. Trước hết, đó là một món quà tinh thần vô cùng giá trị tôi tự tặng chính mình. Sau đó, xin mời các bạn yêu mến người làm thơ có tên Trần Vấn Lệ hãy đọc.
 
Một lần nữa, tôi tin, tình thương mến thương lan tỏa như màu trăng bát ngát.
 
Temple, tháng 1/2024
Trần Vấn Lệ
 
Trần Thị Nguyệt Mai

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com