Một lần nữa tôi hân hạnh cầm trên tay tập Sách do cả tác giả TS Trần Vấn Lệ và BTV Nguyễn Thiên Nga gửi tặng. Đó là tập Ngôn Ngữ- Tạp Chí Văn Học Nghệ Thuật số Đặc Biệt Trần Vấn Lệ. Thật hân hạnh và vô cùng vui!
Tôi xin giới thiệu sơ lược về tập sách này: khá “nặng” tay, những 524 trang. In ấn rất đẹp, nội dung vô cùng phong phú nhưng tách bạch rõ ràng, xem hết tập sách các bạn sẽ biết ít nhiều, mà theo tôi là khá nhiều về tác giả, về Thơ và Văn của Ông, những bài thơ được trích từ 30 thi tập/gần 60 thi tập đã được phát hành trong nhiều năm qua, tuy nhiên mỗi tập BTV chỉ trích dẫn 5 bài, và tôi cũng sẽ giới thiệu vài bài. Bên cạnh Thơ, các bạn sẽ đọc những bài viết của Thi Sĩ kể về mình, nói về bạn… phong phú lắm, cảm động lắm bởi vì nó rất mộc mạc nhưng chân thành, câu chữ đơn giản nửa như thật nửa như đùa, đùa nhưng thật khó mở miệng cười bởi toàn những câu chuyện có phần đắng cay, chất bi hài len lỏi đâu đó… trong tấm lòng thương quý cả người, cả vật và cả mênh mông trong dòng suy tưởng của người con xa quê luôn nhớ về… Phần này, tôi cũng sẽ xin trích dẫn vài “khúc tâm tình” như khúc nhạc buồn… Tiếp theo, là những bài viết của Bằng Hữu Viết Về Trần Vấn Lệ, khá nhiều, tôi nhẩm đếm cũng đến 31 tác giả. Mỗi tác giả là mỗi tấm lòng yêu quý gửi đến Ông- TS Trần Vấn Lệ; bản thân tôi, là người đọc vẫn cảm thấy rung động và tương tự tôi cũng sẽ chỉ trích vài tác giả, mà cũng chỉ “trích đoạn” thôi để mời các bạn cùng đọc. Mong được cảm thông vì tôi không sao đưa hết tất cả vào được… Phần giới thiệu này, tôi xin mời quý vị đọc Thư Đầu Sách của Luân Hoán sẽ tỏ tường hơn.
Theo thông lệ, khi giới thiệu một tác phẩm nào, tôi đều viết vài “ý kiến” về tác phẩm đó. Nhưng lần này, thú thật tôi xin thua! Đã hai lần tôi viết, viết rồi lại bỏ, bỏ rồi lại viết, thật sự khó… Suy nghĩ lại, đúng thật “không thể viết”, bởi vì tôi đọc sách, tức đã đọc tất cả những gì tác giả viết về mình, về bạn và bạn đã viết về tác giả; ôi trời, toàn là “cây đa cây đề” không à, nên khi viết xong, đọc lại, tôi thấy vô duyên gì đâu, càng viết càng thấy rõ sự vô duyên, sơ đẳng làm sao… Nên thôi không viết nữa, mà không lẽ “không nói gì đó” về tập sách Hay& Giá Trị này sao? Tôi chợt nảy sinh quyết định: chỉ xin trích dẫn lại những bài viết, trích ngắn thôi, để các anh chị, các bạn chưa có sách cũng đọc được ít nhiều! Chắc chắn khá dài, mong quý vị thông cảm, và bản thân tôi cũng sẽ tự động viên mình: cố gắng đánh lại bài… Giờ xin kính mời quý vị dạo bước…
A/ Thư Đầu Sách:
Căn cứ bài nhận qua email mỗi ngày, tôi đoán chừng nhà thơ Trần Vấn Lệ, là người làm thơ liền tay, đều tay và thơm tay vào hàng số một tại hải ngoại hiện nay. Ông cũng là người có đầu thi phẩm mỗi năm gửi đến bạn đọc nhiều nhất. Trên trang mạng Vuông Chiếu, mỗi tháng thơ của ông phổ biến không hạn chế, và dĩ nhiên, hầu hết những trang văn thơ Việt ngữ khác, không trang nào thiếu vắng những bài thơ giàu chủ đề của ông.
Trần Vấn Lệ, Bằng Hữu và Thơ Văn, là một tuyển tập bề thế, hy vọng tập trung đầy đủ những điểm đáng ghi nhớ về một thi sĩ cả đời trân trọng và chung thuỷ cùng thi ca.
Sách được chia nhiều phần, để bạn đọc cũng như những người muốn tìm hiểu, khảo cứu, có đủ tư liệu để viết về một nhà thơ Việt Nam sau này; cụ thể gồm:
– Tiểu sử tác giả
– Tác phẩm đã ấn hành
– Ảnh, tranh
– Một số thơ tiêu biểu
– Những bài văn xuôi chọn lọc, đa phần là những nhận định về nhà văn nhà thơ cũ, mới qua những bắt gặp khá lạ từ Trần Vấn Lệ.
– Những bài của nhiều tác giả nhận định, giới thiệu về thơ cùng con người Trần Vấn Lệ.
Để đọc được những thú vị trên về một nhà thơ tài hoa đương đại, kính mời quý bạn không thể không dành một chỗ đứng cho cuốn sách quý này trong tủ sách gia đình của quý bạn.
Chân thành cám ơn nhà thơ Trần Vấn Lệ đã dành cho chúng tôi thực hiện sách. Đa tạ quý bạn đọc khắp nơi đã và sẵn sàng tiếp tay cùng tạp chí Ngôn Ngữ cũng như nhà xuất bản Nhân Ảnh trong phần việc góp tay khiêm nhường nuôi dưỡng chữ Việt tại hải ngoại.
Thân tình,
Luân Hoán.
Tiếp theo, tôi xin gửi những bài, những phần được trích dẫn.
B/ Thơ Trần Vấn Lệ:
*** Gửi Em Một Đóa Hoa Hồng. Thi Tập, 1998.
Xin trích đăng bài nhận định của tác giả Vĩnh Hảo:
Thơ ông là niềm hoài vọng tha thiết với quê hương đã xa nghìn trùng; là niềm đau của những giấc mộng (hay những trách nhiệm) chưa tròn; là ca dao, là khúc hát “đẵm lệ” cho quê hương, tình yêu và kỷ niệm.
Có một nỗi gì da diết, quặn thắt tận bên trong, nơi từng câu thơ, từng con chữ của ông- như thể chúng được kết tinh từ những giọt lệ sầu đau của kiếp người, mà ông là một nhân chứng của cuộc gãy đổ, phân ly, tang tóc, thống hận… trên quê hương và ngoài quê hương của mình.
Nhưng không vì vậy mà chìm khuất. Tình yêu và thi ca đã cứu lấy ông và thơ ông đã góp phần cứu lấy cuộc đời.
Vĩnh Hảo.
* Thấy Trong Hoa Cỏ
Nghe Trong Hoa Cỏ- Trang 32.
Ở trong cỏ ở trong hoa
em ơi con nhện mù lòa bởi em
những đường tơ chẳng giăng thêm
bởi trong vũ trụ buồn tênh lối về… anh, người lính trấn sơn khê
một hôm bỗng thấy bốn bề tịch liêu em ơi, đó, một buổi chiều
súng ngưng, gió lặng, đìu hiu núi rừng!
Rồi thì tất cả mênh mông rồi thì tất cả là dòng lệ tuôn!
Em và hình ảnh Quê Hương
cùng câu ước nguyện, giữa đường tan hoang thấy trong từng vệt nắng vàng
máu tanh cùng đống xương tàn tạ bay…
rừng xanh lối cỏ chen dày
hoa mai nở, rụng, rơi, đầy Việt Nam!
anh hôn cây súng, nói thầm
một câu từ giã những tầm đạn xưa… Bây giờ… trong gió trong mưa
em ơi có biết anh vừa ra sao?
hình như con nhện mới lao
đường tơ cuối cuộn lời chào Nước Non đường xa hết tiếng câu giòn
nghe trong hoa cỏ tiếng buồn tỉ tê
một mai, em sống, em về
cắm cho anh với, bên lề, nén nhang…
*** Trăm Năm Để Lại- Thi Tập 2005.
* Nghẹn Ngào- Trang 58.
Một hôm, buồn quá, tôi ra biển, núp bóng thùy dương ngó nước mây, ẩn hiện một người con gái đẹp, tóc vàng như thể gái phương Tây. Người con gái đó bay trên biển như chiếc thuyền trôi với cánh buồm, như chiếc thuyền trôi thời bỏ xứ, trôi hoài trên đại hải trùng dương…
Tôi buồn đến nỗi nghe tôi khóc, tiếng sóng thương tôi cũng nghẹn ngào. Tôi muốn làm thơ mà bất lực, thả hồn cho gió thổi lên cao. Lên cao, tôi gặp mây, trên đó, nhìn xuống, chao ôi, biển chập chùng. Biển vẫn còn kia, người đã mất, như là lời Phật: “Có là Không!”…
Tôi buồn không biết vì sao vậy (trước đó và sau đó, thật buồn). Núp nắng, nên chỉ lòng lạnh ngắt? Giữa trời, lòng vẫn lạnh như sương! Phải chăng cô gái là ma hiện để dẫn tôi về thăm Cố Hương? Thăm những mảnh thuyền trôi lại chỗ rong rêu nằm tắp gốc thùy dương?
Một hôm… giờ đã mười năm chẵn, rồi sẽ thiên thu… hỡi một người! Không phải một mà muôn triệu nhé! Buồn ơi Tổ Quốc của tôi ơi! Đất lành sao lũ chim không đậu? Cọp dữ còn thân thiết với người. Chế độ là gì… sao nước mắt, tôi cầm không được, để tuôn rơi!
Một hôm… cầm bút. Và tôi viết: bốn đoạn trên là thơ, phải không?
***Mênh Mông Nào Biết Biển Trời Nơi Nao- Thi Tập, 2020.
* Em Xưa Tóc Lộng
Trăng Lồng Gió Thơm - Trang 142.
Em đang bước chậm trong vườn
hình như em chậm hơn sương đang về?
Thương sao là mái tóc thề
hình như em phủ hết lề cỏ hoa! Thương ơi nhớ lắm em à
dừng cho anh ngắm nụ hoa đi mình… Có con chim đậu trên cành
hình như nó đứng đó nhìn em đi…
Mười năm rồi chẳng đâu quê
Chẳng đâu điểm tựa vai kề cạnh vai… Mưa Tùng Nghĩa chắc còn bay?
Đèo Prenn chắc còn hai cây đào?
Con chim hồi nãy rồi sao
Nó nhìn em bước, nó chào em không? Phải chi về được anh bồng
em xưa tóc lộng trăng lồng gió thơm… Một vòng tay một vòng ôm
đôi môi em đỏ cái hồn anh xanh!
Em đang bước, đừng bước nhanh
chờ anh nối vận cho thành bài thơ…
Mười năm rồi, nói trong mơ
núi như muốn ngả, rừng hờ hững nghiêng!
*** Em Là Quê Hương. Thi Tập, 2020.
* Bài Thơ Tình Đẹp Nhất- Trang 154.
Anh gửi em bài thơ, bài thơ tình đẹp nhất, tình của hai đứa mình. Anh gửi em trái tim, trái tim của em anh giữ từ lâu lắm.
Anh gửi em vòng tay thật ấm, ngã vào anh đi em! Ngã vào đi bóng trăng, hỡi giang san tuyệt diễm của nơi tôi mơ đến thấy bếp lửa thanh bình, Mạ gọi Ba ơ mình, Ba không nói, làm thinh, Ba hôn Mạ tha thiết!
Lời nào rồi cũng hết để lời thành vô ngôn. Em ơi anh rất buồn sao mình xa hoài vậy? Đâu bếp hồng lửa cháy? Ôi rừng thông thơm ngo có bao giờ, bao giờ tôi nhặt từng chiếc lá kết dài đường muôn phương?
Lạy Chúa con yêu thương nói làm sao cho cạn hết biển hết sông này? Có phải chăng sáng nay con chim buồn quên hót? Có phải chăng mưa ngọt, ngọt như môi người yêu? Chúa ơi con muốn chiều nghe con trăng biết nói, lời thiết tha là gọi người xa xăm về mau…
Anh gửi em khăn lau tuyết trào trong đau đớn. Anh gửi em miếng cốm tháng Chạp trời xanh xao, Mạ già thêm mấy tuổi từ khi Ba mịt mùng? Em già thêm mấy tuổi từ khi anh vạch rừng đi tìm cây nấm ngọc? Em ơi sao em khóc trên bờ vai anh chi cho mây trắng bay về… mà anh không về nữa…
Ngày đi anh có hứa sẽ về với em thôi. Em hoa nở trên đồi, anh xa hoài viễn xứ. Hòa bình sao tắt lửa bếp tàn khói hoàng hôn… Em ơi mưa trong hồn, nhớ em từng giọt lệ, em câm lên và xé trái tim anh giùm anh.
B/ Văn Trần Vấn Lệ:
Phần này, tôi xin mời các bạn đọc những “trích đoạn” trong những bài viết của tác giả.
** Má Ơi Má, Con Về Đây Má Ơi!- Trang 280.
Tôi rời Việt Nam đi đến chỗ ở mới chưa được ba năm thì nhận được tin má tôi qua đời. Tôi còn mỗi má thôi để, hồi xưa, vài ba năm tôi có về thăm thì người trả tiền xe xích lô cho tôi là má tôi!
Tôi tự lấy làm lạ sao mỗi lần tôi về thăm nhà, thăm nơi mình được sinh ra đời, lớn lên học chưa tới đâu thì đi tỉnh khác, mỗi dịp nghỉ hè, xuống ga xe lửa về nhà thì… trong túi hết tiền! Má tôi lần nào cũng phải trả tiền xe xích lô cho tôi mà bà không la rầy tôi một tiếng, trái lại thấy như vui vì tôi về…
Đó, là thời tôi còn nhỏ (không nhỏ lắm, hơn 17, 18 rồi). Tôi có tính xấu là luôn luôn dựa hơi má tôi, tôi xài tiền dọc đường, bạn bè cần tôi đưa, tôi tin tôi không bơ vơ khi vào nhà. Tôi đi dạy học, tôi có lương, tháng tháng tôi có gửi cho ba má tôi một ít cho vui. Có lẽ cũng vì lý do này mà tôi về nhà là má mừng và chi cho tôi mấy thứ lặt vặt?
Ba má tôi chưa la rày tôi bao giờ, chỉ có một lần, hồi ba tôi làm việc ở Sài Gòn, tôi từ Đà Lạt về thăm, tôi mang giày dơ, ba tôi có hỏi tôi sao con không chịu đánh giày? Đó là một lần duy nhất ba tôi để ý cách phục sức của tôi, tôi càng thương thời mình ở quân trường luôn luôn giữ giày cho sạch bóng để không bị phạt.
Ba tôi mất năm 1972, sắp sửa có hiệp định Paris ký kết (27/1/1973), ba tôi không kịp thấy hoà bình… Má tôi mất sau ba tôi 20 năm, có hoà bình mà… Con trai má, ba đứa, một tôi bầm giập, hai đứa em tôi đỡ hơn vì tụi nó “nhỏ”.
Tôi biết thân biết phận, cực khổ sáu năm, tôi thảnh thơi tìm cách xa má. Má lột chiếc nhẫn vàng y hai chỉ cho tôi… Và tôi xa má tôi thiệt từ năm 1989.
Má tôi không có gì cho tôi thêm, vợ tôi gửi má cái áo len cũ, tôi đưa má cái poncho light của tôi, hai đứa con tôi để lại cho bà nội hai cái áo dài trắng chúng mặc hồi đi học, tụi nó nói: “Nếu tụi con không còn dịp về thăm nội nữa thì hai cái áo này coi như khăn tang con tưởng nhớ nội ngày nội qua đời; mà nội ơi tụi con sẽ về, nội đừng làm sao hết nhen, nhớ giữ mấy trái lựu cho tụi con…”
Từ đầu năm 1990, tôi có gửi về cho má và cho anh chị em. Má tôi được tổng cộng ba trăm đô, nhất định má không xài, cứ giữ đó, thỉnh thoảng lấy ra nhìn và khóc. Má tôi sống nhờ lương tháng dành cho người có công với cách mạng, ít nhưng có cái tình người… Má tôi mất khi tôi ở xa, một mình, giữ nhà cho bạn, không lương, trên San Jose.
Tôi nhận được tin má tôi mất, không biết làm sao, gửi tin cho vài tờ báo, tôi tha thiết xin họ chia sớt với tôi nỗi buồn. Lần đầu tiên trong đời tôi, tôi thấy tôi cần được san sẻ từ bạn bè… Tôi vội vàng gửi về hai trăm dành dụm cho em tôi lo cuối đời của má, cả chiếc nhẫn vàng y hai chỉ sắm mới để gắn vào miệng má trước khi liệm. Các em tôi nói đã lo cho má chu toàn và… chu tất. Tôi tin. Cả đời tôi cả tin!
Mới đây, em tôi, thằng Nhàn, mất đột ngột, tôi có cớ về thăm quê. Tôi lên Đà Lạt không làm sao dám về con đường cũ, lạ hoắc… mà loang lở, trồi sụt hết trơn. Nơi tôi ở 31 năm, đứng chỗ nào cũng chảy nước mắt, không cách nào cầm được. Lạ quá! Lạ quá! Ôi một nơi quen thuộc mà thế này.
Tôi không vào nhà bất cứ người quen nào bởi nhà nào cũng hai lầu, ba lầu, kín cổng cao tường. Tôi biết bổn phận của người đi là gửi về chớ không phải đi về.
Tôi xuống Phan Thiết, ghé lên thăm mồ mả ông bà, có ba má tôi trong phần đất đó, ở Bình Lâm. Rồi lên xe xuống nhà má tôi hồi sinh tiền – tôi nhớ như in bao nhiêu đám ruộng, trống vắng… mà bây giờ không thấy gì cả, phố mọc lên san sát.
Thằng em ở phía trong, thằng em ở phía ngoài, ngôi nhà mới xây đây mà, không thấy cửa vào vì quá nhiều nhà cất chen hai bên đường. Hoàn toàn không thấy đám ruộng nào, cả đám ruộng có phần mộ thật lớn nơi an nghỉ của ông bà ngoại, chừ mô? Mắt tôi ráo hoảnh rồi. Tôi nói với tài xế xe bao: Thôi em chạy xuống bến xe đưa tụi anh vào thành phố mang tên Bác Hồ yêu quý đi em…
Trời ạ! Lên xe, xe giường nằm, tôi nhớ mấy câu hát của Trần Văn Trạch, ca sĩ tài danh, em ruột của giáo sư Trần Văn Khê, bài Chuyến Xe Lửa Mồng Năm: “Má! Má ơi má, con về đây má ơi…” Mới nhắc một câu, lòng đã nghe tái ngắt. Xe chạy. Đường êm như mơ. Đường êm như ru. Tôi nhớ má tôi quá, má tôi ru con gái lớn của tôi ngày nào xưa lắm, năm 1963.
**Võ Phiến: Cái Sống Hững Hờ
Trên một trang báo Newsweek vào khoảng giữa năm ngoái ông Kirk Douglas – một vị lão thành (ngoại cửu tuần) – kể rằng ngày ông còn nhỏ, khi thân mẫu lâm bệnh nặng hấp hối lìa trần ông hoảng hốt chụp ôm tay mẹ. Cụ bà mở mắt nhìn con, nói câu cuối cùng: “Đừng sợ hãi, bất cứ ai rồi cũng đến chỗ này thôi, con ạ (… it happens to everyone)”. Người con lớn lên, sống vững tâm, nhớ lời mẹ dạy; ông lại nhớ ra là: “bất cứ ai khác cũng đến chỗ này thôi ( it happens to everyone else)”.
Cái chết của chính mình, cái ấy khó nghĩ đến một cách nghiêm chỉnh. Khó lắm. Cứu cánh cuộc đời, ý nghĩa hiện hữu của vũ trụ, của muôn loài v. v…, về những cái này cứ tha hồ suy tưởng. Nhưng về chỗ sự chết ngỏm của con người (và đặc biệt là của chính mình) thì đố biết. Càng nghĩ càng rối thôi.
Ngại rối ren bèn trốn tránh hết mình. Nhưng trốn mà thoát được à? Vào những lúc bất ngờ nhất, tưởng mình đang an toàn thảnh thơi, có thể ta vừa ngẩng đầu lên bỗng thấy nó chình ình ngay trước mặt. Cực kỳ sỗ sàng.
Bản thân tôi trước đây có lần phải vào bệnh viện chịu mổ xẻ, tôi ngậm ngùi viết những lá thư gửi lại bạn bè, nhờ một văn hữu thân tình trao giúp cho, sau khi mình… ra đi. Hóa ra rồi sau cuộc giải phẫu tôi tiếp tục sống nhăn. Sống và ngượng ngùng vu vơ.
Năm tháng trôi qua. Quá bát tuần, tôi lén lút hướng một chút tưởng tượng về cái kết thúc cuộc đời của mình. Chắc là gần thôi. Liếc mắt phớt qua tí ti, sợ gì? Liếc qua xong rồi liếc lại, tôi ngạc nhiên không nhận thấy một xúc đọng bất thường nào xảy ra cả. Cuộc sống đang tiếp diễn vẫn tiếp diễn đều đều.
Nửa năm sau, rồi một năm sau nữa, cả tôi lẫn cái quanh tôi cùng hòa đồng êm ả theo dòng thời gian.
Bèn cố gắng dò đoán ý định của Tạo Hóa. Và dần dần có cảm tưởng mơ hồ về một chăm sóc độ lượng, khoan hòa. Cảm tưởng rằng lúc con người trẻ trung thì được Trời cho tha hồ vung vẩy, bấy giờ nếu nghe loáng thoáng về sự vấp váp suy tàn – đặc biệt là về cái chết – thì ôi thôi… Bất khả! Tôi bất khả!
Tạo Hóa có lòng lành, nhón tay khe khẻ điều chỉnh lòng người. Tuổi người càng cao, lòng người càng bớt sôi nổi, bớt tha thiết. Rốt cuộc còn lại sự hững hờ: Chết – Ai mà khỏi? Việc gì phải sợ?. Bà cụ hấp hối nói câu cuối cùng với người con hoảng hốt trong tờ báo Mỹ nọ, chính là đã nói câu ấy. Tạo Hóa mớm ý mớm lời cho cụ. Cũng như mọi cụ, cả ông lẫn bà.
Nhân một lời trên báo Newsweek nhớ lại một lời trên báo khác (Thế Kỷ 21, số đôi: 225 & 226). Mừng Xuân mới, chủ bút Ngô Nhân Dụng nhắc lời Khổng Tử: “Thiên địa chi đại đức, viết sinh” (Tính chất nổi bật trong trời đất là sự sống). Tiếp lời cụ Khổng, bạn Ngô tưng bừng: “Không cần một nghị quyết nào của Thiên Nhiên ra lệnh cho các cánh đồng cỏ cùng mọc lên đúng ngày đúng tháng. Sự sống tự nó biết cách sống, không cần phân tích, lý luận để quyết định vạn vật có nên sống hay không”.
Người nay, người xưa cùng một tưng bừng rạng rỡ. Rụp rụp, sự sống, biết cách sống. Nhưng sau sự sống, con người – mọi người – đều sẽ có dịp gặp một sự nữa là sự chết. Sự chết thì sao? Liệu tự nó có biết chết một cách tử tế cho thiên hạ nhờ tí hay không?
Tôi âm thầm nghĩ ngợi và ngờ rằng đây là lúc xuất lộ cái từ tâm của Hóa Công. Chúng ta không nên mè nheo đòi hỏi cho được vừa huýt sáo mồm vừa chết. Chỉ mong những bước chân đến ngôi mộ của chính mình sẽ là những bước thong thả, hững hờ. Đại khái thế thôi. Và Tạo Hóa đã xếp đặt như thế. Trước cái chết, bà cụ nọ trấn an con, chớ không phải là người con an ủi mẹ. (Santa Ana 2009)
*
Những dòng cuối cùng của cuốn sách Cuối Cùng, ông Võ Phiến viết như thế đó. Ông dùng chữ hững hờ, tôi nghĩ rằng ông muốn tỏ ra mình không quan tâm đến cái chết. Tôi hơi buồn, sao ông thích sống mà không thích chết? Chết cũng vui lắm chứ? Chịu chết càng vui hơn vì… mình hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng ai cấm tôi… hiểu xa hơn: khi khép lại một cuốn sách không phải là khép lại một ước mơ. Tôi biết ông Võ Phiến đang còn sống, sự sống đối với ông, chẳng những đối với riêng ông, mà cả nhà ông, bạn bè ông, bà con ông, đều là sự cần thiết… để vui thêm ngày nào mừng ngày đó.
Với cái tuổi tám mươi lăm, với cái câu Trẻ Sao Già Vậy, ông đi đứng, ăn uống đang cần có người chăm sóc, ông còn sáng suốt ông để cho con cháu thấy cảm nghĩ của ông, lỡ ông có xuôi tay nhắm mắt, cái gì còn đó, thì còn đó! Cuốn sách Cuối Cùng! Tấm lòng Võ Phiền chưa hay không gói hết trong tác phẩm Cuối Cùng, có lẽ vì ông không khỏe. Đọc cuốn Cuối Cùng, người đọc chưa thỏa lòng thỏa dạ… vì thấy như chưa phải là tác phẩm Cuối Cùng của Võ Phiến!
Hi vọng rằng năm nay mưa thuận gió hòa, Ông Võ Phiến khỏe mạnh trở lại, lắc đầu cho rơi đi cái “tiêu cực” nếu có, nếu tồn đọng, trong ông… để ít ra còn cho độc giả ái mộ ông có vài bài thơ, vài truyện ngắn, vài bài tùy bút trong cảnh lão giả an chi.
** Cảm Ơn Đà Lạt
Cho Tôi Thương Nhớ Gửi Về- Trang 304.
Đà Lạt.
Tôi đến đó khi tôi mười sáu tuổi.
Tôi bắt đầu đến Đà Lạt tháng 9 năm 1958, thành phố Đà Lạt với tên chữ Pháp: Ville de Dalat. Ông bà chủ trọ và các bạn ở chung có nói với tôi về “nếp sống” ở đây: tôn trọng luật lệ, không xả rác, không hái trộm hoa, không bẻ bất cứ cành cây nào. Tôi sẽ bị phạt nặng nếu phạm một trong những lỗi đó. Thành phố không có bóng dáng lính tráng, ở ngã ba, ngã tư mới thấy cảnh sát đứng làm việc, chẳng nhọc nhằn gì… Đà Lạt có máy bay bay, thỉnh thoảng; có hai phi trường: Liên Khương và Cam Ly. Đà Lạt là cao nguyên, cao 1.500 mét. Đà Lạt không có biển, chỉ có biển lòng bao la…
Tôi ở với Đà Lạt cho đến đầu năm 1989 mới rời. Ba mươi mốt năm, nhiều chuyện muốn nói lắm, muốn nhắc lắm… mà hai mươi bảy năm nay, ở quê người, chỉ giàn giụa trông về. Tôi thương quá ngôi trường tôi từng dạy học, năm cuối cùng, 1974-1975, lúc đó có khoảng 3.000 học trò nữ, hơn sáu mươi cô giáo, hơn bốn mươi thầy giáo, sáu mươi lớp… Học trò tôi bây giờ đã trên năm mươi tuổi, có nhiều em đã sáu mươi. Tôi nhớ những tà áo dài… Tôi nhớ những mái tóc thề, tôi nhớ hoa quỳ nở quanh trường, trên triền đồi Sân Cù, dọc đường Bùi Thị Xuân, Võ Tánh. Tôi nhớ Cây Số Bốn. Tôi nhớ Đa Thành, hồ Vạn Kiếp. Tôi nhớ tới Đơn Dương xanh biếc giàn “chouchou” (*). Tôi nhớ Eo Gió, nghĩ thầm gió cũng có eo thì đời người… cong queo cũng chịu vậy! Tôi nhớ ông Nguyễn Du có nói: “Đã không lấy sống làm vui, tấm thân nào biết thiệt thời là thương!” Bao nhiêu vật đổi sao dời, tôi xin một điều: lòng tôi như con đường Hai Bà Trưng có những cây đào mà Tết nào cũng đỏ rực. Ôi lòng tôi thơm phức, Đà Lạt biết không?
…
May hết sức là may! Trái tim tôi để ở quê nhà rồi từ đầu năm 1989, cuối năm đó tới Mỹ, rờ ngực không nghe xập xình, yên tâm từ ngày 17 tháng 11 năm 1989 trở đi không bị đau tim! Có điều lạ: cái đầu tôi cứ nhớ về Nha Trang, tôi đến đó vào mùa Hè năm 1960, lần đầu tiên tôi thấy biển Nha Trang êm ả như một cái hồ, điều này khiến tôi nhớ Đà Lạt nơi quê lòng quê dạ của tôi có cái hồ ngay giữa thành phố mang cái tên của một thi sĩ, tôi bèn sửa lại cái tên đó cho nên thơ hơn… Hồ Thị Xuân Hương!
Đó, một ngày đang là cuối tháng
Vầng trăng lên muộn để còn đây
Cuối đời tôi có như trăng đó
Để phiến tơ còn cảm động ai?
(Mực Tím Còn Tươi)
** Môt Chặng Đường Đã Qua,
Một Chặng Đường Vẫn Nhớ- Trang 306.
Thú thật, tôi lấy cớ đọc bài thơ Mẹ để tôi nhớ cho phần tôi một chặng đường. Chặng đường ấy không dài thăm thẳm nhưng rì rào cây lá rừng reo, nhưng rì rầm bánh xe sắt nghiến đường răng cưa sắt.
Buồn tay, tôi mở một cuốn sách, tôi thấy bài thơ này:
Mẹ
Mẹ bắt đầu quên
Những gì đáng nhớ
Mẹ bắt đầu nhớ
Những gì đáng quên
Mẹ vẫn ngồi yên
Khi cần đứng dậy
Mẹ đi run rẩy
Khi cần ngồi yên
Mẹ ơi con biết sẽ có ngày
Con sẽ mất hình ai cần giữ
Con sẽ giữ hình ai đã mất
Mẹ sẽ bình yên nhắm mắt
Và con chờ dông bão xé tim đau!
Thúc Hà (Sông Bé, tháng 7/1990)
Tôi không biết tác giả Thúc Hà, tác giả của bài thơ trên đây, nhưng tôi đã từng qua con sông Bé, tôi nhớ nước dưới cầu trôi, tôi nhớ mây trên đầu bay… Tôi cũng nhớ má tôi, má già lắm ngày tôi xa má để đi xa không hứa hẹn gì.
Lúc đó má tôi hơn tám mươi rồi. Ba tôi mất ba năm trước ngày ngừng chiến. Má ở với vợ chồng thằng con út, thằng em út của tôi. Một chặng đời tôi, ngày cầm tay má tôi lần cuối, tôi đi, tôi biết nó khép lại.
Có thể vĩnh viễn, trước hết là má tôi, ngủ luôn trong một đêm rằm đầu năm sau khi biết tôi đã đến nơi không phải là quê hương; sau đó, tiếp theo là tôi, năm ba năm nữa không chừng, sẽ có lần trở lưng, sẽ là lần cuối… Tôi chẳng bận tâm. Thương má, nhớ một chặng đời bé bỏng của tôi.
Thương tôi, thời gian thổi tôi xa má… Một chặng đời tôi nhớ, âm thầm và giản dị vậy thôi. Không ai ngăn được nước mắt tôi đang ứa ra. Thế nào thì những con sông vẫn cứ chảy. Tôi không nói dài hơn về chặng đời của tôi, của một hạt bụi bay trong không gian, thời gian…
Thú thật, tôi lấy cớ đọc bài thơ Mẹ để tôi nhớ cho phần tôi một chặng đường. Chặng đường ấy không dài thăm thẳm nhưng rì rào cây lá rừng reo, nhưng rì rầm bánh xe sắt nghiến đường răng cưa sắt.
Bạn à, đó là chặng đường xe lửa… ngày xưa, từ Tháp Chàm, Phan Rang, đi Đà Lạt. Lên Đà Lạt, từ Phan Rang có hai con đường, đường bộ là quốc lộ số 11, dài 110km, đường sắt từ ga Tháp Chàm, lên Đà Lạt, đến ga cuối cùng của nó là Đà Lạt, để quay đầu lại dài chỉ 81km.
Đường sắt sở dĩ ngắn hơn đường bộ vì người ta đục ba cái hầm trong núi để cho con đường thẳng băng. Đường sắt là con đường đặc biệt ở Việt Nam, chỉ một đoạn 81km, và một nước nữa trên thế giới là Thuỵ Sĩ ở châu Âu, không biết dài bao nhiêu.
Tôi chỉ biết Chính phủ Thuỵ Sĩ đã mua lại ba cái đầu kéo của xe lửa mình đem về xài bên đó. Đường sắt răng cưa của Việt Nam bị xoá bỏ trên ba mươi năm nay, ai lớn tuổi – già như má tôi, già như tôi bây giờ, có đi qua một lần, ít nhất, vẫn nhớ.
Đường xe lửa Phan Rang/Đà Lạt mở ra vào hồi đầu thế kỷ 20, gồm một quãng đường bằng từ Tháp Chàm lên Krong Pha dài 39km, xe lửa chạy tốc độ bình thường 30 – 40km/giờ.
Từ Krong Pha trở lên là núi cao trên 1.000 mét so với mặt biển. Xe lửa phải leo trên quãng dài chừng 40km, đúng ra là từ Krong Pha tới Trại Mát, 34km, còn hơn 7km để vào ga Đà Lạt là đường bằng, đường ray không có hàng răng cưa.
Khi xe lửa Tháp Chàm lên tới Krong Pha, nó phải dừng lại hơi lâu, độ một tiếng đồng hồ, người ta thay đầu máy kéo, gắn móc răng cưa dưới bụng xe lửa để ăn khớp với đường răng cưa nó sắp chạy. Đường lên dốc, vì phải dính vào răng cưa để khỏi tuột, xe lửa chạy rất chậm, chừng mươi, mười lăm km/giờ.
Chặng đường này ngắn mà nhiều ga, cũng là cách coi ngó lại hàng răng cưa. Xe lửa đi qua các ga: Eo Gió, Dran, Cà Beu, Trạm Hành, Cầu Đất, Trại Mát. Ga cuối cùng là Đà Lạt. Ga lớn ngang với ga Krong Pha là ga Dran. Ga lớn nhất, đẹp nhất, cuối cùng là ga Đà Lạt.
Vượt qua 41km ghé lại nhiều ga… mục đích dễ thương: để hành khách phủi bụi than bám trên người, trên quần áo. Chặng lên Đà Lạt, xe lửa chun qua ba cái hầm đục xuyên núi nằm trong dãy núi có đèo Belle Vue, dịch ra tiếng Việt là Ngoạn Mục.
Ngoạn là ngắm, là thưởng ngoạn, là xem để mà khen ngợi; mục là nhìn tận con mắt mình, không nghe ai mô tả. Chữ Belle Vue, mang ý nghĩa đó, belle là đẹp, vue là cái nhìn… thấy cái gì cũng đẹp!
Ba cái hầm xe lửa chun qua núi có một cái ngắn, một cái khá dài và một cái rất dài. Xe lửa chun hầm không thấy đèn đâu cả, có lẽ khói và bụi than che kín hết, thấy tàn lửa bay lung tung (xe lửa chạy bằng than đá). Lòng nghe rờn rợn mà cũng vui vui. Mùi than có khó chịu, nhớ lại thì thấy thơm thơm…
Ra khỏi hầm, mỗi người nhìn lại mình, nhìn người bên cạnh, buồn cười không chịu được. Khách toa couchette (giường nằm), toa hạng nhất, hạng nhì ít bị bụi than bám, toa hạng ba, hạng tư thì miễn bàn, người nghèo phải lam lũ và lem luốc, khỏi than van!
Thời đi học ở Đà Lạt, ở Nha Trang, tôi có thẻ học sinh nên đi xe lửa giảm tới nửa giá, vé xe dễ mua, thay đổi hạng để nếm đủ mùi khói. Chặng đường Tháp Chàm/Đà Lạt, tôi thích nhất là lúc xe lửa ghé lại Eo Gió, Dran, Cầu Đất. Ở Eo Gió hành khách mua đặc sản của bà con Thượng, rẻ và nguyên chất.
Ở Dran tha hồ ngắm hoa và hít thở khí trời thơm ngát, nhất là mùa hoa quỳ cuối năm, khu vực này đa số người Kinh sinh cơ lập nghiệp, ai cũng xinh, đàn ông tuấn tú, đàn bà mượt mà…
Tôi trở lại bài thơ hồi nãy: với người có tuổi hầu như ai cũng bắt đầu quên những gì đáng nhớ và bắt đầu nhớ những gì đáng quên. Tâm trạng con người thật là lộn xộn, nhớ nhớ quên quên, lung tung tưới xượi!
Nhiều lúc tôi quên bẵng mình bao nhiêu tuổi, nói thế vì tôi nghĩ tôi còn trẻ lắm. Nhưng… tại sao sáng nay ai xui khiến tôi mở một cuốn sách, thấy và đọc một bài thơ… có vẻ ngậm ngùi?
Bốn mươi năm hơn tôi chưa lần trở lại cung đường xưa. Đường xe lửa Tháp Chàm/Đà Lạt không còn, người ta gỡ bán sắt. Xưa, khá xưa, người ta có quyền hành, cũng đã gỡ đường xe lửa Sài Gòn/Mỹ Tho, đường xe lửa Sài Gòn/Lộc Ninh, đường xe lửa Ba Ngòi/Cam Ranh, đường xe lửa Phan Thiết/Cồn Chà…
Tôi có buồn thì thầm nhủ: đời là khói sương…
Có lẽ, chạm đến hai chữ khói sương tôi không nên viết tiếp.
C/ Bằng Hữu Viết Về Trần Vấn Lệ
1/ Châu Thạch:
Sau khi đọc “Hành Phương Tây” của Trần Vấn Lệ đã có nhận xét:
“… với Châu Thạch tôi, nhà thơ Trần Vấn Lệ là bậc thầy về thơ. Không có bài thơ nào của ông mà tôi không yêu quý. Thế nhưng đã nhiều lần tính viết cảm nhận về thơ ông nhưng tôi đành buông tay. Buông tay bởi vì thơ ông dễ hiểu, không cầu kỳ, vần điệu uyển chuyển, âm ba êm ái, nhưng chính những điều đó khiến tôi không có chữ nghĩa đễ diễn đạt cho đúng, cho đủ về cái hay của mỗi bài thơ ông sáng tác.
Để khen thơ Trần Vấn Lệ, tôi chỉ có cách nói chung chung, đạo một khổ thơ trong “Mùa Xuân Chín” của Hàn Mạc Tử, họa may nói được chút nào cảm nhận của tôi về thơ ông: “Tiếng thơ vắt vẻo lưng chừng núi/ Hổn hển như lời của nước mây/ Thầm thỉ với ai ngồi dưới trúc/Nghe ra ý vị và thơ ngây”.”
2/ Đặng Xuân Xuyến:
Tập thơ “Thơ Trần Vấn Lệ” là tập thơ thứ 22 (?) của ông đã xuất bản thành sách.
Thơ ông viết tự nhiên, chân thực, không câu nệ hình thức, viết như trải lòng, như có gì viết nấy nhưng lại rất tài dùng câu chữ trong những văn cảnh cụ thể, cũng rất khéo ngụy trang cách thể hiện thi ảnh thi tứ để bạn đọc luôn cảm nhận được sự chân chất, tự nhiên mà sâu lắng, tinh tế trong không gian thơ ca đa tầng, đa chiều của thế giới thơ ca Trần Vấn Lệ.
3/ Đỗ Hồng Ngọc Viết Về Trần Vấn Lệ.
- Bài 1: Trần Vấn Lệ “May Mà Còn Nhớ Thương!”
Trần Vấn Lệ ở Mỹ, về Việt Nam chơi mấy hôm! Ái chà. Không dễ đâu nha. Anh chàng thi sĩ từng đòi “một đi không trở lại” mà lần này quyết về thăm “người ta ở bển…”, nơi Cồn Thới Sơn sông nước Tiền Giang một chuyến. Lại vừa có tập thơ Dã Quỳ Thương Nhớ ra mắt! Rồi làm một vòng lên Dalat, đến Dran, về Phan Thiết… rất vui.
Về Đà Lạt, không khóc mà nước mắt cứ chảy, Lệ nói. Đã ở đó 32 năm mà! Rồi về Tiền Giang, qua Cồn Thới Sơn thăm… người xưa, chỉ để vuốt mái tóc bạc phơ của nàng (một cái)… Còn về Phan Thiết thì chỉ kịp thăm mồ mả ông bà!
…
Trần Vấn Lệ viết ngày về thăm lại quê hương:
“Năm 2016 tôi có chuyến về thăm gia đình ở Phan Thiết, tôi có gặp Đỗ Hồng Ngọc bằng-da-bằng-thịt tại Sài Gòn ngay lúc tôi vừa rời phi trường Tân Sơn Nhứt để về khách sạn. Ôi bạn tôi… giống tôi: Già! Xa nhau từ năm 1955 đến năm 2016 mới gặp lại, ai còn sống mà không già khú đế? Tay bắt mặt mừng, và khách sáo như không khách sáo: Cả hai đều ứa nước mắt. Cả hai đều gọi tên nhau như…hổi nhỏ: Ồ Ngọc! Ồ Lệ! Rồi, trước khi cầm đũa bữa cơm trưa, hai đứa mặc kệ lu bù người khách mời của BS Đỗ Hồng Ngọc, hai đứa chúng tôi nhắc lại một vài chuyện của thời tí hon…
…
Còn tôi, mỗi khi viết cho Trần Vấn Lệ không bao giờ quên nhắc Phan Thiết, lần nào đi ngang núi Tà Cú, dãy Ba Hòn, lang thang bên bờ sông Cà Ty (sông Mương Mán) … không thể không nhớ Hoài Khanh, nhà thơ xứ mình. Nhất là khi đi ngang Ba Hòn mình thường nhẩm câu thơ của Hoài Khanh “Người đi để dãy Ba Hòn chơ vơ” và cái Bưng Cò Ke ở ngay dưới chân dãy núi đó. Thế nhưng, nhớ lần ghé thăm Hoài Khanh ở Biên Hòa, anh đính chánh “Người đi nhớ dãy Ba Hòn trơ vơ” chứ!
Hoài Khanh sinh ra và lớn lên ở Đức Nghĩa, Phan Thiết. Nhà anh cách chỗ chùa mình ở không xa. Anh lứa lớn, đã phiêu bạt… giang hồ tự thuở nào, lúc mình còn cắp sách đến trường tiểu học bên bờ sông Cà Ty! Anh vào Saigon, làm thơ, làm báo và một mình dựng nên Nhà xuất bản Ca Dao nổi tiếng một thời. Và thơ Hoài Khanh thì thời tụi mình không ai không thuộc ít nhiều. Trong bài thơ Đức Nghĩa, Hoài Khanh viết:
Biển mang niềm nhớ đi hoang
Gió Trường Sơn luyến mây ngàn Tà Dôn
Ôi sương Núi Cú lạnh hồn
Người đi nhớ dãy Ba Hòn trơ vơ Cành dương cát trắng hững hờ
Nhìn nhau thuở ấy bây giờ nhớ nhau. (Hoài Khanh)
***
Khi đọc tập thơ “Thư cho Bé Sơ Sinh & Những bài thơ khác” của Đỗ Hồng Ngọc / Đỗ Nghê (2010), Trần Vấn Lệ viết: “… Vui Vi Nghe Trái Tim Mình Đập”, bởi vì “Thơ ông không rườm rà, không làm duyên làm dáng, không lập dị. Thơ ông là Thơ Hồn Nhiên, Thơ Nhã Nhặn, Thơ Ngọt Ngào. Tôi đọc thơ ông rồi úp cuốn sách lên ngực nghe ấm…Gió Bấc đang thổi ở quê nhà, ngày Xuân đang đến không riêng ai…”.
Khuất Đẩu ở Nha Trang bảo bài viết rất lạ. Mới nghe như có vẻ cà rỡn, bông lơn. Nhưng càng nghe càng thấy người viết cũng vào hạng thượng thừa. Viết như chơi, như giỡn, mà bóc tách được cái ẩn tàng của thi sĩ tình yêu. Xa cách đến vậy mà cũng gần nhau đến vậy. Điều ấy chỉ có văn chương mới làm được. Lại nữa, trong số hiếm hoi ấy có một người luôn tự nhận mình không phải là nhà thơ mà làm được như Đỗ Nghê. (Nha Trang, 10.1.2010)
Còn cô giáo Lê Uyển Văn ở Trà Vinh thì bảo: Em đọc liền một mạch bài viết dài 9 trang này. Lòng rung lên theo chữ, nghẹn ngào theo chữ. Hạnh phúc vì tìm thấy trong bài viết đó những suy nghĩ của mình nhưng ở một tầm cao hơn, sâu rộng hơn, đáng ngả mũ kính trọng vì cái tâm, cái tài của người viết. Em thích nhiều đoạn lắm, nhưng đoạn này mới tuyệt vời làm sao! “Thơ Đỗ Hồng Ngọc / Đỗ Nghê không rườm rà, không làm duyên làm dáng, không lập dị. Thơ ông là Thơ Hồn Nhiên, Thơ Nhã Nhặn, Thơ Ngọt Ngào. Tôi đọc thơ ông rồi úp cuốn sách lên ngực nghe ấm… Gió Bấc đang thổi ở quê nhà, ngày Xuân đang đến không riêng ai…” Cái hình ảnh úp một quyển sách nào đó của anh lên ngực mà nghe ấm quả rất thực, và em tin nó thực với nhiều người. Ngoài kia, có chút lạnh, em hôm nay có chút buồn, buồn cho một đồng nghiệp trẻ sắp qua đời vì bệnh nan y, nhưng đọc bài viết này, em nghe ấm lắm! Em xin cảm ơn rất nhiều vì sự chia sẻ bài viết này. (Trà Vinh 1.2010)
Nói cách nào khác, phải chăng cái chất muối mặn, cái mùi gió Bấc thoảng hương của xứ sở Phan Thiết kia đã làm cho bọn họ gần nhau đến vậy.
4/ Hai Trầu -Lương Thư Trung:
Đôi Lời Tâm Tình
Tui rất khoái đọc thơ của tác giả Trần Vấn Lệ trên trang nhà của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Đọc thơ ông tui có cảm tưởng như trong bụng ông lúc nào cũng có sẵn thơ và mỗi lần ông ngồi xuống đặt bút viết là thơ cứ như dòng suối róc rách chảy xuôi theo ý tưởng dường như bất tận…
Nhưng tui là người cũ, thế hệ những người sanh khoảng những năm 1940-1943, nên khoái thơ theo kiểu cũ, nên xin phép tác giả cho tui được chép lại bài thơ này theo thể cũ để tui có thể ngồi ngâm nga một mình chơi cho vui vậy!
Xin chân thành cảm ơn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và tác giả Trần vấn Lệ rất nhiều.
Trân trọng,
5/ Hồ Đình Nghiêm Viết Về Trần Vấn Lệ
Bài 1: Lệ
Lệ là nước mắt. Chừng như ai cũng hiểu thấu.
Vậy còn ước lệ là gì? Khoan giải thích. Ước lệ khác ướt lệ (rèm mi).
Và vấn lệ? Tra hỏi giọt nước mắt? Hay giòng lệ vấn vương? Chớ cất công gạn đục khơi trong, ngoại trừ viết hoa thành Vấn Lệ, chú thích một đôi hàng về hai chữ kia chưa chắc đã thấu đáo, đã hiểu ra.
Trước đây, họa sĩ Đinh Cường làm nhiều thơ, hầu như mỗi ngày đều có đôi ba bài, anh xem đó chỉ là những đoạn ghi, kể lại những gặp gỡ, các kỷ niệm, những hồi ức. Thuật lại bao sự tình sống động vừa xẩy tới hoặc thoáng hiện trong cơn mê thiếp. Đơn giản, anh gọi công việc đó là một phương cách vận động đầu óc. Bổ sung thêm ba chữ của Bùi Giáng: “Vui thôi mà”.
Anh mất đi, tôi mon men vào trang nhà chị Nguyệt Mai (giao tình đáng mến ngày cũ, nơi sửa lỗi chính tả giúp anh) và tôi choáng trước sức sáng tác chẳng mỏi mệt của một người mang tên Vấn Lệ, họ Trần. Anh gửi thơ vào mảnh đất “xin những tình thân ái/ còn hoài như hôm nay” đều đặn, như kiểu mỗi ngày người yêu vườn tược không quên cầm bình nước tưới hoa. Cành này bông nọ thảy đều ướt át, đều tươi mươi, đều lại thần hồn để khoe sắc.
Xưa, có Đinh Cường. Nay, có Trần Vấn Lệ. Hình như mức độ “thể dục đầu óc” của nhị vị trước sau chưa ai đạt tới mức hỏa hầu tựa thế…
…
Thơ Trần Vấn Lệ có khi là áng văn xuôi mượt mà, đằm thắm một tâm sự. Tưởng tượng ra một đối tượng để nắm tay mà hàn huyên, ngôi thứ hai nọ dùng dằng chân bước, bỏ đi không đành, bởi hiểu tầm quan trọng của sự tỉ tê kia, không nghe không được mà nghe thì đâm xốn lòng. Tiến thoái lưỡng nan! Mưa rơi bất chợt, nắng chiếu vu vơ giữa hai hàng chữ của anh cũng tác thành ra thứ khí hậu riêng biệt. Ôn đới, mùa màng xanh tươi, tuyệt chẳng bắt gặp hạn hán hay triều cường nước lũ. Bảo hiền hoà cũng được. Nói mưa thuận gió hoà cũng chẳng sai. Bởi cái đẹp khó hiện diện trong cuồng nộ, trong phẫn hận, trong nặng lời, trong rối rắm ngôn ngữ. Chữ dùng của anh không cầu kỳ, thản nhiên trôi, êm ả, là con sông nước ngọt chừng không thích đổ ra xao xác vùng biển mặn. Tôi yêu chuộng âm thanh róc rách ấy nếu nhỡ phải chảy qua một địa hình xa lạ nhiều chướng ngại. Đó là câu cú thật giản dị, mộc mạc, đơn sơ nhưng tạo được nhạc tính. Ngần ấy đã đủ vậy!
…
Giản dị trong phân trần, mộc mạc trong lý giải, dịu dàng trong phân bua. Đặc điểm thơ của Trần Vấn Lệ đều vậy cả. Từ tốn là chất giọng của anh, thích con chim Quyên, ưa con cá lia thia và thường trộn chút điển tích nằm lẫn trong ca dao. EM là nguyên cớ để lời thơ tìm đến, không đổi, dù em có khi là một địa danh, một bến đò, một hàng cây, một khung cảnh, một chốn cũ. Và dĩ nhiên, em còn đó là nàng thơ, là người tình duy nhất, một và chỉ một mà thôi.
…
Thơ anh mang nhiều cảnh sắc đặc thù của từng địa phương, từ trong nước trôi giạt sang xứ cờ Huê, nhưng “đụng” tới Huế chừng như nghe thấm cái e ấp rất sương khói của chốn cố đô toả lan, vướng lòng. Tiểu sử anh cô đọng quá, chẳng nói chi tới Huế cả. E hồ đồ rằng xứ thần kinh đã trao vào lòng anh một mối tình sâu đậm nào đó? Kể từ Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, nhà thơ nào nhỡ ghé qua một lần e phải “chân đi không đành”, chảy trôi vào thơ, lắng đọng chút sầu muộn của mưa giăng mờ sông Hương, co ro và hoài cảm cuộc lữ.
Trần Vấn Lệ là tên thật mà ban đầu tôi ngỡ anh dùng bút danh. Vấn Lệ là gì, thưa nhà thơ? Thơ anh làm chỉ gây cho người đọc chút “buồn vương cây Ngô đồng”, nghe ra một lời than rất nhẹ và tôi tin chắc chẳng có ai phải lệ vấn vương hàng mi cả. Hay chữ lệ này có ý nghĩa: Phép vua thua lệ làng? Tôi chỉ có đôi hàng lẩn thẩn nói ra cảm nhận như rứa đó. Anh có là vua một cõi thì vị tình cho cái lệ của (làng) tôi không?
…
Tháng Tư cỏ mượt ngồi phà khói sương…”
Khi nhận sách, muốn khoe khoang, thường người ta chụp lại cái bìa. Tôi khác, tôi ưa chìa cái ruột ra. Này, bạn từng thấy qua một hàng chữ đẹp? Tôi hạp bụng với cố họa sỹ Võ Đình: Mang cảm tình với những ai có đôi bàn tay đong đủ mười hột gạo. Họ mà viết thư tình, con chim Quyên đang bay phải đậu lại hót du dương. Tôi sợ anh phật lòng nhưng cứ ưa xiển dương cái đẹp, bởi người xưa dặn “thiệt vàng sợ chi lửa” ai ơi! Tôi không lạ khi biết anh từng là nhà giáo, chữ viết đẹp biểu sao học trò không nhớ thương? Tôi chỉ hồ nghi tại răng hồi trọ học ở Đà Lạt lại chẳng được nhìn thấy anh! Đồi Cù mù sương cho tới hư ảo cầu Ông Đạo, khu Hòa Bình rét run tin chiến sự, hoang mang dốc Minh Mạng đổ dài… tới mấy chục năm đứng lại, thở hào hển: Ủa, xưa ở Trại Hầm ổng làm thầy, nghe dân khu phố 4 bảo, người giáo viên mười chín tuổi ấy chuyển trường rồi nhập ngũ, mút mùa cải tạo lệ thủy, ngang đập chắn kêu Danhim là hồ nước mắt. Hồ thủy lệ là chị của Hồ Đình Nghiêm đó thầy! Ôi, xa xăm, bên này hồ ngó sang sóng gợn mây nhăn những cụm lưu lạc!
“Có một buổi trưa nghe tiếng gió, tiếng ru nhè nhẹ, tiếng xa xôi…”
Xa lắm người ạ! Năm 1967 người đeo lon Chuẩn Úy, lúc đó mắt tôi chưa vướng lệ sầu, đầu tôi xanh nằm ngủ còn ôm siết Mạ một bên lưng đòi nghe kể chuyện cổ tích. “Em đi. Bóng khuất. Còn hương tóc. Còn nụ cười trong tấm ảnh xưa. Tôi sẽ làm thơ bằng nước mắt từ nay… không biết tới bao giờ!”
Tôi hứng đủ những giòng lệ chảy, tan trong lòng tôi những nét đẹp lung linh. Tôi hạnh phúc vì có được những người anh sẵn lòng cầm súng ra mặt trận, bảo vệ cho giấc ngủ tôi thơm thảo những mộng lành. Tôi cảm động khi bài luận văn tôi viết đầy sai lạc, anh độ lượng cười cho một nấc điểm cao. Nửa đời người tôi chậm bước theo anh, rưng rưng khi nhận được những tặng vật gom chật tiếng thở dài. Tôi yêu những địa danh chưa nhạt dấu thơ soi đủ, yêu những người con gái được gọi tên bằng các mẫu tự T. rồi P. rồi từ A cho tới Y. Thậm chí khản giọng kêu bất tận người tên 55555555555. Từ 17 tuổi sang sông thương về màu nước tím, thương cánh hoa vàng trên đồi rộ đóa dã quỳ, hiển lộng hóa thành tà áo dài em mặc, chưa sờn phai đã 50 năm từ độ… con sáo bay đi.
Dừng lại đây, thật sự tôi rất tiếc, vô cùng tiếc, tôi chỉ mới trích dẫn 6/31 tác giả, chưa được 1/5 nhưng cũng đành cáo lỗi những tác giả tôi không kịp trích bài, với cả các anh chị, các bạn đọc và xin phép được dừng lại, bởi đã quá dài!
Vẫn như thường tình, tôi xin kính gửi lời chúc sức khoẻ đến tác giả- TS Trần Vấn Lệ- đến BTV Nguyễn Thiên Nga, Nhóm Chủ Trương tạp chí Ngôn Ngữ và Nhà XB Nhân Ảnh đã cho đọc giả gần xa một tác phẩm văn chương để đời! Mong rằng đây cũng là món quà vô cùng trân quý gửi đến Tác Giả- để Tuổi Chiều của Ông trở nên ấm áp và thêm Hạnh Phúc! Qua đây, tôi cũng muốn nói: Tôi thật sự vô cùng ngưỡng mộ về một công trình sưu tầm, tích lũy và biên tập nên tập sách giá trị này của BBT.
Thai Ly