“Vẫn nắng vàng dù buổi chiều của đời.” Nhã Ca-Trần Dạ Từ và buổi chiều Malmo, Thụy Điển, tháng 10, 2024.
Lũ con cháu chúng tôi sang thăm cô Nhã chú Từ ở thành phố Malmo, miền Nam Thụy Điển, vào khoảng giữa tháng 10 2024. Có chúng tôi về, cô chú vui lắm và thường cùng chúng tôi ra ngoài dạo phố, ngắm cảnh, ăn uống. Trong một buổi chiều đi uống cà phê, chúng tôi chụp được tấm hình cô chú nắm tay nhau đi dạo trong một công viên thanh bình, khi trời đất vào thu, dưới ánh nắng nghiêng nghiêng của buổi hoàng hôn cuối ngày. Chúng tôi đặt tên tấm hình đó là “Vẫn nắng vàng dù buổi chiều của đời”, là câu đầu tiên trong bài hát Vầng Trăng Xưa, chú Từ sáng tác trong trại giam Hàm Tân vào năm 1985.
Gia đình tôi thường gọi “cô Nhã-chú Từ” là theo cách của bố tôi, nhà văn Doãn Quốc Sỹ, khi nhắc đến hai người bạn văn nghệ này. Hay còn vắn tắt hơn, thân mật hơn: “Từ-Nhã”. Mỗi khi tôi chở bố đi vào khu Litte Saigon ở Quận Cam, đi qua đường Bolsa, ông thường nhắc: “Bolsa là có Từ-Nhã ở đây, trong Việt Báo…” Vào tháng 4 1976, hầu như toàn bộ văn nghệ sĩ Miền Nam bị bắt đi tù cải tạo. Bố Sỹ và chú Từ cùng bị giam trên trại Gia Trung Pleiku, chung với nhiều văn nghệ sĩ khác. Hai ông bố ở tù, hai bà mẹ sắp xếp cùng đi thăm nuôi, hai gia đình trở nên thân thiết từ dạo đó cho tới tận bây giờ.
Chuyện tù cải tạo của cô Nhã-chú Từ là câu chuyện tiêu biểu của một gia đình văn nghệ sĩ Miền Nam sau 1975, nhưng cũng là nguyên nhân đưa gia đình cô chú đi Thụy Điển vào năm 1988. Mọi chuyện khởi đầu hết sức tình cờ. Trong cuốn Nhã Ca Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng, cô Nhã kể rằng vào đêm 20/11/1980 sinh nhật thứ 18 của cô con gái lớn Sớm Mai, trong căn nhà trên đường Tự Do Sài Gòn, các con cô chú đàn hát mừng sinh nhật bằng bài ca tự biên tự diễn. Thời đó cả nước đói kém về vật chất; chính quyền cấm nghe và hát nhạc trước 1975, nhạc cách mạng là lựa chọn duy nhất, và âm nhạc giữa đường Tự Do Sài Gòn là một điều có lẽ hiếm thấy. Bỗng dưng có nhiều tiếng vỗ tay. Một nhóm người ngoại quốc đứng trước cửa nhà, cho biết họ là người Thụy Điển, đi ngang qua nghe tiếng đàn piano, tiếng hát, cho nên xin được vào tham dự. Xem những đứa trẻ biểu diễn văn nghệ, những người khách lạ hẳn có một chút ngạc nhiên trước một gia đình với nhiều “nghệ sĩ tí hon” như vậy. Hỏi chuyện thêm, họ mới biết đây là một gia đình văn nghệ sĩ, bố đi tù, các con bị đuổi học trường nhạc. Con nít không được vào trường vì cha mẹ “phản động”? Sao lạ vậy? Chắc chỉ có ở Việt Nam! Sau đó, khách nói “Ta là bạn nhau. Chúng tôi sẽ trở lại.”
Vào thời đó, Thụy Điển là một quốc gia trung lập, vẫn giữ quan hệ với Việt Nam trong giai đoạn đóng cửa với thế giới tự do. Sự trợ giúp từ Thụy Điển đóng vai trò quan trọng đối với nhà nước cộng sản, vì thế tiếng nói của chính phủ Thụy Điển có thể có tác dụng. Những người khách lạ tốt bụng giữ đúng lời hứa, tiếp tục giữ liên lạc. Chính nhờ họ, những người bạn mới là nhà báo Thụy Điển, nhà báo Canada… tìm tới, kết nối gia đình cô Nhã chú Từ với Hội Văn Bút Quốc Tế. Chủ tịch của Hội Văn Bút Quốc Tế lúc bấy giờ là Thomas Von Vegesack đứng ra điều hành Ủy Ban Quốc Tế Các Nhà Văn Bị Cầm Tù, kêu gọi quốc tế can thiệp, yêu cầu chính quyền CSVN trả tự do cho văn nghệ sĩ Miền Nam.
Đích thân Thủ Tướng Thụy Điển Olof Palme đứng ra bảo lãnh gia đình cô Nhã Chú Từ. Giấy nhập cảnh cho gia đình vào Thụy Điển đề ngày 15/5/1984. Sau khi ông Palme bị ám sát vào năm 1986, người kế nhiệm là Thủ Tướng Ingvar Karlsson tiếp tục theo dõi hồ sơ. Ít lâu sau chú Từ được trả tự do từ nhà tù cộng sản, vào ngày 7/9/1988, cả gia đình cô Nhã chú Từ đi định cư ở Thụy Điển.
Cuộc sống bình yên ở Thụy Điển không thể làm phai nhạt đi sự đam mê của người làm báo. Chú Từ kể rằng chú đã từng ra tờ Việt Báo đầu tiên ở Sài Gòn vào năm 1963, trong giai đoạn miền Nam có nhiều chính biến. Vào đầu thập niên 1990s, cộng đồng người Việt ở Mỹ đang phát triển lớn mạnh, truyền thông báo chí tiếng Việt là nhu cầu của cộng đồng. Năm 1991, nghe theo lời khuyên của cố nhà thơ, nhà báo Nguyên Sa và cố nhạc sĩ Phạm Duy, cô Nhã - chú Từ rời Thụy Điển để sang sinh sống ở thủ đô của người Việt miền Nam Cali. Đến năm 1992, tờ Việt Báo Kinh Tế ở hải ngoại được thành lập, từ một tờ tuần báo phát triển thành một nhật báo chỉ trong ba năm, với các ấn bản khắp nơi gồm Việt Báo Nam California, Việt Báo North California, Việt Báo San Diego, Việt Báo Houston, Việt Báo New York, Việt Báo Seattle... Kể từ đó, hai cái tên Nhã Ca – Trần Dạ Từ gắn liền với sự thăng trầm của Việt Báo trong suốt ba thập niên. Thân hữu Việt Báo vẫn nhớ cái phòng bên phía tay phải khi bước vào tòa soạn trên đường Moran, lúc nào cũng có chú Từ ngồi trong đó, mỗi ngày, 7 ngày 1 tuần, từ khi trời vừa hửng sáng đến sau nửa đêm . Đó là giang sơn của chú Từ, “ông thủ từ” của Việt Báo. Chú ít khi xuất hiện bên ngoài, nhưng là linh hồn của từng trang báo và mọi hoạt động của tòa soạn.
Cô Nhã-chú Từ rồi cũng đến tuổi già. Sau đại dịch Covid-19, Việt Báo thu nhỏ hoạt động. Vào một buổi chiều mùa đông 2021, cô chú có một buổi họp mặt từ biệt với một số bằng hữu gần gũi nhất: Doãn Quốc Sỹ, Kiều Chinh, Cung Tiến, Đỗ Quý Toàn, Trần Huy Bích… Cô Nhã nói nay tuổi đã cao, đây là lúc để trở về xứ Thụy Điển bình yên an hưởng tuổi già.
Thụy Điển, đến, rồi đi, rồi trở về…
Lần đầu tiên tôi được đến thăm nơi chốn bình yên mà cô Nhã-chú Từ chọn để sống những ngày cuối đời. Căn nhà cổ kính ở Malmo nghe nói ngày xưa là của một nhà quí tộc Đan Mạch sang Thụy Điển ở, có vườn bao quanh cả bốn mặt. Cô Nhã có một khu vườn trồng rau Việt ở đằng sau nhà. Con cháu mỗi lần từ Cali sang thăm đều mang cả một vali toàn là thức ăn mà cô chú ưa thích. Chắc cô không kịp nhớ món ăn Việt Nam cho dù ở xứ sở Bắc Âu ít người Việt sinh sống. Cô chú sống với hai người con gái lớn, trong đó có chị Sớm Mai, người con gái chưa tròn 13 tuổi đã chăm sóc, dìu dắt cả một đàn em khi cả ba cả mẹ bị cộng sản bắt đi tù. Được sống với những người con sau bao nhiêu năm sống xa cách, Cô Nhã chú Từ trông rất “an nhiên tự tại”.
Con cháu hát mừng sinh nhật 85 của cô Nhã, 20 tháng 10, 2024.
Cô Nhã vẫn tâm đắc với quyết định “gác kiếm”, nhường lại khu vườn báo chí, văn học nghệ thuật cho thế hệ trẻ chăm sóc. Bây giờ cô giành nhiều thời gian hơn cho Phật Pháp. Mỗi ngày, sau khi đọc 21 lần kinh Bát Nhã, cô đọc thêm 4 bản được dịch ra tiếng Việt của Hoà Thượng Thích Trí Thủ, Hoà Thượng Thích Trí Quang, Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh, Hoà Thượng Thích Thiện Hoa. Cô kể chuyện vẫn liên lạc thường xuyên với Hòa Thượng Thích Tuệ Sĩ cho đến khi Người viên tịch cách đây hơn một năm. Càng hiểu Phật Pháp, giờ đây cô cảm thấy thanh thản khi nghĩ đến chuyện tử sinh, không lo sợ về cái chết. Cô hài lòng với cuộc sống bình yên ở Thụy Điển. Chỉ có điều thỉnh thoảng vẫn nhớ bạn bè ở xa mà không thể đi thăm được: ông anh Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương… Cô bị bệnh tim, lẽ ra phải mổ, nhưng cô từ chối; vì vậy bác sĩ không cho cô lên máy bay. Mà đâu có sao. Có lần cô nhờ nhắn với bố Sỹ rằng “…Cô sẽ bay về thăm bố. Sẽ không bằng xác, mà bằng tâm hồn. Ôm chặt ông anh thương kính. Ôm thật chặt…”
Cũng giống như cô Nhã, chú Từ cảm thấy thích hợp với đời sống an vui bên con cháu ở Thụy Điển. Có vẻ như môi trường nơi đây thích hợp cho sức khỏe tuổi già. Chú vẫn đi tập vật lý trị liệu đều đặn, đi bộ hàng ngày ngoài công viên, bờ hồ cả mấy cây số, một điều hiếm khi làm thời còn ở xứ Cali ô nhiễm, đầy khói bụi xe hơi. Sức khỏe của chú hồi phục khá tốt sau khi bị stroke từ hồi còn ở Mỹ.
“Ông thủ từ” ngày xưa của Việt Báo bây giờ là một độc giả của Việt Báo online. Có con cháu từ Cali sang thăm, chú Từ nhận xét thật tỉ mỉ, chi tiết về các bài viết, tác giả trong đủ mọi chuyên mục, từ bình luận chính trị, đến những câu chuyện thơ văn, chú vẫn để ý nhiều nhất đến những câu chuyện và tác giả Viết Về Nước Mỹ. Ngày xưa, thời còn làm việc trong tòa soạn, tôi ít có dịp được nói chuyện với chú. Bởi vì chú bận rộn, thường chỉ ngồi làm việc trong căn phòng riêng của mình. Nay ngồi ở nhà trên bàn cơm, chú nói chuyện trong tình thân, tôi nghe và cảm thấy thích thú lắm. Chú có cách nhận định về các chủ đề, tác giả, bài viết thật độc đáo. Chỉ với một vài câu, một vài chữ mà miêu tả chính xác được đặc điểm, văn phong của từng người.
Chú Từ về hưu nhưng vẫn sống trong không khí của văn học nghệ thuật, báo chí, vẫn nhớ đến bạn bè văn nghệ sĩ ngày xưa, nay đã ra đi khá nhiều. Nói chuyện 50 năm biến cố 1975, Chú nhắc đến Vũ Hoàng Chương và 5 ngày cuối đời sau khi bị cộng sản giam cùm trong ngục tối, chú nhắc đến Hồ Hữu Tường, tắt thở khi xe về đến đầu ngõ chưa kịp vào nhà… chú nhắc đến nhiều tên tuổi miền Nam chết trong lao tù cộng sản. Chú nói, chúng ta luôn nói đến những cái chết trong thời kỳ đấu tố, thời kỳ cải cách ruộng đất, đó là vì báo chí miền Nam khi xưa đã làm công việc này. Bây giờ, công việc của thế hệ con cháu cần làm, là viết lại, kể lại câu chuyện của hàng ngàn người mất xác trong các trại cải tạo, giai đoạn này, cũng cần phải được trang trọng đưa vào trang sử, phải thế.
Có thể nói rằng chú là một pho sử sống về nền văn học nghệ thuật của Miền Nam trước 1975. Chú kể những kỷ niệm ngày xưa với bằng hữu của mình, là nhà báo, thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ… thuộc nhiều thế hệ. Tôi nghĩ chỉ cần nhớ, ghi chép lại những mẫu chuyện này là có thể viết thành một cuốn tạp ghi về văn học Miền Nam với nhiều chi tiết đặc sắc.
Chú kể nhiều về những người bạn tù ở trại Gia Trung, Pleiku. Bố Sỹ là một trong số ấy. Chú nhắc lại những kỷ niệm trong tù với bố tôi thật cảm động. Bố Sỹ và chú đều mê nhạc. Hồi chú làm ca khúc Trăng Ban Chiều vào khoảng năm 1980, bố tôi là người đầu tiên được nghe. Hồi họa sĩ Chóe mới được trả về phòng tù chung từ biệt giam năm 1979, chú Từ và bố tôi đến thăm. Chú Chóe đọc lại bài thơ Ave Maria, chú làm như một lời cầu nguyện để vượt qua những đầy đọa khủng khiếp, bị cùm chân tay lúc biệt giam. Ngay sau đó, chú Từ nói với bố tôi là muốn phổ nhạc bài thơ này. Bố tôi đồng tình ngay, và còn nói thêm rằng đó phải là một giai điệu Allemande ở cung thứ. Trong giai đoạn khốn khó nhất của cuộc đời, cả hai cái đầu thơ văn đều dùng âm nhạc để gìn giữ tâm hồn.
Chú Từ kể trong thời gian ở tù đã đọc hết bộ Lê Nin toàn tập. Lý do là vì chú muốn ôn lại tiếng Pháp, mà trong tù thì chỉ có tài liệu bằng tiếng Pháp này là được cho đọc. Nghiền ngẫm nó, chú hiểu được nguồn gốc của chính sách tàn bạo nhất mà chủ nghĩa cộng sản sử dụng để hủy diệt nhân tính, kiểm soát con người. Chú ghi lại tội ác nhân danh chủ nghĩa này trong bài thơ Hòn Đá Làm Ra Lửa:
“…Cái đói phát minh của thiên tài.
Nó là thứ gì vậy?
Tên nó, “Chính sách lương thực của Lenin”
Nó giản dị thôi:
Kinh nghiệm phản xạ có điều kiện
Từ con chó của Pavlov
được tính toán, phối hợp lô gích cho con người
Sự co thắt dạ dày. Nước miếng. Tiếng kẻng
Cái đói thành vũ khí chuyên chế vô địch
Nó được tung, được hứng, được quảng cáo xôm tụ:
“Kiểm kê. Quản lý. Làm chủ”
Và nó vơ. Nó vét. Nó ban phát ơn huệ
Biến chén cơm, miếng bánh thành ma túy
Biến tiểng kẻng cho ăn thành lệnh của ma quỉ
Để khuất phục đồng loại…”
Hòn Đá Làm Ra Lửa là bài trường thi chú làm nhẩm trong đầu trong suốt chín năm tù tội, từ 1979 đến 1988, từ trại Gia Trung Pleiku đến Z30D Hàm Tân. Có người gọi đó là bài sử thi của người tù Việt Nam. Nghe chú đọc lại bài thơ, tôi nhớ đến câu viết của bố Sỹ trong Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều: “…Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành…”
Thăm chú Từ ở Thụy Điển, tôi nhận thấy cả chú và bố Sỹ ở giai đoạn cuối đời giống nhau ở chỗ có thể thanh thản rũ bỏ những vui buồn, vinh nhục của một thế hệ chứng nhân lịch sử. Chú dặn dò đám con cháu một số việc nên làm đối với di sản văn học nghệ thuật Miền Nam trước 1975, nhân dịp sắp kỷ niệm 50 năm biến cố Tháng Tư Đen. Cũng như cô Nhã, chú Từ tin tưởng vào thế hệ trẻ, buông bỏ thế sự để có được sự bình yên cuối đời. Nghe chú dặn, hứa sẽ làm, nhưng chúng tôi biết rằng mình không thể có được nghị lực phi thường của thế hệ đi trước.
Căn nhà của cô Nhã-chú Từ ở Thụy Điển tràn ngập âm nhạc những ngày chúng tôi sang thăm. Chúng tôi hát mừng sinh nhật 85 của cô Nhã bằng bài hát sinh nhật chú Từ làm trong tù gửi theo bạn tù đem về để chị Sớm Mai dạy các em hát: “Mừng sinh nhật Má, nào ta cùng ca, bài ca của Ba, bài ca mừng sinh nhật Má, biết bao tình yêu gần xa…”
Thăm cô Nhã – chú Từ ở giai đoạn hoàng hôn cuộc đời, tự nhiên tôi nhớ đến những câu hát trong ca khúc Nắng Chiều Rực Rỡ, bác Phạm Duy viết vào khoảng năm 1988 ở Mỹ:
Chớ buồn gì, trong giây phút chia lìa
Khi chiều về, lung lay trúc tre
Chớ buồn gì, khi tan nắng, đêm về
Cho thuận đường âm dương bước đi…
Khi chiều về, lung lay trúc tre
Chớ buồn gì, khi tan nắng, đêm về
Cho thuận đường âm dương bước đi…
…Ước nguyện thầm cho đôi lứa ân cần
Nuôi thật dài hoàng hôn ái ân
Ước nguyện rằng khi đêm chết chưa về
Nắng chiều hồng tươi hơn nắng trưa…
Nuôi thật dài hoàng hôn ái ân
Ước nguyện rằng khi đêm chết chưa về
Nắng chiều hồng tươi hơn nắng trưa…
Chúng tôi tập lại bài hát Vầng Trăng Xưa của chú Từ, viết trong tù ở Việt Nam vào năm 1985. Rõ ràng có một cái gì đó rất chung giữa những bằng hữu thuộc thế hệ vàng của nền văn học nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20:
Vẫn nắng vàng dù buổi chiều của đời
Vẫn trời xanh dù bao nhiều tan nát…
…Mái tóc nâng niu xưa cho dù bạc
Nhằm nhò gì
Tình yêu ta
Cây lão mai của em
Vẫn không ngừng dâng hoa…
Lịch sử sẽ không lặp lại. Việt Nam vẫn sẽ có những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tài năng mới. Nhưng sẽ không bao giờ có lại một Phạm Duy, một Doãn Quốc Sỹ, một Nhã Ca, một Trần Dạ Từ khác. Tôi viết những giòng này với sự thương yêu, kính trọng, tri ân vô bờ dành cho những người thuộc thế hệ đi trước…
Doãn Hưng