User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Hồng Lan mừng rỡ cuống quýt cầm cái thư chạy vô nhà gặp ông Huyện ngồi uống rượu Whisky trước hè với thầy Cai Tổng:

- Ba ơi ba! Thơ của Alice gởi cho con nè!

 Ông Huyện vuốt râu cá trê cười:

- Vậy hả con. Con đọc cho Ba nghe!

Hồng Lan phụng phịu hai má:

- Thơ của con mà! Ba nghe đâu có được!

Con gái cưng của ông Huyện, mặc chiếc áo Kimono mới may rộng thênh thang, bông hoa rất đẹp. Thấy Cai Tổng nhìn cô với đôi mắt khâm phục, xuýt xoa khen ngợi:

- Cô Hồng Lan mặc áo nầy giống hệt cô gái Nhựt! Đẹp quá xá là đẹp!

Hồng Lan cười cầm thơ chạy vô buồng. Thầy Cai Tổng, Ba của cậu Hai Ngọc, chỉ thấy vẻ đẹp kiều mộng của cô tiểu thư kia. Nhưng thầy đâu biết con gái ông Huyện có dụng ý may áo Kimono mặc ở nhà là để che đậy cho kín cái bụng của cô dạo nầy đã hơi bự bự... và mỗi ngày mỗi bự.

Thật, nhờ lớp vỏ thơ mộng của cô gái giả Nhựt ấy, nên cả Quận cả  làng không ai biết con gái ông Huyện chửa hoang.

Hồng Lan nằm trên giường nệm hoa, mở thơ Alice ra xem.

Saigon, ngày 27 tháng 7 năm 1949.

Hồng Lan thân mến,

Từ hôm Alice xuống dưới ruộng chơi với toa mấy ngày rồi về Saigon, Alice mệt quá xá! Nhưng còn giữ bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ vô cùng. Nào bữa hai đứa mình mặc áo đầm, đội nón đầm đi chơi, làm cho bọn dân quê phục sát  đất! Nào bữa toa giới thiệu cho moa cái thằng học trò gánh phân trâu tanh thấy mồ! Nào bữa toa với moa tắm dưới ánh trăng đẹp bên ao sen vân vân và vân vân...

Ở Saigon, tại chúng nó mong toa lên để coi cái bầu của toa độ này được bao to? Moa tức cười thằng Paul đi khua các nơi là không phải toa chửa với nó. Nó đổ thừa cho thằng Henri. Thằng Henri thì nhất định là toa chửa với thằng Paul! Bữa lễ 14 Juillet (ngày 14 tháng 7 là ngày Quốc Khánh của xứ Pháp), bọn nầy kéo vô Chợ Lớn ăn tiệc, có moa, Henriette, Phùng Tóc Hoe, Janine Hoàng, bên con trai có Thành, Sơn, Paul, Henri, Minh Raquette, vui quá xá toa ơi! Ai dè tụi con trai say sưa, thằng Paul xỏ lá nói thằng Henri lấy Hồng Lan chửa mà không cho tụi nầy ăn khao. Henri quạu nói thằng Paul: ‘‘Mầy lấy nó đã đời rồi mầy rút dù có trật tự, đồ hèn mạt!’’. Paul tức mình cầm ly xán vô đầu Henri. Henri cầm chai Cognac đập vô mặt thằng Paul. Hai đứa đánh nhau, thôi, tụi moa mắc cỡ bỏ đi về hết! Còn hai đứa nó bị lính bắt về bót. Tụi nó đợi toa lên để ‘‘chất  vấn’’. Henri hăm hễ toa nói toa có chửa với nó thì nó giết toa. Còn Paul cũng nói nếu toa khai cho Paul thì Paul sẽ đánh toa bể mặt. Vậy toa liệu sao? Nè, ma chère ơi, moa khuyên toa nên ở nhà quê sanh đẻ cho rồi, không muốn nuôi thì đem bỏ ngoài ruộng. Sanh rồi lên Saigon thì huề, chớ không thì có án mạng, nghe ma chère?

Henri nó mới lấy con Bảy Cần Giuộc. Con nầy có nói cho Janine Hoàng biết rằng chừng nào toa lên Saigon nếu toa bỏ Henri thì thôi, nhớ nếu toa còn đeo theo Henri hoài thì nó thuê du côn đánh toa, chết chịu!

Tình thế coi bộ bất an, nghe ma chère?

Thôi, je t'embrasse.

Alice Bích Liễu.

Hồng Lan đọc xong thư, chảy mồ hôi. Cô ngồi dậy lấy gói thuốc thơm Ăng lê, châm hút một điếu, rồi nằm lại, miệng lẩm bẩm:

- Khốn nạn hết cả tụi! Đồ quỉ vật!

Cô ả nằm nghỉ ngơi thiệt lâu, nhìn khói thuốc bay cuồn cuộn lên trần nhà, nét mặt thản nhiên.

Hút hết điếu thuốc, Hồng Lan ngồi dậy, mở tủ lấy một hộp sơn mài, trong đó đựng một mớ thư tình và các hình ảnh chụp chung với trai, cái thì chụp chung với Paul, cái thì chụp chung với Henri cái thì chụp với người nào khác nữa.

Có một tấm ảnh màu khổ lớn, Hồng Lan lật qua phía sau, có câu của chính tay Hồng Lan viết bằng mực xanh.

‘‘Tặng anh Paul, người chồng sắp cưới của em’’

Nhưng lại có chữ của Paul, viết bằng mực tím, gạch bỏ chữ ‘‘sắp’’, sửa lại bằng ba chữ ‘‘không bao giờ’’.

Hồng Lan đọc nguyên câu của Paul sửa lại: ‘‘Tặng anh Paul, người chồng không bao giờ cưới của em’’. Cô ả trề môi, xé tấm ảnh màu cái... rẹt!.. thành ra hai mảnh, rồi gấp lại xé ra bốn mảnh, rồi tám mảnh, rồi xé vụn, quăng vô giỏ rác.

Nhưng có một bức thơ của Paul gởi cho Hồng Lan, Hồng Lan đọc lại một đoạn:

‘‘... Em có thai, thiệt hả? Hạnh phúc xiết bao! Đó là kết quả tình yêu thiêng liêng của hai ta!..’’

Kế đó, có bức thư của Henri, còn thơm sặc mùi nước hoa cũng có một đoạn như sau:

‘‘ …Em Hồng Lan yêu dấu của anh, em sắp sửa làm mẹ! Ha! Ha! Anh được em cho biết tin ấy, anh vui mừng cảm động, muốn chảy nước mắt, em à! Anh đây, Henri của em, cũng sắp được làm cha! Rồi đây đời ta xây ổ ái tình  êm đẹp để nâng niu đứa con đầu lòng, kết quả của tình yêu thiêng liêng của hai chúng mình!’’

Nhưng kế đó, lại có bức thư khác của Henri:

‘‘... Em ơi, nghe em đã có chửa, anh vui mà lo, vì chúng ta chưa làm đám cưới. Anh muốn em viết thơ về ruộng biểu Ba gởi lên gấp cho em một số tiền bốn chục ngàn đồng để vợ chồng mình sắm sửa đồ cưới chớ! Nếu không có số tiền đó, thì chắc anh mắc cỡ không dám ngỏ mặt em nữa đâu!.....’’

Hồng Lan cười gằn một mình:

- Đồ chó! Nó đã xài của mình hết bao nhiêu tiền rồi bây giờ còn muốn đào mỏ nữa. Quân vô liêm sỉ!

Hồng Lan xé hết mớ thơ tình và tiền ấy bỏ đầy nghẹt cái giỏ rác. Cô ả xách giỏ xuống bếp trút hết vô lò lửa đang cháy. Xong cô chạy ra phòng khách. Thầy Cai Tổng đã về rồi. Cô nói với ông Huyện:

- Ba à, con đổi ý kiến.

- Ý kiến chi con?

- Con không lên Saigon nữa đâu!

Ông Huyện trố một con mắt của ông, tay chỉ cái bụng của con gái:

- Còn cái đó, con tính sao ?

- Cái đó thì cái đó, chớ sao giờ!

- Con nè, ba có ướm thử thầy Cai Tổng, để gã con cho thằng Hai Ngọc. Thầy Cai Tổng coi bộ chịu nhưng không biết thằng con của thẩy có chịu không?

- Ối, con không cần thằng nào nữa hết, Ba à! Con ở đây con sanh. Rồi con đem bỏ đứa bé ngoài ruộng. Như vậy là êm hết.

- Chớ sao con tính lên Saigon sanh, rồi con đem đứa nhỏ cho Bà Sơ nuôi?

- Con đã nói với Ba là con đã đổi ý kiến rồi mà!

Ông Huyện vì quá cưng con gái nên Hồng Lan nói sao ông cũng nghe. Chớ thiệt ra, ông rầu thúi ruột! Ông không hiểu sao con gái cưng của ông tự nhiên bỏ ý định đi Saigon?

Ông lại khuyên Hồng Lan nên lên tỉnh có Bác Sĩ Long, là người quen thân với ông, nhờ Bác Sĩ xem cái thai, nhưng Hồng Lan cự tuyệt. Cô nhứt định giữ bí mật việc cô chửa hoang. Cô không muốn cho một người nào hay biết chi hết, trừ con ở hầu hạ cô, rất trung thành và rất sợ cô. Nhưng con ở cũng sẽ biết trong giờ phút chót mà thôi. Ngoài ra, cô căn dặn Ba cô bưng bít chuyện nầy, đừng nói cho một người nào biết cô có chửa.

Ông Huyện gật đầu lia lịa:

- Ừ! ừ! Ba không nói đâu.

Giờ phút chót xảy ra sáu tháng sau, vào khoảng giữa tháng Hai năm 1950.

Liên tiếp trong ba ngày, Hồng Lan đau bụng. Cô ả  ôm cái bụng bự nằm lăn qua lăn lại trên nệm, mặt nhăn nhó, miệng kêu rên:

‘‘Trời ơi! Sao đau quá như vậy nè?’’

Ông Huyện thấy con chuyển bụng, tỏ vẻ rất lo lắng. Ông bảo con:

- Ba lên tỉnh rước cô mụ về, nghe con?

Hồng Lan giãy giụa khóc lóc:

- Không! Con không chịu đâu! Con không chịu đâu!... Ba ơi, sao nó quằn quặn trong bụng con quá Ba ơi! Tôi chết mất, Trời ơi! Tôi chết mất. Trời ơi! Ối trời ơi!

Ông Huyện lính quýnh chạy ra, chạy vô, kêu con đầy tớ:

- Con Ba đâu rồi, lên đây!

Con đầy tớ chạy lên. Ông bảo:

- May thoa cái bụng cho cô Hai chút đi!

Con Ba leo lên giường, ngồi thoa bụng cho Hồng Lan. Hồng Lan rên xiết:

- Thoa nhè nhẹ vậy, mầy ơi! Trời đất ơi! Đau quá đi, trời ơi!... Tao chết mất mầy ơi!... Mầy ơi!

Suốt đêm, Hồng Lan ôm bụng kêu la dữ dội. Con Ba phải thức canh chừng cô, lúc cô biểu đấm bóp, lúc cô biểu thoa bụng.

Đến hừng đông Hồng Lan đẻ một đứa nhỏ lọt ra trên giường. Một đứa con gái khóc oe oe. Con đầy tớ lật đật chạy kêu Ông Huyện, Ông Huvện hoảng hốt, chạy qua phòng con gái. Ông biểu con đầy tớ đi lấy cái kéo để ông cắt nhau. Con đầy tớ tiếp tay với  ông lăng xăng sửa soạn rửa ráy thay đồ đạc và lo thuốc men cho cô rồi quạt một nồi lửa than để dưới giường cho cô. Hồng Lan nằm rên trên giường. Ông Huyện lấy một tấm drap cũ của Hồng Lan, để gói đứa hài nhi, chừa hở cái mặt. Xong ông biểu con đầy tớ:

- Nè Ba, mầy ôm đứa nhỏ ra bỏ ngoài bờ ruộng cho thiệt xa nghe? Xong rồi về đây, tao thưởng công cho mầy một trăm đồng bạc. Đi lẹ đi, mà giấu đừng cho ai thấy, nghe? Bịt miệng đứa nhỏ đừng cho nó khóc, nghe? Thôi chạy lẹ đi!

biro

Con đầy tớ ôm đứa hài nhi trong tay, lật đật chạy đi. Trời đã hừng hừng sáng. Nó lấy cái áo che mặt dứa nhỏ, sợ có ai trông thấy. Chạy một khoảng khá xa, nó định quăng đứa nhỏ xuống ruộng như lời ông Huyện dặn. Nhưng nghĩ thương hại, nó do dự. Bỗng nó thấy gần đó có một nền nhà hoang, một túp nhà lá mà người ta đã dọn đi chỗ khác, còn trơ lại cái nền. Nó chạy đến đó. Để ý thấy cạnh nền nhà có một đám bí rợ tươi tốt, nó ngó trước ngó sau không ai trông thấy, nó đặt đứa hài nhi trên một lá bí, rồi lật đật chạy về. Chạy ra đường nó còn nghe tiếng đứa nhỏ khóc oe oe… Nó sợ quá, không dám ngoảnh mặt lại.

Về đến nhà, Ông Huyện hỏi:

- Rồi chưa, Ba? 

- Dạ bẩm Quan, rồi.

- Có ai thấy không?

- Dạ bẩm Quan, không!

- Thiệt hả?

- Dạ thiệt.

- Tao thưởng cho mầy một trăm, còn mới tinh đây nè. Tao dặn mầy nhớ, nghe! Mầy đừng hở môi nói cho ai biết vụ này, nghe? Ngậm miệng nghe? Hễ mầy leo lẻo cái miệng nói cho một người nào biết, thì tao bỏ tù mầy, nghe không Ba? Nhớ lời ông dặn nghe không con?

- Dạ thưa quan, con không dám nói đâu.

- Tao cho thêm mầy một trăm đồng nữa đây nè.

- Dạ. con cảm ơn quan.

- Nhớ, nghe con?

- Dạ.

- Bây giờ mầy cầm cái thơ nầy chạy lẹ lên tỉnh đưa cho Bác Sĩ Long.

- Dạ.

Một giờ sau, Bác Sĩ Long đi xe hơi đến vừa kịp lấy ra hết nhau còn sót trong bụng của sản phụ, và vội vàng tiêm thuốc để cứu Hồng Lan gần chết lịm trên giường.

(Còn tiếp)

Nguyễn Vỹ

Tìm các bài TRUYỆN DÀI khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com