User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Cô Thanh còn nằm trên chiếc giường tre, trải manh chiếu rách, chưa muốn dậy. Cô còn mệt lắm. Mấy đêm nay cô vẫn không ngủ được, trằn trọc lo cho cha, không biết bị giam cầm nơi nào hay chết nơi nào? Đã hai tháng rồi từ hôm cô ở tù về, và đi dọ hỏi tin tức cha không được, đêm nào cô cũng khóc vì thương cha già vô tội bị bắt oan, mà không biết rõ là ai bắt. Cô buồn bực oán hận vì sống trong thời buổi loạn  ly, cái mạng con người ta không bằng con kiến! Ai bắt bớ ai cũng được! Ai giam cầm ai cũng được! Muốn kêu oan không biết kêu vào đâu! Thậm chí một kẻ đầu trâu mặt ngựa, ỷ thế con một anh Cai tổng trong quận, cũng có thể bày mưu kế, thông đồng với mấy tên lính của Pháp mà bắt bớ bỏ tù một thiếu nữ không chịu lấy nó! Xã hội gì khốn nạn như thế!

Chế độ gì dã man như thế! Vậy mà nay biểu hoan hô Ông nầy muôn năm, mai biểu hoan hô Ông kia muôn năm! Bắt bớ dân chúng, đàn áp dân chúng, bốc lột dân chúng, coi dân như tôi mọi mà dám mở miệng xưng hô ‘‘dân vi quý’’! Cả một lũ thực dân phong kiến, một bọn độc tài rơm, tranh giành nhau mà hút máu mỡ của dân, vẫn khua môi mép là ‘‘ái quốc’’, ‘‘ái quần’’ là  ‘‘cứu tinh của dân tộc’’,  là  ‘‘Quốc Trưởng’’ Mỉa mai thay! Chua chát thay! Dân cũng cứ dạ dạ ùy ùy cho qua ngày đoạn tháng để yên ổn làm ăn, nhưng dân ngán đến tận cổ, dân oán đến tận xương, dân uất hận tận đáy lòng!

Thanh ngồi vùng dậy, đôi mắt ứa tràn châu lệ. Nhìn mặt trời rạng đông tươi sáng, cô lẩm bẩm trong miệng:

- Bao giờ lòng dân Việt Nam được tươi sáng như ánh thái dương kia?

Cô lại nhớ đến cha cô. Hiện giờ phút nầy, Ba cô ở trong lao tù tối tăm rùng rợn nào? Hay đã bị chết nơi nào? Chỉ một người có thể biết rõ hơn ai hết, là Ngọc, con trai thầy Cai Tổng, vì chính hắn đã dẫn lính đến bắt Thanh và ông già của Thanh. Nhưng không bao giờ Thanh hỏi hắn, vì nếu hỏi hắn cũng chẳng dám hé răng đâu.

Xưa nay Thanh không mê tín dị đoan. Nhưng lấn nầy cùng kế và trong cơn đau khổ tuyệt vọng về tin tức của cha, Thanh đã phải tìm đến một bà Cốt ở cách nhà cô hơn mười cây số, ở làng khác; Nghe người ta đồn rằng bà Cốt nầy linh nghiệm lắm, Thanh đến hỏi thử xem. Bà Cốt thắp đèn nhang, đọc phù chú, múa men một lúc rồi cốt nhập vô Bà, nói:

- Cái tuổi Tỵ nầy đây đang thắc mắc lo âu về chuyện nhà. Ông già của tuổi Tỵ đang ở một cõi hư không, nhưng sớm hay muộn tuổi Tỵ cũng sẽ tìm thấy lại được ông già.

Thanh hỏi:

- Xin Cốt cho biết rõ Ba tôi ở một cõi hư không, nghĩa là gì? cõi hư không ở đâu?

Bà Cốt lắc đâu lia lịa:

- Nói vậy tuổi Tỵ hiểu, không cần nói nhiều

- Cốt quả quyết rằng không sớm thì muộn tôi cũng tìm thấy lại Ba tôi?

- Sẽ tìm thấy. Mà cốt cho tuổi Tỵ hay rằng còn lâu, nghe? Còn lâu!...

- Còn lâu là bao lâu?

- Ba năm nữa!

Thanh tặng Bà Cốt hai  chục đồng bạc. Ra về, Thanh rất hoang mang. Thanh cho rằng chẳng qua vì Thanh thương Ba mà không biết hỏi ai về tin tức của Ba nên cùng kế phải thử tìm đến Bà Cốt. Chớ Thanh đâu có tính dị đoan.

Nhưng Thanh cũng thắc mắc vì những lời nói của bà Cốt.

Thật là những lời nói bí ẩn, khó mà hiểu được!

Mặt trời đã lú lên phương Đông như một cục lửa tròn. Thanh dậy, đi súc miệng, bỗng có tiếng gọi ngoài sân trước, Thanh cúi đầu dòm ra: thằng bé chăn trâu bưng trong tay một gói gì, vừa chạy vô nhà, vừa kêu nho nhỏ:

- Cô Hai! Cô Hai!

Thanh sửng sốt:

- Cái chi đó, em Cùi?

Thằng Cùi, bưng một đứa hài nhi mới đẻ, gói trong một tấm vải trắng, đưa Thanh:

- Thưa cô, em xí được đứa nhỏ này ở trong đám bí rợ, chỗ nền nhà bỏ hoang bên rạch dừa, cô Hai à!

Thanh rất đỗi kinh ngạc, vội vàng ôm lấy đứa bé:

- Con ai vậy nè?

- Con hoang, cô ơi! Ai đẻ bao giờ rồi đem bỏ nó ở đám bí rợ, cô Hai ơi!

- Trời! Ai mà nhẫn tâm quá vậy?

Thanh lật đật mở tấm vải trắng ra để ngó kỹ đứa bé. Cô reo mừng:

- Con gái! Đứa con gái ngộ quá!

Thanh vội vàng lấy một đồng bạc biểu thằng Cùi chạy đi mua đường:

- Mau lên, nghe em? Phải cho nó uống nước đường, chớ không nó chết khát bây giờ! Không biết người ta bỏ nó từ hồi nào? Chạy lẹ, em!

- Dạ.

Thanh sửa soạn cái giường, lấy mấy chiếc áo của cô trải lên cho êm, để làm tã lót đứa nhỏ. Cô xé mấy cái áo cũ làm băng, băng rún cho nó. Cô lấy cái mền mỏng của cô, đắp lên cho nó. Cô chạy xuống bếp nấu một ấm nước sôi. Cô rót ra một chén để nguội. Vừa lúc thằng Cùi đem gói đường về, cô khuấy nước đường lấy muỗng múc trút vào miệng đứa bé. Xong, cô mở va li lấy hai chiếc áo dài trắng tốt nhứt của cô, đưa thằng Cùi. Cô bảo nhỏ:

- Em cầm hai áo này đi kiếm người nào mua, em bán cho chị. Em liệu bán bao nhiêu tiền cũng được. Rồi chạy đi mua hai hộp sữa con chim, đem về đây để tối nay chị cho nó bú.

- Thôi cô Hai à, cô Hai đừng bán hai cái áo này, uổng lắm. Rồi áo đâu cô Hai mặc?

- Chị còn áo bà ba, đủ mặc,

- Thôi! Em có tiền mà, cô Hai! Bữa kia em lại bẫy được một con sáo, bán được năm đồng. Bữa qua em làm trò xiếc trên lưng trâu, họ cho em năm đồng nữa. Cô cất hai cái áo đi. Để em chạy về nhà em lấy tiền đi mua sữa.

daybiro1

Không đợi Thanh nói sao, thằng Cùi vắt hai cái áo trên ghế rồi vụt chạy. Nhưng nó lại chạy trở vô, thở hổn hển:

- Thưa cô Hai, em quên hỏi cô Hai, một hộp  sữa con chim bao nhiêu tiền?

- Tám chín đồng, chớ không nhiều đâu em à.

Thằng Cùi đứng suy nghĩ rồi nói:

- Em chỉ có mười đồng. Em mua đỡ một hộp đã, có được không cô Hai?

- Được em à.

Nó cười rồi chạy mất.

Đặt đứa bé nằm ngủ yên, Thanh đem tấm vải trắng dính máu đi ra sau bếp giặt. Lúc đem phơi, Thanh chợt để ý hai chữ thêu bằng chỉ đỏ trên một góc tấm vải, có lẽ là tấm drap trải giường. Hai chữ thêu là H.L. Thanh nghĩ ngợi:

- H.L..? H.L.?... Hồng Lan chăng?

Thanh nhớ lại câu chuyện đau đớn xảy ra cách đây 7 tháng, hôm Thanh cuốc khoai nhà Hồng Lan, cô ả có cho Thanh biết rằng Đồng có ngủ với cô, để cho cô có chửa, rồi Đồng bỏ trốn đi... Cô ả chửi Đồng là một tên sở khanh, là đồ trâu, đồ chó v.v... Nếu quả thật vậy, thì đứa hài nhi nầy là con của Hồng Lan và Đồng hay sao? Hồng Lan sanh nó ra, không muốn nuôi đem bỏ nơi đám bí rợ chăng? Quả thiệt Đồng đã ngủ với Hồng Lan có chửa rồi sợ xấu hổ bỏ nhà trốn đi chăng?

Thanh nghĩ đến đó, xây xẩm mày mặt, muốn té xỉu. Thanh ráng đi vô nhà, ngồi phịch xuống ghế, gục đầu xuống bàn, khóc. Nhưng một lát. Thanh gượng đứng dậy đi khuấy thêm nước đường cho đứa bé uống. Thanh ngồi, ngó đứa hài nhi nằm ngủ yên lặng. Chốc chốc nó khóc lên vài tiếng oe oe, dễ thương lạ! Thanh nhìn kỹ nét mặt nó. Nó còn nhỏ quá, nên cô không thấy nó giống Đồng chút nào, nhưng rõ ràng là khuôn mặt của Hồng Lan. Đôi mắt, cái mũi, cái miệng, giống Hồng Lan như đúc. Thanh suy nghĩ! Nuôi đứa hài nhi này là thêm một nỗi bận rộn lo lắng cho Thanh Nhưng, dù thật là con của Đồng hay con của ai chăng nữa. Thanh không thể nào bỏ nó chết được. Thanh có bổn phận phải cứu đời sống của đứa hài nhi vô tội mà người mẹ tàn nhẫn đã đem quăng bỏ một nơi hoang địa. Đó là tình nhân đạo, nghĩa làm người, mà lương tâm của Thanh và lòng trắc  ẩn không thể nào từ chối được. Đành rằng Thanh sống trơ trọi một mình, nhà đã nghèo lại gặp cảnh côi cúc đau khổ muôn bề, làm sao Thanh nuôi nấng chăm lo cho đứa hài nhi nầy được nữa? Nhưng Thanh cũng cố gắng làm hết bổn phận. Cứu sống một mạng người, là cứu vớt được một linh hồn. Thanh thương hại cho đứa con rơi, không cha không mẹ, vì chính giòng máu tạo ra nó đã từ bỏ nó ngay lúc mới lọt lòng ! Tội nghiệp cho nó quá! Cô ôm đứa bé, khóc với nó: ‘‘Ba tiếng khóc oe oe ra đời làm chi để mang nặng nghiệp chướng của trần duyên, hở Bé?’’.

Thanh âu yếm đặt Bé nằm lại trên giường, cô không cần biết đứa trẻ vô tội này là con của Đồng hay của ai. Cô có một phần tin là con của Đồng nhưng dù là con của ai chăng nữa, nó vẫn là một linh hồn, đã mang số kiếp, vất vưởng trong trần ai, chịu hận đời ai oán!

Thằng Cùi đã trở về, ôm trong tay hai hộp sữa con chim. Nó cười ngây thơ vui vẻ:

- Cô Hai chờ em có lâu không, cô Hai?

Thanh thương thằng nhỏ quá. Cô vuốt đầu tóc nó, dịu dàng đáp:

- Không lâu đâu, em à. Em giỏi lắm! Chị khen em đó!

- Cô Hai ơi, trời khiến sao sáng sớm bữa nay em đánh trâu ra ăn ở Rạch Dừa. Thình lình em nghe oé oé. Mới đầu em tưởng con gì kêu! Em rình để bắt chơi. Nhưng em sực nhớ hồi mẹ em sanh thằng Xơ, em của em đó, em đang nằm ngủ dưới gốc cây mít, bỗng dưng nghe liếng oé oé cũng giống như tiếng em nghe ở Rạch Dừa hồi rạng đông. Em nghi là có ai đẻ. Nhưng ai đẻ kỳ cục vậy? Em lần mò đi tới chỗ nền nhà hoang, lại nghe mấy tiếng óe.. óe nữa. Em hết hồn, cô Hai ơi! Tại em thấy có cái gói gì trắng trắng mà quậy cựa... Ngó trước ngó sau để coi có ai thì em kêu, nhưng không thấy ai hết. Em mới thủng thỉnh bước lần tới, cúi xuống ngó coi. Chèng đéc ơi! Ông nội ơi! Con ai vầy nè? Sao bỏ nằm một mình trên lá bí rợ vầy nè! Em thấy một bầy kiến ở trên dây bí rợ, bu đông nghẹt trên cái gói dính máu nhiều quá! Em lật đật phủi kiến. Kiến bò lên tay em, cắn em đau điếng. Em chà chết hết! Cô Hai coi, em phải giành nhau với bầy kiến để cứu đứa nhỏ, chứ không chừng nó cắn đứa nhỏ chết rồi cô Hai ơi! Em ôm đứa nhỏ đặt xa ra một chút, để em phủi cho sạch kiến rồi em la to lên: ‘‘Con của ai đây nè? Kiến nó cắn quá xá đây nè. Kiến nó cắn chết bây giờ!’’ Nhưng không có ai trả lời. Không ai tới ôm đứa nhỏ. Em mới lật đật ôm nó chạy về cho cô đó! Hồi nãy em phải trở ra Rạch Dừa coi chừng trâu sợ nó ăn lúa của người ta. Rồi em mới chạy đi mua sữa.

Thanh cười:

- Tiền đâu em mua được hai hộp lận?

- Em về nhà lấy mười đồng của em giấu trong ống tre, rồi may quá em gài bẫy được con két, em đem ra chợ bán cho lính Tây được mười đồng nữa. Dư tiền mua được hai hộp, chớ em nghĩ có một hộp ít bữa nó bú hết rồi làm sao, phải không cô Hai?

- Nhưng bề nào em cũng phải đem hai cái áo của chị bán lấy tiền thêm, còn phải sắm sửa cho nó nhiều thứ lắm. Chiều nay còn phải mua một chai sữa với núm vú. Rồi mua một cục xà bông đá để giặt tã, mua vài cái ghim băng để cột băng rún cho nó. Mua cho nó cái mũ, vài cái áo cho nó mặc…

- Chèng ơi, sao tốn tiền nhiều quá xá vậy cô Hai?

- Phải tốn chớ, em!

- Bán hết áo của cô Hai, rồi cô Hai bán gì nữa?

- Chị sẽ đem bán mớ sách học của chị cũng được bộn.

- Sao cô Hai không để sách học?

- Chị hết học rồi. Ít bữa nữa sẽ gặt lúa thầy Cai Tổng, chị đi gặt sẽ có lúa bán được tiền thêm. Nội mùa gặt này chắc chị sẽ kiếm khá tiền.

- Em sẽ làm xiếc nhào lộn trên lưng trâu người ta cũng cho em tiền. Em câu cá, em bẫy chim để em bán cũng có tiền vậy. Em lấy tiền đưa cô nghe cô Hai?

- Em khỏi làm gì hết. Mấy bữa nữa chị đi gặt. Em cho trâu ăn gần nhà chị, để thỉnh thoảng em vô nhà coi chừng đứa nhỏ giùm cho chị là được Bữa nào chị không đi gặt, thì chị ở nhà coi chừng nó.

- Còn bữa nào cô Hai ở nhà, thì em đi đánh bẫy chim, em đi câu cá, em làm xiếc nhào lộn trên lưng trâu, há cô Hai?

Thanh dịu dàng vuốt đầu tóc thằng Cùi:

- Em giỏi lắm và ngoan lắm!

°

Sáng hôm sau. Thanh đem mớ sách cũ định đến bán cho Hồng Lan, và sẵn dịp muốn dò biết xem có phải là Hồng Lan vừa mới sanh đứa nhỏ không? Thanh lựa chọn mười quyển sách vừa sức học của Hồng Lan, bỏ vô cặp da, ôm đến nhà ông Huyện.

Thanh vô sân, gặp con đầy tớ từ dưới bếp bưng một mẻ lửa than đỏ sắp lên buồng Hồng Lan, Thanh hỏi:

- Có chị Hồng Lan ở nhà không, em Ba?

- Chị hỏi cô Hai, có chuyện chi?

- Có, nhờ em vô nói với chị Hai có qua đến chơi.

- Có chuyện chi thì bữa khác, chớ bữa nay chắc không được đâu.

Đứa ở vô phòng Hồng Lan một lúc, Thanh đứng ngoài hè nghe tiếng Hồng Lan la lớn:

- Đừng cho nó vô đây!

Đứa ở vội vàng ra nói với Thanh:

- Cô Hai không cho chị vô.

- Qua không vô cũng được. Vậy nhờ em đem mấy cuốn sách nầy vô đưa chị Hồng Lan, nói với chỉ là qua túng tiền quá, đem sách nầy bán lại cho chỉ, chỉ muốn trả bao nhiêu tiền cũng được.

Thanh mở cặp, lấy ra mười quyển sách còn mới. Đứa ở lắc đầu trề môi:

- Cô Hai không thèm mua đồ này đâu. Cổ đâu có đọc sách này!

- Em làm ơn đem giùm vô cho chỉ, coi chỉ nói sao? Qua bán rẻ mà! Sách này là sách của chị học đấy.

- Tôi đem vô lỡ cô Hai la tôi, làm sao?

- Có chi mà la? Em cứ đem vô giùm cho qua chút mà.

Con ở nể lời Thanh, nhưng một lúc nó trở ra, trả sách lại cho Thanh:

- Tôi đã nói rồi mà. cô biểu đuổi chị về, cổ cấm tôi không được nói chuyện chi với chị hết.

Thanh mỉm cười làm thinh, bỏ sách vô cặp, đi ra.

Trong hoàn cảnh này, Thanh biết là Thanh cần tập tánh bình tĩnh, và chịu nhịn nhục. Nhưng Thanh đã tin chắc rằng Hồng Lan mới sanh, và cô ả đang nằm trong buồng. Chứng cớ là đứa ở bưng một mẻ lửa than từ dưới bếp lên... Dĩ nhiên là Thanh cũng muốn giấu kín, không cho Hồng Lan hoặc con ở biết là đứa con đẻ hoang của Hồng Lan hiện đang nằm trong nhà Thanh, và Thanh đang đi chạy tiền về nuôi nó.

Nhưng Thanh rất lo ngại, vì đêm hôm qua đứa bé nóng. Có lẽ tại nó bị bỏ nằm ngoài sương gió ngay mới sau khi lọt lòng mẹ. Thanh sờ trán, sờ tay chân nó, thấy ấm ấm. Đó là triệu chứng nguy hiểm. Cho nên sáng dậy thật sớm, Thanh đã Iật đật đem mớ sách đến bán cho Hồng Lan, là cốt lấy liền về mua thuốc cho đứa bé uống. Trước khi ra đi, Thanh còn do dự, không chắc Hồng Lan sẽ mua mớ sách của Thanh. Nhưng sờ bàn tay đứa bé thấy còn nóng hoài, Thanh lo sợ đành liều đem bán sách để kiếm tiền. Sách không bán được, Thanh không biết tính sao đây? Thanh sợ đứa hài nhi sẽ nóng lên cao độ, không có thuốc trị thì nó chết, tội nghiệp cho nó biết bao! Từ trong nhà Ông Huyện đi ra về, Thanh thất vọng, lo nghĩ như thế, bỗng dưng một chiếc xe hơi từ ngoài đường lớn chạy vô, đổ gần cổng nhà ông Huyện. Thanh trông thấy Bác Sĩ Long từ trong xe bước ra, xách một va-li nhỏ để khám bệnh. Thanh mắc cỡ cúi mặt xuống đi, không muốn cho Bác Sĩ Long thấy cô. Nhưng Bác Sĩ đứng lại vui mừng chào:

- Cô Thanh

Thanh phải ngước mặt lên, lễ phép đáp:

- Dạ, chào Bác Sĩ.

- Cô ở đây sao?

- Dạ không, tôi đến thăm chị tôi.

- Ủa! Cô có bà con với ông Huyện à?

- Dạ có, tôi là cháu ông Huyện.

- Vậy hả? Cô đến thăm cô Hồng Lan hả?

- Dạ. Thưa Bác Sĩ, nhơn dịp may mắn gặp Bác Sĩ đây, xin nhờ Bác Sĩ chỉ giùm. Ở đằng nhà tôi, có một đứa hài nhi nó nóng suốt từ đêm hôm qua, thưa Bác Sĩ nên mua thuốc gì cho nó uống?

- Một đứa hài nhi hả cô? Phải coi bịnh mới dám cho thuốc cô Thanh à. Con nít khó lắm cô. Nhà cô ở đâu? Chút nữa tôi đến xem bịnh đứa nhỏ được không?

Thanh do dự. Nhưng suy nghĩ một lúc, Thanh bảo:

- Dạ thưa Bác Sĩ, chừng mấy giờ Bác Sĩ coi bịnh xong cho chị Hồng Lan?

- Nửa tiếng đồng hồ là nhiều.

- Vậy chút nữa xin mời Bác Sĩ cứ theo con đường nầy đến chỗ Rạch Dừa, sẽ có một đứa nhỏ đứng đó đón Bác Sĩ. Đường đi xe hơi dễ dàng.

- Được. Tôi sẽ đến nhà cô.

- Nhưng xin Bác Sĩ đừng nói chi cho cậu Huyện và chị Hồng Lan của tôi biết là Bác Sĩ đến khám bịnh một đứa hài nhi ở trong nhà tôi.

Bác Sĩ Long tủm tỉm cười:

- Có chi bí mật vậy?

- Dạ có. Nếu Bác Sĩ giữ kín cho, thì tôi rất cảm ơn Bác Sĩ.

- Tôi hứa giữ kín. Thôi chào cô Thanh, chốc nữa tôi đến.

- Dạ, xin chào Bác Sĩ. Cảm ơn Bác Sĩ nhiều lắm.

Thanh rảo bước đi thật mau. Cô hơi thẹn. Mấy tháng trước, hồi còn đi học trên tỉnh, cô đã biết Bác Sĩ Long. Chính Bác Sĩ Long đã xem bịnh cho cô vài lần, tại phòng xem bịnh của nhà trường. Và Bác Sĩ Long có để ý đến cô, nghe người ta nói thì Bác Sĩ Long chưa có vợ, mới đổi tới tỉnh này từ hôm Tết, và rất tử tế với bịnh nhơn, nhứt là bịnh nhơn nghèo đến xin thuốc ở nhà thương. Bác Sĩ Long để ý đến cô, vì một là cô đẹp nhất trong trường và trong tỉnh. Vẻ đẹp tự nhiên và lộng lẫy của Thanh đã nhiều lần làm cho vị Bác Sĩ trẻ tuổi như bị mê hoặc, bị bối rối trong lời nói và trong cử chỉ mỗi khi Bác Sĩ đứng trước mặt cô. Hai là Bác Sĩđã nhận thấy trong đám thiếu nữ nhí nhảnh ở tỉnh thành mà Bác Sĩ thường gặp hằng ngày, không có cô nào thùy mị, hiền lành và đứng đắn như cô Thanh.

Một chuyện đã xảy ra khiến các bạn gái của Thanh tủm tỉm cười và thèm thuồng ước muốn được như Thanh. Hôm phát thưởng cuối niên khóa trước kỳ nghỉ hè vừa rồi, Thanh được nhiều phần thưởng hơn ai hết. Điều đó, cả học trò lẫn giáo viên, không ai lạ gì, vì Thanh học môn nào cũng được điểm cao. Thanh đứng đầu về Pháp Văn, Việt Văn, đứng thứ hai về các môn Toán, thứ hai ex-equo về Lý Hóa, đứng đầu về Vẽ, và Thêu, thứ hai ex-equo về Thể Dục. Toàn thể nam nữ sinh trong trường, đều nhìn nhận là Thanh rất xứng đáng các phần thưởng quý nhất của các quan khách tặng. Đến khi Giám Thị kêu: ‘‘Phần thưởng đặc biệt do Bác Sĩ Long tặng người học trò nào học giỏi nhứt và hạnh kiểm tốt nhứt’’, thì chính là cô Nguyễn Thị Thanh được kêu tên lên lãnh thưởng: một toàn bộ Tự điển ‘‘Larousse XXè siècle’’ gồm có sáu bộ dày và to, khổ rộng, bìa chạm, gáy in chữ vàng. Giữa một tràng pháo tay vang dậy phòng Khánh   Tiết, Thanh cảm động quá, rụt rè lên lãnh thưởng và khẽ nghiêng đầu cảm ơn Bác Sĩ. Nhưng toàn bộ tự điển nặng quá và kềnh càng quá, cô Thanh ôm không nổi. Ông Bác sĩ hứa, sau buổi lễ ông sẽ bỏ xe hơi chở về nhà trọ cho cô. Một tràng pháo tay thứ hai nổ dậy vang rầm, diễn tả sự mến phục đồng thanh của cử tọa trước thắng Iợi vinh quang ở học đường của cô nữ sinh Nguyễn Thị Thanh...

Thanh hồi tưởng lại kỷ niệm vẻ vang rạo rực ấy, mới hôm nghỉ hè vừa rồi. Không ngờ sáng nay thình lình Thanh lại gặp Bác Sĩ Long! Và cũng không ngờ hôm nay do một trường hợp ngẫu nhiên, Thanh lại phải nhờ Bác Sĩ Long đếu cứu sanh mạng của một trẻ hài nhi không phải là của của cô!

Về đến nhà, Thanh kêu thằng Cùi;

- Em à, bữa nay chị phải quyết định một việc.

- Việc gì, cô Hai?

- Chị phải bán con heo.

Thằng Cùi giãy nảy:

- Trời ơi! Cô Hai đừng bán con heo, cô Hai! Cô đã nhọc công chăm nuôi nó từ hôm cô về nghỉ hè. Cô đã phải đi cuốc khoai mướn ở nhà ông Huyện để nuôi nó. Trong mấy tháng cô bị ở tù, ở nhà em cũng lo kiếm rau và cám cho nó ăn. Từ hôm cô ở tù về, cô lại chăm lo cho nó. Đến nay nó đã hơi mập, nếu để gần Tết cô bán nó thì được nhiều tiền hơn, xứng đáng cái công cô nuôi! Chớ nay cô bán, em sợ không được bao nhiêu tiền, uổng lắm cô Hai!

- Chị phải bán con heo, mới có tiền trả Bác Sĩ và mua thuốc cho đứa bé..., chị thấy Bé nóng từ đêm qua, chị sợ quá. Em không thấy bé yếu lắm sao?

Thằng Cùi giựt mình:

- Phải mời Bác Sĩ sao, cô Hai? Nó nóng thì cho nó uống chút dầu nhị thiên đường không được sao?

- Đâu có được, em!

- Em nghe cô muốn bán con heo, em buồn quá.

- Nếu để đứa bé nóng riết rồi chết, em có buồn không?

- Buồn chớ, cô Hai.

- Con heo, không sớm thì muộn rồi cũng sẽ bán. Chớ đứa bé đây mới sanh ra bị bỏ nằm ngoài sương gió, nó đã yếu sức rồi. Đêm qua nó nóng suốt đêm. Để vậy, không lo gấp thuốc thang cho nó, chị sợ nuôi không được. Nếu để nó chết, chị em mình sẽ ân hận lắm đó em à.

- Dạ, thôi thì bán con heo chớ biết sao bây giờ! Mời Bác Sĩ tốn tiền nhiều lắm, phải không cô Hai?

- Tiền thầy, tiền thuốc, tốn lắm chớ em.

- Em chạy ra chợ kêu người mua con heo. Còn Bác Sĩ thì đi kêu đâu bây giờ, cô Hai?

- Em lên Rạch Dừa đứng đón có Bác Sĩ quen, chị gặp lúc nãy. Em đưa Bác Sĩ về đây, rồi em chạy đi kêu người lái heo

- Dạ.

Thằng Cùi ngoan ngoãn chạy đi. Nửa giờ sau Bác Sĩ Long đến. Đưa Bác Sĩ vào nhà xong, thằng Cùi bảo cô Thanh:

- Giờ em đi kêu người lái heo, hả cô Hai?

- Ừ, em đi lẹ nghe em.

- Dạ.

Bác Sĩ Long xem bịnh cho đứa hài nhi, thật  kỹ. Xong ông chích cho nó một mũi thuốc. Ông bảo:

- Đứa bé yếu lắm. Nhưng chịu khó chăm nom cho nó, có thể cứu được. Trưa nay nó hết nóng cô nên bắt đầu cho nó bú sữa bò. Năm giờ chiều nay tôi sẽ đến coi mạch lại cho nó nữa.

Thanh bỡ ngỡ:

- Thưa Bác Sĩ, tôi làm phiền Bác Sĩ quá chăng?

- Không sao, cô Thanh. Tôi có thì giờ.

- Thưa Bác Sĩ, Bác Sĩ xem đứa bé có dễ nuôi không?

- Nếu không chích thuốc cho nó bữa nay, ngày mai sẽ làm nặng. Phổi nó yếu lắm. Nó có thế làm kinh phong thì khó chữa được nữa. Nhưng bây giờ cô yên tâm...

- Cám ơn Bác Sĩ. Xin Bác Sĩ làm ơn cho cái toa mua thuốc.

- Không cần mua thuốc. Từ bây giờ đến trưa nó bớt nóng. Cô cho nó bú sữa bò, nếu không có sữa mẹ... Ờ mà, xin lỗi cô, mẹ nó đâu?

Thanh mỉm cười:

- Thưa, mẹ nó là tôi đây.

Bác sĩ Long hiểu là Thanh nói đùa. Vì xem cô Thanh đâu phải là một sản phụ! Nhưng Bác Sĩ cũng đáp lại bằng một nụ cười, và nói tiếp:

-... Cô cho nó bú cách khoảng 3 giờ một lần, đúng theo lằn mức ghi trên chai sữa. Đêm nay cô chịu khó thức để canh chừng nó. Đắp mền cho nó ấm. Nếu có thể để lửa sưởi cho nó cũng tốt vậy, nhưng lửa đừng nóng lắm. Không nên để gió vào chỗ nó nằm. Nên che kín các song cửa sổ. Chiều tôi sẽ đến coi lại.

Bác Sĩ Long hỏi tiếp:

- Nhưng thành thật, tôi xin hỏi cô... Không phải vì tôi tò mò, nhưng tôi cần biết rõ để hiểu những nguyên nhân chứng bịnh đứa trẻ. Vậy chớ mẹ nó đâu?

- Sự thật, thưa Bác Sĩ, nó là một đứa con bỏ hoang. Một thằng bé chăn trâu trông thấy nó bị gói trong tấm vải cũ, bỏ nằm trơ trọi trên một chỗ đất hoang từ hồi hừng đông hôm qua, nó lượm đem đến đây. Thấy vậy tội nghiệp, tôi nuôi. Thằng bé chăn trâu đã tìm thấy nó, chính là em nhỏ lúc nãy dẫn Bác Sĩ đến đây.

- Tôi đã ngờ vực như thế. Và có câu chuyện nữa tôi mong được cô cho biết, để tôi hiểu thêm hoàn cảnh sanh ra đứa hài nhi này. Sự hiểu biết ấy rất có ích và rất quan trọng cho tôi trong khi tôi săn sóc nó. Lúc nãy cô yêu cầu tôi đừng cho ông Huyện và cô con gái ông biết là tôi đến đây chữa bịnh cho một hài nhi. Vì sao?

- Vì... nhưng thưa Bác Sĩ, điều tôi sắp nói chưa chắc đã là sự thật...

- Cô cứ nói. Chúng ta sẽ xét đoán đâu là sự thật.

- Vì tôi nghi rằng mẹ đứa hài nhi này Ià Hồng Lan, con gái của cậu Huyện tôi.

- Sự nghi ngờ của cô rất đúng. Bởi lẽ tôi đã đến chữa bịnh cho cô Hồng Lan từ sáng hôm qua. Cô ấy vừa mới sanh và đứa nhỏ này giống hệt cô Hồng Lan. Nhưng ông Huyện cho tôi biết là đứa hài nhi đã chết rồi mà! Vả lại, xin lỗi cô Thanh, cô Hồng Lan hình như chưa có chồng thì phải? Ông Huyện có quen thân với tôi, có mời tôi đến nhà ông hai ba lần thường nói đến cô Hồng Lan lúc cô ở học trên Saigon. Tôi chưa nghe lần nào ông Huyện nói là cô Hồng Lan có chồng.

- Vâng chị ấy chưa có chồng.

- Thế thì chúng ta có thể tin được rằng đứa bé hoang này, cô ấy không muốn nuôi nên đem bỏ ngoài ruộng, và tưởng nó chết rồi!

- Tôi có một bằng chứng xác thật hơn hết là ở nơi góc tấm drap cũ dùng gói đứa bé, có hai chữ thêu bằng chỉ hồng là hai chữ H. L.

Bác Sĩ Long cười:

- Cô làm trinh thám được đó!

- Chỉ là một ngẫu nhiên. Khi đem tấm drap vấy máu ướt đỏ đi giặt, rồi đem phơi, để ý thấy hai chữ H. L. tôi mới biết.

- Bây giờ tôi mới hiểu tại sao cô không muốn cho ông Huyện và cô Hồng Lan biết tôi đến đây chữa bịnh cho một đứa hài nhi. Giờ tôi có thể nói với cô rằng tôi đã giữ đúng lời hứa với cô.

- Cảm ơn Bác Sĩ. Tôi muốn giấu kín, không có mục đích nào khác hơn là để khỏi làm bận lòng cậu Huyện và chị Hồng Lan của tôi. Để cho ông Huyện và Hồng Lan cứ yên trí rằng đứa bé đã chết rồi.

Thanh sực nhớ là đang tiếp một người khách quý:

- Xin lỗi Bác Sĩ, tôi quên pha trà mời Bác Sĩ.

Thanh toan chạy xuống bếp lấy ấm nước nóng, nhưng Bác Sĩ Long gọi lại:

- Thôi, cô Thanh! Cô đừng bận rộn về việc đó. Tôi xin từ giã cô, và xin hẹn 5 giờ chiều nay sẽ trở lại.

- Xin lỗi Bác Sĩ, xin Bác Sĩ cho biết số tiền y phí bao nhiêu?

Bác Sĩ Long cười rất nhã nhặn:

- Cô là một Nữ thần của Bác ái và Nhơn đạo. Với cô, lẽ nào tôi dám nói đến chuyện tiền nông?

- Bác Sĩ không tính tiền thì tôi ngại lắm.

- Nếu cô Thanh muốn tôi đến chữa bịnh cho đứa bé xấu số này thì mong cô đừng nhắc đến chuyện tiền nông nữa.

Bác sĩ khẽ nghiêng mình từ giã. Thanh cảm động cúi đầu đáp lễ.

°

Thanh bán con heo được năm trăm đồng. Thật là một số tiền rất lớn đối với Thanh trong lúc nầy. Thằng Cùi hơi tiếc con heo, nhưng nghe Thanh nói Bác Sĩ đã đến chích thuốc cho Bé, và Bé hết nóng, Cùi mừng lắm. Thanh đưa tiền cho nó ra chợ mua một chai sữa với núm vú, cục xà bông đá để giặt tã, và hai cái ghim băng.

Lần hồi Thanh sắm đủ hết những đồ dùng cho đứa bé. Chính Thanh không dám sắm sửa riêng cho Thanh một tí gì. Cô thiếu thốn mọi thứ nhưng đứa bé có đủ cả. Bé có hai cái mũ để thay đổi, hai cái yếm xây, ba bộ quần áo, hai đôi vớ. Cứ đúng ba giờ Thanh cho Bé bú một chai sữa đến đúng lằn mức đã ghi sẵn trên chai. Nhờ Bác sĩ Long chăm nom thuốc men thật tận tâm, Bé đã hết nóng. Bú no là nó nằm ngủ yên một giấc, không khóc, không đòi. Thanh tập Bé nằm một mình, để rảnh rang còn làm công việc. Cứ sáng dậy Thanh pha nước nóng tắm cho Bé thay đồ đạc sạch sẽ cho Bé bú, rồi đi giặt tã, áo, băng phơi đến trưa khô cô lấy vô xếp tươm tất, thứ tự.

Những ngày đi gặt lúa mà không có thằng Cùi đến, Thanh nhờ chừng đúng ba giờ chạy về nhà cho bé bú một lần, cho bé nằm ngủ lại trên chỏng, đàng hoàng, rồi Thanh lại chạy ra ruộng.

Lần lần câu chuyện đứa con hoang của Thanh nuôi, nhiều người trong làng đều biết. Người ta đến xem, hoặc mấy chị đàn bà và mấy cô gái có dịp giúp đỡ Thanh đôi chút. Ai nấy đều khen Thanh, trầm trồ ca ngợi cô Thanh có lòng nhân đạo, ăn ở có phước đức, hiền lành. Một thân trơ trọi mà cán đáng được hết cả mọi việc gia đình; lại thêm một đứa bé hoang, nuôi nấng, chăm lo, săn sóc không khác nào một bà mẹ hiền.

Nhiều bà già đã móm, nhai trầu nhóc nhách cười:

- Nghĩ ông Trời khiến cũng hay chớ! Cô Thanh nuôi đứa bé nầy khác nào tò vò mà nuôi con nhện! Vậy mà thấy cô cưng nó quá!

Có đôi bà đến chơi ở cả buổi để giúp Thanh vì họ thấy Thanh một mình bận bịu quá. Họ tội nghiệp cho cô. Họ thương cô, họ kính phục cô. Nhưng cô không cho ai biết đứa bé là con của Hồng Lan và cô dặn cả thằng Cùi giấu kín. Cô nói cho mọi người rõ là một buổi sáng cô đi chợ sớm, thấy đứa hài nhi bị gói trong giấy nhựt trình bỏ trong một cái giỏ nhét nơi xó chợ, Cô thương hại, đem về nuôi. Mọi người đều tin lời cô. Riêng có ông Huyện và cô Hồng Lan thì kín cổng cao tường  không hay biết gì hết. Vả lại Hồng Lan, sau khi ở cữ xong được một tháng, nhờ Bác Sĩ Long thuốc thang cho đã bình phục lại, cô trở lên Saigon.

Thằng Cùi nhứt định không ở chăn trâu cho ông chủ nó nữa. Nó xin cô Thanh cho về ở với cô để đỡ đần cô. Thanh thương nó, nhưng ngặt một nỗi nhà cô nghèo quá, làm sao nuôi nó được? Thằng Cùi bảo:

- Thưa cô Hai, cô Hai cho em đi câu cá, đi bẫy chim, đi ra chợ làm xiếc, để em kiếm thêm tiền về cho cô Hai nuôi bé.

Thanh cười:

- Em biết làm xiếc nữa sao?

- Mấy lần em lên tỉnh, hồi cô Hai còn ở trong tù, để đem quà bánh và thư liên lạc cho cô Hai, em có học thêm nhiều trò xiếc hay lắm, cô Hai à. Em nhào lộn được, em đi dây được.

- Em đi dây cách nào?

- Dăng một sợi dây kẽm thiệt chắc qua hai gốc cây, rồi em leo lên đi trên dây, không té. Em đi tới đi lui. Đang đi em ngồi xuống thổi sáo, rồi lại đứng dậy đi. Bữa nào em đi cho cô Hai coi!

Thanh khen:

- Em giỏi quá!

- Cô Hai chưa thấy em nhào lộn như hát xiếc nữa đó! Nè em nhào cho cô coi, cô Hai.

Nói xong nó hăng hái cởi áo rách của nó ra quăng trên đất. Nó dẹp bàn ghế một bên. Nó đứng ngoài cửa, uốn ngửa mình thiệt cong thành hình bán nguyệt, đầu chấm xuống đất, hai tay chống hai bên, rồi nó đưa hai cẳng lên, để lộn sấp trở lại. Cứ như thế, lúc sấp, lúc ngửa, nó nhào lộn thật dẻo. Nó nhào được cả trên lưng con trâu trong lúc trâu điềm nhiên bước đi ăn cỏ, mà nó không té.

Nó cười, bảo cô Thanh:

- Em biết làm quỉ thuật nữa, cô Hai ơi!

- Chà! Em tài quá vậy, Cùi!

- Để em làm vài trò, cô Hai coi nghe!

Nó bảo cô Thanh cho nó mượn ba đồng bạc cắc, và cái khăn mặt. Nó bỏ ba cắc bạc trong khăn, gói ghém kỹ càng, nó nắm một đầu, còn một đầu nó đưa cô Thanh:

- Cô Hai rờ coi, có ba cắc bạc ở trỏng không?

Thanh mân mê cái khăn và gật đầu:

- Có.

Nó cột khăn lại, quay tròn mấy vòng, rồi lại đưa cô Thanh:

- Bây giờ cô Hai rờ coi, có ba cắc bạc ở trỏng không?

Thanh mân mê không thấy:

- Ủa! Em làm sao tài vậy? Ba cắc bạc biến đi đâu rồi?

Thằng Cùi cười ha hả, xòe tay ra:

- Nó đây nè, cô Hai!

Ba cắc bạc nằm trong tay nó.

Chiều hôm ấy, nó ra chợ làm xiếc và quỉ thuật cho người ta coi. Sáu giờ nó đem về cho cô Thanh hai chục đồng và năn nỉ xin cô Thanh cho nó ở luôn với cô:

- Em muốn ở với cô Hai để cô Hai dạy em học chữ, học Sử Ký, Địa Lý, Toán, như tụi học trò.

- Được. Chị bằng lòng cho em ở. Em sáng trí và có tài, lúc nào rảnh công việc, em ra chợ làm xiếc được ai cho tiền thì em để dành may áo quần cho em. Còn chị thì chị ráng làm công việc thuê mướn cho người ta cũng đủ tiền nuôi em với Bé. Em ở đây chị dạy cho em học, và em giúp đỡ chị chút ít công việc nhà. Những lúc chị đi gặt hái hoặc xay gạo, xay lúa mướn cho người ta thì em ở nhà coi chừng Bé.

- Dạ.

Từ hôm ấy, thằng Cùi ở luôn nhà cô Thanh, tối nó trải manh chiếu rách nằm ngủ ngoài hè. Ban ngày, nó chụm lửa, nấu cơm, quét dọn, và học.

Một buổi sáng, cách một năm sau, đúng ngày thôi nôi của Bé, Thanh bảo nó:

- Cùi à, hôm nay Bé được một tuổi, Cùi có nhớ không?

- Dạ vậy sao? Mau quá cô Hai nhỉ! Hèn chi Bé đã biết ngồi rồi! Cô Hai có muốn mua gì cúng thôi nôi cho Bé không?

- Nhà mình nghèo mà, Em! Nay chị chỉ muốn trồng một dây bí rợ.

- Để chi, cô Hai?

- Chị muốn có một kỷ niệm ngày sanh nhựt của Bé.

- Khó gì! Em lên Rạch Dừa, chỗ người ta bỏ đó, em nhổ một dây bí rợ hoang đem về trồng, đuợc không cô Hai?

- Được. Nhưng em nhổ đứt rễ thì nó chết. Em cầm cái dao lên đó, coi có cây bí con nào mới mọc em xắn đất chung quanh, thiệt sâu, rồi em bưng nhè nhẹ cho khỏi đứt rễ.

- Dạ. Thiếu gì bí con mới mọc, cô Hai!

Thằng Cùi hăng hái vác cuốc và cầm dao đi. Một lát nó đem về một cây bí con mà nó đã bứng rất cẩn thận như lời Thanh dặn. Thanh đào một lỗ sau bếp, trồng cây bí rợ.

Nhơn dịp ngày kỷ niệm sanh nhựt của Bé, Thanh đặt cho Bé một cái tên. Từ hôm Thằng Cùi xí được Bé cho đến nay, đúng một năm, Thanh bận rộn quá chưa nghĩ đến việc đặt tên cho Bé. Nay không lẽ cứ gọi ‘‘Bé’’ hoài, nên Thanh muốn cho nó một cái tên. Bởi lẽ thằng Cùi xí được nó vào lúc bình minh, Thanh liền đặt tên là bé Bình Minh. Còn họ, thì chẳng biết tính sao đây? Bé không có cha, không có mẹ, thôi thì lấy họ của Thanh vậy. Từ nay tên họ chánh thức của Bé là Nguyễn Thị Bình Minh.

Có lúc, Thanh muốn lấy họ của Đồng, là họ Lê, nhưng Thanh nghĩ lại rằng Thanh không có quyền. Bởi Đồng không có cho Thanh biết là Đồng có đứa con với Hồng Lan. Mặc dầu Thanh nửa tin nửa ngờ, và trong thâm tâm Thanh rất xót xa đau đớn về nghi án này, nhưng bây giờ đây bé Bình Minh chỉ là một đứa con rơi, một đứa con hoang, vô thừa nhận, thì Thanh đâu dám gắn họ Lê cho bé được?

Bé Bình Minh đã tập nói, và gọi Thanh là ‘‘Má’’, gọi thằng Cùi là anh, trông mặt nó thật ngộ. Lớn lên nó càng giống Hồng Lan như đúc. Trong làng dư luận bàn tán xôn xao. Mặc dù người nhà ông Huyện Cảnh không dám hở môi lộ ra bí mật, mặc dầu cô Thanh và thằng Cùi cũng nhứt định giấu kín, nhưng tiếng đồn đãi của dân chúng vẫn gán cho con gái ông Huyện đã chửa hoang sanh ra bé Bình Minh, rồi đem nó quăng ra xó chợ. Họ sợ oai quyền của ông Huyện, nên không dám nói ra, nhưng họ vẫn xầm xì bàn tán.

Những người đàn bà con gái đến chơi nhà cô Thanh để coi bé Bình Minh, chỉ chỏ cái miệng Bé, cặp mắt Bé, rồi nhìn nhau cười một cách ranh mãnh, tỏ rằng sự bé Bình Minh giống cô Hồng Lan là không chối cãi đàng trời nào được nữa. Nhưng cha nó là ai? Câu hỏi đó là một bí mật không tài nào khám phá nổi.

Thanh, thì dĩ nhiên cũng như mọi người, làm sao biết được người cha thất đức ấy là ai? Đồng? Thanh không muốn nghi rằng chính Đồng là thủ phạm. Trong những thư từ vài tháng mới có cơ hội lén gởi một cái cho Đồng, do thằng Cùi trao cho người liên lạc, Thanh không bao giờ nói đến chuyện bé Bình Minh. Thanh muốn hoàn toàn giấu Đồng chuyện ấy. Để Đồng khỏi bận tâm. Thanh cũng không nhắc nhở một câu nào về Hồng Lan, coi như chuyện ấy không có. Vả lại Thanh cho là vô lý cái việc mà Đồng có thể phạm một tội hèn nhát là làm cho Hồng Lan có chửa rồi bỏ nàng trốn đi. Không! Thanh suy nghĩ kỹ không thể tin như thế được!

Thanh cố nhớ lại những ngày tháng để phán đoán, tìm cho ra sự thật. Thanh nhớ hôm Đồng đến nhà ông Huyện để dạy học cho Hồng Lan là ngày 9 tháng 7 năm 1949. Đồng chỉ dạy được tám ngày rồi bỏ đi, tức là ngày 17 tháng 7. Vậy nếu Hồng Lan nói rằng có chửa với Đồng thì Hồng Lan phải thọ thai trong tám ngày đó. Đến hôm thằng Cùi xí được đứa bé, là hôm Hồng Lan sanh nó ra, là ngày 15 tháng 3 năm 1950. Tính ra thì mới có bảy tháng và mấy ngày thôi. Do đó Thanh đoán rằng Hồng Lan đã có thai lúc còn học ở Saigon ít nhứt cũng hai tháng trước khi gặp Đồng. Rồi có lẽ bị người tình bỏ rơi, Hồng Lan nhơn dịp về quê nghỉ hè gặp Đồng, muốn quyến rũ Đồng, bám lấy anh này để tránh được cái nhục nhã chửa hoang và gán cho Đồng là cha đứa Bé.

Thanh cho rằng giả thuyết này có phần đúng với sự thật hơn. Nhưng đó chỉ là giả thuyết, vì Thanh cũng nghi rằng hoặc giả Đồng có lấy Hồng Lan thiệt, và đứa bé bị sanh thiếu tháng chăng? Nghi vấn này, Thanh chưa có kinh nghiệm về việc sanh sản, nên không giải quyết được. Thanh định sẽ hỏi các bà già. Dầu sau, Thanh cho rằng con của Đồng hay con của người khác, đứa bé dễ thương nầy vẫn là một đứa hài nhi vô tội, không cha, không mẹ. Bổn phận của Thanh là nuôi nó và Thanh rất vui vẻ nuôi nó, không tiếc công lao cực nhọc, chính vì nó là đứa con hoang. Thanh sẽ dạy dỗ nó để sau nầy nó có thể trở thành một thiếu nữ tốt. Vả lại, đứa bé cũng ngộ nghĩnh, dễ thương, nên Thanh rất quyến luyến nó, và nó cũng đeo theo Thanh như mẹ ruột của nó vậy.

(Còn tiếp)

Nguyễn Vỹ

Tìm các bài TRUYỆN DÀI khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com