Hôm nay Bác sĩ Long buồn bã lạ thường. Mọi hôm, cứ đúng lệ mỗi buổi sáng ông đi thăm bịnh nhân ở các phòng, ông vui vẻ tử tế với tất cả mọi người, sáng nay, mặt ông buồn hiu. Không thấy bóng dáng một nụ cười trên môi ông. Ông không quạu quọ vì ít khi ông quạu với ai lắm, nhưng trái hẳn với mọi khi hôm nay ông ít nói. Bịnh nhân nói gì ông chỉ nghe rồi gật đầu. Ai đau nặng, ông xem mạch, và làm thinh. Thỉnh thoảng ông nói một vài câu cần thiết, rồi đi. Ông bước chậm chạp, như không muốn bước. Ông nghe lơ đễnh, như không muốn nghe, ông chỉ dặn thầy y tá:
- Thầy ghi chép thật kỹ giùm tôi rồi vô bàn giấy cho tôi xem.
Một cô nữ phụ tá giúp việc trực tiếp bên cạnh ông, độ chừng 20 tuổi, chưa có chồng, vừa xinh đẹp tha thướt, vào phòng giấy của ông như mọi khi, với điệu bộ duyên dáng muốn cho bác sĩ để ý tới mình. Thường bác sĩ Long vui vẻ tử tế với cô có khi rất dịu dàng, có lúc niềm nở, nhưng không bao giờ thân mật. Sáng hôm nay cô bước vô lúc ông vừa đi thăm bịnh về ngồi ủ rũ nơi bàn giấy. Cô đến gần ông:
- Thưa bác sĩ, sao hôm nay bác sĩ không được vui? Bác sĩ có điều chi phiền lòng không?
Ông nghiêm nghị, mà rất nhã nhặn, bảo:
- Cô Mai, xin cô vui lòng để yên tôi một mình ở đây.
Cô nữ phụ tá bẽn lẽn:
- Xin lỗi Bác sĩ.
Cô rón rén đi ra khép nhẹ cánh cửa, không hiểu sao hôm nay Bác sĩ Long khó tính đến như thế.
Bác sĩ Long ngồi yên lặng trong văn phòng, một tay đỡ trán, cúi đầu nghĩ ngợi,
Suốt đêm qua, bác sĩ không ngủ. Bức thơ trả lời của cô Thanh làm cho bác sĩ buồn bã thất vọng. Ông không ngờ, một Bác sĩ có danh tiếng là tài giỏi như ông, đã thắng được bao nhiêu cơn bịnh trầm trọng nguy hiểm của kẻ khác, mà chính ông không thắng được mối tình đau khổ của ông! Ông không hàn gắn được vết thương tê tái của lòng ông! Ông cảm thấy, hôm nay, ông là người đau khổ hơn tất cả mọi người.
Nhưng ông muốn quên, cố quên, để làm việc. Hay là ông muốn làm việc, cố làm việc, để quên!
Ông bấm chuông trên bàn gọi cô Mai. Lần này cô không dám đến gần ông, nhưng vẫn giữ nụ cười duyên dáng trên đôi môi tươi, khẽ mở cửa bước vào. Ông ngửng mặt ngó cô:
- Nhờ cô nói với thầy Lễ vô đây.
- Dạ.
Cô nữ phụ tá rón rén đi ra. Một phút sau, thầy Lễ vô. Bác sĩ bảo:
- Thầy cho tôi xem những điều ghi chép lúc nãy.
- Dạ, thưa Bác sĩ đây.
Bác sĩ xem kỹ từng trường hợp bịnh nhơn, và dặn thầy Lễ những cách săn sóc từng người. Xong ông đứng dậy đi qua bên nhà thương thí, và bên nhà hộ sanh.
Mười giờ ông trở lại phòng giấy, dặn cô nữ phụ tá:
- Cô Mai, tôi đi về nhà. Có chuyện chi cần gấp, nhờ cô gọi điện thoại cho tôi hay.
- Dạ. Thưa Bác sĩ sáng nay hình như Bác sĩ mệt, Bác sĩ cho phép tôi, 12 giờ tan sở, đến thăm Bác sĩ được không?
- Cám ơn cô. Cô có lòng tốt, nhưng cô biết tôi không tiếp phụ nữ ở nhà tôi. Vả lại, tôi không mệt.
Bác sĩ lái xe về nhà. Ông không thay đồ, để nguyên y phục lên giường nằm. Ông lấy chìa khóa mở một học tủ trên đầu giường, lấy ra bức thư của cô Thanh, coi lại:
7-12- 1952.
Kính gởi Bác sĩ Long.
Tôi rất đau lòng viết bức thư nầy để trả lời Bác sĩ như tôi đã hứa. Thưa Bác sĩ, tôi biết nói sao bây giờ? Tinh thần tôi đã rối loạn!
Tôi thành thật nói ngay rằng Bác sĩ là một người rất xứng đáng, rất cao thượng. Tôi đã nhận thấy ở Bác sĩ tất cả những đức tính quí báu, đáng kính phục của một người quân tử. Bác sĩ là một bậc trí thức chân chính, một đấng thanh niên gương mẫu, lòng yêu nước thiết tha, lòng yêu nhân loại rộng lớn, không như một số trí thức khác kiêu căng, khả bỉ.
Vả lại, tôi mang ơn Bác sĩ nhiều lắm. Từ lúc tôi còn đi học, phần thưởng đắc giá của Bác sĩ tặng tôi, mà tôi còn gìn tươm tất dưới mái nhà lá nghèo nàn nầy là một kỷ niệm rất quí báu, không phải vì giá trị vô ngần của nó, mà vì vinh dự đặc biệt Bác sĩ đã ban cho kẻ thơ sinh.
Rồi suốt một năm qua, tất cả những sự chăm sóc của Bác sĩ, những hy sinh hiếm có, những tận tụy rất cảm động của Bác sĩ đối với cháu. Bé Bình Minh, một đứa con hoang nhờ Bác sĩ cứu sống, và đối với tôi trong những khi trái nắng trở trời thân cô độc giữa thôn quê, nhớ ơn Bác sĩ cứu cho biết bao nhiêu lần! Những công ơn hải hà vô lượng ấy, dù có đền đáp cách nào cũng không đủ!
Cho nên Chúa Nhựt trước, khi Bác sĩ ngỏ lời muốn kết hôn với tôi, tôi quá cảm động đến nổi không nói được một lời để đáp lại thịnh tình của Bác sĩ. Câu nói thiết tha và chân thành của Bác sĩ đã thấm vào trong thâm để của lòng tôi. Tôi quí mến Bác sĩ vô cùng.
Nhưng thưa Bác sĩ, chính cái vinh dự cao quý mà Bác sĩ ban cho tôi, đã đem lại cho tôi một nguồn đau khổ vô tận. Đau khổ bởi vì tôi không có can đảm nhận lãnh cái số phận đẹp đẽ mà Bác sĩ để dành cho. Tôi không có can đảm phản bội một lời thề trước, thiêng liêng biết bao, bởi chính là lời thề đầu tiên đã gắn bó cuộc đời tôi.
Tôi xin Bác sĩ tha thứ cho tôi. Nếu bức thư nầy làm phiền lòng Bác sĩ, tôi tự coi đó là một lỗi lớn của tôi mà chỉ có Bác sĩ là tha thứ được cho tôi mà thôi,
Thân mến chào Bác sĩ.
Nguyễn Thị Thanh
Bác sĩ Long để thơ xuống giường.
Một làn gió mạnh đượm mùi thơm dịu của vườn hoa từ ngoài cửa sổ thổi vào, vài cánh hoa bay rụng trên lòng Bác sĩ. Trái tim của vị Bác sĩ thanh niên kia hình như cũng tan nát như cánh hoa bay.
Thật ra, nếu Bác sĩ Long muốn lấy vợ, có khó gì! Với địa vị của Bác sĩ, với tư cách tánh tình của Bác sĩ, với tuổi trẻ của Bác sĩ (đỗ Bác sĩ ở Pháp về, được bổ làm Giám Đốc bịnh viện, ông mới có 28 tuổi) biết bao nhiêu thiếu nữ mơ ước được làm vợ ông! Nhưng ông có tiếng là kén vợ, cho nên các cô gái nhà giàu ở Saigon, cũng như ở lục tỉnh, các cô tiểu thơ khuê các con các cụ, các Ngài, các cô sinh viên Trung Học, Đại Học, ‘‘muốn’’ Bác sĩ Long lắm, nhưng ông không muốn các cô. Nhiều cô, vì trường hợp quen biết gần gũi do sự giao thiệp, có những hoàn cảnh rất lãng mạn hoặc rất thực tế để tiếp xúc với Bác sĩ một cách có thể thân mật được. Các cô ấy đều có nhan sắc lộng lẫy, duyên dáng, yêu kiều, hay ít nhứt cũng có điệu bộ khả ái, rất dễ cám dỗ đàn ông. Ranh mãnh hay ngây thơ, suồng sã hay kín đáo, cố ý hay vô tình, họ cũng đã tìm cách tỏ lòng cảm mến Bác sĩ, trong một lời nói, một nụ cười, hoặc tỏ thiệt tình yêu trong một cử chỉ đầy hứa hẹn.
Nhưng với tất cả các nàng tiên diễm mộng ấy, Bác sĩ chỉ đối xử rất lịch sự, rất tử tế mà thôi.
Những người bạn thân của Bác sĩ hiểu ông hơn ai hết. Họ biết ông không phải lòng sắt dạ đá, và không phải là một người khó tánh. Ông cũng lãng mạn lắm chớ, cũng đa tình chẳng kém ai! Hồi còn đi học, ông cũng ‘‘mèo chuột’’ dữ lắm, và ngay ở Pháp người ta cũng có thấy ông thường đi dạo phố và đi tắm bể với hai cô Đầm trẻ đẹp ở trường Đại Học "Văn Khoa và Y khoa’’. Nhưng lấy vợ, ông chưa chịu lấy. Và từ khi về Việt Nam, ông không ‘‘bắt nhơn tình’’ với một phụ nữ nào nữa. Ông tu tĩnh, chăm lo làm phận sự.
Ông đã nói thiệt là ở địa vị của ông, và theo tính nết của ông, muốn gây hạnh phúc gia đình bền vững, muốn có một ổ ái tình xinh đẹp hoàn toàn, ông phải kén chọn một người bạn trăm năm cho thiệt hợp với lý tưởng của ông?.
Nhưng sự kén vợ của ông đâu có khó? Ông chỉ muốn một người thiếu nữ từ 18 đến 25 tuổi, học lực tương đương với bằng Thành Chung hay Tú Tài, có vẻ đẹp diễm lệ nhưng nghiêm trang, ngôn ngữ thật thùy mị, tính nết thật hiền lành, phúc hậu, giàu lòng nhân đạo, bác ái. Đó là người đàn bà lý tưởng của Bác sĩ Long. Còn nghèo hay giàu, ông không cần. Triệu phú, hay ức phú, ông không kể. Trong đám thân bằng cố hữu của ông, hoặc các cô em ruột hay em họ của ông hỏi ông:
- Sao anh không lấy cô Thúy Nga, con Ông Tổng Trưởng?
Ông đáp:
- Cô ấy lẳng lắm.
- Cô Quỳnh Hoa, trường Thuốc?
- Cô ấy hay khoe khoang, kiêu ngạo.
- Cô Liên trường Luật?
- Cô ấy hung dữ lắm..
- Cô Jeanine Hòa?
- Cô ấy nóng tính quá, không biết phải trái.
- Cô Hồng, giáo sư?
- Hồng tham lam, ích kỷ, nhỏ mọn.
- Cô Oanh, người Bắc, con bà Cự Hải, vừa đẹp vừa giàu, vừa ngoan, đủ nết tốt.
- Phong kiến lắm, quá trọng tiền tài địa vị, khinh khi người nghèo, tàn nhẫn với đứa ở.
- Cô Thiết, em ông Tỉnh Trưởng Mỗ?
- Xa hoa, mà ngu ngốc.
- Cô Henriette Long, cùng một tên với anh mà cũng học giỏi, đỗ Tú Tài rồi đó.
- Cô ấy được, nhưng cái miệng hay cười, con mắt hay liếc...
- Còn cô Quý, mắt không hay liếc, miệng không hay cười, mà lại đẹp học giỏi, hiền lành, thương người nghèo, phúc hậu, đủ các đức tính anh kén chọn, anh còn chê chỗ nào?
- Chỉ tiếc cái ngực ô-mê-ga.
- Vậy thì ý trung nhơn của anh là ai?
Là ai, Bác sĩ Long không nói. Ý trung nhơn của Bác sĩ, người mà Bác sĩ nhận thấy vừa đẹp rực rỡ ‘‘đẹp nhứt trên trần gian nầy’’ như ông nói, có vẻ đẹp thiên nhiên, dịu dàng và tinh khiết, lại vừa có tất cả tính quý báu của người vợ lý tưởng theo quan niệm ái tình và hạnh phúc của ông, người đàn bà đáng yêu nhứt, đáng quý nhứt, đáng thờ như vị thần, người đàn bà đầu tiên đã làm rung động trái tim của Bác sĩ, làm xao xuyến tâm hồn ông, người đàn bà hoàn toàn, duy nhứt trên thế gian, là cô Nguyễn Thị Thanh.
Nhưng ông không nói tên cô cho ai biết. Đó là cái tên thiêng liêng mà ông sẽ không bao giờ nói đến nếu ông không được nói trước bàn thờ ông bà cha mẹ, và trước bàn thờ Phật.
Bức thư dứt khoát của Thanh vừa làm tiêu tan tất cả hy vọng của ông. Đọc lại những lời lẽ nồng nàn cảm động của Thanh, ông biết Thanh cũng có nhiều cảm tình sâu sắc với ông. Nhưng bức thơ của Thanh đã tỏ ra ý định của Thanh không muốn phản bội lời thề đầu tiên của cô, lời thề gắn bó hai cuộc đời thanh niên trong một đêm giông tố.
Bác sĩ muốn biết vị hôn phu của Thanh là ai? Ai là người đã được Thanh gìn giữ mối tình trung thành một cách cảm động thiết tha như thế?
Một hôm Bác sĩ muốn gặng hỏi Thanh:
- Người ấy hiện giờ ở đâu?
Thanh mỉm cười đáp:
- Dạ, ở xa.
- Một sinh viên đang tòng học bên Pháp?
- Dạ, không phải.
- Một Thiếu Úy? Trung Úy đang ở ngoài mặt trận?
- Dạ không phải,
Bác sĩ gạn hỏi mãi, buộc lòng Thanh thú nhận:
- Dạ người ấy hiện ở ngoài Bưng, trong một sư đoàn Quốc gia kháng chiến.
Bác sĩ im lặng. Một lúc lâu, Bác sĩ hỏi thêm:
- Người ấy tên là gì?
- Dạ... Lê Quang Đồng.
Từ hôm ấy Bác sĩ không hỏi thêm gì nữa về cuộc tình duyên giữa ‘‘người ấy’’ với Thanh.
Nhưng Bác sĩ chưa hoàn toàn tuyệt vọng. Mỗi tháng vài lần Bác sĩ Long vẫn đến thăm cô Thanh, và thừa dịp đi xem sức khỏe cho Bé Bình Minh luôn thể. Ông không nói ra nhưng trong thâm tâm, ông rất khâm phục cô Thanh vì trong lúc các cô gái khác ở tỉnh ước ao được Bác sĩ chú ý đến, và thèm muốn được làm vợ Bác sĩ, thì cô gái nghèo khổ, côi cút độc thân ở đồng ruộng, lại từ chối tình yêu của ông, để giữ vẹn lời thề với một người xa vắng.
Nhưng cô từ chối khéo quá. Bức thơ của Thanh đầy những lời lẽ khôn ngoan và cảm động. Chính sự từ chối ấy càng làm cho Bác sĩ mê cô và đau khổ âm thầm không biết nói sao!
Việc cô nuôi đứa con hoang và chăm nom cho nó từng giờ từng phút, và lòng quyến luyến của cô đối với nó, là một hành vi nhơn đạo làm tăng danh dự và phẩm giá của Thanh bao nhiêu, tình yêu của Bác sĩ Long đối với cô càng đậm đà tha thiết bấy nhiêu.
Trên ba năm qua, từ khi Bác sĩ biết Thanh là một nữ sinh trường Trung Học được toàn thể giáo viên và học sinh mến phục và khen tặng, đến khi Thanh về làng làm cô gái quê, và cứu sống một đứa con hoang, tận tụy hy sinh để nuôi nó dưới túp nhà lá rách rưới ở thôn, cho đến ngày nay đứa bé đã ba tuổi,Thanh mỗi ngày mỗi đẹp thêm, tánh tình và tư cách mỗi ngày mỗi biểu lộ nết dịu dàng đáng yêu đáng quí hơn, trên ba năm ấy Bác sĩ chưa hề thấy nơi Thanh một nhược điểm nào cả.
Còn Thanh, Thanh nhận thấy Bác Sĩ Long trung thành với mình một cách quá thiết tha nồng nàn, suốt ba năm vẫn giữ mãi mối tình tuyệt vọng, Thanh rất cảm mến và rất đau khổ. Thật ra, Thanh không phải là khôrg yêu Bác sĩ Long. Nhưng chính vì yêu đó mà cô đau khổ! Chính vì Thanh đã trao tình yêu cho Đồng rồi! Thanh cương quyết không bao giờ phản bội lời giao kết với người yêu xa vắng, nhưng tỷ dụ như Thanh không biết Đồng và không hứa hôn với Đồng, thì chắc chắn là Thanh không chọn một người chồng nào xứng đáng hơn Bác sĩ Long được nữa. Thanh thấy rằng Bác sĩ Long sẽ là một người chồng hoàn toàn, rất hoàn toàn. Người đàn bà nào lấy Long sẽ là người đàn bà sung sướng nhứt trên đời, đầy đủ hạnh phúc tinh thần và vật chất. Thanh nhớ lại nhiều lần, cử chỉ rất đoan trang và tư cách rất tao nhã của Long đã làm cho Thanh gần như xiêu lòng. Nhiều lần, trong những lúc hai người ngồi đối diện chuyện trò, những lời nói chậm rãi và dịu dàng của Long chứng tỏ một sức học tài ba lỗi lạc, tư tưởng cao siêu, thái độ vừa điềm tĩnh vừa khôn ngoan, cử chỉ nhã nhặn đầy lễ độ, tính tình rất tế nhị, chí hướng rất cao xa, tất cả những ưu điểm toàn thiện toàn mỹ của bác sĩ Long như có sức quyến rũ mãnh liệt không ngờ, làm cho Thanh nhiều lần đã bị rối loạn, bị thôi miên, gần như bị chinh phục. Trong những giờ phút rạo rực ấy, nếu Long tha thiết khẩn cầu thì Thanh tránh sao khỏi bị sa ngã đê mê trong tay Long? Dầu Thanh có sức tự chủ mạnh mẽ thế nào chăng nữa, cũng khó mà chống cự lại nổi kẻ chiến thắng rất mềm mại dịu dàng kia! Nhưng cả hai người đều xứng đáng, cả hai người đều tỉnh táo, và tình yêu sôi nổi trong lòng họ như ngọn thủy trào sắp ngập tràn ra vũ trụ, đã êm dịu rút về trong đáy tim. Kể ra, ở hoàn cảnh của Thanh và Long, hai người có thể tự do luyến ái, có gì ngăn cản đâu? Nhưng họ chỉ âm thầm cảm mến có thể nói là yêu tha thiết mà không dám yêu! Thanh, vì quyết trung thành với Đồng mặc dầu Đồng xa vắng, Bác sĩ Long vì không muốn xúc phạm đến lòng trung thành tinh khiết ấy, cả hai người đều mến phục lẫn nhau, nhưng mỗi người đều giữ được trung thành với lương tâm của mình.
Cho nên nhận được bức thư của Thanh, Bác sĩ Long buồn bã, thất vọng, mà vẫn một lòng quý mến Thanh và quyết không yêu một người đàn bà nào khác trước khi Thanh quyết dịnh duyên phận bẽ bàng của cô một lần cuối cùng.
Bác sĩ Long khó rời hẳn được hình ảnh dịu dàng mê đắm ấy. Ông không thiết lấy vợ nữa. Ông còn muốn đợi chờ... Đợi chờ ai? Đợi chờ đến bao giờ?... Chính ông cũng không biết được nữa!
(Còn tiếp)
Nguyễn Vỹ