User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
thaytro

(Tiếp theo)

Giặc ngoài cho đã rồi tất nhiên sanh ra giặc trong, xã hội miền Nam tung tóe sút sổ như cái rổ bung vành. Luân thường đạo lý gì cũng chấn thương đến ngắc ngoải. Chỉ tội nghiệp cho cái đám con nhà lành vẫn cố bám víu vào chút giá trị tổ tông là bị thiệt thòi hết mức. Ðời sống tinh thần thì quay cuồng đến tối tăm mày mặt mà đời sống vật chất thì thắt lưng buộc bụng đến thở hết muốn ra hơi. Không biết cái đám nhà giàu quyền thế sống ra sao, chớ còn gia đình tôi trong cơn thả nổi vật vờ của kinh tế thời chiến, ba má tôi càng lúc càng khó khăn để nuôi lớn bầy con đông như bầy vịt hãn. Những bữa cơm đã bắt đầu thấy rau cỏ nhiều hơn thịt cá. Mớ huê lợi thu hoạch hằng năm cộng bù với số lương công chức vốn đã cho anh em tôi sung túc từ trước không còn nữa. Ðất đai nằm lọt ngay vùng xôi đậu, ruộng rẫy thì để cho anh em bên kia gài mìn đặt bẫy, vườn tược thì để cho anh em bên này ném bom giập pháo, đất cát cày lên sụp xuống bao nhiêu phen đến ba cái mớ cỏ dại cũng mọc còn không muốn nổi. Tôi mới học nửa chừng Trung Học mà lòng đã mang mang những chuyện lo rầu trước tuổi. Tương lai tối mò như đêm hôm bị cúp điện. Chiến tranh làm thay đổi mọi thứ giá trị, cái thiệt thành giả, cái giả hóa thiệt, mấy bài học Quốc Văn giáo khoa thư cũng đành thua buồn mà xếp vào hộc tủ.

Tinh thần quốc gia, lòng yêu nước, bổn phận công dân… bị sắp đứng chung hàng với đám tham nhũng, buôn lậu, mua quan bán tước mất tiêu luôn mớ ý nghĩa thiêng liêng. Kẻ sĩ giờ chót cô đơn như anh chàng vọc nước giỡn trăng, buồn và vô vị không kém gì cảnh nước xao trăng lặn. Ðám trẻ mới lớn lên loay hoay không còn biết ngả lòng vào đâu mà tin tưởng. Thời buổi như vậy thì phải quan to súng ngắn hoặc “chính chị chính em” mới lên mặt được với đời. Nếu không thì cũng phải võ vẽ ba chữ Ăng-lê múa tay múa chưn cho nhuyễn đi làm sở Mỹ thì mới hòng có ăn. Ngặt cái gia đình tôi lỡ “giáo” tới mấy đời rồi, cứ lo lành cho sạch rách cho thơm riết rồi thiệt tình con cháu cũng chỉ còn nhấm nháp có cái tiếng mà không nếm được cái miếng nào hết. Bên cạnh đó thì chuyện lính tráng cứ đeo theo sát nút đám con trai. Cái mộng giang hồ của tôi vì vậy mà cũng đành xếp vào xó bếp. Con đường trước mặt không còn hoa bướm nữa. Lệnh động viên như lưỡi gươm Damoclès treo lủng lẳng trên đầu. Ðậu Tú Tài đúng năm đúng tuổi thì có lắm đường trả ơn cha nghĩa mẹ, mà rớt thì chỉ có một đường đi trả ơn tổ quốc. Thành ra đám con trai mới lớn như cỡ tôi, đứa nào đứa nấy cuống cuồng lên lo báo hiếu cha mẹ đến trối chết. Học ngày không hết phải lo học đêm, học trường không đủ phải lo học cua, học mà như chạy giặc, nàng thơ nàng mộng gì cũng đứng xếp de qua một bên cho mấy anh lo báo đáp ơn nghĩa sinh thành. Nghĩ mà tội nghiệp, làm trai xứ này đúng là đầu thai lộn chỗ, ăn chưa biết no co chưa biết ấm là đã có chuyện lo rồi. Học hành gần chết mà lỡ sơ sẩy một chút là chỉ có nước “trả lại em yêu” hết mọi thứ kể cả cái mạng sống không đáng nửa đồng xu của mình. Nhưng nói mà không sợ tội, cái số nghiệt ngã đó chỉ dành cho đám con nhà nghèo thấp cổ bé miệng thôi. Chớ còn cô chiêu với cậu ấm thì mới vừa tới tuổi đã được đưa đi “hy sinh” tận ở đâu đâu. Ðể rồi lâu lâu thì rước về đi thăm thú sự tình cho đừng quên cái bộ mặt rách bươm của đất mẹ. Khổ một nỗi là mỗi lần có mấy cô cậu về thăm là cái đám cùng trang lứa đang bận “hy sinh” tại chỗ cứ được xách đi mở lối nằm đường đến trầy da tróc vảy. Nhưng mà thôi, giận dỗi thì nói vậy chớ có ở đâu mà tuổi trẻ được ân cần giành giựt như ở đây. Bên nào cũng chực chờ sẵn, hở ra là o bế mời đi liền. Không bên này cũng bên kia. Cái gì thiếu chớ súng đạn thì không thiếu, mặc tình mà xài thả dàn.

Trong tình cảnh đó tôi chỉ còn nước kiếm đường mà đi phục vụ chính nghĩa cho chắc ăn. Chớ còn giữ rịt mấy cái mộng lớn mộng nhỏ chẳng chóng thì chầy cũng bị Quân Cảnh hoặc Cảnh Sát hỏi Giấy Hoãn Dịch hoài thì cũng phiền lắm. Vả lại trong nhà có hai ông anh, ông thì đã tình nguyện vào trường Võ Bị Ðà Lạt, giờ đó đang quần thảo với Việt cộng đâu ở miệt Lộc Ninh Bố Ðức, ông thì mới bị động viên vô trường Thủ Ðức, ba má tôi mỗi lúc mỗi thêm héo hắt. Ðã vậy mà cứ nay thì láng giềng bên trái có anh về nhà “trên đôi nạng gỗ”, mai mốt anh hàng xóm bên phải trở về còn “phủ màu cờ”, có lòng cha mẹ nào mà chịu nổi. Má tôi thì khỏi nói, sớm chiều cứ khói hương van vái đủ cỡ Phật Trời, có khi còn rướm rướm nước mắt khi thấy tôi tình cờ vọt ngang. Chắc làm gì mà không có tên tôi trong danh sách bà gởi đi bốn phương tám hướng. Ba tôi thì lo không ra mặt mà trở nên ít nói, mỗi ngày đọc báo tới bản tin chiến sự là nghe tiếng chắc lưỡi. Vừa lúc tôi tấn lên chụp được cái bằng Tú Tài chưa kịp hí hửng thì đã như chồng thêm lên mình ba má tôi không biết mấy tầng đá tảng nữa. Bởi vậy mà ngó trước ngó sau rồi không chừng chỉ có cách đi làm thầy giáo là đúng sách vở thánh hiền nhất, dù không biết báo hiếu được bao nhiêu nhưng chắc đỡ được phần báo đời cho cha mẹ. Chớ nói thiệt có vong linh ông Khổng Tử chứng minh quả tình tôi tự xét thấy không có một chút gì là thiên chức giáo dục. Làm sao một đứa như tôi có thể đóng bộ vận mô phạm cho được. Cứ nghĩ tới lúc nào cũng phải đi đứng ngay ngắn, điệu bộ đàng hoàng, nói cười chững chạc là tôi đã thấy lạnh mình. Rồi suốt đời còn phải làm gương cho bầy trẻ. Trời, tôi mà làm gương được sao? Mấy cái kiểu mẫu với khuôn khổ tôi đã xé rách không biết bao nhiêu lần. Còn nhỏ xíu là cả xóm đã biết mặt, lớn một chút là cả thành phố đã biết gần hết tên. Mấy cái vụ leo rào, trèo cây, phá phách lối xóm vụ nào cũng có mặt tôi. Tối ngày la cà đầu trên xóm dưới, tụ năm tụ bảy hút lén thuốc lá lẻ, chọc ghẹo mấy thím xẩm lớn xẩm nhỏ, xách xe đạp lạng đào sát rạt vô duyên, có khi còn bị mấy ông “nhạc phụ” tương lai hăm he méc ba méc má…

Tôi mà đi làm thầy dạy ai nghe. Rồi bạn bè tôi nữa có đứa nào ăn học nên thân nên hình gì đâu. Cả đám ba gai bốn góc đã phong cho tôi làm quân sư thì làm sao tôi bỏ tụi nó đi vào chánh đạo cho đành. Mấy cái thành tích đó nếu có kê vào Phiếu Lý Lịch số 3 xin làm học trò lễ của Hội Khổng Học chắc là không những bị từ chối mà còn bị căng nọc trước sân Thánh Miếu mà đánh đòn, lại còn dám liên lụy đến mấy ông thầy giáo của tôi nữa. Quan trọng nhất là ba cái mộng cỏn con của tôi ai vào đây gánh vác. Tôi chỉ khoái ông Cao Bá Quát làm loạn chớ đâu khoái ông làm giáo thụ. Cái cảnh nhà một-thầy-một-cô-một-chó-cái-học-trò-dăm-đứa-nửa-người-nửa-ngợm-nửa-đười-ươi của ông đã làm tôi rầu thúi ruột. Bây giờ chui vô biết chừng nào mới bước được ra. Chẳng lẽ đời tôi sẽ là một đời ngăn nắp, chi li, yên phận thủ thường đến nỗi đoán biết trước cả mấy chục năm sau. Chớ chạy đâu cho khỏi. Hai mươi đến ba mươi tôi sẽ được đời thưa anh-giáo. Ba mươi đến bốn mươi được thăng lên chú-giáo. Năm mươi đến sáu mươi được nhấc lên bác-giáo. Từ sáu mươi trở lên chắc được tôn làm cụ-giáo… Con đường hoạn lộ kể ra thì cũng hanh thông. Nhưng nghe sao mà thấy buồn quá. Rồi còn cái cảnh thê triền tử phược nữa, thầy giáo là phải chân chỉ hạt bột, phải giữ đường chánh mà đi, không được đi ngang về tắt. Ngày lễ, thứ Bảy Chúa Nhựt, là quần áo phẳng phiu, tóc tai thẳng thớm dắt vợ con đi chợ búa, gật đầu thăm hỏi sức khỏe người này, ghé miệng bàn chuyện mưa nắng với người nọ, điệu bộ lúc nào cũng vừa vừa phải phải, không nhanh không chậm, không mạnh không yếu. Tan chợ trở về ghé tiệm chú Xìn hay chú Woòng ăn một bữa cơm gia đình có đủ ba món canh xào mặn truyền thống để gọi là bảo tồn văn hóa nước nhà. Xong xuôi về lo ngủ sớm để sáng thứ Hai lại quần áo phẳng phiu, tóc tai thẳng thớm đến trường tiếp tục gõ đầu trẻ. Trời ơi cuộc đời của tôi đó sao? Làm sao mà chịu cho thấu. Má tôi là đàn bà làm bà giáo già thôi cũng được đi. Còn ba tôi làm sao mà kiên trì dạy dỗ được từ mấy chục năm nay? Càng nghĩ càng thêm rối trí. Ngó tới ngó lui thấy đường đời nhiều nẻo mà nẻo nào sao cũng tối om. Ba má tôi chắc trong bụng rất muốn tôi nối nghiệp ông bà nhưng vì thương con mà không muốn ép. Ba tôi dù thuộc thế hệ xưa nhưng lại rất cởi mở với con cái từ chuyện chọn vợ kén chồng đến kiếm nghề lựa nghiệp đều để cho tụi tôi tự ý. Mà bây giờ tự ý chắc là không được nữa rồi. Ba má tôi không nỡ ép con, còn tôi, tôi cũng đâu thể ép lòng cha mẹ. Thôi tôi đi làm thầy giáo vậy.

Như vậy đó mà tôi thấy tôi xách đơn nộp thi vào trường Ðại Học Sư Phạm. Chắc ba má tôi vái Trời vái Phật dữ lắm sao mà tôi đậu trót lọt. Sau một năm lang thang ở Văn Khoa kết bè kết bạn viết văn làm báo, lo chuyện bao đồng nhiều hơn chuyện học, tôi đi học làm thầy.

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai Sài Gòn chẳng có chút sương thu mà cũng không mảy may gió lạnh, tôi lựa bộ đồ chiến nhất, áo trắng và quần «din» lành lặn nhất xỏ đôi giày «mô-cát-xanh» không vớ đi đến trường. Kỹ lưỡng hơn nữa, từ hôm qua tôi đã ghé lại tiệm hớt tóc ngoài đầu phố mà đã lâu lắm tôi không có tới lui, nhờ cắt bớt mái tóc “thề” phủ ót. Dĩ nhiên không phải dễ dàng gì mà đoạn tuyệt với dĩ vãng đâu. Tôi đã chỉ dẫn ông thợ già hết hơi thiếu điều biểu ông lấy thước mà đo từng sợi “thí phát”. Vậy mà chừng xong rồi, dòm lại kiếng tôi mắc cỡ muốn chun xuống đất. Trời ơi tóc tai gì mà gọn gàng trông như ông thầy giáo vậy. Nhưng đời đã lỡ một đường kéo rồi, có trời xuống mà dán cũng không dính lại được. Tôi giận tôi, tôi giận đời, tôi giận luôn ông thợ già đến quên cho tiền buộc-boa, quày quả bỏ đi một nước. Vậy mà đã hết đâu, về tới căn gác trọ, đám bạn tôi chờ sẵn từ hồi nào không biết mà vừa thấy mặt là ôm bụng nằm lăn ra cười. Ðứa thì chắp tay xá xá thưa cụ, đứa thì giả bộ ngậm ngùi kiểu như tiếc nuối lắm những sợi tóc mới nửa-chừng-xuân đã vùi nông một đống trong giỏ rác của ông thợ cắt-sấy-gội-nhuộm. Nhưng mà thôi cãi lẫy chi cho thêm mệt, ai có phần nấy mà. Tôi, tôi đã xin chọn nghiệp làm thầy, thử coi con tạo nó xoay vần tới chỗ nào cho biết.

Ngay từ bữa trình diện đầu tiên tôi đã va đầu cái cụp vào khung cửa hẹp của ngôi nhà giáo dục. Ông Giáo Sư thỉnh giảng của trường trong bộ áo vét ba mảnh bảnh bao, chiếc kính gọng vàng lấp la lấp lánh, vừa phe phẩy cái quạt giấy đúng-điệu-tiên-sinh vừa ngắm nhìn tôi có vẻ lạ lắm. Rồi bằng một giọng Huế nhỏ nhẹ còn hơn gió thoảng, ông phỏng vấn tôi ba điều bốn chuyện. Tôi làm mặt khờ còn hơn mặt con gái đang yêu, trả lời thưa gởi cẩn thận như vốn đã chính chuyên từ lúc còn trong bụng mẹ. Ông thầy có vẻ bằng lòng lắm, ra bộ thân mật căn dặn từ nay đừng quên ăn mặc chỉnh tề. Tôi dạ dạ vâng vâng mà trong bụng lầu bầu đi dạy học chớ bộ đi hỏi vợ sao mà phải diện bộ vận tề chỉnh. Nhưng mà nói thì nói vậy chớ ngay tôi, tôi cũng thấy mình không giống ai hết. Sao mà ở đây ai cũng tươm tất lịch sự. Ðàn bà con gái thôi khỏi nói. Còn đàn ông con trai thì người nào người nấy đi đứng sao mà khoan thai từ tốn, ăn nói chậm rãi, tóc tai chải rẽ bảy ba ngay bon thiếu điều lấy com-pa mà kẽ góc, còn y phục thì ôi thôi trang nhã không thua gì Kim Trọng. Tôi thấy mình lạc lõng như “gươm lạc giữa rừng hoa” vậy đó. Nhưng mà rồi cũng xong, đâu phải thấy bộ áo thầy tu là chắc không gặp ăn cướp đâu, tôi trở thành học trò của trường dạy làm thầy, y như tên đồ tể buông dao bỗng nhiên hóa thân thành Phật.

Cao Vị Khanh
(còn tiếp)

 

Tìm các bài TRUYỆN DÀI khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com