User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
thaytro

(Tiếp theo)

Trường Ðại Học Sư Phạm này gốc ở tuốt ngoài Hà Nội, vốn đã có tiếng từ lâu, đâu từ thời còn đề huề liên bang Ðông Dương nhằm đào tạo Giáo Sư cho cả ba nước Việt Miên Lèo. Ðến khi cộng sản vồ được miền Bắc, thầy trò dắt nhau chạy một mạch vô Sài Gòn làm lại cuộc đời, thay tên đổi họ cũng đã mấy lần. Rồi khi có ông giáo già ở Vĩnh Long lên làm Thủ Tướng thì giống như thói đời có họ hàng làm quan cũng bắt quàng thêm bổng lộc. Học bổng của sinh viên được tăng thêm, tốt nghiệp được xếp vào ngạch trật công chức hạng A, chỉ số lương nâng lên xấp xỉ ngang hàng với bác sĩ, nhất là cái Giấy Hoãn Dịch vì học vấn thì trị giá không thua gì mấy bộ áo giáp. Xách cái giấy này đi đâu cũng lọt nhất là vào mấy chỗ lựa rể đông sàng, bởi vì ứng viên có nó giống như món hàng có ga-răng-ti-à-vi [*] vậy đó. Tệ lắm bà giáo cũng có hy vọng được ăn tiền hưu trí. Chớ còn thời giặc giã, mạng người còn nhẹ hơn cả sợi lông măng, tính toán sơ sẩy thì dẫu mười hai tháng lương tử tuất cũng đâu đủ để đổi lấy hạnh phúc lứa đôi. Bởi vậy mà ráng đeo đuổi tới nơi tới chốn, khi ra trường cũng dễ kiếm được người nâng khăn sửa túi. Không biết có phải tại vậy không mà trong lớp có khoảng bốn mươi người nửa trai nửa gái tôi thấy đã hết mười chín người nam học hành chăm chỉ hết sức. Còn mấy cô thì khỏi phải nói. Kể ra cũng tốt cho tiền đồ của nền giáo dục nước nhà. Tôi cũng vậy, chắc cũng giống như cây cam trồng ở Giang Bắc thì chua mà đem về trồng ở Giang Nam thì ngọt vậy đó. Tôi thấy mấy ông đồng môn của tôi học hành chu đáo quá cũng đâm ra mắc cỡ, vả lại không có bạn lêu lổng thì bê bối với ai. Thành ra tôi cũng ráng bắt chước cho đúng câu cách ngôn thuộc lòng từ thời Tiểu Học: «Gần mực thì đen gần đèn thì sáng».

Vả lại không chịu học hành cũng không xong. Ba má tôi đã về hưu sau bốn mươi năm cặm cụi với nghề có vẻ hãnh diện với thằng con “hồi chánh” lắm. Chưa gì hết ba tôi đã đi tâm tình với mấy ông giáo xung quanh mới có thằng con nối nghiệp, mà nhất là không phải thầy giáo làng như ông. Có vẻ như ông bà tin tưởng vào cái sự nghiệp dạy dỗ của tôi lắm, làm như tôi sắp nối tiếp luôn cái công trình bỏ dở của ông Khổng Tử vậy. Bỗng nhiên tôi thấy mình vác một trọng trách lớn quá, lớn và nặng như cái bóng phu tử được đời phóng đại từ trong lịch sử. Tôi đành làm người đứng đắn mặc dầu không phải lúc nào cũng dễ dàng, chớ chẳng lẽ tóc cắt ngắn rồi không dài ra nữa sao. Có hôm tình cờ đọc được mấy cuốn sách của Jack Kerouac, dường như cũng là sư tổ hay sư phụ gì đó của đám Hippie cứ đòi làm-tình-mà-không-thèm-làm-giặc, tôi chỉ muốn phủi bỏ hết mớ dây mơ rễ má nhùng nhằng để đi lang bang qua lại cuộc đời. Không sướng sao. Ðói thì kiếm việc gì đó mà làm kiếm ăn. No bụng rồi thì lơ mơ mà sống suông nhẹ như nước chảy, không ai biết tới mình mà mình cũng chẳng biết tới ai. Tội gì mà đi chuốc chuyện phiền muộn vào mình cho mệt. Ðời người có mấy lăm hơi mà cứ đi làm ba cái chuyện lu bu chắc tưởng sống dai như ông Bành Tổ. Thêm mấy giờ Triết Đông nhồi thêm nữa là tôi muốn bỏ đi luôn như lão Ðam cỡi trâu xanh đỏng đảnh qua quan ải. Có điều hồi xưa không có Quân Cảnh hỏi giấy cũng dễ tu tiên. Còn bây giờ, đã khác lắm… Làm trai ở cái xứ văn hiến là phải chữ nghĩa đủ điều, giấy lớn giấy nhỏ cạc xanh cạc đỏ gì bỏ đầy cả túi, vậy mà đôi khi còn được ân cần mời về bót chớ đừng nói đỏng đảnh mà bỏ đi.

dhsp 4Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước 1975 Nguồn: Internet

Tôi theo chúng bạn mỗi ngày vô ra con đường trải sỏi lẩn khuất đằng sau khu trường Khoa Học với cái đại giảng đường rộng như chiếc Hàng Không Mẫu Hạm tối tân lúc nào cũng ồn ào sinh động. Trong khi đó cái lò luyện cừ của tôi chỉ là một dãy lầu ba từng cũ kỹ cất đâu từ thời Pháp thuộc, rong rêu đóng dầy đến nỗi mái ngói đỏ chỉ còn màu đen bầm, cộng với màu tường vôi vàng bệch như mặt người bất tỉnh. Cái kiểu xây cất như trại lính thuộc địa, không có hành lang mở thông ra ngoài như kiến trúc mới, mọi sinh hoạt gom chùm nhum vào bên trong bốn bức vách cao chỉ để hở có mấy cái cửa sổ tí hí thành ra mới dòm có cảm giác như cả một khối bí mật im lìm, nín thinh, già sụm như hết nhúc nhích nổi. Mà cũng lạ lắm, không biết có phải tại vậy không mà ngay khi vừa đặt chân tới là người ta cảm thấy liền một cái gì đó trầm trọng, nặng nề như cả năm ngón tay của Phật tổ chụm lại thành năm hòn ngũ nhạc chặn lên mình làm cho Tôn Hành Giả cũng hết đường cục cựa. Bởi vậy mà rồi tôi cũng chịu phép theo thầy đi thỉnh cho hết ba năm kinh kệ. Cũng tốt thôi, chừng nào gỡ được cái bùa trấn quái rồi hãy hay.

Kinh nhiều lắm, văn học ta văn học Tàu, văn chương độc tôn với văn chương đối chiếu, chữ Nôm chữ Hán chữ Tây chữ Anh rồi tâm lý trẻ em tâm lý dậy thì, rồi phương pháp sư phạm phương pháp khải đạo… Ðủ kiểu đủ cách. Từ bảy mươi hai ông hiền Trung quốc đến hai mươi tám ông sao Việt Nam, từ ông ăng-lê A-Ðam Xì-Mít đến ông tây Mông-tết-qui-ơ, từ tác phẩm cổ điển La Hy đến phong trào đợt sóng mới Tây phương, tiểu thuyết trường thiên đến tiểu thuyết phản tiểu thuyết, thơ cũ thơ mới rồi thơ vừa cũ vừa mới… mấy thầy mấy cô thứ thiệt ở trên hết hơi thuyết giảng cho đến nơi đến chốn, mấy thầy mấy cô tập sự ở dưới thì hụt hơi quơ hốt cho đầy túi khôn. Thơ văn phơi phới lãng đãng như mây trời muốn bắt nhốt trong mấy ngăn trí nhớ vậy mà dễ. Còn cái thứ chữ-Nôm-nửa-Ta-nửa-Tàu với lại chữ Hán-rặt-nòi-lục-bộ thì thôi khỏi nói, nó khó dàn trời. Xổ, đá, móc, chấm, phẩy, nét ngang trước, nét xổ sau, bên trái trước, bên phải sau, ở trên trước ở dưới sau, mấy câu thiệu tập viết thứ chữ ngoằn ngoèo đó cứ lộn tùng phèo mỗi khi mấy thầy đồ tân thời múa bút. Khổ hơn nữa là không có lối đánh vần như chữ ta. Chữ ta trời ơi tôi thương biết mấy! Học đủ có hai mươi bốn chữ cái là đọc thông thiên kinh vạn quyển, học một biết mười. Còn ở đây với vỏn vẹn có sáu bộ làm chuẩn thôi mà thiên biến vạn hoá ra không biết cơ man nào là chữ. Ðặc biệt học chữ nào biết chữ nấy, học một biết một, học hai biết hai, mà không học là… bí. Hồi trước, đọc kiếm hiệp Kim Dung tôi cứ mê Trương Thúy Sơn sử dụng bút lông thay kiếm, võ công là mấy pho chữ Tàu, đánh võ mà như viết thiếp, mỗi nét chấm là một cú điểm huyệt, mỗi nét phẩy là một đòn bạt sơn nghe vừa hùng vừa đẹp. Ðến chừng đụng vô rồi mới biết. Ngồi mà gò từng nét còn gian nan hơn đẽo đá nữa. Với lại hồi xưa tập viết chữ khi tóc còn để trái đào, ngón tay dịu nhĩu như kẹo dẻo, lòng trống trơn như cái bong bóng thì học và tập bao nhiêu mà không được. Còn bây giờ, “kẻ sĩ” đã lắm phong trần, tay chân đầu óc đã lì gần bằng sắt nguội, thì phải nói học làm thầy đồ cũng khó như thợ rèn uốn sắt. Ðã vậy tình thế học tập không có gì đáng khích lệ.

Không biết ai xui khiến mà trong lớp có hai ông người Việt gốc Hoa, đã học chữ “thiên triều” từ khi mới ra khỏi bụng mẹ. Học chung một lớp, mà trên bảng ông thầy vừa mới xổ có một nét là hai ông đã viết xong cái chữ có mười nét. Ðến lúc bạn bè làm tác văn kiểu “nhà em có nuôi một ông nội” thì có ông đã lo dịch truyện Quỳnh Dao đăng báo ăn tiền. Hổng lẽ mời hai ông lên dạy thế, chớ đúng ra vốn liếng đó cũng đáng để kêu bằng sư phụ rồi. Cuộc chiến đấu không cân sức làm cho trận giặc hết hào hứng, ai nấy lê lết như đám bại binh chỉ mong cho mau tới lúc đầu hàng. Lấy cho được cái điểm trung bình để qua truông đã là phước đức. Bởi vậy mà đám dân tộc Việt hận lắm, chỉ đợi thời cơ là vùng lên cởi ách “đô hộ”. Dịp đó là những lần đi dạy thực tập ở các trường Trung Học trong vùng Sài Gòn. Thói đời là hễ viết hay thì nói không hay, đã viết chữ tàu như rồng bay phụng múa thì nói tiếng Việt thế nào cũng bị lẹo lưỡi. Lần nào cũng vậy, mỗi lần họp lại để rút ưu khuyết điểm là hai ông Minh Hương cũng bị đưa lên bàn mổ tận tình về vấn đề ngôn ngữ bất thông, chậm lụt như phải uốn lưỡi tới bảy bảy bốn mươi chín lần mới ra tiếng. Nhưng mà ai biểu đi chọn cái nghề trình diễn trước công chúng. Mai đây một mình đứng lớp không còn ai hỗ trợ rồi ăn nói làm sao với cùng một lúc năm sáu chục cái miệng cùng phát ngôn một lượt. Bởi vậy mà học chữ rồi cũng chưa đủ, còn phải học ăn học nói học đi học đứng nữa cho được mười phân vẹn mười. Ai biểu làm thầy là sướng? Không làm thầy khổ lắm chứ! Nói thì có chữ nên mà có chữ không nên, đi thì ngay ngắn chớ không được nhảy nhót, đứng thì cũng được nhắc đứng thẳng chớ đừng dựa ngửa dựa nghiêng. Rồi phải giữ bình tĩnh, biết ứng phó với hoàn cảnh, biết ta biết địch…

Mấy lời giáo đầu của ông Giáo Sư thực tập mới nghe đã thấy cứng mình. Nhưng mà ở trường thì lý thuyết rao giòn giã như vậy. Tới chừng lần đầu tiên đi thực tập, dắt nhau vào ngay ổ áo trắng đúng mùa nắng hạn Sài Gòn, nắng toé lửa trên cả ngàn vạt áo lấp la lấp lánh như ngàn cánh bướm bay lên một lượt làm mấy thầy trẻ choáng váng như say máu ngà vậy. Con trai hai mươi hai mươi mốt tuổi đầu bỗng nhiên một hôm lọt giữa vòng vây toàn người khác phái, mặc dầu không ai ăn thịt ăn cá gì mình cũng tự nhiên đâm hoảng hốt, luống cuống, bài vở của thầy đành trả lại cho thầy. Lúc ấy chỉ còn có bài võ gia truyền thủ thân nghĩa là thứ võ rừng, đụng đâu múa đó. Lần đó tôi nhận một bài giảng Cung Oán ở một lớp Đệ Tam Gia Long. Ý là đã chí thú sửa soạn từ hai ba bữa trước, tôi lại là thằng cứng đầu cứng cổ có hạng, vậy mà mới vừa lên tiếng chào hỏi cử toạ được vài tiếng là muốn cứng họng. Năm mươi mấy cặp kiếm quang sắc còn hơn dao chẻ cau của mấy bà già trầu cùng phóng lên một lượt xẹt qua xẹt lại đến phát ớn. Hồi xưa mấy kẻ tội đồ bị xẻ da lóc thịt đau đớn ra sao không biết chớ còn tôi lúc đó sao thấy mình mẩy ngứa ngáy khó chịu, máu chảy rần rần dội lên đầu hừng hực, mặt mày nóng ran, tay chân thừa thãi không biết để đâu cho tiện. Tay phải cầm cục phấn cũng được rồi, còn cái tay trái sao mà vô duyên quơ qua quơ lại như bắt chuồn chuồn hoài cũng mỏi, thọc vào túi quần thì lộ vẻ khinh đời, vịn góc bàn thì tỏ vẻ yếu đuối bộ run lắm sao mà tìm chỗ dựa. Ôi thôi mãnh hổ nan địch quần hồ! Ôi thầy ôi phen này chắc đệ tử bỏ xác tại… tràng! Dĩ nhiên nếu là tuồng cải lương thì chỗ này xuống vọng cổ phựt đèn màu chắc là lâm ly phải biết. Nhưng ở đây không có cải lương hát bội gì hết, chỉ có năm mươi mấy “ma nữ đa tình” đang hí ha hí hửng trững giỡn con mồi non, thêm bốn năm cặp mắt cú vọ của đám bạn cùng trường đang rình rập dò xét và đặc biệt là cặp mắt nhướng lên đằng sau cái gọng kiếng trễ xuống của ông thầy hướng dẫn đang ghi ghi chép chép. Tình thế căng như sợi dây thun giãn ra hết mức. Chỉ cần vuột tay một cái là mọi sự tiêu điều. Vậy mà không biết sao nhìn mấy cái bản mặt làm ra vẻ nghiêm trọng tột độ đó tôi bỗng thấy nó khôi hài đến hết mức khi nghĩ tới giờ ra chơi mới mấy phút trước đây mấy chục cái miệng xinh xắn đó đã tranh nhau xuýt xoa cắn miếng xoài tượng ngâm cam thảo không kịp nghỉ môi mà bây giờ thì mím chặt như là chưa từng biết tóp tép ăn hàng vặt. Gần sáu chục cặp mắt thì mở to hết cỡ cho đúng điệu con-nai-vàng-ngơ-ngác. Rồi còn ông thầy của tôi, hồi nãy trước khi đi làm hổng biết có dạ dạ vâng vâng gì với cô không nữa mà bây giờ thì oai nghiêm như ông quan Ngự Sử sửa soạn đăng đàn tuyên án.

Còn tôi nữa, không biết hổm rày thì nghiêm cẩn tới đâu mà bây giờ thì đi đứng tới lui thẳng băng thiếu điều bẻ góc chín chục độ, cái cổ áo vẫn thường mở phanh như thiếu nút khi không rồi ai biểu thắt chặt cái cà-la-quách mượn đỡ của ông anh tới muốn nghẹt thở. Vở tuồng ai đâu viết sẵn mà cả đám bỗng làm trò hề ngang xương. Hề! Ðúng rồi, như có ai đó xáng ngay đầu tôi một tia chớp làm tôi “ngộ” tức khắc. Một lũ hề! Có gì đáng kể đâu cuộc đời này. Bộ không phải là hề hết sao cái đám nhân quần lúc nhúc dưới đó. Mấy chục cô học trò, bốn năm ông thầy vừa thiệt vừa giả, và cả tôi nữa cũng chỉ là một đám diễn viên xuất sắc của một hí kịch dài. Nghĩ vậy là tôi chơi luôn cái vai hề chánh một cách thoải mái, nhẹ nhàng, không thắc mắc. Tôi hùng dũng đi qua đi lại, nói thao thao bất tuyệt, tay mặt thảy nhồi nhồi cục phấn lên xuống rồi thảy qua cho tay trái chơi luôn trò tung hứng, cả lớp ngồi xếp de mà không biết có hiểu gì không nữa. Mấy người bạn trố mắt nhìn không biết là khâm phục hay hốt hoảng. Còn ông thầy thì chắc ghi khuyết điểm không kịp nữa nên cũng ngồi đơ luôn. Ðược trớn tôi làm tới, bắt chước điệu bộ bất cần đời, khinh khỉnh của thần tượng của tôi lúc đó, Eric Segal, vừa là Giáo Sư Đại Học vừa là tác giả tập truyện Love Story ngắn ngủn mà lại làm người ta khóc dài dài tới quên thôi. Tôi coi hình thấy ông ta thường đứng gác một chân trên bục một chân dưới sàn, dựa tường dựa vách, ngả ngả nghiêng nghiêng cứ như cành liễu, cười nói thả dàn, có khi ngồi bật ngửa trên ghế, có khi tay chống cằm trên bàn như thể sầu đời đâu tự lúc nào. Ông ta phóng khoáng, tự chủ, tự do như một “ông thầy” vậy. Chớ tại sao phải làm bộ làm tịch ra vẻ trịnh trọng xa cách, tại sao không thân mật gần gũi, dạy học như thể tâm tình. Tại sao làm thầy là phải nghiêm nghị. Làm thầy dạy học chớ bộ thầy tu sao mà đúc cái bản mặt cho trơ trơ như đá. Ðâu còn cái thời quân sư phụ mà lễ nghi kiểu cách, tam bộ nhất bái, giáo bất nghiêm sư chi đọa, đẩy ông thầy và học trò ra xa tới độ thắc mắc cũng không dám giơ tay hỏi. Tại sao tôi phải làm như không phải là tôi, tại sao phải sống một cách giả trá, phải làm mặt lạnh lùng khi lòng ta nóng hổi, dạy học có phải là truyền đến môn sinh cái tình người bất tuyệt vốn sẵn hừng hực giữa đời ta. Mà cách hay nhất để người khác chịu mở lòng ra đón nhận có phải tự mình mở toang cửa lòng mình ra trước? Muốn người ta nhận thì phải cho đi, cho mười nhận lại một, đó có phải là thiên chức đúng nhất của bậc thầy không? Sao không tạo ra một mối tương quan hai chiều thuận thảo để lớp học trở nên một nơi chốn tươi vui, dễ chịu, để mọi người đều tìm được ở đó chỗ của mình, một chỗ để cho đi và để nhận lại.

Cao Vị Khanh
(còn tiếp)
 
[*] Ghi chú của Nguyệt Mai:
Từ tiếng Pháp “garantie à vie” có nghĩa là bảo hành trọn đời
 

 

Tìm các bài TRUYỆN DÀI khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com