User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
thaytro

(Tiếp theo)

Khỏi nói là lần đó về trường tôi lãnh đủ. Phá lệ. Cao bồi. Nhảy rào. Phạm trường quy. Ôi thôi đủ tội. Bản cáo trạng dài và hùng hồn như sớ chém đầu nịnh thần. Nhưng đầu tôi không rụng mà ngược lại tôi thấy dễ chịu như vừa tìm được một câu trả lời cho mình. Hôm qua, sau buổi dạy, không thấy sao mấy tia mắt đồng tình của đám học trò lạ. Mặc dầu chỉ là những nét thiện cảm bất chợt, mơ hồ nhưng đối với tôi vẫn là những dấu hiệu khích lệ cho những tìm kiếm từ khi biết mình sẽ sống với cái nghề vốn dĩ không lấy gì làm thích hợp. Tôi không cãi, không biện hộ, tôi chỉ chọn lấy cho tôi cái cách thế dễ chịu nhất để dung hòa sự khác biệt giữa tôi và nghề nghiệp. Biết đâu tôi có thể tìm lại được chính tôi.

Vậy đó rồi ba năm qua đi. Ai chân chỉ thì cứ chân chỉ. Ai leo rào thì cứ tiếp tục leo rào. Chữ tàu cứ tiếp tục múa loạn. Văn chương nhồi riết cũng thành nếp. Tôi đậu ra trường không cao không thấp. Cái lớp năm đầu có bốn mươi tới khi tốt nghiệp còn ba mươi ba rồi sẽ chia nhau đi mấy trăm trường trung học trong nước. Bữa tiệc từ giã coi vậy mà lúc nào cũng có một chút nước mắt. Sao tự dưng mọi người bỗng thấy quyến luyến khu trường khắc khổ, thấy thương thương gốc còng cổ thụ, thấy tiêng tiếc chiếc ghế sắt có gắn miếng ván nhỏ làm bàn viết, biết sẽ nhớ những buổi học sớm những chiều về muộn và biết chắc mình đang mất dần một thuở hồn nhiên. Biết mai đây sẽ có lần giữa lớp chợt cười khan khi thấy một cử chỉ chọc phá của học trò mình sao giống in như mình đã chọc phá thầy mình trước đây. Có phải không dòng sống chỉ là sự lặp đi lặp lại không biết mệt của những chuyện đời rất mực vô tình? Ba năm trước tôi đến trường với một hồn loạn lạc, ba năm sau tôi rời trường trong nỗi yên bình. Trong cái siết tay chào biệt của ông thầy già minh triết, người thầy mà tôi kính trọng nhất trong suốt những năm học ở đây, tôi như nhận hết cả tấm lòng quảng đại của một đời người tận tụy, đã hết sức phong ba nhưng vẫn chắc dạ bao dung. Trong cái nháy mắt tinh quái và nụ cười rộng lượng sao tôi thấy cả một niềm tin cậy ông muốn gởi cho tôi, và đặc biệt cái vỗ vai thân mật kèm một lời nói nhỏ “tôi tin anh sẽ thành công” đã làm tôi rưng rưng khi quay lưng bước đi. Ðâu có lời dặn dò nào ân cần hơn nữa.

2. Ðường đi Rạch Giá thị quá sơn trường…

Nguồn:http://lyhuong-rachgia.blogspot.com

Khi tôi cầm tờ Sự vụ lệnh bổ nhiệm của Bộ Giáo dục đưa cho bà chị thứ hai coi, tôi đã thấy mắt chị chớp chớp như có bụi. Ðến khi thấy mấy chữ trường trung học Nguyễn Trung Trực, thị xã Rạch Giá là chị khóc oà lên rồi mếu máo: “Rồi em đi chừng nào về?”  Làm như thằng em bé bỏng của chị sắp sửa tay súng tay dao dấn thân vào miền viễn tây gió bụi mịt trời với đám da đỏ vừa phóng ngựa vòng vòng vừa la lối om sòm trong mấy phim cao-bồi Mỹ vậy. Nhưng rồi thấy chị khóc cũng phải. Chị lớn hơn tôi gần con giáp rưỡi, đã có lúc nuôi tôi cưng chiều như mẹ thương con. Rồi bây giờ chị thấy tôi bỏ chị mà đi, đi đâu không đi mà lại đi về miền Tây xa tít, xuống tuốt tới cái xứ Rạch Giá xa sao mà xa tới nỗi chỉ mới nghe tên là đã thấy hoang mang. Mà không biết ai bày đặt chi cái câu hát ví von quái ác làm cho người ở miệt trên cứ mỗi lần nghe nói đến Rạch Giá là tự dưng hình dung trong đầu một cõi sơn cùng thủy tận. Ðường đi Rạch Giá, thị quá sơn trường. Gió run cây sậy dạ buồn nhớ em. Mới nghe là đã thấy rầu thúi ruột. Mà điều chắc hồi đó trời đất hoang vu lắm, người ta còn quây quần ở hai bên bờ sông Tiền thì cánh đồng trầm thủy ở bên kia sông Hậu đổ dài ra tới vịnh Xiêm-La còn là một cõi trống bỏ không, chỉ có tranh sậy đun lác tràm đước chen chúc với cái cò cái diệc bồ nông, để mặc cho cọp beo rắn rít mãng xà… giành nhau khai “hộ khẩu”. Lâu lâu mới có đôi ba người nổi máu giang hồ chịu khó vác chiếu vác nóp, lận dao xách rựa, bỏ cái chỗ đã ấm êm để chống xuồng dấn sâu vào cõi u u minh minh đó. Ði như vậy đâu khác gì Kinh Kha qua sông Dịch nên làm sao mà không cảm thấy ngùi ngùi, nhất là nếu có cô hai cô ba nào đó lỡ hứa dại sẽ chờ cho tới răng long đầu bạc. Thói thường ai cũng trách người đi xa hay vui cảnh mới nên dễ quên người đợi ở nhà. Khổ một nỗi, dấn vô đó rồi ngày này qua ngày khác chỉ có một trời một nước mênh mông, một chiếc xuồng với bạn bầy chèo chống, còn lại là lau sậy mịt trời, trên bờ thì chim kêu vượn hú, tối xuống là đom đóm chờn vờn như lũ ma trơi, lấy cái gì vui mà quên chờ với quên đợi. Cho nên không lạ gì mà có lắm tiếng kêu rêu than thở. Gió run cây sậy dạ buồn nhớ em. Vâng, chắc còn hoang vu lắm, sậy lát nhiều lắm. Nhiều đến đỗi đã vô tới sách vở lận. Rồi ăn sâu vô đầu óc của người ở miệt trên, như bà chị thứ hai của tôi vậy. Tội nghiệp cả đời lấy chồng rồi theo chồng ở Sài Gòn, bốn phương tám hướng chỉ biết tới cái “bắc” Mỹ Thuận là cửa ải phía bắc quê cha thôi. Thành ra chị khóc ngất nghe tin tôi đi biệt mù tới tận Rạch Giá. Trời ơi Rạch Giá thị quá sơn trường mà! Chị thương thằng em của chị quá chớ chị không nghĩ rằng từ đó tới nay đã trăm năm rồi thì sậy lát gì cũng đâu còn đủ hơi mà run rẩy tới độ làm cho ai đó “nhớ em” nổi nữa. Dĩ nhiên địa lý địa dư tôi cũng chẳng hơn gì chị tuy nhiên tôi còn nguyên cái tuổi trẻ bạt mạng và hơi hướm chút mộng giang hồ sót lại nên cười cười biểu chị yên tâm. Chỉ có điều chính tôi thì tôi không an tâm chút nào. Không phải tôi ngại ngùng chỗ lạ đâu. Ngược lại tôi còn khoái nữa là khác. Ai đời đi dạy học mà đòi về ngay quê cũ thì có khác gì tự mình chui vào rọ. Mỗi mỗi đều có sự giám sát của thân bằng quyến thuộc hai bên họ hàng nội ngoại, cộng thêm miệng đời ăn không ngồi rồi vẫn thường đòi mét “thầy-tư-ba-tôi” từ khi tôi còn nhỏ dại. Phiền lắm lắm. Chẳng thà hành nghề ở cõi xa xứ lạ mà lỡ có vung tay quá trán chút đỉnh cũng không ai biết mà rầy rà. Chính tôi đã chủ ý như vậy khi nhường cho người bạn chỗ của mình để nó và cô bạn mới hứa hôn được về chung một nhiệm sở ở quê tôi. Còn tôi thì xách va-li đi tuốt một hơi ra tới góc biển luôn. Dĩ nhiên việc này đã được giấu kín cho tới khi tôi mọc rễ ở Rạch Giá mới được khui ra để chứng minh cho cái thuyết nhơn duyên tiền định. Cũng được đi, nhưng mà ngay lúc đó tôi đâu có biết được chuyện gì sẽ xảy ra cho mình ở chỗ chân mây, trước mắt chỉ thấy mình sẽ phải xa Sài Gòn, nghĩa là xa những chiều thứ bảy phố phường nườm nượp, nghĩa là xa những đêm cuối tuần nhảy nhót quên thôi, và nhất là bỏ lại hai cái hột nhãn long lanh chín tới. Bởi vậy một mặt thì lo trấn an bà chị, mặt khác tôi còn phải lo trấn an tôi nữa. Thôi thì chuyện tới đâu hay tới đó. Vả lại mình đâu phải chủ vườn có bằng khoán gì đâu mà đòi thâu huê lợi. Mà có muốn ở lại để giữ vườn nhãn cũng không được, ai cho! Thôi thì vương vấn vài ngày cho đúng thủ tục rồi cũng phải từ giã để mặc cho con tạo nó tính giùm phải hơn.

Nhưng mà dường như con tạo cũng không bằng ông xếnh-xáng, mới sáu tháng sau hột nhãn đã được xuất cảng qua Pháp để giữ giống cho khỏi lai nòi lang bang. Ở xa cũng có nghe nước mắt ngắn nước mắt dài nhưng mà tôi biết lâu lâu rồi cũng khô. Không có ai chết cả, những mối tình của một thời mới lớn, người ta hay yêu thương quá sức mình. Mà cũng khỏi có hái hoa ti-gôn phơi ép làm kỷ niệm gì hết. Mấy cái vụ tình chết non yểu phải để nó lạn cho mau như mả Ðạm Tiên vậy thôi. Tôi còn phải tập yêu cái nhiệm sở mới của tôi nữa chớ.

Nguồn: http://namrom64.blogspot.com

Rạch Giá năm tôi mới tới như cô gái đã quá tuổi dậy thì. Thành phố dựng trên một cù lao hình tam giác. Mặt ngoài là cạnh đáy cong cong ngó ra biển có mấy hòn đảo nhỏ mờ mờ như điểm mấy nút ruồi làm duyên. Mặt trong thì níu chặt với vườn ruộng mênh mông bằng bốn cái cầu sắt như thể sợ vuột tay bay mất. Cái đám lau sậy hù dọa trong câu hát bất nhơn không còn nữa. Dường như nó mọc không kịp với số nhà cửa của lưu dân đổ xô tới đây khai thác cái kho tiền rừng bạc biển. Rạch Giá giàu lắm. Cái cảm giác đầu tiên trong buổi chiều mưa cuối tháng sáu khi tôi đặt chân tới lần đầu tiên là thành phố có rất nhiều nhà lầu. Những căn nhà lầu ốm nhom cao nhòng đứng chen lấn với mấy dãy phố lùn tịt trông vừa buồn cười vừa ngộ nghĩnh. Làm như thành phố phát triển lẹ quá nên người ta không còn đất để phình ra nữa đành phải vọt lên, đứng vênh mặt nghểu nghếnh như muốn cạnh nhau chút ánh sáng mặt trời. Kế bên đó, lẫn khuất đằng sau những hàng rào sắt uốn cong kiểu cách, những gốc me già tới cỡ hai người ôm là những ngôi nhà chạm trổ công phu, đường nét cầu kỳ băng hăng bó hó, đứng lầm lầm lỳ lỳ như mấy ông nhà giàu xưa tự ái. Nếu không kể đến những xóm nhà khiêm nhường nằm lúp xúp như biết thân biết phận, thành phố là biểu hiện của kiểu sống chung hòa bình không lấy gì làm thuận thảo. Một bên thì danh phận đã lâu đời, kiêu ngầm. Một bên thì mới phát, xốc nổi. Nhưng mà ngầm hay nổi thì cũng tiền muôn bạc vạn. Lúa thóc hay nước mắm cá tôm gì cũng đều là tiền, thứ tiền mua được cả tiên nữa. Tôi không biết hồi xưa công tử Bạc Liêu chơi hoang thế nào chớ còn công tử Rạch Giá bây giờ cũng đâu kém phần hào sảng. Ở đó người ta chơi phong độ lắm. Từ lối ăn uống, đến cách thế đãi đằng đều biểu lộ một đời sống sung túc quá mức. Chẳng cần ở lâu cũng thấy được đất đai ở đây quả tình đãi người rất hậu. Có ở đâu như ở đây mà thực phẩm trần gian phong phú như vậy. Cá biển cá đồng, thịt rừng, thịt rắn, nghêu sò ốc hến không thiếu một thứ gì. Mà lại đặc biệt toàn đồ tươi roi rói, cá tôm còn giẫy đành đạch, chớ đồ đông lạnh thì xin lỗi để chất lên xe hàng chở đi nơi khác. Chưa nói đến cái đặc sản nước mắm Phú Quốc danh nổi như cồn, thơm lừng khắp cả miền Nam. Thôi thì nước nhì, nước nhứt, rồi nước nhỉ, rồi cốt y, ốc trâu, rồi mấy chục phần trăm chất đạm gì gì đó… không đâu bằng ở đây. Cả một vựa lúa trời cho, nguyên một kho cá biển tặng, xứ Rạch Giá giàu có như một vương triều thịnh trị. Tôi lọt về đó như chuột sa hũ nếp, nhưng là loại chuột lắt thành ra cũng không tốn kém bao nhiêu cho cái xứ phú hộ này. Vả lại mang tiếng về đó để làm thầy chớ đâu để làm giàu hay để làm bếp cho nên tới ngày tàn cuộc rồi bỏ đi tôi vẫn là tôi, kí-lô không lên được gờ-ram nào mà tài sản thì cũng chẳng thêm được xu nhỏ, chỉ có cái tình người là tôi giàu có lên tới gấp bội lần.

Cao Vị Khanh
(còn tiếp)
 
 
 

 

Tìm các bài TRUYỆN DÀI khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com