(Tiếp theo)
Hôm mới tới, trình diện xong xuôi với ông Hiệu Trưởng mặt trắng môi son không thua gì Phan An Tống Ngọc và ông Giám Học cao nhòng như Diệu Thủ Thư Sinh, tôi được đưa đi một vòng để cho biết sự tình. Trời ơi trường học gì mà mới nhìn cứ y như là trại gia binh mà lại còn bị cắt đôi như hai miền Nam Bắc phân tranh. Hết chuyện rồi sao mà nhè trường học lại đi phóng con đường băng ngang như con sông Bến Hải vậy. Mỗi ngày ông đi qua bà đi lại, xe cộ chạy tới chạy lui lộn xộn thì còn gì là cái vẻ nghiêm túc của cửa Khổng sân Trình. Ðể cho người-không-phận-sự được vô ra thong thả, lỡ hôm nào có bà đánh ghen hay ông trốn tình tạt qua thì có khác gì mở cửa đời đột ngột cho cái đám học trò nhỏ nhào vô học có. Hay là mấy ông Kiến Trúc Sư thời mới cứ tưởng hễ là trường tổng hợp thì cái gì cũng phải có cho nó có vẻ tổng hợp. Ngoài mấy cái môn mới bắt chước theo Mỹ như kinh tế gia đình, đánh máy doanh thương gì gì đó bộ còn thêm cái môn đời sống thực nghiệm nữa sao? Suốt những năm học tập của tôi chưa bao giờ tôi thấy được một thứ nhà trường gần sát với đời sống chừng ấy. Thiệt tình tôi phục sát đất mấy ông có trách nhiệm thời đó không biết nói sao cho hết, để vậy mà coi cho được. Cái hình ảnh tôi mang trong đầu về một ngôi trường uy nghiêm, kín cổng cao tường phút chốc bể văng ra không biết làm mấy mảnh. Rồi thêm cái vị trí heo hút nằm tuốt ngoài đồng hoang càng làm cho nó có một vẻ bị bạc đãi thế nào. Mai mốt đứng giữa lớp, ngó bên phải xe cộ dập dìu, ngó bên trái đồng không mông quạnh, không biết tôi chia hồn tôi làm mấy ngõ, có ngõ nào để chăn dắt đám em tôi không?
Nhưng mà thấy lạ thì nói chớ trường xấu đẹp thì có ăn nhằm gì tới cái chuyện dạy học của tôi. Chương trình thì có Bộ Giáo Dục lo, giờ giấc thì có Phòng Giám Học sắp. Mặc kệ mấy cái dãy lớp song song hay thẳng góc, tôi vẫn thấy rộn ràng khi nghĩ tới ngày nhận lớp đầu tiên. Nhưng tới chừng cầm bảng sắp giờ, tôi mới té ngửa. Bộ cái ông Giám Học ổng lộn sao chớ. Tôi đường đường tốt nghiệp Giáo Sư Việt Hán ngành Đệ Nhị Cấp, nghĩa là dạy từ lớp Đệ Tam tới Đệ Nhứt, mà sao chia giờ toàn là lớp Đệ Thất với Đệ Lục. Bộ cái bằng của tôi là bằng giả hay sao? Hay là học trò ở đây giỏi quá? Hoặc là mấy ông bà đồng nghiệp của tôi tài năng thượng thặng hơn tôi nên phải dành hết giờ mấy lớp lớn cho xứng tài của họ? Nhưng mà dường như đâu có ai học khác trường tôi học đâu? Cũng bao nhiêu bài vở đó, bao nhiêu phương pháp sư phạm đó, họ có cái gì tột chúng mà tôi không có chăng? Thắc mắc cho đã rồi thôi tôi cũng bỏ qua chẳng thèm hỏi lại, chỉ nghe phong phanh chừng như trên đầu tôi còn tới mấy lớp đàn anh mình mẩy dầy mo kinh nghiệm. Người đến sau không được hỗn hào chộn rộn làm mất hòa khí với trật tự. Vâng, thì cũng chính cái hòa khí và trật tự đó đã tạo nên sức phản động làm trì trệ xã hội. Tuổi trẻ có kêu rêu thì bảo là cao ngạo.
Nhưng mà tình trạng đó cũng không phải chỉ có riêng ở đây thôi. Nó là cái thói hư lề mề của tinh thần phong kiến, người ta ngoài mặt thì la đòi đổi mới mà trong bụng thì chỉ muốn giữ rịt. Tôi mà có la thì thiên hạ bảo là nổi loạn, vậy chớ bao nhiêu lần tuổi trẻ nổi loạn rồi, cả mấy tầng tầng rêu cũ đó có hề hấn gì đâu. Thôi thì ngậm miệng cho được tiếng lễ độ, nhất là ở ngay cái ổ “tiên học lễ, hậu học văn” này. Bao nhiêu chuẩn bị để đánh trận lớn họ không cho xài thì đánh trận nhỏ lại càng đỡ hao quân. Tôi đi nhận lớp với tâm trạng của một hiền thần bị thất sủng, vừa tự mắc cỡ với nỗi hí hửng ngây thơ vừa thấy bẽ bàng cho cục tự ái to bằng cái đình của mình. Ðồng thời tôi dặn tôi liền phải biết e dè quý vị đàn anh đạo cao đức dầy, đi dạy mà như đi họp thượng đỉnh, áo quần chỉnh tề, tay măng-sết gài không thiếu nút nào, mặt mũi nghiêm trọng, xách cặp da dầy cộm như chứa cả một thư viện Đại Học trong đó. Sao tôi thấy tôi không giống chút nào với đám đồng nghiệp lão thành này, từ điệu bộ đến cách ăn nói. Có phải tuổi đời và tuổi nghề đã khiến họ càng lúc càng rúc sâu vào lớp vỏ cứng ngắt như cái mai rùa, thủ thân thủ thế, lơ lơ lửng lửng như mặt hồ im ỉm trong khi cuộc đời và tuổi trẻ cứ thay đổi sùng sục chung quanh. Cái đó được gọi là kinh nghiệm đó sao? Nghĩ vậy rồi tôi thấy buồn buồn, biết chừng nào tôi mới “lão thành” và “kinh nghiệm” được như vậy để còn “lên lớp”. Thôi thì vui với đám đệ tử tí hon của tôi vậy. Nhưng mà rồi vui thiệt tình. Ðám học trò mới từ Tiểu Học lên nhỏ xíu như trái chùm ruột và lộn xộn như bầy khỉ con làm tôi quên buồn. Tôi lại còn khoái nữa. Mỗi giờ dạy như một giờ ra chơi. Tôi giỡn đùa với tụi nó, rầy rà, la hét, ép đứa này sửa cái giọng ngọng nghệu, bắt đứa kia chép lại cái chữ sai, tôi kể chuyện đời xưa, chuyện cổ tích, tôi dạy Trinh Thử, Lục Súc Tranh Công mà làm như chiếu phim hoạt họa của Walt Disney, dạy Gia Huấn Ca cứ giả bộ như cha già răn đe con cái… Mà lại chỉ xài toàn bài bụng thôi mới là “đã”. Ngay cả tới chừng đọc cho chép lại bài giảng tôi cũng cứ “sáng tác” ngay tại chỗ mà không cần phải soạn thảo lôi thôi gì hết. Nghĩ cũng khoái thật, tôi dạy học mà như chơi. Nói có mấy bậc tiền bối chứng giám, tôi học hành nghiên cứu tới mấy “bồ chữ” mà bây giờ dạy dỗ có chút đỉnh vốn lẻ thì không thảnh thơi sao được. Mà không chừng nhờ vậy tôi tránh được cái lối dạy văn chương chán phèo trên tay dưới mắt lúc nào cũng kè kè bài-soạn-cẩm-nang không dám rời một phút. Ðó chẳng phải là điều tôi đã suy nghĩ trong mấy năm ở trường sư phạm sao. Muốn dạy một phải biết mười. Kiến thức chính là cái vốn trầm tích trong đầu, trong tim ngay từ vô thức. Văn chương vốn là nguồn sống bất tận, chảy miên man không ngừng nghỉ. Nó tự nhiên như con nước, tươi tắn như giọt sương, là hơi thở của trời đất, là nhịp tim của muôn đời. Muốn truyền đi cho được cái thông điệp huyền nhiệm đó, nguời ta phải thở cùng hơi, đập cùng nhịp với nó. Nghĩa là chính mình phải sống đẹp, sống thật với văn chương mới làm cho người khác sống đẹp, sống thật cùng với mình được. Chớ còn dạy văn chương mà nhốt văn chương chữ nghĩa trong khuôn khổ chật hẹp của giáo khoa thì chỉ là vô tình giết chết văn chương thôi. Bởi vậy, dù không nói ra tôi rất kỵ lối dạy văn chương một cách máy móc, thiếu sáng tạo, bo bo theo sách vở như kẻ chìm tàu đeo riết lấy chiếc phao, không dám cục cựa. Ðọc một câu thơ mà không thoát ra khỏi được cái khung mòn nhẵn của chữ nghĩa và thi pháp để hồn mình chạm tới hồn thơ thì làm sao đem thơ cảm hoá được lòng người. Làm thầy dạy quốc văn mà không xui được cho học trò biết trân trọng tiếng mẹ đẻ, không hãnh diện được nguồn gốc, không yêu thương được đồng chủng và nới rộng thêm ra tới tinh thần nhân ái thì phải kể là một thất bại đáng buồn. Bởi vì hơn ai hết, chỉ có người thầy dạy quốc văn là có cơ hội nhắc cho đám trẻ đời sống tinh thần giàu có, vị tha và nhân hậu của người Việt qua bao nhiêu mẩu chuyện hay, câu thơ đẹp và tình ý thi vị của tổ tiên. Không biết tôi có làm được hết điều mình muốn chưa nhưng ít nữa tôi cũng đã mở được một lối đi riêng hợp với mình, ít nữa cũng làm cho tôi thấy thích thích cái việc mình đang làm.
Rồi năm hết, Tết đến. Năm đó tôi ăn cái Tết đầu tiên trong đời làm thầy. Ðâu khoảng một hai ngày trước khi bãi trường, ôi thôi tiệc Tất Niên đâu mà lu bù. Lớp nào cũng dưa hấu, bánh kẹo, mứt dừa mứt bí, nước cam xá xị, hột dưa cắn lốp bốp xả vỏ đỏ sàn. Mấy ông thầy bà cô thì cứ như thượng khách, chỗ nào cũng mời kéo thiệt tình đến không từ chối được. Nhưng mà lỡ làm thầy rồi cũng có chỗ khó, chẳng lẽ tới đâu cũng ăn uống ngồm ngoàm, thành ra chỗ nào tôi cũng ngồi cười mím chi cắn riết mấy chén hột dưa tới đỏ miệng no ngang, nghe hợp ca Ly Rượu Mừng gần cả chục lần đến muốn thuộc lòng cả lời lẫn nhạc. Vậy mà sao tôi thấy vui lắm. Trong tôi như có một niềm yêu thương gì nhẹ nhàng lắm dấy lên, trong sáng, hồn nhiên và chân thành như nụ cười tia mắt nai tơ của đám nhỏ. Nghe lời chúc vụng về mà sao tôi thấy như một lời rửa tội, xóa sạch trơn mọi phiền phức của năm. Dường như tôi còn phải cám ơn lại các em nữa, những niềm tin sáng láng của tôi.
Ðến buổi chiều cuối, đang lui cui sửa soạn để hôm sau về quê, thì bỗng một bầy cả chục đứa trai có gái có kéo tới, tay xách tay mang khệ nệ đến cho thầy quà Tết. Nước mắm, khô mực, khô cá gộc, khô cá thiều… chất một bàn. Học trò đứa thì ú a ú ớ dạ má em biểu cho thầy ăn Tết, đứa thì bẽn lẽn dạ ba em gởi cho thầy nhậu, còn ông thầy của tụi nó thì cũng há hốc miệng sượng trân. Cái nầy gọi là quà cáp bổng lộc của nghề thầy đó sao? Quả tình tôi không bao giờ nghĩ tới. Cái chuyện dĩa xôi, chén chè, cân thịt tôi có nghe ba tôi kể lại khi ông còn làm giáo vườn ở một vùng quê đã lâu lắm. Lâu như chuyện đời xưa vậy. Chớ còn đời nay tân tiến rồi đâu còn ba cái vụ đó nữa. Vậy mà chiều nay, giữa cái chợ đời đã loạn đến bát nháo, trong buổi giặc giã tàn tệ tới nỗi đạo lý rung rinh gần muốn sụm, có những đứa học trò đi đền ơn thầy – chắc có cha mẹ xúi quẩy phần nào chăng – bỗng làm tôi bồi hồi đến muốn cứng họng. Tôi xúc động thật sự. Trong lòng tôi như có ngón tay ai đó khều nhẹ làm trỗi dậy mấy sợi dây cảm tới độ rưng rưng. Vậy đó mình có mất mát gì đâu, đi suốt một lịch sử trần ai mà dân tộc tôi đâu có bội bạc. Vẫn nguyên vẹn tấc lòng trung hậu như thuở mới nguyên. Dân tôi tình nghĩa vậy đó, bà con chòm xóm tôi hiền lành vậy đó, không thương sao được?
Tôi đem nước mắm, đem cá khô về quê ăn Tết. Ba má tôi mừng lắm. Thằng “cao bồi” của ông bà coi vậy mà nối nghiệp được lắm. Bằng chứng là còn có quà cáp đường xa nữa. Cặp vợ chồng người bạn được tôi nhường chỗ dạy ngay tại quê nhà tôi hay tin kéo đến thăm hỏi. Hàn huyên, tâm sự đủ điều. Ðến chừng thấy đống “chiến lợi phẩm” tôi mang về đâm ra bật ngửa. Sao tụi nó cũng dạy cũng dỗ mà không thấy ai đền ơn. Tôi cũng đâm ra bật ngửa. Bộ chỉ ở Rạch Giá mới có chuyện đó sao? Vậy là không biết tại tôi có giá hay tại dân địa phương có lòng. Nói cho vui vậy thôi chớ ai hơi đâu phân tích mấy cái chuyện lẩm cẩm đó. Con đường nghiệp chướng còn dài lắm. Có giỏi thì đi cho trọn.
Vâng, có giỏi thì đi cho trọn. Con đường tôi đi không do chủ ý. Cuộc đời quả thật như trò chơi may rủi. Có ai mà sắp đặt được mấy cái hột xí-ngầu đâu. Người ta bị đem bỏ vô cái bầu lắc lắc. Tới chừng đổ ra ai chín nút ai bù trất là ngoài chuyện sắp đặt. Cái quay búng sẵn trên trời. Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm. Thấy không? Cái ông ở trên cao ổng tính hết rồi. Ở dưới này đừng có chộn rộn mà ổng giận. Mấy người lớn nhắc hồi thôi nôi ai biểu tôi bắt cây thước với cái tập thành ra lớn lên đi dạy học là phải rồi. Nhưng mà cũng ác, trong cái dĩa để đủ thứ thập vật chớ đâu có để cái va-li. Thành ra hình như có chút mờ ám gì đây. Nhưng mà ông trời ổng không khiếu nại thì thôi chớ bây giờ ván đã đóng thuyền rồi cạy đâu có ra nữa. Nghĩ thì như vậy nhưng mà thấy ba má tôi vui tôi cũng vui theo. Tôi nướng mấy miếng khô thơm phức nhậu lai rai ba ngày Tết với ba tôi. Sẵn đà ba tôi tính tới. Ông làm bộ nhắc khéo cô út của bác giáo này càng lớn càng đẹp ra, cô hai của chú giáo nọ chiều chuộng má lắm. Má tôi nghe vậy cũng hòa vô hợp tấu. Nào là cỡ này nhà đơn chiếc, ba má mỗi ngày thêm già yếu, muốn cho tụi bây yên nơi yên chỗ để có theo ông theo bà cũng được yên tâm. Tôi nghe mà muốn lạnh mình, tìm cách kể khổ để chống chế. Nào là thời giặc giã, thầy giáo bị mất giá, con gái bây giờ chỉ thích ngồi xe dzíp đi chợ thôi v.v… Má tôi nghe vậy chặn lại hỏi nhóng chớ còn cô nào hồi đó con cứ làm thơ đăng nhật trình đâu. Tôi chưa kịp lục lại sổ bộ đời thì bà giáng thêm một đòn chí tử nữa má nghe nói con gái Rạch Giá bánh mứt khéo lắm đó. Tôi đâu dám cãi cứ hụ hợ cho qua ngày, tính đợi trở xuống Rạch Giá kỳ này ra chợ nhà lồng ăn hàng thử coi ngon tới đâu.
(còn tiếp)