User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Thì thôi tóc ấy phù-vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì thôi mù phố xe đường
Thôi thì thôi nhé đoạn trường thế thôi… (Phạm Thiên-Thư)

Mẹ người đất Ninh Giang thuộc địa phận tỉnh Thái Bình miền Bắc nước Việt Nam. Một vùng đất kỳ-tú với lũy tre xanh bao bọc những cánh đồng lúa, nương dâu ngút-ngàn xanh thẳm, và những con sông đào quanh co uốn khúc, mà nội-tổ bốn đời của mẹ từ miền Phúc Kiến, Trung Hoa, nơi có những bài ca nổi tiếng thoang-thoảng đong-đưa theo ánh mắt đa-tình, đã một chiều dừng bước giang-hồ, đắm hồn vào với những âm-thanh và hình ảnh tuyệt-vời của vùng đất lạ, để nhận nơi đây làm miền quê-ngoại, quyết dồn hết tâm-huyết, phát-huy nghề thuốc gia-truyền, và dạy võ nghệ để thực-hành câu “cứu nhân độ-thế” của dòng họ. Thế rồi trải qua những tháng năm dài vun trồng tưới bón, cây nhân duyên đã đâm chồi nảy lộc trên vùng đất mới. Đến đời thứ ba, thì một chàng thiếu-niên tuấn-tú, văn võ song toàn, cùng với phong-độ hào-sảng, gia-bảo của dòng họ Lý đã lọt vào con mắt tinh đời của lão ông điền-chủ họ Dư của làng Tranh, chỉ cách Ninh Giang một chuyến đò ngang; để rồi tới một ngày đôi trai tài gái sắc của hai họ Lý & Dư đã được kết hợp như một kỳ-duyên, và một người con gái cực kỳ thông-minh, và xinh đẹp đã được sinh ra để sau này điểm tô cho đời bằng những đường nét đan-thanh trong cuộc sống.

Mẹ lớn lên và trưởng-thành trong thời ly-loạn:

“Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân-chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Kìa ai gây dựng cho nên nỗi này” (1)

Cho nên phận hồng-nhan đã sớm phải hứng chịu biết bao nhiêu những lao-đao, lận-đận trong cuộc sống. Nổi trôi cùng với những thăng trầm của lịch-sử dân-tộc, như chịu một định-mệnh khắc-nghiệt đã dành riêng cho những con người tài sắc mà trong thuyết “Tài mệnh tương đố” của Cụ Nguyễn-Du đã nói:

“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”.

Tuổi ấu-thơ ngà ngọc, lụa là ôi sao quá ngắn ngủi; người con gái ở tuổi xuân thì như bông hướng-dương đang độ triển-khai hương sắc, đã làm say mê bao gã trai làng gần xa, ngày đêm ngơ-ngẩn chỉ mong tìm đường bắn tiếng đưa tin. Nhưng gia-pháp cực kỳ nghiêm-minh, tuổi mười lăm như trăng tròn vằng-vặc treo lơ-lửng giữa vòm trời, chỉ tỏa ánh sáng dịu-dàng long-lanh trên sóng nước, mà chẳng để cho đám lục-bình trôi giạt làm mờ nhạt ánh trăng thanh. Tiếng lành đồn xa, một ngày đã tới tai Cụ cử Đạm, vùng Nam Định. Nghe danh của Lý gia vùng Ninh Giang nên đã lần tìm đến để làm quen. Thế rồi anh hùng ngộ anh hùng, trong ba ngày ba đêm thỏa tình tâm-sự luận-bàn về võ nghệ và thế cuộc cổ kim; lúc cạnh chung trà, khi bên mâm rượu, hai người tưởng như là mình đã gặp nhau tự thuở nào:

“Tri-kỷ tương phùng như sương khói
Trăng tàn chưa nghĩ chuyện chia tay”
 
tinh me con 5

Đứng hầu cha và khách quý, cô gái cưng của Lý lão giúp mẹ đảm-đang sai khiến gia-nhân hết lòng cung-phụng cha già và khách lạ. Trong lúc say-sưa bình thơ, luận võ, khách cũng đôi lần kín đáo thử tài cô con gái rượu của nhà họ Lý, và cô gái cũng đã làm sửng sốt Cụ Cử vùng Nam Định qua tài ứng đối, và cung cách đoan-trang của mình. Cụ Cử hết lòng khen ngợi và quý mến; rồi trong câu chuyện, chủ, khách cũng đã xa gần bàn đến việc se kết sợi tơ hồng cho đôi trẻ. Rồi thì ước ao của khách như một tiền-duyên định sẵn, chỉ đợi ngày lành tháng tốt để kết hợp suôi-gia. Tin người con gái họ Lý sắp sang sông để làm dâu nhà người khác, đã làm xôn-xao cả làng trên xóm dưới. Thế là từ nay, vào những đêm trăng tròn, nhìn lên đầu ngọn tre, những chàng trai đa tình của các làng Tranh, làng Nhống, làng Nhẩy đã không còn thấy vầng trăng vằng-vặc để mà ước, mà mơ “Vầng trăng ai xẻ làm đôi - Nửa soi gối chiếc nửa soi dặm trường” (2) nữa. Và cũng vào những đêm trăng huyền-hoặc, trên dòng sông, bên bờ ruộng, người ta cũng không còn nghe thấy những điệu hát câu hò ví von đưa đẩy:

“Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” (3)

Ngày rước dâu là ngày vui mừng, náo-nhiệt của hai họ, nhưng cũng là ngày cô gái mười lăm biết thế nào là cảnh biệt-ly, xa cách. Nhưng những giọt nước mắt vu-quy chảy trên đôi má hồng, chỉ càng làm tăng thêm vẻ đẹp não-nùng của cô dâu trong ngày cưới, lẫn lộn với những tiếng cười khúc-khích trêu chọc của các cô phù-dâu, và tiếng mẹ dỗ-dành khuyên bảo:

“Gái lớn ai không phải lấy chồng
Can gì mà khóc nín đi không
Nín đi! Mặc áo ra chào họ
Rõ quý con tôi các chị trông” (4)

Nhưng đã có mấy ai hiểu được tâm-tình thầm-kín của một người mẹ đối với con nó sâu đậm đến như thế nào; tươi cười ngoài mặt với mọi người, mà đau đớn xót-xa ở bên trong. Cũng bởi chỉ có người mẹ mới hiểu, và cảm-thông được nỗi lòng của con gái lúc từ giã gia-đình để về nhà chồng. Con thuyền hoa đang đậu chờ nơi bến. Cô gái vừa độ xuân thì ngập-ngừng bịn-rịn, lạy mẹ lạy cha, từ biệt các anh chị và cậu em trai út để bước xuống thuyền trong tiếng pháo nổ ran, làm bao nhiêu cặp mắt nhìn theo ngẩn-ngơ nuối-tiếc. Trong đó có cậu em trai đã lén nhà ra núp ở cổng làng, để được nhìn chị một lần cuối bước xuống thuyền, xuôi dòng về đỗ bến vu-quy:

“Chị tôi nước mắt đầm đìa
Chào hai họ để đi về nhà ai
Mẹ trông theo mẹ thở dài
Dây pháo đỏ bỗng ngang trời nổ ran
Tôi ra đứng ở đầu làng
Ngùi trông theo chị khuất ngàn dâu thưa” (5)

Xác pháo tung bay tưng bừng như cánh bướm trong ngày cưới, mà sao trông tan tác như lòng của mẹ, của em, và của những chàng trai si tình bị hụt lứa sai duyên.

Ngày về nhà chồng cũng chính là ngày mẹ rời bỏ gia-đình, cha mẹ và anh chị em để bước chân vào một thế giới mới. Thế giới của “nhà chồng”. Thế-hệ của mẹ là thế-hệ của những người con gái được nuôi-dưỡng và vun trồng bằng lễ-giáo của những “tam tòng tứ đức”. Ở nhà thì nghe lời cha, mẹ. Đến khi về nhà chồng thì người phụ-nữ Việt-Nam phải coi giang-sơn nhà chồng như nhà mình. Hai tiếng “làm dâu” như một bản án oan khuất của một phiên tòa trong một xã-hội khắc-nghiệt, đã nhốt người đàn bà Việt-Nam vào cái khuôn khổ định sẵn ngàn đời trong một ngôi nhà tù khổng lồ không lối thoát, và chốn ngục tù vô hình này đã buộc chặt cuộc đời của mẹ trong trách-nhiệm làm dâu, làm vợ và làm mẹ… Cũng vì được nuôi-dưỡng và trưởng-thành trong cái môi-trường cổ-điển đó, mà mẹ đã chấp nhận nó như một vinh-dự của một người “dâu ngoan”, một người “vợ hiền”, để suốt đời chỉ biết chịu-đựng và hy-sinh, chiều chuộng cha mẹ chồng, vun bồi cho giang-sơn nhà chồng… không một lời than-van oán trách, cho dù có phải gặp những trớ-trêu, và nghịch-cảnh.

Mẹ đã sinh ra tất cả 13 người con, nhưng định-mệnh cay-nghiệt đã cướp đi của mẹ 2 người để còn lại một đàn con 11 đứa. Mười ba lần sinh nở, là đủ mười ba lần mẹ một mình âm-thầm lần bước trong cuộc hành-trình vượt cạn. Mẹ đã phải mím môi, trợn mắt, bấm chân để vượt qua những quãng đường dài đau đớn như xé nát cả ruột gan và tưởng chừng như vô-tận:

“Đàn ông đi biển có đôi
Đàn bà vượt cạn mồ côi một mình” (6).

Nhưng cái đau đớn về thể xác qua những lần sinh nở, cũng chưa khủng-khiếp bằng cái đau đớn về tinh-thần; khi mẹ, người thiếu-phụ chỉ mới có mười sáu tuổi đầu, lặng người qua ánh mắt lạc thần, nhìn đứa con trai đầu lòng trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay bất-lực của mình. Và

“Rồi cứ thế dòng đời xuôi ngược mãi
Mẹ trải đời dâu bể với chồng con…”

Mẹ thật sự đã trải qua nhiều đổi thay dâu bể của cuộc đời qua gần một thế-kỷ. Thời son trẻ, mẹ đã sớm hy-sinh đôi “mắt biếc má hồng”, và gạt bỏ những mộng-mơ lãng-mạn của một đời con gái, để sắn tay vén sống, bước trên những quãng đường đời lầy lội… Nhưng thân mình chẳng quản gian-nan, con đường chông gai trước mặt không làm mẹ nản lòng, sờn chí, mà lúc nào cũng chỉ muốn quay lại đằng sau như đợi như chờ, để vỗ về an-ủi, dìu-dắt những ai còn đang bị chùn chân, ngập bước…

Tháng Ba năm đói (1945), một mình mẹ đảm đang cai-quản những kho thóc gạo đầy ắp; nhưng định-mệnh nghiệt-ngã đã phủ trùm lên đầu cả một dân-tộc, thóc lúa ê-hề mà người dân phải chịu chết đói vì chính-sách tàn độc của đám con cháu Thái-Dương Thần Nữ, đã lấy thóc gạo đốt thay than củi, để làm kiệt-quệ nguồn sinh-lực của một quốc-gia; kết quả là hằng triệu người miền Bắc bị chết đói, tiếng than khóc và mùi tử-khí xông thấu trời xanh… Trong những giờ phút tang tóc và đen tối của lịch-sử dân-tộc, mẹ đã can-đảm đứng ra rải gạo cứu giúp những kẻ đói khát khốn cùng. Hằng ngày sai khiến gia-nhân nấu cháo phát-chẩn nuôi sống những người còn thoi thóp, mà chẳng ngại thân mình sẽ lãnh hậu-quả ra sao từ đám quân-phiệt ngày đêm kiểm-soát gắt gao, làm gợi đến hình ảnh Phật Bà Quan-Âm với nhành dương-liễu rải nước cam-lồ cứu khổ chúng-sinh…

tinh me con 4

Thế rồi kháng-chiến bùng nổ khắp nơi. Lệnh tản-cư và “tiêu-thổ kháng-chiến” của Việt Minh đẩy bố mẹ và gia-đình vào hết thảm-họa này đến hiểm-nguy khác. Bố mẹ đã phải bỏ cửa bỏ nhà, ruộng vườn tài-sản để ra đi với hai bàn tay trắng, cùng với người em trai đa tài đa cảm, đã hết lòng gắn bó với anh chị; một vai đeo cây đàn, một vai gánh hai cháu về vùng quê lánh nạn, để bắt đầu cho một kiếp sống đọa-đày triền-miên khổ-ải… Cũng bắt đầu từ đó, cuộc đời mẹ như một cánh bèo nổi trôi trên những dòng sông đời cuồn cuộn chảy:

“Thuyền đời chở mẹ bao nhiêu chuyến
Qua những dòng sông lạ bến bờ
Mẹ vẫn mỉm cười coi thế sự
Thăng-trầm như những truyện trong mơ”

Nhưng cho dù ở trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, thì bao giờ mẹ cũng xả thân như một con cò vươn cánh ra để bao bọc đàn con; không, mà còn hơn thế nữa; bởi vì:

“Cánh cò che nắng che mưa
Mẹ tôi che cả bốn mùa gió sương"

... Rồi thì tới một ngày hồi-cư về Hà Nội, bố mẹ những tưởng là mình đã trải qua hết thời kỳ đen tối, và cũng đã nhiều đêm thì-thầm toan tính ước-mơ gây-dựng lại sự-nghiệp tương-lai cho đàn con; nhưng chẳng bao lâu thì lại một lần tay trắng để cất bước di-cư… Hiệp-định Genève 1954, cái mốc thời-gian đánh dấu một vết hằn trên trang sử của đời người và của cả một dân-tộc, với dòng sông Bến Hải tủi hờn ngăn cách. Cũng ở thời điểm này, mẹ đã đón nhận hung tin của người em trai yêu quý; để nước mắt của người chị lại một lần nữa đổ xuống như bão như mưa. Việt Minh Cộng Sản đã cướp đi của mẹ người em trai tuấn-tú với bản án tử-hình “thành phần tiểu-tư-sản” gắn trên ngực. Hung tin này cùng với kinh-nghiệm chung sống ở những vùng Cộng-Sản kiểm-soát trong thời kỳ tản-cư, đủ để thúc đẩy bố mẹ phải bỏ lại tất cả để ra đi, mong làm lại những gì đã mất. Đất nước chia đôi. Từ đó đôi bờ cách biệt. Vào đến vùng đất mới phì-nhiêu của miền Nam ngút-ngàn sông nước, chưa kịp hít thở luồng không-khí tự-do, mẹ đã vội gào lên những tiếng kêu khóc thống-thiết, xót-xa khi phải nhìn lần thứ nhì, đứa con trai mới mở mắt chào đời vừa trả nốt cái nghiệp-quả cho gia-đình, dòng họ trong cuộc di-cư vĩ-đại của cả một dân-tộc.

“Tự thuở vào đời, lần lượt từng đứa con đã được ấp ủ và nuôi dưỡng bằng những dòng sữa tươi mát chảy ra từ thân thể, và những lời ru ngọt ngào, thơm ngát như vị mật ong rừng của mẹ, cho đến ngày các con lớn khôn... Nhưng chưa ai được một lần báo đền công ơn sinh-dưỡng của song thân, thì các con của mẹ đã phải lao mình vào cuộc sống hiểm-nguy để bảo-vệ cho cái lý-tưởng tự-do của dân-tộc. Mẹ có tất cả 4 người con đi lính. Rải đều cho các quân binh-chủng trong “Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa”. Đứa Không-Quân, đứa Hải-Quân đứa Bộ-Binh miệt-mài nơi trận địa, khắp 4 vùng chiến-thuật, từ tận mũi Cà Mau vượt qua bên kia dòng sông Bến-Hải. Kể từ trước Tết Mậu-Thân 68 đến sau Mùa Hè 72, đã biết bao lần mẹ mòn mỏi, hao gầy, tựa cửa đón chờ từng đứa con yêu trở về từ cõi chết… Thế mà mầu-nhiệm thay, trải qua hơn mười năm chiến trận, đàn con yêu quý của mẹ vẫn vẹn toàn, không sứt mẻ. Thật là đúng với câu “Phúc Đức Tại Mẫu”; nhưng đã làm cho người con dâu trưởng của mẹ phải chịu làm một “Hòn Vọng Phu” cuối thế-kỷ thứ 20, với hơn mười năm bầm-dập cuộc đời, “mười năm nước mắt vẫn thường thay canh” (7); qua những đêm dài thao-thức, thấp-thỏm đợi chờ tin mừng, tin dữ của chồng, của những đứa em, cho tới ngày tàn cuộc chiến…

“Phúc bất trùng lai - Họa vô đơn chí”, cuối tháng Tư năm 1975, sau một đêm kinh-hoàng đón nhận những lằn đạn thù tàn-độc, hằn-học trút lên đầu những người dân lành vô tội. Bố mẹ cùng gia-đình lại một lần nữa bỏ lại tất cả để cất bước ra đi, nương nhờ ẩn náu nơi xứ lạ quê người… để tránh cái bóng ma quái của của bọn Cộng-Sản vô thần, vô gia-đình vô tổ-quốc. Sau lần di-tản vĩ-đại này, bố mẹ như đã thấm mệt với cuộc đời, muốn dừng bước nơi đây, để nhận Hoa Kỳ làm miền quê-hương thứ hai, và để nhìn con cháu lần lượt lớn khôn như những nhú măng non đang đâm chồi nảy lộc. Thế mà trên bước đường luân-lạc, bố mẹ vẫn còn phải trải qua thêm những bước nhọc nhằn trong cuộc sống, từ Đông qua Tây… Cho tới một ngày có mưa bay làm cay đôi mắt, có gió thổi làm lạnh lòng người, Bố đã buông tay để về cõi vĩnh hằng cao diệu vợi, bỏ lại cho mẹ cả một “tình kiếp nghiệt-ngã đọa-đầy” nơi cõi thế. Ôi! Cuộc đời của mẹ, đời một người con gái từ lúc bắt đầu biết mộng-mơ cũng là lúc bắt đầu biết thế nào là đau thương, phiền muộn; đã phải đẫm mình vào trong bể nước mắt của khổ hải trầm-luân; cho đến lúc cuối đời vẫn còn phải sừng-sững vươn tấm lưng còng, đứng thẳng cho đàn con tựa nhờ, nương náu:

“Giọt lệ mẹ già như hạt ngọc
Nhỏ xuống cho lòng con xót-xa
Thân xác bố tan vào cát bụi
Mẹ đứng mây che bóng xế tà”

Ôi! Sao chữ hiếu của mẹ đã quá nặng nề, và dài dằng-dặc, trải qua suốt cả một kiếp người. Mẹ là bà mẹ “Phù sa”:

“Bao nhiêu năm lận đận
Chưa được mấy lúc mừng” (8)

vậy mà mẹ chẳng bao giờ than trách, chỉ sống với tình thương:

“Ngày xưa ru con bằng thơ
Bây giờ mẹ dạy con lời đạo gia
Tâm Vô Lượng: Từ, Bi, Hỷ, Xả
Miệng vui tươi niệm Đức Di-Đà”
 
dong song tinh me

Thật vậy, mẹ chẳng những tiếp tục sống với tình thương, mà còn đem tình thương reo rắc qua những sinh-hoạt trong cộng-đồng và ngoài xã-hội. Mẹ đã chẳng quản thân già mệt mỏi yếu đau, mà hòa mình vào với những “hội-hè đình-đám” của các Hội Đền Hùng, Quốc-Tổ Vọng-Từ, Hội Đền Quan Tuần, Ban Tụng-Niệm để tiếp tục duy-trì văn-hóa, phong-tục cổ-truyền của dân-tộc Việt Nam nơi xứ lạ, quê người. Mẹ đã và vẫn tiếp-tục bồi đắp phù-sa tình thương trong lòng con cháu: Chẳng khác nào như một "Bồ Đề Tát Đỏa" xuống trần gian để dìu dắt chúng sinh vượt qua bể khổ:

“Mẹ ngồi tụng-niệm trong am vắng
Ríu-rít bên ngoài chim líu-lo
Lời kinh trầm-mặc truyền tâm-cảm
Đưa bước nhân-gian một chuyến đò”

Nhưng cõi Ta Bà chẳng phải là nơi vĩnh-hằng của Bồ-tát, cho nên từ những tháng năm cuối của cuộc đời, sức khỏe của mẹ đã suy kém, với căn bệnh ngặt nghèo vô phương cứu chữa, mà mẹ đã và đang quằn-quại để chống chọi với tử-thần… Bi hùng thay, trong cơn đau đớn của xác thân phàm tục mẹ vẫn mỉm cười chịu-đựng những đọa đày của cuộc sống mà chẳng hề hé môi than-vãn. Nếu thuốc trần không trị nổi căn bệnh trầm kha, thì đã có liều tâm-thang huyền-nhiệm giúp mẹ vừa hùng dũng vượt qua từng chặng đường ngắn ngủi của tử thần, vừa tính toán lo toan cho con cháu; vun bồi cho đứa này, bù đắp cho đưa kia. Mẹ đã để lại cho đàn con cháu một gia-sản khổng lồ, mà chúng con chỉ sợ suốt cả đời cũng không đủ tài đức và khả-năng để tiêu dùng cho hết. Đó là “Nụ cười hiền dịu với tha-nhân – Là dung thứ, là tấm lòng quảng-đại.” Quỳ bên giường bệnh của mẹ mà con cháu như chết cả cõi lòng. Đầu óc trống rỗng của đám cháu con đang gào lên những tiếng kêu bi-thương, thống-thiết. Ôi! Sao con tạo vẫn vô-tình, tàn-nhẫn bắt mẹ phải trải thêm nhiều thử-thách:

“Thật vàng chẳng phải thau đâu
Mà đem thử lửa cho đau lòng vàng” (9)

… Mẹ ơi! Chúng con biết làm gì đây để gánh những đau đớn thay cho mẹ:

“Ai cấp lửa trời soi nhân thế
Con chịu mù lòa sáng thế gian
Mẹ đã vì ai nơi cõi tục
Đường trần chở nặng những gian-nan”

Ngày xưa khi sinh ra các con, mẹ một mình vượt cạn; bây giờ đến phút cuối đời, con cháu đầy đàn mà cũng chỉ một mình mẹ lần bước tìm về nơi huyệt mộ cõi u minh, như lần thử thách cuối cùng dành cho một Bồ-Tát: “Con quỳ lạy mẹ muôn ngàn lạy - Để đáp đền ơn dưỡng-dục này!”.

Phải chăng mẹ đã và đang sống cuộc đời của một Bồ-Đề Tát-Đỏa" mà tự tiền kiếp nào đã có lời thệ nguyện thương xót trần gian hơn cả luyến mến thiên đường:

“Cây bưởi trắng ngát hương đời
Nụ là tay Phật chỉ người qua sông
Ngón tay nở nụ đào hồng
Cầm nghiêng Tịnh-Độ một phương diệu vời” (10)

Mùa Vu-Lan năm Phật lịch 2549.
Nam-Mô Sa-Bà Giáo-Chủ Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật
Nam-Mô U-Minh Giáo-Chủ Bản-Tôn Địa-Tạng Vương Bồ-Tát
Nam-Mô Mục-Kiều-Liên Bồ-Tát

Trần Sơn Hạ & Trần Ngọc Nguyên Vũ

Chú-Thích:
(1) Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn. Bản dịch của Bà Đoàn Thị Điểm.
(2), (3), (6), (9) Ca-Dao Tục-ngữ Việt Nam
(4), (5), (7) Thơ Nguyễn Bính.
(8) “Bà Mẹ Phù Sa” Nhạc Phạm Duy
(10) Thơ Phạm Thiên-Thư

 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com