Mỗi năm mừng Sinh Nhật cho một thành viên trong gia đình là nỗi vui mừng của cả nhà bởi vì nhìn được từng bước phát triển của người ấy, từ lúc nằm nôi cho đến chập chững bước đi, từ lúc quanh quẩn bên mẹ cha cho đến khi bước vào trường học, trường đời… biết bao là công sức lo lắng, chăm sóc, dõi trông của gia đình và của chính bản thân… Khai sinh cho đứa con tinh thần của tác phẩm, hay tờ báo cũng tương tự như thế, nhiêu khê không kém… cho nên cứ mỗi năm kỷ niệm mừng sinh nhật là một lần có thể được xem như thêm kinh nghiệm vững vàng, trưởng thành hơn. Vâng, ít hàng dài dòng như thế là tôi muốn nói đến tờ báo Tống Phước Hiệp (TPH) online vừa lên 8 tuổi, và được mọi người biết đến với địa chỉ www.tongphuochiep.com
Tám năm không phải là chặng đường dài nhưng nếu những ai từng quan tâm theo dõi công việc làm của ban biên tập (BBT) “ăn cơm nhà vác ngà voi” của trang TPH từ buổi ban đầu cho đến nay, thì có thể ít nhiều thấy được những thay đổi về cả nội dung lẫn hình thức của tờ báo mạng này. Những thay đổi này không những là do công sức của vợ chồng chủ biên và thân hữu cộng tác mà còn là sự đóng góp bài vở và ý kiến tích cực của các tác giả và độc giả nữa. Cho nên bài viết này như một lời tâm sự gửi đến quý vị về những chặng đường vui buồn của trang nhà TPH.
Xin được mạn phép giới thiệu sơ qua thuở đầu đời của ngày khai sinh ra tờ báo này cho những ai chỉ làm quen với trang báo này trong thời gian mới đây:
Tờ báo được ra đời do sự “ngứa mắt” và tội nghiệp cho người vợ yêu dấu của mình, khi thấy vợ nhà cùng cô bạn “hì hục” vất vả với những email, hình ảnh trao đổi với nhau về kỷ niệm ngôi trường nữ trung học Tống Phước Hiệp – Vĩnh Long một cách không hiện đại với thời buổi vi tính đang phát triển lớn rộng, anh Đìdzai đã mở ra trang web để “các bà” có nơi tâm sự, chia sẻ… Anh chỉ lo phần kỹ thuật, còn nội dung là toàn quyền của hai người bạn này. Mới đầu mục đích chỉ nhỏ nhoi như thế nhưng không ngờ các bạn trường cũ đã tìm tới ngày một đông, rồi tới tấp gửi bài vở về đóng góp… đã làm phong phú thêm tờ báo khi chỉ từ vài ba mục như văn, thơ, hình ảnh… đã được mở dần thêm thơ tranh, khoa học đời sống, biên khảo, lịch sử, lời hay ý đẹp, góc bếp, sưu tầm v.v... Rồi từ những giòng văn thơ đượm đầy non nớt kỷ niệm của tuổi học trò của các bạn nữ sinh trường Tống Phước Hiệp để dần lớn rộng hơn với những chủ đề có tầm vóc… Và từ khởi đầu chỉ có ba, bốn người trong BBT đến nay con số đã tăng lên khá nhiều để chia nhau gánh vác phần bài vở được edit và post lên hằng ngày.
Để ôn cố tri tân, xin điểm lại các mục đã mở từ những năm đầu… Hầu như chỉ có tăng thêm hoặc thay đổi tên gọi chứ không giảm, tuy nhiên hẳn ai cũng không khỏi tiếc nuối khi mục Sân Trường (*) đã chấm dứt cách đây vài năm. Đó là một góc của tờ báo nhưng lại là nơi nhộn nhịp ra vô của những tâm hồn “không có tuổi”. Với chủ trương vui là chính, nên những mục mở ra trong sân trường không xem trọng lắm về nội dung và hình thức, chỉ cần sử dụng ngôn từ lành mạnh và đàng hoàng là được.“Thơ Vui Tiếp Nối” - chỉ cần làm hai hay bốn câu thơ có nội dung vui, chọc phá kiểu học trò, thì người kế tiếp chỉ cần gieo vần cho đúng với chữ cuối của câu thơ do người đầu tiên làm ra. Nơi đây có thể nói là nơi đào tạo những người từng là “i tờ rít” về thơ sẽ dần tự tin nhả thơ, dù mới đầu không vững về vần luật và chỉ với những câu thơ vui lạc vần để trêu chọc nhau.
Kế tới là góc “đại chiến phe húi cua kẹp tóc” mà tôi quên mất tên chính thức của nó, thể loại văn xuôi dành cho những ai không muốn hay không biết làm thơ có thể tham gia. Có thể nói mục này quyến rũ rất đông độc giả ra vô, tôi đã từng nghe nhiều bạn nhắc lại và cười thoải mái về những lời khiêu chiến và bênh vực nhau của hai phe. Chiến tranh ảo nhưng vô cùng vui nhộn vì đối phương không hề biết nhau vì tất cả đều dùng nick name cho nên tha hồ phản pháo mà không ngại ngùng – dĩ nhiên là có mức giới hạn trong việc sử dụng từ ngữ và tôn trọng lẫn nhau - Như tôi và một số bạn mới sáng sớm mở mắt ra là đã vội mở máy vi tính để đọc mục này để xem tài “đấu đá” kiểu học trò của hai phe húi cua kẹp tóc diễn tiến ra sao, rồi cười thích thú hay cũng sign in để góp mặt “dập lửa” hay “đổ dầu vào lửa” trước khi làm những công việc thường nhật , rồi những bài thơ, câu hò giọng hát cũng góp mặt nơi sân trường này… đó là những kỷ niệm thật vui mà có lẽ khó tìm được nơi nào thể hiện những hồn nhiên tuổi nhỏ như thế trong tâm hồn những người không còn son trẻ, tiếc là vì thiếu người điều hành nên sân trường đành đóng cửa để chỉ còn lại trang nhà như hiện giờ!
Thơ tranh là một sáng tạo và cũng là niềm hãnh diện của trang nhà, các anh chị trong ban làm thi ảnh cùng giúp nhau học hỏi, chia sẻ kỹ thuật để lựa chọn những tấm tranh ảnh hài hòa đi kèm làm tăng thêm giá trị về ý nghĩa và hình thức bài thơ. Và trong việc trao đổi đó đã không biết bao nhiêu lần cả nhóm cười bò ra vì những lời dí dỏm khi “phê bình” những tấm thơ tranh trước khi trình làng, mà không ai tự ái hay giận hờn chi cả. Nhờ thế có thể nói hiện nay hiếm có trang báo nào có những “quẹt sĩ” tài ba như trang TPH, và mỗi ngày thơ tranh mỗi khởi sắc về tính nghệ thuật, đầy cảm xúc.
Xin được kể lể một chút việc làm của ban biên tập (BBT) để mong quý tác giả và độc giả thông cảm. Hẳn là ai cũng biết, BBT không phải là dân chuyên nghiệp làm báo nên phải có những công việc làm toàn thời gian để mưu sinh cho gia đình, nhưng vì yêu mến trang web TPH cho nên vẫn dành nhiều thời gian mỗi đêm để chăm chút cho tờ báo. Văn thơ ngày càng phong phú với nhiều thể loại và đề tài của tác giả trong và ngoài nước gửi đến thì BBT càng cực nhọc không kém, bởi vì ngoài việc cần thời gian đọc và tuyển chọn cho đúng đề tài và thời điểm cần post ra, thì edit bài cũng được xem là nỗi khó khăn. Vì là tờ báo phi chính trị nên những bài vở mang nội dung quá khích hay nghiêng về chính trị đều bị gạt bỏ.
Về hình thức vì cô chủ web rất ư là… khó tính, đòi hỏi bài vở phải hoàn hảo, nhất là phần kỹ thuật, cho nên BBT cũng khá vất vả khi ngồi sửa từng lỗi chính tả (vì phải tham khảo từ cuốn tự điển dày cộm hay dùng tự điển online, đôi khi còn phải liên lạc với các vị học giả quen biết để biết chắc là dùng chữ chính xác) từng con dấu, từng lỗi kỹ thuật mà tác giả vô tình vấp phải khi gõ bàn phím. Ngoài ra việc post bài cũng tính toán cho ra đúng thời điểm và công bằng để chứng tỏ lòng tôn trọng dành cho mọi tác giả và độc giả. Bởi thế có những tác giả gửi bài liên tục, nhưng chúng tôi không thể cho bài ra liền liền và may thay quý vị đều vui vẻ thông cảm. Thỉnh thoảng thiếu hụt bài vở thì lúc đó các thân hữu sẽ nhận được những email kêu cứu, nhất là những sự việc/ kỷ niệm cần phải có bài gấp.
Nhắc đến phần edit bài vở cũng xin phép mở ngoặc “than thở” một tí là có những bài nội dung rất hay, nhưng lỗi chính tả và lỗi kỹ thuật khiếp quá khiến những người làm báo nghiệp dư vô cùng vất vả sửa chữa vì không muốn phụ lòng tác giả, vậy mà đôi lúc cũng vẫn bỏ sót khiến khi bài đã post ra, đọc lại cứ như là nhai cơm bỗng cắn trúng cục sạn, lại phải vào ngay system để sửa lại. Kể ra như thế để mong là tác giả và độc giả thông cảm và thứ lỗi nếu như có những sơ xuất về kỹ thuật, về hình thức và cả nội dung vì dù đã chăm chút rất kỹ từng bài viết nhưng vẫn không sao tránh khỏi thiếu sót.
Trang web Tống Phước Hiệp đang từng bước góp mặt trên văn đàn báo Việt online, chắc hẳn đã không ít văn nghệ sĩ và độc giả biết đến qua số lượng bài vở được gửi đến hay người truy cập mỗi đêm (tính theo 8giờ tối ở Úc) hay sáng sớm hôm sau ở các nơi khác, mỗi ngày một tăng thêm. Điều này đã mặc nhiên khẳng định website Tống Phước Hiệp đang đi đúng hướng, đáp ứng được nhu cầu đọc báo qua trang mạng của độc giả. Có thể nói không cường điệu là tờ báo này đã góp một phần trong việc bảo tồn tiếng Việt và tô điểm, truyền bá phong tục tập quán của nền văn hóa Việt Nam cho các thế hệ trẻ ở khắp nơi trên thế giới qua những bài viết về lịch sử, biên khảo, sưu tầm, ngay cả những món ăn trong phần Bếp Nhà và trên hết ngoài những giòng văn thơ của các tác giả đã thành danh từ bao nhiêu năm qua, người chủ trương tờ báo này cũng khuyến khích những cây bút học trò vừa mới chập chững bước vào ngưỡng cửa văn học.
Những giòng chữ đã chuyên chở những suy nghĩ, những trăn trở về đất nước mình, những chia sẻ, trao đổi về kinh nghiệm, nếp sống xứ người… đã phần nào ghi nhận sinh hoạt xã hội trong khoảnh khắc của giòng thời gian, giúp cho cái nhìn của độc giả thông thoáng và phong phú hơn. Mặc dù là báo chủ trương phi chính trị, tuy nhiên những kỷ niệm, bài viết liên quan đến tháng tư năm 1975 hay của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trước đây đã là một trang lịch sử của đất nước, do đó vẫn được đăng tải miễn là không quá khích, không bươi móc, chửi rủa…
Cũng như đời người, tờ báo mạng cũng có nốt thăng nốt trầm, lúc vui lúc buồn, có người đến, kẻ đi, có những mục mới mở, có mục đã không còn tồn tại, nhưng tôi tin rằng với những ai đã từng cộng tác hay đọc báo TPH, dù gắn bó hay không, đã là một phần đời kỷ niệm. Mong rằng trang mạng TPH sẽ còn mừng sinh nhật thêm nhiều nhiều năm nữa để món ăn tinh thần luôn cải tiến và phong phú, và vườn hoa nghệ thuật TPH mãi rực rỡ khoe sắc thắm với đời trong việc phục vụ độc giả khắp nơi trên thế giới.
Chúc Mừng Sinh Nhật 8 Năm Trang Tống Phước Hiệp!
Hồ Diệu Thảo
(*) Ghi chú:
Xin được trích lại bài thơ của cô bạn Songthy đăng trong Sân trường ngày ấy để chúng ta hình dung phần nào tính cách những nhân vật và sinh hoạt nhộn nhịp của góc nhỏ này:
Sân Trường Có Những Cái Tên 1
Mộc Lan ra trận luôn hên
Suối Tiên, Bác Tám, hát rền khắp nơi
Chị U dạ rối tơi bời
Songthy lui tới gọi mời chị anh
Chú 10 Tống Hạnh hiền lành
Kim Oanh, Diệu Thảo, miệng nhanh lạ lùng
Đại Bàng Kim Hiệp không trung
Engine, Sang Hạ, cùng chung Sân Trường...
Songthy
Sân Trường có những cái tên 2
Bán Than có mẹt chớ nhường cho ai
Hỡi Lương Sơn Bá chia hai nỗi sầu
60 U đừng có cạnh cầu
Cây Si, Thiểu Số thiệt rầu khổ đau
Huỳnh Anh, Hùng Mạnh đợi sao trên trời
Anh Huỳnh Hữu Đức không hơi
Thằng Mo ngã Mõ ới ơi ới ời
Sân trường tiếp tục chơi chơi đùa đùa...
Vịt Đẹp