User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

soitoc1

Bà Bốn gọi vói ra đằng sau bếp:
- Hoa ơi! con chạy qua nhà cậu Nam, mời cậu Nam sang đây gấp.

Hoa bỏ dở bó rau muống đang lặt nửa chừng chạy ra phòng khách, nó thấy một cậu thanh niên lạ, cỡ chừng 20 tuổi đang đứng khép nép bên cạnh bà Bốn.

- Bà nội cho con theo cô Hoa sang nhà bố?

- Không được! cậu ở đây chờ thằng Nam qua bên nầy để tôi hỏi chuyện cho rõ trắng đen đã. Bà quay sang con Hoa:

- Con mời cậu Nam về nhà gấp, đừng cho con Thu biết. 

Con Hoa đi vội vã sang nhà cậu Nam, cách nhà bà Bốn cỡ chừng mười phút đi bộ, lòng dạ nó bồi hổi, bồi hồi, ngạc nhiên: Cái gì mà bà nội, sang nhà bố, bà Bốn có đứa cháu nội từ trên trời rơi xuống hồi nào? Cậu Nam ngoại tình với ai? mà bây giờ có đứa con cao tồng ngồng đi tìm bố. Lòng dạ nó rối như tơ vò, bao nhiêu câu hỏi dồn dập trong đầu nó mà không có câu trả lời. Cậu Nam với mợ Thu lập gia đình đã hơn 15 năm nay nhưng chưa có con, mặc dù hai vợ chồng đã vào Sàigon tìm hết đủ mọi cách để chữa trị bệnh hiếm muộn nhưng vẫn không có kết quả. Bây giờ tuổi của cậu mợ đã xế chiều, không còn hy vọng gì có con nối dõi, bây giờ tự nhiên có thằng con trai đi tìm cha, không ngạc nhiên sao được! Nó đẩy cửa bước vào nhà cậu. Thật là may mắn cho nó! mợ Thu ở dưới bếp, chỉ có mỗi một mình cậu ở phòng khách đang đọc sách. Nó bước lại gần cậu nói nhỏ:

- Cậu về nhà gấp, có chuyện lạ!

Nam hấp tấp, đẩy cửa bước vào nhà mẹ. Cậu thanh niên trẻ, mặt mày khôi ngô tuấn tú, giống y hệt như Thùy đứng bật dậy:

- Chào bố! con là Hiếu, mẹ con mới cho con biết tin tức về bố, ngày hôm nay sẵn dịp đi công tác đi ngang qua Nha Trang, con ghé thăm bố.

Nam ngồi xuống ghế, mặt lộ vẻ xúc động, ngạc nhiên. Bà Bốn ngồi trên bộ phản gõ hỏi con:

- Cái Thùy nó nói là Hiếu là con của mầy. Tại sao 20 năm nay nó không đá động gì tới, bây giờ…Đùng một cái, nó cho con đi nhận cha là cái gì? Chỉ có mầy biết rõ nó có phải là con mầy hay không? Hồi sáng vừa bước chân vào nhà, nó gọi tao: Nội ơi! con là Hiếu nè! con về thăm nội nè!. Nó làm tao muốn đứng tim luôn! Bà con, láng giềng nghe tin cậu Nam có con riêng đi tìm cha qua cái miệng của con Hoa, xúm lại đứng bu đầy hai bên cửa sổ, há hốc mồm nhìn Hiếu, rồi nhìn cậu Nam bàn tán:

- Hổng giống chút nào! con trai gì mà mặt hoa da phấn, chắc giống mẹ!

Nam đứng dậy, không trả lời câu hỏi của mẹ, nói với Hiếu:

- Con đi với bác ra ngoài quán cà phê đầu đường nói chuyện, ở đây ồn ào quá!

Hiếu kể cho Nam nghe là ngày xưa phần vì tự ái, phần vì mẹ nó không thương bố cho nên có bầu mà không muốn cho bố biết, âm thầm sinh con rồi nuôi con trong khổ cực. Gần đây nghe tin bố không có con và sắp sửa đi Mỹ theo diện HO, mẹ mới cho con nhận bố để được cùng bố sang Mỹ tiếp tục học Đại Học. Vì tương lai của con, mẹ chấp nhận hy sinh xa con.

- Bác không có ý định sang Mỹ vì mẹ của bác sức khỏe càng ngày càng yếu, bác không nỡ nào xa bà, không còn có người thân nào bên cạnh để săn sóc cho bà.

- Không sao đâu bố! thật tình thì con chẳng muốn đi chút nào. Lạ nước lạ cái , ngôn ngữ bất đồng, chắc con khó lòng mà hội nhập cho được. Cũng nhờ vậy mà mẹ con mới nói thật cho con biết bố là bố của con. Hai mươi năm nay, mẹ cứ giấu giếm con, cứ hễ con nhắc đến bố thì mẹ nói lãng sang chuyện khác, có một lần mẹ nói với con là bố mẹ thất lạc ngày 30 tháng 4. Nếu bố không lên tàu đi ngoại quốc thì có lẽ đã chết trên biển rồi. Nhìn thằng bé có khuôn mặt của Thùy ngày xưa, nói luyên thuyên lại cầm tay mình siết mạnh. Nam xúc động, bàng hoàng nói không ra lời. Chuyện ngày xưa tưởng đã quên lãng, bây giờ lại sống lại trước mắt Nam.

di tim su hanh phuc

Nam vốn đa cảm nhưng lại ít nói nên khó có bạn gái vì thế cô em gái mới đem cô bạn gái học cùng trường Trung Học ngày xưa về giới thiệu cho anh mình. Hai người bạn gái đã xa nhau bốn năm, Thùy đã thay đổi nhiều, chạy theo thời trang, vật chất, trong lúc đó Vân vẫn cứ tưởng bạn mình giống như ngày xưa, một cô Thái trắng mộc mạc, hồn nhiên vô tư lự. Ngay lần đầu tiên gặp gỡ Nam đã choáng mình vì khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương của Thùy, thêm vào nét hiền thục trong khi nói chuyện làm tăng thêm nét quyến rũ của cô gái Thái trên miền sơn cước. Hai người gặp nhau, nói chuyện đôi ba lần rồi quyết định đi đến hôn nhân. Sống chung cùng chồng một tháng sau đám cưới, Thùy khám phá ra là Nam không hợp với mình. Thùy thích loại đàn ông lịch lãm, biết ăn chơi, biết đưa vợ ra ngoài đi vũ trường, đi ăn hoặc đi biển trong khi đó Nam thuộc loại người sống nội tâm, thích đọc sách, trầm ngâm hay đứng lặng cả giờ để nhìn hoàng hôn hay hoa nở. Cho dù đồng sàng dị mộng nhưng Nam vẫn yêu thương vợ. Thùy không chịu xin thuyên chuyển về làm cùng thành phố miền biển với Nam, vẫn tiếp tục sống ở Đà Lạt, tự do, phóng túng như người độc thân. Một năm Thùy xuống Nha Trang thăm Nam hai lần không hơn không kém.

Cho đến một ngày nọ, một người bà con của ông Bốn bắt gặp Thùy đang hẹn hò với một đại gia trong nhà hàng Đồng Khánh sang trọng ở Chợ Lớn về kể lại cho ông Bốn nghe. Gia đình Nam nổi giận, ép Nam ly dị, Nam ký đơn xin ly dị trong nước mắt. Hai người chưa ra tòa thì xảy ra vụ 30 tháng 4, mỗi người mỗi ngả và tờ giấy hôn thú không có giá trị dưới chế độ mới… Càng nhìn Hiếu, Nam càng thấy yêu thương dạt dào, kỷ niệm xưa lại sống lại trong chàng hơn bao giờ hết. Nam không nỡ phá đi cái ảo tưởng tình phụ tử ngọt ngào mà Hiếu mới tìm được.
Hai bố con tay trong tay, đi dạo dọc theo bờ biển. Chàng đưa thằng bé đi ăn nhà hàng ngon nhất Nha Trang, nó ăn rất ngon miệng và nói liên tục, mở miệng ra là bố ơi, bố à làm cho Nam bồi hồi xúc động. Đã lâu lắm rồi không ai gọi chàng bằng bố! Nam đưa Hiếu vào phòng ngủ, ngày mai nó phải trở về đơn vị sớm để điều hành nhân công trồng cây thông, gầy lại rừng cho miền Trung Du Trường Sơn. Bà Bốn và Thu chờ chàng ở phòng khách

- Có phải nó thật là con mầy? Có phải con Thùy tưởng mầy sắp đi Mỹ, nó nhìn quàng không? Con cái gì mà 20 năm im hơi, lặng tiếng. Bây giờ đột nhiên trên trời rơi xuống một thằng con!

Nam đáp lấp lửng:

- Chuyện xảy ra hai mươi mốt năm rồi, ai mà nhớ cho được!

Thu phản kháng:

- Anh nói như vậy mà nghe được! Phải dẫn nó đi thử máu, xét nghiệm DNA thử có phải là con mình hay không?

- Khỏi cần đâu! nó có muốn đi Mỹ hoặc chia gia tài đâu, nó chỉ muốn thỉnh thoảng về đây gặp bố thôi. Mất mát gì một chút tình thương, tại sao mình không chia sẻ một tí cho đứa con mồ côi cha? Hồi chiều giờ nghe nó gọi bố liên tục, nghe đã quá!

Thu hứ một tiếng rồi vùng vằng bỏ về nhà mình. Từ ngày Hiếu xuất hiện đến giờ, Thu nhận thấy chồng mình thay đổi nhiều. Nam cầm bình xịt nước phun sương ngồi bất động hằng giờ liền giữa đám hoa bông sứ Thái Lan mà không làm gì hết. Có khi ngồi thẫn người, nhìn vào cuốn sách mà không đọc, Thu muốn biết chồng mình đang suy nghĩ điều gì trong đầu. Nàng về nhà chồng lục lọi, cuối cùng Thu tìm được tấm hình của Thùy, người vợ trước của Nam, giống hệt Hiếu bây giờ
Thu đoán là Nam vẫn còn yêu thương người vợ cũ cho nên từ khi gặp Hiếu đến giờ Nam mới ra ngẩn vào ngơ như vậy. Suốt một năm vừa qua, Hiếu về thăm bố ba lần. Mỗi lần về đều có quà cáp cho bố, Nam như được hồi sinh, vui vẻ hơn mọi ngày, nói cười hơn mọi ngày. Chàng đưa con đi chơi Hòn Chồng, Cầu Đá tối mịt mới về tới nhà, trong khi đó Thu sống trong buồn khổ, ray rứt. Chắc gì Hiếu là con của Nam? mà lại thương yêu nó như vậy. Hay là vẫn còn thương yêu Thùy qua hình bóng của Hiếu? Cứ suy nghĩ lẫn quẫn như vậy hoài, thêm vào đó nỗi ghen tức ngấm ngầm đối với người vợ cũ làm cho Thu mỗi ngày càng suy nhược, nàng bị tâm bịnh lúc nào cũng không hay, người dã dượi, biếng cười, lười nói, cứ nằm hoài trên giường không muốn ăn uống chi cả. Thấy bịnh tình vợ mỗi ngày một trầm trọng mặc dù Nam đã đưa Thu đi bác sĩ, vào bệnh viện khám tổng quát cũng không tìm ra bệnh, lần này Hiếu sẽ xuống ăn Tết cùng gia đình Nam, chàng phải làm một quyết định quan trọng là chọn vợ hay là Hiếu? Nam đưa Hiếu đi dạo một vòng bờ biển. Khi màn đêm đã buông xuống, chàng cùng với Hiếu ngồi xuống ghế đá nhìn mông lung ra biển. Cúi xuống nhìn đứa con đang nép vào người mình, ánh mắt rạng rỡ, tràn đầy hạnh phúc mỗi lần gặp được bố, chàng thu hết can đảm nói với nó:

- Hiếu nè! Thu vợ bác bị tâm bịnh, Thu sợ bác chia sẻ tình thương cho con, rồi nối lại tình xưa nghĩa cũ với mẹ con nên một hai bắt bác với Hiếu đi thử máu, xét nghiệm DNA, bác không chịu đi, vợ bác vì tức tối, buồn rầu mới sanh bịnh.

- Thế ngày mai bố với con vào bệnh viện cho vừa lòng dì.

Nam ngập ngừng:

- Ngày xưa bác rất yêu mẹ cháu. Mỗi lần mẹ cháu viết thư bảo mẹ cháu về thăm bác, bác đều giữ những lá thư ấy cẩn thận, sắp xếp theo thứ tự cho đến bây giờ. Lá thư cuối cùng báo ngày gặp mặt bác là ngày 1 tháng 11. Mẹ cháu có nhiều bạn… Nam lúng túng nói chữa lại… Mẹ cháu vì đãng trí nên quên đi ngày tháng, nhưng bác thì không bao giờ bác quên được. Dịu dàng chàng hỏi Hiếu: - Thế ngày sinh nhật của con là ngày nào?

Ngày 15 tháng 10 năm 1975. Hiếu lẩm bẩm tính trên đầu ngón tay, tháng 11 cộng với 9 tháng 10 ngày là tháng 8 rồi nó òa khóc chạy về nhà nội, khóa cửa phòng lại rồi ở trong đó khóc rấm rứt suốt một đêm.

Sáng sớm hôm sau, Hiếu đeo ba lô xuống phòng khách thì thấy bà nội, ba nó, cô Ba đang ngồi chờ nó ăn sáng. Bà Bốn ái ngại:

- Con ăn cho no chứ ăn uống dọc đường mất vệ sinh dễ đau bụng tiêu chảy. Con Hoa gói cho con cây chả với hai cái bánh mì đem theo ăn dọc đường. Hiếu im lặng ngồi ăn, hai mắt đỏ hoe, ngấn lệ. Cô Ba tới bên cạnh dúi vào tay nó nắm tiền để đi đường. Hiếu không nhận trả lại:

- Con về đây vì bố chứ không phải vì cần sự giúp đỡ của bên nội.

Ăn xong Hiếu đứng dậy chào bà Bốn, cô Ba, Hoa rồi đến sát bên Nam:

- Chào bố con đi nhưng con không tin con không phải con là con của bố, con có rất nhiều điểm giống bố lắm. Bố cho con hai sợi tóc nghe bố? Nó nhổ tóc trên đầu Nam rồi đi vội vã ra cửa, leo lên xe ôm đi mất. Nam ngồi bần thần, buồn hiu nói thầm:

- Không những cho con hai sợi tóc, nếu không phải vì Thu, bác sẵn sàng cho con cả cuộc đời của bác.

Một năm sau, Nam chuẩn bị đi ngủ thì chuông điện thoại reo vang

- Bố ơi! bố! Hiếu nức nở nói trong nước mắt:

- Xin phép bác cho phép con gọi bác bằng bố. Bố ơi! con đã giết mẹ con rồi! Con giận mẹ dối trá với con cho nên suốt một năm trời con ở luôn trên cơ quan không về nhà thăm mẹ. Con trách mẹ ngày xưa sao lại không chung thủy, bạc tình với một người hiền lành, thương mẹ như bố. Mẹ con buồn vì con không về nhà nên uống thuốc ngủ tự vẫn. Trước khi chết mẹ con có gọi cho con xin số điện thoại của bố rồi nói:

- Sá gì một sợi tóc, mẹ mang nặng đẻ đau, nuôi con khôn lớn rồi giao lại cho họ mà họ không biết quí... Năm ngoái cô Tư, em gái bố, bên Mỹ về cũng xin mẹ sợi tóc của con trước khi làm giấy tờ bảo lãnh cho con đi du học, mẹ không cho cô Tư gặp mặt con vì mẹ không chắc con là con của bố. Bố con là người kinh cho nên không biết phong tục tập quán của người Thái mình cưới vợ về mà vợ có bầu sẵn rồi thì mừng lắm vì mua bò được cả luôn nghé. Đáng lý ra bố phải mừng rỡ đón con về mới phải, hơn nữa bố lại không có con. Ai sẽ lo phụng dưỡng cho bố khi tuổi già xế bóng?

- Bố ơi! mẹ con có gọi cho bố? mẹ con nói gì với bố?

Nam sững sờ, thảng thốt khi nghe tin Thùy chết.

- Con đừng có oán trách mẹ con! tất cả mọi việc mẹ con làm cũng vì con, vì tương lai của con. Mẹ con muốn con được sung sướng. Mẹ con muốn bố lo cho con ăn học đến nơi đến chốn vì bố không có con. Nếu không vì dì Thu bệnh nặng, bố đã nhận con là con của bố và bố không bao giờ cho con sợi tóc. Mẹ con trách bố tàn nhẫn, không có tình nhân ái đối với một đứa trẻ khao khát đi tìm cha như con. Nếu sau này bố với dì Thu tuổi già sức yếu, cho dù có tiền của, tài sản cũng không thể tự lo cho mình được, bây giờ có một đứa con ngoan, hiếu thảo, đinh ninh bố là bố ruột của con đi tìm cha mà bố lại không nhận. Mẹ con đâu có hiểu hoàn cảnh khó xử của bố lúc đó đâu! một bên là con, một bên là vợ bố, bố phải chọn một trong hai. Con có hiểu cho bố không?

- Con hiểu chứ! cho nên con mới gọi cho bố, bố con mình làm lại từ đầu và quên đi hai sợi tóc mà ngày xưa con đã xin bố. Con không tiện về Nha Trang thăm bố được, mỗi buổi sáng cuối tuần, chờ dì Thu đi chợ, con sẽ gọi điện về thăm bố. Con nhớ lần đầu tiên con gặp bố ở nhà nội, bố nhìn con bằng ánh mắt đầm ấm, dịu dàng đầy thương yêu. Cái ánh mắt ấy, cái nhìn ấy nó theo con cho đến bây giờ. Bố ơi! con thương bố! con ao ước có một ngày con sẽ được sống gần bên bố, được bố dẫn đi tắm biển mỗi buổi sáng, mỗi buổi tối được ngồi bên bố bên bờ biển đếm sao trời. Bố ơi! bây giờ con không còn người thân nào bên cạnh con, chỉ còn bố thôi. Bố ơi! quên đi sợi tóc nghe bố!

Thu nhận thấy Nam thay đổi, vui vẻ, hoạt bát hơn ngày thường, không còn ngồi đăm chiêu, buồn rầu, ủ rũ như mọi hôm nữa. Nàng không biết lý do tại sao? chỉ thấy Nam thường xuyên đi tắm biển buổi sáng, buổi tối hay ra biển ngồi hóng gió và ngửa mặt lên nhìn hằng ngàn vì sao trên trời.

soitoc

Ở tuổi tri thiên mệnh, sinh lão bệnh tử, có ai thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của kiếp con người. Bà Thu lâm trọng bệnh rồi mất mười năm sau đó. Ông Nam, tóc bạc phơ, lụm khụm ra vào trong cái nhà rộng thênh thang chờ điện thoại:

- Bố ơi! con được nghỉ phép thường niên, con dẫn hai cháu xuống thăm bố. Nếu bố không sợ chúng làm phiền bố, con sẽ để một đứa ở lại sống với bố cho vui cửa vui nhà. Căn nhà mọi hôm vắng vẻ, tiêu điều, bây giờ như có môt luồng sinh khí mới thổi vào. Hai đứa cháu nội thằng Nhân, 5 tuổi, con Nghĩa 4 tuổi chạy nhảy, la hét ỏm tỏi khiến cho ông Nam cũng vui lây. Chơi chán chúng leo lên phản nằm bên cạnh ông, ông để sách xuống, úp trên ngực hai tay ôm hai cháu vào lòng. Nghĩa hỏi:

- Ông nội đang đọc sách gì vậy ông nội? phải sách ước không ông nội?

- Ừ! nội đang đọc sách ước. Bây giờ ông nội giả làm ông bụt, thế các con ước gì nào?

Nhân mau mắn nói trước:

- Hai ly kem ba màu.

Anh dại quá đi! tại sao không ước tờ bạc $100 đô là mình có thể mua đủ thứ nào là kem ly, bánh mì, khô bò, đồ chơi, quần áo nè.

Ông Nam phì cười vì cái vẻ khôn lỏi của đứa cháu gái. Ông trỗi dậy dẫn cháu đi biển ăn kem ly, bánh mì, khô bò… Đưa Nghĩa đi chợ Đầm mua đồ chơi và quần áo mới. Trước khi Hiếu chuẩn bị hành lý đưa hai con về lại Đà Lạt, ông Nam cho Hiếu chậu hoa sứ mà ông ương dành riêng cho Hiếu và đưa chìa khóa tủ sách của ông cho Hiếu dặn dò:

- Bố sợ bố mất trước ngày con về hưu, bố cho con tủ sách và chậu hoa sứ, con thuê xe chở về Đà Lạt. Bố quý chúng nó lắm. Khi nào con gặp khó khăn về sinh kế, cứ tháo tờ bìa nilon ra, ông bụt thần sẽ hiện ra giúp con vượt qua mọi khó khăn về tài chính. Nhớ giữ kỹ mấy cuốn sách, khóa tủ lại, không cho ai mượn vì có bụt thần của bố trong đó. Khi nào con tháo bìa sách hoặc thay chậu cho cây bông sứ chỉ có con và ông bụt mà thôi, không có người thứ ba nghe con.

Người nhà của ông Nam thấy ông Nam cho đứa con tinh thần của mình những thứ không có giá trị gì đối với họ nên họ để cho Nam chở hơn một ngàn cuốn sách và chậu bông đi, hơn nữa mắt ông càng ngày càng kém không còn đọc sách được nữa thì giữ sách trong nhà mà làm gì. Trong nhà không có ai quý sách như ông, Hiếu giống ông ở điểm nầy, mê đọc sách quên cả thời gian, hễ cầm quyển sách nào lên là phải đọc cho hết mới chịu gấp lại. Bởi vậy, họ không lấy làm lạ khi thấy ông Nam cho hết kho tàng sách của mình cho Hiếu, Nghĩa thấy bố ngồi đăm chiêu, suy nghĩ không biết tìm tiền ở đâu mà đóng tiền bệnh viện cho con. Hai ngày nay Nhân bỏ học, nằm mê man trên giường. Bác sĩ bảo con chàng là phải nhập viện gấp để xét nghiệm xem là Nhân mắc bệnh gì. Nhà lại không có tiền, bạn bè ai cũng nghèo như Hiếu, đào đâu ra tiền đây? Nghĩa mon men lại gần tủ sách nói:

- Ông nội có nói với con là ông nội có cuốn sách ước, khi mình ước điều gì thì bụt thần sẽ hiện ra giúp mình đạt được ý nguyện.

Hiếu sực nhớ lại lời dặn dò của ông Nam, chàng bảo con gái xuống nhà dưới trông chừng anh, khóa cửa phòng lại rồi lấy con dao nhỏ nạy kim găm mở bìa cuốn sách ra. Khi tám góc được tháo tung, hai tờ $100 đô rớt ra ngoài. Hiếu ngạc nhiên quá đỗi, vội vàng tháo bìa cuốn sách thứ hai, cũng giống như lần trước, hai trăm đô rớt ra. Chàng gom tiền lại, hối hả chở con đi bệnh viện. Khi thằng Nhân đã hạ sốt, vượt qua thời kỳ nguy hiểm. Hiếu giao con cho vợ săn sóc, chàng về nhà gọi phôn cho ông Nam, Hiếu vừa nói vừa khóc: 

- Bố ơi! bố vừa cứu mạng con trai của con, nếu không có tiền của bố thì con của con đã chết rồi. Con cảm ơn bố nhiều. Tại sao con không phải là con ruột của bố mà bố cho con nhiều quá vậy? 

- Con đã bảo: Hãy quên sợi tóc đi! mà sao bây giờ con còn nhắc lại. Trong thâm tâm của bố, con là đứa con thân yêu nhất mà bố có được ngay từ khi gặp gỡ đầu tiên ở bờ biển Nha Trang con ôm bố trìu mến gọi: Bố ơi! Bố à! Bố không có con cái giữ tiền mà làm gì, ngặt một nỗi người nhà của bố canh quá kỹ mỗi lần con về thăm bố, bố phải làm như vậy. Con còn tương lai, còn có hai đứa con phải lo. Nhớ thay chậu bông sứ, lấy vàng mua một cái nhà kha khá một chút cho hai cháu ở. Muốn trả hiếu, về hưu dọn xuống đây ở luôn với bố, bố nhớ hai cháu lắm!

- Bố ơi! Bố à! hai bố con mình thương nhau là đủ rồi hả bố! Sá gì hai sợi tóc hả bố!

Sương Nguyễn

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com