Nhi thử áo mới, săm soi nhìn bóng mình trong gương. Lại một bộ váy đen. Mẹ vẫn thường không bằng lòng vì cả tủ áo của Nhi chỉ tuyền một màu u buồn đó:
- Mẹ, còn đúng một tuần nữa là Nhi 18 tuổi rồi. Lúc đó là mẹ không được cằn nhằn gì về chuyện ăn mặc, chuyện bạn bè và những chuyện khác của Nhi nữa đó nha.
Thấy mẹ không phản ứng gì, Nhi quay lại:
- Mẹ, nãy giờ Nhi nói gì mẹ có nghe không? Mắt không rời mấy tờ giấy bạc, Tường Vân gắt:
- Mẹ đang tính tiền mà con cứ léo nhéo hồi mẹ đếm lộn hết. Cầm đi phố mấy trăm mới mua vài món đã hết trơn, không biết mình có trả nhầm ai không ta. À, không mẹ nhớ ra rồi, tiền người ta thối lại còn nhét trong túi quần.
Tiền bạc đâu ra đấy rồi, mẹ trở lại là mẹ hiền muôn thuở:
- Nãy Nhi muốn nói gì, nói lại mẹ nghe.
Nhi dẫu môi phụng phịu, ngúc ngoắc hai đuôi tóc. Biết con bé dỗi, Tường Vân kéo nó ngồi vào lòng, hôn thật sâu lên đôi má mịn màng. Hôn con sướng thật. Tự dưng Tường Vân buồn buồn:
- Sinh nhật xong là Nhi chuẩn bị đi học xa rồi. Có một mình mẹ ở nhà buồn chết đi được.
Nhi nghiêng đầu, quàng tay quanh cổ mẹ:
- Hay mẹ đi theo Nhi. Mấy năm nay hai mẹ con mình ở chung một phòng đâu có chật. Tường Vân phì cười:
- Nhi nói dễ nghe. Cư xá sinh viên người ta đâu có cho ở chen chúc như thế. Với lại còn ông ngoại.
Rồi như chợt nhớ lại ngày xưa còn là sinh viên hồn nhiên của mình, Vân kể cho con nghe:
- Nhi biết không, hồi mẹ học Đại học ở Việt Nam, một cái phòng nhỏ như phòng hai mẹ con mình bây giờ mà nhét tới 8 mạng, đã vậy mà còn nấu nướng luôn trong phòng đó con.
Nhi tròn mắt kinh ngạc. Mười sáu mét vuông chia cho 8 người thì mỗi người vỏn vẹn được có hai mét vuông, làm sao mà sống nổi. Tường Vân giải thích thêm:
- Tại hồi trước ai cũng nghèo hết, áo quần đâu có mấy, mỗi đứa có vài ba bộ à, đứa này mượn áo quần của đứa kia lia chia. Còn sách vở thì nhét vô một cái cặp táp là đủ. Ngủ thì ngủ giường tầng, thậm chí có khi còn tổ chức sinh nhật trong phòng, mời thêm năm sáu chàng cùng lớp tới dự mà vẫn đủ chỗ. Còn Nhi bây giờ thì sách vở áo quần chất cao như núi, bữa nào làm sao mà khuâng đi cho hết đây cô. Nhi ngẫm nghĩ:
- Sách vở mười ba năm đi học đã thanh toán xong. Hôm làm lễ ra trường bọn con đã chất đống đốt sạch rồi hò reo nhảy múa chung quanh như người da đỏ. Còn áo quần thì tí nữa con với mẹ soạn ra cho bớt hội Hồng Thập Tự. Áo quần, giầy dép mình cho vô hai va ly. Một cái để đồ mùa đông một cái mùa hè là đủ. Từ lâu con cũng muốn dọn dẹp mà mắc thi, nay mẹ nhắc thì con mới nhớ. Tường Vân đẩy con bé ra để đứng dậy:
- Ừa, mai hai mẹ con mình làm. Bây giờ con vô bếp phụ mẹ. Chiều nay là Giao thừa bên mình nên phải nấu nướng để còn cúng nữa.
Mới năm giờ mà trời đã chập choạng tối. Bật hết bốn ngọn đèn cũng không đủ làm căn bếp ấm áp lên tí nào. Tết năm trước còn mẹ, Tường Vân với mẹ hân hoan bày vẽ đủ thứ. Năm nay chỉ còn ba ông cháu nên Tường Vân chỉ làm giản tiện. Cái gì mua được chị đều mua sẵn ở tiệm Á đông. Tường Vân vừa xào nấu vừa kể chuyện Tết ngày xưa khi còn ở quê nhà cho con nghe. Từ hồi sinh ra tới nay con bé Nhi chưa bao giờ được về thăm quê hương nên rất háo hức nghe chuyện. Chuyện gì mẹ kể con bé đều thấy ly kỳ hấp dẫn. Tường Vân thấy mình càng ngày càng giống mẹ, ngày xưa hai mẹ con vẫn thức sáng đêm tâm tình là thường. Từ ngày mẹ mất, con bé Nhi thay thế mẹ, trở thành người bạn tâm tình với Tường Vân.
Mấy năm gần đây, cái bịnh đãng trí của cha lại càng trầm trọng hơn. Có khi ông còn không nhận ra Tường Vân là ai. Nhưng những lúc đó ông lại rất hiền lành, dễ chịu. Tường Vân đề nghị việc gì cha cũng ưng thuận ngay tức khắc. Như việc dọn nhà chẳng hạn. Ba năm trước, hồi mới dọn về ở chung với cha mẹ, một tờ báo cũ, một cái áo sờn cổ ông cũng không cho vụt đi. Tường Vân thông cảm với thói quen lưu trữ đồ đạc của cha vì biết cha đã sống qua những ngày nghèo khổ nên cái gì đối với ông cũng có giá trị. Đồ gì đã vô nhà cha thì coi như cắm dùi suốt đời trong đó. Nhiều nhất là sách báo. Có những tờ Tường Vân lục ra còn đọc được tháng năm gia đình cô vừa đến Đức nghĩa là hơn 20 năm đã trôi qua.
Nhà có ba phòng mà phòng nào cũng chật cứng khiến con bé Nhi bị dị ứng, ách xì liên tục. Để nhường cho hai mẹ con một phòng, ông ra lệnh là đem hết đồ đạc trong đó sang chất bên phòng ông chớ không cho Tường Vân được tự ý vụt đi một thứ nào, nếu chưa được phép. Tường Vân biết cha già rồi, đã quen cung cách gia trưởng nên chị không dám làm trái ý nhưng con bé Nhi sanh bên này thì nó không sao hiểu được, từ những chuyện hiển nhiên nhất như ông ngoại cứ khư khư dùng bộ ấm chén sứt mẻ, bát đũa lồm cồm không cái nào ra bộ trong khi bộ đồ ăn, bộ đồ trà của mẹ nó bằng men sứ trắng ngần thì ông nhất định không mó đến. Áo quần của ông cũng vậy, chỉ vài ba bộ tàng tàng để thay đổi, mẹ nó mua cho ông cả xấp đồ lót trắng tinh mà ông cứ để nguyên trong bao ni lông.
Tường Vân đã phải mất biết là bao công sức khi đứng ra làm cầu nối cho hai ông cháu nên con bé mới chịu ở lại với ông ngoại tới bây giờ. Suốt cả thời gian đầu Tường Vân đã rất khổ tâm, một bên thì muốn sống chung để chăm sóc những ngày cuốí cùng cho cha già, mẹ yếu lụm khụm, một bên là con gái với những suy nghĩ tự do thoải mái của lớp trẻ bên này. Sau một lần bị đột quỵ, bây giờ thì cha đã yếu lắm rồi. Cộng thêm trí nhớ của ông giờ đây chỉ là một đám sương mù dày đặc, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào Tường Vân. Chị chăm sóc cho cha từng chút một, hết tắm táp lại đút ăn, cho cha uống thuốc, thay tã rồi dẫn đi ngủ như một đứa trẻ. Hôm nào nắng ấm thì mặc đồ thật ấm cho cha, rồi đẩy đi dạo cho ông được ngủ gà ngủ gật trong những công viên yên tĩnh.
Một điều làm Tường Vân âm thầm sung sướng là càng ngày con bé Nhi lại càng thương yêu, gần gũi với ông ngoại. Không cần mẹ phải sai bảo, nó tình nguyện lo cho ông những khi rảnh rỗi và cũng từ những tháng năm đó đã chứng minh cho việc hướng nghiệp của nó vào học ngành Y là không sai, dù bố nó, anh Lễ cứ muốn nó học Nha, để anh còn cho nó thừa kế lại cái phòng răng của anh bây giờ. Chia tay với Tường Vân xong là Lễ mang vợ mới sang liền. Tường Vân chưa bao giờ diện kiến cô ta nhưng chị đoán là cô ta chắc chắn trẻ đẹp, ngoan ngoãn biết vâng lời hơn Tường Vân xa chừng. Đó là đức tính ở người phụ nữ mà anh Lễ mong muốn và không tìm thấy ở chị.
Chuyện Lễ về Việt Nam lập phòng nhì Tường Vân biết từ lâu rồi. Chỉ cần để ý thấy chồng năm nào cũng đòi về thăm nhà và lúc trở qua thì cứ cáu kỉnh, kiếm chuyện gây gổ từ những cái nhỏ nhất, rồi sau đó nằng nặc đòi đưa đơn ra li dị đủ để Vân biết anh đang chơi bài "dí dầu tình bậu muốn thôi, bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu đi". Nhìn quanh, thấy gia đình nào cha mẹ rạn nứt con cái thường bị khủng hoảng ít nhiều, nên dù đã chán ngán Lễ đến tận cổ, Tường Vân cũng ráng nín nhịn để cuộc đời của con bé Nhi khỏi bị xáo trộn. Đã cố tình giấu giếm chuyện nhà mình vậy mà có bà dì về Việt Nam ăn Tết, tưởng Tường Vân khờ khạo, lúc qua lại bà gọi ngay phôn cho mẹ kể lể, không sót một chi tiết. Nào là chị ơi, em bắt tại trận thằng chồng con Vân tình tứ đi với một con, đáng tuổi bằng con hắn. Hai đứa đi mua đi sắm cả mấy tầng lầu trong thương xá, cuối cùng còn ghé vô tiệm vàng, thằng nọ mua cho con kia một sợi dây chuyền, rồi hai đứa ôm nhau lên taxi đi mất nên em theo không kịp!
Buồn cười là người trong cuộc cứ thờ ơ trong khi người ngoài cuộc lại sôi lên sùng sục. Chị Tường Liên chúa đời là ăn to nói lớn, phạt tay trong không khí:
- Mi hiền quá, phải về bắt ghen một trận. Nếu cần thì mướn xã hội đen chơi đẹp, cho thằng cha Lễ tởn tới già. Anh Sơn thực tế hơn:
- Cứ để hắn đi. Đẹp như mi thì không lo. Tau có mấy thằng bạn cùng sở đẹp trai lắm, thèm lấy vợ Việt Nam lắm, để giới thiệu cho mi một thằng trẻ măng. Kẹp tay đi phố thằng Lễ thấy tức nổ con ngươi luôn.
Tường Vân biết mình không phải mẫu vợ hiền lành dịu dàng gì nhưng chị thấy kiểu của anh chị mình vấn kế, kiểu nào cũng... vô duyên. Không có người đàn ông nào trên thế giới này, đáng giá đến độ chị phải nhúng tay vô chàm để đến nỗi sa vào vòng tội lỗi; Còn hốp tốp tìm người kiểu ông ăn chả bà ăn nem thì không phải phong độ của Tường Vân. Chồng đã chơi bời như vậy thì bị chồng bỏ có khi còn phải cám ơn số phận. Chị biết cái ngày vợ chồng mình rã đám đó thế nào rồi cũng sẽ đến. Cả hai đều mệt mỏi không muốn tìm cách hàn gắn lại nữa nhưng trong thâm tâm Tường Vân là nín thở qua sông, chờ cho Nhi ra Tú Tài rồi chia tay cũng không muộn. Người lớn chỉ lo nghĩ đến những thú vui riêng tư của mình, làm đủ thứ xằng bậy để con cái bị ảnh hưởng là điều sẽ làm Tường Vân ân hận suốt cả đời. Có đủ cả cha lẫn mẹ thì đứa con vẫn được bảo bọc vẹn vẻ hơn.
Lần nào coi cái đĩa Nhật Trường thấy Mỹ Lan dẫn bé Anh Chí ra hát câu trên khăn tang cô phụ là Tường Vân cũng rưng rưng muốn khóc vì thấy thương thằng bé còn quá đỗi ngây thơ. Nhưng rồi cũng chính con bé Nhi đã cực lực khuyến khích Tường Vân nên ra riêng, nó khẳng định với chị là nó không còn bé bỏng gì nữa để mẹ phải vì nó mà hy sinh thêm ngần bấy năm tháng, nếu thấy hết còn chịu đựng nổi kiểu sống giả dối ngột ngạt như từ bấy lâu với bố nó. Con bé còn nghiêm túc đề nghị sẽ tháp tùng mẹ đến Luật sư nếu mẹ không hiểu rõ hết ngọn ngành tiếng tăm, luật lệ. Tường Vân thầm cám ơn Trời Phật đã cho chị một đứa con cứng cỏi, vững vàng. Con bé học nhảy nên trong nhóm bạn gồm 9 đứa, nó là đứa trẻ nhất nhưng chững chạc nhất. Mấy con bạn nó không ít lần tìm tới con bé Nhi để xin một lời khuyên khi tình yêu hay gia đình có chuyện lục đục. Nghe Nhi kể mà Tường Vân phải tròn mắt hỏi tại sao con có thể lý giải được khi con chỉ là đứa bé hoàn toàn chưa có kinh nghiệm. Con bé thâm trầm trả lời:
- Quan sát! Chỉ cần quan sát từ sách báo hay truyền hình là đủ để trang bị cho mình một nhân sinh quan rạch ròi, cần gì phải vấp ngã mới tích lũy được kinh nghiệm hả mẹ. Mẹ không biết chứ trong nhóm, tụi bạn gọi con là Seneca đấy (Một nhà hiền triết thời cổ đại). Từ đó, ngoài những lúc là một người mẹ phải săn sóc bảo ban con cái, Tường Vân đã phải thay đổi cái nhìn, trao đổi bàn bạc với con như một người bạn nhỏ tuổi. Bây giờ chị chỉ còn phải lo cho cha. Tường Vân nhớ cả thuở thiếu thời gia đình mình rất là đầm ấm. Đi dạy thì thôi chứ về đến nhà là cha tưng tiu, nựng nịu vợ con từng chút.
Trước bẩy lăm, cha là biệt phái chỉ chuyên dạy triết các trường Trung học vậy mà sau bẩy lăm cha cũng phải đi tù mất năm năm. Mẹ ở nhà chật vật xoay sở để nuôi ba anh em Vân và tiếp tế thăm nuôi cha. Ra lấy chồng mẹ chỉ là một tiểu thư khuê các mười bẩy tuổi, việc kiếm sống từ lâu phụ thuộc hoàn toàn vào một tay cha. Nay cha đi tù mẹ lao đao, vất vả trăm bề. Không quen lươn lẹo trong buôn bán, vốn lại mỏng mà dạo ấy dân cả thành phố đều dồn ra vỉa hè kiếm sống nên chỉ sau vài lần thử thời vận, phần bị công an tịch thu, nộp phạt, phần bị bạn hàng lừa lọc, mẹ coi như bị mất trắng. Tường Vân thấy mẹ cầm cái thư có giấy phép đi thăm nuôi cha mà nước mắt nhạt nhòa cả trang thư vì trong nhà còn cái gì nữa đây để mà cầm cố, thậm chí cái nhẫn cưới thân yêu nhất của đời bà cũng đã được đổi thành gạo thành mì từ lâu lắm rồi.
Trong những ngày cùng quẫn đó anh Sơn đòi bỏ học để đi thồ xe than như bạn bè, chị Tường Liên sắp thi Tú tài cũng đòi ngưng ngang để đi buôn tàu chợ như mấy bà, mấy cô trong xóm dù biết mười bà đi xe hàng về là chửa hoang cả mười. Đúng vào thời điểm đen tối đó bác Thuyên tìm ra được tung tích của gia đình Tường Vân. Một buổi Tường Vân tan trường về tự dưng có một chiếc xe Jeep đổ xệch bên cạnh. Một người đàn ông ra dáng cán bộ cao cấp hối hả nhảy từ trên xe xuống, miệng hỏi dồn:
- Ni ơi, có phải là Ni không, anh là Thuyên đây. Anh về Vỹ Dạ tìm em, hàng xóm nói gia đình em đã vô Sài Gòn ở bên Tân Định nên không ngày mô mà anh không đi hỏi thăm, may mà hôm ni mới gặp.
Ni là tên của mẹ Tường Vân. Không phải bác Thuyên là người đầu tiên nhìn lầm mà ngay cả ôn mệ ngoại, các cậu các dì, từ ngày Tường Vân trổ mã thành con gái, đến nhà chơi đều có lúc bị nhầm lẫn với mẹ. Tường Vân giống mẹ như hai giọt nước. Bác Thuyên là bạn học từ hồi trai trẻ với cha nhưng hai người lại ở hai bên chiến tuyến. Mẹ yêu bác Thuyên nhưng không dám cãi lời ôn mệ ngoại, vẫn ngoan ngoãn đi lấy cha, vì cha con nhà nghèo nhưng lại có khoa bảng. Ngày hoa khôi Đồng Khánh lúc bấy giờ là mẹ lên xe hoa, bác Thuyên đã đau đớn quá, bỏ nhà sang bên kia tập kết. Chỉ nhìn vào mắt bác Thuyên đủ biết bác vẫn tôn thờ say đắm mẹ biết chừng nào dù giữa hai người đã có hơn 20 năm cách biệt.
Có bác Thuyên bảo lãnh, mẹ xin được một chân kế toán trong cửa hàng bách hóa, anh Sơn được miễn đi nghĩa vụ quân sự để yên tâm học tiếp đại học, chị Tường Liên được vào Cao đẳng Sư phạm, những ưu đãi mà loại vợ con ngụy như gia đình Tường Vân có nằm mơ cũng không thấy. Năm đó Tường Vân 17, một lần cô giáo bịnh cho cả lớp nghỉ về sớm, về đến nhà thấy bác Thuyên đang rù rì to nhỏ với mẹ trong bếp khiến chị tò mò, đứng nép sau cửa nín thở lắng nghe tiếng bác khẽ khàng:
- Cái nhà ngoài Huế anh chỉ giữ lại một gian để thờ cúng ông bà còn hai gian bên cạnh anh đã bán. Chỗ đó dọc theo hai bên bờ sông Hương, xưa toàn là nhà tri phủ, huyện hàm ở nên bề thế, rao ra một cái là có người tới mua liền. Anh bây giờ có một thân một mình, ở trong ni đã có nhà phân phối cho cán bộ nên anh chia hai số vàng, cho em một nửa, lấy mà phòng thân. Giấy tờ bảo lãnh cho Phan, anh đã đi hối mấy người quen, mai mốt đây Phan cũng sắp về rồi. Có vàng thì tính chuyện cho Phan vượt biên đi, ở đây không yên thân đâu, thế nào cũng bị trù dập cả đời.
Tiếng mẹ nghèn nghẹn trong nước mắt:
- Em chừ đã là vợ anh Phan rồi, em còn gì để đền đáp cho anh đây anh Thuyên ơi.
Mẹ gục đầu vào vai bác nức nở, khiến bác cũng cảm động:
- Đừng khóc nữa Ni ơi. Nhìn em cực khổ thì anh cũng đâu có cam lòng.
Trong năm ấy cha được tha về. Linh tính của người đàn bà đã khôn ngoan bảo mẹ phải nói dối, vàng này là mẹ mượn được bên ngoại và tổ chức cho cha vượt biên trót lọt. Mấy tháng cha còn ở nhà, cha đâu có lú lẫn để không thấy được khối tình chất ngất của bác Thuyên dành cho mẹ khiến ông trở nên ghen tuông, cay độc lạ thường. Ai đó đã nói, đòn ghen là đòn chí mạng thật không sai. Cái khác nhau là khi người đàn bà nổi ghen họ thường biến thành hành động điên cuồng, hung tợn nhưng chỉ nhầm thanh toán tình nhân của chồng, trong khi người đàn ông thì lại thẳng tay trừng trị vợ, dĩ nhiên là bằng nhiều cách khác nhau.
Cả đời cha còn chưa đánh con cái một lần nào, nên cha đã không thể ra đòn với mẹ bằng bạo lực. Cộng thêm cả lòng ngùn ngụt căm tức của kẻ bị tù đày, cha đầy đọa tinh thần mẹ xuống tận cùng vực thẳm, lúc thì chì chiết đay nghiến, lúc thì ghê tởm khước từ trước mọi săn sóc dịu dàng của vợ. Mẹ câm nín thanh minh bằng những dòng nước mắt, chờ mong một ngày cha biết nghĩ lại. Anh Sơn và chị Tường Liên đứng về phía cha ra mặt. Có những ngày Tường Vân bực bội đến độ muốn nổi điên, muốn la hét đập phá cho tan tành hết những u uẩn vô lý đang bao trùm cả gia đình mình. Tại sao cha lại làm khổ mẹ và khổ cả chính mình như thế dù biết rõ mười mươi là mẹ bao giờ cũng một dạ trung trinh? Phải đợi đến khi ra nước ngoài, cuộc sống trở về những thứ tự như xưa, cha mới khoan hòa lại với mẹ.
Giờ đây mỗi lần nhớ lại, Tường Vân vẫn khâm phục sự am hiểu tính khí chồng của mẹ, nên đến cả khi nhắm mắt bà cũng đã tuyệt nhiên không khai ra cho cha biết về gốc gác của số vàng, nếu biết, chắc chắn cha sẽ từ chối và hậu quả là gia đình Tường Vân sẽ không có những tháng năm bình yên đến tận bây giờ. Từ dạo cha đi xa, bác Thuyên hầu như không còn lui tới nhà thường xuyên nữa. Làm sao bác còn có thể tự nhiên như xưa khi ngồi nói chuyện với mẹ mà lúc nào cũng có hai gương mặt đằng đằng sát khí của anh Sơn và chị Tường Liên túc trực hai bên, đúng như lời căn dặn, với gạch đỏ bên dưới của cha trong mỗi bức thư từ ngoại quốc gửi về.
Tường Vân hiểu nỗi lo của cha nhưng chị lại thấy tất cả những biện pháp canh giữ cẩn mật đó đều thật là buồn cười. Một khi con người đã muốn vụng trộm thì bao nhiêu hào sâu, núi cao hiểm trở cũng không cản ngăn được. Ngày xưa khi còn trẻ bồng bột, mẹ cũng chưa yêu bác Thuyên sâu đậm đến độ bà đã đành đoạn dứt tình ông để mà đi lấy chồng. Nay, sau hơn hai mươi năm chung sống với cha đã có tới ba mặt con tràn trề hạnh phúc, thì làm sao sự trở về của bác Thuyên đủ có thể khiến mẹ ngả nghiêng cho được. Tường Vân chỉ giống mẹ ở hình dáng bên ngoài chứ tính cách của chị thì hoàn toàn trái ngược. Mẹ dịu dàng, ẩn nhẫn bao nhiêu thì Tường Vân lại hung hăng, nóng nảy bấy nhiêu. Còn yêu nhau thì phải tin tưởng nhau, nới lỏng tay ra cho nhau được thở, chớ đè nén nhau nhiều quá, sợ khi tới khi bùng nổ còn dữ dội hơn.
Hôm mẹ và ba chị em Tường Vân rời Việt Nam đi đoàn tụ gia đình, bác Thuyên cũng có đi đưa. Có mấy năm không gặp mà Tường Vân suýt nhìn không ra vì bác Thuyên giờ đây đã suy sụp, tóc tai bạc trắng. Chuyện giúp vàng cho mẹ trong nhà chỉ mỗi một Tường Vân được biết nên cứ mỗi lần chạm mặt với bác Thuyên, chị lại thấy áy náy, cám cảnh cho mối tình vô vọng của bác. Bác mất đúng ba tháng trước mẹ. Cái bịnh đau bao tử đã hành hạ bác từ mấy chục năm nay không suy giảm, tuy năm nào Tường Vân cũng giấu cha gửi thuốc về cho bác điều trị. Có lần chị Tường Liên và anh Sơn biết được, cả hai cười mũi vào mặt Tường Vân là đi lo chuyện bao đồng, khi không đi gửi đồ cho người dưng nước lã khiến chị khó chịu quá, không kiềm giữ được nữa, phun ra chuyện công ơn của bác Thuyên đã đem vàng cho mẹ ngày xưa.
Tường Vân hoàn toàn lầm lẫn, tưởng câu chuyện bát cơm Phiếu Mẫu ngàn ngày, thọ ơn ai cũng phải ghi lòng tạc dạ, sẽ làm anh chị ấy cảm động, ai ngờ cả hai lại bóp méo tình yêu cao thượng của bác Thuyên bằng cách lý giải thiển cận: Ông ta không tử tế chi đâu, thủ đoạn của ông ta là chỉ muốn bẫy cha đi cho rộng đường chim bay mà thôi! Tranh cãi làm gì. Chỉ là vô ích khi người ta không muốn hiểu. Ngày nhận được thư của một người cháu bác Thuyên gửi qua thông báo, bác đã qua đời, mẹ đưa cho Tường Vân đọc rồi bà lặng lẽ vào phòng đốt nhang lên đọc kinh. Tuyệt nhiên không một giọt nước mắt. Mẹ mất mấy tháng rồi nhưng Tường Vân cứ ngỡ như bà đang đi đâu vắng nhà. Mẹ đã đi rất nhẹ nhàng, thanh thản. Bà chỉ bị cúm sơ sơ rồi đi luôn. Mỗi lần cúng mẹ, Tường Vân đều kính cẩn khấn cả tên bác Thuyên.
Tường Vân nhớ, Tết năm ngoái hai mẹ con ra sức dọn nhà ăn Tết sau khi cha bị ngã vì vấp phải đồ đạc trong phòng khiến ông bực bội, ra lệnh phải quăng hết đồ đạc cho thoáng chỗ. Được lịnh của ông, ba bà cháu mừng húm. Mẹ thì bươi ra còn Tường Vân và con bé Nhi thì như con thoi, chạy đi chạy về tải sách báo ra công-ten-nơ muốn bở hơi tai suốt cả ngày, đến tối mới xong. Dọn xong, đưa cha vào phòng, ông không còn nhận ra phòng mình mà còn hỏi chỗ này là nhà của ai mà rộng rãi sáng sủa thế, ở nhà mới thì phải giữ gìn sạch sẽ, đừng làm dơ người ta la đó. Ba bà cháu bấm bụng không dám cười mà phải đợi vô bếp.
Những lúc tỉnh táo, cha cứ ôm cái hình của mẹ mà hờ: Mình ơi, răng mờ mình đi sớm rứa, không đợi anh đi cùng với. Chăn mền của mẹ, Tường Vân cũng không dám dọn đi, sợ cha mất hơi hướm của mẹ sẽ sinh ra mất ngủ. Ngay cả những thói quen của mẹ là ăn sáng cháo đậu xanh còn nguyên vỏ với đường Tường Vân cũng không quên. Sáng nào chị cũng nấu một tô cúng mẹ rồi mang xuống ăn nhẩn nha một mình. Riết rồi chị cũng ghiền cái món ăn sáng cũ xưa đó. Năm nào mẹ cũng làm cỗ bàn y như hồi chị em Tường Vân còn bé, nghĩa là vẫn những món truyền thống như món bánh tét, món thịt kho, món bóng xào, món canh kim châm bún tàu hầm giò heo, món thịt heo luộc chấm nước mắm ăn với chuối chát, thỉnh thoảng có kèm trái vã xắt mỏng, một thứ quả chỉ có người miền Trung biết ăn và mỗi lần có người quen về Huế, mẹ đều không quên dặn họ nhớ mang sang cho bà.
Có những lúc đang làm việc gì chợt nhớ tới mẹ là Tường Vân lại thừ người ra ngẫm nghĩ. Lúc còn sống mẹ có hạnh phúc với hai người đàn ông yêu bà đến độ gần như tôn thờ không? Có khi Tường Vân trộm nghĩ cha yêu mẹ còn hơn cả yêu con cái vì sau này lớn lên, nghe nội ngoại trong nhà kể lại là hồi sinh Tường Vân, mẹ đã suýt mất mạng vì đẻ ngược. Cha đi dạy về hốt hoảng chạy tới nhà thương, nằng nặc gặp cho được bác sĩ, yêu cầu họ bằng mọi giá phải cứu sống người mẹ, còn mất một đứa con thì cũng không đau đớn gì. Trừ những tháng năm bị đi tù và sau này bịnh hoạn, không Giao thừa nào cha không lo lắng nấu nước nóng với lá hương nhu cho mẹ tắm gội, gột rửa hết bụi bặm của một năm dài đằng đẵng. Khi bà tắm xong, ông lại nâng niu, chải gỡ từng sợi tóc mềm óng như mật rót, dài tận gót chân của bà.
Chưa có người đàn ông nào mà Tường Vân quen biết lại yêu vợ đằm thắm như cha đã yêu mẹ. Có khi cái bịnh đãng trí cũng là một điều tốt vì nếu còn tỉnh táo, liệu cha có chịu đựng nổi sự ra đi vĩnh viễn này của mẹ hay không? Người đàn ông sống vì danh vọng và người đàn bà sống vì tình yêu. Tường Vân thầm mong mẹ đã hạnh phúc vì nhận được quá nhiều tình yêu từ hai người đàn ông thay nhau bảo bọc cho bà những ngày bà còn trên dương thế, để chị thôi buồn khi nhớ ra là giờ đây mẹ đã yên giấc ngàn thu... Có tiếng gọi trong trẻo của con bé Nhi trong phòng khách. Con bé tự hào khoe với Tường Vân công trình của nó là thay đồ lớn chỉnh tề cho ông ngoại, dìu ông ra trước bàn thờ để cúng trời đất, tống cựu nghinh tân vào nhà. Tường Vân vuốt tóc cho cha ngay ngắn, quàng thêm cái phu-la cho ấm cổ cha rồi với quyển truyện Kiều trên kệ sách xuống cho cha khai quẻ đầu năm. Ngón tay gầy guộc run run của cha nôn nao lần vào giữa hai trang sách.
Tiếng cha ngâm nga trầm bổng trong bầu không khí thiêng liêng, lãng đãng hương trầm của đêm trừ tịch:
Trần Thị Hương Cau (Tháng 11/2007)