Vừa thoáng nhìn thấy người con gái lai Âu-Á trong đám đông, ông Phùng liền nhận ra cái vẻ quen thuộc dù rằng đây là lần đầu ông gặp cô ta. Phước, con trai ông bỗng reo to:
"Pat đó, ba!" rồi hắn chạy vội về phía cô gái. Ông Phùng thầm nghĩ:
"Ồ, con nhỏ xinh và dễ thương quá, thảo hèn nó mê như điếu đổ."
Phước giành lấy cả hai xách tay của cô gái, rồi dắt cô đến gặp bố.
"Patricia Nguyệt mà con vẫn nói chuyện với ba đó."
Patricia có nhiều phần Âu hơn Á. Tóc cô đen, nhưng đôi mắt cô màu hạt dẻ và nước da thật trắng. Ông Phùng vừa bắt tay cô vừa nghĩ cô có nhiều nét rất quen thuộc. Cô nhoẻn miệng cười (Trời ơi! ông thầm kêu, lại càng quen nữa!) nói bằng tiếng Việt thật sõi:
"Thưa bác, bác vẫn khỏe?"
Ông cũng cười lại:
"Bác vẫn bình thường, cháu. Mà cháu đi máy bay có mệt lắm không?"
"Không ạ. Mới đầu cũng hơi chóng mặt, nhưng đi riết rồi cũng quen, bác."
Cô ngoảnh lại nói với Phước:
"Em phải ra lấy hành lý, anh."
Cái ngoái cổ của Patricia lại làm ông Phùng nhận ra cái quen thuộc ở nơi cô. Cô hao hao giống Thu Nguyệt, người vợ quá cố của ông. Sau "khám phá" đó, ông bắt đầu thấy Patricia có nhiều nét thật giống bà Phùng. Bà trước kia đã từng là hoa khôi của một trường nữ Trung học tư ở Saigon vào đầu thập niên 1950. Sau biến cố năm 1975, một phần vì buồn lo, một phần vì bệnh hoạn, bà đã qua đời trong khi ông còn ở trong trại tù cộng sản.
Ông không hiểu tại sao Patricia Nguyệt, một cô gái Việt lai Mỹ, hoàn toàn xa lạ đối với ông, lại có những nét giống vợ ông. Cái miệng cười đó, cái dáng dấp mảnh mai đó (tuy Patricia cao hơn nhiều), những bước đi thật khoan thai đó, không phải của Thu Nguyệt sao? Trên đường về nhà, ngồi trong xe hơi do Phước lái, ông Phùng chợt hỏi:
"Má cháu vẫn khỏe? Ba cháu mất lâu chưa?"
Patricia có giọng hơi buồn:
"Thưa bác, ba cháu mất cách đây hai năm. Má cháu thì vẫn bình thường."
Phước nói xen vào:
“Cuối tuần này con mời Ba sang Cali để gặp má Pat. Ba có rảnh không?
Ông Phùng cười:
"Vậy sao? Ba thì lúc nào chả rảnh, nhưng lấy vé máy bay trễ quá thì hơi mắc đó."
"Dạ, không sao, Ba. Con đã giữ chỗ từ mấy tuần trước lận."
Ông có giọng trách nhẹ:
"Thế mà không cho ba biết."
"Dạ, bị con còn phải chờ... quyết định của Pat."
"Đừng có đổ lỗi cho em, nghe. Em đã đồng ý với anh cả tháng nay rồi, chớ có phải mới hôm qua đâu. Chưa gì anh đã đổ tiếng khó cho em."
Trách người yêu xong, Patricia cười giòn giã. Ông Phùng lại nghe nhói trong tim. Rõ ràng tiếng cười của Thu Nguyệt ngày xưa. Ồ, mà sao Patricia cũng có tên là Nguyệt nhỉ? Bây giờ ông mới nhận ra sự trùng hợp đó. Có lẽ từ ngày quen Patricia, mỗi lần nhắc tới cô, Phước đều gọi là Pat mà rất ít khi nhắc tới tên Nguyệt. Chỉ có lần kể sơ về lai lịch của Patricia, hắn mới cho biết Patricia cũng có tên Việt là Nguyệt. Nhưng ông thấy không có gì quan trọng vì con gái Việt Nam không thiếu gì người tên Nguyệt. Bây giờ, vì thấy Patricia có nhiều nét giống người vợ quá cố, ông mới chợt nhận ra cái đặc biệt của tên Nguyệt.Ông hỏi con trai:
"Sang vùng nào ở bên Cali? Bắc hay Nam? Ba có rất nhiều bạn thân ở Nam Cali."
Patricia trả lời thay người yêu:
"Má cháu ở một thị trấn nhỏ gần Sacramento."
"Vậy hả. Sacramento là thủ phủ của Cali. Từ Sacramento đến thị trấn má cháu ở có xa không? Mấy tiếng lái xe?"
"Thưa bác, chỉ khoảng hai mươi phút đến nửa giờ thôi."
"Cuối tuần cháu cùng đi với Phước và bác chứ ?"
"Dạ không. Cháu xin phép bác ngày mai cháu về..."
"Ủa, sao gấp quá vậy ?"
Phước vội đáp thay:
"Pat được nghỉ có một tuần, đầu tuần sau đã phải có mặt ở trường nên muốn về nhà trước vì lâu không gặp má."
"Cháu có nhiều anh em không? Còn ai ở với cụ?"
"Thưa bác, các anh các chị cháu đều có gia đình và ở xa, chỉ có mình cháu còn ở gần má cháu thôi. Lần đầu tiên cháu phải xa má cháu để lên Nữu Ước học, cách đây gần bốn năm, má cháu khóc quá, làm cháu suýt bỏ ý định đi học xa."
"Ừ, sống một mình ở cái đất Mỹ này cảm thấy cô đơn vô cùng."
Phước bỗng lên tiếng: "Do đó, con đang xin đổi về Sacramento, ba ạ."
"Ừ, con đi đâu cũng được, miễn có việc làm chắc chắn và có cuộc sống thoải mái cả về tinh thần lẫn vật chất."
Trong khi đó, ông thầm nghĩ:
"Con nhỏ này đẹp và dễ thương quá, thằng Phước có phải đi theo đến chân trời góc biển cũng là lẽ thường mà thôi. Ngày xưa mình cũng đã từng nguyện đi theo Thu Nguyệt đến bất cứ nơi nào, miễn luôn luôn được ở bên nàng."
"Con đang đợi thư của trường UC Davis vì con đã gửi đơn xin việc ở đó. Hi vọng họ sẽ trả lời tuần này hoặc tuần sau. Còn Pat đã được một công ty ở Sacramento mướn dù mấy tháng nữa Pat mới ra trường."
"Nếu con làm việc ở Sacramento, ba cũng đi theo. Sacramento chắc cũng gần San Francisco nhỉ? Ba có nhiều bạn ở đó lắm."
Phước đùa: "Lady friend hả ba ?"
Patricia cũng quay lại nhìn ông,mỉm cười hóm hỉnh.
"Ba già rồi, bồ bịch chi cho thêm mệt." Ông đáp.
Patricia liền nói:
"Bác mới cần có bạn cho đỡ cô đơn."
Ông Phùng không để ý tới câu nói của cô, mà lại chợt nhận thấy cái quen thuộc ở cô. Trời ơi, ông thầm nghĩ, sao càng ngày con nhỏ này càng giống Thu Nguyệt vậy nè! Cái cách ngoái cổ, cái lối vừa cười vừa nói đầy duyên dáng cùa nó là của Thu Nguyệt trước kia. Giá nó đừng có nét lai thì... là Thu Nguyệt chớ còn ai nữa! Lại có tiếng Phước:
"Pat nói đúng đó, ba cần có một bà bạn cho đỡ buồn."
Ông đáp một cách lơ đãng vì đầu óc còn mải nghĩ đến sự giống nhau của hai con người cùng có tên Nguyệt:
"Ba chả có gì buồn, nên cũng chẳng cần bạn."
Patricia Nguyệt ở chơi với Phước có một ngày trước khi bay về Cali thăm mẹ. Trong thời gian đó, ông Phùng nhận xét thêm một điều là cô tuy lai mà có một nếp sống và một tâm hồn hoàn toàn Việt Nam. Điều này cũng làm ông thắc mắc không ít. Theo dự đoán của ông, bố cô là Mỹ và mới chỉ qua đời hai năm trước đây. Không lẽ ông ta chiều vợ đến độ dù sống trên quê hương mình vẫn hoàn toàn theo nếp sống Việt Nam của vợ? Điều này khó có thể xảy ra. Cũng trong thời gian này, ông biết thêm về cuộc gặp gỡ giữa Phước và Patricia Nguyệt. Sau khi tốt nghiệp đại học về Vi Tính, Phước được học bổng để học cao học tại một trường Đại học thuộc tiểu bang Nữu Ước. Trong khi học, hắn làm phụ giáo cho một giáo sư. Hắn đã gặp Patricia Nguyệt khi cô vừa bước chân vào Đại học. Có lẽ hai tâm hồn Việt Nam nơi xa lạ dễ hợp nhau và quyến luyến nhau.
Patricia được cha mẹ gửi từ Bắc Cali sang học ở trường này, dù Sacramento cách Ithaca hơn ba ngàn dặm. Lần đầu tiên phải xa gia đình, Patricia cảm thấy cô đơn vô cùng. Nhờ có Phước, cô khuây khoả dần. Rồi tình yêu đến lúc nào không ai hay. Trước khi Patricia lên máy bay về Cali, ông Phùng đã liên lạc với mẹ cô để hẹn ngày sang gặp bà nói chuyện về hôn nhân của hai con. Đúng hẹn, hai cha con ông Phùng tới gặp Mẹ của Patricia Nguyệt. Gia đình cô ở trong một thị trấn nhỏ, phía Nam thành phố Sacramento. Elk Grove nhỏ, nhưng có cái vẻ rất êm đềm của một vùng nông thôn. Nhà Patricia Nguyệt là một biệt thự nằm giữa một bãi cỏ khá rộng và xanh mướt. Vì được báo trước, bà Thành đã sẵn sàng để đón tiếp hai cha con ông. Sau vài câu xã giao, khi Phước và Patricia đã rủ nhau ra vườn, ngồi dưới một tàng cây lớn để nói chuyện, bà Thành chợt hỏi:
"Xin lỗi, cho phép tôi được gọi anh bằng anh cho thân. Anh có phải là anh Phùng, chồng của Thu Nguyệt không?"
Ông Phùng giật mình, ngạc nhiên hỏi lại:
"Tại sao... Tại sao... chị lại biết rõ như vậy? Chị quen nhà tôi trước kia?
Bà Thành chợt buồn, đáp nhẹ:
"Dạ..."
Ông Phùng vẫn có giọng ngỡ ngàng:
"Thế mà nhà tôi không bao giờ... nhắc đến chị... Chắc trước kia chị với nhà tôi học cùng lớp cùng trường?"
Bà Thành lắc đầu:
"Không ạ. Tôi chỉ mới quen chị sau này."
Ông Phùng cố lấy giọng vui vẻ, tự nhiên:
"Thế thì càng thêm thân."
"Dạ, tất nhiên là thêm thân, nhưng... không vui chút nào."
"Ủa! Chị nói gì mà kỳ vậy?"
Bà Thành giữ im lặng một lát khá lâu khiến ông Phùng sốt ruột. Ông vừa định lên tiếng hỏi thì bà Thành khẽ thở dài:
"Thật là oan nghiệt... Đúng là định mệnh đã xếp đặt chuyện éo le này."
"Chị nói vậy là thế nào?"
Để làm giảm bầu không khí căng thẳng, bà Thành đứng lên rót trà mời khách. Nhìn vẻ mặt buồn bã, bí mật của bà, ông Phùng càng nôn nóng. Khi trở lại ghế ngồi, đối diện với khách, bà Thành nói:
"Pat là con Thu Nguyệt..."
Vì bà nói quá nhỏ, ông Phùng tuy đã nghe rõ nhưng vẫn tưởng mình nghe lầm, hỏi lại:
"Chị nói sao?"
Bà Thành thở dài:
"Con Pat chính là con của chị nhà."
Vẫn không tin ở tai mình, ông Phùng lại hỏi:
"Nó là con của ai?"
Lần này bà Thành giữ im lặng lâu hơn, lẩm bẩm:
"Oan nghiệt!...Oan nghiệt!"
Ông Phùng không cần bà Thành nhắc lại nữa, bây giờ thì ông biết mình đã không nghe lầm, nhưng tỏ vẻ nghi ngờ:
"Nó không phải là con ruột của chị?"
Bà Thành chép miệng:
"Chuyện này tôi giấu kín đã bao nhiêu năm, nay phải nói ra để tránh một... nghịch cảnh. Không biết tôi dùng hai chữ "nghịch cảnh" có đúng không? Tôi ra ngoại quốc đã nhiều năm, lại ít giao du, tiếng Việt cũng đã quên đi ít nhiều."
Ông Phùng khoát tay:
"Nghịch cảnh hay gì thì cũng không quan trọng, xin chị xác nhận lại Pat không phải là con ruột của chị."
"Dạ... Cháu là con nuôi của vợ chồng tôi... Chúng tôi đem cháu về nuôi ngay từ lúc cháu vừa lọt lòng mẹ cháu... là chị Thu Nguyệt... Vì thế tôi coi cháu chẳng khác gì chính tôi sinh cháu."
Tuy trong óc đã lờ mờ đoán ra nguồn gốc của Patricia, ông Phùng vẫn nói:
"Quả thật, tôi không hiểu tại sao... Pat lại có thể là con của... nhà tôi."
"Dạ... anh không hiểu mà chả ai có thể hiểu được... trừ những người trong cuộc... Bây giờ xin anh dùng trà đi, bình tĩnh trở lại, tôi sẽ xin kể đầu đuôi để anh rõ."
Nói xong, bà Thành nâng tách trà lên:
"Mời anh...Ồ, nguội cả rồi."
Vì lịch sự, ông Phùng cũng cầm tách lên, mà không uống. Lòng ông mỗi lúc một bồn chồn hơn. Bà Thành cố lấy lại sự vui vẻ ban đầu, mỉm cười nói:
"Tôi xin mời anh lên lầu xem hình nhà tôi trên bàn thờ để anh tin chắc rằng nhà tôi không thể là ba ruột của Patricia. Nhà tôi là Việt Nam một trăm phần trăm."
Đúng như lời bà Thành, ảnh người đàn ông trên bàn thờ là một ông già Việt Nam thuần túy, không hề có một nét lai nào. Khi đã trở lại phòng khách, bà Thành chậm rãi kể:
"Cách đây hơn hai chục năm, khi nhà tôi còn làm việc trong tòa Đại sứ Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn có được gặp một bà Việt Nam. Bà thật đẹp, đang có bầu, lại càng đẹp hơn. Bà đến xin nhà tôi giúp để được ở lại thêm một thời gian. Bà được học bổng để sang đây tu nghiệp hai năm, lúc đó đã đến hạn phải về, nhưng bà lại không muốn về ngay, có thể bà muốn ở lại luôn. Bà thú thực với nhà tôi là bà yêu một ông giáo sư người Mỹ, có bầu với ông ta... Nói cho ngay, bà sang học bên này, lại ở một nơi quá lạnh lẽo như vùng Bắc tiểu bang Nữu Ước thì thế nào chả cảm thấy cô đơn. Hồi mới sang, bà cho biết, bà rất kém Anh văn, được ông giáo sư này tận tình giúp đỡ... Nơi đất lạ quê người, lại đang xa chồng xa con, trong cảnh cô đơn, có người giúp đỡ, săn sóc thì cảm động lắm, rồi... chuyện phải đến đã đến...
Chỉ tiếc một điều là ông giáo sư đã có gia đình. Bà vợ cũng là giáo sư dạy cùng trường... Ông giáo sư xin ly dị để chính thức lấy Thu Nguyệt, rồi tìm cách giữ Nguyệt ở lại Mỹ với ông ta. Nhưng bà vợ ông làm khó dễ, dùng ảnh hưởng của riêng mình và ảnh hưởng của ông bố, một Nghị sĩ, thúc đẩy sở Di trú và bộ Ngoại giao phải đuổi Nguyệt về nước.Thế là Nguyệt phải đến cầu cứu nhà tôi... Nhưng, như anh rõ, chúng tôi chả làm được gì hết trước một áp lực to lớn như áp lực của gia đình vợ giáo sư Patrick. À, tôi quên chưa cho anh rõ tên người yêu của Thu Nguyệt, ông ấy tên là Patrick. Tòa Đại sứ Việt Nam chỉ có thể tìm cách can thiệp để Nguyệt sinh xong mới phải về. Trong thời gian chờ đợi đó, không bao lâu, Nguyệt ở nhà chúng tôi.
Trước khi đi sanh, Nguyệt yêu cầu vợ chồng chúng tôi nhận đứa nhỏ làm con nuôi. Nguyệt đã đặt tên cho con trước, nếu là con gái thì lấy tên Patricia, trai thì lấy tên bố, Patrick. Khi cháu Pat ra đời, chúng tôi khai sanh cho cháu, lấy họ chúng tôi. Tên Việt Nam cũng là... Thu Nguyệt. Vì thế, cháu là Patricia Nguyệt. Sanh xong ít lâu thì Nguyệt phải lên máy bay về Việt Nam. Chúng tôi vẫn liên lạc với nhau qua một chị bạn của Nguyệt ở Saigon. Sau biến cố tháng tư 1975, chúng tôi mất liên lạc một thời gian. Khoảng năm 1979 hay 80 gì đó, chúng tôi đã liên lạc lại được, thì nghe tin Nguyệt đã qua đời. Còn về giáo sư Patrick thì rồi cũng ly dị xong với vợ, nhưng ngót một năm sau khi Nguyệt đã về Việt Nam. Ông thường đến thăm chúng tôi và cháu Pat. Có lần ông ngỏ ý xin lại cháu, nhưng tôi, chính tôi, từ chối, vì Pat đã chính là con gái út của tôi, tôi không thể xa cháu được. Đến năm Pat lên mười, Patrick qua đời vì ung thư phổi. Trước khi chết ông ấy để hết tiền bạc cho con gái và yêu cầu sau này phải cho cháu học ở Cornell trên Nữu Ước. May cháu là người thông minh nên chúng tôi đã giữ đúng lời hứa với bố cháu... Nhưng có điều không may là cháu lại gặp anh ruột cháu ở đó và hai đứa đã yêu nhau... Đúng là nghịch cảnh! Hai người giữ im lặng một lúc khá lâu, rồi bà Thành lại lên tiếng:
"Giá Pat yêu người khác thì bí mật của Thu Nguyệt mãi mãi là bí mật, để rồi khi tôi chết sẽ mang đi theo...Những người trong cuộc đã lần lượt qua đời hết, chỉ còn lại một mình tôi... Thế mà nay tôi phải nói ra, thật là... vạn bất đắc dĩ... Mà giữ im lặng càng có tội hơn, tội với người chết, tội cả với người sống nữa."
Ông Phùng ngồi gục mặt, ôm đầu một lát, rồi buồn bã hỏi:
"Bây giờ, tôi phải nói với thằng con tôi thế nào?... Nó yêu Patricia quá mất rồi, mà lòng nó đối với mẹ nó lúc nào cũng muôn vàn kinh phục... Chuyện này có thể làm tan nát cuộc đời nó... Người mẹ nó hằng yêu thương, kính phục... Ôi, sao trời không cho tôi chết trước khi thấy con tôi đau khổ!"
Những tiếng cuối cùng của ông đã nghẹn ngào đầy nước mắt. Bà Thành cũng nghe cảm động tận đáy lòng. Một lát khá lâu sau, ông ngửng lên, nói bằng một giọng năn nỉ:
"Xin chị cứu lấy thằng Phước, tôi chỉ có một mình nó thôi..."
Bà Thành nhìn ông đăm đăm:
"Nghĩa là... cứ cho hai đứa lấy nhau?"
Ông Phùng lắc đầu:
"Không, không phải như vậy... Sự bí mật nào rồi cũng bị phanh phui, chẳng sớm thì muộn... Nếu chúng ta cứ để mặc hai đứa lấy nhau, sau này khi chúng nó biết chúng nó là anh em, cùng mẹ khác cha, thì sự tai hại sẽ to lớn vô cùng. Lỗi đó sẽ đổ hết lên đầu chị và tôi."
"Vậy anh muốn tôi cứu cháu bằng cách nào?"
Ngập ngừng một chút, ông nói:
"Tôi kêu gọi lòng thương của chị... Chị sẽ phải hi sinh một chút... Nghĩa là chị sẽ nói hết sự thật cho Patricia biết... Cháu không phải là con ruột của chị."
Trầm ngâm một lát, bà Thành hỏi:
"Tại sao anh lại yêu cầu tôi điều đó? Anh không thể cho cháu Phước biết sự thật ư?"
"Tôi xin giải thích để chị rõ. Chị đã nuôi nấng, dạy dỗ cháu Patricia từ lúc cháu mới lọt lòng mẹ. Chị đã săn sóc, đối xử với cháu chẳng khác chi mẹ ruột, tất nhiên lòng yêu thương của cháu đối với chị là lòng yêu thương, kính mến của một đứa con đối với mẹ. Nay cháu có biết rằng chị không sanh ra cháu, tôi tin rằng tình của cháu đối với chị không thay đổi, nếu không nói là có thể tăng lên. Kinh nghiệm cuộc đời thực tế cho chúng ta thấy rằng người mẹ nuôi được con yêu kính hơn mẹ ruột vì mẹ ruột đã bỏ rơi nó. Chị đã nuôi cháu, đùm bọc cháu hơn hai chục năm, cháu sẽ chỉ biết có chị mà thôi."
Bà Thành nhẹ gật đầu:
"Anh nói cũng có lý... Thế còn cháu Phước?"
"Xin chị để tôi nói tiếp. Khi Patricia biết cháu với thằng Phước là anh em ruột, cháu sẽ phải lẩn tránh Phước. Xin chị dặn cháu đừng nói gì với Phước, coi như Patricia hết yêu Phước. Thằng con tôi sẽ chỉ bị... một đòn là... thất tình. Thất tình thì rồi sẽ có cơ hồi phục, từ từ rồi sẽ hồi phục, sẽ lại yêu người khác. Từ lâu, cháu hằng kính phục mẹ cháu, bao giờ cũng coi mẹ là một người mẹ tuyệt vời nhất cõi đời này. Thu Nguyệt đẹp, hiền hậu, chung thủy với chồng, hết lòng với con... Nay bỗng dưng nó thấy... mặt trái của mẹ nó, chắc nó không thể chịu nổi. Vừa thất tình vì mất Patricia vừa thất vọng vì thần tượng trong lòng nó bỗng đổ vỡ tan tành, thì sức nào nó chịu nổi!"
"Nghĩa là anh muốn giữ cái hình ảnh người mẹ tuyệt vời trong lòng cháu, dù cháu sẽ mất Patricia?... Anh phân tích cũng có lý, nhưng tôi không nghĩ Thu Nguyệt là người xấu xa, trắc nết. Chỉ tại hoàn cảnh mà thôi."
"Tôi đồng ý với chị điều đó, chúng cớ là tôi không hề trách giận gì nhà tôi, nhưng tôi e rằng thằng Phước không nghĩ như chúng ta."
Bà Thành chợt thở dài:
"Anh có thể cho chúng tôi một thời gian để suy nghĩ không? Ít ra tôi cần một đêm."
"Dạ, xin chị nghĩ thật kỹ cho... Chúng ta không có gì phải hấp tấp."
"Dạ, tôi thấy ý kiến của anh rất đúng, chín phần mười tôi nghiêng về nó, nhưng cũng xin anh cho tôi suy nghĩ thêm... Từ ngày nhà tôi mất, đây là lần đầu tiên tôi phải giải quyết một việc quá khó khăn, rắc rối như việc này. Trước kia, cái gì nhà tôi cũng làm hết."
Ông Phùng đứng lên, cố lấy giọng vui vẻ nhưng đầy gượng gạo:
"Bây giờ xin phép chị tôi về. Chắc chị biết số điện thoại của tôi ở khách sạn?"
"Thưa anh không, nhưng chác cháu Pat biết."
"Trước mặt hai cháu xin chị giả bộ vui vẻ cho, như không có chuyện bất thường gì xảy ra."
Bà Thành cười:
"Chèn ơi! Bây giờ tôi lại phải đóng kịch nữa. Tôi xin sẽ làm tròn bổn phận của một kịch sĩ." *****
Trước khi hai cha con ông Phùng lên máy bay trở về vùng Đông Bắc, bà Thành đã gọi. Cuộc nói chuyện giữa bà và ông Phùng ngắn. Bà cho biết mọi chuyện coi như tốt đẹp. Patricia khi biết mình và Phước có chung một mẹ ruột thì khóc suốt đêm. Hôm sau, khi đã lấy lại bình tĩnh, cô quyết định cắt đứt với Phước, không thể tiến thêm được nữa. Cô cũng hứa sẽ giấu Phước chuyện riêng tư của bà mẹ. Riêng tình cảm của cô đối với bà Thành không hề suy giảm, có khi còn tăng hơn nữa. Bà còn cho biết thêm là sau khi Patricia tốt nghiệp Đại học, bà sẽ cùng cô đi Pháp chơi cho khuây khỏa...
Một tuần sau khi trở lại nhà, Phước nhận được thư Patricia. Ông Phùng đoán nội dung bức thư đã phù hợp với tính toán của mọi người, nên khi xem xong, Phước bỗng trở nên buồn bã, ngẩn ngơ suốt mấy ngày liền. Hắn không nói gì với ông Phùng, cứ lái xe đi cả ngày. Hôm nhận được thư của trường Đại học Davis bên California, hắn tức giận vò nát, ném vào thùng rác, không thèm đọc. Có nhiều lần hắn hí hoáy viết thư, nhưng viết xong hoặc viết dở đã xé đi hết. Hắn gọi lên Nữu Ước, rồi gọi sang California cả chục lần mà không ai trả lời... Trong thời gian khủng hoảng đó của con trai, ông Phùng cẩn thận ngầm theo dõi để giúp đỡ nó kịp thời. Rất may Phước cũng là người đàn ông cứng rắn. Cuộc khủng hoảng kéo dài ngót một tháng thì hắn lấy lại bình tĩnh. Một hôm, hắn nói với cha:
"Con xin lỗi ba, trong thời gian qua con đã làm ba buồn... Bây giờ thì con hiểu rồi... Lòng dạ đàn bà khó mà lường... Patricia không được như con vẫn mơ tưởng. Nó là con người tồi tệ. Thế mà trước kia con vẫn nghĩ nó có thể sánh ngang với má con, vừa đẹp vừa đoan chính."
Ông Phùng giữ im lặng, nhưng lòng ông đầy chua xót.
Tạ Quang Khôi