User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Phần 5 

Sông rạch miền Tây 

Kéo Lưới

“Kéo lưới” là dùng một tay lưới dài chừng 10 mét, bề cao độ 2 mét, hai đầu cột vào hai khúc tre. Hai người cầm hai đầu kéo dọc theo bờ sông, một người đi trong bờ, một người lội phía ngoài. Khi đi kéo lưới, người nào nhỏ, yếu hơn đi phía trong bờ, người khỏe mạnh bơi lội giỏi lội phía ngoài. Lâu lâu người lội phía ngoài tấp vào bờ, hai người cùng dỡ lưới lên bắt cá. Thỉnh thoảng cũng bắt được tôm tép hoăc cá lớn như cá lóc, cá ngựa, cá leo. Phần lớn kéo lưới bắt được cá nhỏ như cá cơm, cá lòng tong, cá linh, cá rằm, cá he, cá chốt, cá trèn cơm, cá trèn bầu, cá lưỡi trâu ...

“Cá lưỡi trâu sầu ai méo miệng,
Cá trèn bầu nhiều chuyện sứt môi.”

Câu hát trên để diễn tả con cá lưỡi trâu là loại cá mình dẹp, sống sát đáy sông. Thân mình có 2 màu khác nhau, bên trên có màu bùn. Từ trên nhìn xuống rất khó thấy con cá vì tiệp màu với đáy sông, bên dưới màu trắng. Trải qua bao nhiêu ngàn năm không biết, con cá từ trên xuống sống sát đáy sông nên phải thích nghi, hai con mắt nó di chuyển từ hai bên sang nằm cùng một bên phía trên vì con mắt bên dưới sình không còn hữu dụng nữa, và cái miệng nó cũng méo đi không như miệng cá thường.

catren

Còn con cá trèn bầu miệng rộng và có nhiều răng chơm chởm, chớ tui không thấy nó “sứt môi” chỗ nào! Câu hát ru con miền Nam trên, tui thấy câu trên thì đúng, nhưng câu dưới thì tui không hiểu ý của nó, có thể vì sứt môi mà miệng cá trèn bầu rộng chăng? 

Tôi chỉ có kinh nghiệm kéo những tay lưới nhỏ, bắt cá nhỏ như vừa kể trên. Một thằng bạn thân của tôi kể rằng nhà chú nó có một tay lưới rùng rất lớn, dài tới 30 mét cần nhiều người phụ mới kéo nổi. Bạn tôi thỉnh thoảng có dịp đi theo chú nó phụ lưới. Loại lưới nầy không kéo trong sông nhỏ chỉ kéo dọc theo sông cái lớn để bắt cá to. Phần lớn kéo được cá lăng, cá leo, cá cóc, cá he vàng … Nhưng hấp dẫn nhất là mùa gần Tết, khi người ta xả những ruộng ấu, thu hoạch trái. Những con cá rô, cá lóc lớn, mập mạp từ trong ruộng ấu đang còn lơ lững dọc theo sông cái, bắt được con nào là đáng con đó.

ca luoi trau phu quoc 1

Có lần bạn tôi theo chú nó kéo lưới bắt cá, một con cá lóc bự cỡ một kí lô bị kẹt trong lưới, phóng vô mình nó tìm đường tẩu thoát, vô tình tông vô ngực nó làm nó mất thở, mặt mày tái mét. Phải một hồi mới hồi phục... Một cái ruộng thả ấu có khi lớn đến 5-3 công đất. Lá ấu nhỏ hơn bàn tay, dầy và bóng, màu xanh đậm, nằm sát trên mặt nước.

Trái ấu hình dạng như cái sừng trâu mập ghép lai mọc thành từng chùm dưới nước. Người ta bẻ trái ấu, nấu một lần vài giạ đem ra chợ bán lẻ, đong bằng lít. Cắn bể cái vỏ cứng bên ngoài rà ruột ấu bằng chất bột, ăn bùi bùi, thơm thơm, ngọt ngọt. Lá ấu dầy và mềm là nguồn thức ăn ngon cho cào cào, châu chấu. Cào cào châu chấu lại là thức ăn ngon cho nhái bén, chàng hiu. Nhái bén chàng hiu lại là thức ăn ngon cho cá lóc. Vì thế cá lóc ruộng ấu con nào cũng mập mạp, bụng trắng phau, thiệt là hấp dẫn dân bắt cá!


Kéo chài rê 

Đóng đáy

Tu.. tu.. tu.. tù... 

Tiếng tù và rúc lên vang vọng từ xóm dưới như tiếng còi thu quân của mấy ngàn năm trước làm nôn nao lòng người. Tiếng tù và gợi trong tui cái thời “Lệnh vua hành quân trống vang rền”. Tôi mơ màng mường tượng đây là tiếng tù và gọi binh khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh, hay thi quân ta thủy chiến với quân Xiêm qua mấy bài lịch sử mà tôi vừa học. Bỗng tôi bừng tỉnh khi nghe mẹ tôi kêu:

- Thằng cu đâu, đi mua 2 đồng cá đáy coi con.

Tôi dạ lớn, lấy cái rổ với 2 đồng rồi rủ thằng em cùng đi. Hai anh em bơi xuồng ra rượng đáy giữa dòng sông ngang mấy bụi gừa xanh lá. 

Ông chủ đáy ở trần mình đen bóng màu đồng, bắp thịt nổi lên cuồn cuộn, đang đứng ở mũi ghe hùng dũng thổi tù và như một ông tướng điểm binh. Thân mình của ông chắc cũ oai vệ như anh chàng Vọi trong “Trống Mái” của Khái Hưng. Ông quay tù và về xóm trên: tu.. tu.. tu... Ông quay qua xóm trong: tu.. tu.. tu... Ông quay xuống xóm dưới: tu.. tu.. tu.... Ông đang dùng một phương tiện cổ xưa là chiếc tù và làm bằng sừng trâu để thông báo cho bà con đầu trên xóm dưới biết rằng đáy ông đang có cá, ai muốn mua thì đến mua. 

dongday

Đáy cá là một cái túi bằng lưới thật to đường kính miệng độ 30 mét chiều dài có đến 40 mét. Ở cuối cái túi tóp nhỏ lại là một thùng chứa cá đan bằng tre gọi là cái “đục” có dung tích chừng hai trăm lít. Đáy được giăng giữa 2 cây đài thật to cắm sâu giữa dòng sông. Khi nước đổ ra biển, những con cá linh, cá trèn, cá chốt, tép bạc sanh sôi từ phía thượng nguồn sông Cửu Long bơi theo dòng nước kiếm ăn sẽ chui vào miệng đáy rồi chui vào đục. Lâu lâu, người chủ đáy kéo ghe từ trong bờ theo đường dây giữa 2 cây đài ra kéo đục lên đổ cá vào ghe. Vì làm việc với một cái đáy quá to, giữa nơi nước đang chảy xiết, nên đáy là một việc làm nặng nhọc cần những người khỏe mạnh, tháo vát. Khi có cá người chủ ghe rút một cây tù và làm bằng sừng trâu thổi lên: tu.. tu.. tu... 

Dân trong làng nghe tiếng tù và bơi xuồng ra mua cá. Những ngày trúng mùa, cá đầy tràn ra khỏi đục, gọi là “bứa đục”, bán không hết, người ta chỉ lựa những con cá ngon để riêng ra bán như cá trèn, cá lăng, cá phèn, cá bống, tôm tép. Số cá dư phần lớn là cá linh, được đổ vào một chiếc ghe khác dùng để ủ nước mắm, nước mắm cá linh. Ai cũng vui mừng khi thấy ghe cá linh đang đầy vì biết là năm đó đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cá. 

Khi tôi còn nhỏ, được sai đi mua cá đáy là một điều vui thú. Tôi thường hay bơi xuồng ra đậu sẵn nơi đây, ngồi nghe ông chủ đáy cùng vài ông nông dân khác trong làng, ngồi trên một chiếc ghe lớn của ông chủ đáy, uống nước trà hay nhâm nhi chung rượu nói chuyện đời xưa, chuyện đời nay, chuyện làng, chuyện tỉnh, chuyện miệt trên, miệt dưới... Ðợi khi đổ đục, tôi mua một mớ cá tươi ngon bơi lẹ về nhà cho mẹ tôi.

docha3

Dở chà: bao lưới xung quanh rồi mới dỡ chà...

Dỡ Chà Cá He

Tôi vừa bước lên con đò ngang Rạch Mít là đã nghe tiếng ồn ào vọng lại từ nhà ông Sáu Bún. Sau mấy tháng đi học ở tỉnh về thăm nhà, sao hôm nay nhà ông sáu đông người như thế nầy. Tôi tò mò đi chậm lại quan sát. Nhà ông Sáu Bún sát đường đi, có hai mái rộng nhưng chỉ có phía đông là có vách, còn 3 phía kia để trống. Trong nhà không có chia phòng, chỉ kê ba bộ ván và 2 cái chõng. Phía ngoài đường đi là cái cối quết bột và cái lò trấu nấu bún. Tôi thấy trên bộ ván lớn giữa nhà khoảng 15 người đang ngồi lố nhố ăn uống với nhau.

Giữa bộ ván là mấy dĩa bàn lớn cá tôm chất cao nghệu với mấy dĩa rau sống, chuối, khế, cùng mấy chén nước mắm ớt đỏ ối. Ba bốn chai rượu đế to tướng được chuyền tới chuyền lui. Chỉ có ông Sáu Bún và vài ông lối xóm là tôi biết mặt, còn lại là người lạ. Người nói người cười ồn ào như đang nhóm chợ :

- Vô một ly nữa đi anh Tư, sao bữa nay uống yếu vậy?

- Nè, làm cái đầu cá nầy đi chú Hai, béo lắm đó nghe!

- Chú Sáu nè, tổng cộng được năm chục kí tôm không?

- Vô đi anh, bữa đó ở nhà thằng Sáu Lác tui không uống nhiều với anh vì tui đang bực nó nói móc tui hoài!

À, thì ra hôm nay ông Sáu Bún dỡ “Chà Cá He”. Ông có đống chà lớn nhất xóm. “Chà” là một đống nhánh cây khô xếp đặt có thứ tự dưới sông. Hằng ngày ông thẩy mồi cho cá ăn. Mồi là cám hay gạo, lúa, cơm nguội. Cá tôm vào đó làm chỗ trú ngụ, lại có mồi ăn. Chà Cá He là một loại chà chất ở nước có độ sâu, nhánh cây nhiều và lớn hơn các loại chà gia đình, nhỏ hơn, chất trong chỗ cạn hơn. Độ hai tháng ông Sáu kêu thợ lưới chuyên nghiệp lại dỡ chà một lần. 

Thợ lưới là một tổ hợp, có một tay lưới rất lớn với năm bảy người thợ lặn. Họ bao lưới, dỡ chà ăn công. Sau đó chủ chà bao họ một bữa ăn nhậu phủ phê bằng cá tôm bắt được. Nếu trúng mùa, ông Sáu kiếm được trăm kí cá ngon và vài chục kí tôm càng. Loại tôm càng xanh ở miền Tây ngon hảo hạng. Sau khi ăn nhậu no say, số còn lại vợ con ông sẽ đem đi chợ bán sáng sớm ngày mai. Bà Sáu Bún đang ngồi nhồi bột hỏi tôi:

- Mầy đi học mới dìa hả cu Tèo?

Tôi dạ, rồi tấp vô vắt một cục bột bằng trái cam, bóp dẹp lại rồi lụi vô lò trấu nướng. Xong tôi đeo tòng ten lên cái cần ép bột với con bà Sáu. Tôi tiếc là không về sớm hơn để được coi dỡ chà cá he, hồi hộp nhất là lúc coi cá nhảy, dù là tôi đã được coi dỡ chà cá he nhiều lần. Sau khi bao lưới xong, người ta bắt đầu kéo từng nhánh chà lên, cá thấy động tìm cách thoát thân. Lội vòng vòng không thoát được, chúng bắt đầu nhảy.



docha4

Dỡ chà, người ta bao lưới cao vì một số cá nhảy rất cao thoát thân 

Lúc đầu chúng nhảy thấp để quan sát lưới gọi là nhảy “đo lưới”, sau đó chúng nhảy thật cao để thoát thân. Lưới cách mặt nước chừng 2.5 mét mà một số vẫn nhảy qua được. Tài nhất là cá ngựa, kế đến là cá mè vinh, cá đỏ mang. Nếu con người mà nhảy tài như con cá ngựa, chúng ta có thể nhảy cao chừng 30 mét chớ chẳng chơi. Nhảy qua lưới cá gặp phải một số người trên năm bảy chiếc xuồng nhỏ cầm vợt đứng chờ. Đây là những người lối xóm chỉ đến bắt hôi cá nhảy, có nghĩa là không bắt cá trong chà vì vi phạm chủ quyền của ông Sáu Bún, nhưng họ có quyền bắt những con cá coi như đã thoát khỏi đống chà. 

Tôi đã thấy có người may mắn vợt được liên tiếp hai con cá ngựa mỗi con chừng năm kilô. Đàn ông thì đứng dưới xuồng cầm vợt. Đàn bà con nít thì đứng dàn trên bờ như đang coi trận đá banh. Mỗi lần cá lớn nhảy, người ta la hét náo động cả một khúc sông.

Gia đình ông bà Sáu làm bún bán ở chợ làng. Làm bún phải xay gạo thành bột, ủ bột, xong quết bột cho dai rồi để vô khuôn ép thành những cọng bún rớt xuống một nồi nước đang sôi. Công việc tương đối nặng nhọc và qua nhiều giai đoạn. Bọn trẻ chúng tôi hay tụ tập trước cửa nhà bà sáu chơi bắn cu li, thẩy đáo. Chơi chán chúng tôi chạy vô xay bột, quết bột hay ép bún giùm bà Sáu. Bù lại, lúc nào chúng tôi thích ăn bánh nướng cứ tới lấy bột làm bánh nướng mà ăn. Nó giống như ăn bánh pizza ở Mỹ nhưng không có nhưn.

Hai Rạch Dừa
(còn tiếp)

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com