User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
ao baba
 
Không hiểu sao lần này khi nghe nói về quê ngoại, Trà My chẳng còn cảm thấy hứng thú như hồi nhỏ. Ngày xưa, nàng luôn mong đợi nghỉ hè để được về quê ngoại. Những đứa trẻ lớn lên ở thành thị như chị em nàng làm sao mà không thích tắm sông, lội mương bắt cá, trèo cây hái trái và cùng vui đùa với anh chị em họ, nơi miền quê hiền hoà ấy? Nhưng giờ đây, khi hay tin gia đình nàng phải dọn nhà về quê sinh sống, Trà My cảm thấy buồn man mác. Nghĩ đến chuyện mình sắp thành con gái miệt vườn; rời Sài Gòn là chui thẳng vô xó bếp và làm mấy việc cực nhọc ở nhà quê, như con ong thợ cam chịu kiếp lam lũ mà không hề than vãn, nàng lại thở dài. Nhất là lúc chiều xuống, cô nàng nghe chán chường khi tưởng tượng đến ánh đèn dầu leo lét ở nhà ngoại trong buổi hoàng hôn nhập nhèm, buồn bã. Hình ảnh của khoảnh khắc lúc mặt trời sắp lặn trong ánh sáng yếu ớt và mờ dần đó làm Trà My nghe mình cũng uể oải theo, tưởng như không còn sức sống!
 
Thấy Trà My thiểu não, mấy đứa em nàng chọc ghẹo:
 
- Hồi đó nghe sắp được về ngoại chơi là nôn nóng, nhưng nay sao chị lại bí xị vậy?
 
- Ừ, hồi đó khác, giờ khác! Hồi đó là nghỉ hè. Còn bây giờ là về quê ở luôn, thấy chán phèo!
 
Từ nào đến giờ, Trà My nghiễm nhiên cho mình là dân Sài Gòn chính gốc, dù ba mẹ nàng xuất thân từ tỉnh lẻ. Có gì mà không đúng? Nàng được tượng hình, sinh ra và lớn lên ở đất Sài Gòn mà! Giờ thì cuộc sống yên lành, quen thuộc đó sắp bị đảo lộn nên nàng thấy bực bội. Nàng nghe khó chịu vì không muốn, mà chẳng tài nào làm gì khác được! Cô nàng nói có vẻ hơi bỡn cợt nhưng không giấu được ý phàn nàn:
 
- Dân Sài Gòn “chín nút” như mình giờ bị “bù” luôn! Còn gì mà hí hửng!
 
Em nàng vừa cười vừa thắc mắc:
 
- Hay là chị có bồ ở Sài Gòn rồi, nên khổ sở, không muốn ra đi? Chị khai thiệt đi! Chị đừng có giấu!
 
Câu nói đùa của đứa em khiến trong đầu óc thơ ngây của nàng chợt loé lên một suy nghĩ không tưởng và có phần liều lĩnh:
 
- Cũng cầu cho ta có bồ để lấy chồng sớm; ở lại Sài Gòn, khỏi phải về quê!

Nhưng làm gì có chàng trai Sài Gòn nào để ý đến cô nàng mười tám tuổi mà còn khờ khạo như Trà My. Trở thành cô gái bất đắc chí, nàng lủi thủi theo ba má dọn nhà về quê.
******
Ông ngoại Trà My làm nghề lò đường. Từ cây mía ông “biến ra” những miếng đường vàng ươm, ngọt lịm. Về quê, ba Trà My theo ông của nàng học “nghệ thuật biến hoá” ấy. Ngày ngày ba nàng đến lò đường của ông, phụ trông coi công việc. Ba còn thường xuyên theo ông ngoại lặn lội khắp các vùng ven sông để mua mía. Ông ngoại nàng muốn truyền lại hết cho con rể bí quyết coi mía và ước lượng chữ đường mà ông học được từ ông cố của Trà My.
 
Thấy ba vui vẻ theo ông ngoại làm công việc mới, không hiểu sao Trà My cũng hiếu kì muốn biết làm cách nào mà ông ngoại nắm hết những “bí ẩn” chứa trong cây mía. Nàng cứ thắc mắc: “Làm sao ông ngoại có thể nhìn đám mía mà tính được nó cho ra bao nhiêu kí lô đường, biết lời lỗ để trả giá mua bán với chủ mía vậy ta?”. Cô gái ước phải chi mình là con trai để có thể cùng ông và ba ngày ngày bôn ba đây đó, vì hai người đàn ông này đâu có đồng ý cho nàng đi theo. Một đứa con gái như Trà My lẽo đẽo theo hai người chỉ tổ làm cho họ thêm vướng bận mà thôi! Ông ngoại nói:
 
- Con gái thì ở nhà lo chuyện bếp núc, may vá! Việc nầy vất vả lắm! Nào giờ không có đàn bà làm cái chuyện nầy đâu con à!
 
Vậy mà Trà My cứ khăng khăng muốn học nghề của ông ngoại. Có lẽ “con sâu di truyền” nghề mía-đường đi từ ông cố, sang ông ngoại, không qua mẹ nàng, mà chạy thẳng một mạch đến nàng. Nó đang náo loạn trong cơ thể nàng, khiến Trà My một mực muốn tiếp tục cái nghiệp làm ăn cha truyền con nối của dòng họ ngoại. May thay, cuối cùng hai người đàn ông ấy cũng nhượng bộ nàng một phần: cứ vài chuyến, Trà My được đi theo một chuyến. Từ dạo đó đâu đâu cũng có dấu chân cô gái trẻ bám theo sau, từng bước không rời hai người đàn ông ấy. Tận Hóc Môn qua Củ Chi, ngược lên Bến Cát rồi xuôi xuống miệt Lái Thiêu. Hình ảnh khắng khít của ba thế hệ có vẻ kỳ quặc với đám thương lái mua mía, nhưng lại quen dần với mấy người làm công đốn mía và thợ lò đường.
******
Làm “cái đuôi” theo ông ngoại và ba một thời gian ngắn, Trà My đã ngộ ra cái bí quyết của ông ngoại. Nó không có gì khác hơn là sự chịu khó lặn lội khắp nơi, chịu cực len lỏi vào tận bên trong các đám mía rập rạp, chịu đau để cho lá mía cắt đến xót xa mà chảy nước mắt. Ông đếm từng bụi mía có mấy cây. Ông ngoại giải thích, từ số lượng cây mía, ông tính ra bao nhiêu chảo mật nấu được, rồi quy thành số kí lô đường. Nàng cũng bắt chước ông giải bài toán “bí ẩn” đó. Nàng mới thấy, chuyện kiếm được chén cơm để nuôi đàn con hơn mười người của ông ngoại thật vất vả. Vậy mà bây giờ, ông còn phải cưu mang cả gia đình nàng nữa. Nghĩ đến đây, Trà My đã rơi nước mắt vì thương ông và cũng vì bị mấy lá mía cào xước mặt mày.
 
Còn một chuyện lạ khác mà Trà My phát hiện ra làm nàng hơi bất ngờ: không phải chỉ có mình nàng là con gái; cô nàng còn thấy có vài phụ nữ cũng tò tò theo mấy ông lái mía kia. Nàng thì thầm hỏi ông ngoại:
 
- Hồi đó ông nói chỉ có đàn ông mới làm nghề nầy. Nay sao con cũng thấy mấy người đàn bà đó đi theo chồng mua mía kìa, ông ngoại?
 
Ông nàng chỉ cười, lắc đầu không giải thích. Về nhà, nàng kể cho mẹ nghe thắc mắc của mình. Mẹ nàng liếc mắt sang ba và cười nói:
 
- Là vì các bà đó ghen; đi theo để giữ chồng!
 
Nhìn cảnh các bà vợ (hay bồ bịch gì không rõ) phải lây lất, ngáp vắn ngáp dài ở mấy quán cóc, ngủ gà ngủ gật dưới bóng cây để canh giữ chồng, cô nàng thơ ngây cũng đâm ra lo lắng cho tương lai của mình. Nàng suy tư tự hỏi: “Không biết người đàn ông của mình sau nầy có đa tình như mấy ông lái mía kia không?”
******
Chuyến mua mía lần này hơi bị trục trặc. Ngày hôm qua ông ngoại và ba mới vừa coi một đám mía thật lớn, thật đẹp, hàng lối thẳng tắp. Ông biết đám mía đó năng suất cao. Ông ngoại hẹn với chủ mía hôm sau đến đặt cọc vì còn đi xem tiếp vài chỗ khác ở quanh vùng. Vậy mà họ đã bị “phỗng tay trên” bởi một tên Toàn nào đó. Nghe đâu hắn ta là con trai của ông Sáu, cũng là chủ lò đường ở cùng làng. Biết được chuyện, lòng Trà My nghe uất ức vì nghĩ ông cháu mình bị “ăn hiếp” bởi cha con lò đường lớn có tiếng kia. Trong đầu óc nhiều tưởng tượng của cô gái trẻ đang bị thất vọng vì chuyện thua thiệt bất ngờ, người đàn ông tên Toàn là một kẻ kệch cỡm, thô lỗ, không biết cách cư xử.
 
Thời may, ông ngoại mua được mấy đám mía nhỏ ở rải rác gần quanh đó. Nếu không, công lặn lội chuyến này chắc trở thành công cốc. Cũng nhờ vậy Trà My nghe đỡ tức tên Toàn mà nàng không biết mặt mũi kia.
******
Hai lò đường cùng đốn mía trong một ngày. Chưa bao giờ Trà My thấy cảnh người ta làm việc vất vả mà rộn ràng như vậy. Những cánh tay rắn chắc giơ cao, thoăn thoắt và dứt khoát, chặt mạnh xuống gốc mía nghe phụp phụp. Từng giọt mồ hôi rủ nhau tuôn xuống trên mặt, ướt đẫm mấy tấm áo vải dày cộm mà bạc màu của những người làm nghề đốn mía. Tiếng xoàn xoạt của lá mía va đập vào nhau. Âm thanh sột soạt của những cây mía bị cột vô từng bó; rồi tiếng đùng đùng khi người ta vội vã ném mạnh chúng xuống ghe, chồng chất lên nhau thành đống cao ngất ngưởng. Cô gái còn nghe người ta í ới gọi nhau nghỉ trưa; thấy họ vui vẻ bày biện mấy lon ghi-gô* cơm, vài mo cau đựng cá kho quẹt. Rồi họ xúm xít cùng ăn cơm ngay bãi mía ngổn ngang, không còn hàng lối đó; ngon lành và sung sướng đến nỗi cô nàng cũng thèm được góp phần với những người làm công ấy.
 
Cô gái Sài Gòn thích thú ngụp lặn theo nhịp sống sực nức mùi nhà quê đó. Thì ra nó không chán phèo như nàng tưởng; nó cũng tất bật như cuộc sống ở thành thị. Nhưng cái chộn rộn này có kiểu cách và mùi vị khác hẳn. Nàng thấy mình bị nó lôi cuốn không cưỡng lại được. Cứ như là nàng bất ngờ vấp phải tình yêu đầu đời, nhiều mới mẻ, lắm ngây ngô, mà đầy say đắm.
 
Hình như trong đám công đốn mía gần bên, nàng thấy có một gã đàn ông đứng xớ rớ ở đó. Mái tóc bồng bềnh của người đó đập vào mắt nàng vì hắn ta gần như cao hơn mấy người khác một cái đầu. Hắn ta cười cười, nói nói và cũng quây quần với mấy người làm công. Nàng nghe người ta gọi hắn là Toàn. Không lẽ đó là Toàn, con trai của ông Sáu? Mặc kệ gã là ai. Trà My không muốn để ý đến hắn, tên nhà quê chính hiệu, vì nàng là một cô gái thành thị đầy kiêu hãnh. Hơn nữa nàng còn chưa quên chuyện hắn ta giành mua trước đám mía này với ông ngoại.
*****
Nắng chói chang trên bãi mía trống hoác và xơ xác. Trà My ngồi trốn nắng trong cái chòi dựng tạm bằng lá. Mùi mía vừa mới đốn ngan ngát, lan toả, hoà quyện vào không khí trưa hè oi nồng khiến nàng cảm thấy cái nóng dễ chịu được đôi chút. Phía bến sông, mấy ghe mía đang từ từ đầy ắp, vẻ nặng nề dần như mấy con trâu đã ăn no, căng tròn một bụng cỏ. Chúng đang chờ nước lớn để chầm chậm rời bến, hướng ra sông cái và xuôi về lò đường ở bên kia bờ. Nàng ngạc nhiên thấy con trai ông Sáu đang đi về phía mình, trên tay cầm một khúc mía, hiên ngang như người lính xông thẳng tới đối phương. Lần này, cái dáng vẻ quá bình thản, ra chiều đạo mạo của gã đàn ông (chắc hơn ba mươi tuổi) làm Trà My thay đổi suy nghĩ; nàng không mặc kệ, mà lại chú ý quan sát hắn ta. Cô nàng muốn nhìn rõ mặt mày của người đàn ông mà nàng thấy “ác cảm” kia.
 
Tiếng ba gọi bất chợt làm nàng giật mình:
 
- Trà My ơi, lo sửa soạn về, đi con!
 
Nàng ra khỏi chòi, nhanh chân đi về phía lối mòn, nơi ba đang đợi cùng với chiếc xe Honda cũ kỹ. Hình như có vật gì đó ngoằn ngoèo đang uốn éo di chuyển trước mặt nàng.
 
- Đứng yên, đừng nhúc nhích!
 
Tên đàn ông đó vừa nói lớn để ngăn nàng tiến lên, vừa lao nhanh về phía vật đó và đập mạnh xuống. Nó không cử động nữa. Trà My xanh mặt nhận ra đó là con vật mà nàng sợ nhất trên đời; đang nằm ngay đơ. Nàng suýt bị cắn nếu giẫm phải nó. Hắn ta đã cứu nàng. Trà My run rẩy, đi về phía ba, miệng như cứng lại không nói được lời nào. Nhìn cảnh tượng đó, ba nàng cũng hiểu chuyện gì vừa mới xảy ra. Bắt tay chào hắn, ba nói:
 
- Cám ơn chú em đã ra tay kịp thời! Con nhỏ nầy cứ đòi đi theo ba và ông ngoại hoài nên bị vậy đó!
 
Hắn ta mỉm cười thân thiện và có chút quan tâm:
 
- Chắc cô ấy còn chưa hết sợ! (Mà nàng nghe giọng hắn có mùi của mật).
 
Trà My bẽn lẽn gật đầu chào hắn, rồi lóng ngóng ngồi lên xe để đi về. Len lén quay đầu ngó lại, nàng bắt gặp hắn ta cũng đang lặng lẽ nhìn theo hai cha con nàng; tay vẫn còn cầm khúc mía đã bị gãy làm hai vì cú đập mạnh hồi nãy. Vẻ nghiêm trang, đứng đắn với phong thái mẫu mực của hắn khiến nàng ngỡ ngàng vì trước đó nàng cứ nghĩ hắn ta chỉ là một là kẻ nhà quê kệch cỡm, thô lỗ. Từ phía sau lưng, nàng thỏ thẻ hỏi ba:
 
- Người đó là con trai ông Sáu, hả ba?
 
- Ừ, là con trai út của ổng! Mà sao hồi nãy con không cám ơn người ta? Im lặng như kẻ mất hồn. Chắc là còn sợ dữ lắm?
 
Tự nhiên trái tim đa cảm của cô gái trẻ bỗng nghe xao xuyến khác thường: “Trời đất, trên tay thần Eros là cung tên, còn hắn ta thì cầm khúc mía, mà sao mình cũng nghe như tim đã bị trúng tên rồi! Cầu mong sao cho mình đừng gặp lại hắn ta!”.
 
Sau lưng ba, nên ông đâu có thấy hai gò má của con gái mình hơi ửng hồng khi so sánh hắn ta với thần Tình Ái.
******
Bên kia sông cái ở quê ngoại là những ruộng mía và đồng lúa thênh thang. Bên đây sông của quê ngoại là vườn tược um tùm; nhiều dâu, lắm chôm chôm và toàn là cây măng cụt. Hè về ve kêu rộn ràng, vui tai. Mưa xuống thì ướt át, não nề.
 
Cũng tại chiếc xe Lam ọp ẹp từ Lái Thiêu về bị hư dọc đường mà Trà My đã trễ chuyến xe cuối ở Chợ Búng. Chiều mưa miệt vườn buồn ảm đạm. Lại càng thêm âm u khi mặt trời đi ngủ sớm, biến những vườn măng cụt sai trái ở quê ngoại trở nên sâu thăm thẳm, kỳ bí như trong truyện liêu trai. Một mình nàng đi bộ về nhà theo con đường vắng tanh xuyên qua những khu vườn thiếu ánh sáng đó.
 
Mưa ray rứt làm nàng lo lắng. Rồi nó chuyển sang gầm gừ dữ dội khiến nàng sợ sệt. Ướt sũng, Trà My đứng co ro trước giáo đường, hoang mang chờ mưa tạnh. Rũ những giọt nước mưa đọng trên mái tóc dài mềm mại, cô gái ngạc nhiên, rồi sung sướng nghe tiếng đàn dương cầm réo rắt vang lên, cao quý, từ trong nhà thờ không một bóng người. Một âm thanh yêu dấu và quen thuộc mà nàng nhung nhớ vì từ lúc từ giã cuộc sống Sài Gòn đến nay, đôi tay nuột nà của nàng chưa một lần nào lướt trên những phím ngà sang trọng ấy. Vậy mà giờ đây, nơi không gian tĩnh mịch ở giáo đường miền quê này, những nốt nhạc êm đềm nhẹ nhàng đưa nàng về ngày tháng cũ. Rồi giai điệu dìu dặt đó như nhen lên trong lòng nàng một ngọn lửa, không hừng hực, mà riu riu; nhưng đủ để sưởi ấm nàng; đủ để Trà My cảm thấy mình không cô độc nơi giáo đường vắng vẻ đó.
 
Được một lúc, âm thanh du dương ấy cũng im bặt. Tò mò nhìn vào bên trong vắng lặng, qua ánh sáng lù mù của nhà thờ miền quê, Trà My thoáng thấy bóng một người đàn ông. Trái tim cô gái bỗng đập dồn dập vì tự nhiên người đó chậm rãi tiến về phía nàng, rồi bất ngờ lên tiếng. Trà My chợt nhận ra một giọng nói đậm đà hương vị quê hương, pha chút mật ngọt của những cây mía đường quê ngoại:
 
- Ủa, cô đi đâu mà giờ nầy còn đứng ở đây một mình vậy?
 
Liếm mấy giọt nước mưa còn đọng lại trên môi vì nàng nghe cổ họng mình bỗng nhiên khô khốc, nàng lí nhí:
 
- Ư.... cháu... cháu đi thành phố... thăm mấy đứa bạn cũ về!
 
Còn đôi mắt thì mở to lấy làm lạ nhìn hắn, lòng thầm nghĩ: “Thì ra... chú ấy là người đã đánh đàn khi nãy. Sao một kẻ nhà quê mà cũng biết chơi đàn dương cầm? Thực ra chú ấy là ai?”.
 
Thấy nàng hết lúng túng rồi lộ vẻ ngạc nhiên, Toàn nói y như đã đọc được suy nghĩ của nàng:
 
- Chắc cô thắc mắc tôi làm gì ở đây, phải không?
 
Nén tò mò, nàng ngập ngừng hỏi:
 
- Hình như… chú… chú là người… đã đánh đàn hồi nãy?
 
- Ừ, tôi thường hay tới đây chơi đàn cho vui và còn tập với ban thánh ca nữa.
 
Nàng lẩm bẩm trong miệng:
 
- Thì ra là vậy!
 
Nhìn nàng giây lát. Dường như cái vẻ ướt át, lạnh lẽo đến tội nghiệp của nàng làm cho Toàn ái ngại. Hắn nhẹ nhàng hỏi:
 
- Cô có muốn tôi đưa cô về không? Trời mưa nầy lâu tạnh lắm! Mà bây giờ trời cũng mau tối nữa! Chắc là ba má cô đang lo!
 
Nàng gật đầu đáp nhỏ:
 
- Dạ!
 
Trên đường về, hắn hỏi thăm:
 
- Hôm gặp cô ở bên bãi mía, cô nín lặng đi về. Chắc là cô sợ lắm?
 
Trà My ấp úng:
 
- Dạ!
 
Toàn nghe một thứ tình cảm lạ lùng bỗng nhiên dấy lên trong lòng, nhẹ nhàng và dễ chịu khi tiếng “dạ... dạ ” của cô nàng cứ khe khẽ cất lên. Hắn nghĩ: “Cô bé nầy đang e thẹn; mà mình đâu có nói gì khiến cô nàng mắc cỡ như vậy ?”
 
Mấy chiếc cầu dừa trơn trợt khó đi lại khiến cho hai người dễ gần. Những vườn măng âm u làm cô gái nghe hơi ấm toát ra từ anh ấy thật dễ chịu. Bỗng nhiên, bên cạnh người đàn ông mới quen đó nàng thấy an toàn và tin tưởng. Khuôn mặt thật nam tính với đôi lông mày dày và sậm cùng đôi mắt xa vời như chứa nhiều bí ẩn khiến nàng tò mò, cứ len lén nhìn anh, lòng thắc mắc: “Anh ta là người như thế nào? Anh ấy là ai? Một người làm nghề đường, một nhạc sĩ… hay một vệ sĩ?”. Nàng thấy anh ấy bây giờ giống như vệ sĩ của mình. Nàng mỉm cười một mình.
 
Bỗng nhiên hắn ta cất tiếng hỏi:
 
- Cô đang ngắm tôi đó à ? Cô thấy tôi lạ lắm sao?
 
Tuy bị giật mình vì câu hỏi bất chợt mà trúng phóc đó, nàng cũng lấy lại bình tĩnh, hồn nhiên nói:
 
- Cháu thấy chú như… như… một quyển truyện phiêu lưu.
 
Toàn cười nói:
 
- Vậy sao? Cô có suy nghĩ thật ngộ nghĩnh!
 
Rồi anh ta nói tiếp:
 
- Mà tôi cũng thấy cô như một quyển sách mới, có chút khó hiểu. Nó như pha lẫn buồn phiền vu vơ và có cả niềm vui bất chợt.
 
Tròn xoe mắt bồ câu, nàng thắc mắc mà giống như thú nhận:
 
- Ồ, sao chú biết?
 
Gỡ nhẹ một chiếc lá vướng trên tóc nàng, giọng anh êm đềm:
 
- Trong đôi mắt cô!
 
Toàn chợt nhận ra làn da mặt mịn màng của cô gái trẻ Sài Gòn từ từ thắm hẳn lên như bị ép buộc uống chất nước trong veo mà nóng hừng hực và cay xé. Tự nhiên chàng cũng nghe hồi hộp, muốn đọc hết quyển sách đặc biệt kia.
 
Còn Trà My, nàng thấy anh ấy như cơn sóng lớn lôi cuốn nàng- một con ốc nhỏ bé. Vậy mà đã có lúc cô nàng mong là đừng gặp lại anh ta! Bây giờ, cô gái mười tám tuổi mộng mơ ấy lại mong muốn điều ngược lại. Tính ra cô mới chỉ gặp Toàn lần thứ hai, nhưng không làm sao mà cô không để ý đến anh ta. Dường như người đàn ông tên Toàn lạ lùng đó (ban đầu thì thấy ghét, bây giờ lại dễ thương ) đã hấp dẫn nàng…
******
Tiếng ba bất chợt nhắc khéo giúp Trà My thoát khỏi làn sóng suy tư đang xôn xao, rì rào ở trong lòng:
 
- Kìa con, nói gì với chú Toàn đi chứ! Chú ấy sắp về rồi!
 
Từ từ nhướng hai hàng mi dài, chớp chớp đôi mắt bồ câu, nàng nhìn chàng.
 
Ánh mắt đó vừa hân hoan, vừa ngạc nhiên như một đứa trẻ lần đầu tiên thấy ánh đèn Giáng Sinh lung linh, rực rỡ. Nàng nhẹ nhàng nói:
 
- Cháu... cháu cám ơn chú!
 
Giọng nói êm như nhung của tuổi trẻ pha chút thẹn thùng, run run tựa tiếng chuông giáo đường ngân vang khiến gã thấy hồn mình lâng lâng. Toàn vội quay qua bắt tay chào ba của Trà My để tránh ánh mắt lưu luyến của nàng. Ba của nàng cũng chào anh ta và hẹn có dịp mời đến nhà dùng cơm để cám ơn.
 
Nàng tiễn anh ấy bên giàn hoa giấy đỏ thắm với dáng điệu như không muốn rời xa, như mến, như tiếc, khiến cả nhà nàng nhận ra đó là dấu hiệu của “cú sét ái tình”.
 
Còn anh ta, trên đường về đã nghe trái tim mình khoan khoái mách bảo: “Tạ ơn Chúa! Chắc Người đã xui khiến cho nàng đến gặp con!”. Trái tim của một người tu xuất* lâu nay chỉ biết tôn thờ Chúa, giờ đã có hình bóng của cô gái trẻ thơ ngây len nhẹ vào.
*****
Tiếng đàn dịu dàng của nàng hòa âm với điệu nhạc êm đềm của chàng vào những buổi chiều thanh vắng không còn xa lạ với bà con quanh nhà thờ nữa. Khoảng cách về tuổi tác đã được uyển chuyển nối liền bởi những nốt nhạc du dương trong giai điệu tình yêu đằm thắm.
 
Nàng càng hạnh phúc hơn khi cùng anh ấy quỳ dưới chân Chúa và nghe chàng khấn nguyện: “Lạy Chúa! Con xin Người hãy che chở cho nàng, người con yêu và tôn thờ suốt đời, như con mãi mãi là con chiên của Chúa!”. Làm sao Trà My có thể tưởng nổi là mình cũng chính là tôn giáo trong anh ta! Nàng không bao giờ dám so sánh mình với Chúa, nhưng nàng thấu hiểu được một điều hết sức lớn lao là hai tình yêu này ngự trị vĩnh cửu nơi trái tim chung thủy của chàng.
 
Trà My có bao giờ ngờ rằng khi từ giã Sài Gòn về quê sinh sống nàng lại được một duyên phận tốt lành do Thượng Đế ban cho. Nàng cảm thấy mình sống như một người giàu có và hạnh phúc nhất trần gian vì những thiếu thốn về vật chất đã được bù đắp bằng tình yêu ngọt ngào và lai láng của chàng. Có lúc trong suy nghĩ dí dỏm của Trà My, nàng thấy mình đã thoát kiếp ong thợ và hóa thành con ong chúa duy nhất của chàng. Nàng mỉm cười sung sướng.
 
Bây giờ khi ngồi tựa bên chàng, ngắm nắng chiều êm đềm trôi trên dòng sông quê ngoại, tâm hồn nàng thật thanh thản mà trái tim thì luôn rộn rã yêu thương. Nàng nũng nịu hỏi chàng:
 
- Sao anh không cưới vợ trước khi gặp được em?
 
Chàng vuốt mái tóc mượt mà của nàng, nghiêm trang nói:
 
- Có lẽ đó là ý Chúa. Người muốn anh ở vậy để chờ em lớn lên, cưng à!
 
Rồi sờ nhẹ chiếc mũi nhỏ của nàng, chàng trêu ghẹo hỏi:
 
- Còn em, sao không tiếp tục gọi anh là chú?
 
Nàng chớp đôi mắt trong veo, nghiêng đầu tựa vào vai chàng:
 
- Đó cũng là ý Chúa, phải không anh?
******
Từ khi họ gắn bó với nhau, người ta gọi hai người là “Đôi Uyên Ương Đường Mật”.
Đỗ Thu Hồng
Vichy, đầu năm 2021
******
Chú thích của tác giả:
*Lon ghi-gô: Vật dụng quen thuộc, gắn liền với sinh hoạt của người dân miền nam từ trước năm1975 đến vài năm sau giải phóng. Đó là lon sữa bột của hãng Nestlé được nhập vào miền nam Việt nam trước năm 1975 để nuôi trẻ sơ sinh. Vì lon này không bị rỉ sét nên được các bà nội trợ dùng để cất giữ thực phẩm ở trong bếp. Còn đối với người lao động thì lon ghi-gô càng thêm thân thiết vì họ dùng nó đựng thức ăn mang theo khi đi làm. Những người bán hàng ăn ở chợ như mì, phở, hủ tiếu ..còn dùng lon ghi-gô để làm ống đũa.
* Người tu xuất: Người lớn lên ở nhà dòng, có ý định đi tu để thành Linh Mục. Nhưng vì lý do nào đó đã xuất ra ngoài đời, sống bình thường, không tiếp tục tu nữa. Hay còn nói là người đó “ không có ơn đi tu”.

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com