Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020 tin từ quê nhà cho biết là có tin vui và tin buồn đến cùng một lúc: Đó là việc lái xe dưới ảnh hưởng của men bia rượu sẽ bị phạt rất nặng. Đây là tin buồn cho dân nhậu và quán nhậu nhưng là tin vui cho đại chúng là điều hiển nhiên. Cho nên, vào thời điểm những ngày cuối năm Tất Niên sôi động năm nay, những quán nhậu vắng khách. Tiếng hô xuất quân của những binh đoàn đạo nhậu không còn vang vọng tiếng “Dzô! Dzô!” đầy hào sảng và hùng tráng như xưa nữa. Ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu.
Thôi thì cũng nên học đòi một kiểu triết lý sống ẩn nhẩn của người xưa mà tự an ủi: “Loạn thế độc thư, bình thời luyện võ”. Khi uống rượu không thông thì bàn chuyện rượu cũng là một cách “nhậu rì-mốt” (remote: tầm xa) vậy.
Nhậu rì-mốt dịch ra thuần Việt là “uống bóng, nhậu tầm xa hay uống hàm thụ”. Uống cái hồn thiên cổ của rượu chứ không uống hơi men nên dẫu có say tuý luý càn khôn thì Police-Cảnh Sát Giao Thông cũng chỉ còn trơ mắt ếch nhìn thế sự mà thôi.
Thời đi học, tôi cũng đã từng… uống bóng như thế. Từ xóm bình dân “uống rượu không say đâu có hay”, cho đến uống rượu tiêu sầu qua văn thơ của Cao Bá Quát; túi thơ bầu rượu “đồ thích chí chất đầy trong một túi” của kẻ sĩ hoàn danh Nguyễn Công Trứ… đều là uống bóng. Nhưng những cơn uống bóng và say bóng “hoành tráng” hay bi tráng hơn cả là uống rượu Bồ Đào. Cảm nhận được nỗi niềm toan uống chén Bồ Đào Mỹ Tửu trong tiếng đàn thúc quân giục giã lên đường làm cho người ta say cơn say bi hùng như hình ảnh người chiến sĩ ra trận uống chén quan hà trong bài thơ chỉ bốn câu của Vương Hàn (687-726) nhưng đã chiếu sáng rực rỡ cả một góc trời văn học suốt hơn nghìn năm qua:
Lương Châu từ
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Tạm dịch:
Rượu hồng uống chén dạ quang
Nhấp môi đã vọng tiếng đàn thúc quân
Cười chi say gục sa trường
Xưa nay đánh giặc bốn phương ai về
Cho đến khi từ Huế qua sống ở Mỹ, cái anh chàng Huế lãng mạn vặt mà chân quê trong tôi vẫn tự ngẩn ngơ khi nhắc đến giống rượu Bồ Đào Mỹ Tửu. Tôi thường miên man suy tưởng về loại rượu nầy xa vời và huyền thoại như trái cây tri giác của Adam chia sẻ với người đẹp Eva thuở nọ trên vườn Điạ Đàng. Cho đến một chiều tôi ngồi trong quán Tower ở Sacramento, nhâm nhi ly rượu nho đỏ (Red Wine) với Chan Lum, anh bạn Đài Loan thông tuệ về nghệ thuật chữ nghĩa và ăn uống của Trung Hoa, mới vỡ lẽ ra rằng, chúng tôi đang uống rượu Bồ Đào Mỹ Tửu. Khi một huyền thoại bị mất đi, con người bỗng cảm thấy cô đơn và lang thang trở về với thực tại. Từ đó cho đến hôm nay, tôi uống rượu nho đỏ thiếu đi niềm cảm khái của dáng xưa “túy ngọa sa trường”.
Rượu Vang, rượu Nho, rượu Chát… nên gọi tên nào?
Rượu Nho trong tiếng Việt còn bị gọi là rượu Vang do phiên âm từ tiếng Tây thời đô hộ là “Vins”. Ngoài ra còn được gọi là rượu Chát vì rượu nầy có vị căn bản là chát để phân biệt với loại rượu nho vị ngọt, chiếm một tỷ số rất nhỏ có vị ngọt thường dùng cho người mới tập uống, phụ nữ và khai vị. Tên gọi chính danh nhất là rượu Nho vì rượu làm từ trái nho. Trong lúc thế giới gọi tên trái nho trong ngôn ngữ của họ: Wines (Anh), Vins (Pháp), 葡萄酒 (Bồ Đào Tửu: Trung Quốc)… thế thì hà cớ gì Việt Nam lại bám vào cái gốc Tây đô hộ để giữ cái tên thời mất nước mà gọi là “rượu Vang”?
Chuyện cái chén Dạ Quang (dạ quang bôi) trong 4 câu thơ của Vương Hàn đã là chất liệu tạo hứng cho nhiều cuộc luận bàn về chén rượu nho. Hai chữ Dạ (đêm) và Quang (sáng) đã làm cho người đời suy diễn về cái chén “phát sáng về ban đêm” hay như cụ Trần Trọng Kim thì cho đó là chén “Lưu Ly”. Nhưng thú vị nhất là lời bàn về các loại chén uống rượu của Tổ Thiên Thu với Lệnh Hồ Xung trong Tiếu Ngạo Giang Hồ của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung: Rượu Bồ Đào thì phải uống với chén Dạ Quang; rượu Trúc Diệp Thanh phải uống với chén Dương Chi Bạch Ngọc đời Bắc Tống; rượu trắng phải uống trong sừng trâu để lấy mùi tanh tanh của của sừng mà chế ngự và hoà quyện với hương nồng của rượu; rượu Bách Thảo Mỹ Tửu ngâm với trăm loài hoa cỏ phải uống chén Thanh Trúc để hương gỗ trúc làm cho rượu thơm tho và ngây ngất hơn…! Như thế, thì trước hết, phải biết chén Dạ Quang có tên là Dạ Quang; rồi suy diễn xa vời hay sâu thẳm tới đâu thì cứ việc lên đường… vạn lý du!
Lịch sử rượu nho thế giới được ghi nhận là là đã có từ 7000 năm trước Tây Lịch tại Trung Hoa, 6000 năm TTL tại Georgia, 5000 năm TTL tại Iran… Nghĩa là rượu nho có mặt với con người cả hàng vạn năm nay rồi. Ngày nay, rượu nho được sản xuất khắp nơi, trừ các nước Hồi giáo. Bởi vì toàn cầu có đến 5000 loại nho khác nhau nhưng chỉ có khoảng vài trăm loại là làm rượu được. Thế giới rượu nho còn phức tạp hơn cả thế giới con người vì giá trị và chất lượng rượu còn tùy thuộc vào giống nho, đất đai, khí hậu, kỹ thuật sản xuất và sự khai phá tìm tòi, sáng tạo… Nhiều thế kỷ trước, Pháp và châu Âu là bá chủ võ lâm về rượu Nho. Nhưng anh chàng sinh sau đẻ muộn Huê Kỳ nay đã chiếm ngôi ngự trị rượu nho về phẩm cũng như về lượng trên toàn thế giới. Rượu nho ngon nhất xứ Mỹ là rượu nho sản xuất ở California; rồi ngon nhất California là rượu nho sản xuất ở Napa và ngon nhất của Napa là Napa Valley… mà tôi thì ở lại Napa Valley “nghiệp dư” với con gái nên có những chiều một mình nhâm nhi “bồ đào mỹ tửu” mà không còn nhớ là mình đang nối tiếp thưởng thức cái hương vị rượu hồng đào có mạng mạch cả vạn năm!
Thành phố núi đồi thung lũng Napa nhỏ nhắn thế mà có tới khoảng 450 hãng chế tạo sản xuất rượu nho (winery). Người Việt Nam, có tỷ phú Hoàng Kiều cũng chen chân làm chủ một hãng sản xuất rượu nho cao cấp ở Napa. Rượu nho Hoàng Kiều mạnh hơn (14.5 độ) tiêu chuẩn rượu nho thường (13.5 độ) uống đậm và ngon nhưng hơi đắt so với túi tiền bình dân (trung bình 57 đô la Mỹ một chai tiêu chuẩn 750 ml). Tôi sẽ đi xa hơn về thế giới rượu nho vào một dịp khác; giờ thì mà chỉ muốn được rong chơi trên những núi đồi “Bồ Đào” cô tịch đó. Thân phận và cảm giác một mình nơi xứ Napa nầy thật lạ lùng mà thú vị. Tôi thường thăm viếng và ở lại chơi với gia đình con gái hơn mười năm mà chưa hề gặp hay thấy một người Việt nào hàng xóm hay quen biết nơi nầy. Buổi chiều Napa thường xuống nhanh với sương mù và gió lạnh từ San Francisco tràn về, gặp hơi ấm từ vùng thung lũng Rocky Mountain của Sacramento truyền lên tạo ra một vùng khí hậu đặc biệt nóng lạnh có lẽ không hợp với thể chất người Việt nhưng lại lý tưởng cho giống nho Napa chăng?
Tôi thường đi bộ vào khoảng 6 giờ chiều mùa Hè. Trời còn lâu mới tắt nắng nhưng cảnh vật khắp nơi im ắng khác thường của vùng đất Napa làm tôi cảm thấy hơi ngờ ngợ khi mới về đây. Có lần tôi nói đùa với các cháu rằng: “Hình như buổi chiều, cả thiên nhiên và vạn vật của Napa đều ngủ sớm vì thấm men rượu thiên nhiên vô hình nên cảnh vật mới im lìm trầm mặc đến thế (?!)”
Rượu nho ngày xưa và bây giờ
Trong tủ sách rượu Nho tiếng Việt, tác phẩm đầu tiên viết về rượu Nho khá công phu và bài bản về rượu là tập sách “Rượu vang, món quà của Thượng Đế” của Lê Văn. Tác giả đã viết về rượu nho khá thú vị qua điệu nhìn “nho như sản phẩm tự nhiên của Đất Trời”!
Người Ai Cập đã tôn sùng rượu nho như món “thánh ẩm” từ hơn 6.000 năm trước. Thần Rượu Nho (God of Wines) Hathor, đã được thờ phụng và tưởng niệm một cách tôn kính vào ngày “Tuý Ngoạ” (Day of Intoxication) hàng tháng.
Đã bao nhiêu nghìn năm, rượu nho được dung như một chất men thiêng liêng trong các lễ nghi tôn giáo và hội hè đình đám dân gian. Từ những thùng rượu Saké ở các đền thờ Thần Đạo của Nhật Bản đến Bồ Đào Tửu trên các bàn thờ Thần Tài của người Trung Quốc và rượu nho được dùng một các thiêng liêng và trang trọng trong các dịp Ban Thánh Lễ của Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo đã một phần nói lên biểu tượng tôn giáo của rượu nho.
Đạo Phật trong Năm Giới Cấm (Ngũ Giới) căn bản có giới “Không uống ruợu” nên tất nhiên là rượu nho cũng liệt vào hàng bia rượu nói chung không được dùng. Tuy nhiên, tôi đã hơn một lần được mời dự tiệc ăn chay với một cốc nhỏ rượu nho loại Table Wines nhẹ 12 độ cồn (so với bia 6-7 độ cồn và rượu tiêu chuẩn 40 độ cồn) nên không cảm thấy ảnh hưởng gì… phá giới cả. Dẫu sao thì cũng xin sám hối vì đã trình làng trường hợp “phá giới” của cá nhân mình bởi bị thuyết phục là “nhắm tí rượu nho để đối trị với vi khuẩn trong tương chao” (?!)
Khuynh hướng nhắm chút rượu nho trong bữa ăn để tăng cường sức khỏe đã lan rộng trong sinh hoạt ẩm thực Đông Tây đang trên đà phát triển từ hơn mười năm nay.
Tôi ở Mỹ gần 40 năm nhưng một nửa thời gian trước không ai quan tâm đến rượu nho. Thế nhưng một nửa thời gian 20 năm sau, rượu nho đã nổi lên ồ ạt với một tốc độ phi thường. Tác dụng cho sự trỗi dậy của rượu nho là qua sự trải nghiệm của con người và thí nghiệm y khoa chứng minh cho tác dụng ưu việt của rượu nho đỏ đối với sức khỏe của con người như: “Uống điều độ một ly rượu nho đỏ trong bữa ăn chiều bằng tập một ngày tập thể dục… Các hợp chất hóa học có sẵn trong rượu nho chống ung thư, giảm tiểu đường, hạ huyết áp…”
Như thế là bà con Mỹ cũng như Việt rần rần uống “điều độ” rượu nho đỏ để trừ bá bệnh như ở quê nhà uống thuốc Xuyên Tâm Liên sau những ngày1975 bà con Bắc Nam gặp nhau thừa men mà thiếu thuốc. Ngày nay vào các tiệm thực phẩm khắp nơi ở Mỹ đều thấy các quầy rượu nho ngự trị khắp nơi. Sinh hoạt ăn uống trong đời sống xã hội người Việt Nam cũng bị cuốn hút theo trào lưu thời thượng… nho đỏ.
Một kỷ niệm nhớ đời mà tôi đã trải nghiệm về các “cao thủ rượu nho” hữu danh vô thực. Số là con rể và con gái của chúng tôi làm nghề thầy thuốc ở Napa, bệnh nhân đến phòng mạch các cháu một số lớn là người Mễ làm việc tại những trung tâm sản xuất rượu nho lớn trong vùng. Họ thường trả ơn thầy thuốc mát tay bằng những chai rượu nho chọn lọc hàng cao cấp để riêng trước khi dán nhãn hiệu và đưa ra thị trường. Bởi vậy, tôi thường có dịp nhấm nháp những chai rượu nho “đầu nước” loại giá cao từ quà miễn phí mà nếu mua thì khả năng túi tiền công chức của mình không rớ tới nỗi. Một lần tôi mời các ông bạn của tôi nổi tiếng – hay tự làm nổi tiếng – sành điệu rượu nho ở địa phương họp mặt nếm rượu cho vui. Những chai rượu nho đỏ giá từ 5 đến vài ba chục đô la (đi mua) đến 2,3 trăm đô la (được tặng) được lột hết nhãn hiệu nhưng chai có ghi tên và số liệu dán dưới đáy chai. Thế là bạn ta có dịp trổ tài nếm rượu nho cao thấp hàng chục loại khác nhau. Nhưng kết quả thật là ngỡ ngàng vì sự phân biệt chất lượng rượu nho rất lung tung. Những chai rượu bạc đồng, bạc chục cũng bị dính chùm với các chai rượu bạc trăm. Không có một bạn già nào của tôi phân biệt đúng giá trị quy ước độ ngon (theo giá), độ quý phái (theo hãng), độ trân quý (theo tuổi) của các chai rượu nho đem ra làm thí nghiệm. Khi chúng tôi đưa “con bài lật tẩy” ra cho nhau xem thì đám bạn già chỉ còn biết ôm nhau mà cười. Một bạn đưa ra nhận xét vừa tếu, vừa cảm động rằng: “Không biết bọn mình vì ăn mắm muối và khoai sắn quá nhiều nên chai miệng, vị giác đã mất đi độ tinh tế hay bởi tuổi già… lạt miệng?!” Diễn dịch cách nào cũng được miễn là vui. Uống rượu không có anh hùng, liệt sĩ, quan chức hay trường lớp đào tạo nào cả. Vui là chính!
Có lẽ rượu nho cũng như người đàn bà muôn thuở! Nghĩa là có thể có được trong tầm tay nhưng hiểu hết được và hòa quyện tương đồng trong cuộc sống đời thì không dễ. Kiếm được rượu và uống rượu nho thì ai cũng có thể có được nhưng tìm được cảm xúc thế nhân đi vào hồn rượu thì cũng khó như biến một giấc mơ thành hiện thực. Này nhé! Kiếm được chai rượu bồ đào Napa Valley thứ thiệt (nghĩa là “product of Napa” chứ không phải “vinted” hay “cellared & bottle” mượn danh Napa) giá bình dân cũng từ 45 đến 300 đô; nâng niu, ngắm nhìn rượu trong chai sóng sánh mềm mại xuôi dòng và cuốn hút. Khách trân trọng mở nắp, rót rượu vào ly. Dòng rượu chảy đỏ thẫm vào ly chân cao đầy vẻ thanh nhã, mượt mà và kiêu sa. Người sành điệu phải lắc nhè nhẹ rượu quanh thành ly để cảm nhận được vẻ tình tự như hương nho tươi, màu nắng quái, dáng cuộn sóng ngổ ngáo mà ngoan hiền im ắng. Rồi nâng ly… Cheers! Và nghiêng ly lên môi nhấp một ngụm. Dòng rượu đỏ chảy vào người như tình yêu thành chồng vợ… Rượu nho hồng rất dị ứng với kiểu uống “dzô!ôôô!… uống cạn ly đầy và rót đầy ly cạn” của lối uống bia rượu hội đồng mà người ta thường gọi là “ngưu ẩm” (trâu đồng uống nước ruộng)!
Bồ đào mỹ tửu – rượu nho ngon cũng ví như hồng nhan tri kỷ – gần gũi mà kiêu sa, bình thường mà vô giá. Có những chai rượu nho giá đắt nhất và rẻ nhất trong lịch sử rượu nho thế giới là:
Từ một chai Screaming Eagle Carbernet Sauvignon năm 1992 giá 500.000 đô la Mỹ (11.5 tỷ đồng Việt Nam) cho đến những chai rượu nho giá rẻ nhất quanh nước Mỹ hôm nay là Charles Shaw ($1.99), Pacific Peak ($2.42), Tisdale Carbenet ($3.49)… nói lên một thế giới từ đỉnh điểm đến đất đen sinh động vô cùng của rượu nho. Ai cũng có khả năng tài chánh, thượng vàng hạ cám, giá từ vài đồng đến nửa triệu đô la cho một chai ruợu nho với giá nào, thời nào và nơi nào cũng có. Giá thay đổi đến lạ lùng. Năm kia tôi thấy tại một quán hàng ở New Delhi một chai rượu nho đỏ Merlot hiệu Sutter Home của Mỹ, bán ở hàng CVS, California giá 4.99 đô la thì ở Ấn độ giá 47.00 đô la Mỹ. Bởi vậy, nói chuyện rượu nho cũng khề khà như kể chuyện 1001 đêm thật dông dài khó hết.
Cuối năm, được mùa Tất Niên, có những buổi chiều liên tục được mời dự cúng lễ tất niên quanh thế giới Việt Nam trong cộng đồng người Mỹ – Việt đề huề. Khách đủ hạng người có thể khác nhau về nhiều mặt nhưng rất gần với một điểm chung: Chiếc ly rượu hồng đậm lặng lẽ mà gợi cảm ba đào: Ly rượu nho đỏ.
Sacramento, mùa Tất Niên Tháng Giêng 2020
Trần Kiêm Đoàn