Lời nói đầu: Trước đây ở Việt Nam, tuy rằng hệ thống y tế không được hoàn mỹ như ở các nước Tây phương, nhưng nhờ đang sống ở một nước không khí còn trong lành do nền kỹ nghệ địa phương chưa mấy phát triển hoặc do đất nước nằm dọc dài theo vùng biển chưa bị ô nhiễm nhiều, người Việt Nam nói chung lại thường ăn rất nhiều rau cải, trái cây hoặc cá và rất ít ăn thịt nên ít bị đau ốm.
Ở Việt Nam khi nói đến rau cải, trong nhân dân thường có câu: "Rau lúc đói là thức ăn, lúc đau là thuốc uống". Ví dụ như rau mơ, có thể chữa được bệnh lỵ, đau sỏi thận hoặc rau mã đề có thể chữa được bệnh bí tiểu tiện. Rau răm không những được dùng để ăn với gỏi, với thịt gà nhưng cũng có thể được dùng để chữa bệnh kém ăn, dễ kích thích tiêu hóa, chữa rắn cắn hoặc bị hắc lào, ghẻ lở hay dễ làm dịu tánh dục. Củ kỹ được dùng để nấu canh nhưng lại cũng được dùng để bảo dưỡng toàn diện cơ thể, chữa tình trạng chân tay yếu đuối, mờ mắt, nhức đầu chóng mặt cùng chữa những bệnh về gan hoặc mộng tinh.
Ngày nay nếu có ai hỏi tại sao món ăn này lại dùng rau này, món ăn kia phải dùng rau nọ hoặc tại sao thịt nem phải được gói bằng lá ổi. Thịt trưởi, thịt tré phải được gói bằng lá vông, thì thiết tưởng cũng khó có được người trả lời được rõ ràng và nói đó là tập tục cổ truyền từ xưa lưu lại. Sự hiểu biết thêm về Rau Cải Việt Nam cũng có phần nào giúp chúng ta ít lui tới các dược phòng, thiết nghĩ cũng là vấn đề hữu ích.
- Củ tỏi. Tỏi có tên khoa học là Allium Sativum, họ hành tỏi Liliaceae. Tỏi là gia vị chủ yếu trong mọi lối nấu nướng Việt Nam. Tỏi gia tăng sức kháng cự của cơ thể con người với mọi nhiễm độc. Tỏi có tính chất diệt trừ các vi khuẩn, mầm độc, vì thế tỏi được dùng làm trị liệu trong trường hợp kiết lỵ và thương hàn. Tỏi cũng có khả năng làm giảm áp huyết cao, giảm mức cholesterol xấu LDL. Tỏi cũng là trị liệu để chữa viêm hay nghẽn cuống phổi, làm giảm lượng đường trong máu, trị bụng đầy hơi, chữa trị suy nhược cơ thể, giảm thiểu các triệu chứng già nua. Hiện nay các nhà bác học khắp thế giới đều xác nhận chất Diallylsisulfide DADS trong tỏi ngừa chận được sự sinh trưởng của các tế bào ung thư. Ngoài ra đã có nhận xét rằng tỏi có thể được dùng trong việc chữa trị bệnh AIDS.
- Củ hành. Hành có tên khoa học là Allium Cepa thuộc họ Lilien. Củ hành không chỉ là một loại gia vị thơm ngon mà còn có những khả năng trị bệnh. Chất Sulfide của củ hành có khả năng đề kháng vi khuẩn, vi sinh vật cùng nấm. Có tác dụng phòng ngừa ung thư cùng chống sự đông máu. Chất Sulfide của củ hành hỗ trợ cho hệ thống miễn nhiễm của cơ thể và trợ lực cho hệ thống tiêu hóa. Chất Quercetin trong củ hành ngăn trở sự hình thành của những vi khuẩn độc, bảo vệ chống các bệnh về tim và hệ thống tuần hoàn. Chất Quercetin cũng các tác dụng chống ung thư. Chất Adenosin trong củ hành cũng có tác dụng hạ áp huyết cao, ngăn trở sự đông máu. Chất Saponin hạ thấp được mức cholesterol, bảo vệ chống ung thư dạ dày. Trong củ hành cũng có rất nhiều sinh tố và khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người. Trong củ hành lại có chất insulin chuyên giải trừ các thức ăn thặng dư.
- Rau muống. Rau muống có tên khoa học là Ipomoea reptans hay Ipomoea aqutica thuộc họ Convolvuacaea. Người Việt Nam thường dùng rau muống để làm rau ăn sống hoặc để nấu hay xào. Rau muống có tính chất làm mất tác dụng của những loại thuốc đã uống vì thế rau muống được dùng để giải các chất độc bằng cách rửa sạch rau muống, giã nát vắt lấy nước mà uống. Rau muống có tính cách nhuận tràng nhẹ. Ngọn rau muống giã nát với lá cây vòi voi (Heliotropium indicum) đắp lên các vết loét do bệnh zona để chữa lành. Thân lá rau muống giã nát với mướp đắng và lá xoan để đắp lên ngực hay trán những người bị sốt hay khó thở.
- Rau răm. Rau răm còn có tên là Thủy Liệu. Tên khoa học là Polygonum odoratum, thuộc họ Polygonaceae. Rau răm thường được dùng để ăn tươi hay làm gia vị. Thường được dùng trong việc làm gỏi hoặc để ướp với thịt gà hoặc để nấu hay kho. Rau răm có tính chất kích thích tiêu hóa, chữa trị sự kém ăn, rắn cắn, hắc lào, ghẻ lở. Khi bị rắn cắn dân thôn quê thường lấy khoảng 30 ngọn rau răm giã nát vắt lấy nước uống còn bã thì đắp lên nơi bị rắn cắn. Muốn chữa hắc lào, sâu quặng, thì lấy cả cây giã nát thêm rượu vào rồi bôi lên nơi bị hắc lào hay chốc lở đã rửa sạch. Rau răm cũng là một vị thuốc thông tiêu, chữa sốt và chống nôn. Rau răm còn có tác dụng làm dịu tình dục vì thế rất được các vị tu hành thường dùng.
- Rau má. Rau má còn có tên là Tích Tuyệt Thảo. Tên khoa học là Centella asiatica hay Trisanthus cochinchinensis. Thuộc họ Hoa Tán Apiaceae. Rau má thường được dùng như rau sống để ăn. Nhân dân Việt Nam xem ra má như là một vị thuốc mát, vị ngọt, hơi đắng, tính bình, không độc, không tiêu, dùng để chữa bệnh thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới và lợi sữa. Để chữa đau bụng và đi lỵ. Người dân Việt Nam thường dùng cả dây và lá rau má rửa sạch thêm tí muối nhai sống. Để chữa rôm sảy mầm ngứa hằng ngày nên ăn rau má. Phụ nữ có kinh nguyệt bị đau bụng, đau lưng thường hái rau má ra hoa phơi khô tán nhỏ ngày uống một lần vào buổi sáng. Hiện nay tại một số quốc gia, rau má đã được chế biến thành thuốc viên để chữa các bệnh giãn tĩnh mạch chân chậm trở về tim và thuốc để tiêm. Người dân Việt Nam còn dùng loại Rau Má Mơ họ Hydrocotyle rotundifolis để chữa các bệnh về gan.
- Tía tô. Tía Tô còn có tên là Tử Tô, có tên khoa học là Perilla ocymoides, Preilla frutescens, thuộc họ Hoa Môi Lamiaceae. Dân chúng thường dùng lá tía tô làm rau ăn sống, hoặc làm gia vị và làm thuốc. Tía tô có vị cay, tính ôn vào hai kinh phế, tỳ. Có tác dụng phát tán phong hàn, giải uất hóa đàm, an thai giải độc của cua cá. Lá tía tô có tác dụng làm ra mồ hôi, chữa ho, giúp cho sự tiêu hóa, giảm đau, giải độc, chữa cảm mạo. Cành cây tía tô có tác dụng chữa ho, trừ đàm, hen suyễn, tê thấp. Phụ nữ thường lấy lá tía tô sắc để uống để chữa sưng vú. Ăn phải cua hay cá mà trúng độc, người ta giã lá tía tô tươi vắt lấy nước hoặc sắc lá khô uống nóng.
- Diếp cá. Diếp Cá còn có tên là Lá Giáp hoặc Ngư Tinh Thảo. Tên khoa học là Houttuynia cordata Thunb. Thuộc họ Saururaceae. Lá diếp cá thường được dùng làm rau sống để ăn với cá. Diếp cá có tác dụng lợi tiểu. Theo Đông Y diếp cá có tác dụng tán nhiệt tiêu ung thủng, được dùng để chữa trĩ và vết lở loét. Vào trường hợp tụ máu đau ở mắt hãy giã nhỏ lá ép vào hai miếng giấy bản đắp lên mắt khi ngủ. Vào trường hợp bị bệnh trĩ thì đem sắc uống nước hoặc sắc nước lấy hơi xông rồi rửa. Diếp cá còn được dùng để chữa mụn nhọt, kinh nguyệt không đều, cùng viêm sưng tai.
- Lá lốt. Tên khoa học của Lá Lốt là Piper Lobot, thuộc họ Hồ Tiêu Piperraceae. Lá Lốt thường được dùng làm rau ăn sống và làm gia vị. Nhân dân thường dùng lá lốt để bọc thịt lại mà nướng cho thơm cùng để khử trùng hoặc dùng lá lốt xào với thịt bò và nấu canh ăn cho dễ tiêu. Lá lốt cũng được dùng làm thuốc sắc uống chữa đau xương, thấp khớp, tê thấp, đổ mồ hôi tay chân, hoặc đi ngoài lỏng.
- Ngò. Còn được gọi là Ngò Thơm hay Rau Mùi. Ngò có tên khoa học là Coriandrum Sativum, thuộc họ Hoa Tán Apiaceae (Umbelliferae). Thông thường ngò được dùng làm gia vị cho các món ăn hoặc trộn với các thứ rau khác để ăn sống. Hột ngò được dùng làm thuốc trung tiện, làm dễ tiêu, kích thích và giúp sự tiêu hóa cùng làm hương liệu cho chè. Hột ngò có vị cay, có tác dụng phát tán, trừ tà khí khu phong, long đàm, thường được dùng để thông khí ở bụng dưới, lợi đại tiểu trường thúc sưởi mau mọc. Ngò còn được dùng làm thuốc giúp sự tiêu hóa, chữa ho, ít sữa, dưới dạng toàn cây ăn tươi hoặc thuốc sắc hoặc ngâm rượu.
- Húng quế. Húng Quế còn có tên là Húng Giới, É Tía hoặc Hương Thái. Tên khoa học là Ocmum Basilicum, thuộc họ Lamiaceae. Lá và ngọn của húng quế thường được dùng làm gia vị hoặc để ăn sống. Hột húng quế được dùng để ăn cho mát, có tác dụng nhẹ chống táo bón. Người ta chỉ hái lá và ngọn có hoa rồi phơi hay sấy khô để làm thuốc uống chữa sốt, chữa đau dạ dày, ăn uống không tiêu, thông tiểu, làm cho ra mồ hôi. Ở thôn quê, ngò được nấu nước để súc miệng và chữa đau răng.
- Rau mồng tơi. Mồng tơi còn được gọi là Lạc Quỳ. Tên khoa học là Basella rubra hay Basella alba. Thuộc họ Mồng Tơi Basellaceae. Mồng tơi thường được dùng để nấu canh, xào hoặc luộc làm ra ăn cho mát. Theo sách Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân, rau mồng tơi có vị chua hàn, hoạt, không độc chú trì trung, tán nhiệt, lợi đại tiểu trường. Rau mồng tơi còn được dùng để chữa táo bón cho trẻ em, phụ nữ sanh khó, hoặc dùng nước ép quả để nhỏ mắt chữa bệnh đau mắt... Các bà nội trợ thường dùng rau mồng tơi để nhuộm đỏ các loại mứt.
- Cải tần ô. Tần Ô còn có tên là Cải Cúc. Tên khoa học là Chrysanthemum cononarium, thuộc họ Asteraceae. Trong cải tần ô có nhiều sinh tố B1, một lượng trung bình sinh tố C và sinh tố A. Cải tần ô thường được dùng để nấu canh hay để xào. Canh tần ô có công dụng chữa ho... Cải tần ô còn được dùng để chữa đau mắt, nhức đầu kinh niên, thổ huyết. Cải tần ô còn cung cấp cho người dùng một lượng hydrat carbon, protéin, chất béo và các sinh tố C, A và B1. Ở thôn quê thường dùng cải tần ô xắt nhỏ cho vào chén cơm với chút ít đường để vào nồi cơm hấp cho tiết nước ra để cho trẻ uống nhiều lần trong ngày cho hết ho.
- Mã đề. Mã Đề còn có tên là Đề Thảo. Tên khoa học là Plantago asiatica. Mã đề có tính cách vi hàn, vị ngọt, không độc. Có tác dụng lợi tiểu, thanh phế, can phong, nhiệt thâm, bàng quang, thấp khí, được dùng chữa đẻ khó, chữa ho, trừ đàm, sáng mắt. Lá mã đề tươi giã nát, đắp mụn nhọt chóng vỡ và mau lành. Lá mã đề được dùng để chế nhiều vị thuốc như Xa tiên tử, Mã đề thảo.
- Hẹ. Hẹ còn có tên là Phi Tử. Tên khoa học là Allium odorum hay Allium tuberosum. Hẹ được dùng làm gia vị hoặc để ăn sống và để làm thuốc. Lá hẹ hấp với đường phèn dùng để chữa ho cho trẻ em. Lá hẹ cũng được dùng để chữa các bệnh kiết lỵ, ra máu, giúp sự tiêu hóa chữa bệnh di tinh, đi tiểu nhiều lần, mộng tinh, bạch trọc. Hột hẹ được dùng để chữa di mộng tinh, đi tiểu ra huyết, đau mỏi đầu gối, đau lưng, khí hư. Hẹ có tác dụng bổ gan và thận. Nước ép tươi của hẹ có tính chất kháng sinh rất cao đối với nhiều loại vi trùng.
- Ngò tàu. Còn có tên là Rau Mùi Cần. Tên khoa học là Eryngium foetidum. Thuộc họ Hoa Tán Apiacae (Umbelliferae). Lá tươi của rau mùi hay ngò tàu thường được dùng làm gia vị để ăn sống hay nấu chín. Rau mùi có khả năng chữa đầy hơi, ăn uống kém tiêu, cảm mạo và sốt. Nhiều nơi dân chúng dùng rau mùi nấu chung với chùm kết để làm nước gội đầu.
- Rau ngót. Rau Ngót còn được gọi là Bù Ngót. Tên khoa học là Sauropus anfrogynus. Thuộc họ Euphorbiaceae. Thường được dùng để nấu canh. Rau Ngót có khả năng chữa tưa lưỡi. Ngoài ra còn được dùng làm thuốc chữa sót nhau và chậm kinh.
- Rau tần. Thường được gọi là Húng Chanh, Rau Tần Dầy Lá hoặc Dương Tử Ô. Tên khoa học là Coleus Aromaticus hoặc Colus crassifolius. Thuộc họ Hoa Môi Lamiaceae. Rau Tần được trồng khắp Việt Nam cốt yếu thường để làm gia vị. Rau Tần thường được dùng để ăn với thịt vịt luộc vì thịt vịt thường được xem là khó tiêu và hơi tanh. Trong tinh dầu của Rau Tần có chất cacvacrola và chất colein. Tinh dầu này có tác dụng kháng sinh mạnh với vi trùng Staphyllococcus 209, Salmonella typhi, Shigella dysanteria, Coli pathogène, Colihothenda Streptoccocus.
- Rau ngổ. Rau Ngổ còn được gọi là rau Ngổ Thơm. Tên khoa học là Enhydra fluctuans, thuộc họ Cúc Asteraceae. Người Việt Nam thường hái lá non của rau ngổ để ăn sống hoặc để làm gia vị. Rau ngổ cũng được dùng để chữa ăn uống không tiêu, đầy hơi tức bụng, thổ huyết và băng huyết.
- Rau om. Còn được gọi là Ngò Om. Tên khoa học là Limnophila aromatica. Thuộc họ hoa Mõm Chó Scrophulariaceae. Dân chúng Miền Nam Việt Nam thường dùng làm gia vị nấu canh chua, canh cá. Ở Miền Nam Việt Nam người ta thường phân biệt rau om xanh và rau om tím. Loại tím được tìm để dùng làm thuốc. Rau om có tác dụng lợi tiểu, giãn co, chống co thắt. Đặc biệt có tác dụng làm tăng lượng nước tiểu có thể làm cho viên sỏi nếu có ở thận bị vỡ và bị tống ra ngoài theo nước tiểu. Lương y thường khuyên bệnh nhân lấy rau om giã nhỏ, lấy nước pha với ít hạt muối, uống ngày 2 lần và uống như thế 5 ngày liền sẽ khỏi.
- Rau sam. Tên khoa học của rau sam là Portulaca oleracea. Rau này thuộc họ Portulacaceae. Rau sam thường được dùng để ăn sống hoặc nấu chín. Rau sam thường được dùng để làm thuốc để chữa lỵ trực trùng, thuốc lợi tiểu, tẩy giun kim, hoặc được giã nát để đắp lên mụn nhọt. Rau sam cũng được dùng để chữa huyết lỵ. Kinh nghiệm nhân dân cho biết nấu rau sam ăn hằng ngày liên tiếp trong vài ngày chữa bệnh đái ra máu.
- Hành lá. Hành lá còn có tên là Hành Ta hoặc Hành Hoa. Tên khoa học là Allium fistulosum, thuộc họ hành tỏi Liliaceae. Hành lá thường được dùng làm gia vị. Đồng thời cũng được dùng làm thuốc. Theo Đông Y, hành lá có vị cay, bình mà không độc, có năng lực hòa trung, thường dương, hoạt huyết, được dùng làm thuốc ra mồ hôi, lợi tiểu, sát trùng, chữa đau răng. Sắc uống lấy nước, chữa được các chứng sốt, sốt rét, cảm, nhức đầu, mặt mày phù thủng. Hành lá còn được dùng để an thai, sáng mắt, lợi ngũ tạng. Hành là còn có tác dụng kích thích thần kinh, làm tăng sự bài tiết dịch tiêu hóa và để đề phòng ký sinh trùng trong ruột. Hành là còn được dùng để chữa trị tê thấp. Tinh dầu hành lý có khả năng sát khuẩn mạnh nên được dùng ngoài để chữa mụn nhọt. Nước hành được dùng để nhỏ mũi để chữa ngạt mũi cấp tính và mãn tính, viêm niêm mạc mũi. Cháo hành giã nát ăn nóng chữa được nhức đầu mũi ngạt.
- Riềng. Tên khoa học của Riềng là Erythrina orientalis, thuộc họ Papillonaceae. Riềng thường được dùng làm gia vị, hoặc ướp trộn với thịt trưởi, tré hoặc với mắm hoặc tôm chua. Sở dĩ được dùng như vậy là do riềng có tác dụng ôn trung tán hàn, tiêu thực, kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng, chữa đầy hơi, đau bụng, đau dạ dày. Theo tài liệu xưa lưu lại riềng có tính ôn vào hai kinh tỳ và vị. Đông Y gọi riềng là Can Lương Khương. Riềng còn được dùng để chữa sốt rét, sốt nóng, đi lỏng, trúng hàn, nôn mửa.
- Vông. Tên khoa học của vông là Phrynium parviflorum. Thuộc họ Hoàn tinh Marantaceae. Người Việt Nam thường dùng lá vông để gói nem, trưởi và tré vì lá vông có tính chất sát trùng. Lá vông hơ nóng đắp vào hậu môn hoặc uống nước nấu lá vông để chữa trĩ. Vỏ cây vông được dùng làm thuốc chữa sốt, sát trùng, thông tiểu, an thần và gây ngủ, chữa thổ tả amíp và trực trùng, nhuận trường. Theo Đông Y, vông có vị đắng tính bình vào thận. Có tác dụng khử phong thấp, thông kinh lạc, sát trùng, chữa lưng gối đau nhức, tê liệt, lở ngứa.
- Ổi. Ổi còn có tên là phan thạch lựu. Tên khoa học là Psidium guyjava, thuộc họ myrtaceae. Người Việt Nam thường dùng lá ổi non của cây ổi để gói nem vì lá ổi có tính sát trùng, bảo vệ được thịt nem trong giai đoạn từ sống đến chín khỏi bị nhiễm trùng. Lá non và búp ổi non là một vị thuốc chữa đau bụng, đi ngoài, thường được dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc pha. Trái ổi non được dùng để chữa đi lỏng, trái ổi chín có tác dụng nhuận trường. Vỏ rễ và vỏ thân cây ổi cũng được dùng để chữa đi ngoài nhiều và rửa những vết lở loét.
- Sả. Sả có tên khoa học lá Cymbopigon nardus, thuộc họ Poaceae. Sả được người Việt Nam thường dùng làm gia vị. Sả tươi được dùng để ướp thịt để nấu hay nướng để cho thịt thơm và dễ tiêu hóa. Tinh dầu của sả được dùng làm thuốc giúp tiêu hóa, đuổi muỗi, rắn, cùng được dùng trong công nghiệp. Nước lá sả còn được dùng uống cho mát. Lá sả nấu với nước để xông làm ra mồ hôi, chữa cảm sốt. Nước sả có tác dụng thông tiểu tiện.
Phan Hưng Nhơn