Trụ sở trong quận 17 Paris của Hội Anh Em của Người Nghèo (Les Petits Frères des Pauvres) thêm náo nhiệt vào những ngày cuối năm. Điện thoại rung, tiếng chuông cửa reo liên tục và những gương mặt mới xuất hiện. Họ muốn dành vài ngày nghỉ cuối năm để chia sẻ một Giáng Sinh ấm cúng với người cao tuổi, cô đơn, không nơi nương tựa.
Hội Anh Em của Người Nghèo được ông Armand Marquiset chính thức thành lập vào năm 1946 sau thời gian bị đình trệ vì Thế Chiến II. Năm 1949, nhà sáng lập đã cải tạo ngôi nhà riêng để đón những người được chăm sóc đến nghỉ hè. Từ năm 1964, sau khi Armand Marquiset rời Hội, Les Petits Frères des Pauvres hướng đến phục vụ lợi ích chung, thay vì mang tính chất tôn giáo như trước đây, và nhanh chóng thích nghi với những biến chuyển của xã hội, trở thành người bạn đồng hành của những người cô đơn trên 50 tuổi, có hoàn cảnh khó khăn và bị bệnh nặng.
Noel luôn là dịp quan trọng và sôi nổi nhất trong năm của Hội Anh Em của Người Nghèo. Những người cao tuổi được Hội chăm sóc sẽ nhận được một gói quà tại nhà, hoặc được mời dự tiệc Giáng Sinh do Hội tổ chức, theo truyền thống từ năm 1951 và sau này được nhân rộng sang nhiều thành phố và tỉnh khác trên khắp nước Pháp.
Gần 830 gói quà mỗi dịp Noel
Trong căn phòng lớn dưới tầng hầm, vài trăm túi quà được xếp ngay ngắn và được chia theo từng nhóm. Chị Joséphine Mabiala, sống ở ngoại ô Paris, từ sở làm đến thẳng Hội để chuẩn bị những gói quà:
«Tôi chuẩn bị những gói quà theo danh sách mà Hội lập trước. Trong chiếc túi vải, đã có một kiện thực phẩm, tôi cho thêm một cuốn lịch, một chiếc bút, một chậu hoa nhỏ và một hộp sô cô la. Vậy là có thể tổ chức một bữa ăn nhỏ, dù không hẳn là bữa tiệc nhưng đây chính là tâm nguyện của Hội Anh Em của Người Nghèo, có nghĩa là chia sẻ với những người thật sự cần hỗ trợ».
Vào dịp lễ cuối năm, nhiều tình nguyện viên thường xuyên của Hội cũng bận bịu với gia đình, nhưng thay thế họ là những tấm lòng mới, làm tình nguyện trong vài ngày. Vì vậy, «Ông già Noel» cũng thay đổi hàng năm, có thể là Charles hoặc Marie, Romain hoặc Amélie… hay Joséphine, thay nhau mang gần 830 gói quà đi khắp Paris:
«Tôi sẽ mang hai gói quà cho hai cụ mà tôi vẫn đến thăm, trong đó có một cụ nằm liệt giường. Cả hai cụ đều cần giúp đỡ và sống ở quận 18 (Paris), nên tôi sẽ lần lượt mang quà đến từng nhà. Tôi kết hợp với một tình nguyện viên khác để thay nhau đến thăm các cụ, mỗi người một lần một tuần. Thỉnh thoảng chúng tôi gọi điện hỏi thăm các cụ và để họ biết là chúng tôi luôn ở bên cạnh. Điều này rất quan trọng».
Trả lời RFI tiếng Việt, chị Estelle Fossée, phụ trách truyền thông của Les Petits Frères des Pauvres, cho biết ngoài các hoạt động chăm sóc, thăm hỏi thường xuyên, mỗi năm Hội có hai dịp quan trọng: kỳ nghỉ hè tháng 7-8 và đặc biệt là lễ Giáng Sinh.
«Đây là thời điểm mà nhiều người bắt đầu cảm thấy tinh thần tương ái trỗi dậy mạnh mẽ hơn vì họ biết rằng cũng vào thời điểm này, sự cô đơn của người cao tuổi còn lớn hơn bao giờ hết, nhất là khi chỉ có một thân một mình, không gia đình.
Giáng Sinh cũng là dịp khá nhộn nhịp vì mọi người cũng được nghỉ và có nhiều thời gian hơn một chút. Hơn nữa, ở Paris cũng có nhiều người không có gia đình bên cạnh, hoặc không có con cái nên họ cũng một thân một mình đón Noel. Vì thế, chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi hơn. Có thể họ không rảnh rỗi trong năm nhưng ít nhất họ muốn tham gia làm thiện nguyện vào dịp lễ cuối năm. Ngoài ra, cũng có nhiều người gọi để tặng tiền giúp đỡ Hội Anh Em của Người Nghèo. Phải nói là hội của chúng tôi hoạt động nhờ vào 90% tiền quyên góp».
Trên cây bút được tặng cho người cao tuổi khó khăn và cô đơn ở trong gói quà có số điện thoại của Solitud’écoute (tạm dịch «Lắng nghe chia sẻ»). Đây là dịch vụ miễn phí để tâm tình với một tình nguyện viên, vì có rất nhiều người, đôi khi chỉ muốn được trò chuyện, giải tỏa tâm lý hoặc để cảm thấy bớt cô đơn.
«Họ là những người mà chúng tôi vẫn đến thăm quanh năm, chị Estelle Fossé giải thích. Có nghĩa là, những người nằm trong tiêu chí của Hội Anh Em của Người Nghèo, về tuổi tác, sự cô đơn, cô lập khỏi xã hội hoặc trong tình cảnh nghèo khó. Những trường hợp như vậy thường được thông báo cho chúng tôi thông qua bác sĩ điều trị, nhân viên trợ giúp xã hội, gia đình sống ở xa hoặc đôi khi là chính người cao tuổi gọi điện đến Hội.
Hồ sơ của họ được chuyển đến hội đồng đánh giá, sau đó tình nguyện viên đến gặp gỡ người đó để tìm hiểu hoàn cảnh. Cuối cùng, một tình nguyện viên sẽ được giới thiệu và đến thăm người đó ít nhất là hai tuần một lần để giúp họ bớt đơn độc. Các cuộc thăm viếng diễn ra rất chân tình, thân thiện và thường kéo dài hai tiếng. Họ có thể đi ra ngoài dạo chơi hoặc nói chuyện trên trời dưới biển.
Chúng tôi thường đề xuất với người cao tuổi được chăm sóc tham gia các hoạt động tập thể và Giáng Sinh nằm trong khuôn khổ các hoạt động này. Cứ vào tháng 10 hàng năm, chúng tôi gửi thư cho họ và đề xuất hai lựa chọn : đăng ký tham gia vào bữa tiệc tập thể, hoặc nhận một gói quà ở nhà họ vì một số người không thể ra khỏi nhà, hoặc đơn giản là họ muốn đón Noel ở nhà».
Bữa tiệc Giáng Sinh đầm ấm… ở khách sạn sang trọng
Theo chị Estelle Fossé, Giáng Sinh là dịp mang ý nghĩa lớn, vì vậy, Hội Anh Em của Người Nghèo luôn cố gắng giành cho người cao tuổi một bữa tiệc ấm cúng, thân mật. Hội thường tổ chức hai bữa tối 24 và tiệc trưa ngày 25. Từ 3-4 năm nay, Hội kết hợp với khách sạn Marriott sang trọng trên đại lộ Champs-Elysées để cùng tổ chức bữa trưa 25, như giải thích của chị Estelle Fossée:
«Đây là thời điểm để chúng tôi «chiều» họ. Họ không có dịp đến những địa điểm như vậy, còn chúng tôi thì muốn tặng cho họ điều tốt đẹp nhất. Với các vị khách mời, đó là thời điểm tuyệt vời. Bữa ăn được phục vụ tại bàn, đi kèm với hòa nhạc, khiêu vũ. Khoảng 16h30, xe chở họ về nhà, có các tình nguyện viên đi cùng.
Tôi không thể tiết lộ trước bữa tiệc có những gì vì đó là một bất ngờ. Nhưng giống như những bữa ăn Noel khác, sẽ có những món ngon đặc trưng cho dịp này và do chính hai khách sạn nổi tiếng đó chuẩn bị. Đó là những món ăn như người Pháp thường dùng vào dịp Noel như cá hồi, gan béo, con hàu, ốc sên, có thịt, có cá… Nhưng trước đó, thường có rượu khai vị với các miếng bánh mặn, sau đó lần lượt là món bắt đầu, món chính, pho-mát và tráng miệng với chiếc bánh khúc cây (bûche) truyền thống».
Chị Joséphine Mabiala nhận xét, giống như ở Việt Nam, trong các gia đình ở châu Phi, nơi chị sinh trưởng, thường có nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà và con cháu vẫn chăm sóc ông bà. Chị thấy chạnh lòng khi chứng kiến nhiều người cao tuổi ở Paris sống một mình, vì vậy chị đã đăng ký làm tình nguyện viên của Hội Anh Em của Người Nghèo từ tháng 05/2017.
«Tôi sinh ra trong một gia đình đông con. Mọi người trong gia đình thường xuyên giúp đỡ nhau, quây quần bên nhau và không bao giờ bỏ rơi một thành viên. Khi còn nhỏ, tôi sống chung với cả ông bà nữa nên khi nhìn thấy những người già ở đây (Paris), tôi lại nhớ đến thời kỳ đó. Vì thế, tôi muốn làm những gì mình có thể để mang lại hơi ấm tình người cho người cao tuổi. Điều này rất quan trọng. Còn riêng với tôi, công việc này làm tôi thấy thoải mái, được trao đổi hoặc tham gia những hoạt động khác với họ».
Chị Joséphine Mabiala tạm dừng gói quà đang chuẩn bị để làm hai gói khác «không có rượu» vì có hai người đến trụ sở của Hội. Họ muốn đến thăm và chúc Giáng Sinh nhóm làm việc khi «vẫn còn đi lại được»:
«Chúng tôi rất vui vì nhận được gói quà này nhờ Hội Anh Em của Người Nghèo. Năm nay tôi không muốn đến bữa tiệc Giáng Sinh, năm ngoái tôi tham dự rồi, nhưng năm nay thì thôi».
«Chúng tôi ở ngôi nhà chung này từ khá lâu rồi. Năm nào cũng vậy, bữa tiệc là dịp để gặp gỡ những người khác. Nhưng rồi đến lúc, chúng tôi lại muốn được nhận một gói quà và ở nhà đón Giáng Sinh với gia đình».
Trước khi ra về, cả hai dạo qua hàng cà phê Anh Em ngay cạnh trụ sở để trò chuyện với những người khác. Khách hàng của quán thường là người dân sống xung quanh, đến chơi bài cùng nhau, đọc báo, xem ti vi hoặc tập trung vào trò chơi tìm chữ. Hai phụ nữ đứng quầy bar đều là tình nguyện viên lâu năm của Hội và tự hào khẳng định: «Cà phê ở đây rẻ nhất Paris!» vì quán không có mục đích kinh doanh mà muốn là nơi giao lưu của tất cả mọi người.