User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

caphecono

Lấy hóa chất trong pin Con Ó để làm cà phê quả là tin chấn động. Khả năng sáng tạo của những tay chế biến cà phê lụi này thật vô biên, khoa học theo không kịp.

Độc hại tới đâu?

Báo chí đưa tin, một chủ cơ sở chế biến ở Daklak đã lấy bã cà phê, rồi dùng than trong pin Con Ó để nhuộm đen cà phê, thêm thắt hương vị gì nữa chế biến thành cà phê bột.

Pin Con Ó dùng điện cực than, họ đập lấy than để nhuộm đen cà phê, và chắc chắn lẫn thêm những hóa chất có trong pin.

Những chất đó là: chloride ammonium, chloride kẽm, một ít manganese dioxide, và hồ tinh bột. Đây là những hóa chất cấp công nghiệp (industrial grade), lẫn nhiều tạp chất có hại, không được phép dùng trong chế biến thực phẩm.

Trong số những chất trên thì một số người e ngại manganese. Nhưng thực tế, khoa học chỉ ngại nhưng là e ngại ngộ độc manganese qua đường hô hấp, do ô nhiễm môi trường, gây tổn hại cho hệ thần kinh (bệnhManganism), chứ không phải qua đường tiêu hóa.

Manganese cần thiết trong việc tạo xương, chuyển hóa acid amin, lipid và carbohydrate. Nó cũng cần hỗ trợ cho hoạt động của vài enzyme trong vai trò giải độc, với số lượng rất ít, chỉ ở dạng vết.

Manganese có tự nhiên trong một số thực phẩm như đậu nành, trứng, gạo, trà, rau bó xôi, nhưng cũng chỉ rất ít. Như thế cũng đủ nhu cầu manganese, và con người hầu như không thiếu Manganese như thiếu các khoáng khác.

Bộ Y tế và Nhân Vụ Hoa Kỳ (qua ATSDR) đưa ra nhu cầu magannese mỗi ngày là 1,2 mg cho trẻ em (1-3 tuổi), 2,3 mg cho đàn ông và 1,8 cho phụ nữ. Em bé ít hơn, phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú cần nhiều hơn. Mức tiêu thụ manganese chấp nhận được không nên quá 11 mg/ngày.

Tuy nhiên, có nghiên cứu bước đầu cho thấy, manganese trong nước uống có hoạt tính sinh học hơn trong thực phẩm. Nước uống nhiễm maganese ở mức cao có thể ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ.

Cơ quan ATSDR đưa mức giới hạn manganese trong nước uống là 0,5 mg/lít. Đây là mức nhiễm tối đa (MCL -maximum contaminant level ) được phép. Phải trên mức này cả trăm lần cơ thể mới bị ảnh hưởng.

Manganese lại chẳng có công dụng gì trong chế biến thực phẩm, nên rất ít nghiên cứu về độc hại của Manganese qua đường tiêu hóa. Khoa học không tưởng tượng nổi có ngày người ta lại dùng pin Con Ó có manganese để chế biến cà phê.

Vậy uống cà phê pin Con Ó có hại không? Chắc chắn có, nếu sử dụng lâu dài. Vì trong pin có chủ yếu là chloride ammonium, chloride kẽm, than… Những hóa chất này ở cấp công nghiệp, nên còn lẫn nhiều tạp chất. Tạp chất gì thì tùy phương pháp sản xuất hóa chất đó. Đó là chưa kể, qua sử dụng (quá trình điện hóa), pin còn phát sinh những chất khác. Nói chung là có hại, không được phép dùng để chế biến thực phẩm. Hại tới cỡ nào chưa thể xác định được khi chưa có bảng phân tích trong tay. Quy tội cho manganese trong pin Con Ó và suy diễn ra thần kinh, nội tạng bị tổn hại thì chưa hợp lý lắm.

Cần có giải pháp với cà phê dỏm

Cũng cần nhấn mạnh, cà phê pin Con Ó chỉ là việc việc làm ẩu tả, phạm pháp của vài cơ sở nhỏ lẻ, quy mô gia đình. Đa số những nơi làm cà phê, chế biến ở trong nước vẫn làm ăn đàng hoàng, đăng ký sản phẩm, và chịu sự quản lý kiểm tra của cơ quan hữu trách. Vấn đề là dùng thêm phụ gia gì trong cà phê thì phải kê khai rõ ràng, trung thực để người tiêu dùng chọn lựa.

Các công ty cà phê ở Việt Nam có thể lách luật trong kê khai để giữ bí mật công thức thôi, chứ không dám chơi liều xài pin Con Ó như thế này đâu. Bị kiểm tra là xem như thân bại danh liệt.

Vấn nạn nếu có đó là, cà phê dỏm ở các quán cà phê giá rẻ, 7- đến 10.000 đồng/ly cà phê đá. Họ lấy mối từ những người chế biến cà phê quy mô gia đình, làm chui, làm lậu, pha chế thêm những thứ gì thì sáng tạo vô biên, khoa học theo không kịp.

Suy cho cùng, thiếu hiểu biết và nghèo túng nên mới làm liều, chứ họ đâu đủ trình độ lý luận, thuốc ung thư kém chất lượng không phải là thuốc ung thư giả.

Cơ quan hữu trách nếu làm mạnh thì có thể diệt tận gốc được cà phê dỏm. Chỉ cần kiểm tra nơi bán cà phê, truy tận gốc nơi chế biến là dẹp được. Dẹp ở đây không có nghĩa là xóa sổ cơ sở nhỏ bé của họ, mà là hướng dẫn họ chế biến cà phê đúng quy định pháp luật. Mối lái thì họ có sẵn rồi. Nhưng liệu cơ quan hữu trách có kiên nhẫn làm chuyện “vì dân” đó hay không?

Giá nguyên liệu cà phê Robusta, cà phê mít đâu có đắt, để phải làm hàng độn. Giá một ly cà phê ở các quán ở Sài Gòn khoảng 20.000 đồng, là dư sức cà phê thật rồi. Đắt hơn là do chỗ ngồi thôi.

Hôm qua một người bạn ở nước ngoài, nhắn tin rủ tôi qua chơi, mời đi uống cà phê, y cam đoan không phải cà phê pin Con Ó. Chỉ là câu đùa giỡn, nhưng nghe thấy xót.

Vụ cà phê pin Con Ó đúng là gây chấn động, nếu hiểu theo kiểu scandal của báo chí, nhưng tầm tác hại thì quá ít, vì chỉ một vài cơ sở siêu nhỏ, hộ gia đình làm ẩu thôi. Không nên vì vụ cà phê pin Con Ó mà thổi phồng, làm những cơ sở chế biến cà phê nhỏ lẻ bị họa lây.

Vũ Thế Thành

—–

Tài liệu tham khảo:

https://www.waterboards.ca.gov /drinking_water/certlic/drinki ngwater/Manganese.html –Drinking Water Notification Level for Manganese

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/b ooks/NBK222332/ Dietary Reference Intakes for Vitamin A, Vitamin K, Arsenic, Boron, Chromium, Copper, Iodine, Iron, Manganese, Molybdenum, Nickel, Silicon, Vanadium, and Zinc.

https://www.researchgate.net/p ublication/258245242_Intellect ual_Impairment_in_School-Age_ Children_Exposed_to_Manganese_ from_Drinking_Water Intellectual Impairment in School-Age Children Exposed to Manganese from Drinking Water

 

Tìm các bài ĐỜI SỐNG & SỨC KHỎE khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com