User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

reuma

Người Việt mình cứ thấy đau nhức chân tay mình mẩy thì cho là bị mắc phong thấp, không “khoa học” tí nào cả. Thậm chí, các em bé bị chảy mồ hôi đầu nhiều cũng bị gán cho nhãn hiệu phong thấp. Người Mỹ thì cũng không hơn gì chúng ta. Họ cũng có những tin tưởng về y khoa đã in trí từ nghìn xưa, truyền từ đời ông bà đến đời cháu chắt mà không có một căn bản khoa học nào chứng minh cả.

Thực ra, có tới hơn 100 loại sưng khớp xương gây ra đau nhức và tàn tật cho hằng chục triệu người Mỹ (Mỹ đen, trắng lẫn Mỹ vàng là chúng ta đây). Trong những loại bệnh sưng khớp này thì bệnh phong thấp Rheumatoid Arthritis (gọi tắt là RA) là bệnh nặng nhất, gây ra đau nhức khớp xương rất nhiều và dần dần làm biến dạng các khớp xương này khiến bệnh nhân không sử dụng tay chân được đến nỗi những cử dộng thông thường nhất như mở nắp hộp hay đi đứng cũng rất khó khăn. Có tới hơn hai triệu người Mỹ đang bị phong thấp RA. Bệnh này xảy ra ở đàn bà nhiều hơn đàn ông và thường bắt đầu vào khoảng tuổi từ 20 tới 50 nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ nhỏ và người lớn hơn 50.

Triệu chứng

Những triệu chứng này có thể xảy ra rồi biến mất và trở lại với thời gian.

1. Đau nhức và sưng các khớp, nhất là những khớp xương nhỏ của bàn tay và bàn chân.

2. Đau nhức hoặc cứng toàn thể các khớp xương và bắp thịt, nhất là sau khi ngủ dậy hay sau một thời gian nghỉ ngơi.

3. Các khớp không cử động được

4. Bắp thịt nơi chỗ khớp đau bị yếu đi

5. Mệt mỏi, nhất là khi bệnh trở nặng

6. Sốt nhẹ

7. Theo với thời gian, các khớp xương bị biến dạng.

8. Không cảm thấy khỏe

Bệnh phong thấp RA thường xảy ra ở nhiều khớp xương cùng lúc. Khi mới bị bệnh, các khớp xương ở cổ tay, bàn tay, bàn chân và đầu gối thường bị hơn cả. Theo với thời gian, các khớp vai, khuỷu tay, háng, cằm và cổ có thể bị ảnh hưởng. Cả hai bên cơ thể thường bị cùng lúc.

Nơi những điểm dễ va chạm nhất (pressure points) của khớp xương ở khuỷu tay, bàn tay và bàn chân hay dây gân gót chân Achille có thể nổi lên những cục u nhỏ gọi là cục phong thấp. Các cục u này cũng có thể mọc ở các khớp xương khác, ngay cả trong phổi nữa. Những cục u này có thể nhỏ bằng hạt đậu nhưng cũng có thể lớn bằng quả ổi nhỏ nhưng không gây đau đớn gì cả.

Bệnh phong thấp RA đặc biệt có thể gây viêm các tuyến nước mắt, tuyến nước bọt, màng tim và phổi, phổi và ngay cả các mạch máu. Đây là một bệnh kinh niên, có lúc thuyên giảm có lúc nặng lên. Không có cách chữa cho hết hẳn bệnh này nhưng nếu biết cách dùng thuốc và những phương tiện bảo vệ các khớp, bệnh nhân vẫn có thể sống cuộc đời hạnh phúc và lâu dài.

Nguyên nhân

Bệnh phong thấp RA gây ra do màng lót các khớp xương bị sưng lên khiến tiết ra một chất đạm làm màng này ngày càng dầy lên. Chất đạm này cũng phá hoại lớp sụn, xương, gân và dây chằng nơi khớp. Dần dần, khớp xương bị dị dạng, méo mó và có thể bị phá hủy.

Tại sao các màng lót bị sưng lên? Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nhiễm trùng là nguyên nhân và một số người có những gene di truyền khiến họ dễ bị nhiễm trùng. Một số các nhà nghiên cứu khác cho rằng kích thích tố có thể đóng một vai trò trong việc gây ra bệnh phong thấp RA.

Những yếu tố khác có thể làm một người dễ mắc bệnh RA là: tuổi già, phái nữ, hút thuốc lá.

Biến chứng

Bệnh phong thấp RA gây ra cứng, đau khớp xương và mệt mỏi. Dần dần, bệnh nhân khó có thể làm những việc dù thông thường nhất như cầm cây bút, vặn nắm cửa... Bệnh nhân có thể bị trầm cảm do việc này. Bệnh nhân RA cũng dễ mắc bệnh sưng khớp và xương (osteoarthritis, một dạng bệnh phong thấp khác), và bệnh tim...

reuma1

Cách chữa

Thuốc:

Làm bớt đau và ngăn sự tiến triển của bệnh. Gồm có: thuốc chống viêm NSAIDs, COX 2 inhibitors, Steroids, DMARDs, IL 1 Ra, thuốc chống miễn nhiễm, TNF blockers, thuốc chống trầm cảm...

Giải phẫu:

1. Lọc máu: lấy bớt những kháng thể làm viêm và đau khớp.

2. Giải phẫu thay khớp: khi khớp xương đã bị phá hủy quá nhiều, giải phẫu thay khớp có thể tái tạo chức năng của khớp và làm giảm đau.

Cách tự săn sóc

Ngoài những cách chữa bệnh do bác sĩ thực hiện kể trên, bệnh nhân cũng cần biết cách tự săn sóc bệnh của mình khiến giúp cho cuộc sống bớt khó khăn cũng như ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

1. Tập thể dục thường xuyên: bệnh nhân cần hỏi bác sĩ hay nhân viên thể lý trị liệu về những thể dục nào thích hợp và cần thiết.

2. Giữ không lên cân nhiều: số cân dư sẽ làm cho các khớp xương phải chịu sức ép nhiều hơn và dễ bị phá hoại hơn.

3. Ăn uống đúng cách: ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt

4. Tắm nước nóng hay dùng bình nước nóng đặt lên các khớp để giảm đau, thư giãn các bắp thịt và tăng máu đến khớp.

5. Dùng sức lạnh khi bệnh tăng lên: lạnh làm cho giảm đau, làm tê và giảm co thắt bắp thịt. Nếu bệnh nhân đang bị tê và máu lưu thông không tốt, không nên dùng sức lạnh.

6. Tập những phương pháp thư giãn: thôi miên, thở sâu, thư giãn bắp thịt.

7. Uống thuốc đầy đủ theo lời dặn của bác sĩ.

8. Giữ thái độ lạc quan: cùng với bác sĩ, sắp đặt trước những gì cần làm để chống lại cơn bệnh. Việc này sẽ làm cho bạn lạc quan vì mình chủ động trong việc đối phó với căn bệnh.

9. Dùng những dụng cụ giúp mình vận động: thí dụ như những đồ ràng đầu gối, gậy chống, ràng bàn tay... Nói chuyện với bác sĩ về những dụng cụ này.

10. Không làm quá sức mình: nghỉ ngơi khi cần

Những cách chữa khác

Bệnh nhân phong thấp RA có thể muốn dùng thử những phương cách chữa trị khác như châm cứu, thuốc Bắc, thuốc dùng thêm như glucosamine, chondroitin sulfate..., nam châm... Tuy nhiên, nên nhớ rằng những phương pháp này không được theo dõi và kiểm chứng đầy đủ. Do đó, bệnh nhân phải cẩn thận tìm cho đúng thầy đúng thuốc, không nên dùng bừa bãi.

Nguồn: www.viendongdaily

 

 

Tìm các bài ĐỜI SỐNG & SỨC KHỎE khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com