Cách đây bốn năm, tôi có viết một bài với đề tài “Ngồi nhiều chết sớm”. Dựa trên những nghiên cứu lúc đó cho thấy, nếu bạn càng ngồi lâu, ngồi nhiều, tuổi thọ càng ngắn lại. Tiêu biểu nhất là nghiên cứu của Bác Sĩ Hidde Van Der Ploeg của trường Đại Học University of Sydney, đăng trên Archives of Internal Medicine và Tháng Tư, năm 2012. Sau khi theo dõi và khảo sát 200,000 người tình nguyện trong vòng nhiều năm, ông và các đồng nghiệp nhận xét, những người ngồi trên 11 giờ mỗi ngày, khả năng đột quỵ tử vong trong vòng ba năm tăng 40% so với những người ngồi dưới bốn tiếng.
Kể từ đó, rất nhiều phong trào cổ xuý cho việc đứng lên trong khi làm việc. Sau bốn năm qua, nhiều nghiên cứu mới tìm cách so sánh xem đứng hay ngồi trong khi làm việc có thay đổi nguy cơ bị tử vong hay không?
Có lẽ, xin mời bạn đọc hãy… ngồi xuống để đọc tiếp nhé.
Nghiên cứu mới nhất cho thấy đứng lâu một chỗ cũng có hại cho sức khoẻ tim mạch không khác gì ngồi ù lì suốt ngày.
Có ai đó nêu ra một nhận xét rất lý thú, ở Mỹ, tựu trung có hai loại nghề: “nghề đứng và nghề ngồi”. Theo nghiên cứu mới đây từ Canada, đăng trên báo y khoa American Journal of Epidemiology cho biết, những người có “nghề đứng”, nguy cơ bị bệnh tim mạch tăng gấp đôi so với những người có “nghề ngồi”. Theo ông Peter Smith, Khoa Học Gia đứng đầu nghiên cứu của viện Institute for Work and Health (IWH), nguy cơ này còn cao hơn là do hút thuốc lá đưa đến.
Theo nghiên cứu, 7,300 người khoẻ mạnh chưa hề bị bệnh tim mạch, được theo dõi trong suốt 12 năm từ 2003 đến 2015, phân loại theo hai diện nghề, đứng nhiều hơn hay ngồi nhiều hơn. Kết quả cho thấy trên tổng số, có 3.4% người bị bệnh tim mạch. Tuy nhiên 6.6% người có nghề đứng như y tá, thu ngân (giữ két), nhân viên ngân hàng (bank teller), đầu bếp, bị bệnh tim mạch so với 2.8% những người có nghề ngồi.
Như thế kết quả của nghiên cứu này có vẻ như đi ngược lại với những nghiên cứu lúc trước. Thế thì, ai đúng ai sai?
Cũng theo nghiên cứu tường trình tại British Psychological Society’s Annual Occupational Conference (Duncan, Kazi and Haslam, 2015) cho biết, trung bình mọi người ngồi khoảng 4 giờ 41 phút mỗi ngày trong khi làm việc, chưa kể thời giờ ngồi trong trong xe, ngồi ăn, ngồi xem ti vi, ngồi computer, ngồi “chơi phây”… Có thể nói, chúng ta ngồi rất nhiều.
Một số luận điểm cho rằng nghiên cứu của nhóm bác sĩ Canada có thể không chính xác lắm vì số lượng người được theo dõi không nhiều. Ngoài ra, có nhiều… kiểu đứng khác nhau. Ví dụ, các lực sĩ trượt băng nghệ thuật, hay cầu thủ hockey, trên nguyên tắc cũng có nghề đứng, nhưng lại luôn luôn di động.
Điều lợi ở đây là khi đứng, cơ thể sử dụng nhiều calories hơn, vì thể ít bị béo và giảm bớt nguy cơ bị bệnh tiểu đường loại 2. Tuy nhiên khi đứng lâu, nhất là nếu đứng không đúng tư thế, chúng ta dễ bị đau lưng, đau chân, và dễ bị giãn nở tĩnh mạch bắp chân (varicose veins). Rất có thể do máu bị ứ đọng dưới bắp thịt chân, khiến cơ tim phải làm việc cực nhọc hơn để đưa máu trở về tim.
Trong khi đó, năm 2015, một nghiên cứu khác của trường Đại Học Y Khoa Medical College of Wisconsin, Milwaukee, cho thấy khi ngồi nhiều dễ bị tăng nguy cơ đóng vôi trong động mạch vành tim, có nghĩa là nguy cơ bị bệnh tim mạch sẽ tăng cao hơn.
Tổng quát, một con số thống kê khác dễ hiểu hơn, cứ mỗi phút “ngồi computer”, hay “ngồi ti vi”, tuổi thọ sẽ giảm đi khoảng 23 giây.
Ông Buettner, một nghiên cứu gia khác, năm 2014, đã quan sát hoạt động trong ngày của các cụ sống thọ trên 80 tuổi ở đảo Okinawa, Japan, cho thấy, dân Okinawa thường ngồi trên sàn nhà hay trên mặt đất chứ không ngồi trên ghế. Và, họ không ngồi lâu một chỗ, mỗi ngày thường xuyên di chuyển từ trạng thái ngồi bệt sang trạng thái đi, đứng, thay đổi trên 30 lần. Ở Việt Nam ta các cụ ngày xưa, hay đa số dân quê hiện nay, vẫn có thói quen ngồi chồm hổm, tư thế làm mạnh thêm bắp thịt vùng xương chậu và đôi chân, và có lẽ, họ khoẻ mạnh hơn là dân thành phố ngày nay hầu như ưa ngồi trên ghế.
Từ đó ta có thể suy ra, phải có sự cân bằng của cả hai bên, giữa đi, đứng và ngồi là tốt nhất. Trái với điều được dạy ở bậc Tiểu Học là phải đứng ngồi nghiêm túc, phương châm “đứng ngồi không yên” có lẽ đúng hơn. Tại sở làm, cứ 50 phút nên tìm ít phút để thay đổi tư thế của cơ thể. Nếu có nghề ngồi thì đứng lên, còn nếu có nghề đứng thì ngồi xuống, kê chân lên. Bạn có thể đi vòng quanh bàn, đi vệ sinh, đi uống nước hay tốt nhất làm vài động tác thể dục ngay tại vị trí như chơi trò chơi “thụt dầu” của trẻ con còn gọi là “air squat”, tức là đứng lên ngồi xuống trên ghế… không khí.
Ông bà ta có câu “đi, đứng, nằm, ngồi”. Theo tôi cứ theo thứ tự đó mà chia đều, và cân bằng trong mọi hoạt động, đặt trọng điểm ở chữ “đi”, vận động vẫn là chính, nhất là đừng ngồi ù lì suốt ngày. Khi ta nói đứng, không có nghĩa là đứng yên một chỗ, mà phải thường xuyên thay đổi tư thế, kể cả việc ngồi xuống, hay nằm xuống. Thí dụ, như khi đọc bài viết của bác sĩ Hồ Ngọc Minh thì ngồi hay nằm cho đỡ stress, và đọc xong thì đứng “dậy mà đi”, bạn nhé!
BS Hồ Ngọc Minh