Ăn uống cẩn thận và tập thể dục để giảm hội chứng “kháng insulin” sẽ giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch. (Hình minh họa: Getty Images)
Trong một số bài viết trước đây, tôi có đưa ra ý kiến, cholesterol không hẳn là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch, mà chỉ là tòng phạm bất đắc dĩ. Ý tưởng phân loại cholesterol ra “xấu” và “tốt” không còn đứng vững nữa, và dùng chỉ số cholesterol “xấu” để tiên đoán nguy cơ bị tai biến mạch máu cũng không còn chính xác cho lắm.
Ta phải bước ra ngoài và nhìn vào vấn đề một cách tổng quan hơn. Nguyên nhân sâu xa ở đây chính là bệnh ghiền đường, thiếu cân bằng với hàm lượng insulin, làm lượng đường trong máu không được lành mạnh, sẽ dẫn đến nguy cơ bị bệnh nghẽn mạch máu.
Ai đang bị bệnh tiểu đường đều biết đến hormone insulin. Người bị bệnh tiểu đường, là do, hoặc không thể sản xuất đủ insulin, hay insulin không hoạt động bình thường. Tình trạng thứ nhì, còn gọi là “insulin resistance”, hay “kháng insulin”, hoặc “insulin insensitivity”: “thiếu nhạy cảm với insulin”. Khi ta bị “kháng insulin”, cơ thể không hấp thụ đường và tiêu thụ tinh bột một cách hữu hiệu.
Khi ta còn bé, insulin hoạt động nhạy bén hơn. Một đứa trẻ ăn ngọt, nhiều đường, lượng insulin tiết ra để hấp thụ đường vào trong bắp thịt, và qua sự vận động, chạy nhảy, nô đùa, đường sẽ được tiêu hoá thành năng lượng. Đó là trẻ em ngày xưa. Ngày nay bệnh béo phì ngày càng tăng trong thành phần trẻ em ở đô thị, tối ngày chơi games.
Đồng thời, hiện nay, hơn nửa số người lớn đều bị chứng “kháng insulin”, mà phần lớn bị tình trạng gọi là “pre-diabetes”, tức là “tiền tiểu đường” mà không hề hay biết. Chúng ta ăn nhiều đường, lại thích ngồi nhiều, ít vận động, đường dư thừa sẽ chứa thành mỡ. Trong các loại mỡ, có cả mỡ đặc “triglyceride” và cả mỡ lỏng, cholesterol với kích thước cực nhỏ. Những hạt cholesterol nhỏ li ti này, là thành phần xấu nhất của cholesterol “xấu”, sẽ đục thủng màng tế bào của vách động mạch và gây ra lở loét.
Thêm vào đó, các tế bào mỡ, từ mỡ đặc triglyceride, sẽ sản xuất ra các chất làm đau, làm viêm sưng gọi là prostaglandins. Các chất prostaglandins nầy sẽ làm hoen rỉ các tế bào trong đó có tế bào động mạch.
Cuối cùng, chính lượng đường dư thừa trong máu sẽ tạo ra hiệu ứng “ngào đường”, hay “thắng đường” cho tất cả các tế bào, mà hồng huyết cầu bị đầu tiên. Vì thế khi đo lượng “hemoglobin A1C” chính là đo chỉ số tế bào máu bị ngâm đường trong bao lâu, để đo lường mức độ bị kháng insulin, và theo dõi tình trạng bị bệnh tiểu đường nặng hay nhẹ.
Nói một cách khác, tình trạng “kháng insulin” dẫn đến tình trạng “tiền tiểu đường”, và từ tiền tiểu đường đưa đến tình trạng bị bệnh tim mạch từ nhẹ đến nặng. Theo Hội Tim Mạch Hoa Kỳ, American Heart Association, 84% những người bị bệnh tiểu đường sẽ chết vì bệnh tim mạch. Không những vậy, có khoảng 33% những người bị bệnh tiểu đường mà không biết mình đang bị bệnh.
Thế thì làm sao biết mình đang bị bệnh?
Bước một, đứng thẳng, đối diện một bức tường, và đi từ từ về phía bức tường. Nếu bụng của mình đụng vào vách trước khi đỉnh lổ mũi đụng vách, thì gần như chắc chắn là ta bị bệnh “kháng insulin”.
Thử lượng đường mỗi sáng. (Hình minh họa: Getty Images)
Bước hai, xem lại kết quả thử máu gần đây nhất. Lấy chỉ số lượng mỡ đặc triglycerides và chia cho lượng HDL, cholesterol “tốt”. Nếu tỉ số dưới 2 là tốt, từ 3 đến 4 thì nên để ý, còn nếu trên 5 thì cần phải bớt ăn và vận động nhiều hơn.
Bước ba, thử lượng đường trong máu vào buổi sáng, đi kèm với hàm lượng insulin, và đến website http://www.thebloodcode.com/homa-ir-calculator/. Ở đó, sẽ có một “app” cho biết một chỉ số gọi là, HOMA-IR, Homeostatic Model Assessment of Insulin Resistance. Nếu chỉ số này trên 2, bạn có thể bị “kháng insulin”.
Cuối cùng, có một thử nghiệm gọi là LP-IR, có thể nhờ bác sĩ gia đình order, và phân tích kết quả.
Dĩ nhiên, tình trạng “kháng insulin”, không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tất cả những bệnh tim mạch, cũng như, không phải ai hút thuốc lá đều bị ung thư phổi. Tuy nhiên, tránh được chút nào hay chút ấy.
Dầu sao đi nữa, lưu ý đến tình trạng “kháng insulin” để ngừa bệnh tim mạch, sẽ chính xác hơn là đo cholesterol “xấu”. Sửa đổi tình trạng thiếu nhạy cảm với insulin so ra hữu hiệu và ít phản ứng phụ hơn là uống thuốc để giảm cholesterol “xấu”. Nên nhớ lượng cholesterol xấu tăng là hệ quả của tình trạng “kháng insulin”, chứ không phải là nguyên nhân. Chính sự cân bằng giữa lượng đường và insulin là nguồn cội của hội chứng “Mỡ, Đường, Máu”. Bằng cách thay đổi nề nếp sống, ăn uống cẩn thận và tập thể dục để giảm hội chứng “kháng insulin” sẽ giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch. Phòng bệnh và chữa bệnh tận ngọn tận gốc là như thế đó.
BS. Hồ Ngọc Minh