User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
tong quat la gi
 
Đại cương 

Các phương pháp phòng bệnh kết hợp thành ngành y khoa phòng ngừa và bao gồm nhiều phương tiện giúp chúng ta tránh được những tình huống có hại cho sức khỏe.
 
Cách phòng bệnh chia ra 2 loại là chính yếu và thứ yếu:   
 
- Phòng bệnh chính yếu khiến bệnh tật không xảy ra được. Thí dụ như các thuốc tiêm chủng, thuốc ngừa sốt rét, thuốc ASA ngừa cơn đau tim.   
 
- Phòng bệnh thứ yếu là sớm tìm ra bệnh để điều trị trước khi xảy ra triệu chứng. Thí dụ như chụp hình điện tuyến vú, chụp hình sàng lọc bệnh loãng xương, nội soi trực tràng. 

Mặc dầu có nhiều phương cách đề phòng bệnh tật nhưng cũng có nhiều bệnh không phòng ngừa được tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ của mỗi người. Yếu tố nguy cơ là điều kiện có thể dẫn tới một loại bệnh, thí dụ như người mập phì dễ bị bệnh tiểu đường loại 2.
 
Các yếu tố nguy cơ chính được phân loại như sau đây:  
 
Tuổi tác: Thí dụ như bệnh phì đại tuyến tiền liệt là bệnh của nam giới trên 60 tuổi. 
 
Giới tính: Thí dụ như có nhiều phụ nữ bị bệnh tuyến giáp trạng hơn là phái nam. 
 
Nguồn gốc sắc tộc: Nhiều người da đen bị bệnh huyết áp cao hơn các sắc tộc khác. 
 
Tính di truyền: Bệnh tiểu đường loại 1 có thể di truyền tới các thế hệ sau. 

Cách sinh hoạt:

Ăn uống quá độ và không vận động cơ thể dễ gây bệnh mập phì. Môi trường xã hội: Thí dụ như đua đòi với bạn bè dẫn tới tình trạng nghiện ma túy. Các yếu tố nguy cơ có loại không thay đổi được như nguồn gốc sắc tộc, tính di truyền và có loại thay đổi được như cách sinh hoạt. Một thành phần quan trọng của y khoa phòng ngừa là loại bỏ các yếu tố nguy cơ thay đổi được. Các phương tiện của y khoa phòng ngừa Công việc phòng bệnh hoàn toàn nhờ vào các phương tiện của y khoa phòng ngừa. Áp dụng các phương tiện đó giúp chúng ta đề phòng được các bệnh sau đây: 

- Bệnh của bộ tuần hoàn và biến dưỡng:
 
Tránh bệnh huyết áp cao và bệnh tiểu đường loại 2 cùng các biến chứng của chúng nghĩa là đề phòng được các bệnh tim mạch và đột quỵ. 
 
- Bệnh của bộ hô hấp:
 
Tránh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 
 
- Ung thư:
 
Tránh được một vài bệnh ung thư. Các phương tiện để phòng bệnh bao gồm 4 mục như sau đây: Sinh hoạt lành mạnh: Đây là thành phần quan trọng nhất của y khoa phòng ngừa. Chỉ cần áp dụng đầy đủ một phương tiện này cũng đề phòng được các bệnh tim mạch, đột quỵ và vài bệnh ung thư. 

Sinh hoạt lành mạnh bao gồm 7 thứ hành động:

1) Áp dụng dinh dưỡng lành mạnh: 

 - Ăn nhiều rau, trái cây và thực phẩm ngũ cốc biến chế nguyên hạt. Cách dinh dưỡng này cũng sẽ cung cấp đầy đủ chất xơ trong khẩu phần.   -Hạn chế chất béo trong khẩu phần (tối đa 6 muỗng ca-phê một ngày), tránh dùng thực phẩm biến chế chứa chất béo bão hòa và chất trans-fat. -Ăn vừa đủ để giữ đều hòa trọng lượng cơ thể. -Hạn chế muối trong khẩu phần. Hãy ăn lạt hơn khẩu vị trung bình vì khẩu phần thông thường của mọi sắc tộc đều dư chất muối.   -Dinh dưỡng phải cung cấp đủ Can-xi (1500mg) và sinh tố D (800 đơn vị) theo nhu cầu hằng ngày của cơ thể. Nếu thức ăn không chứa đủ các chất này thì dùng thuốc để bổ sung. 

2) Vận động thân thể: 

 Nên vận động thân thể đều hòa, thời gian tối thiểu là 30 phút một ngày. Nếu không có điều kiện tập luyện thường ngày thì phải vận động tối thiểu 3 ngày một tuần, và thời gian tối thiểu là 3 giờ 30 phút một tuần. Mọi kiểu vận động đều có ích: thể thao tài tử (quần vợt, khúc côn cầu), thể dục theo bài bản, đi bộ, khiêu vũ, đánh tay, thái cực quyền (tài chi)… 

3) Không hút thuốc lá: 

Tuyệt đối không hút thuốc lá (điếu) hoặc các phương cách khác mang chất ni-cô-tin vào cơ thể như thuốc lào, thuốc rê, hút thuốc lá bằng tẩu… vì mọi hành động này đều có hại cho sức khỏe mặc dầu dùng ít. Nếu nghiện thuốc lá phải tìm cách cai ngay. Y học đã có nhiều loại thuốc giúp cai thuốc lá. Hãy tham khảo với bác sĩ gia đình. 

4) Giữ an toàn về tình dục và môi trường xã hội: 

Giới hạn vấn đề tình dục đơn thuần giữa 2 đối tác là cách an toàn hơn hết để tránh các bệnh lây do tình dục mà nguy hiểm hơn cả là bệnh HIV.  Nếu không giới hạn tình dục như trên đây thì dùng bao cao su cũng bớt lây bệnh hoa liễu một phần nào. Hãy tránh các tệ đoan của môi trường xã hội. Đừng đua đòi với bạn bè mà dùng ma túy. 

5) Hạn chế uống rượu:  

Nói chung thì chất rượu làm hại gan và hệ tim mạch nên hãy tránh uống rượu. Nếu vì xã giao mà uống rượu, hãy tuân theo mức an toàn về rượu, khi trước tính là mỗi ngày phái nữ có thể uống tối đa hoặc 1 chai bia (lối 360ml, độ cồn 5%) hoặc 1 ly nhỏ rượu vang (lối 150ml) hoặc 45ml rượu mạnh, phái nam có thể uống gấp đôi số lượng này. Tuy nhiên tới năm 2013, theo kết quả của một nhóm nghiên cứu tại Canada cho biết thì rượu chắc chắn có nguy cơ gây ung thư. Nhóm này đề nghị hạ mức an toàn của rượu xuống bằng một nửa số lượng khi trước. Trường hợp phụ nữ có tính di truyền về ung thư vú hoặc ung thư bộ sinh dục thì phải tuyệt đối tránh uống rượu vì không có mức độ nào là an toàn nữa. 

6) Ngủ đầy đủ: 

Thời gian ngủ là lúc cơ thể hồi phục về biến dưỡng cho nên sự thiếu ngủ sẽ có hại cho sức khỏe. Nhu cầu giấc ngủ dài hay ngắn thay đổi tùy theo tốc độ hồi phục biến dưỡng của từng người. Đối với người lớn thì nhu cầu giấc ngủ trung bình là 7 tới 8 tiếng đồng hồ một đêm. 

7) Tránh bớt tia tử ngoại: 

Phương cách đề phòng ung thư da là tránh bớt tia tử ngoại trong ánh sáng mặt trời hay do giường tắm nắng nhân tạo phát ra vì đó chính là nguyên nhân gây ung thư ngoài da. Khi sinh hoạt ngoài nắng, hãy dùng y phục che bớt làn da. Hãy thoa kem chống nắng tại những vùng da phơi nắng. Đừng dùng dịch vụ tắm nắng nhân tạo.
 
Tiêm chủng:
 
Trong lịch sử y học, sự phát minh các loại thuốc tiêm chủng đã giúp nhân loại tránh được nhiều bệnh nguy hiểm. Tới nay càng ngày các nhóm nghiên cứu quốc tế càng điều chế thêm được thuốc tiêm chủng mới khiến ta đề phòng được nhiều bệnh hơn. Có điều may mắn là các thuốc tiêm chủng rất ít khi gây biến chứng nguy hiểm. Hiện nay các thuốc tiêm chủng còn tinh chế hơn trước nên cũng an toàn hơn. Theo thống kê khi xưa thì lối 100 ngàn người tiêm chủng mới có một người bị biến chứng nghiêm trọng. Người đã tiêm chủng không những tránh bệnh cho bản thân mà còn phòng bệnh cho người tiếp xúc với mình nữa. Thí dụ như khi nhân viên bệnh viện và thân nhân những người ở viện dưỡng lão đều tiêm chủng chống bệnh cúm thì sẽ có rất ít các vị cao niên cư ngụ trong viện bị lây bệnh này. 

Lịch tiêm chủng soạn thảo năm 2018 như sau đây: 

 - Tiêm chủng cho trẻ em để chống các bệnh: 
 
. Bạch hầu, uốn ván, ho gà, tê liệt trẻ con 
. Cúm 
.Viêm gan B 
. Sởi, quai bị, ban Đức 
. Thủy đậu 
.Viêm màng óc 
. Viêm phổi 
.Tiêu chảy trẻ con 
. Siêu vi gây mụn cơm cơ quan sinh dục và ung thư cổ tử cung 
. Viêm gan A chích cho trẻ em trên 12 tháng (áp dụng khi có nguy cơ tiếp xúc với siêu vi này) 

- Tiêm chủng cho người lớn:
 
. Hằng năm tiêm chủng phòng bệnh cúm 
. Mười năm một lần tiêm chủng phòng uốn ván và bạch hầu 
. Tới tuổi 60 tiêm chủng phòng bệnh dời leo (tiêm một lần) 
. Tới tuổi 65 tiêm chủng phòng bệnh viêm phổi (tiêm một lần) 

Sàng lọc bệnh: Phương cách này là sớm tìm bệnh trong trường hợp có những người còn đang khỏe mạnh nhưng có yếu tố nguy cơ mắc bệnh. Bệnh lý tìm ra sớm sẽ dễ chữa hơn mà dù là loại bệnh nặng cũng bớt tử vong. Một thí dụ cụ thể là xét nghiệm Papanicolaou (PAP) sàng lọc bệnh ung thư cổ tử cung.  Năm 1955 là thời điểm khởi đầu áp dụng rộng rãi xét nghiệm này. Hiện nay con số tử vong do ung thư tử cung gây ra chỉ còn bằng 1/4 số liệu tử vong của bệnh này trước năm 1955. Các loại sàng lọc bệnh thông dụng hiện nay là xét nghiệm PAP và xét nghiệm tìm siêu vi trùng gây mụn cơm cơ quan sinh dục và ung thư cổ tử cung, chụp hình sàng lọc bệnh loãng xương, chụp hình điện tuyến vú, xét nghiệm phân tìm xuất huyết trực tràng, nội soi trực tràng, khám tuyến tiền liệt và nhiều thứ xét nghiệm máu. Y học hiện nay đã có thêm cách sàng lọc bệnh ung thư phổi cho người hút thuốc lá nhiều năm (xem bài “Ung thư phổi”). 

Dùng thuốc phòng bệnh: Phương cách này chỉ áp dụng cho một số trường hợp đặc biệt thí dụ như dùng thuốc trụ sinh dài hạn phòng bệnh viêm phổi cho bệnh nhân bị mắc hội chứng mất khả năng miễn dịch (AIDS).  Có những trường hợp sau đây cũng dùng tới thuốc phòng bệnh là: 

- Thuốc hạ huyết áp phòng bệnh tim mạch.   
- Thuốc hạ cô-let-tê-rôn phòng xơ cứng động mạch.   
- Thuốc ASA đề phòng cơn đau tim.   
- Tamoxiphen có khi dùng đề phòng ung thư vú. 

Tóm tắt 

Y khoa phòng ngừa bao gồm các phương cách phòng bệnh tổng quát. Bộ môn này hiện nay đã phát triển khả quan. Tuy nhiên lại có những yếu tố nguy cơ không thay đổi được làm trở ngại cho việc phòng bệnh. Toàn thể công việc phòng bệnh dựa vào 4 phương tiện của y khoa phòng ngừa: 

- Sinh hoạt lành mạnh. 
- Tiêm chủng. 
- Sàng lọc bệnh. 
- Dùng thuốc phòng bệnh.   
 
Sinh hoạt lành mạnh là thành phần quan trọng hơn hết của y khoa phòng ngừa. Áp dụng phương tiện này sẽ đề phòng được nhiều bệnh quan trọng.

Đối chiếu danh từ y học Việt-Anh 

Y khoa phòng ngừa Preventive medicine  Phòng bệnh chính yếu Primary prevention  Phòng bệnh thứ yếu Secondary prevention  Yếu tố nguy cơ Risk factors  Sinh hoạt lành mạnh Healthy lifestyle  Tiêm chủng Immunization hoặc Vaccination  Sàng lọc bệnh Screening for diseases  Dùng thuốc phòng bệnh Preventive drug therapy.

Bác Sĩ Đinh Đại Kha

Tìm các bài ĐỜI SỐNG & SỨC KHỎE khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com