User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Thuoc la
 
Thuốc lá, như cái tên gọi đã có chữ thuốc rồi nhá! Thuốc ấy là thuốc gì? Thưa nó là chất Nicotine! Khi lá được biến chế, trộn với thuốc cho có mùi thơm, cắt nhỏ thành sợi, bỏ vào nõ điếu hoặc cho vào miệng nhai nhai hay quấn vào giấy mỏng mềm, châm lửa đốt đầu điếu, thấy đời rất màu hồng, đời sáng trong trong. Nói một cách ngay tình, bình dân học vụ thì phải nói là rất đã, rất mê! Bởi chất nicotine làm cho ta nghiện dễ như chơi!
 
Tôi chợt nẩy ra cái ý nghĩ này: Quái lạ nhỉ! Mấy cô bồ ngày xưa của tôi có cô nào có chất ni-cô-tin gì đâu mà sao tôi mê đến thế? Cô nào cũng hiền như ni-cô, mà tin ở nàng là u đầu sẻ trán như bỡn!
Nhưng ở đời, không nghiện thứ nọ thì nghiện thứ kia, không mê cái này thì lại mê cái khác. Khó có ai không nghiện không mê một thứ gì. Bởi như thế, sống để làm chi? Cuộc đời còn gì là ý nghĩa, còn gì là dễ thương nữa cà?
 
Cai tôi không nghiện ngập hút sách, không chơi cờ đánh bạc, không uống ruợu uống trà. Duy có mục mê gái thì cái đó giống như một thứ gia truyền hay có sẵn thứ DNA này trong máu!
 
Nói đến những cái thú đam mê, có đam mê tốt và đam mê xấu. Đam mê xấu như tứ đổ tường, ít ai nổi tiếng. Còn đam mê những nét đẹp văn chương nghệ thật thì tôi biết nhiều người lắm.
 
Như Phạm Cao Củng mê viết truyện trinh thám, Hoàng Hải Thủy mê viết truyện phóng tác, Phạm Duy mê viết nhạc quê hương, Nghiêm Phú Phi mê đờn dương cầm, Tú Duyên mê vẽ tranh lụa, Trần Cao Lĩnh mê nhiếp ảnh, Hà Huyền Chi mê viết thơ tình, Ut Trà Ôn mê 6 câu vọng cổ…
 
Hoặc như các ông chủ báo thì mê làm báo. Báo tuần, báo tháng chưa đủ lại còn thừa thắng xông ào làm cả báo Xuân!
 
Đấy, mỗi người mê một thứ, còn những ai mê nhiều hơn một thứ lại là vấn đề khác chưa bàn đến trong bài này!
 
Thế thì cái chất nicotine nó khiến cho người ta mê, nó là chất gì?
 
Đây, Nicotine!

Bạn có nghiện thuốc lá không? Bạn có bao giờ phì phèo một hai điếu chưa? Bạn có bao giờ ngửi khói thuốc xì-gà chưa? Bạn có thấy ai nhai thuốc lá không? Bạn có thấy mấy ai bỏ thuốc lá không? Hỏi tức là trả lời rồi vậy.
 
Bởi họ ghiền nên không dứt bỏ cái món này được. Chất nicotine đem lại cho người ghiền một khoái cảm.
 
Nicotine là một chất dầu lỏng tìm thấy trong lá cây thuốc lá. Khi vắt ra, chất này không có màu nhưng khi tiếp xúc với không khí thì nó đổi ngay ra thành màu nâu. Nó có vị chát đắng, là một loại độc dược mạnh, thường dùng để diệt trừ sâu bọ.
 
Khi làm thành thuốc lá, nhà sản xuất chỉ pha chế một ít nicotine mà thôi và khi đốt lên, chất nicotine cũng bị hơi nóng làm tiêu tan đi gần hết. Thế nhưng, dù chỉ với một lượng nicotine rất nhỏ cũng đủ khiến người ta đâm ra nghiện ngập.
 
Chất này nhập vào cơ thể khi người ta hút thuốc. Vào nhiều hay ít còn tùy loại thuốc lá, hít nhiều hay ít, thuốc lá có đầu lọc hay không.
 
Người hút thấm nhập chất nicotine khi hút xì-gà hay ống píp. Nicotine vào phổi rồi qua máu vào tim, rồi tim bơm máu lên óc.

Chỉ cần 7 giây đồng hồ sau khi ta hít thuốc là đủ cho chất nicotine lên tới óc rồi.
 
Nicotine có nhiều tác dụng trong cơ thể. Một liều nhỏ đủ kích thích thần kinh, vào máu tăng hóc-môn. Nó làm tăng nhịp đập con tim và có thể gây ra tim đập bất thường. Nó cũng khiến máu cao và làm cho ta ăn mất ngon, có thể sinh ra nôn mửa.

Những sự nguy hại về sức khỏe do nicotine gây ra, có thể nói là nó làm cho hư phổi, ung thư phổi cùng nhiều biến chứng khác.

Nếu ta ngưng hút thuốc lá thì những triệu chứng trên không còn nữa nhưng cảm thấy khó chịu, nhức đầu, lo lắng và đặc biệt là cảm thấy lại muốn hút thuốc lá một cách ghê gớm.
 
Lịch Sử Thuốc Lá

Thuốc lá xuất hiện từ lâu lắm rồi, được thổ dân ở Mỹ trồng trọt và hút bằng ống điếu để trị bệnh cũng như dùng trong các vụ lễ lạt.
 
Nhà hàng hải Christopher Columbus đã mang về Âu Châu một ít lá và rễ thuốc lá nhưng dân Âu Châu không thích cho lắm. Mãi đến giữa thế kỷ 16, khi có nhà hàng hải, ngoại giao như Jean Nicot của Pháp đi thám hiểm thì thuốc lá mới được nhiều người biết đến.
 
Bạn để ý đến chữ Nicotine là chữ lấy từ tên của ông Nicot đấy nhé!
 
Thuốc lá được nhập cảng vào Pháp năm 1556, vào Bồ Đào Nha năm 1558, vào Tây Ban Nha năm 1559 và vào nước Anh năm 1565.

Mùa trồng thuốc lá thành công đầu tiên là ở Virginia năm 1612 của một người Anh tên là John Rolfe. Trong 7 năm, bang này là nơi xuất cảng nhiều nhất. Và qua 2 thế kỷ, việc trồng thuốc lá tại vùng Bắc Mỹ đã thu hoạch nhiều lợi tức đáng kể, với các dân nô lệ làm việc ở những nông trại bao la này.
 
Thoạt đầu, thuốc lá chỉ sản phẩm để hút píp, nhai và ngửi. Mãi đến đầu thập niên 1800 mới được phổ biến rộng rãi.
 
Đi kèm với bao thuốc lá, người ta không quên sản xuất cả những thứ phụ thuộc, điển hình là bao quẹt, cái bật lửa. Rồi sang trọng hơn, phải kể đến những loại píp đủ kiểu, đủ mầu. Rồi hãng sản xuất lại làm cả những điếu xì gà to tổ chảng, hút một hơi khói tuôn ra như đầu tầu xe hỏa hoặc như ống khói lò sưởi mùa đông.
 
Thuốc Lá Và Sức Khỏe

Đầu thế kỷ thứ 20, thuốc lá được nhiều người hút, lúc đó mới thấy nhiều báo chí đề cập đến hậu quả của thuốc lá.
 
Năm 1930, tại Đức có báo đưa ra những con số liên quan giữa ung thư và hút thuốc lá.
 
Năm 1944, Hội Ung Thư Hoa Kỳ lên tiếng cảnh giác về hậu quả thuốc lá.
 
Năm 1952, báo Reader’s Digest có bài về ung thư, viết chi tiết những nguy cơ của việc hút thuốc lá. Rồi nhiều báo khác cũng làm vậy nên công chúng quan tâm đến vấn đề này.
 
Lần đầu tiên trong 20 năm, thuốc lá bán giám hẳn đi.
 
Nhưng hãng thuốc lá có phản ứng liền. Năm 1954, họ lập hội đồng Nghiên Cứu Kỹ Nghệ Thuốc Lá, đưa ra loại thuốc lá có đầu lọc và công thức giảm bới chất độc trong thuốc lá và hứa hẹn rằng đây là loại thuốc lá lành mạnh hơn, không độc địa gì cả. Mời bà con hút thử chơi.
 
Dân chúng nghe bùi tai hút thật.
 
Mức sản xuất thuốc lá lại tăng lên vùn vụt!!!
 
Năm 1960, Ủy Ban đặc trách về Hút Thuốc và Sức Khỏe được thành lập đã nghiên cứu và đi đến kết luận rằng hút thuốc lá đưa đến nguy cơ làm ung thư phổi của cả đàn ông lẫn đàn bà.
 
Mặc dù trên mỗi bao thuốc lá đều có hàng chữ nhắn nhủ rằng thuốc lá có nguy hại đến sức khỏe, phụ nữ mang thai nhưng ai đã mua thuốc lá, đều bóc ra rút một điếu châm lửa hút liền chứ mấy ai có thời giờ đọc những hàng chữ nhỏ li ti, vô bổ đó! Chắc họ đã chán cái lối dọa non dọa già này rồi!
 
Các hãng thuốc lá vẫn kiếm lời rất bộn.
 
Năm 1971, quảng cáo thuốc lá bị cấm tuyệt.
 
Năm 1990, cấm hút thuốc lá trên xe buýt xuyên bang, trên những đường bay nội địa dài tới 6 tiếng đồng hồ.
 
Năm 1994, tiểu bang Missisippi kiện các hãng thuốc lá đòi bồi thường hàng triệu đô la vì tiểu bang phải cáng đáng việc trả bill cho người có Medicaid hút thuốc.
 
Và năm 1995, Tổng Thống Clinton công bố kế hoạch điều hành ngành thuốc lá, nhất là vấn đề mua bán, quảng cáo nhắm đến thành phần trẻ em nhỏ tuổi.
 
Các hãng thuốc lá đều giàu sụ nên có bị ai thưa ai kiện cũng có sẵn dàn luật sư, dư sức hầu tòa.
 
Năm 1983, bà Rose Cipollone, sắp chết vì hút thuốc lá đã kiện hãng Liggett Group, đổ lỗi cho hãng rằng không cảnh giác bà về những nguy cơ của sản phẩm do hãng chế tạo. Bà đã từ trần và thắng kiện $400,000.
 
Nhưng sau đó, vụ kiện được xử lại. Sau 2 lần lên Tối Cao Pháp Viện, gia đình bà không chịu nổi tiền thuê luật sư nên đành phải xin rút lui, bỏ cuộc!
 
Đàn Bà Hút Thuốc Lá!
 
Quan thầy thuốc bảo rằng, từ lâu nay người ta vẫn nói hút thuốc là vấn đề của đàn ông. Thực ra, rất nhiều đàn bà đang tiến dần đến cái chết vì hút thuốc lá.
 
22% đàn bà so với 26% đàn ông hút thuốc lá.
 
Và nay đã có 39% các bà hút thuốc lá bị thiệt mạng, cho thấy là cả hai giới nam và nữ chết ngang nhau vì hút thuốc lá.
 
Kể từ năm 1980, 3 triệu phụ nữ chết vì hút thuốc. Có nghĩa là họ tự cắt bớt tuổi thọ đi 14 năm.
 
Đàn bà, một thời được coi là ít bị ung thư phổi thì kể từ năm 1950 đã tăng lên gấp 6 lần, hơn cả ưng thư ngực nữa.
 
Đối với giới trẻ, cả nam lẫn nữ, có khoảng 30% học sinh Trung Học hút thuốc lá. Vì chất nicotine dễ làm cho nghiện ngập nên đã hút rồi là nghiện suốt đời. Giới phụ nữ thường hút thuốc lá ngay từ khi còn nhỏ tuổi.
 
Để hấp dẫn giới trẻ nhất là phụ nữ, kỹ nghệ thuốc lá đã bỏ ra 8 tỷ 24 để quảng cáo.
 
Những Con Số Chết Người!

Trong thế kỷ 20, những chứng bệnh chết người là do thuốc lá. Chỉ khác với những bệnh kia là nó không giết ngay mà giết một cách từ từ, chậm chạp.
 
Mỗi năm, các hãng sản xuất 5 tỷ điếu thuốc lá, tức là trung bình mỗi người hút 1,000 điếu/1 năm, từ đàn ông, đàn bà đến trẻ con.

Trên toàn thế giới, mức tiêu thụ gia tăng chừng 2% mỗi năm, nhất là tại những nước đang mở mang và Đông Âu. Trung Quốc là nước dẫn đầu về mức tiêu thụ: 31%; tiếp đến là Hoa Kỳ: 10%; Nhật Bản: 6%. Á Châu tiêu thụ 52% số lượng thuốc lá.
 
Nói chung, hơn 1/3 số người hút thuốc, nhiều người ở tuổi trung niên sẽ chết vì thói quen nghiện ngập này. Người ghiền thuốc lá giảm thọ từ 20 đến 25 năm.
 
Con cái của người nghiện thuốc lá cũng bị ảnh hưởng về đường hô hấp như đau cuống phổ và sưng phổi.
 
Những người ờ cùng nhà, dù không hút thuốc cũng bị nhiễm độc và ung thư y như người đang hút thuốc lá vậy. Các bác sĩ, các báo khoa học đều chứng minh, nêu rõ vấn đề để cảnh giác những ai ở trong tình trạng này.
 
Hàng năm, trên thế giới có khoảng 3 triệu người – chừng 1 triệu người ở các nước đang mở mang – chết vì thuốc lá. Tức là cứ 10 giây đồng hồ có 1 người chết vì hút thuốc lá!
 
Với chiều hướng này, số tử vong sẽ tăng lên hơn 10 triệu người vào năm 2020. Hầu hết là tại những nước đang mở mang.
 
Đối với giới trẻ dưới 20 tuổi tại Trung Quốc ngày nay, sẽ có 50 triệu người chết sớm.
 
Tử suất đối với giới trung niên phái nam được đặc biệt chú ý đến là ở Đông Âu, phần lớn là do hút thuốc lá.
 
Phía đàn bà hút thuốc như đàn ông thì số người chết cũng ngang nhau.
 
Như chúng ta đã thấy, vì có nhiều biện pháp ngăn ngừa, hạn chế tại nhiều nước phương tây nên kỹ nghệ sản xuất thuốc lá đổ về phía Á Châu. Thị trường vùng này đã gia tăng từ thập niên 1980, nhất là đối với phụ nữ.
 
Ngày nay, các hãng thuốc lá đang mở rộng thị trường tại Đông Âu và Trung Á.
 
Thuốc lá không giết người ngay lập tức mà làm chết dần mòn. Hút thuốc 25 năm đầu, nguy hiểm không bao nhiêu nhưng sau đó, con số tử vong lên rất nhanh và rất cao.
 
Ta Phải Làm Gì?

Sau đây là một vài biện pháp để ngăn chặn bớt việc hút thuốc lá:
 
– Tăng giá thuốc lá: Bằng cách đánh thuế nặng hơn trên sản phẩm này. Việc tăng giá có ảnh hưởng lớn đến giới trẻ vì họ không đủ tiền mua.
 
Cấm quảng cáo các loại thuốc lá.
 
Có những chương trình giáo dục về sức khỏe, nhất là cho giới trẻ.
 
Ghi rõ lời cảnh giác trên bao thuốc lá,
 
Vận động chống hút thuốc lá nơi công cộng, văn phòng làm việc của chính phủ, nơi làm việc tư nhân, trường học, xe chuyên chở công cộng, rạp chiếu bóng, nhà hàng ăn…
 
Yêu cầu hãng thuốc lá giảm bớt chất tar khi sản xuất. Phí tổn sản xuất các loại low tar, miđle tar và high tar rất nhỏ, nhưng số người chết về ung thư phổi tăng lên rất cao nếu họ hút loại high tar trên 15 mg.
 
Nhớ Ai Như Nhớ…

Thế đó là chuyện tổng quát về thuốc lá, bạn cũng nên biết qua loa để ngộ nhỡ có ai bàn đến thì ta cũng có thể đưa ra vài đường phiếm loạn cho ra vẻ cũng vi vu lả lướt!
 
Còn bàn về chuyện ta với nhau, hẳn bạn cũng chưa quên được cái mục hút thuốc lào ở nước ta.
 
Nơi thôn quê, buổi sáng trước khi dắt trâu ra đồng, người nông dân phải rít một hơi thuốc lào. Xong đeo chiếc điếu cầy và chiếc nùi rơm giữ lửa, thủng thỉnh nói với trâu rằng:
 
Trâu ơi, ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cầy với ta
Cấy cầy vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công
Bao giờ cây lúa có bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn…
 
Chả biết trâu có hiểu như thế không nhưng đã làm kiếp trâu cầy rồi thì có còn gì để mà phàn nàn nữa?
 
Điếu cầy là loại dã chiến. Lại có loại điếu chỉ bằng hai cái bao quẹt thôi. Cần hút là cái ống ny lông nhỏ uốn lại được, bỏ tất cả vào túi rất gọn.
 
Lịch sự hơn là điếu bát, có cả một chiếc bình sứ đặt trong cái bát gỗ, có xe điếu cong vút. Mỗi khi mồi lửa hút thuốc, coi bộ người hút rất từ tốn lịch lãm. Khi rít xong một hơi dài, đương sự thở từ từ, khói tỏa mờ mịt, mùi thuốc lào thơm thơm, hơi cay, hơi gắt, hơi nồng quyện vào nhau. Người hút mắt lờ đờ khoan khoái, ngụm một ngụm nước trà, ngồi rung đùi lặng nhìn bóng ngày qua…

Hút thuốc lào, nhất là về mùa đông cũng thực là tuyệt thú.
 
Ai đã quen rồi, rất khó bỏ cho đành. Có người đã bỏ mà rồi lại không bỏ được. Như câu thơ này diễn tả:
 
Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống, lại đào điếu lên…

Hồi ở Saigon, người mà tôi biết hút píp quanh năm là cụ Phùng Tất Đắc, nhà văn lão thành, Giám Đốc Kim Lai Ấn Quán. Cụ hút píp, loại thuốc Ăng Lê thơm phức, chỉ ngửi thôi cũng thấy sướng rồi. Thỉnh thoảng tôi có ghé ấn quán chơi với… cháu của cụ. Nhìn cụ bệ vệ, hút píp là tôi thấy mê.
 
Sau này được quen biết với cụ, rồi tôi lại có thời gian ở bên Luân Đôn, lâu lâu có đến thăm cụ ở Cambridge nhưng cụ không hút thuốc nữa.
 
Năm nay cụ ở tuổi 90 nhưng vẫn còn trí nhớ tốt, tương đối khỏe, bình an nơi quê người.
 
Đọc báo, chúng ta cũng thấy có ít nhất hai nhân vật nổi danh về hút thuốc lá.
 
Cụ thứ nhất là cụ Churchill, Thủ Tướng Anh Quốc. Dáng cụ to lớn, tài năng chính trị, văn chương ít ai là không biết đến đại danh. Tượng cụ đặt ngay đầu công viên trước Quốc Hội. Cụ nổi danh về mục hút xì gà, đốt như đốt lửa trại. Trên nguyên tắc, theo sách vở thì hút như thế có hại cho sức khỏe giống nòi. Cụ chẳng thèm nghe ai, hút tràn quý tị. Theo báo chí tiết lộ thì mỗi ngày cụ hút tới 10 điếu xì-gà Havana. Đây là loại thuốc quý, đắt tiền, tất nhiên hương thơm bay lừng lối xóm! Cụ thọ 91 tuổi. Đây là một trường hợp đặc biệt, hình như bệnh tật, nicotine đều tránh né để cụ en-doi cuộc đời đầy hiểm nguy, gian truân nhưng cũng đầy vinh dự và tiếng tăm lưu lại muôn đời.
 
Còn ở bên Cuba cũng có ông râu xồm Fidel Castro, hút xì-gà chùa là thuốc lá sản xuất ngay tại trong nước nên cách hút của nhà độc tài này cũng còn là lối quảng cáo xì-gà cho xứ sở Cuba nữa!
 
Cụ kế tiếp là một tài tử nghệ sĩ, dáng dáp nhỏ bé hiền hòa, lúc nào cũng ngậm một điếu xì gà tổ bự. Không những hút xì gà, cụ còn chơi với cả các em bé bồ nhí chỉ bằng tuổi cháu cụ thôi. Ai cũng phải nhìn nhận là cụ luôn luôn yêu đời, nhìn đời bằng con mắt hơi có vẻ kèm nhèm nhưng lại rất lạc quan.
 
Có người hỏi cụ, sao cụ không bỏ hút thuốc vì thuốc lá có hại cho sức khỏe. Cụ cười bảo:
 
– Đâu, hại ở chỗ nào?
 
Lại hỏi:
 
– Thế các bác sĩ của cụ khuyên cụ ra sao?
 
Đáp:
 
– Các bác sĩ của tôi chết hết cả rồi!
 
Cụ thọ 99 tuổi, chỉ xém chút nữa là lễ thượng thọ 100 tuổi thôi! Tiếc quá!
 
Tán Rộng Về Thuốc Lá!
 
Như đã thưa cùng bạn đọc, tôi không nghiện không mê món gì cả, ngoại trừ món mê gái. Mục này, tiện dịp tôi sẽ nói thêm.

Nghiện thuốc lá không nguy hiểm và tốn tiền bằng nghiện thuốc phiện nhưng tôi không có cơ hội hoặc không ai dụ khị nên đến bi giờ vẫn hút chưa nghiện hút. Nhưng chuyện vặt về thuốc lá thì tôi được nghe vài chuyện.
 
Cái hồi ở lính, bạn bè tôi đều phì phèo đồng loạt. Khi vui, chúng nó còn tán nhăng tán cuội về tên thuốc lá nữa chứ!
 
Như tên bao thuốc lá SALEM thì mỗi chữ là một chữ đầu của câu này:
 
Sao Anh Làm Em Mệt?

Hoặc đổi ngược lên thì nó lại còn có nghĩa:

Mà Em Làm Anh Sướng!
 
Còn bao thuốc lá PALLMALL cũng có hai nghĩa:

Phải Anh Là Lính Mời Anh Làm Liền

Hoặc đổi chút đỉnh thôi:
 
Phải Anh Làm Lớn, Mời Anh Lên Lầu!
 
Với mỗi tên trên bao thuốc lá, bạn chúng ta đều có thể tức cảnh sinh tình, đặt cho nó một hàng chữ nghe rất sếch-xi, ác liệt dễ nghe và dễ nhớ!
 
Trong chốn bạn bè, những khi ngồi ăn phở xong, châm điếu thuốc, nhâm nhi ly cà phê mà thiếu điếu thuốc lá, nghĩ đời cũng đôi chút buồn hiu, vắng ngắt. Mà có điếu thuốc lá, châm lên, hít một vài hơi cho khói thuốc bay quanh chỗ ngồi, cũng thấy cuộc đời còn một chút gì an ủi.
 
Những phút vui họp bạn như thế, thể nào cũng có anh ghiền nhưng không có thuốc hút.
 
Chàng ta mới nói với người bạn bên cạnh:
 
- Ê này, cho tớ xin một điếu hút… chơi!
 
Ngùi bạn tỉnh bơ đáp:
 
- Hút chơi thì hút làm gì!
 
Chàng ta biết anh bạn chơi khó mình, đổi giọng:
 
- Thế cho tớ xin một điếu hút… thật!
 
Người bạn đã có sẵn câu trả lời:
 
– Hút thật thì… mua mà hút!
 
Đấy, cái khổ sở của chuyện ghiền thuốc lá là như thế. Tuy chuyện này chỉ là… hư cấu nhưng bạn cũng thấy vui chứ!
 
Phần tôi, những khi vui vẻ bạn bè cũng ra vẻ cùng hội cùng thuyền, xin bạn một điếu phì phèo.
 
Hút xong, muốn xin điếu nữa, theo thói thường là phải nói với bạn xỉa cho thêm.
 
Tôi không làm vậy, có vẻ bần tiện quá! Tôi muốn xin thuốc lá một cách văn vẻ, thanh cảnh hơn cơ. Nên tôi nói với bạn một cách trịnh trọng qua thơ như thế này:
 
Thưa anh,
Xuân hạ thu đông có bốn mùa
Thuốc thì thường hút, chẳng thường mua
Xin anh bố thí cho hai điếu:
Một điếu hút liền, một sơ cua…

Tôi nghĩ không ai nỡ lòng nào mà lại đành lòng từ chối một người thơ dễ thương đến như thế!
 
Bạn đọc đến đây chắc cũng chẳng théc méc chi nhau về vấn đề hút thuốc lá, cai thuốc lá, cấm hút thuốc lá, hút thuốc là có hại v.v…
 
Nhưng Cai tôi nghiên kíu tinh tường và nhận xét tinh vi về vấn đề hút thuốc lá thì tìm ra được một điều này:
 
Là liền ông, liền bà, thanh thiếu niên nam nữ, ở bất cứ nước nào, văn minh hay nhược tiểu, kỹ nghệ hay chậm tiến, Mỹ Châu hay Phi Châu, hễ ngửi thấy mùi thuốc lá là sà đến liền, hút lia lịa, chết bỏ. Càng yếu địa lại càng thích hút.
 
Duy có một giới, ở bất cứ nơi nào trên trái đất này cũng rất ghét thuốc lá, kỵ thuốc lá và… thù thuốc lá!
 
Đó là giới bê bì!
 
Nói có sách, mách có chứng đây nhá!
 
Giới này là giới còn bú sữa. Các bê bì thích bú sữa mẹ hơn là bú sữa bình. Vì sữa mẹ vừa miễn phí, vừa nóng ấm vừa tinh khiết thơm ngon.
 
Nhưng bữa nào bê bì ngửi thấy ở đầu vú mẹ nó có mùi thuốc lá thì nhất định là bữa đó nó không bú nữa! Dứt khoát là vậy!
 
Bạn đọc thân mến,
 
Chuyện cai thuốc lá đến đây là chấm dứt. Bạn có cười hay không cười, đó là chuyện riêng của bạn.
Nếu bạn khen, xin bạn cho tôi đi ăn phở! Nếu bạn chê, xin bạn đọc lại giùm cho một lần nữa. Kẻo rồi bạn lại phải đãi tôi món Péking duck thì đau cho bạn quá!
 
Đến đây có nhẽ cũng đã hơi nhạt rồi nên chúng ta lại phải hẹn gặp nhau trên trang báo này vào tuần tới vậy.

Thôi nhá! Bai hỉ!
 
Lê Văn Phúc

 

Tìm các bài ĐỜI SỐNG & SỨC KHỎE khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com