Tất cả mọi việc nên, hư, tốt và xấu đều do từ cửa miệng mà ra hết. Chẳng hạn như ông bà ta thường dạy:
‘Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau’.
Thế nhưng tạm gác qua một bên khoa xử thế, như lời ăn tiếng nói, bởi vì chúng tôi chỉ nhìn cái miệng, qua lăng kính của Y khoa mà thôi.
Hãy thử coi cái miệng mang lại điều xấu tốt, cho sức khỏe của chúng ta như thế nào. Ông bà ta đã từng nói:
‘Vạ tại miệng ra,
Bịnh chẳng qua tại miệng vào’.
Các thương gia nhứt là các nhà sản xuất thực phẩm, các bác sĩ, các nhà tự nhiên học, dinh dưỡng học và dược sĩ tìm coi cái gì chạy vô miệng, vào bao tử của con người. Tất cả đều cho rằng bao tử tùy thuộc vào khối óc.
Người ta muốn ăn hay thèm muốn món ngon vật lạ, cho khoái cái hồ khẩu gồm: mặn, ngọt, chua, cay, … Chính vì vậy mà Marco Polo tìm đường đến Ấn Ðộ, Trung Hoa để kiếm mua các gia vị, hầu bỏ vào thức ăn cho ngon hồ khẩu. Người Trung Hoa vào rừng, trèo non lặn biển, để kiếm tìm các món ăn kỳ lạ nhất trên đời: Chả phụng, tổ yến, bào ngư, vi cá, hải cẩu, vân vân và vân vân. Tô Ðịnh, viên Thái thú độc ác vô nhân, bắt dân ta làm những trò lặn bắt bào ngư hay leo dốc núi lấy nước dãi của loài hải yến, đã bị hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh cho một trận tan tành manh giáp, cha con họ te tua phải chạy về Tàu.
Vào thập niên trước, có một cuộc khảo cứu về đồ ăn thức uống cho học sinh trường Tiểu Học ở Anh, nhân dịp hè các em được đưa đi chơi. Mỗi ngày, các học sinh được ăn uống các thực phẩm khác nhau đủ loại.
Người ta nhận thấy, ngày đầu các em vồ bánh kẹo, đậu rồi lần lần các em chán các thức ăn có nhiều chất béo. Sau đó các em ăn các thức ăn bổ dưỡng, ít sữa và dầu mỡ. Rồi sau cùng, các em lựa chọn các thức ăn có nhiều rau cải và ngũ cốc. Như thế, các em đã lựa chọn thức ăn thích hợp cho sức khỏe. Trái lại, người lớn còn mang nhiều thành kiến, tập quán xã hội cũ rích, cứ khăng khăng kiêng cử thức ăn nầy, nọ, rất khó mà thay đổi.
Trước kia, Y khoa Úc không chú trọng vào đồ ăn thức uống, nhưng ngày nay dinh dưỡng rất quan trọng trong việc chữa trị bịnh nhân, tỉ như bịnh lên máu, tiểu đường, đau gan, đau thống phong, máu có chất cholesterol hay triglyceride, nôm na là có mỡ trong máu.
Ngày xưa, bịnh viện cứ nấu đồ ăn rồi phát cho bịnh nhân ăn, không có kiêng cử và lo bổ dưỡng cho bịnh nhân. Ngày nay, dinh dưỡng đứng hàng nhì song song với thuốc men. Tỉ dụ như bịnh nhân lên máu mà ăn mặn, thì máu càng lên cao thêm, mặc dầu đã uống thuốc đúng liều. Người bị bịnh thống phong mà cứ ăn tôm cua, đồ lòng và uống rượu thì chân cẳng cứ đau nhức, trị hoài không hết.
Ông bà ta từng nói:
‘Thuốc đắng đả tật’
hay
‘Trung ngôn nghịch nhĩ lợi ư hành
Lương dược khổ khẩu lợi ư bịnh’ (Tiêu Hà)
Câu nầy có nghĩa là:
Lời thẳng trái tai thường được việc,
Thuốc hay đắng miệng khỏi cơn đau.
Thuốc đắng làm cho ta hết đau, hết bịnh và cứu mạng cho ta, nhưng có nhiều loại thuốc mà sự độc hại cũng giết ta chết một cách dễ dàng.
Có khi cùng một loại thuốc, nhưng nó trị cho ta hết bịnh, mà cũng có khi loại thuốc nầy làm nguy hại tới sức khỏe và tánh mạng của ta. Tỉ dụ như thần dược Aspirin, đã được dùng trên 100 năm nay để trị đau khớp xương, nhưng chính nó lại gây ra đau khớp xương như bịnh thống phong (gout), loét bao tử và nội xuất huyết đường tiêu hóa, nếu không điều trị kịp thời bệnh nhân có thể chết.
Nhơn sâm
Theo Ðông y, nhơn sâm là thần dược của người già, nhứt là nam giới. Nhưng nếu đem nó cho ông lão 65 tuổi bị lên máu uống, ông lão có thể bị lên máu thêm, dễ bị não xuất huyết. Theo GS John Eden thì nhơn sâm và đông qui, được coi như nhơn sâm của phụ nữ, đem thí nghiệm cho người tắt kinh, nhận thấy nhơn sâm đưa tới ung thư vú 27 lần còn đông qui 16 lần nhiều hơn, bởi vì chúng kích thích tế bào ung thư vú.
Cùng một loại thuốc mà dùng đúng phân lượng sẽ hết bịnh, mà nếu dùng quá phân lượng cũng dễ làm chết người. Panadol với liều lượng hai viên, ba lần một ngày cho người lớn, làm hạ nhiệt, hết nhức đầu hay đau lưng, nhưng nếu dùng hằng chục viên một lượt, có thể chết tốt.
Thuốc lá
Thuốc lá có hại nhiều hơn lợi. Nó gây ung thư cuống phổi, ung thư cổ họng, viêm cuống phổi, suyễn, sanh non, con thiếu ký, hư thai… nhưng người ta cứ hút như ‘ống khói’ tàu xà lúp khi có dịp. Hể thấy thuốc lá là vui vẻ nhào vô hút ngay, không kể tới sự nguy hại mà ngay ngoài bao thuốc có khuyến cáo. Họ như con thiêu thân cứ thấy ánh sáng đèn là nhào tới, để rồi chưa già đã lăn ngã ra chết một cách oan uổng.
Cà phê
Cà phê kích thích hệ thần kinh. Nó cho cảm giác sảng khoái nhưng nó cũng có hại cho sức khỏe, vì nó làm cho mất ngủ, hư thai, sanh non, tim đập nhanh, lên máu, vân vân…
Rượu
Uống chút ít rất tốt vì nó giúp khai vị ăn ngon, có nhiều sức khỏe để làm việc. Có nhiều người cho rằng uống rượu mạnh để tiêu hóa thức ăn, để nó giết vi trùng. Vậy khi mình uống rượu, nó giết vi trùng trong cơ thể thì mình hết bịnh tật. Nghe có lý, nhưng đây là luận điệu gàn và ngu xuẩn vì rượu rất tai hại. Nó làm hư thai, sanh non. Uống rượu say làm mất hết lý trí, vì không kiểm soát được mình, nên lái xe dễ gây tai nạn, làm nhiều điều xấu mà đôi khi không ý thức được, có khi gây ra tội ác.
Người nghiện rượu mặc dù ăn đồ ăn ngon, uống rượu quí, mà không có bổ dưỡng, là vì bộ tiêu hóa của họ không hấp thụ được, cho nên họ dễ bị thiếu sinh tố B1, sinh ra tê chân, phù thủng. Nặng hơn nữa là làm đau thần kinh: Wernicke. Ðau Wernicke mà thêm hay quên chuyện mới xảy ra thành: Korsakoff. Khi ghiền nặng, tay chân run rẩy, uống chút rượu thì say: Delirium tremens
Tóm lại:
Rượu–>Tê chân–>Wernicke–>Korsakoff–>Delirium tremens
Những người nầy vào bịnh viện, là bác sĩ chích ngay cho một mũi B1 100mg và B12.
Ðông Y cho rằng người bị bịnh là vì thiếu quân bình, giữa Yin và Yang tức Âm và Dương, cùng với kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, hễ nóng thì tả hàn, còn hàn thì tả hỏa.
Theo tổ sư Hippocrates thì con người hay bị bịnh tật là do thiếu máu, máu trắng, mật và mật đen. Nếu thiếu thứ nào thì cho vô thứ đó, cho nên mới có việc chuyền nước biển và vô máu. Vào thời phong kiến, các vương tôn, hay người quyền thế đem giết người nầy lấy máu truyền cho người kia. Có rất nhiều người chết vì truyền máu bừa bãi. Landsteiner (1), nhà cơ thể bịnh lý, từng lãnh giải Nobel năm 1930, nhờ phát minh ra các nhóm máu ABO, tránh được sự ngưng kết hồng cầu thành cục máu làm chết người.
Sinh tố
Sinh tố cũng rất cần cho cơ thể. Dùng vừa vừa thì tốt nhưng dùng thái quá cũng không tốt, có khi nó trở thành độc tố rất nguy hại cho tánh mạng. Tỉ dụ như sinh tố A và D.
Sinh tố C hết sức đặc biệt, là vì nó giúp cho sự đề kháng chống lại bịnh tật, làm vết thương mau lành, ngăn ngừa bịnh cúm. Mới đây người ta phát hiện, nếu thiếu sinh tố C, không những bị Scurvy mà có nguy cơ bị bịnh ung thư.
Dân cư vùng thung lũng Lin Xin, ở miền bắc Trung Hoa, mắc bịnh ung thư thực quản là do thiếu sinh tố C. Ðất đai vùng nầy có chất Molybdenum. Nó làm giảm sự cấu tạo sinh tố C trong hoa quả trồng tại đây. Sinh tố C cũng làm giảm đi Nitrites, dễ gây ra bịnh ung thư, mà phần đông thức ăn có hong khói như: bacon, salami, sausages, cá hộp, thịt muối … thường dễ bị bịnh.
Các nước tiên tiến bị ung thư nhiều, là vì hai nguyên nhân: thứ nhất là hay hút thuốc, thứ hai là ăn uống thực phẩm biến chế và tích trữ có pha nhiều hóa chất, làm cho nó không hư thúi. Ăn đồ hộp dễ bị táo bón, dễ bị ung thư ruột già. Rau cải tươi có nhiều chất xơ. Nó ngăn ngừa táo bón, tức ngăn ngừa ung thư.
Bà Từ Hi Thái Hậu ăn cải một cách đặc biệt, là ăn cải nhổ vào buổi ban mai khi sương còn đọng trên lá, mới trụn nước sôi mà ăn.
Gạo lức có chất cám rất tốt vì nó chứa sinh tố B1, giúp ta ngăn ngừa bịnh phù thủng tê bại. Nó rất cần cho trẻ con. Người lớn không cần lắm, vì trong thực phẩm đã có chứa đầy đủ rồi.
Uống sữa tươi rất tốt cho con trẻ, người lớn và người già. Chúng ta có thói quen là để sữa cho con trẻ thôi. Thật ra người lớn và người già cũng cần sữa để mang lại chất Calcium, chất vôi mà họ đã mất. Nếu thiếu nó, họ dễ bị bịnh loãng xương, lưng cong, lưng đau và dễ bị gãy xương.
Tuy nhiên, người Á Ðông, nhứt là người Việt Nam uống sữa tươi thường hay bị tiêu chảy, bởi trong ruột họ thiếu một loại diêu tố sữa (Lactase deficiency), để tiêu hóa sữa. Ðể bù đắp mất chất vôi lúc tuổi già, các cụ nên uống thêm Calcium, các cụ bà nên uống kích thích tố nữ thay thế đặc biệt (nên hỏi ý kiến Bs gia đình trước khi dùng), để tránh tình trạng nầy.
Nhiều người than phiền rằng: Họ ăn uống toàn cao lương mỹ vị, mà không bổ dưỡng, bởi bộ tiêu hóa của họ không hấp thụ được. Chẳng hạn như uống nhiều rượu và cũng bởi cách nấu nướng không đúng cách. Nấu chín thức ăn quá, làm chết hết chất bổ dưỡng. Ngày nay các báo chí cũng cho là rau cải, có thể ngăn ngừa bịnh ung thư đường ruột, nhưng phải nấu nó ăn còn hơi cứng, tức không chín.
Ngày nay, cách nấu nướng cũng thay đổi như chưng cách thủy, nấu Microwave, làm đồ ăn còn tươi, nấu mau rất tiện lợi ít tốn kém, mà đồ ăn còn giữ được nguyên chất.
Hai ba thập niên trước, người Úc bị ung thư đường tiêu hóa nhiều hơn ngày nay, là vì họ có thói quen ăn BBQ, thịt mỡ nhiều nhứt là mỡ cháy khét là mầm mống của bịnh ung thư.
Dược thảo
Các bác sĩ chính thống và các nhà tự nhiên học, kêu gọi mọi người nên dùng dược thảo. Sau mấy trăm năm, dược thảo vẫn còn công hiệu, không thuốc nào đánh đổ nổi, tuy nhiên nó có phần hại vì biến chứng phụ mà xưa kia người ta chưa biết.
Thí dụ như Digoxin, từ cây foxglove, quinine, nha phiến, cà độc dược (Atropine), Colchicine (Colgout) là mã tiền hay bả đậu,… Phải nói rõ là các thuốc nầy rất hay, nhưng rất độc. Hằng năm không biết bao nhiêu người bỏ mạng vì nó.
Cách gặt hái thuốc của người xưa, cũng khác hơn ngày nay. Họ cầu kỳ, phải lúc nào mùa nào mới lấy được; cây miền bắc khác cây miền Nam. Ngoài ra còn phải phơi trên cao bao nhiêu ngày rồi hạ xuống đất, gọi là nhập thủy thổ thì thuốc mới hay. Thật ra nó cũng vậy thôi, có điều là có loại sanh sôi nẩy nở tươi tốt ở mùa nầy, còn thứ kia ở mùa nọ, vân vân…
Rau cải
‘Ðói ăn rau, đau uống thuốc.’ (Tục ngữ)
Nhưng ăn làm sao cho thân thể tráng kiện và uống như thế nào để bớt bịnh tật, mới là khó. Ông bà ta đã nói lên câu nầy, tức là họ đã có quá nhiều kinh nghiệm rồi. Rau cải tươi rất tốt cho bộ tiêu hóa. Ăn nhiều rau cải tránh được sự táo bón, ngăn chặn được ung thư ruột và bao tử và làm hạ chất cholesterol, giúp tránh được các bịnh về tim mạch.
Truyền thống cổ truyền của người Á Ðông nói chung và người Việt Nam nói riêng, giúp ta ngăn ngừa được biết bao nhiêu bịnh tật, mà chính người Tây phương cũng nhận thấy.
Cách nấu nướng của ta cũng giúp ta tránh được bịnh tật: chưng, hấp giúp ta làm đồ ăn vừa ngon, vừa còn nguyên chất và bổ dưỡng, mà không có hóa chất như đồ hộp.
Rau cải tươi, cá tươi mới bắt, trái cây mới hái: Các thức ăn tươi tốt, thơm ngon và bổ dưỡng.
Ông bà ta mua hoa quả tươi hằng ngày, chẳng những xanh tươi mà còn theo mùa, hợp với thời tiết. Mùa hè thì ăn đồ mát: bầu, bí, khổ qua, tần ô, hẹ, còn mùa đông thì ăn đồ nóng, vân vân…
Còn chờ gì nữa không trở về lối nấu ăn cổ truyền, nhưng đầy thanh đạm của ông cha ta từ ngàn xưa, để giữ gìn sức khỏe cường tráng.
‘Một tinh thần minh mẫn trong một thân xác khỏe mạnh.’
Phan Giang Sang
Ghi chú:
(1) Landsteiner, Karl (1868-1943), sanh tại Vienna, trở thành giáo sư bịnh lý học, ở Viện nghiên cứu Vienna năm 1909. Ông được trao giải Nobel năm 1930, nhờ tìm ra nhóm máu ABO. Ðến năm 1940, ông phát minh ra hệ Rhesus tức Rh.