* Hỏi: Tôi bị mất ngủ đã lâu, rất muốn được bác sĩ giúp mình chữa cho khỏi bệnh hay bớt bệnh càng nhiều càng tốt, thì tôi có cần phải chuẩn bị làm gì trước khi đi gặp bác sĩ hay không?
Để đánh giá độ trầm trọng của sự mất ngủ, ta cũng nên cho bác sĩ biết xem ta đã bị mất ngủ từ lúc nào, liên tục hay có từng lúc… (Hình minh họa: unitypoint.org)
- Đáp: Để có thể điều trị mất ngủ một cách hiệu quả, ta cần giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân, độ nặng nhẹ, các yếu tố ảnh hưởng đến sự mất ngủ của mình một cách càng chi tiết, càng chính xác càng tốt.
Bác sĩ cần tìm hiểu tường tận sự mất ngủ của ta qua việc hỏi bệnh, sau đó khám bệnh, và có thể sẽ làm thêm một số xét nghiệm trong một số trường hợp.
Chuẩn bị cung cấp một cách chi tiết và chính xác câu chuyện (mất ngủ) của mình là điều rất cần thiết, và thường là yếu tố quan trọng nhất giúp mình và bác sĩ chữa chứng mất ngủ của mình.
Ta cần để ý ghi nhớ và cung cấp cho bác sĩ càng chi tiết càng tốt về thói quen ngủ nghê của mình. Ví dụ như là:
- Có đi ngủ và thức dậy đúng giờ không.
- Đi ngủ và thức dậy lúc nào.
- Thường làm gì trước lúc ngủ, lúc lên giường.
- Phòng ngủ có yên không, nhiệt độ thế nào.
- Có mới đổi ca làm việc hay đi du lịch hay mới dọn nhà.
- Đang dùng những thuốc nào.
- Có hay uống trà, cà phê, rượu, vân vân và vân vân.
Các bệnh tật về thể chất, thần kinh, tâm thần, đau nhức, vân vân, cũng có thể ảnh hưởng rất nhiều đến giấc ngủ, và nhiều khi chỉ cần chữa các bệnh đi kèm đó là có thể giải quyết phần lớn vấn đề mất ngủ của ta.
Sau khi hỏi bệnh cặn kẽ, trong đó vai trò chủ động và chuẩn bị kỹ lưỡng của bệnh nhân rất quan trọng, bác sĩ sẽ khám bệnh, dựa một phần quan trọng vào bệnh sử cung cấp từ bệnh nhân.
Rất nhiều khi, những thông tin cung cấp từ người thân, người ngủ cùng giường với bệnh nhân, rất hữu ích. Ví dụ như bệnh nhân có ngáy, có các cơn ngưng thở, có khi nào mộng du (ví dụ như… nửa đêm ngồi dậy đi vòng vòng trong lúc ngủ mà không biết) hay không.
Để đánh giá độ trầm trọng của sự mất ngủ, ta cũng nên nhớ lại và cho bác sĩ biết xem ta đã bị mất ngủ từ lúc nào, liên tục hay có từng lúc, mỗi đêm ngủ được khoảng bao lâu, khi thức dậy, ban ngày có cảm giác như thế nào (mệt mỏi, không thể tập trung, uể oải, buồn bã, hay cũng vẫn sinh hoạt bình thường, không bị ảnh hưởng gì bởi sự thiếu ngủ cả).
Cũng nên cho bác sĩ biết ta bị mất ngủ như thế nào: Bị khó dỗ giấc ngủ, hay bị thức dậy giữa giấc rồi khó ngủ tiếp lại (bao nhiêu lần mỗi đêm), hay bị thức dậy sớm (khi thức dậy sớm như vậy, có phải vì lo lắng chuyện gì hay không, hay chỉ vì tự nhiên bị mất ngủ).
Để theo dõi kỹ lưỡng hơn, bác sĩ có thể yêu cầu ta giữ một “nhật ký ngủ nghê” (sleep log), thường là trong vòng khoảng hai tuần, trong đó, ta cần ghi lại những việc như là giờ đi ngủ, bị thức dậy bao nhiêu lần trong đêm, có lý do gì không (như là bị mắc tiểu, hay là lo nghĩ chuyện gì đó…), ban ngày ngủ bao nhiêu lần, có bị buồn ngủ ban ngày hay không, lúc thức dậy có tỉnh táo hay không.
Ta cũng có thể cũng cần phải trả lời một số bảng câu hỏi để xem ta có bị các vấn đề tâm thần, ví dụ như là trầm cảm, rối loạn vì lo lắng quá mức, hay không.
Để theo dõi kỹ lưỡng hơn, bác sĩ có thể yêu cầu ta giữ một “nhật ký ngủ nghê” (sleep log). (Hình minh họa: craftindustryalliance.org)
Trong một số ít trường hợp, bệnh nhân có thể sẽ phải trải qua một vài xét nghiệm. Một số xét nghiệm thường được thực hiện để giúp cho việc điều trị mất ngủ là:
- Polysomnography (PSG): Trong đó, bệnh nhân phải đến ngủ ở phòng nghiên cứu về chuyên về việc này. Cơ thể bệnh nhân sẽ được nối với các máy theo dõi nhiệt độ, hô hấp, chuyển động của cơ thể, hoạt động của não, cũng như các chức năng sinh lý khác của cơ thể. Xét nghiệm này thường được dùng khi mất ngủ đã kéo dài quá sáu tháng, sự mất ngủ này có thể liên quan đến rối loạn của hô hấp trong lúc ngủ, và các bệnh khác đã được loại trừ.
- Multiple sleep latency test (MSLT): Là một xét nghiệm nhằm đo lường xem một người cần đến bao nhiêu lâu mới ngủ được, khi nằm trong một phòng tối và yên lặng vào ban ngày. Xét nghiệm này thường chỉ cần phải làm ở các bệnh nhân bị buồn ngủ quá mức vào ban ngày.
- Actigraphy: Là một xét nghiệm nhằm ghi nhận các chuyển động của cơ thể trong lúc ngủ. Xét nghiệm này có thể cho biết bệnh nhân thực sự ngủ bao lâu mỗi đêm.
- Ngoài ra, trong một số ít trường hợp, nếu việc thăm khám cho thấy rằng bệnh nhân có thể bị một vấn đề về thần kinh, bệnh nhân có thể cần phải được nghiên cứu về chức năng hoặc cấu trúc của não, ví dụ như là làm MRI của não. Nếu nghi một bệnh nào đó khác có thể là nguyên nhân tiềm ẩn của chứng mất ngủ, bác sĩ có thể sẽ cần phải làm các xét nghiệm thích hợp nhằm chẩn đoán hoặc loại trừ các bệnh đó.
Cần nhớ là không phải bệnh nhân nào cũng cần đến các xét nghiệm này. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ xác định xem trường hợp nào thì cần xét nghiệm nào (hay không cần xét nghiệm nào cả).
Thân mến
BS Nguyễn Trần Hoàng
(714) 531-7930, This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/