Các vết loét của bệnh lở Buruli. Hình: Wikipedia.
Bệnh lở loét Buruli do một vi khuẩn ăn thịt người gây ra, có thể hủy hoại các vùng mô mềm nếu không chữa trị kịp thời.
Bệnh lở Buruli – một căn bệnh mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là không được chú ý đúng mức, nay đang được nhiều người biết đến.
Bệnh gây biến dạng cơ thể
Nhìn vết mẩn đỏ hơi sưng ở phần sau cổ chân, Adam Noel nghĩ anh chỉ bị muỗi đốt. Nhưng vết sưng không đỡ chút nào. Các bác sĩ thì nói đó chỉ là một dạng kích ứng da. Hai tuần trôi qua, cái vết đỏ giờ đã là một… cái lỗ. “Có gì đó rất bất thường đang xảy ra,” anh nghĩ, và lái xe đến Bệnh viện Austin ở Melbourne để khám lại.
Đó là tháng 4-2020 và dịch bệnh Covid-19 sau đó lây lan ở Úc. Bệnh viện quá đông, bác sĩ chỉ khám sơ cho anh, và nói “vết thương sẽ sớm lành thôi”, nhưng vết thương nhất định… không lành. Cái lỗ giờ to bằng trái banh ping-pong, làm cho Noel rất đau đớn. Lo lắng, Noel đến bệnh viện St Vincent’s, một trong những bệnh viện hàng đầu ở Úc. Ở đây, anh được yêu cầu nhập viện một tuần để lấy mẫu sinh thiết trước khi kết luận bệnh gì.
Kết quả, đó là vết lở Buruli: một bệnh do vi khuẩn gây ra có thể tạo thành vết thương hở lớn, và nếu không chữa trị kịp thời, sẽ gây ra tình trạng biến dạng vĩnh viễn. Bệnh lở loét Buruli do một vi khuẩn ăn thịt người gây ra, có thể hủy hoại các vùng mô mềm nếu không chữa trị kịp thời.
Mất khoảng sáu tuần kể từ khi Noel để ý thấy có dấu hiệu bất thường cho đến khi anh có kết quả sinh thiết chắc chắn và uống đúng thuốc điều trị. Các bác sĩ nói, nếu không được điều trị sớm, vi khuẩn sẽ “ăn” cả bàn chân của anh.
Trước khi chú ý đến vết sưng ban đầu, Noel dành nhiều thời gian làm việc trong vườn, đào đất để lấy chỗ dựng một nhà kho lớn. “Tôi chặt một số cây đã mọc ở đó, không bị ai đụng đến từ khoảng 20 năm nay,” anh kể lại với BBC. “Tôi tin là [mình bị vết lở] trùng hợp với việc phá cây và nơi sinh sống của chồn túi possum.”
Đúng vậy. Chồn túi possum. Các nhà khoa học tin rằng những sinh vật ăn đêm với bộ lông dày này có thể đóng vai trò chính lây truyền bệnh lở ăn da Buruli cho con người. Chúng cũng có thể nhiễm bệnh, và vi khuẩn Buruli – còn gọi là Mycobacterium ulcerans – có trong phân của loài động vật này với số lượng lớn.
Hầu hết môi trường sinh sống tự nhiên của loài thú có túi sống về đêm này đã biến mất vì quá trình phát triển trong những năm gần đây, khiến con người và chồn túi sống gần nhau hơn, cạnh tranh nhau để giành không gian sống, và có thể đây là nguyên nhân làm gia tăng số ca nhiễm bệnh.
Một bệnh nhân bị bệnh lở Buruli. Hình minh họa. (WHO)
Bệnh lan từ nông thôn ra thành thị
Từng chỉ có ở vùng nông thôn, giờ đây bệnh lở ăn da Buruli đã lan gần hơn đến thành phố Melbourne. Hiện nay các bác sĩ và những nhà khoa học đang cố gắng ngăn chặn bệnh trước khi nó tràn đến vùng có dân số 5 triệu người này.
Khi có ca bệnh nghi lở da vì vi khuẩn ăn thịt, hầu hết bệnh nhân được chỉ định đến gặp bác sĩ Daniel O’Brien, chuyên về bệnh truyền nhiễm và là chuyên gia về bệnh lở da Buruli. Bác sĩ O’Brien cho biết, mỗi tuần ông khám khoảng từ 5 đến 10 bệnh nhân mới.
Bệnh lở da Buruli có thể nhanh chóng phá hủy da và phần mô mềm nếu không được chữa trị bằng cách kết hợp một số loại kháng sinh và steroid đặc thù trong nhiều tuần, và với nhiều ca bệnh có thể phải điều trị nhiều tháng. “Dù vết thương nhỏ hay lớn, ai cũng bị ảnh hưởng đáng kể vì căn bệnh này,” O’Brien nói. “Vết lở hung hãn có thể gây biến dạng cơ thể, buộc phải làm đại phẫu và dẫn đến tình trạng khuyết tật về lâu dài. Nó có thể ăn hẳn cả một chi trên người,” bác sĩ O’Brien nói.
Phương thức chữa trị cũng có thể khiến người bệnh rất mệt mỏi. Các steroid mà Noel dùng khiến anh hết sức căng thẳng. “Khi không phải uống thuốc kháng sinh nữa, tôi mừng quá chừng luôn!” Noel chia sẻ. Các bệnh nhân khác nói kháng sinh khiến họ phát bệnh, bị lở ở miệng và bộ phận sinh dục và bị đau bao tử.
“Khó chịu ghê gớm và chẳng có gì làm tôi vui vẻ được,” Cheryle Michael, một người đã nghỉ hưu và mắc chứng lở da Buruli trên mặt vào tháng 8-2020 và đến giờ vẫn phải dùng thuốc, nói. “Các steroid khiến tôi bị trầm cảm, mệt mỏi và mất hết động lực,” bà kể lại. Kháng sinh khiến bà bị đau bụng và hay hồi hộp lo lắng khi đi ra khỏi nhà. “Tôi thực sự không muốn đi đâu quá xa khỏi nhà vệ sinh,” bà nói.
Chứng lở da ăn thịt Buruli được điều trị bằng cách sử dụng hai loại kháng sinh mạnh liều cao, mà người bệnh phải uống trong nhiều tuần và thường là vài tháng: đó là rifampicin, là loại kháng sinh cũng được dùng để trị các loại nhiễm khuẩn nghiêm trọng khác như bệnh lao và bệnh phong; và moxifloxacin, dùng để trị bệnh dịch hạch.
Tùy thuộc vào tình trạng nghiêm trọng của vết lở, người ta cũng kê thêm steroid liều cao, cũng như phẫu thuật. “Chẳng có cách chữa trị nào là dễ dàng. [Bệnh nhân] đều phải chịu khổ sở ở mức độ nào đó,” bác sĩ O’Brien nói.
“Chúng tôi chưa có đủ thông tin về căn bệnh này. Có một số câu hỏi khoa học rất quan trọng như bệnh này xuất phát từ đâu trong môi trường, động vật mang vi khuẩn ký sinh ra sao, và con người bị nhiễm bệnh qua đường nào,” O’Brien nói. “Nếu ta không tìm được câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng, chúng ta sẽ thực sự gặp khó khăn khi tìm cách kiểm soát căn bệnh.”
Hiện thời, các nhà khoa học đang tìm hiểu giả thiết rằng vi khuẩn này lây lan nhanh hơn do chồn túi possum và phân của nó. Muỗi và các côn trùng đốt khác mang vi khuẩn này từ chồn túi possum hoặc từ môi trường và lây cho con người, đốt trên da và để lại vi khuẩn gây bệnh lở Buruli.
Nhưng đây vẫn còn là lý thuyết, và không ai biết chắc liệu con người lây bệnh này từ muỗi, từ đất hay từ bản thân loài chồn túi possum.
Nguồn: SGN