Nhiều bệnh nhân lớn tuổi bị ung thư di căn đến các bộ phận khác của cơ thể vẫn tiếp tục được bác sĩ đề nghị xạ trị liều cao, cho dù đã có một số hướng dẫn khuyến cáo không nên dùng phương pháp này trong các trường hợp như vậy, theo kết quả phân tích được JAMA Health Forum công bố vào hôm Thứ Sáu, 14 Tháng Giêng.
Các nhà nghiên cứu cho biết trong hơn 500,000 ca xạ trị của bệnh nhân trong chương trình chăm sóc sức khỏe Medicare, có gần 4% người tử vong trong vòng 90 ngày kể từ lần điều trị cuối cùng, theo bản tin của UPI.
Bác Sĩ quang tuyến xem xét hình phổi của một bệnh nhân. (Hình minh họa: Pascal Pochard-Casabianca/AFP via Getty Images)
Tất cả bệnh nhân tử vong đều bị ung thư di căn đến não hoặc xương, trong đó có hơn một nửa là người lớn tuổi và 22% người từng nhận được từ 10 lần xạ trị trở lên trong quãng thời gian cuối đời.
Theo các nhà nghiên cứu, những hướng dẫn điều trị hiện tại khuyến cáo không nên sử dụng liệu pháp bức xạ ở những người bị ung thư di căn từ vị trí ban đầu sang các bộ phận khác của cơ thể.
Bác Sĩ Patricia Santos, ở Memorial Sloan-Kettering Cancer Center tại thành phố New York, đồng tác giả nghiên cứu, nói với UPI qua email rằng: “Mặc dù nhiều hướng dẫn khuyên không nên trị liệu bằng bức xạ nhưng có tới khoảng 1/5 bệnh nhân nhận được các chương trình xạ trị dài ngày, hoặc hơn 10 đợt xạ trị cho di căn xương hoặc não vào giai đoạn cuối đời.”
Hướng dẫn nêu trên được đưa ra phần lớn để những người có nguy cơ qua đời vì căn bệnh này không phải chịu đau đớn vào cuối đời, do áp dụng xạ trị liều cao lên các khối u gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng như mệt mỏi, rụng tóc và nôn mửa, bởi vì xạ trị không chỉ tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư mà còn có thể ảnh hưởng đến tế bào khỏe mạnh lân cận, theo National Cancer Institute.
Ngoài ra, 53% số bệnh nhân trong nghiên cứu nằm ở độ tuổi từ 65-74 tuổi.
Bác Sĩ Santos nói: “Điều trị quá mức cần thiết hơn có khi còn gây hại ngược lại cho cơ thể, trong khi hiệu quả thì rất ít hoặc thậm chí là không có.” (V.Giang)