Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) hồi tuần trước cảnh báo rằng hệ thống y tế các nước Châu Âu không thể tránh khỏi tình trạng tràn ngập vì các ca nhiễm Omicron tăng chóng mặt, theo hãng thông tấn AP hôm Chủ Nhật, 16 Tháng Giêng.
Thậm chí đến những nước có chương trình y tế quốc gia khá mạnh như Pháp, Anh hay Tây Ban Nha, tình trạng này cũng diễn ra.
Cửa vào khu điều trị ICU tại bệnh viện ở Marseille, Pháp. (Hình minh họa: Nicolas Tucat/AFP via Getty Images)
“Chúng tôi đã phải từ chối rất nhiều bệnh nhân. Chính những người không nhiễm Covid-19 lại là nạn nhân của tình trạng quá sức chứa hiện nay,” Bác Sĩ Julie Helms của khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) bệnh viện Strasbourg University Hospital bày tỏ lo lắng.
Hai năm qua, dịch Covid-19, với gần đây nhất là biến thể Omicron, khiến nhiều quốc gia phải xét lại khả năng chịu đựng của hệ thống y tế. Theo các chuyên gia, vấn đề là vì có rất ít hệ thống y tế đủ linh hoạt để giải quyết khủng hoảng như tình hình hiện nay trước khi đại dịch xảy ra. Còn bây giờ khi đang bận bịu với đại dịch họ cũng không có thời gian cải tiến hệ thống.
Tỉ lệ nhập viện bình quân đầu người hiện nay ở Pháp, Ý và Tây Ban Nha cao ngang ngửa mùa Xuân năm ngoái, thời gian ba quốc gia này tiến hành phong tỏa và những biện pháp cách ly khác. Còn tỉ lệ nhập viện ở Anh tính đến ngày 9 Tháng Giêng cao hơn một chút so với thời điểm đầu Tháng Hai, 2021.
Tuy nhiên lần này không nước nào phong tỏa. Viện Đánh Giá Và Đo Lường Sức Khỏe, có trụ sở ở Washington, DC, dự đoán có hơn một nửa dân số của 53 quốc gia Châu Âu sẽ bị nhiễm Omicron trong vòng hai tháng tới. Trong số này bao gồm cả bác sĩ, y tá và nhân viên bệnh viện.
Tại Strasbourg, có khoảng 15% trong số 13,000 nhân viên y tế nghỉ làm. Thậm chí tại một số bệnh viện tỉ lệ này lên đến 20%. Các nhân viên còn lại phải xoay ra để bù vào chỗ trống. Những bệnh nhân nhẹ hơn phải chờ để được khám.
Khu ICU với 26 giường ở bệnh viện Strasbourg University Hospital đều đầy chật bệnh nhân, và họ cũng đều là những người chưa chích ngừa. Bà Helms cho biết mình phải từ chối tiếp nhận 12 bệnh nhân tuần này và 10 bệnh nhân hôm tối Thứ Tư, 12 Tháng Giêng.
Tương tự như ở Pháp, tại Anh biến thể Omicron cũng làm lung lay hệ thống y tế mặc dù loại biến thể này được dự báo không gây nguy hiểm như Delta. Chính phủ Anh trong tháng này chỉ định quân nhân, bao gồm lực lượng quân y, đến trợ giúp cho các bệnh viện ở London. Trước đó có nhiều quân nhân giúp quản trị vaccine và vận hành xe cứu thương.
Tại bệnh viện Royal Free Hospital ở London, Bác Sĩ Leye Ajayi chia sẻ câu chuyện về một bệnh nhân bị hoãn buổi chẩn đoán ung thư sớm của mình.
“Không may là khi chúng tôi có thể chẩn đoán, thì ung thư của ông ấy đã di căn. Còn hiện tại chúng tôi đang thảo luận phương án điều trị với một bệnh nhân khác khoảng hơn 50 tuổi. Nếu chúng tôi có thể khám cho người này một năm trước thì ông ấy có thể được phẫu thuật. Còn bây giờ chỉ có thể thực hiện các biện pháp chăm sóc giảm đau đớn,” Bác Sĩ Ajayi chia sẻ.
Khu ICU cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Cremona, Ý. (Hình minh họa: Miguel Medina/AFP via Getty Images)
Theo dữ liệu từ Cơ Quan Sức Khỏe Anh (NHS), có khoảng 13,000 bệnh nhân phải đứng chờ hơn 12 tiếng để có giường trống. Trong khi đó quốc gia này còn khoảng 5.9 triệu người đang chờ khám sàng lọc ung thư, giải phẫu theo lịch trình và các dịch vụ chăm sóc khác. Một số chuyên gia ước tính con số có thể tăng gấp đôi trong ba năm tới.
Bác Sĩ Tim Cooksley, chủ tịch Hiệp Hội Y Học Cấp Tính, nhấn mạnh: “Chúng ta cần tập trung vào lý do vì sao hệ thống y tế không đáp ứng nổi và phải gồng gánh trong nhiều năm như vậy, cũng như xây dựng giải pháp cải tiến trong ngắn hạn và dài hạn.”
Việc đủ khả năng để chống đỡ khi các ca nhập viện tăng vọt mà một điều thiết yếu với bất kỳ hệ thống y tế nào. Và nhiều người dân Châu Âu rất kinh ngạc khi nhận ra quốc gia của mình thiếu điều này.
Trong đợt bùng dịch đầu tiên, hồi Tháng Tư, 2020, văn phòng Châu Âu của WHO đưa ra hướng dẫn xây dựng hệ thống y tế để đối phó với những đợt bùng phát, bao gồm cả việc chuẩn bị lực lượng y tế tạm thời.
“Mặc dù nhiều nước nghĩ rằng họ đã chuẩn bị đủ để đương đầu với dịch lâu dài, thế nhưng thực tế không như vậy. Giờ đây khi đang trong trận chiến họ mới xây dựng nhân sự,” Bác Sĩ David Heymann, người trước đây từng lãnh đạo cơ quan bệnh truyền nhiễm của WHO, cho biết.
Ở Pháp, giới chức cắt giảm giường bệnh, bác sĩ và hộ lý từ nhiều năm trước khi đại dịch xảy ra. Nếu muốn phục hồi nguyên trạng thì cần mất vài tháng, trong khi tình hình bây giờ quá cấp thiết, mỗi ngày có hàng trăm nhân viên y tế nhiễm Covid-19.
Liên Đoàn NHS của Anh cho biết dịch vụ y tế công cộng đang sụp đổ trong đại dịch khi thiếu khoảng 100,000 nhân viên y tế.
Còn ở Tây Ban Nha, đợt bùng dịch đầu tiên đẩy hệ thống y tế nước này đến mức giới hạn. Các bệnh viện phải dựng giường ICU trong phòng mổ, phòng tập thể dục và thư viện để điều trị thêm bệnh nhân. Cộng đồng chứng kiến cảnh này mà kinh hoàng. Những người về hưu chết trong viện dưỡng lão, không được đưa đến các bệnh viện vì quá sức chứa.
Sau đợt ấy, chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố sẽ không để tình trạng như vậy tiếp tục lặp lại. Họ làm việc với các cơ quan y tế, thiết kế một thứ gọi là “kế hoạch thích ứng” để đối phó với những thay đổi đột ngột về nhu cầu dịch vụ, đặc biệt là ICU.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn chỉ trích chính sách y tế của Tây Ban Nha và nói rằng họ đã cảnh báo giới chức từ nhiều năm trước về tình trạng thiếu nhân lực, một nguyên nhân chính dẫn đến tình hình hỗn loạn như hiện nay.
Bác Sĩ Martin McKee, giáo sư y tế cộng đồng ở London School of Hygiene and Tropical Medicine, cho biết: “Điều quan trọng là phải linh hoạt. Phải có các tòa nhà đủ linh hoạt để mở rộng, có đủ nhân viên để linh hoạt xoay ca trực, đủ linh hoạt để chia sẻ sức tiếp nhận cho các khu vực. Không phải nâng cấp số giường bệnh, mà quan trọng là số nhân viên túc trực một giường bệnh.”
Bà Helms là người hiểu rõ nhất tình trạng này. Khoa ICU của bà có 30 giường bệnh tuy nhiên chỉ đủ nhân viên y tế cho 26 giường.
Trong khi đó, tại khoa bệnh truyền nhiễm của bệnh viện Strasbourg University Hospital, những nhân viên xếp lịch phải mượn nhân viên từ những khoa khác. Điều có có nghĩa những bệnh nhân không điều trị Covid-19 sẽ không nhận được đầy đủ dịch vụ chăm sóc.
Bác Sĩ Nicolas Lefebvre, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm ở Strasbourg University Hospital, cho biết Châu Âu đã chuẩn bị để đối phó với những đợt bùng dịch lẻ tẻ như trong quá khứ. Tuy nhiên thực tế thì đại dịch Covid-19 bộc lộ điểm yếu của toàn bộ hệ thống y tế, ngay cả tại những quốc gia nơi được xem có hệ thống y tế tối tân nhất.
Ông Frédéric Valletoux, chủ tịch Liên Đoàn Bệnh Viện Pháp, cho biết các nhà hoạch định chính sách cấp quốc gia đang nhận thức rất rõ về vấn đề này. Trong năm 2022, liên đoàn sẽ yêu cầu bổ sung nguồn lực nhân viên y tế. (V.Giang)
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/ca-nhiem-omicron-tang-vot-he-thong-y-te-chau-au-boc-lo-yeu-kem/