Một nghiên cứu mới từ trường Dược của đại học University of Eastern Finland cho thấy hai loại thuốc viêm khớp dạng thấp có thể làm giảm mắc bệnh Parkinson. Kết quả nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Neurology, theo bản tin UPI hôm Thứ Sáu, 28 Tháng Giêng.
Trước đó một vài nghiên cứu khác cho thấy người bị bệnh viêm khớp dạng thấp lại ít bị Parkinson hơn. Từ đó người ta suy đoán rằng một nhóm thuốc trị viêm khớp dạng thấp có tên “thuốc chống viêm khớp dạng thấp tác dụng chậm” (DMARD) có thể giúp giảm mắc bệnh Parkinson.
Tài tử Michael J. Fox, người mắc bệnh Parkinson. (Hình minh họa: Tim Sloan/AFP via Getty Images)
Để tìm hiểu thêm về điều này, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu dữ liệu từ hàng ngàn bệnh nhân ở Phần Lan.
Kết quả cho thấy việc sử dụng hầu hết các loại DMARD, bao gồm methotrexate, sulfasalazine, chế phẩm từ vàng và thuốc ức chế miễn dịch, trong vòng ít nhất ba năm trước khi chẩn đoán Parkinson lại không có quan hệ gì đến việc giảm mắc bệnh Parkinson.
Tuy nhiên các nhà khoa học lại thấy rằng bệnh nhân viêm khớp dạng thấp dùng các loại DMARD như chloroquine hay hydroxychloroquine lại có thể giảm mắc bệnh Parkinson tới hơn 26%.
Theo họ, cả hai loại thuốc này đều tác dụng lên hệ miễn dịch và từng được chứng minh có khả năng chống Parkinson trên thú vật. Tuy nhiên kết quả thí nghiệm trên thú vật thường khác so với kết quả ở người.
Hiện tại nhóm nghiên cứu đang kêu gọi tìm hiểu thêm về khả năng chống Parkinson của hai loại thuốc này.
Cuộc nghiên cứu được sự tài trợ của tổ chức “Michael J. Fox Foundation for Parkinson’s Research.”
Các nghiên cứu trước đó từng liên hệ bệnh viêm khớp dạng thấp với Parkinson. Tuy nhiên các kết quả lại trái ngược nhau. (V.Giang)