
Nữ danh ca Thái Thanh, người được mệnh danh “tiếng hát vượt thời gian,” vừa qua đời lúc 11 giờ 50 phút sáng Thứ Ba, 17 Tháng Ba, tại Little Saigon, theo MC Trần Quốc Bảo, một người quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ người Việt ở hải ngoại, nói với nhật báo Người Việt.
Nhật báo có gọi điện thoại cho ca sĩ Ý Lan, ái nữ của danh ca, và để lại lời nhắn nhiều lần, nhưng chưa được hồi âm.
Nữ danh ca Thái Thanh tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh ngày 5 Tháng Tám, 1934 tại Hà Nội, trong một gia đình mà hầu hết người thân đều là những tên tuổi gạo cội của làng âm nhạc Việt Nam.
Theo “music.quehuong.org,” “thân phụ của bà là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông sinh được hai người con trai là Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long.”
“Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có ba người con, trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy; con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, tức ca sĩ Hoài Bắc, và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh.”
Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA), qua một bài viết hồi năm 2014, nhân dịp nữ danh ca 80 tuổi, “nhờ ảnh hưởng từ nhạc cụ dân tộc của cha, Thái Thanh đã tự luyện âm theo lối chầu văn, hát chèo, vì thế tiếng hát của bà nồng đượm các làn điệu dân ca quê hương… về sau do tự học sách nhạc của Pháp mà tiếng hát đặc biệt của bà lại hòa trộn được giữa chất opera của phương Tây và chất dân ca dung dị của Việt Nam.”
“Giới phê bình đánh giá âm vực trong lời ca của Thái Thanh độc nhất vô nhị, từ cách luyến láy da diết tình quê cho đến giọng ngân du dương sang trọng. Thái Thanh được xem như một trong những giọng ca tiêu biểu nhất của dòng tân nhạc Việt Nam, tiếng hát của bà được đánh giá là ‘đệ nhất danh ca’ của dòng nhạc tiền chiến cũng như nhạc tình miền Nam giai đoạn 1954 – 1975,” RFA viết tiếp.
Tên tuổi Thái Thanh trở nên lẫy lừng kể từ thập niên 1950 cho đến những ngày cuối của miền Nam Việt Nam. Tiếng hát đó đã ngự trị trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh cũng như truyền hình.
Ngoài ra, bà còn được đặc biệt chú ý khi cùng các anh thành lập ban hợp ca Thăng Long.
Riêng trong địa hạt vũ trường, tên tuổi Thái Thanh được nhắc nhở đến nhiều khi cất tiếng hát tại vũ trường Ðêm Mầu Hồng vào đầu thập niên 1970.
Nữ danh ca lập gia đình với tài tử Lê Quỳnh vào khoảng giữa thập niên 1950, nhưng sau này chính thức ly dị khi người con gái đầu lòng là nữ ca sĩ Ý Lan mới được 8 tuổi.
Ngoài Ý Lan là một trong những nữ ca sĩ thành danh tại hải ngoại, một người con gái khác của Thái thanh là Quỳnh Hương, cũng là một giọng ca nổi tiếng và là một MC duyên dáng.
Nhờ thừa hưởng dòng máu nghệ sĩ của bà ngoại, con gái của Ý Lan hiện cũng đang là một tiếng hát trẻ nhiều triển vọng.
Sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, bà ở lại quê nhà cho đến năm 1985 chuyển sang định cư ở Hoa Kỳ.
Sau khi ra đến hải ngoại, những năm đầu tiên, Thái Thanh được coi là một trong những ca sĩ được mời đi lưu diễn nhiều nhất, cùng một lúc tiếng hát này được mời thu thanh trên nhiều CD của trung tâm Diễm Xưa. Sau đó Thái Thanh mở lớp dạy hát tại cùng địa điểm dạy nhạc của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi ở Orange County.
Năm 1999, bà quyết định giải nghệ khi được 65 tuổi. Sự kiện này được đánh dấu bằng một đêm trình diễn đặc biệt của bà cùng với các con và cháu.
Những ca khúc làm nên tên tuổi của nữ danh ca Thái Thanh phần nhiều là do nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác hoặc phổ nhạc như “Tình Hoài Hương,” “Ngày Xưa Hoàng Thị,” “Trả Lại Em Yêu,” “Nửa Hồn Thương Đau,” “Nghìn Trùng Xa Cách,” “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng,” và “Kỷ Vật Cho Em”… và của một số nhạc sĩ khác. (Đ.D.)
Tiếng Chim Thanh Đã Chính Thức Vượt Thời Gian
Vào sáng ngày 17/03, giới yêu nhạc Việt Nam nhận thêm một tin buồn: nữ ca sĩ Thái Thanh đã về cõi vĩnh hằng tại miền Nam Cali trong tình thương yêu của con cháu, gia đình, hưởng thọ 86 tuổi.
Như vậy là Tiếng Chim Thanh đã chính thức vượt khái niệm thời gian để sống với đời sống không có tuổi tác trong lòng hàng triệu người ngưỡng mộ. Tiếng Chim Thanh là cách gọi riêng của nhạc sĩ Phạm Duy đối với giọng hát gắn liền với nhiều ca khúc bất tử của ông. Còn Tiếng Hát Vượt Thời Gian là biệt danh của nhà văn Mai Thảo, sau này cũng gắn liền với cái tên Thái Thanh như một định ngữ chính xác nhất dành cho tiếng hát của bà.
Có thể nói rằng, cũng giống như nhạc sĩ Phạm Duy trong giới sáng tác ca khúc, giọng hát của ca sĩ Thái Thanh có chỗ đứng độc nhất vô nhị trong giới ca sĩ Việt Nam của mọi thời đại. Mọi sự so sánh đều khập khiễng.
Trích tiểu sử của Thái Thanh trên trang mạng Wikipedia: “…Thái Thanh tên khai sinh Phạm Thị Băng Thanh; sinh ngày 5 tháng 8 năm 1934 tại Bạch Mai, Hà Nội trong một gia đình có truyền thống văn nghệ. Cha của bà là Phạm Đình Phụng, có 2 vợ, vợ trước sinh ra Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm, vợ sau sinh ra Phạm Thị Quang Thái (Thái Hằng), Phạm Đình Chương và con út là Phạm Thị Băng Thanh…Năm 1946, Băng Thanh tản cư cùng gia đình vào Chợ Đại, Thanh Hóa vùng kháng chiến nơi bà bắt đầu hát lúc 14 tuổi. Cũng năm này Thái Hằng cưới nhạc sĩ Phạm Duy. Năm 1951 gia đình Phạm Duy về Hà Nội rồi chuyển vào Sài Gòn sống, Thái Thanh cũng đi theo… Năm 1956, Thái Thanh kết hôn với tài tử Lê Quỳnh tại Sài Gòn… có chung với nhau ba con gái và hai con trai... Phạm Thị Băng Thanh bắt đầu sự nghiệp ca hát từ năm 14 tuổi với các nghệ danh Băng Thanh, Thái Thanh… Thời kỳ đầu, bà thường hát chung với ca sĩ Thái Hằng ở các chiến khu Việt Minh và nổi tiếng với các bài tân nhạc thời kỳ đầu, hay các bài dân ca mới của Phạm Duy… Trong giai đoạn đầu thập niên 1970, bà cùng với ban hợp ca Thăng Long thường xuyên biểu diễn tại vũ trường Đêm Màu Hồng... Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, Thái Thanh ở lại Việt Nam. Ban đầu bà được chính quyền cộng sản mời biểu diễn các ca khúc cách mạng, nhưng Thái Thanh không chấp nhận. Do không có thái độ hợp tác, bà bị cấm hát suốt 10 năm, cho đến khi rời khỏi Việt Nam năm 1985...”
Nhắc đến Thái Thanh, khán giả thường liên tưởng đến một giọng hát có đầy kỹ thuật điêu luyện theo kiểu opera, nhưng lại có những lối ngân nga, luyến láy, buông chữ, chấm ngắt câu như cách hát các làn điệu dân ca cổ truyền của miền Bắc Việt Nam. Một sự phối hợp Đông – Tây tuyệt hảo đến mức hiếm thấy. Khi Thái Thanh hát các ca khúc cổ điển do Phạm Duy đặt lời Việt như Dòng Sông Xanh, Chiều Tà, Dạ Khúc… người nghe nghĩ rằng đây là một giọng hát được đào tạo chính qui từ các trường âm nhạc Tây Phương. Nhưng khi Thái Thanh hát các ca khúc dân ca cải biên của Phạm Duy như Bà Mẹ Quê, Ngày Trở Về, Dân Ca Thương Binh… khán giả lại tưởng như nghe một giọng hát ru của một bà mẹ quê miền Bắc.
Giọng hát Thái Thanh không phô diễn kỹ thuật, mà dùng kỹ thuật để diễn tả cái hồn của bài hát và tâm tư của chính mình. Nghe bà hát, người nghe luôn có cảm tưởng là bà hiểu rất rõ những tâm sự mà tác giả gởi vào ca khúc. Mà có khi đó lại là tâm sự, kinh nghiệm sống của chính Thái Thanh. Nếu như sống trọn vẹn cuộc đời của mình là chìa khoá để Phạm Duy có những ca khúc để đời, thì có lẽ thương yêu- hờn giận, khóc- cười với cả trọn vẹn con tim đã khiến tiếng hát Thái Thanh đi thẳng vào lòng người. Có nhiều khán giả có cùng nhận xét: khi còn trẻ, họ chưa cảm được tiếng hát Thái Thanh. Chỉ khi nào đã lăn lộn trong cuộc sống, đã yêu, đã thất tình, đã hưởng vinh chịu nhục trong xã hội, lúc đó mới thấy Thái Thanh hát hay đến chừng nào! Một câu hát trong một bài hát thường được dùng để đại diện cho sự độc nhất vô nhị của giọng hát Thái Thanh: câu đầu tiên trong ca khúc Buồn Tàn Thu. “Ai… lướt… đi ngoài sương gió…” . Trong ba trường canh đầu, tác giả Văn Cao chỉ viết có đúng 6 nốt nhạc. Không luyến láy. Như vậy mà chỉ trong 6 nốt nhạc này, giọng hát Thái Thanh như vẽ ra được cả một khung cảnh trời thu hiu hắt, gió thu lạnh, có bóng một người cô lữ đang lầm lũi trên đường vắng. Từ “lướt” là nốt cao nhất, nhưng Thái Thanh chỉ “lướt” qua nó, nhẹ và buồn như một làn gió thu heo may. Nhiều người cho rằng đây là cách diễn đạt hay nhất của một ca sĩ đối với câu hát bất hủ này.
Nói đến Thái Thanh, là nhắc đến ca khúc của Phạm Duy. Những ai lớn lên trong Miền Nam trước 1975, đã từng xem truyền hình, có lẽ sẽ không thể quên được tiếng hát Thái Thanh với ca khúc Tình Hoài Hương, trong đoạn mở đầu của chương trình Quê Hương Mến Yêu. Hình ảnh những con sông đào quanh co của miền Nam, với cô lái đò chèo thuyền qua những hàng dừa nghiêng bóng, những chiếc cầu khỉ đơn sơ. Tiếng hát Thái Thanh sâu thẳm làm nền cho quê hương sông nước Miền Nam:
Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya, vẳng tiếng lúa đê mê…
Những ca khúc quê hương của Phạm Duy qua tiếng hát Thái Thanh đã nuôi dưỡng tình yêu quê hương Việt Nam của biết bao thế hệ. Không thể kể hết những ca khúc Phạm Duy- tiếng hát Thái Thanh đã làm nét đẹp của đất nước- con người- tiếng nói Việt Nam trở thành bất tử: Tình Ca, Quê Nghèo, Bà Mẹ Gio Linh, Nương Chiều, Về Miền Trung, Chiều Về Trên Sông… Có người mê “Cô Thái” đến độ quả quyết rằng những ca khúc này “Cô Thái” đã đụng vào, thì không ai có thể hát hay hơn được! Mà “Cô Thái” đâu chỉ hát hay có ca khúc quê hương. Tình ca Phạm Duy cũng không thiếu những dấu ấn Thái Thanh: Nghìn Trùng Xa Cách, Tìm Nhau, Nước Mắt Rơi... Rồi những ca khúc mà chỉ có kỹ thuật chất giọng của Thái Thanh mới có thể diễn tả được, như Đường Chiều Lá Rụng. Còn phải kể đến 10 Bài Đạo Ca, với giọng hát Thái Thanh trước 1975 được giữ nguyên trong lần tái bản sau này tại hải ngoại. Có lẽ không thể đi tìm sự toàn hảo hơn cho tập ca khúc này, được thực hiện vào giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp của cả Phạm Duy và Thái Thanh.
Mà cũng sẽ là thiếu sót nếu nghĩ rằng Thái Thanh chỉ hát nhạc Phạm Duy mới hay. Thật ra, giọng hát Thái Thanh cũng gắn liền với nhiều ca khúc của Văn Cao (Buồn Tàn Thu, Bến Xuân), Dương Thiệu Tước (Bến Xuân Xanh), Phạm Đình Chương (cùng với Ban Hợp Ca Thăng Long trong trường ca Hội Trùng Dương, xuân khúc Ly Rượu Mừng…). Có thể nói rằng Thái Thanh là một phần không thể thiếu của nền âm nhạc Miền Nam trước 1975.
Những ngày Thái Thanh ở lại Việt Nam sau 1975, người ca sĩ đã không hát. Trong Tổ Khúc Bầy Chim Bỏ Xứ, Phạm Duy đã viết một phân khúc để nhắc đến Thái Thanh mang tên Lên Rừng Ba Mươi Sáu Thứ Chim, trong đó có đoạn:
…Nơi rừng nhà ba mươi sáu ơ chim ơ loài chim
Có con chim ở lại, có con chim đi rồi
Quan họ rằng, tôi hiểu rằng
Chim ở lại quyết, quyết không thua
Chim thuở nào, chim đã hót ơ
Tiếng chim vượt thời gian
Hát cho cho cuộc sống, hát cho cho cuộc tình
Quan họ rằng tôi hiểu rằng
Rằng chim hót tiếng chim Thanh
Chim ở nhà chim không hót ơ
Chim nhất định lặng thinh
Dẫu cho chim thèm khóc, dẫu cho chim thèm cười
Quan họ rằng tôi hiểu rằng
Chim gìn giữ tiếng, tiếng chim Thanh…
Rồi Tiếng Chim Thanh cũng ra được với bầu trời tự do, để lại cất cao tiếng hát tại hải ngoại một lần nữa. Trong một lần trả lời phỏng vấn với Đài VOA khi vừa sang Hoa Kỳ, khi được hỏi có nhắn nhủ gì với những người còn ở lại Việt Nam, Thái Thanh đã trích lời của nữ văn sĩ Pearl Buck: hãy sống dai hơn những gì mà mình không thích…
Nhưng rồi… Thái Thanh, cũng như rất nhiều văn nghệ sĩ Miền Nam khác, đã không thể sống lâu hơn, để nhìn thấy một đất nước Việt Nam với bầu trời tự do, hương thanh bình dâng phơi phới như bà đã từng được hít thở…
Nhưng cũng như nhạc sĩ Phạm Duy, có lẽ không ai có thể đem quê hương Việt Nam ra khỏi trái tim, tâm hồn của Thái Thanh. Bà đã từng và sẽ sống mãi với Mẹ Việt Nam. Và chính tiếng hát của Thái Thanh cũng đã trở thành một biểu tượng của Đất Mẹ, Núi Mẹ, Sông Mẹ, Biển Mẹ Việt Nam. Thái Thanh bây giờ chỉ hóa thân để trở về với Mẹ, để hòa quyện vào Mẹ Việt Nam muôn thuở:
Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ Việt Nam ơi!
Chúng con đã về khát khao hơi Mẹ
Chúng con xin thề giữ thơm quê Mẹ
Cuộc đời rồi phai tàn sau thế giới
Chỉ còn tình yêu của Mẹ mà thôi
Ôi! Mẹ Việt Nam!... (Trường Ca Mẹ Việt Nam)
Chúng con đã về khát khao hơi Mẹ
Chúng con xin thề giữ thơm quê Mẹ
Cuộc đời rồi phai tàn sau thế giới
Chỉ còn tình yêu của Mẹ mà thôi
Ôi! Mẹ Việt Nam!... (Trường Ca Mẹ Việt Nam)
Tiếng Chim Thanh nay đã vĩnh viễn vượt thời gian, không gian…
Cung Mi

Tiếng hát Thái Thanh đã Nghìn Trùng Xa Cách
Một ca sĩ được hàng triệu người Việt Nam yêu mến từ trước năm 1975 tại Miền Nam Việt Nam, từng gây xúc động cho hàng ngàn người Việt phải rời quê hương tại các trại tỵ nạn với ca khúc “Nghìn Trùng Xa Cách,” đã ra đi vĩnh viễn vào trưa thứ Ba, 17 tháng 3, 2020 tại Nam California, theo các nguồn tin thân cận với gia đình của nữ ca sĩ Thái Thanh. Bà đã hưởng thọ 86 tuổi.
Dưới đây là trích đoạn từ bài viết mang tựa đề “Thái Thanh và Tình Hoài Hương” được đăng trên trang Facebook của Hùng Đinh:
Trong một chương trình nhạc Phạm Duy ở hải ngoại nhiều năm về trước, nhạc sĩ Phạm Duy có bày tỏ lòng tri ân đối với người em vợ của ông là nữ ca sĩ Thái Thanh: “Không có Thái Thanh thì sẽ không có ai biết đến Phạm Duy.” Câu nói của Phạm Duy không phải là một lời xưng tụng quá mức vì Thái Thanh thật sự là người đã thể hiện xuất sắc rất nhiều ca khúc do ông sáng tác.
Trong một chương trình nhạc Phạm Duy ở hải ngoại nhiều năm về trước, nhạc sĩ Phạm Duy có bày tỏ lòng tri ân đối với người em vợ của ông là nữ ca sĩ Thái Thanh: “Không có Thái Thanh thì sẽ không có ai biết đến Phạm Duy.” Câu nói của Phạm Duy không phải là một lời xưng tụng quá mức vì Thái Thanh thật sự là người đã thể hiện xuất sắc rất nhiều ca khúc do ông sáng tác.
Thái Thanh là thứ nữ của ông Phạm Đình Phụng với người vợ thứ hai. Người vợ đầu của ông Phạm Đình Phụng sinh được hai người con là Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Người vợ thứ hai sinh ra Phạm Thị Quang Thái (tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy), nhạc sĩ Phạm Đình Chương và con gái út Phạm Thị Băng Thanh (tức ca sĩ Thái Thanh). Thái Thanh còn một người chị gái lớn, sinh trước ca sĩ Thái Hằng, nhưng không may đã trúng bom chết khi còn nhỏ. Thái Thanh sinh ngày 5 tháng 8, 1934 tại làng Bạch Mai, Hà Nội.
Năm 1946, khi 12 tuổi, Thái Thanh theo các anh chị lên Sơn Tây tản cư. Người chị đầu của Thái Thanh đã bị trúng bom tử nạn nên cha mẹ cô lại đưa con chạy về xuôi, mở một quán phở đặt tên là Thăng Long. Thái Thanh bắt đầu hát từ năm 13, 14 tuổi nhưng từ nhỏ, cô không theo học nhạc ở trường lớp nào.
Chị em Phạm Thị Quang Thái, Phạm Đình Chương và Phạm Thị Băng Thanh thường biểu diễn ngay tại quán Thăng Long. Đầu năm 1949, chị em họ Phạm gia nhập các ban văn nghệ quân đội của Liên khu IV. Quán Thăng Long dời về chợ Neo (Thanh Hóa).
Tuy nhiên giọng hát của Thái Thanh chỉ được mọi người biết tới khi cô theo gia đình rời vùng kháng chiến, về thành và vào miền Nam vào năm 1951. Từ đó, tên tuổi của cô gắn liền với ban nhạc Thăng Long và những nhạc phẩm của Phạm Đình Chương, anh trai cô, Phạm Duy, anh rể cô, và rất nhiều nhạc sĩ khác cùng thời.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã ghi chép về khoảng thời gian thành lập ban hợp ca Thăng Long ở miền Nam: “Một buổi sáng tháng 6 năm 1951. Trên chuyến máy bay cất cánh từ Gia Lâm, lời chào tạm biệt Hà Nội chưa kịp tan trong lòng mọi người, gia đình họ Phạm đã tới Saigon vào một trưa hè sáng sủa và mát mẻ. Chúng tôi xuống sân bay Tân Sơn Nhứt với một lời chào khác: Saigon, chào em!
Để sinh sống trong cuộc đời đã đổi mới, chúng tôi tới hát tại Đài Phát Thanh Pháp-Á (Radio France-Asie), phòng thu thanh đặt ở đại lộ de La Somme (đường Hàm Nghi) gần chợ Bến Thành. Mấy anh em họ Phạm thành lập một ban hợp ca lấy tên là ban Thăng Long (tên này đã được dùng làm bảng hiệu cho quán phở gia đình ở Chợ Đại, Chợ Neo trước đây).
Rồi cũng trong tâm trạng lưu luyến dĩ vãng rất gần, Phạm Đình Viêm lấy tên là Hoài Trung, Phạm Đình Chương lấy tên là Hoài Bắc. Về phần nhạc mục (répertoire), ban Thăng Long đã có một số bài rất ăn khách do tôi soạn từ trước như “Nương Chiều,” “Gánh Lúa” hay mới soạn như “Tình Ca,” “Tình Hoài Hương”...
Ngoài ra những bài như “Nhạc Đường Xa” của Phạm Duy Nhượng, “Đợi Anh Về” của Văn Chung, “Được Mùa,” “Tiếng Dân Chài” của Phạm Đình Chương cũng được hát…
Băng Thanh, cô em út trong gia đình, đổi tên là Thái Thanh để đi đôi với tên chị Thái Hằng.
Thái Thanh khởi sự làm mê hoặc lòng người bằng giọng hát hãy còn rất mỏng của cô bé 17 tuổi. Bước vào nghề hát vào tuổi dậy thì, dù chẳng theo học một lớp dạy hát nào. Thái Thanh có lối hát rất Việt Nam, nghĩa là nhấn giọng vào từng chữ, giống như lối hát dân ca, hát chèo, hát chầu văn.
Những bài như “Tình Ca,” “Tình Hoài Hương” với âm vực rất rộng lúc đó được tôi soạn ra cốt để cho Thái Thanh hát và chỉ có cô mới hát nổi những nốt rất trầm (nốt Sol dưới) hoặc rất cao (nốt Sol trên) của hai tác phẩm này. Từ đó trở đi, đa số ca khúc của tôi đều dựa vào khả năng của giọng hát Thái Thanh. Cho tới khi tôi có thêm giọng Duy Quang, Julie và Thái Hiền…” (Hồi ký Phạm Duy, chương 1, tập 3)
Nữ ca sĩ Quỳnh Giao cũng nhận định về giọng ca Thái Thanh: "Thái Thanh có giọng hát đẹp như Kim Tước hay Ánh Tuyết, Mộc Lan, Châu Hà. Nhưng Thái Thanh lại khác hẳn mọi người ở khả năng phát âm rất rõ lời. Thái Thanh có sự bén nhạy thiên phú để hát mạch lạc từng câu, từng chữ với âm sắc hoàn toàn Việt Nam..." (Thái Thanh, Lời Ru Của Mẹ - Tạp ghi, tr. 310-311)
Nữ ca sĩ Quỳnh Giao cũng nhận định về giọng ca Thái Thanh: "Thái Thanh có giọng hát đẹp như Kim Tước hay Ánh Tuyết, Mộc Lan, Châu Hà. Nhưng Thái Thanh lại khác hẳn mọi người ở khả năng phát âm rất rõ lời. Thái Thanh có sự bén nhạy thiên phú để hát mạch lạc từng câu, từng chữ với âm sắc hoàn toàn Việt Nam..." (Thái Thanh, Lời Ru Của Mẹ - Tạp ghi, tr. 310-311)
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, các quan chức văn hóa đến kêu gọi cô hát các bài hát tuyên truyền cho chế độ mới, nhưng cô nhất quyết từ chối. Chính vì vậy, cô bị cấm trình diễn, cấm xuất hiện trên báo chí, truyền hình, phát thanh suốt 10 năm liền cho đến khi sang Mỹ định cư vào năm 1985.
Trong những năm đầu tiên tại Mỹ, cô là một trong những ca sĩ được mời đi lưu diễn nhiều nhất và được mời thu âm cho nhiều chương trình ca nhạc của Trung Tâm Diễm Xưa. Sau đó, cô mở lớp dạy hát tại nơi dạy nhạc của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi ở Quận Cam, California. Năm 1999, ở tuổi 65, cô quyết định giải nghệ và việc này được đánh dấu bằng một đêm trình diễn đặc biệt của cô cùng với các con và các cháu.
Phạm Duy đã chia sẻ về tâm tình của ông và bối cảnh trong đó ông đã viết ca khúc “Tình Hoài Hương,” ca khúc được Thái Thanh thể hiện thành công hơn ai hết: ”Gần hai năm đã trôi qua, kể từ ngày tôi bỏ vùng quê vào Hà Nội, rời miền Bắc vào miền Nam, lo ổn định nơi ăn chốn ở và thu xếp công kia việc nọ tại Sàigòn, rồi đi hát chỗ gần chỗ xa… Khi bắt đầu sáng tác lại, tôi soạn bài “Tình Hoài Hương” (1952).
Phạm Duy đã chia sẻ về tâm tình của ông và bối cảnh trong đó ông đã viết ca khúc “Tình Hoài Hương,” ca khúc được Thái Thanh thể hiện thành công hơn ai hết: ”Gần hai năm đã trôi qua, kể từ ngày tôi bỏ vùng quê vào Hà Nội, rời miền Bắc vào miền Nam, lo ổn định nơi ăn chốn ở và thu xếp công kia việc nọ tại Sàigòn, rồi đi hát chỗ gần chỗ xa… Khi bắt đầu sáng tác lại, tôi soạn bài “Tình Hoài Hương” (1952).
Nó là một bài hát hoài cảm, là sự nhớ nhung của riêng tôi đối với một nửa mảnh đất quê hương mà tôi vừa phải xa lìa. Ngờ đâu nó sẽ là bài hát hoài hương của một triệu người di cư vào Nam hai năm sau đó. Rồi khi một triệu người khác, trong một thời gian khác, nghĩa là sau ngày lịch sử 30 tháng 4 năm 1975, phải vượt trời, vượt biển ra khỏi bán đảo chữ S thì bài “Tình Hoài Hương” của 20 năm trước lại trở thành một bài hát rất hợp tình, hợp cảnh…
Bài hát nói tới sự nhớ thương con sông đào xinh xắn, nhớ phiên chợ chiều xa tắp, nhớ vòm tre non và làn khói ấm hương thôn nơi đó, trong mảnh đời thơ ngây của tôi, có con trâu lành nằm mộng bên đàn em bé, có mẹ già yêu dấu ngồi nghe tiếng sáo chơi vơi... Chao ôi là nhớ nhung!”
Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA), qua một bài viết hồi năm 2014, nhân dịp nữ danh ca 80 tuổi, “nhờ ảnh hưởng từ nhạc cụ dân tộc của cha, Thái Thanh đã tự luyện âm theo lối chầu văn, hát chèo, vì thế tiếng hát của bà nồng đượm các làn điệu dân ca quê hương… về sau do tự học sách nhạc của Pháp mà tiếng hát đặc biệt của bà lại hòa trộn được giữa chất opera của phương Tây và chất dân ca dung dị của Việt Nam.”
“Giới phê bình đánh giá âm vực trong lời ca của Thái Thanh độc nhất vô nhị, từ cách luyến láy da diết tình quê cho đến giọng ngân du dương sang trọng. Thái Thanh được xem như một trong những giọng ca tiêu biểu nhất của dòng tân nhạc Việt Nam, tiếng hát của bà được đánh giá là ‘đệ nhất danh ca’ của dòng nhạc tiền chiến cũng như nhạc tình miền Nam giai đoạn 1954 – 1975,” RFA viết tiếp.
Tên tuổi Thái Thanh trở nên lẫy lừng kể từ thập niên 1950 cho đến những ngày cuối của miền Nam Việt Nam. Tiếng hát đó đã ngự trị trên khắp các chương trình ca nhạc truyền thanh cũng như truyền hình.
Ngoài ra, bà còn được đặc biệt chú ý khi cùng các anh thành lập ban hợp ca Thăng Long.
Riêng trong địa hạt vũ trường, tên tuổi Thái Thanh được nhắc nhở đến nhiều khi cất tiếng hát tại vũ trường Ðêm Mầu Hồng vào đầu thập niên 1970.
Những ca khúc làm nên tên tuổi của nữ danh ca Thái Thanh phần nhiều là do nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác hoặc phổ nhạc như “Ngày Xưa Hoàng Thị,” “Trả Lại Em Yêu,” “Nửa Hồn Thương Đau,” “Nghìn Trùng Xa Cách,” “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng,” và “Kỷ Vật Cho Em”… và của một số nhạc sĩ khác.
Tôi được vinh dự lớn lên cùng "Tiếng hát vượt thời gian"!!!
Vào những năm 1968 - 1969 tại số nhà 265 bis đường Võ Tánh, Sài Gòn Tôi còn nhớ...
Phía trước là tiệm cho mướn bán phụ tùng xe hơi, phía sau là nhà ở thì nơi đó có một dàn máy thu băng reel nho nhỏ của một Giáo Sư dạy Triết nhưng ông rất "đam mê" giọng hát cô Thái Thanh và nhạc Phạm Duy. Ông đã gom hết tiền dành dụm để thực hiện cuốn băng SOLO album đầu tiên thu âm 1 tiếng hát của Việt Nam (thời đó thì những băng nhạc trên thị trường thường thu với nhiều tiếng hát) và vì ông dạy tiếng Pháp nên ông lấy chữ "Sélection = Tuyển chọn". Mở đầu cuốn băng trước bài Dòng Sông Xanh các bạn có thể nghe chính giọng ông đọc @ 00:26
"Đây Chương Trình của băng Nhạc Tuyển Selection với Tiếng hát Thái Thanh"
Một giọng đọc rất hùng hồn đầy hãnh diện giới thiệu sản phẩm đầu tay của mình. Ông chính là thân phụ của tôi mà tên các bạn thấy còn in ở mặt bìa sau: ông Tô Văn Lai. Lúc đó Trung Tâm Thúy Nga chưa ra đời nên Ba tôi phải nhờ Tiệm Lita ở Crystal Palace phát hành.
Những công việc Ba và Mẹ tôi làm sau này từ lúc thành lập Trung Tâm Thúy Nga đầu thập niên 70 đến giờ chắc hẳn những ai theo dõi Thúy Nga Paris By Night đều biết.
Tôi còn nhớ lúc nhỏ Ba tôi thu băng Thái Thanh Sélection để giao cho tiệm Lita bán nên tôi nghe hoài... đến nỗi ngán và sợ nghe luôn!!!
Bài Cỏ Hồng NS Phạm Duy vừa viết xong nét mực còn mới. Ba tôi đem lại phòng thu Pat Lâm cô Thái Thanh vừa đọc notes nhạc vừa hát dưới sự điều khiển của NS Lê Văn Thiện / Piano cùng phần đệm Keyboard NS Nguyễn Ánh 9 Sax Cao Phi Long Guitar Hoàng Liêm.. Những Nhạc Sĩ lừng danh của nền âm nhạc VN trước 1975.
Và bài hát cô yêu thích nhất trong băng nhạc này là "Ngàn Thu Áo Tím" của NS Hoàng Trọng theo lời Ba tôi kể lại.
Nhưng sau này lớn lên nhất là khi được kế nghiệp Ba Mẹ thì tôi mới biết quý trọng và biết thưởng thức tất cả những tinh tế trong giọng hát của Cô và hiểu được vì sao Cô được mệnh danh là "Thái Thanh Tiếng Hát Vượt Thời Gian"
Hôm nay Cô đã bỏ chúng ta đi, The Legend left us... nhưng chắc Cô sẽ đem theo toàn vẹn thương yêu của chúng ta và chúng ta sẽ giữ mãi dĩ vãng không nhạt màu của giọng hát khóc cười theo mệnh nước nổi trôi.
California, Ngày 17 tháng 3 năm 2020
Marie To
Nguồn: Fb Marie To