Tết là Xuân, là Năm Mới, là Lễ Hội. Tết mang tính linh thiêng đối với mọi người, mọi nhà, mọi giới, mọi tôn giáo.
Khi nào là Tết? Khi nào hết Tết?
Thuở nhỏ nhắc đến Tết như là cái gì còn lâu lắm, là cái gì phải trông chờ. Do vậy dân gian có câu: Tết Mọi, Tết Maróc, Tết Congo... như cái gì “còn khuya”, “còn lâu”!
Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè.
Dân Lục Tỉnh, hễ qua ngày Mồng 10 tháng Chạp là coi như Tết rồi. Mãi hết ngày Mồng 10 tháng Giêng năm sau thì cái không khí Tết mới hết dần đến cuối tháng Giêng là hết Tết.
Tết là mùa xuân của vạn vật. Mỗi năm xuân về một lần. Thế thì con gái tuổi nào là tuổi xuân? Xưa các cụ nói con gái tuổi trăng tròn là xuân. Thị Lộ tuổi trăng tròn lẻ, chắc chưa tới 20 tuổi, vẫn còn xuân nên phải lòng Nguyễn Trãi.
Tuổi nào là con gái, đàn bà hết xuân? Và bao nhiêu tuổi gọi là hồi xuân? Nói hồi xuân nhớ thuốc “Hồi Xuân Các” của nhà thuốc Võ Ðình Dần một thời bá chủ ở Nam Kỳ, không biết có giúp được cho quý bà “trở lại như thời con gái”như các bác sĩ Việt Nam quảng cáo ở Little Saigon bây giờ hay không?
Còn quý ông không ai nói trai xuân cả, mà nói trai tơ, trai tân. Trước khi đàn ông thành cụ, cũng trải qua giai đoạn hồi xuân. Nhà thuốc Võ Ðình Dần có loại “tam tinh hải cẩu bổ thận hoàn” giúp quý ông yêu đời vào cái tuổi cụ. Giờ đây, ở Hoa Kỳ có thuốc Viagra, tác dụng “thần sầu”, được mấy ông Việt Kiều về quê ăn Tết mua về làm quà!
Trong nước có loại Vevitra hình như của Pháp, nghe nói thua xa Viagra.
Thế giới hiện nay có 150 triệu đàn ông gặp trở ngại sinh lý gọi là tắt là bịnh ED (erectile dysfunction); Hoa Kỳ có 30 triệu và Việt Nam có 3 triệu bịnh ED.
Người miền Nam xem cây Mai Vàng biểu tượng cho mùa xuân, giống như cây Đào ở miền Bắc vậy.
Có lẽ cái tên Mai nói lên sự may mắn, đem mai vào nhà đầu năm nên cây Mai được ưa chuộng.
Ngoài Mai Vàng, còn có Mai Chiếu Thủy và Mai Tứ Quý cũng được trồng nhiều trong miền Nam. Mai Chiếu Thủy là loại mai bình dân, bông trắng, nhỏ, có mùi thơm, bông úp xuống nước nên gọi là mai chiếu thủy. Còn Mai Tứ Quý có bông 4 mùa gọi là Mai Tứ Quý; khi mới nở bông màu vàng, sắp già có hột thì bông chuyển sang đỏ. Bà con ta ở quận Cam, California, Tết cũng mua mai về chưng. Mai nằm trong bộ Mai-Lan-Cúc-Trúc tượng trưng 4 mùa.
Dân miệt vườn rất ưa chuộng bông Vạn Thọ. Vạn Thọ biểu thị cho sự sống lâu, bông lại có màu vàng cam lợt rất đẹp, mùi thơm dân dã rất gần với người lao động tay chân.
Ở Chợ Lớn Quận 6, có đồn Cây Mai. Cây Mai đó là cây mai gì? Có phải hoàng mai không? Mai đó là loại “Mai Mù U”, bông trắng nhụy vàng.
Mù u, bông trắng, lá quắn, nhụy huỳnh,
Thấy em lớn tuổi ở một mình anh thương.
(câu hò Lục Tỉnh)
Nói đến cây mù u nhớ thuở nhỏ ở quê đốt đèn bằng dầu mù u, khói đen ngòm, bay vào lỗ mũi dính đen như ống khói tàu!
Ðồn Cây Mai xưa là Gò Cây Mai, thời Sơ Nguyễn, thi nhơn xứ Gia Ðịnh đến đây ngâm vịnh, thưởng ngoạn cảnh đẹp và lập nên “Bạch Mai Thi Xã” nổi tiếng một thời.
Bà Sương Nguyệt Anh (không phải Ánh), con cụ Nguyễn Ðình Chiểu, chồng chết sớm có làm bài “Vịnh Cây Mai”nói lên tấm lòng tiết liệt, đoan trang ở vậy thờ chồng.
Tài không sắc, sắc không tai,
Lá úa nhành khô cũng tiếng mai...
Ðây mới đúng là mai vàng, mai Tết.
Tết mình có nguồn gốc từ Trung Hoa có hơn 100 năm trước Tây Lịch, kết tinh nhiều yếu tố “Văn Hóa Hoa” và “Phi Hoa” vùng Ðông Á và Ðông Nam Á. Tết Việt khác Tết Tàu, Tết Ðại Hàn, Tết Nhựt.
Tết du nhập vào Việt Nam, bị bỏ đi những cái gì không thích hợp, thâu nhận thêm yếu tố bản địa mà thành. Ðó là Tết Việt Nam.
Ngày Tết cái gì cũng mới. Chén đũa phải mới để cúng ông bà.
Ở dưới bếp, tấm thớt cũng được mấy bà chuẩn bị mới để chặt thịt heo, thịt gà. Thớt me là loại thớt tốt nhứt, vì gỗ me rất dai, chặt không ra dăm.
Bần giòn, ổi dẻo, me dai
Nên mấy bà Việt Kiều về Việt Nam hay mua thớt me đem về Mỹ, về Tây, về Úc.
Xưa Tây chiếm Saigon, đắp đường, trồng me hai bên làm bóng mát. Hàng me bên đường Saigon để lại nhiều kỷ niệm đối với bao thế hệ thanh niên, sinh viên, học sinh và thi nhơn Saigon xưa. Vào đầu mùa mưa, me ra lá non, rồi trổ bông, kết trái. Ðứng dưới bóng me thấy hơi lành lạnh, hơi ẩm ẩm, nghe ve kêu, thơ mộng làm sao, lãng mạn làm sao!
Cây xanh nói với lòng đường
Những khi im bóng lá thường nhớ nhau
(Thơ Nguyễn Tất Nhiên)
Me Saigon có cây cả 100 tuổi. Nghe nói sắp bị đốn dẹp bỏ, vì nó giữ nước gây ẩm ướt, ảnh hưởng đến môi sinh (?) Có lẽ mấy ông môi sinh hết chuyện làm chăng, hay muốn xuất cảng thớt me???
Bàn thờ ông bà được mọi nhà đặc biệt chưng dọn, cho đẹp vào dịp Tết. Bộ chưn đèn và lư hương là nét đặc thù của Văn Hóa Việt. Chưn đèn bằng gỗ quí, sau này các nhà giàu làm chưn đèn bằng đồng. Cái lư hương nói lên sự sáng tạo của nghệ nhân đúc đồng Gia Ðịnh, trong khi ở Huế và Hà Nội nghệ thuật đúc đồng thể hiện qua đỉnh đồng.
Nghề đúc đồng của ta có từ thời Phùng Nguyên đến thời Ðông Sơn, vô đến Huế, rồi vào Gia Ðịnh tập trung ở Chợ Quán, Tân Hòa Ðông, Thuận Kiều, Thông Tây Hội.
Khi Tây đến, mở trường Mỹ Nghệ Thủ Dầu Một và Biên Hòa thì kiểu dáng lư hương, chưn đèn, mâm thau ô đựng trầu mang nét độc đáo, khác hẳn Huế và Hà Nội, đó là nghệ thuật Saigon.
Bộ lư và chưn đèn đánh bóng, để trên bàn thờ, bên cạnh bình bông, dĩa trái cây trông rất đẹp mang kiểu cách người Lục Tỉnh. Bình bông phải để bên tay mặt, dĩa trái cây bên trái mới đúng câu “đông bình, tây quả” của quí cụ ngày xưa.
Tết ra đường ai cũng bận quần áo mới, bằng vải cây, vải tám trắng; phụ nữ con gái ưa dùng vải batiste trắng hoặc màu, mỏng và mềm. Áo bà ba may nối lưng gọi là may đâu sóng. Quần dài không cắt kiểu “đáy giữa” như ngày nay, mà cắt“đáy nem” như kiểu quần xà lỏn của lính Việt Nam Cộng Hòa.
Chiếc áo bà ba, một biểu tượng cho Lục Tỉnh có từ thế kỷ 18, thời mới khai hoang, mà có người nói phỏng theo trang phục của “người Bà Ba” – một nhóm người Hoa sống ở Mã Lai (?)
Nay chiếc áo bà ba may cách điệu, thắt eo, tà dài phủ mông, ôm sát cái quần lãnh đen, ống rộng, phủ gót trông lả lơi, mà đơn giản, mộc mạc “thắt đáy lưng ong” rất hấp dẫn. Ngoài Bắc, xưa các cô mặc yếm đào, đi chùa ngày Tết. Nghe bảo cái yếm có từ thời nhà Lý thế kỷ thứ 10. Yếm theo người phụ nữ dầm mưa dãi nắng, vào đến tận cung đình cái yếm xưa hình vuông, cổ tròn hoặc chữ V, đeo trước ngực để che đôi vú.
Xướng:
Trời mưa lấy yếm mà che.
Có anh đứng gác còn e nỗi gì
Họa:
Ước gì sông hẹp bằng gang
Bắc cầu, trải yếm cho chàng sang chơi
Cái yếm không chỉ là áo che kín vú, như nhiệm vụ của nó, mà là cái gì gợi tình, gợi cảm, đầy vẻ quyến rũ. Chả thế mà mấy cô gái Bắc Kỳ xưa còn nhét vào đó cái “túi thơm” tỏa mùi như loại ong cái, dụ ong thợ. Mấy cô còn têm trầu nhét vào yếm, hẹn trai ra ngoài vườn để được mời ăn miếng trầu lấy từ yếm ra, thơm mùi da thịt!
Còn mấy cô gái Lục Tỉnh thời khai hoang mặc loại gì để che cặp vú? Không biết, nhưng chắc không phải là cái yếm. Ðến khi Tây vô, thì mấy cô mặc áo soutiens (áo nâng vú), bên Mỹ gọi là Bras. Gọi là nịt vú hay nâng ngực thế nào cho đúng? Nghe nói Hà Nội đang chuẩn bị đón kỷ niệm 1000 Thăng Long, đề nghị nên có biểu diễn thời trang 1000 năm lịch sử cái yếm, chắc hấp dẫn du khách lắm, thu hút được nhiều Việt Kiều lắm.
Nay nói về đôi guốc. Ðôi guốc đối với quí cô ngày Tết cũng cần phải mới chớ. Ngày Tết bận đồ mới, mang guốc mới chưng diện như thế, cụ Vương Hồng Sển gọi là “bắt kế”, (từ bắt kế chỉ gắn xe vào ngựa).
Chuyện lai lịch đôi guốc cũng dài dòng. Sử nói đôi guốc có từ thời Văn Lang, nhưng là đôi guốc bằng đá, nay còn giữ ở nhà bảo tàng Cao Bằng. Sử Giao Châu Ký thì chép Bà Triệu mang guốc bằng ngà voi khi ra trận, còn guốc dân gian xưa làm bằng tre.
Ở Saigon Lục Tỉnh guốc làm bằng cây vông hay cây quao, đóng quai bố hay cao su. Tàu Chợ Lớn hay đi guốc sơn, bằng gỗ cứng, đi kéo lê trên đường kêu côm cốp, nhứt là ban đêm.
Ngày Tết là dịp ăn ngon, nói ăn Tết là vậy. Quanh năm tiết kiệm, Tết là dịp để ăn, để thiết đãi bạn bè. Tết mới được ăn món ngon vật lạ.
Ẩm thực Lục Tỉnh bắt nguồn từ lối ăn dân dã của những người khai hoang; nhẹ về hình thức nhưng nặng về nội dung.
Tết Lục Tỉnh không thể thiếu bánh Tét. Gọi bánh Tét vì dùng dây tét bánh ra từng khoanh. Có người nói nó tên là bánh Tết, đọc trại ra bánh Tét, nghe cũng có lý.
Bánh Tét dùng để cúng “Tết Nhà” ngày Mùng 3. Bánh Tét gói nếp với đậu đỏ, đậu đen trộn với dừa xác, ăn với thịt kho Tàu, cải chua rất bắt miệng.
Người Lục Tỉnh làm các món ăn thường có dừa. Như tôm rang với dừa khô, bánh các loại đều có dừa khô, đặc biệt là mứt dừa xanh đỏ vào dịp Tết nổi tiếng ở Bến Tre.
Cây dừa được đem trồng công nghiệp, lên liếp, xẻ mương là sáng kiến của ông Bùi Quang Chiêu. Ông Chiêu học Kỹ Sư Nông Nghiệp ở bên Tây, về Bến Tre quê hương ông, phổ biến cách trồng dừa đầu tiên, khiến Bến Tre có tên là xứ dừa.
Ông Trương Văn Bền, quê Bến Tre, có sáng kiến sản xuất xà bông từ dầu dừa. Xà bông Trương Văn Bền nổi tiếng với xà bông thơm Cô Ba và xà bông 72 phần dầu. Hãng ông ở gần bưu điện Chợ Lớn, xưa là bến ghe Lục Tỉnh lên Chợ Lớn. Sau Tây lấp sông, xây Bưu Điện Chợ Lớn, làm đường chạy đến nhà ga xe lửa Mỹ Tho, đặt tên là đường Tổng Ðốc Phương.
Hãng xà bông Trương Văn Bền sau này sản xuất bột giặt lấy tên bột giặt Việt Nam bán ở Ðông Dương và hãng đổi tên là “Trương Văn Bền và Các Con”. Lúc này ông Bền đã qua đời và ông Kỹ Sư Hóa Học Ngô Văn Hoài là tác giả của xà bông bột hiệu Việt Nam cũng như là tác giả của kem chà răng Perlon, nổi tiếng Saigon Lục Tỉnh một thời trước 1975, là kem trắng chỉ hồng.
Còn rượu để cúng Tết, đãi khách là loại rượu nếp. Dân nhậu gọi là “rượu ba xị đế”. Rượu đế nổi tiếng là rượu Hóc Môn, Bà Ðiểm, Gò Ðen, Gò Công. Rượu đế đối với Lục Tỉnh là rượu lễ, để cúng và dùng trong đám cưới. Dân Lục Tỉnh không dùng cái chung rót rượu mà dùng ly, ly loại nhỏ, ly có chưn thì sang hơn ly không có chưn.
Báo Xuân, báo Tết là nét độc đáo của người Saigon - Lục Tỉnh.
Báo chữ Quốc Ngữ đầu tiên ở Việt Nam là tờ Gia Ðịnh Báo, ra ngày 15-4-1865 do Ernest Potteau quản lý, đến 16-9-1869 được giao cho Trương Vĩnh Ký.
Chơi cũng thuộc phạm trù Tết. Có nhiều trò chơi trong lễ hội Tết.
Tháng Giêng là tháng ăn chơi.
Ông Trần Quốc Vượng trong “Theo Giòng Lịch Sử” do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin Hà Nội phát hành năm 1996 nói về Tết như sau:
“Hằng năm, ba ngày Tết Nguyên Ðán đều thịnh soạn, cổ bàn cúng bái tổ tiên. Trai gái chay giới hương hoa Lễ Phật, chơi trò đánh đu, đá cầu, hát múa, bên nào thắng uống rượu, bên nào thua uống nước lã... Năm hết Tết đến, ai nấy cố ý chi tiêu cho hết, một lòng thành, kính để tổ tiên rất hậu, đốt pháo trống lệnh, ăn uống linh đình, dong đèn thâu đêm suốt tháng...”
Tết ở Nam Kỳ Lục Tỉnh có khác. Khi Tây lập xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh, họ xây dựng ngay hệ thống hành chánh địa phương là “Nhà Việc”, là cơ quan làm việc của Ban Hội Tề. Từ Phan Thiết trở vào họ lập nhà “võ ca”, “nhà vuông”để dân làng hội họp, cũng là nơi dân làng tập họp đá gà, đấu võ, thi đẩy cây trong dịp Tết...
Ở Gia Ðịnh đặc biệt có Lăng Ông Bà Chiểu. Tết đi Lăng Ông để cúng ông, xin xăm, cầu phước, cầu tài. Theo thống kê gần đây cho biết trên 50% người đi Lăng Ông là người Tàu Chợ Lớn, vì họ cho rằng xưa kia khi làm Tổng Trấn Gia Ðịnh, ông đã nâng đỡ người Tàu.
Ông Lê Văn Duyệt có ẩn tật, làm “hoạn quan” cạnh Gia Long thời tẩu quốc, được Gia Long tin dùng. Sau khi chết, Lê Văn Duyệt bị vua Minh Mạng kết 11 tội, đến đời Tự Ðức mới được truy phục chức.
Chụp hình là lối chơi quí phái của các bà. Ngày xưa, ngoài Bắc gọi là chụp ảnh nghe đúng hơn. Hồi đó chụp hình trắng đen, ai có tiền chơi bạo, mướn thợ tô màu ra hình màu. Chụp hình là lấy hên đầu năm hoặc xả xui năm cũ. Mấy ông chủ điền Lục Tỉnh có tiền cho con đi Tây học, có người học nhảy đầm, lái xe, có cậu học chụp hình, cắt may đồ Tây. Tiệm chụp hình xưa Saigon là của Antoine Giàu, còn tiệm may thì của Nguyễn Phong Tân.
Hồi thập niên 1960’s ở đường Lê Thánh Tôn cạnh chợ Bến Thành có tiệm may Văn Quân nổi tiếng. Sau đảo chánh ông Diệm, ông Văn Quân tiết lộ rằng ông Diệm bị ẩn tật khiến tiệm may của ông được nhiều người biết tiếng thêm.
Xưa Tết Saigon Lục Tỉnh, chỉ có tục lệ “mừng tuổi” ông bà chứ chưa có tục “lì xì”. Vào đầu năm, ngày Tết người ta cử mở tủ lấy tiền. Tủ được niêm phong bằng giấy hồng đơn vào chiều 30 Tết. Mấy người giàu có mua tủ sắt cất tiền, vàng bạc nữ trang và bằng khoán ruộng. Hồi đó, Tây đem vào tủ sắt hiệu Bauche và Fichet rất được ưa chuộng. Tủ sắt để nhà trên, cạnh bàn thờ coi rất oai, rất sang.
Nói về tục lệ cúng Tết, nhà nào cũng cúng cơm ba ngày Tết. Sáng sớm cúng nước, trưa chiều cúng cơm, tối lại cúng nước.
Tục cúng người chết ta học theo người Tàu, bởi Khổng Tử viết:
Sử tử như sử sanh. (Kính trọng người chết như kính trọng người sống). Tục lệ này rất tốt và cao quí. Ra hải ngoại người Việt vẫn duy trì.
Người Lục Tỉnh có thói quen thờ cúng Trời Ðất, vong hồn yểu tử, những người vô danh gọi chung là “khuất mặt khuất mày”. Tết ngoài cúng tổ tiên ông bà, người ta phải cúng “đất đai”, “viên trạch”, nay nói tắt là cúng “đất đai”
Theo Huỳnh Tịnh Của thì tục này có từ Quảng Trị vào Nam, tức là đất Ðàng Trong, đất mới phương Nam. “Ðất đai”chỉ đất ruộng, “viên” là vườn còn “trạch” là đất cất nhà (thổ trạch).
Tết đối với người mình quả còn nhiều điều phải viết, còn nhiều điều chưa viết ra, hoặc bị mai một đi rồi.
Ở đâu, đi đâu ai cũng mong được về nhà về quê ăn Tết. Sau 30 năm quê hương chấm dứt chiến tranh, có 1.223.736 người Việt ly hương trên đất nước Hoa Kỳ. Riêng ở quận Cam, California có 484.023 người (theo thống kê năm 2000).
Ai xa quê mà không nhớ quốc.
Tết đến, ăn trái dưa hấu ở đây mà lòng nhớ trái dưa hấu Gò Công, Cổ Cò. Ðêm nằm nghe bài vọng cổ “Xuân Đất Khách” thắm thía làm sao. Nghĩ lại, ở thế kỷ trước quí ông tác giả Quốc Văn Giáo Khoa Thư viết rằng “chỗ quê hương đẹp hơn cả” quả không sai!
Cơn mưa đầu mùa sớm đổ đến Quận Cam! Nhìn ra vườn sau, thấy đôi “chim cu đất” đậu ngọn cây Palm, mà nhớ làm sao cây mù u với đàn “cu đất” quê nhà ngày xưa!
Tết đem lại cho mọi nhà, mọi người bao niềm vui, bao ước muốn và bao hy vọng, trong đó có hy vọng đơn sơ là về quê ăn Tết.
Nam Sơn Trần Văn Chi
(Hương Vị Ngày Xưa)
Viết tại Little Saigon Vào thu năm 2004
Ðăng trên báo Xuân Người Việt năm Ất Dậu -2005