User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

quocvangiaokhoathu

Bài số 10: Học Trò Biết Ơn Thầy (1) 

Bài này kể chuyện ông quan Tây tên là Carnot xưa của nước Pháp, nhơn lúc rảnh về quê chơi. Khi ông đi ngang qua tràng học (2) ở làng, trông thấy ông thầy dạy mình lúc nhỏ, bây giờ tóc đã bạc phơ, đang ngồi trong lớp dạy học. Ông bèn ghé vào thăm... 

Nhớ lại hồi nhỏ, tụi học trò tuổi chúng tôi hay nói chuyện về ông Carnot, nó thành phổ thông, đứa nào cũng biết. Nay nhắc lại ai ở tuổi chúng tôi cũng biết và nhớ in cái hình ông Caornot vẽ trong Sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư (QVGKT). Hình ảnh ông quan Tây ăn mặc oai vệ, mang giầy ống cao, cuối mọp chào thầy... đã một thời thôi thúc lòng tự hào của mình, sẽ làm ông Carnot. Tâm lý tuổi thơ lúc nhỏ pha trộn giữa ý thức muốn làm quan và tinh thần đạo lý Ðông Phương, tôn trọng thầy. Tinh thần quý trọng thầy ở đâu cũng có. Tuy có lẽ ở Ðông Phương, tinh thần ấy sâu đậm hơn, nói lên cái Ðạo Lý Ðông Phương. 

Trong kho tàng văn học và dân gian Việt Nam cũng như Tàu có nhiều gương học trò biết ơn thầy, có nhiều mẫu chuyện đẹp, cao quý hơn ông Carnot nhiều. Mấy ông QVGKT đưa chuyện ông Carnot phải chăng nhằm ca ngợi "đại Pháp", trong khi vua quan ta thì xem họ là "Bạch Quỷ"! 

Ở xứ mình xưa nay, đối với thầy, ta không chỉ biết ơn mà còn Kính nữa (chuyện này ở Tây Phương, Hoa Kỳ chỉ biết ơn là quá rồi). Gia đình, xã hội đều biết ơn và kính trọng ông thầy. Trong thứ bậc: Quân - Sư - Phụ, ông thầy chỉ xếp sau vua mà thôi. Mà ngay cả vua, nhiều ông cũng kính và biết ơn thầy nữa. Xin hãy nghe trong dân gian nói về thầy: 

- Mồng Một nhà Cha, Mồng Hai nhà Vợ, Mồng Ba nhà Thầy. 

Trong ba ngày trọng đại đầu năm, Tết, học trò dành ngày Mùng Ba để viếng Thầy. Nhớ thuở nhỏ, lúc tôi học lớp ba trường làng, ngày Tết mẹ tôi chuẩn bị cho tôi một chục hột gà so (3) gói trà và 2 đòn bánh Tết để biếu thầy. (Cuối năm lớp ba tôi thi vào Cours Moyen (4) ở tỉnh Gò Công và đậu hạng tư nên có học bổng và nhờ vậy mà có điều kiện học tiếp). 

Nhớ câu: Muốn sang thì bắt cầu kiều 
Muốn con hay chữ phải yêu quý thầy. 

Hoặc câu nói: "Trong bách nghệ, nghề thầy quý hơn cả." 

Tất cả đều nói lên tấm lòng quý mến thầy của người Việt mình. Ở xứ Nam Kỳ thời Nguyễn Sơ, thế kỷ thứ 17, có ông Võ Trường Toản là ẩn sĩ, một bậc thầy đào tạo cho Gia Long nhiều danh thần như Trịnh Hoài Ðức, Lê Quang Ðịnh, Ngô Nhân Tịnh... ông mất năm 1792 được môn đệ chôn cất ở Hòa Hưng, Gia Ðịnh. Sau Pháp chiếm miền Ðông (Biên Hòa, Gia Ðịnh, Ðịnh Tường). Tự Ðức cho lịnh cải táng ông đem ông về chôn ở làng Bảo Thạnh, Ba Tri (Bến Tre) năm 1865. Như vậy rõ ràng vua Tự Ðức cũng biết ơn và kính trọng thầy không thua ông Tử Cống bên Tàu. Ta nghe ông Carnot nói với học trò sau khi vào lớp chào thầy: "Ta bình sinh, nhất là ơn cha mẹ, sau ơn thầy ta đây, và nhờ có thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay." 

Ông thầy của nước ta không chỉ dạy chữ mà còn dạy đạo lý, đức dục để cho học trò thành người lương thiện. 

Trong Văn và Lễ, trường học ngày xưa Lễ vẫn nêu lên hàng đầu: "Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn" 

Ðó là triết lý của nền giáo dục ta xưa và con lưu mãi đến trước 30-4-1975. Khi tôi vào trường Ðại Học Sư Phạm thập niên 1960's, cái tinh thần "Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn" vẫn bàn bạc trong chúng tôi. Tuy cung cách và sự kính trọng thể hiện khác ngày xưa, nhưng học trò ở thế hệ thầy như tôi vẫn một mực quý các ông thầy trẻ như chúng tôi. Ngày Tết, nhà tôi đông chật học học trò, tôi phải ở nhà suốt Mồng Ba để đón xuân với các em. Ôi sao mà cao quí quá. 

"Không thầy đố mày làm nên." 

Câu cách ngôn nói lên hết cái vai trò của ông thầy nước mình. 

Trở lại chuyện ông Carnot trong QVGKT, chỉ nêu lên một mặt là biết ơn Thầy. Ðó là quan niệm của Tây. Ở Mỹ ngay sự biết ơn thôi cũng phai nhợt trong cái nhìn của học trò, gia đình và xã hội Mỹ đối với ông Thầy. Quan niệm đó thể hiện trên cái tên như: 

- Ty Học Chánh 

- Sở Học Chánh 

Thay vì như ta thì 

- Ty Giáo Dục 

- Sở Giáo Dục 

Nhơn chuyện ông Carnot kể trong QVGKT, đọc lại vẫn như mới hôm nào! Thắm thoát đã nửa thế kỷ. 

Những người học trò thế hệ QVGKT của chúng tôi lưu lạc ở đây không biết còn đủ tâm trí để nhớ về chuyện ngày xưa, tích cũ không? Dầu sao nhân ngày khai trường, nhắc lại chuyện ông Carnot, chuyện "Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn" cũng không phải thừa..... 

Viết nhơn ngày khai trường 2004 

Ghi Chú: 

(1) QVGKT lớp Dự Bị, Việt Nam Tùng Thư xuất bản năm 1948, nhà xuất bản trẻ TPHCM tái bản 1996 

(2) Trường học, xưa đọc là tràng học 

(3) Hột gà so: là hột do con gà mái đẻ lứa đầu tiên, dân gian cho hột gà so bổ hơn hột thường. Hột gà so rất hiếm. 

(4) Năm 1912 ông Phạm Quỳnh đề nghị dạy chương trình quốc ngữ cho bậc Sơ Cấp (lớp năm, bốn, ba) Tiểu Học. Sau khi học xong thi đậu Sơ Học yếu lược, lên lớp nhì phải học 2 năm. Lớp nhì I và lớp nhì II mới đủ trình độ Pháp văn để thi tiểu học. QVGKT ra đời trong bối cảnh đó. 

Bài 11: Con Trâu

chantrau

Ở nước ta, trâu là con vật rất gần gũi với mọi người, nhứt là người nông dân. Trong lục súc, sáu con vật có công với con người, trong đó con trâu đứng đầu. Do đó trong QVGKT lớp Dự Bị tác giả viết 2 bài nói về con trâu: 

1. Chăn trâu 

2. Con trâu 

Ở bài Con Trâu ta nghe tác giả tả như sau:

"Trâu lớn hơn bò và sức mạnh hơn, lông đen, cứng và thưa, thỉnh thoảng có con lông trắng, mắt lờ đờ, sừng to và cong lên." 

Nhớ hồi còn nhỏ, được cho cỡi trâu thì khoái lắm. Lớn lên thỉnh thoảng ở tỉnh về quê thăm nhà vào cuối tuần hoặc mùa nghỉ hè, được mấy thằng bạn cho cỡi trâu đi ăn có khi lội ruộng, qua sông thật vô cùng thú vị khiến nhớ mãi... 

Con trâu màu trắng được gọi là trâu cò, rất hiếm thấy. Sừng trâu cong và nhọn dùng để chém lộn với nhau, ngoài Bắc gọi là chọi trâu. Có trâu sừng cong quặp xuống giống như sừng dê, hoặc bò gọi là trâu cui. Nông dân miền Nam thường nhà nào cũng có nuôi trâu nếu làm ruộng lớn (1). Trâu đực lớn gọi là trâu cui.

Trong bầy trâu, thường trâu đực nhiều hơn trâu cái, vì trâu đực mạnh khỏe, làm việc giỏi. Nuôi trâu cái có cái lợi là nó đẻ con, để gây nhiều thêm sức kéo, sức cày.... Mỗi con cái thường mỗi năm đẻ 1 hoặc 2 con. Trâu con gọi là trâu nghé. Trâu nghé nuôi vài tháng thì được chủ xỏ lỗ mũi để cột gọi là xỏ vàm. (Con gái quê vừa lớn lên chưa làm gì ích lợi cho cha mẹ, mà theo trai bị gọi là gái bị xỏ mũi). 

Trâu là loại nhai lại như bò. Nó ăn vội vàng, nuốt nhanh vào bao tử. Khi nằm nghỉ trưa, hay ban đêm nó ói ra trong miệng, rồi nhai lại cho nhuyễn. Trâu bản chất hiền lành, thích sống gần gũi với người. 

Ở quê, ban đêm phải đốt rơm un khói cho muỗi khỏi cắn trâu, có nơi làm mùng cho trâu ngủ nữa, có nơi người ta đào đầm cho trâu nằm trầm mình vào ban đêm, cho muỗi không cắn, đầm đó gọi là đầm trâu. 

Xưa mỗi lần lùa đàn trâu đi từ làng này sang làng khác để cày bừa, thường đi đường sông, gọi là long trâu (2). Có khi long trâu một đàn mấy trăm con xa cả ngày lẫn đêm. 

Ta nghe tác giả QVGKT tả tiếp về ích lợi của con trâu: 

"Trâu dùng để cày ruộng, kéo xe hoặc kéo che đạp mía. Thịt trâu không ngon bằng thịt bò. Da trâu dùng để bịt trống hay làm giày dép. Sừng trâu dùng làm các đồ vật như: cán dao, ống thuốc, lược....v..v...", 

Con trâu là con vật cực khổ nhứt ở xứ mình. Nó kéo cày, kéo bừa (3), kéo lúa bó về sân, kéo lúa bao (bằng xe trâu) ra bến ghe, bến xe... Trâu cũng kéo che ép mía để làm đường và trâu còn đạp lúa nữa. Cực như trâu là vậy. 

Dân ta quí con trâu nên không ai giết trâu ăn thịt, trừ khi trâu bịnh hoặc bị thương không làm việc được, hoặc trâu già... nên soạn giả Viễn Châu có viết bài ca vọng cổ "Kiếp Trâu Già" được Hữu Phước ca nghe nói lên thân phận con trâu về già không làm việc được nghe rất thảm não... 

Quê tôi, có món thịt trâu xào lá rau mui (4) (hay muôi) với nước cốt dừa ăn rất ngon. 

Sừng trâu ở quê dùng làm tù và để thổi tập hợp công cấy; hoặc cắt ra khúc làm mõ. Mõ trâu khỏ nghe trong hơn mõ tre và mõ mù u. Mõ sừng trâu tiếng kêu nhỏ, nên dùng để gõ cúng, lễ, ở nhà. Da trâu bịt trống và làm da. Ở Chợ Lớn, thuộc quận 6 xưa có bến Lò Da cạnh bên Lò Gốm. Khi tôi lên Saigon ở thập niên 60 còn thấy làm da trâu, da bò, tỏa ra mùi rất hôi, nước xả xuống rạch Lò Da nước đen rất dơ! 

Nghề lò da, lò chén, lò ve chai khu quận 6 Chợ Lớn xưa nằm trong tay người Tàu; bên cạnh các cơ sở thủ công làm lược, làm đèn, làm đinh... Nay chắc thay đổi rồi... 

Mỗi nhà nuôi trâu đều có mướn người coi gọi là chăn trâu, thường là con trai độ trạc 10 - 18 tuổi. Họ thường bị cha mẹ ở đợ (5) cho chủ điền để lấy ruộng làm. 

Bài chăn trâu, QVGKT viết: 

"Ai bảo chăn trâu là khổ? 
Không, chăn trâu sướng lắm chứ..." 

Chăn trâu, chăn bò, chăn vịt, duy chỉ có chăn trâu được bình dân và thơ ca nói nhiều như là cái gì lãng mạn... Hình ảnh cậu bé đội nón lá, tay cầm roi tre, ngất nghểu trên lưng trâu như tiên ông, quả thú vị, thơ mộng. 

Trâu thích đi và sống từng bầy nên ít bị lạc, nên không đeo cái lục lạc kêu leng keng trên cổ. Chiều lùa trâu về nhốt trong chuồng, hoặc cột từng con vào nọc. Cột trâu cũng có nghệ thuật, gọi là niệc trâu (6) Dây niệc trâu thường làm bằng lạc dừa, đánh săn, 2 sợi nhập lại rất chắc, chịu nước rất tốt. 

Tác giả QVKGT tả tiếp trong bài chăn trâu: 

"Ðầu đội nón mê như lọng che. Tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trong đám cỏ. Trong khoảng trời xanh lá biết, tôi với con trâu thảnh thơi vui thú, tưởng không còn gì sung sướng cho bằng".!! 

Thật sự chăn trâu không sướng như vậy. Thằng chăn trâu suốt ngày, đêm cạnh trâu, mưa nắng, muỗi, mồng, đỉa (7)... cắn. Có lúc nửa đêm thằng chăn phải thức dậy đốt thêm lửa, châm con cúi (8) để quơ muỗi cho đàn trâu. 

Mùa nhiều muỗi, trâu phải nằm dưới đầm sáng dậy phải dẫn trâu đi tắm, sương gió lạnh lẽo và hôi thúi vô cùng. Có người ở đợ chăn trâu cho chủ đến khi có vợ mới thôi. Thân phận chăn trâu vừa nghèo lại vừa dốt. Nên khi chê ai dốt, người ta thường nói: thứ mầy là đồ chăn trâu. Thật tội nghiệp quá! 

Giữa con trâu và người chăn trâu trong QVGKT, đọc qua ta thấy được bối cảnh đời sống nông nghiệp ở nhà quê ta ngày xưa. Cuộc sống nông thôn rất an phận, bình dị, xưa thế nào giờ thế ấy. Giữa người và vật gắn bó, tình thân như người với người, như bài ca dao sau đây: 

"Trâu ơi, ta bảo trâu nầy, 
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta 
Cái cày vốn nghiệp nông gia, 
Ta đây, trâu đó ai mà quản công. 
Bao giờ cây lúa còn bông, 
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn". 

Ngày nay xứ mình ít thấy con trâu; nông dân cày máy, kéo lúa bằng máy, suốt lúa bằng máy... 

Hình ảnh con trâu, chăn trâu nay chỉ còn làm ký ức, và là ký ức đẹp của thời xưa... 

Ðọc lại QVGKT quả lý thú vậy 

Little Saigon tháng 10 năm 2004 

* Ghi chú: 

(1) Làm nhiều ruộng, có người cả trăm mẫu gọi là đại điền chủ. 

(2) Chuyện "Mùa Long Trâu" của Sơn Nam đang được dựng phim trong nước do đạo diễn Việt Kiều Pháp bỏ tiền ra quay. 

(3) Cày trong Nam kéo bằng hai con trâu (ở Bắc cày một trâu). Cày xong trâu kéo bừa cho đất bể ra và trục để cho đất phẳng gieo mạ. 

(4) Loại dây leo mọc mé sông, lá hơi nhám như lá rau dền, ăn rất bùi. 

(5) Ðợ: đi làm mướn cho chủ, ăn ở luôn nhà chủ. Có người ở đợ 5 hoặc 10 năm để chủ để ruộng cho làm. 

(6) Cột trâu vào nọc phải cột theo cách thắt cổ chó thay vì cột vòng hay cột gúc, rất chặt không bị sút dây. 

(7) Mồng: giống như con ruồi, nhưng lớn hơn chuyên cắn trâu. Ðỉa thường ở vùng nước lợ. Ðỉa cắn trâu gọi là đỉa trâu; có loại đỉa ráng thì nhỏ và dài như con trùng hay chui vào lỗ tai trâu. Dân gian Lục Tỉnh có câu tả cảnh muỗi và đỉa như sau: 

"Muỗi kêu như sáo thổi 
Ðỉa lội như bánh canh"

(8) Rơm đánh chặt thành sợi dài như cái bính tóc gọi là con cúi dùng để giữ lửa (ngày xưa không có hộp quẹt), hoặc dùng để đi đường ban đêm thay đèn, hoặc để đuổi muỗi cho trâu, cho heo cả, cho người nữa. 

Bài 12: Chọn Bạn Mà Chơi

chonban

"Chọn Bạn Mà Chơi" là bài tập đọc dành cho học trò lớp Dự Bị (Cours Preparatoire) nhưng nội dung có tánh cách như bài luân lý, nhẹ nhàng hướng dẫn hơn là cưỡng bách. Người mình có nhiều từ ngữ để chỉ về bạn. Nào là bạn học, bạn bè, bầu bạn, bạn ở, bạn hàng, bạn công cấy, bạn ghe chài, bạn nhậu (1)..v..v.. 

Chữ bạn ở bài nầy tác giả QVGKT chỉ bạn bè mà người Mễ gọi là Amingo, Mỹ gọi là Friends, Tây gọi là Amis 

Ta hãy nghe QVGKT dạy cách chọn bạn như sau: 

Thói thường "gần mực thì đen..." 
Anh em bạn hữu phải nên chọn người 
Những người lêu lổng chơi bời, 
Cũng là lười biếng, ta thời tránh xa. 

Hình vẽ in kèm bài là cảnh mấy em bé mặc áo dài, kiểu học trò xưa, nhét vạt áo vào lưng quần (2), níu kéo nô đùa ở sân nhà. Bên cạnh đó là một cậu bé áo dài chỉnh tề, khoanh tay, cúi đầu nghe ông bố dõng dạc dạy bảo. 

Hai hình ảnh tương phản nhằm dạy thiếu nhi cách "chọn bạn mà chơi". Các ông tác giả trong sách QVGKT soạn sách dựa theo đời sống, văn hóa ở Bắc Kỳ bấy giờ, vì Trung Kỳ và Nam Kỳ thuở QVGKT, học trò bận áo bà ba trắng chớ không bận áo dài như ngoài Bắc. 

Chẳng hạn lời chú thích dưới hình ghi là "bố khuyên con hãy chọn bạn"; bố là tiếng gọi cha ở Bắc, trong Nam kêu cha bằng Ba có nơi kêu bằng Tía, bằng Cậu (3). 

Trở lại nội dung bài, câu đầu QVGKT dùng câu tục ngữ "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" để khẳng định như là chân lý, mang tính cổ điển giáo khoa. 

Gần mực thì đen bởi lẽ mực xưa học trò chữ Nho, chữ Nam (4) dùng là mực Tàu màu đen, dùng cho viết lông và trước khi xài phải mài với nước. 

Thời QVGKT và thời thế hệ của tôi thì học trò thường xài mực tím và màu tím được xem là màu của học trò và sau này màu trắng được dùng để chỉ cho học trò ở cấp Trung Học. 

Thuở xưa, ở tiệm bán là mực viên như hột mùng tơi (5), mua về ngâm nước nóng cho mau tan, rồi cho vào chai nhỏ mang theo đi học. Nút chai làm bằng "cặc bần" (6) về sau có nút chai gọi là nút bấc như nút chai rượu chác. 

Những học trò ở Tỉnh hay dùng chai Péninciline đựng mực rất tiện vì không bị chảy dính tay. 

Nói "gần mực thì đen" là nói theo thông thường, đơn giản vậy thôi. Chớ lớn lên tôi còn được tập bình luận câu "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn" trong bài ca dao "bông sen"; thế mới thấy văn chương bình dân của ta thâm thúy, cao siêu lắm. 

Rồi qua Mỹ, ta có các lớp Việt Ngữ, khi dạy tục ngữ, ca dao cho mấy cháu coi chừng. 

Ta dạy câu: 

Ở bầu thì tròn 
Ở ống thì dài 

Khi đó các em thấy trái bầu ở chợ ông Trần Dũ bán đâu có tròn, nó dài như trái mướp vậy, mấy thầy cô phải làm sao? 

Bầu ở quê ngày xưa đít tròn, bự, đầu nhỏ. Do hình dạng trái bầu tròn và bự nên dân gian gọi mấy bà có mang là bà bầu hoặc mấy người chủ đoàn hát là "Ông bầu gánh" như bầu Ba Bản, Bầu Xuân, Bầu Long (7). 

QVGKT dạy rằng những người lêu lổng chơi bời là xấu. Lêu lổng thông thường ta hiểu là người hay "du hí du thực", không có nghề nghiệp, lười biếng, tụ ba tụ bảy. 

"Chơi bời" mà QVGKT dùng ám chỉ người lêu lổng, lười biếng. Ngày nay, "chơi bời" chỉ người ăn chơi trụy lạc. "Chơi bời" xưa và nay hoàn toàn khác. Còn nếu nói người "ăn chơi" hay "chịu chơi" lại hàm ý khác nữa, chỉ dân sành điệu tài tử, lãng mạn và điệu nghệ... 

Bạn bè thì có nhiều gương ta thường nghe nói trong điển tích, trong văn học như chuyên Lưu Bình & Dương Lễ, chuyện hai người bạn tốt (trong cải lương có tuồng hát Lưu Bình Dương Lễ vào thập niên 1960's, 1970's rất được khán giả hâm mộ) 

Cũng có đôi bạn như Bá Nha & Tử Ky và Tôn Tẩn & Bàng Quyên. Gương tốt cũng như gương xấu đã đi vào ký ức của biết bao nhiêu thế hệ học trò Việt Nam ngày xưa. 

Ta còn có câu tục ngữ: 

- Giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ 

- Giàu đổi bạn sang đổi vợ 

Như ở xứ Mỹ, trong chánh trị ta thường nghe nói đại ý như: không có ai là bạn vĩnh viễn, cũng không có ai là thù muôn đời... Chí lý thay và phũ phàng thay cho thói đời! 

Mấy ông QVGKT nếu sống lại phải ngao ngán lắm và biết đâu mấy ổng sẽ ra bộ "Hậu QVGKT." 

Trước đây có đọc bài viết của ông Bùi Tín nhan đề là: "Hãy chọn bạn mà chơi" đăng trên Internet. Chắc ông Bùi Tín có học QVGKT hồi xưa và mượn ý bài "chọn bạn mà chơi" để làm cảm hứng mà viết bài đó chăng? 

Ý ông Bùi Tín khuyên Cộng Sản Bắc Việt hãy chơi với Hoa Kỳ Hiệp Chủng Quốc và dĩ nhiên không còn coi người bạn cũ "sông liền sông, núi liền núi" ở Phương Bắc là bạn hữu nữa... 

Không biết ông Bùi Tín có chép lại cuốn "Thiên Thư" (8) giao cho Tổng Thống Bush hay không mà gần đây ông Bush nói nhiều câu nghe trẹo bảng họng, làm phiền lòng nhiều người Việt. (Theo thống kê dân số năm 2000 có 1.223.736 người Việt sống trên xứ Mỹ, trong đó Cali có 484.023 người Việt. Có ai nghe mấy câu tuyên bố của ông Bush không?) 

Trở lại bài "Chọn Bạn Mà Chơi" QVGKT ý nói: chơi với kẻ dở thì hóa dở, chơi với người hay thì được hay. Vậy ta phải chọn bạn mà chơi. 

Câu tục ngữ: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài được QVKGT nêu lên để làm kết luận cho bài tập đọc. 

Bài "Chọn Bạn Mà Chơi" không chỉ dạy cho học trò QVGKT 50 năm về trước mà còn có giá trị cho học trò ngày nay kể cả học trò Việt ở xứ Mỹ. 

Chuyện chọn bạn không phải là chuyện dễ. 

Chúng ta ngày nay mấy ai có được vài người bạn tốt và mấy ai trong chúng ta tự cho mình là người bạn tốt. 

Câu trả lời xin dành cho bạn đọc... 

Viết trong cơn bão mùa thu năm 2004 

Chú thích:

(1) Bạn ở: Là người ở mướn, ăn ở luôn trong nhà chủ, có người gọi khinh miệt là ở đợ. Bạn ghe chài là những người cùng làm nghề vác lúa mướn cho ghe chài ở các bến Bình Ðông, Bình Tây xưa. 

(2) Xưa khi làm việc người mặc áo dài thường nhét hai vạc áo vào lưng quần cho khỏi vướng; ai có đi Ðà Lạt trước 75 thấy hình ảnh này ở chơ Mới Ðà Lạt. 

(3) Vùng Tiền Giang thường gọi cha là Cậu, vùng Hậu Giang nên chịu ảnh hưởng người Tàu gọi là cha là Tía, có nơi còn gọi là bằng Anh 

(4) Chữ Nho là chữ Hán được viết theo kiểu của người Việt thời xưa do đó chữ Nho còn gọi là Chữ Nam, để phân biệt với chữ Tàu là chữ Hán. 

(5) Hột cây mùng tơi có màu tím, thuở nhỏ học trò thường dùng làm mực để chơi trò tập viết như chơi trò em ve, giống như chơi búp bê ngày nay. 

(6) Rễ cây bần nhô lên khỏi mặt đất, dân gian gọi là "cặc bần", dùng làm nút chai hay làm phao 

(7) Bầu hát: chỉ người chủ đoàn hát cải lương, hát bội, thường làm giàu, bụng phệ to giống như mấy ông Xì Thẩu Tàu bụng bự. 

(8) Bộ "Thiên Thư" là bộ bí kíp, bộ binh thơ mà Tôn Tẩn được thầy Quỷ Cốc Tiên Sinh truyền lại. Bàng Quyên là bạn của Tôn Tẩn muốn lấy quyển Thiên Thư nên lập mưu vu oan cho Tôn Tẩn, bắt Tôn Tẩn phải chép lại bộ Thiên Thư để giao cho mình. 

dihoc

Bài 13: Ngày Giỗ 

"Ngày Giỗ" là bài tập đọc trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư (QVGKT) lớp Dự Bị. 

Tác giả tả cái bàn thờ trong ngày giỗ như sau: "Trên bàn thờ, đồ đồng, đồ sơn bóng lộn (trong bóng), đèn nến sáng choang, khói hương nghi ngút, trong thật là trang nghiêm". 

Ðám giỗ trong Nam gọi là "cúng cơm." 

Tại sao phải làm đám giỗ, cúng cơm cho người chết? 

Tục lệ Việt Nam xưa nay thờ cúng người chết: Tổ tiên, ông bà, cha mẹ... Tục lệ này xuất phát từ người Tàu, bởi Khổng Tử có dạy học trò rằng: 

"Sử tử như sử sanh" nghĩa là đối xử với người chết như đối xử với người sống. Tục lệ này rất đẹp nên được người mình tiếp nhận lưu truyền và biến đổi thành tục lệ "đám giỗ" riêng của người Việt Nam có khác với người Tàu.

Cái bàn thờ trong Nam gọi là "giường thờ" nay có nơi vẫn còn nghe dùng tiếng đó, bởi lẽ ngày xưa bàn thờ làm giống như cái giường ngủ trên có để cái gối cho người chết ngủ... 

Trên bàn thờ trong Nam có bộ chưn đèn bằng gỗ hoặc bằng đồng, giữa hai chưn đèn có cái lư hương bằng đồng để cắm nhang kế đó có một bình bông và một dĩa trái cây lớn sắp theo bên phải là bình bông, bên trái là dĩa trái cây. Do đó có câu "Ðông bình Tây quả" là vì vậy. 

Ta nghe QVGKT viết tiếp: "Thầy tôi đứng ở trước, châm một nắm hương, cắm vào bình hương, lạy hai lạy, rồi quỳ xuống hai tay chắp để trên trán, miệng lẩm nhẩm khấn. Thầy tôi khấn và lạy xong đến những người trong họ và chúng tôi cứ lần lượt vào lại, mỗi người 4 lạy". 

Ngoài Bắc gọi cha bằng Thầy hoặc là Bố, trong Nam gọi là Ba có nơi gọi là Tiá. 

Trong mỗi gia đình, thường người gia trưởng đứng ra cúng lễ đầu tiên, sau đó tùy theo thứ bậc mà lần lượt lên cúng. Người Lục Tỉnh lạy đám giỗ 4 lạy, xá hai xá giống như cúng đình hay cúng Lăng Ông Bà Chiểu. Cắm nhang thì chỉ cắm ba cây hoặc một cây chớ không cắm nguyên một nắm nhang vào lư hương. 

Có người hỏi ta cúng giỗ, thờ phượng ông bà tới mấy đời thì hết? 

Ở trong Nam cúng giỗ tới năm đời, gọi là thờ cúng "ngũ đại", sau đó bài vị được đem đi chôn. 

Tại sao gọi là cúng cơm? 

Bởi vì cơm là thực phẩm chánh, căn bản của người Việt, cơm nuôi sống con người, không có cơm thì đói và chết. 

- Mạnh vì gạo, bạo vì tiền 

Hay: 

Nhứt sĩ nhì nông, hết gạo nhứt nông nhì sĩ 

Người xưa rất quý hột cơm, xem như hột ngọc của Trời, ai phí phạm sẽ bị Trời phạt... 

Cúng cơm ở trong Nam dọn 4 chén cơm, cúng người chết chưa mãn tang thì dọn 3 chén cơm, cúng "đất đai" hay cúng "cô hồn" thì dọn 5 chén cơm. 

Cúng cơm còn phải có cúng ruợu và cúng nước nữa. Rượu được rót 4 lần, nước được rót 3 lần và chờ cây nhang tàng mới được dọn xuống để ăn hay đãi khách. 

Phần kết QVGKT viết: "Lễ xong một chốc hết tuần hương, thì cỗ bàn trên bàn thờ hạ xuống, dọn rượu và cả nhà hội họp ăn uống rất vui vẻ". 

Ðám giỗ là dịp được ăn ngon, là dịp để gia tộc gặp nhau chuyện trò, thăm hỏi. Ðám giỗ trong Nam tới 2 ngày: Ngày đầu gọi là cúng "tiên thừa" (tiên thường?), ngày hôm sau gọi là chánh giỗ. Ngày chánh giỗ là ngày cúng lớn và cũng là ngày dành đãi khách xóm giềng, có nhà mời cả ấp, cả xóm cả trăm người ăn đám giỗ. 

Ở nhà quê được mời đi đám giỗ là được đi "ăn giỗ" vì chỉ có ngày giỗ người ta mới làm heo, làm gà làm vịt và làm các món ăn ngon trước để cúng sau để đãi khách. 

Do đó có câu tục ngữ: "Ăn bữa giỗ, lỗ bừa cày". 

Ở quê, mỗi lần làm đám giỗ gia chủ phải đi mượn bàn ghế, chén đũa, nồi xoong để đủ đãi khách làm cho không khí rất náo nhiệt. 

Tiệc giỗ hay tiệc cưới ở nhà quê khác ở tỉnh và càng khác ở Hoa Kỳ. Giờ giấc không cố định. Ai đến trước, chủ nhà xem coi đủ một bàn (mười người) thì nhập tiệc. Bàn tròn có 10 cái ghế đẩu. 

Thực đơn đám giỗ thường mở đầu bằng 4 món ăn chơi: Nem, bì chả gỏi. Tiếp theo là các món như cà ri, ra-gu cuối cùng là món chủ lực cơm với cá ăn no không hạn chế. Khách đi đám giỗ về thường được biếu xôi, bánh ít hoặc chuối để làm quà cho trẻ nhỏ ở nhà. 

Xem ra ngày giỗ của người mình thật là quan trọng, tổ chức trang nghiêm để nói lên lòng biết ơn của con cái đối với ông bà cha mẹ hoặc tổ tiên. Ngày giỗ còn là dịp họ hàng gia tộc gặp nhau, xóm làng đến với nhau... làm cho tình gia tộc, nghĩa xóm làng gắn bó nhau đậm đà thêm. 

Người Việt ra hải ngoại vẫn còn giữ tục lệ đám giỗ rất đáng mừng. Các bậc cha mẹ ít khi thấy nói cho con cái biết tại sao phải cúng giỗ, nên thế hệ sanh ra sau này lơ là đối với việc cúng giỗ... không khéo sẽ bị mai một!!! 

Nếu các em biết tại sao phải cúng giỗ, cúng giỗ là tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn ông bà tổ tiên thì chắc các em quý trọng tục lệ giỗ. 

Trách nhiệm đó một phần ở cộng đồng đặc biệt ở các lớp dạy Việt Ngữ. 

Little Saigon ngày 3/11/2004 

baruchau

Bài 14: Bữa Cơm Ngon  

Người Việt mình xưa nay vốn coi trọng bữa cơm, nhứt là bữa cơm gia đình. Thường bữa cơm chiều thì mọi người tề tựu về nhà đầy đủ nên là bữa cơm chánh. 

Tục lệ khi ăn cơm không được gây gổ, cãi vã. Anh chị, cha mẹ không được mắng chửi, đánh nhau trong bữa cơm. 

Trời đánh tránh bữa ăn (1) 

Câu tục ngữ nói lên tinh thần tôn trọng bữa ăn gia đình lắm. 

Quốc Văn Giáo Khoa Thư (QVGKT) tả một bữa cơm: 

"Cậu Tí đi học về một chốc, thì cha ở ngoài đồng cũng vác cày, dắt trâu về đến nhà". Ðây là bữa cơm chiều gia đình. Có cha đi làm ruộng với con trâu cái cày. Con đi học. Mẹ ở nhà lo việc nhà. Cảnh tiêu biểu cho gia đình nông dân Việt Nam xưa. 

Nay, nếu có dịp quay về thăm quê, cái cảnh bữa cơm chiều gia đình nông dân khác rồi. 

Người Việt mình xưa ăn cơm ngày 3 bữa. Sáng ăn cơm để đi làm, trưa là bữa ăn thường không đầy đủ người, cơm chiều là bữa cơm chánh vì gồm đủ mặt mọi người.

Nay ở nông thôn mình chắc không ai ăn cơm sáng, và ngày còn lại hai bữa cơm thôi. Còn ở thành phố, ngày còn một bữa cơm. Quả một thay đổi lớn trong nếp sống con người. Tác giả QVGKT viết tiếp: 

"Cơm đã chín. Mẹ và chị dọn ra để trên giường. Cả nhà ngồi ăn. Cơm đỏ, canh rau, chẳng có gì là cao lương mỹ vị. Nhưng cơm sốt, bát sạch, canh nóng, đũa sạch sẽ, cả nhà ăn uống ngon miệng no nê".

Ở miền Lục Tỉnh gia đình ăn cơm trên bộ ván, có nơi kêu là "bộ phản" hay "bộ ngựa". Ðồ ăn dọn trên cái mâm thau, sau này mâm bằng nhôm. Thuở xưa thì cái mâm bằng gỗ rất đẹp, tiện rất công phu. 

Hồi còn nhỏ được cha mẹ phân công dọn chén ăn cơm. Mỗi lần như vậy phải đếm người trong nhà để khỏi phải cái cảnh "ăn cơm thiếu chén" (2) 

Trong Nam ít thấy ai ăn cơm gạo đỏ, tệ lắm là gạo trắng, có tiền thì ăn gạo thơm. Bữa cơm lúc nào cũng có cá, tôm, rau quả.... là thứ cây nhà lá vườn sung túc. 

Người Việt mình ăn cơm rất nhiều, có người ăn năm bảy chén loại lớn; bởi do đời sống dân mình nghèo (3). Mãi rồi người Việt "ghiền" cơm, qua Mỹ ăn cái gì cũng nhớ cơm. 

Ngồi trên bộ ván ăn cơm, đàn ông thường ngồi "xếp bằng", đàn bà con gái ngồi kiểu "một chân xếp, một chân chống". Có người quen ngồi chồm hổm coi rất xấu, qua Mỹ thấy vẫn còn!! 

Cái mâm còn dùng để chưn trái cây, xây trầu ngày cưới hoặc đơm xôi, đội ra đình ngày cúng lễ Kỳ Yên. 

Ðàn bà con gái mặt tròn xoe, mặt bự bị chê là "đồ mặt mâm", nhưng mặt mâm còn đỡ hơn "mặt má miếng bầu" là mặt "dòm lâu thấy ghét". 

Hỏi mấy bà mấy cô có biết mặt thế nào là mặt má miếng bầu (4)? 

Ðôi đũa Việt Nam thường làm bằng tre, do làm nhiều đợt nhiều lần, nên không đều nhau. Dọn cơm phải nhớ so đũa đũa nay đã sản xuất công nghiệp nên đều nhau. Người quê đặt tên cho loại cây bông trắng dùng nấu canh chua cá kèo, trái dài rũ lòng thòng song đôi là cây so đũa, vì trái giống như ta "so đũa". Kết luận bài "Bữa Cơm Ngon", QVGKT viết: "Nhất là cha mẹ, con cái, trên thuận dưới hòa, một nhà đoàn tụ sum họp với nhau, thì dầu cơm rau cũng có vị lắm". 

Ðúng là "Bữa Cơm Ngon" phải là bữa cơm đoàn tụ, trên thuận dưới hòa. 

Luận về ăn, người ta cho rằng ăn ngon không phải là do thức ăn ngon, mà là do cái không khí bữa ăn, những người cùng ngồi cùng mâm, cùng bàn với ta... hòa thuận.. Người Việt có cái chén nước mắm, loại nước chấm mà cả nhà chấm chung, dùng chung. Chấm chung chén nước mắm là lối sống của người Việt, thể hiện tinh thần Việt "chia sẻ", "chung lòng" trong nhà. Có người bảo nên bỏ đi vì mất vệ sinh! (5) 

Quanh bữa cơm người Việt có nhiều câu tục ngữ, ca dao truyền lại rất ý nghĩa, thâm thúy, như: 

- Ăn coi nồi, ngồi coi hướng 

- No mất ngon, giận mất khôn 

- Ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu 

Qua bữa cơm, nhìn mâm cơm ta thấy được nếp sống của tổ tiên từ xưa được duy trì phát huy đến nay trở thành "nếp Việt" rất độc đáo, cần duy trì. 

Bước vào nhà ai, nhìn vào bữa cơm ta hiểu được nếp sống của gia đình nơi đó có sum vầy, hạnh phúc hay không? 

Bữa "Bữa Cơm Ngon" là nếp sống đẹp của người mình, nó không chỉ đơn thuần là bữa ăn, mà nó biểu thị cho một lối sống dựa trên nền tảng gia đình, gia tộc. 

Do vậy nên tác giả mới đưa vào dạy cho học trò ngày xưa. Ở Hoa Kỳ có người, có nhà, không coi trọng "bữa cơm gia đình". Tiếc thay. 

* Chú thích: 

(1) Sét đánh, được người mình gọi là Trời đánh, thường xảy ra vào đầu mùa mưa ở nông thôn. Dân gian đồn rằng ăn cơm không hề có bị Trời đánh (?) 

(2) Do câu tục ngữ: "Ăn cơm thiếu chén - Giã gạo dư chài". Mượn câu "ăn cơm thiếu chén" ở đây tác giả chỉ muốn nhắc lại kỷ niệm hồi nhỏ dọn cơm luôn bị thiếu chén, thiếu đũa vì chưa biết đếm số. 

(3) Bữa cơm nhà quê xưa thiếu thịt, mỡ, đường nên dễ bị mau đói bụng, bù lại phải ăn nhiều cơm là vậy. 

(4) Xin lỗi mấy cô mấy bà, tác giả cũng không hiểu tại sao lại có câu "mặt má miếng bầu nhìn lâu thấy ghét". Bầu ở đây là loại bầu xưa trên cuốn nhỏ, xuống đít to ra. Bầu trái to nên ở chợ thường xẻ miếng bán thay vì bán nguyên trái. 

(5) Nhà văn Vũ Hạnh có viết quyển Người Việt Cao Quý hồi thập niên 1970's. Ca ngợi chén nước mắm trong bữa ăn của người Việt một cách quá đáng. Nay biết là ông viết theo nhu cầu chánh trị! 

* Thông báo: Những bài biện khảo của tác giả về cải lương, các món ngon và văn hóa Lục Tỉnh đã đăng báo trước đây sẽ được in thành sách. Mời đọc giả đón đọc. Mọi liên lạc góp ý xin gởi cho tác giả: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.. Cám ơn. 

Nguồn: Cadaotucngu.com

Nam Sơn Trần Văn Chi

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com