User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Kết hoa treo đèn là tập tục của những dân Á Đông chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc trong đó có Việt Nam ta vào những ngày lễ hội. Riêng vào dịp Rằm tháng Tám, đèn không những treo mà còn được rước tưng bừng trong tiếng trống ếch vì đây là Tết của Nhi Đồng. Trung Thu mà thiếu đèn với trẻ em sẽ thành vô vị như người lớn thiếu bánh dẻo, bánh nướng vậy.

Tục treo đèn bầy cỗ dưới ánh trăng Rằm Tháng Tám bắt đầu từ đời vua Đường Minh Hoàng bên Trung Hoa nhân ngày sinh nhật của nhà vua cách đây hơn ngàn năm. Còn tục rước đèn thì bắt đầu trễ hơn vào đời vua Nhân Tông nhà Tống do sự tích rằng có con cá chép tu luyện lâu năm thành yêu quái thường biến thành con gái vào đêm trăng để đi hại người, nên ông Bao Công mới truyền cho nhân gian làm những đèn con cá giống nó rồi đem rước khắp phố phường để cho cá yêu kinh sợ không dám tác quái.  Câu chuyện nghe ly kỳ trong trí tưởng của người dân chất phác. Dân Việt mình chịu ảnh hưởng của Trung Hoa qua một ngàn năm lệ thuộc nên bắt chước theo. Lại có thuyết thần thoại khác là một con thiên nga trên thượng giới bay lạc xuống trần gian bị bắt làm thịt nên Ngọc Hoàng thượng đế nổi giận nên ra lệnh thiêu đốt người trần. Một bà tiên động lòng từ tâm muốn cứu vớt người trần khỏi sự hỏa tai nên lén dạy người ta làm đèn rồi đi diễu về đêm thành ra Ngọc Hoàng trên trời nhìn xuống lầm rằng trần gian đang bị đốt nên hoàn toàn nguôi giận.

Ngẫm nghĩ lại mỗi một cổ tục gì của nhân gian Á Đông đều không nhiều thì ít cũng phải nhuốm màu vẻ hoang đường liên quan đến một gốc gác huyền bí siêu nhiên để tạo sự ăn sâu vào tâm trí người ta. Nói chi đến Trung Thu, đầu óc của chúng ta vào tuổi ấu thơ đầy ắp bao nhiêu hình ảnh huyền bí thơ mộng của chị Hằng Nga, của chú Cuội, của con Thiềm Thừ trên Cung Quảng Hàn… Kịp đến khi khôn lớn, bao nhiêu điều thần thoại trên đều biến mất nhưng trong lòng chúng ta không khỏi u uất tương tư lại tính chất thơ mộng của thời xưa vào cái thuở người trần chung sống với thần linh ma quỉ. Một Tản Đà vào đầu thế kỷ thứ 20 ngà ngà men rượu vẫn còn mơ chuyện bay lên Cung Quế bầu bạn với Chị Hằng Nga:

Rồi cứ mỗi năm Rằm tháng Tám,
Tựa nhau trông xuống thế gian cười!

Theo Carl Jung, nhà phân tâm học người Thụy sĩ, chuyện thần thoại và tập tục trong xã hội là cả một tập hợp biểu tượng đã tác dụng trên tâm trí của con người. Trong thiên bút khảo này, bạn hãy cùng tôi đi vào ý nghĩa tượng trưng của Ánh Lửa và đèn đuốc trong văn hoá Cổ Á Đông.

Theo dịch lý, lửa là nguyên tố Dương, biểu hiện cho cái gì vui, mạnh, dồn gấp, thăng tiến… nói chung là „sự sống“. Sự phát minh dùng lửa khiến nhân loại thoát ra khỏi tình trạng man dã tối tăm, ăn tươi nuốt sống, do đó ngọn lửa được gán ghép nhiều ý nghĩa tin tưởng trong sự chiêm nghiệm của dân gian, chẳng hạn như:

_ thấy ngọn đèn nở hoa là điềm phát tài

_ khi cúng cấp, lò hương bùng cháy là điềm tốt

_ đun nấu mà lửa reo là đắt hàng

_ đèn đổ dầu là điềm gởsaokedo

Trong cổ tục hôn lễ Trung Hoa, cô dâu mới cưới về ngưỡng cửa nhà chồng phải bước qua một lò than hồng, với tin tưởng sẽ sanh đẻ mau mắn, không gặp hiểm nghèo. Đêm động phòng, phòng ngủ tân hôn bắt buộc phải thắp sáng suốt đêm bằng một cặp đèn cầy có kết hoa gọi là „Hoa Chúc!. Dân gian tin rằng phải giữ làm sao cho cặp đèn cháy sáng song hành với nhau, cùng thắp sáng và cùng tàn lụi một lần, như thế thì vợ chồng mới bách niên giai lão, không phải cảnh sống chết kẻ trước người sau. Sáp đèn cầy không được tan chảy dễ dàng nhễu xuống như những giọt lệ buồn bã phân ly. [Trong truyện Kiều, có chữ „đuốc hoa“ tức là dịch sát hai chữ „hoa chúc“ – chúc nguyên nghĩa là cái đuốc, nhưng về sau áp dụng để chỉ cây đèn cầy kết hoa đêm hợp cẩn: Đuốc hoa để đó mặc nàng nằm trơ]. Ở Việt Nam, có tục lệ cặp tân hôn „lên đôi đèn“ trước bàn thờ _ chứ không thắp trong phòng ngủ -  là phỏng theo cái lý tưởng phu thê đồng sanh đồng tử trên.

saolahau

Ngoài đèn hoa của lễ cưới, người Tàu và Việt vào đầu năm thường đốt đèn cúng sao bản mệnh, nhất là gặp năm tuổi hay năm xung tháng hạn có hung tinh chiếu mệnh. Xấu nhất cho nam giới là sao La Hầu thì gặp toàn chuyện kiện tụng hay tai nạn, còn xấu nhất cho nữ giới là sao Kế Đô thì gặp điều tai tiếng, chủ sự buồn phiền. Cúng sao La Hầu thì dùng giấy vàng làm bài vị có hình Thiên Cung Thần Thủ La Hầu tinh quân. Trên bàn sắp đèn cầy theo con số của sao này là chín ngọn, dò theo hình vẽ mà sắp cho đúng vị trí, day mặt hướng Bắc mà cúng. Còn cúng sao Kế Đô, thì bày bài vị giấy vàng có hình Thiên Quân Phân Vĩ Kế Đô Tinh quân, thắp 21 đèn cầy theo hình vẽ, day mặt hướng Tây mà cúng.

Những ngọn nến hay những dĩa đèn dầu tượng trưng cho sao bản mệnh rất quan trọng, không được tắt bất ngờ. Trong truyện Tam Quốc, có chuyện tế sao của ông Khổng Minh ly kỳ như sau:

Khổng Minh xem thiên văn biết mình sắp chết nhưng nhiệm vụ giúp cho Lưu Bị là chủ soái thâu gồm thiên hạ chưa hoàn thành nên rất buồn phiền. Ông bèn bầy đàn để cúng sao (nhương tinh) đốt đèn bổn mạng, rồi khấn vái với trời cho ông sống thêm một năm nữa. Trong bảy ngày, nếu đèn bổn mạng vẫn cháy thì ông không chết. Ông dặn dò ba quân, cấm tuyệt chẳng ai được vào phòng trong hạn 7 ngày ấy. Gần đúng hạn kỳ, ngọn đèn càng thêm tỏ rạng, Khổng Minh rất mừng. Bỗng Ngụy Diên đâm sầm từ ngoài vào phòng, chạy báo tin binh Nguỵ đến, trớn chạy quá lanh khiến gió chao ngọn đèn rồi tắt phụt. Khổng Minh quăng gươm xuống đất than..“ Sống thác có mạng, dễ cầu đặng sao!“

Quả nhiên, vài ngày sau thì Khổng Minh thác!.

Về Tết Trung Thu thì ai cũng nghĩ là nhiều đèn đuốc được thắp coi là chính thức về phương diện phong tục của Trung Hoa. Kỳ thực, dịp mà đèn được đốt nhiều nhất là Đêm Tiết Thượng Nguyên hay Nguyên Tiêu tức là Rằm tháng Giêng âm lịch, đêm này người ta thắp đèn vui chơi suốt cả đêm, nên còn gọi là Tiết Hoa Đăng. Người Việt mình tuy chịu ảnh hưởng Trung Hoa nhưng không ăn Tết Thượng Nguyên. Trong truyện Kiều, có câu:

Cửa hàng buôn bán cho may,
Đêm đêm Hàn Thực, ngày ngày Nguyên Tiêu

Điều này chứng tỏ đêm Rằm tháng Giêng ở Trung Hoa quan trọng hơn Rằm tháng Tám về sự ăn chơi, nhất là đốt đèn đi chơi suốt đêm. Sau Tết Nguyên Đán Mồng Một đầu năm, người ăn chơi lai rai cho đến ngày Rằm ăn thật tưng bừng rồi chấm dứt. Tục ăn tiết Nguyên Tiêu có từ đời Hán cách đây khoảng hai ngàn năm, dịp này người Tàu cúng vái Trời cao mà họ gọi là Nguyên thỉ Thiên tôn.

Một điều mà người Trung Hoa đã tin tưởng về đèn cũng nên nói ra. Sự tin  tưởng lại dựa vào sự  phát âm ngôn ngữ qua tên gọi. Ta thấy ở miền Nam đầu năm người dân quê chưng hoa quả cúng thì bày ra những trái mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài, nếu đọc theo thổ âm miền Nam thì ghép lại thành một thông điệp khẩn cầu là “Cầu Sung túc Vừa Đủ Xài”. Ở bên Trung Hoa, lửa tượng trưng cho sự sinh sản mau mắn, nên vào Tiết Nguyên Tiêu, phụ nữ thường ngày chỉ quanh quẩn nội trợ tại gia, ít ra đường ngoài chợ búa nên vào dịp rước đèn đêm này thì theo phong tục họ được phép đi chơi. Đối với phụ nữ có gia thất thì rước đèn là điều may mắn chóng sinh con trai. Hoa ngữ gọi chiếc đèn là Đăng, đọc theo giọng phổ thông gần giống chữ Đinh (là con trai về sau lớn lên thành một đơn vị làm việc cho gia đình và đóng thuế cho nhà nước). Đốt đèn theo Hoa ngữ là Điểm Đăng, đọc trại ra thành Thiêm Đinh (thêm con trai) vì vậy mỗi năm vào dịp Nguyên Tiêu là mỗi phải đi để kiếm theo con trai! [ Bây giờ, Trung quốc có 1 tỉ 3 dân nên họ chủ truơng kế hoạch theo chánh sách “chỉ đẻ một con”!]

image003Người Tầu nổi danh là khéo tay sáng trí nên sẵn tre mây là thổ sản và nhân sự phát minh ra giấy, dệt vải lụa, họ đã sáng chế rất nhiều thứ đèn đủ mọi hình thức và kiểu cách: đèn xách cầm tay, đèn treo trước cửa, đèn để trên bàn, đèn đám cưới, đèn lễ hội  và bao nhiêu thứ đèn kiểu cọ khác v.v… Đi đêm thì họ dùng đèn lồng hay đèn xếp gọn nhỏ để người ta biết.  Đèn treo cửa thì lớn hơn, có ghi tộc tính của nhà mình như Trần Phủ là nhà của họ Trần,  trong nhà có hỉ sự thì đèn màu đỏ, có tang sự thì màu trắng để báo tin cho hàng xóm biết. Đèn đám cưới không thể thiếu chữ Song Hỉ…

Vào dịp Rằm tháng 8 thì có nhiều đèn cho trẻ em về súc vật như thỏ, gà, thiềm thừ, cá chép liên quan đến thần thoại Trung Thu. Trên đèn để bàn, đôi khi vẽ cảnh vua Đường Minh Hoàng du nguyệt điện.  Nhiều nơi, nếu chủ nhà là văn nhân mặc khách thì trên đèn có viết một bài thơ hay một câu đố, để  những  người biết chữ nghĩa dừng chân lại ngắm nghía và bàn luận.

Nhưng có lẽ đáng nói nhất là những chiếc đèn kéo quân mà người Trung Hoa gọi là Tẩu Mã Đăng.  Hình thức đèn này thường là đèn bát giác,  hay lục giác, phất vải luạ  hay giấy dầu trên nan tre, ở giữa có một cây trục chính nối liền bên dưới với một cái vòng tròn bằng những căm tre như cái bánh xe Merry-go-round ở các hội chợ. Ở trên đầu trục, có gắn một cái tán bằng giấy cứng cắt những khứa xeo xéo rồi bẻ như hình chân vịt máy đuôi tôm chạy ghe xuồng. Trên vòng tròn có dán nhiều hình giấy cắt thành hình người hay hình ngựa xe, thuyền bè. Bên dưới chiếc đèn kéo quân, có thắp một ngọn đèn dầu nên khí nóng bốc lên làm cho cái trục chuyển động, ngó bên ngoài ta thấy những bóng người và ngựa, xe và thuyền bè di chuyển rất vui mắt và ngộ nghĩnh.

Đây là một sáng chế của đầu óc Trung hoa, dùng không khí bị hun nóng do sức nhiệt của cây đèn khiến nó bốc lên và làm chuyển động cái tán tròn. Nguyên tắc này là nguyên tắc làm những chiếc khinh khí cầu để bốc người ta lên không trung trước khi có sự sáng chế cánh quạt gió để làm máy bay. Vào thời Tam Quốc, Khổng Minh đã nghĩ ra những chiếc khinh khí cầu nhỏ tức là những chiếc đèn bên dưới đốt một nùi dẻ thấm nhựa thông để thả lên không trung dùng để cấp báo khi khổn nguy.

Tẩu Mã Đăng là một sự kỹ xảo dùng hơi nóng để đẩy trục đèn chạy vòng tròn.  Về phương diện kỹ thuật, đơn giản nhất là chiếc đèn kéo quân với một cái tán thường bầy cỗ rằm tháng 8. Nhưng lên một cấp  khéo hơn, lại có những đèn kéo quân có hai tán: một tán xoay chiều thuận, một tán xoay theo chiều nghịch nên khi đèn chạy, có hai vòng quân, một vòng trẩy đi,  một vòng trẩy ve, nên rất vui  mắt.

Nhưng kỹ xảo hơn cả, người ta lại chế tạo ra những đèn xẻ rãnh , tức là đèn kéo quân với một hệ thống có nhiều rãnh cho trục tán di chuyển, nên có thể dàn dựng để diễn xuất thành một  màn kịch ngắn theo tuồng xưa tích cũ Trung Hoa. Rãnh có thể hiểu là con đường rầy trên đó di chuyển những hình giấy gọi là quân.

Kỹ thuật làm đèn Trung thu kéo quân và xẻ rãnh ở Trung quốc đã truyền sang Việt Nam. Với một năng khiếu bắt chước tài tình, người Việt vốn khéo tay đã chế tạo ra những chiếc đèn tinh xảo không kém người Tầu. Xin quí bạn đọc phần đối thoại của hai cha con trong kỹ thuật làm một  chiếc đèn xẻ rãnh trong truyện Đèn Đêm Thu của cuốn Vang Bóng Một Thời do tác giả Nguyễn Tuân :

Cụ Thượng hỏi ông Cử Hai:

_ Thế anh đã nghĩ làm đèn thế nào chưa?

_ Con định hỏi lại thầy về cái tích này xem có nên không. Là diễn một tích trong truyện Ngô Việt Xuân Thu, lúc Phạm Lãi đem Tây Thi sang dâng Ngô Phù Sai.

_ Ừ, Phạm Lãi gặp Tây Thi giặt lụa ở bến Trữ La, hồi này thú vị đấy.  Nhưng anh Cử định diễn từ đoạn nào? Phải làm những quân gì? Đừng nên làm nhiều quân lắm. Cái sức luân chuyển của tàn đèn đốt lửa chỉ có chừng độ thôi. Nếu dùng nhiều quân quá, sức máy gạt ngang sẽ yếu đi nhiều.

_ Con đã nghĩ rồi. Cái rãnh chính để hình dung một con sông chảy từ đất Việt sang đất Ngô.  Ở phía bên phải chiếc đèn, đắp một hòn núi giả hơi cao.  Ở rãnh phụ ấy, đặt một cái máy gạt ăn vào hai hình quân Ngô Phù Sai và Ngũ Tữ Tư.  Ở nơi góc bên trái, cũng ở một cái rãnh phụ nữa, lại một chiếc máy gạt ăn vào một chiếc thuyền ở trên có hình Phạm Lãi ngồi. Ở cái rãnh chính thì có chiếc thuyền lớn. Đó là thuyền Tây Thi tiến Ngô.

Một điều cần phân biệt là trong chiếc đèn kéo quân thường chỉ cho thấy bóng đen của những quân hình chạy trên màn giấy của đèn, còn trong đèn xẽ rãnh, những quân hình được đắp nắn như thật bằng sáp, đầu là nang mực gọt tỉa, có đội mão mang râu như trên sân khấu. Một chiếc đèn trang bị với bốn năm rãnh cần ít nhất một dĩa đèn lớn thắp đến mười con bấc thì hơi nóng mới đủ sức để cái tán đèn lớn chạy.

Cũng nên nói thêm về đèn cù Việt Nam mà cách làm như sau: Bửa những quả bưởi nhưng cốt giữ nguyên vẹn lần vỏ, trổ vào vỏ những hình trám thủng, còn bên trong thắp đèn để trẻ con lăn tròn trên mặt đất.  Đèn thắp là những hạt bưởi xâu vào que phơi khô, rất dễ bắt lửa.

Nói đến đèn Trung Thu vui vẻ, ta không thể nhắc đến những chiếc đèn khác vào dịp Cúng Cô Hồn Tháng Bảy, đó là những chiếc đèn sơ sài làm bằng giấy xếp lại giống hình búp sen, thắp sáng bằng ngọn nến nhỏ thường để ở hai vệ đường hay thả trôi trên sông hồ. Tín đồ Phật giáo tin rằng những hồn ma không ai hương lửa cúng cấp phải sống trong cảnh đêm dài vô tận của cõi u minh như dưới ngòi bút của Nguyễn Du:

Trong trường dạ tối tăm trời đất,

Có khôn thiêng phảng phất u minh

Thương thay tập loại chúng sinh,

Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người

Hương lửa đã không nơi nương tựa,

Hồn mồ côi lần lửa mấy niên.

Bởi thế, những chiếc đèn Rằm Tháng Bẩy biểu hiện cho ánh sáng của Phật được thắp lên để hướng dẫn thập loại cô hồn đến nghe  những hồi kinh giải thoát và sau khi hưởng đồ cúng cấp nơi trần gian có thể nương ánh sáng  này biết đường mà trở về Âm Phủ chờ giải nghiệp cho một kiếp sau:

Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ,

Phóng hào quang cứu khổ độ u,

Mười loài là những loài nào?

Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh

Kiếp phù sinh như hình như ảnh,

Có chữ rằng: “Vạn cảnh giai không”

Ai ơi lấy Phật làm lòng,

Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi…

(Chiêu hồn Thập loại Chúng sinh)

Ở Huế trước đây, vào rằm tháng bảy cũng như vào dịp Cúng Thất Thủ Kinh Đô 23 tháng 5 âm lịch, có tục phóng thí  ở các chùa và phóng đăng trên sông Hương.  Đèn thả sông gọi là hà-đăng, đứng trên cầu Trường tiền nhìn xuống trông mờ ảo lung linh.  Đôi khi, thay vì  thả đèn thì thả những bè chuối nhỏ tí hon để giấy tiền binh có thắp nhang trên  bè có gắn một cái bồ đài (hay xà-lẹt) đựng một chút cháo nấu lỏng, mục đích là để cúng những oan hồn chết trên bờ sông bụi suối do tên bay đạn lạc. Khắp một giải sông Hương, du khách thoáng ngửi phảng phất một mùi nhang trầm huyền bí.

Những chiếc đèn Á Đông phất bằng vải giấy, đốt bằng dầu thực vật hay những ngọn nến sáp trên  dòng lịch sử của nhân loại là những sản phẩm có tuổi thọ mấy ngàn năm so với cả triệu bóng  điện màu của cây Giáng sinh ở Toà Bạch Ốc Mỹ quốc  hay hàng chục nghìn  cây số đèn  ống nê-ông  uốn  éo muôn vẻ muôn mầu ở Nữu Ước vào Tết Dương lịch.  Những điều thần thoại, tín ngưỡng hay sự tích dân gian mà con người xưa cổ lỗ ở Á Đông đã gán ghép cho những ánh đèn , ánh nến đến bây giờ  có thể gần như  không ai còn nhớ, hoặc giả đã  lặn sau vào tiềm thức. Tuy nhiên, những ánh đèn lồng ấm cúng, những ngọn nến lung linh không vì vậy mà biến mất đi vì khiếu thẩm mỹ của tâm hồn Việt nam hiện đại vẫn còn chuộng nét vẻ huyền bí hoang sơ của những món đồ cổ vật. Một phố cổ Hội An với  những ánh đèn lồng, một khúc Hương giang Huế với những ánh hoa-đăng ở Việt Nam chính là những điểm tựa lý tưởng cho những tâm hồn hiếu cổ muốn trở về hành hương chiêm ngưỡng lại những cái gì đã một thời vang bóng.
Lê Văn Lân

 

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com