User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

... Ðây Ao Bà Om
Người thiếu nữ Khmer và chiếc đèn gió
Xưa treo lửng lơ thay đóa sao trời
Ðể chiều nay còn đọng tiếng em cười...

(Trích “Ðôi Dòng Về Ao Bà Om” - Tác giả Hồng Băng)

Ao Bà Om còn được gọi là ao Vuông vì ao có hình vuông. Ao được bao bọc xung quanh bởi những gò cát chông chênh với gần 500 gốc sao, cây dầu hàng trăm năm tuổi, có rễ trồi lên mặt đất thành những hình thù kỳ vĩ. Ao được bao bọc xung quanh bởi những gò cát chông chênh với gần 500 gốc sao, cây dầu hàng trăm năm tuổi, có rễ trồi lên mặt đất thành những hình thù kỳ vĩ.

du lich tra vinh ao ba om 1
Một góc Ao Bà Om. (Hình: Du Lịch VN)

Ao Bà Om nằm cạnh Quốc lộ 53, cách thị xã Trà Vinh khoảng 5km về phía Tây Nam. Khuôn viên ao rộng 100,000m2, trong đó mặt ao gần 43,000m2.

Tên Bà Om vì có giai thoại cho rằng, trước đây, quanh bờ ao này mọc rất nhiều rau ngò om (một thứ rau dùng bỏ canh chua), người dân địa phương quen gọi là rau “mà om,” về sau đọc trại thành ao Bà Om.

Chuyện kể về ao Bà Om

Ao Bà Om có những câu chuyện kể mang nhiều chi tiết siêu nhiên nhưng cũng rất gần gũi với người dân ÐBSCL, đặc biệt là với người Khmer ở vùng đất này.

Một trong những truyện dân gian kể rằng: ngày trước, vùng đất Trà Vinh hằng năm cứ đến mùa hạn thì nước ngọt rất khan hiếm. Ruộng rẫy khô cằn. Ðời sống bà con vùng đất này lầm than khôn cùng. Một ông hoàng trấn nhậm trong vùng bèn quy tụ bà con lại để đào ao giữ nước ngọt. Cùng lúc đó, trong vùng xảy ra một vụ “tranh chấp” khó giải quyết: đàn ông và đàn bà, ai phải đi cưới ai? Ai phải chịu mọi phí tổn trong lễ cưới? Ông hoàng nhân dịp này chia ra hai bên nam nữ tổ chức một cuộc thi đào ao. Ao bên nào đào sâu hơn, lớn hơn và xong trước thì sẽ thắng cuộc, bên thua sẽ phải đi cưới. Trời vừa tắt nắng, hai bên chia nhau đào ao. Bên nam thì đào ao tròn ở phía Tây còn bên nữ đào ao vuông ở phía Ðông. Bên nữ do bà Om chỉ huy, thấy không thể kình được sức đàn ông nên bên nữ dùng “kế”: Họ vừa đào vừa ca múa để các chàng bỏ việc mà chạy sang rình xem. Nửa đêm, bà Om cho chặt một cây tre thật dài, treo ngọn đèn lồng rồi đem cắm ở hướng Ðông. Theo giao hẹn là khi sao Mai mọc là phải ngừng công việc, khi bên nam thấy ngọn đèn tưởng là sao Mai nên họ rủ nhau về nghỉ. Trong lúc đó bên nữ đào đến sáng và xong việc trước. Bên nam thua cuộc trong sự “tâm phục, khẩu phục.” Ðể nhớ ơn người phụ nữ mưu trí, người ta lấy tên bà đặt tên ao, từ đó ao phụ nữ đào được gọi là ao Bà Om.

Có khoảng 10 dị bản gồm đủ các thể loại của truyện kể dân gian: truyện cổ tích, truyện dã sử, truyền thuyết, giai thoại... giải thích địa danh ao Bà Om. Xét về mặt nội dung, hầu hết các truyện xoay quanh ba chủ đề chính: giải thích tên gọi ao Bà Om, lý giải việc người nam đi cưới người nữ và tại sao người Khmer có tục lệ theo họ mẹ.

Các truyện kể đều là sản phẩm của trí tưởng tượng, mang đậm dấu ấn văn hóa của người Khmer ở ÐBSCL

Nhân vật Bà Om được tôn vinh là một người phụ nữ mưu trí, tài năng và bản lĩnh. Ðến thăm ao Bà Om, nghe kể những câu chuyện xa xưa, khó có thể xác định và thiết nghĩ cũng không cần thiết đánh giá truyện nào là giải thích nguồn gốc hình thành ao Bà Om chính xác hơn cả.

Lễ hội cúng trăng ở ao Bà Om

Lễ Ok-Om-Bok hay còn gọi là Lễ Cúng Trăng được tổ chức vào Rằm Tháng Mười âm lịch hàng năm, đây là một trong 3 ngày lễ lớn trong năm của người Khmer Nam Bộ. Lễ Cúng Trăng với ý nghĩa sau mùa thu hoạch, người dân làm lễ tạ ơn thần Trăng đã cho một mùa bội thu và cầu cho mùa vụ mới được sung túc hơn.

Lễ hội Cúng Trăng có rất nhiều người Khmer, Việt, Hoa ở Trà Vinh và các tỉnh lân cận tụ hội về ao Bà Om vui chơi, nhảy múa, xem hát dù kê, múa rô-băm... tạo nên nét văn hóa rất riêng của ao Bà Om, đồng thời thể hiện sự giao thoa văn hóa, sự đoàn kết, hòa hợp của ba dân tộc Kinh-Hoa-Khmer.

Ðến với Ao Bà Om, du khách còn được thăm chùa Âng, ngôi chùa Khmer vào loại cổ nhất khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long (xây dựng vào năm 990) và Bảo tàng văn hóa Khmer để hiểu thêm về nét đẹp văn hóa truyền thống của người Khmer Nam bộ.

Sân khấu của buổi lễ được dựng trên bờ ao, khung cảnh trang trí đậm nét văn hóa Khmer; trong khi đó, xung quanh Ao Bà Om, nhiều lồng đèn (hình tượng đèn gió) được treo lên làm cho ánh sáng xung quanh ao trở nên lung linh, huyền ảo dưới ánh trăng Rằm.

Càng gần đến giờ khai lễ, không khí xung quanh Ao Bà Om càng nóng hơn bởi người dân liên tục kéo về khu này.

Ðến giờ khai lễ, mở màn là tiếng nhạc và những điệu múa của các cô gái mang đặc trưng văn hóa Khmer. Sau đó, các chùa và phật tử cùng đi diễu hành xung quanh ao với một cỗ xe đặc trưng và thả hoa đăng trên Ao Bà Om. Với những hình ảnh thể hiện nét văn hóa riêng, lễ Cúng Trăng trở nên ấn tượng với người xem.

Ao Bà Om trong tiểu thuyết “Yêu” của Chu Tử

Trước năm 1975 vì câu chuyện tình của “chú Ðạt - cháu Diễm” trong tiểu thuyết “Yêu” của Chu Tử khiến nhiều người háo hức mong sẽ có một ngày đến Ao Bà Om, nơi “chú Ðạt” xuống Trà Vinh tìm Diễm và ra Ao Bà Om dạo chơi...

Ao Bà Om và Trà Vinh xa xôi khi đưa vào văn học trở nên lãng mạn từ đó đến nay... Thật kỳ lạ, trong vùng châu thổ Cửu Long lại có rừng cây sao cây dầu hàng trăm năm tuổi... Gió đuổi trên ngọn sao... nắng rực rỡ...

Chu Tử là bút hiệu của Chu Văn Bình (1917-1975), một nhà văn, nhà báo. Ông được biết đến là chủ nhiệm nhật báo Sống và là tác giả những cuốn tiểu thuyết như Yêu và Ghen...

“Ðạt mãi nghe chuyện Hội, nên Ao Bà Om hiện ra trước mắt chàng lúc nào, chàng cũng không rõ. Xe của Ðạt dừng bánh thì Diễm cũng vừa tới:

- Ðẹp quá nhỉ!

Diễm đứng sững ngắm cảnh u nhã của Ao Bà Om. Ao rộng lớn, nước rờn xanh, có trồng sen ở giữa. Xung quanh có những cây cao lớn, thân cây thẳng tuốt, rễ cây ngổn ngang, lan tràn mặt đất, như những con rắn khổng lồ khắp đó đây. Xe hơi có thể lượn vòng quanh ao, dưới những lùm cây...” (Chu Tử tiểu thuyết “Yêu” chương III)

Ao Bà Om và Trà Vinh xa xôi khi đưa vào văn học trở nên lãng mạn từ đó đến nay...

Nam Sơn Trần Văn Chi

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com