User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

thica

Mài Gươm Dưới Nguyệt - Chí Sĩ Nguyễn Thái Học

Dòng thi ca khảng khái của dân tộc ta đã chảy dài suốt hơn 4000 năm của lịch sử nòi giống Việt.

Để hiểu rõ truyền thống bất khuất của dân tộc ta đã biểu lộ cụ thể như thế nào, chúng ta cần nên có một số hiểu biết căn bản về dòng sinh mệnh của lịch sử Việt.

Qua các trang sử Việt, chúng ta thấy văn hóa và văn minh của dân tộc ta đã hình thành và phát triển như thế nào ngõ hầu chúng ta có thể tự hào và tự tin vào tương lai sáng lạn phải có của dân tộc ta, nhưng tuyệt đối không tự tôn.

Dân tộc Việt ta có những trang sử chưa tên tuổi trước thời đại Hùng Vương mà di tích đã tìm thấy ở Lạng Sơn, Thanh Hóa (Núi Ðọ), Hòa Bình.

Trong số các di tích như răng, xương, búa, rìu, và đồ trang sức, v.v., nổi bật nhất là Trống Ðồng được tìm thấy mới đây khoảng 170 chiếc có niên đại vào thời Họ Hùng. Kể từ thế kỷ thứ 13, các nhà viết sử, tỉ như Lê Văn Hưu (1272), đã bắt đầu chép sử dựa vào sử Tầu và các truyền thuyết trong dân gian. Rồi, các sử gia sau đó lấy thời các Vua Hùng cách nay trên 4000 năm tính từ năm 2879 trước Tây Lịch làm mốc lịch sử Việt.

Thời Kỳ Tự Chủ Ban Ðầu: Thời Ðại Hùng Vương

Vào thời kỳ của 18 vị vua Hùng, dân tộc ta có khoảng 2000 năm độc lập và gồm 15 bộ lạc kết hợp, chủ yếu là bộ tộc Lạc Việt với tên nước là Văn Lang.

Ðất nước ta vào thời đại Hùng Vương rộng tới Quảng Tây và Quảng Ðông bên Tầu, lớn hơn bây giờ nhiều. Nhưng dòng Hán tộc đông hơn, mạnh hơn, qua nhiều triều đại, đã đẩy lùi dân tộc ta dần xuống phía Nam. Cuộc sống đã diễn ra trong khung cảnh an hòa và có quy củ: trên hết có Vua, dưới có Lạc Hầu (Văn) và Lạc Tướng (Võ). Cộng đồng đã có nhiều nhân vật tài ba xây dựng đời sống được xưng tụng là Ông viết hoa như trong câu ca dao: “Ông Tát Bể, Ông Kể Sao, Ông Ðào Sông, Ông Trồng Cây, Ông Xây Rú, Ông Trụ Trời.”

Ông Tát Bể (dạy biến đồng lầy thành ruộng); Ông Kể Sao (dạy trông thiên văn đoán thời tiết làm ruộng) ; Ông Ðào Sông (lấy nước cho ruộng); Ông Trồng Cây (dạy trồng trọt); Ông Xây Rú (dạy phá rừng lấy gỗ); Ông Trụ Trời (dạy xây nhà).

Có một số truyền thuyết và huyền thoại ngụ ý sâu xa trong thời đại này.

Dân tộc ta đã chọn Rồng và Tiên là Vật Tổ (Totem) sản sinh ra nòi giống Việt. Rồng tượng trưng cho Sức Mạnh và Tự Do; Tiên tượng trưng cho lòng Nhân Ái và Ðẹp Toàn Vẹn. Vì vậy, tổ tiên dân tộc ta có tên là Lạc Long Quân và Âu Cơ. Tóm lại Rồng Tiên tượng trưng cho Tứ Việt Tính “Hiền, Uy, Nhân, Dũng”. Và đó chính là:

Ta chính là Việt
Việt chính là ta
Kết hợp hài hòa
Hiền, Uy, Nhân, Dũng
Nhớ thuở tiền nhân lập quốc
Lạc Long Quân, Âu Cơ
Rồng Tiên kết hợp
Khai sáng non sông Lạc Hồng
*
Truyền thuyết Mẹ Việt Âu Cơ đẻ ra bọc trứng nở 100 con trai rồi Lạc Long Quân dẫn 50 con xuống biển và Âu Cơ dẫn 50 con lên núi hàm ý gì?

Trước hết một trăm trứng không phải là số 100 mà có nghĩa là nhiều lắm y như ta vẫn nói trong cụm từ bách tính, bách gia, trăm họ, trăm nhà, và Bách Việt cũng có nghĩa như vậy.

Sự kiện phân tán lên núi xuống biển hàm ý: dòng họ Lạc Long + Âu Cơ lúc đó đã tản ra nhiều nơi sinh sống và để cứu ứng nhau khi cần.

Con trai trưởng của Lạc Long Quân và Âu Cơ là Vua Hùng đầu tiên của Văn Lang nước ta.

Ðời Hùng Vương thứ III có sự tích Công Chúa Tiên Dung lấy chàng Chử Ðồng Tử, một chàng chài lưới nghèo có ngụ ý gì?

Cha Chử lúc qua đời chỉ có một cái khố là quý nhất để lại cho con. Chử thương cha lạnh lẽo, lấy khố liệm cho cha, vì thế không còn gì để che thân. Tình cờ Tiên Dung tới bãi Chử Xá (Ðầm Dạ Trạch, Hưng Yên) tắm, Chử không kịp lánh đi chỗ khác phải vùi mình trong cát dấu thân. Sự thể bị phát giác, Tiên Dung cảm tấm lòng hiếu của Chử và vì Chử đã nhìn được tấm thân của mình, nên nàng quyết định kết duyên với Chử. Vua giận nhưng không rẽ duyên. Câu truyện nói lên quan niệm chữ Hiếu của Chử, chữ Trinh của Tiên Dung, và lẽ Công bằng Ðối Xử của vua cha.

Ðời Hùng Vương thứ VI có huyền thoại về Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, dùng roi sắt và gậy tre diệt giặc Ân. Như vậy là người Việt lúc đó đã đúc được sắt tốt và toàn dân biết vạt tre nhọn làm khí giới.

Còn nhiều huyền thoại như “Sơn Tinh và Thủy Tinh”, “Nỏ Thần”, sự tích “Trầu Cau” v.v., chúng ta phải giải thích sao cho ra cái ý của người muốn truyền đạt.

Thời đại Hùng Vương kết thúc khi Thục Phán, cũng trong dòng họ Hùng, lên kế vị Vua Hùng.

Thục Phán vốn thuộc bộ lạc Tây Âu nên đổi tên Văn Lang ra Âu Lạc và dời đô về Cổ Loa, vùng đất hiểm yếu hơn để đề phòng ngoại xâm.

Triệu Ðà, người Hán, dùng gian kế (gián điệp) kết thông gia để chiếm Âu Lạc năm 179 TTL rồi sáp nhập vào Nhà Hán vào năm 111 TTL.

Nước ta như vậy bị hơn 1000 năm Bắc thuộc (179 TTL – 939 STL). Trong giai đoạn này có ít nhất là 9 cuộc nổi dậy mở đầu là cuộc Khởi Nghĩa của Hai Bà Trưng (41 – 43).

Sau hơn 1000 bị người Tàu đô hộ, Ngô Quyền đã đứng lên giành quyền tự chủ cho dân tộc ta.

Nền tự chủ, kể từ Họ Ngô (939) tới Họ Nguyễn (1884), trải qua 8 triều đại: Ngô, Ðinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê, Nguyễn kéo dài được 946 năm thì bị rơi vào vòng Pháp Thuộc.

Trong giai đoạn tự chủ, nước ta nhiều lần bị ngoại xâm nhưng tất cả đều bị đẩy lui.

Có nhiều chiến công hiển hách rạng rỡ sử xanh như Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán ở Bạch Ðằng Giang (938); Trần Hưng Ðạo ba lần đại thắng quân Mông Cổ (1258 - 1285 - 1287); và Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh (1788).

Thời kỳ Pháp thuộc kể từ năm Triều Ðình Nguyễn ký hiệp ước ngày 6/6/1884 công nhận quyền bảo hộ của Pháp.

Quân Pháp khai phát súng đầu tiên ở Ðà Nẵng xâm chiếm nước ta vào ngày 1/9/1858 và Tổng Thống Auriol đã ký Hiệp Ðịnh Élysée trao trả toàn vẹn lãnh thổ cho Hoàng Ðế Bảo Ðại ngày 3/8/1949, nhưng Pháp còn dính líu vào VN cho mãi tới năm 1954 khi bị thất trận Ðiện Biên Phủ.

Thời Pháp Thuộc kéo dài khoảng 70 năm nhưng đã có nhiều cuộc nổi dậy như Phong Trào Cần Vương do Vua Hàm Nghi rời bỏ kinh thành để ra ngoài chiến đấu. Cho mãi tới năm 1930, sau cuộc tổng khởi nghĩa của Quốc Dân Ðảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo ở Yên Báy bị thất bại, cuộc đấu tranh chuyển sang đường hướng khác. Các cuộc nổi dậy nói chung bị thất bại vì không có đông đảo quần chúng tham gia và thiếu vũ khí.

Sau thời Pháp thuộc đến giai đoạn đất nước ta bị rơi vào cuộc chiến do Ðảng Cộng Sản phát động nhằm biến VN thành một chư hầu của Liên Xô và Trung Cộng.

Trong giai đoạn Ðảng Cộng Sản nắm độc quyền cai trị, ngoài các cuộc nổi dậy của người dân như nông dân ở Nghệ An, còn có nhiều nhà trí thức, nhà văn, thơ, nhạc sĩ đã nổi dây chống lại chế độ từ năm 1956 như cụ Phan Khôi, Văn Cao, Luật Gia Nguyễn Mạnh Tường, Giáo Sư Trịnh Ðình Thảo v.v. Và, cho đến hôm nay, rất nhiều hội, đảng, và phong trào đã mạnh mẽ đứng ra chống đối Ðảng và đang dần dần đi vào giai đoạn tổng khởi nghĩa với sự xuống đường của toàn dân từ Bắc chí Nam.

Trong các giai đoạn dân tộc ta bị đô hộ hay bị bạo quyền kìm kẹp, đàn áp và bóc lột, đất nước ta luôn luôn có những nhà thơ, nhà văn viết lên những dòng thơ khảng khái để bầy tỏ tinh thần bất khuất cũng là để nung nấu chí đấu tranh chống ngoại xâm và bạo quyền.

Dân tộc ta vốn ưa chuộng văn học. Chí sĩ Ức Trai Nguyễn Trãi (1380 – 1442) đời Nhà Hậu Lê đã viết:

Duy ngã Ðại Việt chi quốc
Thực vi văn hiến chi bang

Dịch là:

Xét có nước Ðại Việt ta
Thật là một nước văn hiến

Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây: Nguyễn Trãi vốn là con của Nguyễn Phi Khanh mà quân Minh xâm lược đã bắt được và giải về Tàu.

Nguyễn Trãi theo cha tới Cửa Ải Nam Quan và được nghe cha nói rằng: “Con là người có học, có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Như thế mới là đại hiếu. Lọ là cứ phải theo cha, khóc lóc như đàn bà, mới là hiếu hay sao?”

Ông nghe lời cha, trở về tìm cách cứu nước thì bị quân Minh bắt được tại Thăng Long. Tướng Minh dụ ông hàng, nhưng ông từ chối và bị giam lỏng ở Ðông Quan. Cuối cùng ông vượt thoát và tìm vào Thanh Hóa phò Lê Lợi.

Ca dao cũng có những câu nói lên tinh thần của người Việt ta chuộng chữ nghĩa hơn của cải:

Chẳng tham ruộng cả, ao liền
Chỉ tham cái bút, cái nghiên anh đồ

Và, giấc mơ đẹp nhất chung của các cô là:

Võng anh đi trước, võng nàng theo sau

Và cho mãi tới thế kỷ thứ 19, các cô vẫn còn nói:

Phi cao đẳng bất thành phu phụ

Và còn hăm he:

Nếu chưa thi đậu thì chưa động phòng

Trong quá trình tự chủ từ thời Nhà Ngô đến triều đại Nguyễn dài khoảng 1000 năm, nước ta đã có tới 185 khóa thi với 2906 người đỗ trong đó có 56 Trạng Nguyên tức là các Tiến Sĩ vào Thi Ðình và được nhà vua tuyển chọn. Riêng Ðời Nhà Nguyễn có lệ không lấy đỗ Trạng Nguyên. Một vài vị nổi tiếng là: Mạc Ðĩnh Chi đậu năm 1304, đời Nhà Trần; Nguyễn Bỉnh Khiêm đậu năm 1535, đời Mạc Thái Tông.

Nhưng điểm nổi bật trong qua trình đấu tranh chống ngoại xâm hay bạo quyền là hầu hết các chiến sĩ đều là thi sĩ xuất sắc. Thi sĩ Trần Quốc Thái (CA) viết trong Lời Mở của thi tập Bài Thơ Trên Cát” của ông:

Tự phân tích bản thân tôi, tôi khám phá ra một điều rất kỳ thú: Cái hồn thi nhân tạo ra cái thần chiến sĩ.... Hầu hết các đại thi hào của dân tộc ta, điển hình là hai thời vàng son, Lý và Trần, đều là những chiến sĩ anh hùng kiêm thi sĩ. Thừa hưởng di thống của tiền nhân, hấp thụ khí thiêng của sông núi, con cháu đời này sang đời khác, đều bẩm sinh là chiến sĩ kiêm thi sĩ.

Thi sĩ Trần Quốc Thái đã qua đời, nhưng lời thơ khảng khái của ông còn đây trong bài “Bức Thư Không Gửi”:

Cha ơi,
Con sẽ về dựng cờ cho lá cây rừng mở hội
Chặt xích xiềng
Cho toàn dân vùng lên hỏi tội
Loài Cộng nô quên gốc cội Tiên Rồng

Và trong bài “Ta Vẫn Là Ta”, thi sĩ viết:

Giáng bút thơ bay rợp khắp trời
Tuy già khí lực vẫn còn tươi
Tóc bồng lộng gió trời phiêu lãng
Ta vẫn là ta với tuổi đời

Nói tới những dòng thơ khảng khái, không thể không nói tới 4 câu thơ trong bài Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt khi ông muốn khẳng định với Nhà Tống xâm lăng rằng:

Nam Quốc Sơn Hà

Nam quốc sơn hà Nam Ðế cư
Tuyệt nhiên phận định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Dịch là:

Giang San Nước Nam

Sông núi nước Nam, Nam Ðế ngự
Rõ ràng số định trong thiên thư
Cớ sao nghịch tặc lại xâm phạm?
Sẽ thấy rồi đây chuốc bại nhừ
(Hải Bằng.HDB)

Những câu thơ đó quả đã làm nức lòng toàn quân sĩ dẫn đến cuộc đại thắng quân Tống trên Sông Như Nguyệt (Sông Cầu) năm 1077.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ, danh tướng Trần Bình Trọng khảng khái nói với Thoát Hoan: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm là vương đất Bắc.”

Khi quân Nhà Minh sang xâm chiếm nước ta, thi sĩ Ðặng Dung để lại những câu thơ rất cảm kích:

Quốc thù vị phục đầu tiên bạch
Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma

Dịch:

Thù nước chưa đền đầu đã bạc
Dưới trăng mài kiếm biết bao phen!

Thi sĩ Nguyễn Trãi giúp Lê Lợi kêu gọi toàn dân đoàn kết chống quân Minh bằng bài hịch “Bình Ngô Ðại Cáo” có câu:

Lấy đại nghĩa thắng hung tàn
Lấy chí nhân thay cường bạo

Trong cuộc chống Pháp, Nguyễn Thái Học có câu: “Không thành công cũng thành nhân”. Và, trước khi lên đoạn đầu đài vào ngày 17 tháng Sáu, 1930 tại Yên Bái, Nguyễn Thái Học đã khảng khái ngâm:

Chết vì Tổ Quốc
Chết vinh quang
Lòng ta sung sướng
Trí ta nhẹ nhàng

Nguyễn Khắc Nhu, chiến hữu của Nguyễn Thái Học nói với người Pháp: “Tôi là người Việt Nam có bổn phận phải bảo vệ đất nước Việt Nam. Ðó là việc hợp với lẽ phải và nhân đạo. Sao lại bảo là làm loạn?”

Nguyễn Thị Giang, đồng chí và cũng là người yêu của Nguyễn Thái Học, đã tự tử cùng ngày Nguyễn Thái Học bị lên máy chém và để lại thư tuyệt mệnh: “Phải chịu đựng nhục nhã mới có ngày mong được vẻ vang. Các bạn đồng chí phải sống để đánh đổ cường quyền mà cứu lấy đồng bào đau khổ.”

Nhà Cách Mạng XY Thái Dịch Lý Ðông A, đảng trưởng Ðảng Duy Dân, viết trong các thi phẩm Ðạo Trường Ngâm và Huyết Hoa:

Nếu chúng ta đồng tâm tất cả
Lấy máu đào tươi thắm tưới cho hoa
Máu ươm hoa, hoa máu chan hòa
Hoa sẽ nở muôn nhà muôn vạn đóa
Hoa Hạnh Phúc, hoa Tự Do vô giá
Máu căm hờn phun đẫm mới đâm bông
(Ðồng Lầy, Lý Ðông A)

Ngày 30 tháng 4, 1975, nhiều quân, cán, chính VNCH đã chọn cái chết hơn là đầu hàng Cộng Sản, trong số đó có cac Tướng Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, và Lê Nguyên Vỹ đã tuẫn tiết cho tròn với châm ngôn: Tổ Quốc – Danh Dự - Trách Nhiệm.

Tướng Lê Nguyên Vỹ nói những lời cuối cùng: “Tôi nghĩ thân làm tướng là phần nào đã hưởng vinh dự và ân huệ của quốc gia hơn các anh em nên tôi đã nghĩ đến một lối đi riêng cho cá nhân tôi.”
~*~

Trong các trại tù cải tạo sau năm 30 tháng 4, 1975, một số tù nhân đã khẳng khái phản đối những lời buộc tội của Cộng Sản. Chẳng hạn, để trả lời cho câu buộc tội “đi lính cho Mỹ-Ngụy”, một số các anh em đã khảng khái đứng dậy trình bày trước buổi học tập, đại ý nói rằng: “Chúng tôi sinh sống ở Miền Nam, chúng tôi phải tuân hành luật pháp, phải làm tròn bổn phận công dân cũng như các anh ở Miền Bắc phải làm theo luật lệ của nhà nước Cộng Sản. Tuân hành pháp luật không phải là tội.”

Tiêu biểu riêng cho giới trí thức bị cải tạo là Luật Sư Trần Văn Tuyên (1913 - 1976, Tuyên Quang), người đã tiếp tục nêu cao Tinh Thần Nguyễn Thái Học.

LS Tuyên bị đưa vào trại cải tạo Long Thành ngày 16/5/75. Trong bản tự thú tội mà trong trại giam Cộng sản gọi là bản “thu hoạch” sau mỗi bài học tập, LS Tuyên ghi: “Xét quá trình hoạt động, tôi không thấy có tội gì đối với nhân dân Việt Nam. Nếu có tội thì đó là cái nhìn của đảng Cộng Sản Việt Nam.”

LS Tuyên sau đó bị giải ra ngoài Bắc giam ở Trại Hà Sơn Bình (Hà Tây cũ) và đã bị Cộng Sản đầu độc vào ngày 28/10/76 khi LS định trình bầy các tội ác của Hồ Chí Minh thay vì trình bày về các đảng phái ở miền Nam như CS muốn.
*
Những dòng thơ khảng khái trong văn học còn rất nhiều. Và, hiện nay, trong nước đã dấy lên nhiều phong trào thơ ca yêu nước chống Trung Cộng bành trướng tiêu biểu là nhạc sĩ Việt Khang.

 

Hải Bằng HDB

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com